Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tại lễ bế mạc Đại hội lần thứ 11 của Đảng, Hà Nội ngày 19/01/2011.REUTERS/Kham
Ngày 21/12/2015, sau khi kết thúc hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông báo là Đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ diễn ra từ ngày 21/01 đến 28/01/2016. Đây sẽ là một Đại hội mang tính chất quyết định cho tương lai của Việt Nam, với câu hỏi lớn đang được đặt ra : Chế độ Hà Nội có thoát ra được vòng ảnh hưởng của Trung Quốc để nghiêng hẳn sang phương Tây hay không ?
Được tổ chức 5 năm một lần, Đại hội Đảng sẽ bầu ra ban lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam : Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch nước và Thủ tướng. Cả ba nhà lãnh đạo hiện nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều đã cầm quyền nhiệm kỳ cuối cùng và như vậy trên nguyên tắc sẽ được thay thế bằng một ban lãnh đạo mới.
Tuy nhiên, vẫn có những lời đồn đoán về việc ông Nguyễn Tấn Dũng đang ngấp nghé chiếc ghế Tổng bí thư, cũng như đang vận động đưa những người thân cận của ông vào Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương. Chính là do đấu đá nội bộ giữa phe ông Dũng với phe ông Trọng quá gay gắt mà mãi cho tới hôm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam mới quyết định được ngày tổ chức Đại hội. Và phải đợi đến hội nghị trung ương lần thứ 14, có lẽ là vào đầu tháng 01/2016, vấn đề nhân sự lãnh đạo cấp cao mới ngã ngũ.
Đại hội Đảng lần tới trước hết sẽ quyết định về chính sách kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới, đặc biệt là về việc cải tổ khu vực Nhà nước trong một nền kinh tế « thị trường Xã hội chủ nghĩa », vào lúc Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, nhất là với việc ký kết hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Về mặt chính trị thì không ai trông chờ những cải cách sâu rộng, vì Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn là sẽ tiếp tục nắm độc quyền lãnh đạo, không chấp nhận dân chủ đa đảng, cho dù phe gọi là phe « cải cách » chiếm thế thượng phong sau Đại hội Đảng.
Nhưng Đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc vẫn rất căng thẳng do tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Cho tới nay, khi nói về nội bộ lãnh đạo Việt Nam, giới quan sát thường chia họ thành hai phe, phe thân Trung Quốc và phe thân Mỹ.
Nhưng sự phân biệt đó dường như không còn chính xác nữa kể từ sau chuyến viếng thăm Hoa Kỳ cách đây 6 tháng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhân vật vẫn được cho là bảo thủ và thân Trung Quốc. Khi tiếp ông Trọng, Tổng thống Barack Obama đã bảo đảm là Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, tức là sẽ không có chuyện Mỹ làm « diễn biến hòa bình » lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Có thể nói là hiện nay Hà Nội tin tưởng vào Washington hơn là vào Bắc Kinh, nhưng Việt Nam vẫn chưa thật sự nghiêng hẳn về phía Mỹ. Đại hội Đảng kỳ tới sẽ quyết định xem Việt Nam có sẽ thật sự « xoay trục » sang phương Tây hay không và điều này tùy thuộc vào tương quan lực lượng trong ban lãnh đạo mới của Đảng. Theo xu thế như hiện nay thì phe cải tổ có vẻ sẽ thắng thế. Ông Nguyễn Tấn Dũng được cho là có sự ủng hộ của Ban Chấp hành Trung ương và của giới doanh nghiệp trong cuộc chạy đua giành chức Tổng bí thư Đảng.
Nếu thật sự sau Đại hội, ban lãnh đạo Đảng có một tiếng nói đồng nhất theo hướng nghiêng hẳn về Hoa Kỳ thì Hà Nội sẽ có thể thương lượng với Bắc Kinh ở thế mạnh hơn, chứ không bị lép vế như hiện nay. Hiện giờ Việt Nam vẫn đang cố đạt một giải pháp ổn thỏa để có thể sống yên thân với láng giềng khổng lồ Trung Quốc lúc nào cũng mang tham vọng bành trướng.
Nhưng giới lãnh đạo Hà Nội cũng ý thức được rằng cũng khó mà tránh khỏi xung đột quân sự với Trung Quốc. Để chuẩn bị cho tình huống đó, Việt Nam chỉ có thể dựa vào Hoa Kỳ và phương Tây nói chung để tăng cường tiềm lực quân sự. Như vậy, Đại hội Đảng lần tới không chỉ quyết định cho tương lai của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước, đó là tùy thuộc vào đường lối ngoại giao của ban lãnh đạo mới.
Thanh Phương