Giới Thiệu Một Biểu Tượng Văn Minh và Văn Hóa Pháp Thư Viện Quốc Gia Pháp: La Bibliothèque Nationale de France (BnF) Du Lịch Trong Lòng Một Kỳ Quan
Thân tặng những người yêu sách, và yêu đọc sách.
2015 nầy là năm sanh thứ 20 của Thư Viện Quốc Gia Pháp – La BnF (La Bibliothèque Nationale de France). Thư Viện được kiến trúc như một « Thành phố – Sách », được quản trị như một Xí nghiệp Sách, là nơi hoạt động, sanh hoạt của cả ngàn khách sử dụng sách và tài liệu : từ nghiên cứu sanh, sanh viên, đến bạn đọc đến tìm đọc sách báo « chùa », cũng là công sở làm việc của cả ngàn công chức nhơn viên sách và tài liệu, các quản thủ, các thủ kho, các chuyên viên bảo trì sách, tân trang sách và có …cả lính cứu hỏa !
Đầu Xuân xin mời các bạn cùng chúng tôi du ngoạn viếng kỳ quan nầy :
1. 2.500 Nhơn Viên Phục Vụ 1.200.000 Khách
Thư Viện Quốc Gia Pháp, La BnF tọa lạc tại khu Tolbiac, quân 13, thành phố Paris thật là một kỳ quan, với những con số kỷ lục đối với một Thư Viện :
– 200 ngàn thước vuông hữu dụng trên 350 ngàn thước vuông toàn diện tích. Một phòng đọc sách rộng 54 ngàn thước vuông với 32 ngàn chổ ngồi chia thành 24 khu vực chuyên ngành.
– 180 ngàn thước khối bê tông hoàn thành kiến trúc. 81 thang máy-ascenseurs, 16 thang chuyền-escalators, 408 nhà vệ sinh rãi đều cho bốn toàn nhà cao 22 tầng, tạo bốn cột, nằm bốn góc địa hình.
– Thư Viện Quốc Gia Pháp-BnF xài năng lượng điện tương đương một thành phố 15 ngàn dân. « Nguồn điện được tiếp tế bởi hai nhà máy điện lực nguyên tử» Dominique Perrault, vị kiến trúc sư, cha đẻ của công trình nói : « Cái nguy hiểm đầu tiên là hỏa hoạn. Chúng tôi nghĩ đến việc quan trọng nhứt là các nhà kho chứa sách, thiết kế làm sao khi có lữa ở một nhà kho, nó phải tự động tự chữa cháy độc lập ».
– 2500 nhơn viên
– Ngân sách 200 triệu euros một năm, lớn nhứt cho một trung tâm văn hóa Pháp ! ».
– Hằng năm, BnF tiếp 1 triệu 200 ngàn du khách.
– Riêng website Gallica, trên internet, website của BnF, năm qua 2014, đã nhận 11 triệu khách sử dụng.
BnF là một con khủng long với một bao tử khổng lổ chất chứa tất cả những sản phẩm xuất sanh từ mọi nguồn thông tin, qua mọi diễn tả tư tưởng, từ viết, đến hội họa hay phóng ảnh, nhiếp ảnh. Vì vậy Thư Viện Quốc Gia Pháp, La Bibliothèque de France, với tên tắt BnF được khách sử dụng chế biến thành từ tắt MnF– le Monstre national de France, Con Khủng Long xứ Pháp.
Nói đến Thư Viện là nói đến Sách, nói đến tài liệu viết trên giấy, vậy thì Thư Viện BnF có bao nhiêu sách ? Bao nhiêu tài liệu giấy ? Xin trả lời : Một con số không tưởng tượng được : BnF có 40 triệu tài liệu, với 14 triệu sách và tài liệu in, 13 triệu tranh hình, 250 ngàn tài liệu viết tay – manuscrits, 360 ngàn báo ra hạn kỳ, tuần báo hay nguyệt báo, và các bản đồ, bản nhạc, giấy bạc-banknotes-monnaies, huy chương, giấy khen thưởng, có cả các biên lai-quittance thuê mướn nhà hay khác, (một thí dụ : tại Văn Khố Trung Ương thuộc sự quản trị của BnF đường Oudinot Paris, người có thể tìm thấy « Biên lại Tiền Hụi » in tại Sài gòn trước năm 1954), vidéos, còn có cả những décors tuồng, kịch- bức màn fond bằng giấy của những tuồng hát, nhạc kịch, và kể cả những quần áo của các vỡ nhạc kịch, … và như vậy thường trực tiếp nhận vào mỗi ngày, sắp, ghi nhận, đánh số danh mục, đưa vào sổ tài liệu, nhập vào kho, tồn trử, bảo trì, sửa chữa, tân trang.
Ấy là chưa kể 200 ngàn sách quý được đưa vào cất riêng vào nhà Kho đặc biệt thượng hạng gọi là La Réserve (viết hoa). Tính chung là 400 cây số đường quầy hàng – linéaires. Số đường quầy hàng nầy mỗi năm, mỗi tiến thêm 8 cây số. Tất cả 22 tầng lầu của bốn tòa nhà lầu, 88 tần tất cả, ngày nay chưa hoàn toàn đầy ngập, nhưng vị Giám đốc đương nhiệm Bruno Racine biết trước rằng ngay từ bây giờ, phải bắt đầu suy nghĩ một giải pháp cho các năm tới.
Tất cả do cái tội, do cái sứ mạng nghề nghiệp, bởi một cái luật lâu đời biến thành thói quen thủ tục của ngành văn khố Pháp, luật « dépôt légal- nộp bản (pháp định) ». Một cái luật rất văn minh, đầy thiên tài của xứ Pháp. Nhưng cái luật-thủ tục ấy cũng là cái kẹt giỏ, cái nhức đầu rất nghề nghiệp, cho các nhơn viên các thư viện, các văn khố của xứ Pháp và đặc biệt của BnF, là chẳng những phải lưu giữ tất cả những tài liệu vì tánh cách lịch sử in ấn cũ đã đành, mà còn phải kẹt trong cái luật-thủ tục « dépôt légal-nộp bản » nầy ! ( Dân cựu làm báo hay làm nhà in, hay nhà xuất bản của thời Việt Nam Cộng Hòa mình đều biết cái luật nầy. Ở Sài gòn và miền Nam ta hồi đó, nghề báo chí, in ấn, viết lách, vẫn giữ cái luật rất « thời Tây » nầy là, nếu là báo nộp ba bổn, thêm nhà in cũng nộp ba bổn, còn nếu ra sách thì nhà xuất bản cũng nộp ba bổn. Hình như 1 cho Văn khố, một cho Nha Thông Tin, một cho Cảnh sát ? Ai biết xin bổ túc, bổn nhơn đôi lời cảm tạ). Luật xuất bản in ấn của thời Việt Nam Cộng Hòa mình cũng y như thời Tây thuộc. Thủ tục « nộp bản» ở xứ Tây, thời nay vẫn y vậy, vẫn phải lưu phải giữ, ở Thư Viện Quốc Gia Pháp. « Kể cả những tờ truyền đơn, hay cả những báo miễn phí, ngay cả loại quảng cáo thường thường chúng ta nhận được ở thùng thơ và vứt đi !» anh Jean Velly, trưởng nhóm thủ kho cắt nghĩa : « Tất cả các báo, kể cả những số báo địa phương, kể cả báo đặc biệt của vùng đều phải « nộp bản » ở Thư Viện. Hôm qua, chúng tôi có một cuộc họp để quyết định xem có cần phải lưu giữ những tặng phẩm in, hình, do các báo chí trẻ con kèm bán quảng cáo. Tất cả đồng ý quyết định phải lưu giữ tất cả. Và phải đánh danh mục rõ ràng tất cả những ca-đô quảng cáo ấy ! » (Nhờ luật-thủ tục « dépôt légal » ấy mà ngày nay tất cả những tài liệu in ấn, báo chí, sách giáo dục, tiểu thuyết, biên lai, giấy mời, in thời Tây thuộc ở xứ ta, ngày nay, chúng ta đều có thể tìm được ở các Thư Viện, các Văn Khố ở xứ Pháp – kể cả những luận án, nghiên cứu của Đại Học Đông Dương Hà Nội. Một thí dụ : Cũng tại Văn Khố Trung Ương đường Oudinot, Paris, các bạn có thể tìm đọc cuốn Phạm Công Cúc Hoa bằng chữ nôm. Sách được giữ trong một hộp kiếng, trong không khí bảo hòa, vô nhiểm, độ ẩm đều hòa. Muốn mượn đọc, thủ kho mang găng tay trao, người đọc măng găng tay nhận, ngồi đọc tại chổ trong phòng riêng điều hòa không khí, độ ẩm bảo hòa).
Chính cách lưu giữ những in ấn báo chí ấy đã biến những hãnh diện của ngành quản thù thư viện thành những thế kẹt, những bài toán nhức đầu của đội ngũ 500 thủ kho của BnF phải « quản trị » cả ngàn cây số quầy hàng mỗi ngày. « Lúc thi tuyển để vào nghề Thủ kho Thư Viện, các Thầy chỉ ra bài toán là phải giải đáp quản trị 200 thước quầy hàng.Đến lúc nhập cuộc, thi đậu vào nghề, nhập Thư Viện Quốc Gia Pháp-BnF, bài toán hằng ngày phải giải quyết là 6000 thước» anh Velly nói tiếp.
Nơi làm việc của những thủ kho, tựa như một cái trạm (xe lữa) với những chuyên ngành : sách, loại gì, truyện loại gì, báo loại gì. Mỗi khi có yêu cầu, thí dụ một độc giả cần một cuốn sách. Trước hết, đưa tất cả chi tiết yêu cầu vào điện toán : điện toán chuyển ngay đến trạm chuyên ngành sau khi tiếp nhận, định vị rõ vị trí sách. Thủ kho của trạm, đến lấy sách, trám vào chổ sách một tấm giữ chổ trống (được đặt tên là « le fantôme– Con ma »). Sách sẽ được để vào giỏ của hệ thống TAD (Transport automatique des documents- Chuyên chở tự động các tài liệu). Sách qua hệ thống TAD đưa đến tận tay người khách.
2. Hệ Thống Chuyên Chở Tự Động Các Tài Liệu
355 Cái Giỏ Chạy Trên Đường Rầy :
TAD : Hãy tưởng tượng một hệ thống các toa treo của các hệ thống chuyên chở bằng giây cáp treo miền núi. TAD gồm 355 giỏ treo chạy trên đường rầy, chạy ngang, chạy dọc, chạy lên, chạy xuống toàn bộ Tòa Thư Viện BnF. Hệ thống dài 7550 thước, với 426 bẻ-ghi-aiguillages để điều khiển, lái dẫn, chuyển tất cả những tài liệu từ bất cứ nơi phát nào đền nơi bất cứ đích nào. Suốt ngày, các giỏ chạy đi tìm sách, và sau khi sách được anh thủ kho phát ra, TAD chạy mang giao tận tay độc giả. Khi trả về cũng vậy.
Trong các kho, các sách báo được sắp đặt trong những chiếc tủ đặc biệt, đúng kích đúng thước. Các báo hạn kỳ cũng được sắp vào các hộp đúng kích thước, do các thủ kho kiến tạo. Đủ mọi báo chí, từ báo ngoại quốc như tờ « Sự Thật Cộng sản Liên Sô La Pravda, hay tờ báo làng « Journal de Civray », một làng cạnh làng Montmorillon, Hồi Nhơn Sơn của người viết. từ toàn bộ báo « Courrier cauchois » của nhà xuất bản Fécamp, Goderville và Criquetot nay đã đình bản, hay những số báo do các con chiên Nhà thờ Đức Mẹ Gravechon … (Ngày nay, tại Pháp, người Việt Nam có thể tìm đọc toàn bộ các số của tuần báo Phong Hóa, hay Ngày Nay hay Nhựt trình Thành Chung, hay tờ Tiếng Chuông Rè- La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh).
« Cách sắp đặt lưu giữ là theo kích thước các tài liệu : grand-in-folio, in-folio, in-quarto và in-octavo, (nói theo khổ giấy, nguyên tờ, nửa tờ, xếp tư, xếp tám). Sau kích thước đến bề dày cũng rất quan trọng. Phải chừa làm sao trên quầy sắp đủ nguyên bộ báo. Chúng tôi lấy đơn vị là một tờ báo sống 10 năm (khoảng chừa trống cho 10 báo). Với một cuốn sách chả sao ! Nhưng nếu là một nhựt báo, hay tuần báo, rủi nó chết yểu. Khoảng trống còn lại, là một chuyện nhức đầu ! Phải sắp xếp thứ tự lại. Ngày nay chuyện ấy thường lắm. »
Tại một « kho » khác, trên một lầu khác, Jean Marc Czaplinski, trù trì một kho dù ng làm « data center ». « Center » là đúng vì là trung tâm, vì đây là « quả tim » của BnF. Nơi đây chỉ có một số nhơn viên chọn lọc. Vì đây là « tủ sắt » của toàn « bộ trí nhớ điện tử » của Thư Viện. Vì tại đây, tất cả mọi tài liệu « giấy » đều được chuyển thành tài liệu « điện tử », « tài liệu số ». Ở đây không thầy sách, chỉ thầy những « đĩa cứng » đang quay vùn vụt, trong một căn phòng được điều hòa không khí. « Mỗi tài liệu được sao lại ba lần dưới dạng điện tử, trên ba «vật liệu chuyên chở » khác nhau. Một bản trên « đĩa cứng », và hai bản trên « băng nhựa từ tính-bandes magnétiques », để tránh mọi tai nạn ». Và nhứt định không gởi vào một hệ thống cất giữ clouds nào của tư nhơn. « Không biết bao nhiểu hảng xưởng đến đề nghị giúp đở Thư Viện để lưu giữ tài liệu. Nhưng chúng tôi quyết giữ cái độc lập và tự chủ của chúng tôi. Và chúng tôi vẫn giữ tài liệu trên băng nhựa từ tính, mặc dù thiên hạ chê là cổ-lổ-xĩ, nhưng đối với chúng tôi đấy là một vật liệu vừa rẽ tiền nhứt và cũng vừa hạp môi trường nhứt». Những máy thu băng, thu đĩa điện tử ở đây đều được mang tên, rất văn học nghệ thuật, toàn là tên các tác giả lớn : Vian, Villon, …
3. Trí Nhớ Điện Tử của Đất Pháp
Thật là một nghịch lý ! Cất một toà nhà khổng lồ, nhưng khi chuyển qua điện tử, tất cả chỉ chứa vừa một tòa nhà nho nhỏ độ 500 mét vuông thôi ! Thật vậy, ngày nay, với tân tiến của kỹ thuật thu nhỏ lại-miniaturisation các linh kiện điện tử, các máy thu giữ các dử kiện hay tài liệu có thể chứa đến vài chục pétraoctets (1 pétraoctet= 1 ngàn tétraoctets).
Ngày nay, kỹ thuật mới, thì tai họa mới : bọn tin tặc, bọn giặc điện tử – hackers. Phải tạo những bức tường lữa để bảo vệ những dử kiện và tài liệu. « Nhưng cũng có cái may là Thư Viện chỉ là một Cơ quan Văn Hóa, không có tính cách thương mại nên các tên tin tặc, các tên giặc điện tử không thèm để ý đến ».
Ngày nay, thế giới điện tử cũng buộc Thư Viện có một sứ mạng mới, là phải lưu giữ mọi tàng tích của tất cả các websites có từ thuở khởi thủy mạng internet. Vì không đự tính, nên khi phải hoàn thành sứ mạng, BnF bắt buộc phải mua lại của một Website Huê kỳ toàn bộ trí nhớ về những websites có từ thời sơ khai đến năm 2006 « Giá bán gần 100 ngàn euros cho mỗi năm cất giữ ». Mắc rẽ ? Đành chịu vậy thôi ! Ngoài ra, công việc điện tử hóa các tài liệu rất nặng nề, phải mướn thêm các hảng tư chụp quét lại những tài liệu hay sách loại bình thường. Riêng BnF giữ phần những tài liệu quý giá, hay cần bảo mật.
Như cô Elisabeth, sáng nay tại xưởng làm việc của cô, đang sang chụp một tài liệu quý có từ thời Trung Cổ, với một « máy quét » khá xưa. Một cuốn sách đang nằm chờ tới phiên mình, sách được « minh họa-enluminé » do tu sĩ Guillaume Budé viết cho Vua Louis XII, « Về Vai trò Làm Chúa-De l’institution du Prince ». Tài liệu nào được đánh giá là quý giá ? Sự hiếm hoi. Tại một xưởng bảo trì, các chuyên viên đang, như trang điểm, sửa chữa từng dấu ấn-sceau một, (66 tất cả) của bảng Hiệp Ước Cambrai, bằng những cọ lông. Ở xưởng cạnh bên, một nhóm chuyên viên khác đang lo tu chỉnh một tài liệu trên giấy. Đấy là bản văn bằng tiếng ả-rạp, của Aristote, nhà hiền triết hy-lạp thời cổ đại, chữ viết bằng mực (có chứa ốc-xy sắt) đã nhòe với thời gian…Xưởng kế cạnh, Jacques Sicre, chuyên viên đóng sách –relieur, hãnh diện khoe với chúng tôi tập bản dầy cộm, « Đây là bản viết bằng tay – manuscrit, của tập 1 của truyện « Những kẻ khốn cùng-Les Misérables » của Victor Hugo. Mực đang ăn dần vào giấy, vì giấy phẩm chất xấu ! Phải sửa chữa».
4. 250 Cây Số Đường Ống Nước
Viếng Thư Viện, chúng tôi đi trong một bầu không khí nghề nghiệp, lẫn lộn một sự hãnh diện nào đó. Một hãnh diện thật khó tả, nhưng lộ hẳn, rõ ràng trên mỗi khuôn mặt. Họ thật sự sống với một đam mê. Phải, đam mê, họ say nghề, họ yêu nghiệp, họ yêu, họ mê Sách và tất cả những vật liệu dính dáng đến văn và đến viết, đến in, đến ấn, đến giấy, đến mực ! Phải nói, đây là Thánh Đường của Nghề Viết, mỗi nhơn viên là một anh tu sĩ. Đứng đầu là Ông Giám Đốc Bruno Racine.Bruno Racine, 7 năm đứng đầu BnF, là một cựu Giám Đốc của Thư Viện Pompidou, Paris. Vừa là một Thư Viện, vừa là một Trung Tâm Văn Hóa, Le Centre Pompidou cũng là một Kỳ quan Kiến trúc của thành phố Paris. (Ông Ba vợ của người viết, René Fillet cũng là một cựu Giám đốc của Thư Viện Công Cộng và Thông Tin lớn nhứt đất Pháp, La BPI-Bibliothèque Publique et d’Information Pompidou, Paris. Ông phục vụ từ năm 1977 đến 1983 trước khi về hưu).
Tuy là nhiều năm trong nghề quản thủ Thư Viện, Giám Đốc Racine vẫn còn vướng víu bởi ấn tượng khổng lồ của BnF. « BNF đã thay đổi tầm vóc các Thư Viện, đã đưa các kiến trúc Thư Viện vào một tỷ lệ khác. Khi chúng ta nhìn vào các phòng đọc sách của BnF, chúng ta thưởng thức vẻ đẹp có nó, nhưng chúng ta cũng bị một cái gì nghiêm trang, to lớn đè bẹp chúng ta. Ấy là cảm tưởng nghiêm trang lọng trọng của Thánh đường. Chúng tôi vẫn bị chỉ trích về cái ấn tượng ấy. Vì vậy, ngày hôm nay, chúng tôi đang cố gắng tạo một không khí thoải mái, gia đình, ấm cúng thân mật hơn cho các độc giả » Bruno Racine tâm sự với chúng tôi. « Với 20 tuổi đời, các công sự cũng bắt đầu có những yếu điểm. Sách, giấy sợ Lữa đã đành, nhưng cũng sợ Nước. Với 250 cây số đường ống, hệ thống nước là một yếu điểm của kiến trúc. Một ngân khoản mới vừa được dành cho chúng tôi để tân trang bảo trì hệ thống nước ».
Ngày nay, với internet, với thông tin điện tử. Một Thư Viện khổng lồ kiểu xưa, đọc sách tại chổ như BnF nầy, có còn cần thiết không ?
Theo Giám đốc Racine : «Dỉ nhiên, tôi có nhận xét một sự hao mòn nào đó của con số các độc giả có mặt hằng ngày. Thế nhưng, mỗi lần mở thêm một khu vực mới, thì chẳng chốc lại chật chổ. Tôi cứ nghĩ là mẫu Thư Viện phổ thông, BnF ngày nay đã đạt tròn sứ mạng. Thế nhưng, theo thiển nghĩ, vì chúng ta chưa hoàn toàn điện tử hóa tất cả các tái liệu, vã lại, vẫn còn một khu vực lớn các tài liệu không thể đưa lên mạng được mà phải đọc và nghiên cứu tại chổ, nên BnF vẫn có chổ đứng của nó !».
Ngày nay, các nghiên cứu sanh có thể tìm trên mạng, vào data.bnf.fr, để đi tìm mọi tài liệu, dử kiện để tham khảo, nghiên cứu (khoảng 3 triệu 500 ngàn). Nhiều hơn, chuyên môn hơn website BnF dành cho công cộng, Gallica (chỉ khoảng 3 triệu dử kiện).
Một không khí khá đặc biệt khác nếu chúng ta đến thăm La Réserve, kho tàng đặc biệt. Jean-Marc Chatelain, anh thủ kho cho chúng tôi xem một sách quý-incunable (sách in bằng bảng mộc trước năm 1501) thời Trung Cồ (một trong hai bảng đẹp nhứt thế giới, cái kia hiện ở Bristish Library, London), hay những ấn phẩm đặc biệt, hay đầu tiên. Giám đốc Chatelain, với 20 trong nghề quản thủ (Conservateur) bày cho chúng tôi xem những chiếc hộp bí mật. Cà Giám đốc Bruno Racine, người số một của BnF cũng chưa bao giờ nhìn thấy : Tập thơ in đầu tiên của François Villon (in năm 1484) « Chỉ còn 3 Tập trên thế giới thôi, ở đây có 2 Tập ». Một sách khác khá quý giá : Bộ Kinh Thánh-Bible đầu tiên in bởi Gutenberg, người phát minh ra máy in, hiện còn 40 tập trên thế giới. Một hộp khác đồ sộ, bức họa đồ Atlas của Mặt Trăng in đầu tiên với những tranh minh họa duy nhứt vẽ bằng tay. Tập nầy do Johannes Hevelius, nhà thiên văn học người Ba lan, được Nhà Vua Mặt Trời Louis XIV nuôi dưởng tặng Nhà Vua để cám ơn. Giám đốc Chatelain cho chúng tôi xem tiếp cái «đinh» của kho : Tập Tragédies – Bi kịch, của các văn hào và triết gia hy lạp cổ, Sophocle và Euripide, với thủ bút của nhà viết kịch Jean Racine của thế kỷ 17 Pháp, viết bên lề. Và cuốn sách của Saint Simon ? Đại văn hào Pháp thế kỷ 17, bị một anh du côn hý hoáy, nguệch ngoạc lời bàn trên các trang. Anh du côn ấy lại tên Stendhal, nhà văn lớn của Pháp…
5. Và Một Trại Lính Cứu Hỏa
Còn gì mới lạ không ? « Có thể, Chatelain trả lời, tuần qua tôi lục lạo, tìm thấy trên một kệ sách, một cuốn sách cũ, rất bình thường. Mở xem, cuốn Rinaldo của Tasse. Bình thường thôi, thế kỷ thứ XVI, nhưng khi lật ra xem, có dấu ấn « ex-libris » của nhà văn Montaigne ! ». Trở lại phòng đọc sách. Không khí trầm lắng, hiếu học, êm ả. Có chi bất thường không ? « Hiếm lắm ! » Bruno Racine trả lời. « Có, hôm nọ, có hai độc giả người Nhựt bất mãn, khi nhìn thấy bầy vịt tung tăng trên vườn ở giữa các nhà cao tầng. Họ yêu cầu chúng tôi phải thiết kế một hồ nước, và một vườn riêng cho bầy vịt được thoải mái. Tôi hẹn sẽ nghiên cứu yêu cầu họ ».
Ban đêm, cả Thư Viện vắng tanh, đây là thế giới của đội lính Cứu hỏa.
Đội Cứu Hỏa thường trực 63 nhơn viên làm ngày và 16 trực đêm. Họ có riêng một khu vực, với phòng tắm, một phòng đọc sách xem TiVi, và có cả một phòng banh bàn để giải trí.
Chừng nào Việt Nam? Thấy mà Ham!
Hồi Nhơn Sơn, Những ngày đầu Xuân.
Viết phỏng theo Phóng sự của Didier Jacob (Tuần Báo Nouvelle Observateur, số 2624 tuần 19/25 tháng 2 năm 2015)
Phan Văn Song, TS