Hai sự kiện quan trọng
Qua các trận chiến chung quanh Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản khóa XII, chúng ta ghi nhận được hai sự kiện quan trọng :
Sự kiện thứ nhất : Chơi với Mỹ không phải dễ
Mặc dầu Hoa Kỳ đã ký tuyên bố “Đối tác toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam” (US-Vietnam Comprehensive Partnership) và công nhận chính thể hiện nay của nhà nước Việt Nam, nhưng “chiến dịch diễn biến hòa bình” (peaceful evolution campaign) vẫn được Hoa Kỳ sử dụng một cách tinh vi để gây hoang mang trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như trong dư luận quần chúng ở trong nước khi Đại hội Đảng diễn ra. Các chiến thuật thông dụng sau đây đã được các phương tiện truyền thông Mỹ khai thác triệt để : Thả bong bóng, thọc gậy bánh xe, đâm bị thóc thọc bị gạo, chém cây sống trồng cây chết, lập lờ đánh lận con đen và nhất là… xúi con nít ăn cứt gà !
Điều đáng tiếc là các chiến thuật này đã chẳng gây được sự hoang mang ở trong nước bao nhiêu, trái lại nó quay lại gây hoang mang trong cộng đồng người Việt hải ngoại, một cộng đồng vốn thường suy nghĩ và hành động theo cảm tính.
Sự kiện thứ hai: Nhiều người Việt đấu tranh vẫn không nhận ra được Kịch Bản và Sự Thật
Trong Đại hội Đảng vừa qua, cả Đảng Cộng sản Việt Nam lẫn Mỹ đều dùng các kịch bản để đánh lừa dư luận, trong khi đó đa số người Việt đấu tranh ở hải ngoại đều tin rằng đó là những sự thật đang diễn ra và vui buồn thay đổi theo từng cảnh kịch đang được diễn. Khi các kịch bản đã hạ màn, một số người còn khóc hu hu và than thở : “Ông Nguyễn Tấn Dũng ơi, ông đi rồi Nguyễn Phú Trọng sẽ đem Việt Nam giao cho Trung Quốc mất ! Làm sao đây ông Dũng ? Hu hu !”… Họ làm như ông Dũng đang đứng về “Phe ta” !
Đấu đá nhau là chuyện bình thường
Các cơ quan truyền thông Việt ngữ quốc tế đều nói rằng cuộc bầu cử Đảng Cộng sản Việt Nam lần này là cuộc bầu cử gây cấn nhất. Nói như thế là không biết gì về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cả. Từ 1935 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có 12 Đại hội Đại biểu và bầu cử 11 Tổng bí thư. Từ 1950 đến nay, cuộc bầu cử nào cũng gay cấn và có khi đẫm máu. Có 5 Tổng bí thư đã làm 2 nhiệm kỳ, đó là Trường Chinh, Lê Duẫn, Đỗ Mười, Nồng Đức Mạnh, và nay thêm Nguyễn Phú Trọng.
Trường Chinh bị mất chức sau kịch bản cải cách ruộng đất 1956, Lê Duẩn lên làm Bí thư thứ nhất, nắm dần tất cả quyền hành, và cho luôn cả Hồ Chí Minh “đi chỗ khác chơi”. Lê Duẩn cầm đầu Đảng và Chính quyền cho đến khi qua dời năm 1986, tức kéo dài 29 năm, trong đó có rất nhiều vụ thanh toán nhau. Vụ thanh toán nhóm Võ Nguyên Giáp vì “xét lại” năm 1967 là gay cấn nhất, sau đó là vụ thanh toán nhau dưới thời Đỗ Mười và Lê Đức Anh (1996 – 2001). Vụ Nguyễn Phú Trọng loại Nguyễn Tấn Dũng chưa gay cấn bằng 1/100 vụ Lê Duẩn thanh toán Võ Nguyên Giáp và chưa bằng 1/10 vụ Đỗ Mười chơi Võ Nguyên Giáp. Nhưng vụ Nguyễn Phú Trọng được xé to ra vì hệ thống truyền thông ngày nay quá rộng lớn và có các cơ quan truyền thông Việt ngữ của Mỹ đã trực tiếp tham chiến.
Trọng hay Dũng đều giống nhau
Sau khi kết quả bầu bán của Đại hội Đảng được công bố, tạp chí The Economist của Mỹ ngày 30/1/2016 đã đăng ở trang nhất một bài có đề tựa “A colourful Prime minister goes, as the grey men stay” (Một Thủ tướng hoa mỹ ra đi, những người u ám ở lại). Viết như thế là chẳng hiểu gì cộng sản cả !
Người Pháp nói “Un communiste vaut l’autre”, tức tên cộng sản nào cũng giống nhau. Tại sao ?
Tại vì tất cả các đảng viên cộng sản đều kết hợp và hoạt động theo nguyên tắc “tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách”.
1. “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” là gì?
Đảng cộng sản quan niệm quyền lực tối cao của nhà nước không tập trung về một người nhất định mà thông qua “nhóm”. Người nào hành động sai với đường lối hay quyết định của nhóm, nhất là theo cá nhân chủ nghĩa, sẽ bị loại ra ngay và có khi còn bị trừng trị rất nặng. Nhóm cao nhất là Ban Chấp hành trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Đường lối hay quyết định của nhóm thường được ấn định dưới hình thức “Nghị quyết”. Cả Nguyễn Phú Trọng lẫn Nguyễn Tấn Dũng, một khi đã vào Đảng đều phải tôn trọng nguyên tắc đó, không ai được có chủ trương hay đường lối riêng.
Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi rất rõ :
“Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh…”.
Điều 9 của bản Điều lệ quy định :
“Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành Nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành trung ương”.
Không phải chỉ trong Đảng mà trong Chính phủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo cũng được áp dụng. Điều 95 Hiến Pháp 2013 cũng quy định rằng “Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số”.
Trong Hội đồng chính phủ, Chủ tịch nước cũng như Thủ tướng đều không có quyền quyết định tối hậu như trong chế độ tư bản. Mọi quyết định đều phải được đưa ra hội đồng biểu quyết theo đa số.
2. Người lãnh đạo chỉ là phát ngôn viên
Năm 2014, khi đến dự Hội nghị ASEAN tại Philippines, trong cuộc họp báo ngày 22/5/2014 về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định : “Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Ngày 15/10/2014 tại Viện Körber ở Berlin, Đức, Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố : “Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. Việt Namkhông phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này”.
Phải chăng Nguyễn Tấn Dũng là người chủ trương thực hiện dân chủ và quyết tâm bảo vệ đất và biển của Việt Nam ?
Hoàn toàn không phải như vậy. Trong chế độ cộng sản, những lời phát biểu nói trên không phải là quan điểm của riêng Nguyễn Tấn Dũng, mà là “chiêu bài” của Hội đồng chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam, còn Nguyễn Tấn Dũng chỉ là phát ngôn viên, vì theo nguyên tắc ‘”tập thể lãnh đạo”. Nguyễn Tấn Dũng không có quyền có quan điểm hay đường lối cá nhân.
Chống Đảng bị phạt như thế nào?
Qua một lịch sử kéo dài 82 năm, chắc chắn có rất nhiều vụ án “phản đảng” hay “xét lại” đã xảy ra và đã bị trừng phạt. Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin kể lại một vụ án diễn hình để làm thí dụ, đó là vụ án Võ Nguyên Giáp.
Tại Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, Khrushchev đọc báo cáo về sự sùng bái cá nhân của I.V. Stalin và chủ trương “Các nước không cùng lập trường chính trị có thể sống chung”. Đường lối này bị Mao Trạch Đông chống lại và gọi đó là “chủ nghĩa xét lại”.
Tại Việt Nam năm 1967, khi Mỹ bắt đầu oanh tạc dữ dội miền Bắc, Võ Nguyên Giám và Trường Chinh cho rằng nếu phát động đấu tranh vũ trang sẽ khiến Hoa Kỳ nhảy vào trực tiếp tham chiến, khi đó chẳng những sẽ thất bại mà còn làm mất lòng Liên Xô. Nhóm Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh coi Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh theo “Chủ nghĩa xét lại” của Liên Xô. Trường Chinh quay về với nhóm Lê Duẩn. Lê Duẩn liền đưa Nghị quyết Hội nghị trung ương 9 vào tháng 12 năm 1963 ra để hạch tội. Nghị quyết này xác định lập trường đứng về phía Trung Quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam, lên án “chủ nghĩa xét lại Khrushchev”, và đẩy mạnh công cuộc đấu tranh bằng vũ lực ở miền Nam. Lê Duẩn cho rằng Võ Nguyên Giáp đã phản Đảng, vi phạm Nghị Quyết 9. Vụ án có tên chính thức là “Vụ án tổ chức chống đảng, chống nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”…
Khởi đầu Võ Nguyên Giáp bị cất chức Tổng tư lệnh quân đội, rồi mất chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được đưa đi Hungary dưỡng bệnh, mất chức Ủy viên Bộ Chính trị và bị hạ nhục bằng cách cho làm Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch.
Trong hai năm 1967 và 1968, đã có tất cả 42 người thuộc phe Võ Nguyên Giáp bị bắt vì tội “theo chủ nghĩa xét lại” và “thân Liên Xô”. Các bị cáo không hề bị đưa ra tòa, không có án xét xử, nhưng tất cả đã bị bắt giam.
Vụ Nguyễn Tấn Dũng tranh giành quyền lực
1. Diễn biến của vụ án
Để tranh giành quyền lực tại Đại hội Đảng XII, khởi đầu phe Nguyễn Tấn Dũng sử dụng các websites Chân Dung Quyền Lực, Quan Lam Báo, Dân Làm Báo… ca tụng thành tích của Nguyễn Tấn Dũng, tấn công Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang.
Để đối phó lại, phe Nguyễn Phú Trọng hình thành một kế hoạch âm thầm nhưng rất vững chắc. Ngày 16/1/2012, Hội nghị trung ương 4 ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW nói về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng. Ngày 9/6/2014, Hội nghị trung ương 11 ban hành Quyết định số 244-QĐ/TW ấn định Quy chế bầu cử Đảng. Thế là con đường tiến lên của Nguyễn Tấn Dũng đã bị chặn lại.
Sau đó, theo phương thức của Tập Cẩm Bình, phe Nguyễn Phú Trọng cho lập một số hồ sơ về các vi phạm của Nguyễn Tấn Dũng. Ngày 3/12/2015, Ủy ban Kiểm soát trung ương đã gửi đến các Ủy viên trung ương một Báo cáo mang số 9387, trong đó có “Thư phản ánh, kiến nghị về đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ”. Đó là một thông điệp gởi cho Nguyễn Tấn Dũng : “Phải liệu hồn đi !”.
Biết rất rõ mình đã bị bao vây và số phận của mình đã bị định đoạt, ngày 10/12/2015, tức bốn ngày trước khi Hội nghị trung ương 13 họp, Nguyễn Tấn Dũng gửi báo cáo giải trình, phản biện lại những tố giác nhắm vào ông ta. Nhưng cuối báo cáo, Nguyễn Tấn Dũng đã viết : “Tôi xin không tái cử”.
Ngày 5/1/2015 website AnhBaSam, một website do Nguyễn Hữu Vinh (đang bị bắt) đứng tên, tung lên một bài khá dài, dùng nhiều tài liệu chứng minh những gán ghép cho Nguyễn Tấn Dũng là chống Trung Quốc, thân Mỹ, cấp tiến, tôn trọng dân chủ và dân quyền… là hoàn toàn hoang tưởng.
2. Bị gậy ông đập lưng ông
Mặc dầu đến đây mọi sự coi như đã xong rồi, nhưng trong cuộc phỏng vấn của báo chí cò mồi trong nước ngày 16/1/2016, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo trung ương đã nói : “Ban chấp hànhchỉ chuẩn bị, tham mưu, còn quyết định là quyền của Đại hội. Tại sao khi Đại hội lấy quyết định khác lại bảo là không bình thường ?”.
Câu phát biểu này chỉ muốn chứng minh rằng cuộc bầu cử Đại hội Đảng sẽ rất dân chủ, nhưng các đài RFA, VOA, RFI và BBC liền chụp lấy và tung ra những bài viết tạo ảo tưởng rằng Nguyễn Tấn Dũng vẫn có thể được giới thiệu ra tranh cử. Website Chân Dung Quyền Lực ngày 16/1/2015 bồi thêm : “Về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông là người đạt số phiếu tín nhiệm cao nhất (với 152 phiếu tín nhiệm cao, đạt 77%)”. Bản tin ngày 22/1/2016 của RFI thả ngay một quả bong bóng : “Ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn cơ may, dù rất nhỏ”. “Phe ta” rất hoan hỷ, tin rằng Nguyễn Tấn Dũng có thể lật lại thế cờ !
Đùng một cái, bản tin ngày 26/1/2016 của các báo trong nước cho biết Nguyễn Tấn Dũng nằm trong danh sách 9 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI đã xin rút khỏi danh sách ứng cử nhiệm kỳ này. Trong một bài ngắn dưới đầu đề “Mọi sự đúng như “tiền định” !”, chúng tôi đã viết : Mọi sự đúng như “tiền định”. Tất cả đã được “an bài” trong Hội nghị Ban chấp hành trung ương 14. Đại Hội XII chỉ “hợp thức hóa”. Ra các quán cà phê thấy các khuôn mặt ủng hộ “anh Dũng” đều xìu hẳn xuống.
Khó “xúi con nít ăn cứt gà” !
Dù Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Tấn Dũng đắc cử Tổng bí thư, ông nào cũng đều phải tuyên bố giống nhau : “phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đó là “chiêu bài” của Đảng. Ai dám nói khác khác ?
Trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, các cơ quan truyền thông RFA, VOA, RFI, BBC, cũng như các báo Le Monde của Pháp, The Economist của Mỹ… đều tung ra những bài viết về Đảng Cộng sản Việt Nam rằng cải tổ kinh tế phải đi đôi với cải tổ chính trị, phải chấp nhận chế độ dân của đa nguyên, tôn trọng quyền tự do ngôn luận, phá bỏ chế độ “Tập Thể Lãnh Đạo”… Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam coi đó chỉ là trò “xúi con nít ăn cứt gà” !
Đảng Cộng Sản Việt Nam được lập ngày 3/2/1930 và hoạt động dưới nhiều tên khác nhau, tính đến nay đã 86 năm. Đảng này đã cướp chính quyền năm 1945 và đến năm 1954 thì chiếm được một nửa nước và năm 1975 đã chiếm trọn cả nước. Tính đến nay, Đảng này cũng đã cầm quyền được 71 năm. Làm sao có thể dùng chiến thuật “xúi con nít ăn cứt gà” để lừa họ ? Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, dân chủ đa nguyên, tự do ngôn luận, kinh tế thị trường… đồng nghĩa với “tự sát” !
Nhiều người chẳng hiểu gì về TPP, nhưng lên truyền hình tuyên bố rằng “TPP sẽ làm chế độ cộng sản Việt Namsụp đổ” ! TPP là cái quái gì mà ghê gớm dữ vậy ?
TPP là một hiệp ước tự do thương mại (free trade agreement) được Mỹ dùng thủ đoạn chính trị biến cải lại thành một mô thức bảo vệ quyền lợi của Mỹ nên ít ai muốn vào. Đó là một hiệp ước đa phương (multilateral agreement), ai thích thì vào, vào rồi nếu thấy không thích thì ra. Việt Nam biết rõ như thế nên vào TPP thử xem có kiếm chác gì được không. Nếu thấy làm ăn với TPP không khá được, chỉ cần viết một tờ thông báo cho các hội viên rồi ra đi. Như vậy TPP làm sao phá sập chế độ cộng sản được ?
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ông Lý Quang Điệu, cựu Tổng thống của Singapore, khi ông nhận định về Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông nói : “Giờ tôi tin rằng thế hệ các nhà lãnh đạo cộng sản lớn tuổi của Việt Nam không có khả năng phá vỡ tư duy xã hội chủ nghĩa một cách cơ bản… Chỉ khi họ qua đời thì đất nước này mới có thể tạo ra đột phá trong các nỗ lực hiện đại hóa của mình”.
Giới chức Việt Nam chuẩn bị quốc kỳ Trung Quốc và Việt Nam trước lễ đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội, ngày 6/11/2015.
Nói cách khác, thế hệ đang cầm quyền hiện nay là thế hệ của chiến tranh Việt Nam. Họ vẫn nghĩ rằng sự thành công trong cuộc chiến vừa qua là do công lao của họ, bây giờ họ có quyền hưởng. Khi nào thế hệ này ra đi mới mong có những thay đổi lớn được.
Hiện nay Việt Nam đang ở thời kỳ tốt nhất, họ được cả ba cường quốc lớn nhất thế giới trọng dụng vì vị trí quan trọng của Việt Nam ở Đông Nam Á. Việt Nam đang bắt tay với cả Trung Quốc, Mỹ và Nga. Nhưng khi có một sự cố nào đó xảy ra, Việt Nam sẽ quay về với Trung Quốc để tồn tại.
Con đường còn lại của Nguyễn Tấn Dũng là con đường của Võ Nguyên Giáp, loạng quạng là đi đời nhà ma.
Ngày 31/1/2016
Lữ Giang