Bài viết được đăng lần đầu tiên trên tờ Cosmopolitan vào tháng 8/2004 với tựa đề “Cô ấy có con với kẻ hãm hiếp mình”. Câu chuyện kể về cuộc đời của Jora Trang – một phụ nữ gốc Việt có thai với kẻ hãm hiếp mình năm 12 tuổi.
Câu chuyện của Jora
Jora Trang là một luật sư về quyền dân sự, 33 tuổi ở San Francisco.
Sự ra đời của đứa con gái là trải nghiệm tuyệt vời nhất cuộc đời tôi. Bác sĩ trao cho tôi đứa bé, con bé trông thật hoàn hảo. Không có lời nào có thể diễn tả được niềm vui sướng của tôi lúc đó. Nhưng khi nhìn về phía mẹ và dì tôi đang đứng ở góc phòng sinh, tôi thấy sự đau đớn trên khuôn mặt họ. Tôi hiểu việc nhìn đứa con 12 tuổi sinh nở khó khăn đến nhường nào đối với họ. Sau khi sinh con gái, tôi được bảo rằng phải giới thiệu chúng tôi là chị em để tránh những chỉ trích, dè bỉu. Vì gia đình, tôi chấp nhận điều đó.
Tôi bị hãm hiếp khi đang ở trong phòng tắm của trường vào một buổi sáng. Lúc đó tôi 11 tuổi. Thực sự, tôi không nhớ nhiều về vụ tấn công. Tôi biết tôi cảm thấy khó chịu và không hiểu những gì đang xảy ra, nhưng tôi cũng không biết phải làm gì để chống lại. Tôi không khóc hay la hét, mà chỉ nhắm chặt mắt. Tôi ngồi lì trong phòng tắm suốt ngày hôm đó, cảm thấy bẩn thỉu và bối rối. Sau ngày hôm đó, tôi quên đi những gì đã xảy ra và không kể cho bất kỳ ai. Phải mất nhiều năm tôi mới hiểu rằng mình đã bị hãm hiếp.
Lúc đó, tôi không biết mình có thể có bầu vì những gì đã xảy ra. Tôi thậm chí còn không biết có bầu là như thế nào. Vài tháng sau, ngực và mông tôi bắt đầu to hơn, nhưng tôi chỉ nghĩ mình đang phát triển giống như các bạn. Sau đó, khoảng 5 tháng sau, tôi cảm thấy có gì đó đang chuyển động trong bụng. Tôi sợ sệt nói với bố mẹ. Họ đưa tôi tới gặp bác sĩ. Nhưng ông ấy chỉ hỏi tôi rất nhiều câu hỏi đầy giận dữ về tôi có bạn trai hay chưa. Tôi cảm thấy vô cùng hoang mang.
Tôi nghĩ rằng mình đã gây ra chuyện gì đó tồi tệ đến mức mọi người phải phản ứng theo cách đó, nhưng tôi vẫn không hề hay biết đó là chuyện gì. Tôi đã hỏi câu gì đó đại loại như “Có chuyện gì vậy?”, nhưng tôi bị chặn lại ngay lập tức, vì thế tôi không bao giờ hỏi lại nữa. Tôi chỉ biết chuyện gì đang xảy ra khi họ đưa tôi đến gặp vị bác sĩ tiếp theo khi phòng khám của ông có những bức ảnh em bé treo trên tường.
Cơ thể tôi ngày càng to hơn và cuối cùng tôi cũng phải nghỉ học. Tôi hiểu rằng việc có thai phải được giữ bí mật. Bố mẹ giấu tôi trong nhà và nói với các anh em của tôi rằng chúng tôi sẽ nhận nuôi một đứa bé. Vì thế chúng chỉ nghĩ rằng tôi đang béo lên. Tôi biết con tôi sẽ được nuôi dạy với tư cách là con của mẹ tôi.
Dù vậy, mang thai vẫn là một trải nghiệm đẹp với tôi. Khi bụng tôi to lên, tôi vô cùng kinh ngạc. Tôi thấy mình xinh đẹp khi có thứ gì đó đang diễn ra trong cơ thể mình. Con gái tôi đạp vào bụng. Tôi đọc sách và chơi nhạc cổ điển cho con bé, vì tôi nghe nói những thứ này có thể giúp con bé thông minh.
Rồi một ngày mẹ tôi đưa tôi tới bệnh viện. Tôi cứ nghĩ rằng vẫn tới gặp bác sĩ như mọi khi, nhưng đó là lúc tôi sinh con. Tôi vỡ ối vào đêm trước, nhưng không hề biết mình sắp sinh. Tôi chẳng nhớ gì đến những đau đớn. Đứa bé của tôi quá dễ thương và hoàn hảo. Theo bản năng, tôi đếm từng ngón chân, ngón tay của con và ngay lập tức dính chặt lấy con bé, mặc dù biết rằng tôi sẽ phải trao con bé cho mẹ. Bà đặt tên con bé là Meggy và nói với tôi: “Hãy quên hết những chuyện này đi và sống cuộc đời của con”.
Nhưng tôi yêu con gái mình, vì thế tôi độc chiếm con bé. Tôi không cho bất cứ ai cơ hội xây dựng mối quan hệ cha mẹ với nó. Tôi nghỉ học 6 tháng đầu tiên để chăm con. Khi tôi đi học trở lại, con bé ở cùng bảo mẫu cả ngày, tôi chỉ chăm sóc con vào các buổi tối. Với mọi người, Meggy là em gái tôi, nhưng tôi luôn xử sự với Meggy như con gái.
Năm 17 tuổi, tôi tới lớp học của con gái để đưa con bé bỏ đi. Cha tôi từng là một người lính trong chiến tranh Việt Nam. Ông luôn hoang tưởng rằng có những âm mưu đang đe dọa cuộc sống của mình. Tôi sợ con gái sẽ không được an toàn khi ở cạnh ông. Vì thế, khi có bằng lái xe, tôi quyết định đã đến lúc phải ra đi.
Đầu tiên, tôi lái xe tới văn phòng lưu trữ của hạt để lấy giấy khai sinh của Meggy. Người ta bảo rằng tôi không có tên trong đó, mà là tên của mẹ tôi. Tôi sợ mình bị nghi bắt cóc trẻ em. Nhưng rõ ràng, tôi là mẹ con bé. Tôi đã lấy cắp gần 1.000 đô la và chìa khóa xe hơi của bố mẹ.
Tôi tới trường con bé vào buổi trưa, nhưng giáo viên nói rằng Meggy không thể đi với tôi. “Tôi là mẹ con bé, tôi sẽ đưa nó đi” – tôi nói. Đó là lần đầu tiên tôi nói ra sự thật đó. Tôi cảm thấy rất tự hào và nhẹ nhõm mặc dù chỉ có giáo viên của Meggy nghe thấy. Sau khi nói với cô giáo của Meggy về ý định tới một nơi nào đó để trú ẩn, cô ấy đã nói chúng tôi có thể sống cùng cô ấy. Chúng tôi ở đó trong 6 tháng. Mặc dù căng thẳng nhưng chúng tôi vẫn học tốt ở trường. Sau đó, chúng tôi chuyển tới San Diego – nơi mà tôi được nhận vào ĐH California. Tôi bắt đầu một cuộc sống mới và bố mẹ tôi cho phép điều đó. Chuyển đi là một chấn thương với Meggy. Con bé vẫn nghĩ ông bà ngoại là bố mẹ mình, vì thế chúng tôi vẫn tới thăm họ mỗi tháng một lần. Bố mẹ để tôi sử dụng chiếc xe. Còn về số tiền tôi lấy cắp, bố mẹ tôi chưa bao giờ nhắc tới.
Vào thời điểm đó, ĐH California San Diego có một chương trình tuyệt vời dành cho cha mẹ đơn thân. Họ cho chúng tôi ở một căn hộ có 2 phòng ngủ. Cuộc sống thật khó khăn khi tôi phải vừa lo chuyện học tập vừa chăm sóc con gái và thường xuyên túng thiếu. Đôi khi chúng tôi còn không có tiền để ăn, vì thế tôi phải ăn trộm đồ ăn từ quán cà phê. Tôi thường cảm thấy kiệt sức, nhưng chưa bao giờ cảm thấy bực bội. Khát khao một cuộc sống tốt đẹp hơn cho Meggy giúp tôi tiếp tục học tập và hi vọng.
Chúng tôi cũng có nhiều giây phút vui vẻ. Tôi thành lập một nhóm kịch dành cho các bé gái châu Á. Chúng tôi đi diễn khắp đất nước, biểu diễn các tiểu phẩm nêu các giải pháp cho bạo lực gia đình, rào cản ngôn ngữ giữa các thế hệ… Meggy là một trong số diễn viên. Thật khó khăn để tìm được những người chấp nhận mối quan hệ mẹ con của chúng tôi, nhưng mọi người ở đây hoàn toàn ủng hộ điều đó.
Meggy và tôi tiếp tục sống như chị em gái vì lợi ích của con bé. Nhưng khi Meggy 12 tuổi – cái tuổi mà tôi đã sinh ra con bé, tôi thấy rằng con gái đã đủ tuổi để hiểu mọi chuyện. Meggy ngốc nghếch, vui vẻ, thông minh và mạnh mẽ. Không có lý do gì để giấu con bé mối quan hệ thực sự của chúng tôi.
Khởi đầu mới
Ngày thứ Bảy mà tôi quyết định nói ra sự thật, người tôi vã mồ hôi, bàn tay ướt sũng. “Mẹ thực sự là mẹ của con”. Con bé bắt đầu khóc và la hét: “Chị đã nói dối tôi cả đời! Chị còn nói dối tôi chuyện gì nữa?” Rồi con bé bắt đầu trải qua giai đoạn cự tuyệt. Nhưng rồi, sau một thời gian, con bé bắt đầu chấp nhận. Một năm sau khi tôi nói sự thật, khi tôi đang ở nơi làm việc, thư ký nói với tôi: “Con gái chị gọi”. Tôi nói: “Gì cơ? Con bé đã nói như vậy à?” Tôi đã rất mừng khi con bé tự nhận mình là con gái tôi.
Khi học đại học, tôi được đào tạo trở thành một tư vấn viên đồng đẳng. Tôi thấy mình đủ trưởng thành để giúp đỡ những phụ nữ khác. Nhưng khi việc đào tạo lại tập trung vào những nạn nhân của hiếp dâm, tôi thấy mình như tê liệt. Tôi không muốn sống lại những ngày đó cho tới khi Meggy rời nhà đi học đại học. Tôi không muốn những gì đã xảy ra định hướng cuộc đời tôi: cái cách mà tôi nhìn đàn ông, cái cách mà tôi nhìn con gái, cái cách mà tôi nhìn mọi thứ.
Khi Meggy vào năm thứ hai trung học, chúng tôi chuyển tới Berkeley – nơi mà tôi được nhận vào trường luật. Tôi phải làm 2 công việc một lúc để trang trải cuộc sống, vì thế tôi thỏa thuận với con gái. Tôi nói: “Việc này là vì tương lai của chúng ta. Mẹ sẽ đi học và làm việc hơn 40 giờ mỗi tuần để chúng ta có thể sống ở đây. Con sẽ phải nấu bữa tối”.
Con bé đảo mắt, nhưng cũng đồng ý. Bữa nào con bé cũng nấu ăn. Trong vòng 1 năm, Meggy đã trở thành một đầu bếp giỏi.
Chúng tôi có những giai đoạn khó khăn. Meggy không muốn chuyển tới Berkeley. Con bé tức giận khi phải xa bạn bè. Tôi đã thúc ép con bé rất nhiều vì tội bỏ học và không làm việc nhà. Nhưng cũng có lúc chúng tôi rất vui vẻ.Thời niên thiếu của tôi rất khác so với con bé. Vì thế, khi con gái bắt đầu học trang điểm, tôi nói “Để mẹ thử xem”. Con bé dạy tôi cách uốn mi, nhổ lông mày, thậm chí là làm tóc. Mọi thứ mà con bé trải qua, tôi cũng trải qua. Chúng tôi cùng nhau lớn lên.
Bây giờ khi Meggy đang học đại học ở Bờ Đông thì tôi đang là một luật sư ở Bờ Tây. Tôi có thể làm mọi thứ mà mình muốn để trở lại thời niên thiếu. Tôi tham gia 8 lớp học nhảy một tuần và đi khiêu vũ suốt cuối tuần. Tôi ngồi xuống và suy nghĩ về nhiều thứ – những thứ mà tôi chưa được làm.
Tôi cũng biết mình nhớ con gái đến nhường nào khi phải sống xa con bé. Meggy là một phép lạ bước ra từ một thảm kịch. Đó cũng là điều mà tôi nói với con gái. Tôi không nhìn thấy những tiếc nuối, sự tổn thương hay một cuộc sống đầy khó khăn khi tôi nhìn vào Meggy. Ở đó tôi chỉ nhìn thấy tình yêu thương.
Câu chuyện của Meggy
Meggy Hải Trang, 21 tuổi, sinh viên ngành nghệ thuật biểu diễn.
Khi tôi 6 tuổi, “chị gái” Jora tới trường và nói rằng chúng tôi sẽ chạy trốn. Chị luôn là người gần gũi nhất với tôi trong gia đình, chăm sóc tôi, chơi đùa với tôi, về cơ bản là nuôi dạy tôi, vì thế tôi không hỏi câu nào. Tôi nhớ nhà, nhưng tôi cũng tin tưởng rằng Jora biết điều gì sẽ tốt nhất cho tôi.
Trước năm tôi 12 tuổi, Jora vẫn là chị gái tôi. Khi biết sự thật, tôi thực sự hoang mang. Bỗng nhiên, anh chị lại là bác và dì tôi. Mẹ tôi lại là bà ngoại.
Lúc đầu, mẹ không nói chính xác với tôi là bà bị hãm hiếp. Bà nói rằng năm 11 tuổi, bà đã trải qua một chuyện mà bà không thể hiểu được vì bà còn quá trẻ. Bà có thai tôi. Nhưng tôi cũng không phải là kiểu cần mọi thứ phải được giải thích. Tôi hiểu rằng một đứa trẻ 11 tuổi chẳng thể quyết định việc có thai và những gì xảy ra không phải là lựa chọn của mẹ. Tôi chưa bao giờ muốn biết về bố, bởi vì ông ấy không đáng được biết.
Tôi biết ơn mẹ vì đã đợi đến lúc tôi 12 tuổi mới nói sự thật. Tôi không nghĩ mình sẵn sàng để đón nhận nó sớm hơn. Tuy nhiên, tôi và mẹ cũng có nhiều mâu thuẫn khi tôi ở tuổi mới lớn. Tôi không thể nói “Chị chỉ là chị em thôi!” như trước khi mẹ bảo tôi phải làm gì đó.
Tôi tốt nghiệp trung học, còn mẹ tốt nghiệp trường luật cùng một lúc. Chúng tôi đã có một bữa tiệc lớn cùng tất cả bạn bè. Có khiêu vũ và món sườn nướng. Mẹ tặng tôi chiếc vòng cổ mà tôi thích. Đó là một ngày tuyệt vời, vì chúng tôi cùng nhau ăn mừng thành tích. Chúng tôi đã đạt tới ngưỡng mà bà vừa là mẹ, là chị, vừa là bạn tôi.
Khi chúng tôi đi cùng nhau, các chàng trai luôn hỏi: “Các bạn là chị em phải không?” Nhiều lần chúng tôi đã cố gắng giải thích, nhưng sau đó chúng tôi thử những cách khác. Họ sẽ nói: “Các bạn sinh đôi phải không?” và chúng tôi đáp lại: “Đúng thế, sao anh biết? Anh thật thông minh!” Nhưng tôi cũng ghét điều đó, bởi vì tôi tự hào về mẹ. Tôi muốn mọi người biết điều đó.
Trong những ngày đen tối nhất, đôi khi tôi nghĩ bản thân mình là một sai lầm, bởi những gì xảy ra với mẹ thật là kinh khủng. Nhưng bà luôn nói với tôi rằng trải nghiệm đó là tích cực, bởi vì bà đã có tôi.
Bằng tình yêu và sự chăm chỉ, chúng tôi đã biến những thứ xấu xí thành những điều tuyệt vời. Chúng tôi có mối quan hệ bạn bè thực sự, khác với mối quan hệ một phía mà người này chăm sóc cho người kia. Và điều đó cũng giúp cả hai chúng tôi. Mẹ tôi là người mạnh mẽ nhất mà tôi từng biết. Tôi không biết bà đã lấy được sự mạnh mẽ từ đâu. Nhưng tôi biết sức mạnh của tôi là từ mẹ.
Nguyễn Thảo
Cosmopolitan, Dec 17, 2015, “I Was Raped at 11 Years Old — and I Kept the Baby”
http://www.cosmopolitan.com/lifestyle/a50949/she-had-her-rapists-baby/