Dũng hay Trọng cũng thế thôi. Đó là ý kiến của dân Hà Nội, tiêu biểu là Tiến Sĩ Nguyễn Quang A. Ông Nguyễn Quang A viết rằng người dân “không thể ủng hộ bất cứ kẻ nào có thái độ và việc làm nhằm duy trì chế độ độc tài, làm tay sai bán nước; … cũng không thể ủng hộ bọn tham nhũng, trục lợi.” (hai bọn này rất có thể (chỉ) là một). Nói đến các lãnh tụ Cộng Sản bây giờ là người dân nghĩ ngay tới những chữ độc tài, đàn áp dân lành, tay sai Trung Cộng, tham nhũng, trục lợi… Các lãnh tụ Cộng Sản giành giật cái ghế, anh nào cướp được sẽ có quyền độc tài, làm tay sai cho Trung Cộng, được cơ hội tham nhũng, trục lợi nhiều hơn anh kia. Đối với người dân ngoại cuộc thì, cứ mặc kệ cho họ “choảng nhau,” (choảng nhau là tiếng Hà Nội, Nguyễn Quang A viết).
Ông Nguyễn Quang A đề nghị, những trận đòn bẩn thỉu của các lãnh tụ đảng đánh nhau là dịp cho chúng ta nhắc nhở mọi người, kể cả các đảng viên Cộng Sản, thấy rõ nó “khốn nạn” – đáng ghê tởm. Quan trọng hơn, nên giúp mọi người thấy rõ “nguyên nhân của hiện tượng này” là tình trạng “độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Độc quyền chính trị của một đảng làm cho cả nước phải chứng kiến các lãnh tụ phun máu vào mặt nhau. Cảnh giành giật bẩn thỉu này không chỉ diễn ra ở cấp cao nhất. Từ tỉnh, huyện đến xã đều như vậy, người dân phải thở không khí ô uế đó hơn nửa thế kỷ nay rồi. Trước đây những cuộc giành giật giữ được tương đối kín đáo vì đảng cộng sản có thể làm lén lút khi đã kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông. Thời đại Internet đã thay đổi tất cả. Cho nên những thủ đoạn ô uế được trưng bầy công khai.
Nhưng tội làm ô uế môi trường chính trị còn là một tội nhẹ. Cái tội lớn nhất của đảng Cộng Sản là, từ hơn nửa thế kỷ qua, là cản trở không cho nước Việt Nam tiến bộ, vì họ độc chiếm quyền hành chính trị. Độc quyền chính trị làm cho kinh tế khó phát triển. Đó là một bài học chung của nhân loại trong mấy thế kỷ vừa qua. Tất cả các nước kinh tế phồn thịnh đều sống trong chế độ tự do dân chủ. Các nước độc tài thì trước sau kinh tế cũng tắc nghẽn. Giữa các nước cùng gốc La Tinh, những nước dân chủ như Pháp, Ý giầu hơn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha độc tài. Kinh tế Tây Đức vượt xa Đông Đức dù cùng một tiếng nói, cùng một văn hóa, cũng vì chế độ chính trị. Nước Việt Nam thua kém lân bang, đặc biệt là thua những nước có cùng một truyền thống văn hóa Á Đông, từ Nhật Bản, Nam Hàn, Hồng Kông, Đài Loan, cho tới Singapore. Tất cả chỉ vì chế độ Cộng Sản.
Tại sao chế độ chính trị ảnh hưởng tới phát triển kinh tế như vậy? Chúng ta có thể coi một thí dụ cụ thể, do hai nhà kinh tế Daron Acemoglu và James Robinson kể trong cuốn “Tại sao các nước thất bại: Nguyên nhân của Quyền lực, Thịnh vượng và Nghèo khó” (Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty).
Từ chương đầu cuốn sách, Acemoglu và Robinson đã so sánh hai quốc gia nằm sát bên nhau là Mexico và Hoa Kỳ. Dân Mexico nổi lên giành độc lập hơn 40 năm sau dân Mỹ. Nhưng kinh tế Mỹ đã phát triển lên hàng nhất thế giới, còn Mexico chịu nghèo nàn cho tới bây giờ. Nguyên nhân lớn nhất là dân Mỹ đã thí nghiệm lập ra các định chế chính trị dân chủ ngay từ thế kỷ 17, trước khi độc lập, còn dân Mexico thì đến thế kỷ thứ 20 mới bắt đầu, nhưng vẫn còn bị trói buộc trong một truyền thống “cát cứ, bóc lột” do người Tây Ban Nha lập ra từ thế kỷ 16.
Những di dân từ Anh tới thuộc địa Mỹ Châu may mắn vì họ được sống trong những vùng đất rộng mênh mông, nếu không ưng ý ai cũng có thể đi tìm nơi khác lập nghiệp. Nhờ thế họ không bị lệ thuộc vào các quan chức triều đình cũng như các đại địa chủ nắm quyền. Quan quân của vua Anh không nô lệ hóa được thổ dân (Da Đỏ). Thổ dân Mexico thì vốn đã bị bóc lột từ trước khi người Châu Âu tới. Sau, họ tiếp tục phải làm việc như nô lệ vì giới quý tộc của họ bị người Tây Ban Nha khuất phục. Chế độ bóc lột đó tiếp tục đối với cả người Tây Ban Nha di cư; trở thành một định chế “cát cứ và bóc lột” tồn tại cho đến gần đây.
Tại Bắc Mỹ, tình hình khác hẳn. Từ đầu thế kỷ 17, dân định cư ở Maryland, Virginia đã đòi được quyền họp các nghị viện phản ảnh ý kiến của dân. Sang thế kỷ 18 đến lượt dân South Carolina cũng giành được quyền tham dự vào việc cai trị, tước bỏ đặc quyền của các đại địa chủ, nửa thế kỷ trước khi nước Mỹ tuyên bố độc lập.
Đầu thế kỷ 19, khi vua Tây Ban Nha bị quân Pháp lật đổ, một nhóm người đã đứng ra ban bố Hiến pháp Cádiz, trao quyền chính trị cho dân. Nhân cơ hội đó, giới quý tộc ở Mexico cũng lật đổ các quan chức Tây Ban Nha. Cuộc cách mạng do Miguel Hidalgo lãnh đạo; nhưng ông ta lại chống Hiến Pháp Cádiz, không cho phép người dân thường được tham dự vào chính trị. (Việc lập tượng cho Miguel Hidalgo ở công viên Mile Square, quận Cam làm nhiều người gốc Mexico ngạc nhiên, vì ông ta vốn chống lại chế độ dân chủ!) Giới quý tộc tiếp tục thao túng, không thiết lập các định chế dân chủ cho dân quyền tham dự việc chính trị. Vì thế, suốt hai, ba thế kỷ, kinh tế Mexico không thể phát triển như nước Mỹ.
Acemoglu và Robinson nêu lên những thí dụ rất cụ thể. Một người Mỹ có sáng chế nào sẽ được trao “tác quyền” (patent), có thể lập một xí nghiệp khai thác sáng kiến của mình. Không có tiền, có thể đi vay các ngân hàng. Trong đầu thế kỷ 19, phần lớn các “patent” ở nước Mỹ là do những người dân tầm thường làm ra, họ chỉ học đến tiểu học hay không được đi học (Edison là con thứ bẩy của một gia đình nghèo, đã được công nhận 1,093 tác quyền, ông lập ra công ty General Electric). Những doanh nhân này vay vốn dễ dàng vì có nhiều ngân hàng. Năm 1818 nước Mỹ có 338 ngân hàng, năm 1914 có 27,864 ngân hàng! Các ngân hàng Mỹ chiều khách vì họ cạnh tranh ráo riết, người vay trả lãi suất thấp, dễ kinh doanh hơn. Ở Mexico năm 1910 mới có 42 ngân hàng; trong đó hai ngân hàng lớn chiếm 60%, gần như chiếm độc quyền!
Tại sao nước Mỹ có những cơ hội thuận lợi cho doanh nhân như vậy? Acemoglu và Robinson giải thích là nhờ chế độ dân chủ. Người cầm quyền đặt ra luật lệ bảo đảm patent, tác quyền phải được tôn trọng. Họ đặt ra luật lệ buộc các xí nghiệp và ngân hàng phải cạnh tranh công khai, thẳng thắn. Tại sao các nhà chính trị lại hành động như vậy? Vì nếu họ làm ngược lại thì sẽ thất cử! Chế độ tự do dân chủ đã thiết lập các định chế bảo đảm tài sản (trong đó có quyền sở hữu trí tuệ) và bảo đảm cạnh tranh tự do. Đó là nguyên nhân khiến nước Mỹ tiến nhanh hơn Mexico!
Tại Việt Nam, đảng Cộng Sản chiếm độc quyền cai trị từ thập niên 1940 đến nay. Các đảng viên được ưu đãi, ai muốn thăng tiến trong xã hội thì phải vào đảng. Đảng độc quyền kinh doanh, độc quyền ngân hàng, độc quyền cả văn hóa, thông tin. Thiếu những định chế dân chủ, kinh tế phải đi theo đường Mexico, không thể làm như dân Mỹ.
Sau đại hội thứ 12 của đảng Cộng Sản, dù Dũng ăn tươi Trọng hay Trọng làm thịt Dũng, thì Cộng Sản vẫn là Cộng Sản! Cho nên, Dũng hay Trọng cũng thế thôi. Người dân Việt Nam không trông chờ gì ở kết quả “bàu bán” trong đảng Cộng Sản. Ngược lại, như ông Nguyễn Quang A đề nghị, mọi người Việt Nam nên nhân các cuộc bầu cử Quốc Hội và hội đồng nhân dân sắp tới, “Chuẩn bị ứng cử, giám sát, phê phán, phản đối, chống mọi việc làm cướp quyền của nhân dân.” Đó là cuộc cách mạng thế kỷ 21, để sau cùng có thể xóa bỏ chế độ độc tài cộng sản. Hết Cộng Sản nước Việt Nam mới tiến được.
Ngô Nhân Dụng