Lục tung kho đồ cũ tìm tập bài nhạc Mười Khúc Tình Riêng mà không gặp, lại gặp bản thảo đánh máy của hai truyện ngắn thời xưa. Truyện ‘”Đời Như Tiếng Hát” (đã đăng trên tập san TƯƠNG LAI HƯỚNG VỀ PHÍA NHỮNG NGƯỜI LAO TÁC, ĐN, 1972) có mấy trang đã mờ không đọc được nữa. Truyện “Vết Thương Hồng Ngọc”, có lẽ viết cùng thời với truyện “Đời Như Tiếng Hát” (trong khoảng từ năm 1970 – 1972), nay còn đọc được, nhưng không nhớ ngày xưa đã đăng ở đâu.
Hai mươi năm trước đây gặp một người quen, ông ta nhắc truyện ngắn VTHN này và nói còn nhớ hình ảnh cựu Chuẩn Úy Lê Hữu chiều chiều chống nạn đứng bên đường trên cao nguyên hẻo lánh, nhìn những chiếc xe xuống lên Saigon – Đà Lạt, tìm kiếm chờ đợi một người anh không hẹn gặp. Anh không hẹn gặp mà vẫn cứ chờ mong. Nhưng ông ta cũng không nhớ đã đọc truyện ngắn này ở đâu! * Thiếu Khanh
Câu chuyện đã bắt đầu một cách tầm thường từ hình ảnh em ngồi trong chiếc ghế con sò ngáp. Nhưng biết làm sao được? Đáng lẽ anh phải nhìn ra em trước đó thật lâu, từ khi mới được biết cái tên vừa quý giá vừa đắt tiền của cô bé học lớp Đệ Lục 3. Nhưng lúc bấy giờ anh cũng chỉ là một cậu bé có hơn gì đâu? Một cậu bé học lớp Đệ Lục thì không thế nào nhìn thấy gì đặc biệt ở một cô bạn gái đồng lớp mà bảy tám chín mười năm sau bắt đầu cho anh một đoạn tình sử thật đẹp từ… một chiếc ghế con sò há miệng. Với lại, anh cũng cần có một thời gian để đủ khôn lớn, một đoạn đời thăng trầm cơ cực trui rèn cho đủ chín chắn mới đủ bản lãnh vốn liếng nhận diện được em chớ. Vậy thì anh không tiếc gì cái đoạn đường bao nhiêu năm hai đứa đi chung thuở ấu thơ mà hai đàng nhìn theo hai hướng không nhận ra nhau ấy; dù sao đoạn đường đó cũng cần thiết, ít nhất cho anh. Em có thấy thế không? Đó là một cái prélude, một đoạn nhạc dạo đầu cho một tình khúc lớn. Một tình khúc có đoạn dạo đầu mà không có đoạn kết. Một symphonie inachevée.
Một năm sau khi sang trường mới được xây cất khang trang ở ngoài đầu thành phố, nhà trường bỏ chủ trương nam nữ học riêng. Vì vậy lớp Đệ Lục 3 có một dãy bàn con trai và một dãy bàn con gái. Anh không nhớ em ngồi chỗ nào trong dãy bàn con gái đó, nhưng tên em trên bảng vị thứ hàng tháng thường không phải chờ lâu mới được đọc tới. Em thuộc hàng học sinh xuất sắc. Hồi đó anh cho là vì tên em vừa đắt tiền vừa đẹp. Thường thường những đứa học giỏi trong lớp đều có tên đẹp. Những cái tên đọc nghe êm ái như có nhạc. Và thêm một “nguyên tắc” này nữa: những đứa có tên đẹp, hồi đó, đều là con nhà giàu ở trong thành phố; vì giàu có người ta mới đặt tên con một cách dài dòng và xa xỉ. Con nhà nghèo ở thôn quê thường có những cái tên xoàng xĩnh, tầm thường, như Nguyễn Thị Búp, Lê Văn Hô, Trần Văn Cục; hoặc đôi khi cái tên chỉ gồm hai tiếng củn cởn, cộc lốc, khô khan như tiếng xích sắt chạm nhau, tố cáo một gia cảnh lam lủ nghèo nàn ghê gớm lắm. Đó là trường hợp của anh: Lê Hữu. (Giá anh có một đứa em, chắc tên nó phải là Lê Tả; và nếu có thêm một đứa em nữa, nhất định tên nó phải nằm vào khoảng giữa: Lê Trung!)
Với những cái tên học trò giỏi, con nhà giàu có trong thành phố, Trần Thị Bích Liên, Hoàng Minh Dũng, Đoàn Trí Tuệ…, tên em xếp vào đó thật là thích hợp và quý phái nữa: Phan Thị Hồng Ngọc. Trò Phan Thị Hồng Ngọc giỏi đủ môn, trừ quốc văn, và anh được hân hạnh đối lập với em tất cả mọi thứ, kể luôn quốc văn.
Cho đến năm nay ba mươi ngoài rồi mà anh vẫn nghĩ rằng cái gì có vẻ lô-canh, chế tạo trong nước, đều bị hắt hủi, hạ giá. Trong lúc bài Anh văn của em nhất lớp được những 18 hay 19 điểm thì các bài luận văn dẫn đầu toàn trường của anh chỉ được 16 điểm là nhiều. Cho nên anh cũng có một chỗ đứng đối lập với em, tuy không xa lắm, trên bảng vị thứ hàng tháng.
Có phải do đó mà suốt bao nhiêu năm em không bao giờ nhìn xuống, anh cũng không bao giờ nhìn lên, nên chúng ta đã không nhận ra nhau? Chỉ có một điều, may mắn quá, chúng ta giống nhau: sự nghiêm trang đạo mạo của hai đứa trẻ. Anh có mặc cảm thiếu chất xám trong óc, vừa nhát gái kinh niên, lại vừa cố làm ra vẻ con người văn chương nhiều suy tư và ít nói. Bọn bạn trai và gái – có em nữa? – gọi anh là ông cụ non. Còn em, em thông minh, hoạt bát, học giỏi, đẹp và duyên dáng; em tự biết mình có những đức tính đó, cho nên sự nghiêm trang của em là một sự tự tin rất người lớn, tự trọng. Ngay trong cái giống nhau mình cũng đã khác nhau rồi.
Những tên nhát gái hầu như đa số rất giàu tưởng tượng, và dễ xúc động. Anh nhát gái quá, cho nên… anh làm thơ. Anh bắt đầu biết làm thơ từ khi biết yêu. Đứa con trai nào chả vậy. Nhưng người anh yêu không phải là em. Lại một điều may mắn nữa. Bởi vì mối tình con nít bắt đầu vào năm học Đệ Tứ và tan vỡ vào đầu năm Đệ Tam. Chắc Thủy cho anh tuột vì nàng chán ông cụ non nhát gái kinh niên là anh. Nhát gái đến độ người yêu phát nản, quả là hết thuốc chữa. Nhưng đó lại cũng là một điều may mắn. Nhờ đó anh làm một cuộc cách mạng bản thân, đến nỗi về sau anh trở thành đứa lì lợm sần sượng, sét ái tình đánh trật búa nhất trong đám con trai trường mình thời đó: anh tưởng mình không còn yêu ai được nữa. Và cũng nhờ mối tình đầu non nớt vỡ tan thê thảm đó mà anh đâm ra viết văn nữa mới hách chớ. Anh đã tưởng lớn lên anh sẽ thành một nhà văn vĩ đại lắm, hoặc một nhà thơ có kích thước, mặc dù anh chỉ cao có một thước sáu mươi, nặng… 50 ký, vòng ngực 80 phân. Vậy mà đến nay ngoài cái tuổi tam thập nhi lập rồi, anh vẫn chỉ là một thư ký hạng ruồi, cạo được bảy ngàn đồng lương một tháng. Và tệ hơn nữa là… (sau này em sẽ biết).
Anh chỉ bắt đầu khôn lớn, nghĩa là hư hỏng hơn, từ sau khi bừng con mắt dậy thấy mình mất người yêu. Chứng bệnh nhát gái vừa thuyên giảm vài phân thì cái môn toán ban B nó hành hạ anh suốt năm suốt tháng. Anh là thứ mầm non đầy hứa hẹn của nền văn nghệ nước nhà thì đâu lại học cái ban B khô như… toán ấy được! Nhưng năm đó nhà trường chưa mở Ban C. Càng dốt toán anh càng không ưa nó gấp bội. Nhưng anh cũng có cái bù lại: những bài thơ tình lãng mạn nồng nàn nhớ thương tha thiết được đăng báo tận Sài Gòn, mặc dù không gỡ gạc được điểm hàng tháng nhưng cũng làm anh tự hào và trở thành triết gia. Cái ông Camus, nhà văn Pháp, nói rằng muốn trở thành triết gia thì nên viết tiểu thuyết. Nhưng may mắn – suốt đời anh toàn may mắn, trừ một lần duy nhất về sau, đó là lần anh mất Hồng Ngọc – may mắn, cái nguồn tài năng mầm non văn nghệ của anh đã kịp thời khô cạn trước khi anh cò cò nhảy vào làng văn, cho nên anh đã không thành triết gia được mấy nỗi.
Sau đó thì anh đi lính. Anh đi lính mà anh quên mất em. Anh quên mất trên đời này có em, có cô nữ sinh rất yêu kiều, rất nhu mì hồn hậu, rất thông minh, tên là Phan Thị Hồng Ngọc. Sở dĩ anh quả quyết em rất nhu mì hồn hậu và rất thông mình là bởi vì em biết yêu anh. Thật vậy, bởi vì em đã biết nhìn lên để thấy anh ngó xuống. Nhưng dù không vì thế đi nữa, em vẫn là cô gái đẹp nhất, thông minh và hiền hậu nhất mà anh đã gặp và đã đi chung một đoạn đường tình thơ mộng nhất.
Nhưng để anh nói về chuyện anh đi lính. Với cái bằng Tú tài II ngất ngư có được sau mấy tháng trời ròng rã uống cà phê thức đêm học gạo, anh lom khom đi trình diện khóa 13 Thủ Đức. Sau vài tuần hít đất và chạy bể phổi, anh mới chua chát nhận ra nhà văn sĩ tương lai không thích hợp với nghiệp lính. Nhưng nhà trường không đồng quan điểm với anh. Họ nghĩ rằng với bộ ngực ô mê ga của anh nhờ chạy nhiều và hít đất nhiều anh sẽ trở thành lực sĩ Hercule. Anh cũng nhẫn nại hy vọng như thế. Với lại cái tiêu chuẩn bất thành văn của nhà tường: tới đây thì ở lại đây, bao giờ bén rễ xanh cây hãy về. Mà đã bén rễ xanh cây thì làm gì có chuyện trở về. Kết quả là anh vào cổng trường bộ binh Thủ Đức, nhưng anh ra cổng Trung Tâm Huấn Luyện… Đồng Đế, với một cánh gà trắng chạch.
Từ đó nền văn nghệ nước nhà mất đi một nhân tài văn sĩ kiêm thi sĩ lớn, vì nhà thơ mầm non Lê Hữu đã trở thành thầy đội, không còn dịp đóng góp tài năng và tên tuổi vào nền văn nghệ đất nước nữa. Thế là anh trở thành lính, lính trăm phần trăm, biết mùi cá hộp gạo sấy, và biên thư cho bạn bè có quyền rất hãnh diện đề trên đầu trang giấy mấy chữ KBC…
Thành thực mà nói, đôi lúc anh cũng thấy nhớ cái sự nghiệp văn chương nửa đường đứt gánh của mình. Anh cũng muốn nối lại nhịp cầu đã gãy. Song lạ quá, anh làm thơ vì người yêu, bây giờ mất người yêu rồi, cũng hết luôn đau khổ với mối tình đầu, nguồn thơ của anh cũng phụ bạc anh nốt. Đã vậy thì thôi luôn cho được việc quân đội.
Anh ra đơn vị, vác súng đi đánh nhau và chỉ huy một phân đội súng cối 81 ly của một tiểu đoàn bộ binh. Phân đội gồm đúng bảy mống, kể cả anh. Thoạt đầu anh nói chẳng thằng nào chịu nghe. Tụi nó là lính tác chiến lâu năm chai dày với những kinh nghiệm thực tế chiến trường, nên đâu có phục anh Trung sĩ sữa còn non choẹt. Cuối cùng, anh cũng tạo được uy tín cho mình bằng sự ứng biến ở chiến trường một cách thông minh và gan dạ. Thêm vào đó, dù sao, cái bộ vó thư sinh của anh cũng có vẻ hào hoa lắm chớ. Tiếng đồn sự ứng biến thông minh và gan dạ của Trung sĩ Lê Hữu thực sự bắt đầu được Sư đoàn biết đến và lan ra cả cái xóm nhà heo hút ở Đức Phổ, sau một lần Tiểu đoàn đụng trận ở Vực Liêm. Đại đội Chỉ huy, tức trong đó có Bộ chỉ huy Tiểu đoàn, bị phơi ra trước hỏa lực của cả tiểu đoàn (trừ) của địch. Địch mở cuộc xung phong, áp đến rất gần. Tình thế rất nguy hiểm mà các đại đội tác chiến của tiểu đoàn bị cầm chân cách xa chưa thể tiếp ứng kịp. Giữa lúc đại liên địch quật xối xả yểm trợ cho từng tốp lính địch ào lên, anh ước lượng khoảng cách giữa ta và địch và ra lệnh phân đội quay súng lên 80 độ, gần hết độ tác xạ cho phép. Anh đứng thẳng người liên tiếp thả đạn vào nòng súng quả này đến quả khác. Không ngờ mấy viên đạn hú họa đầu tiên rơi trúng đội hình đợt xung phong của địch, chỉ cách vị trí anh khoảng năm, sáu mươi mét. Sau phản ứng kiểu tuyệt vọng và “chết chung với địch” đó mà bọn anh không đứa nào chết hay bị thương thì quả là được trời thương. Chân đế súng đặt vội vã trên nền đất sình vừa ráo. Sau vài phát đạn ban đầu, đế súng bị trượt lún khiến tầm đạn mở rộng hơn, tình cờ một quả 81 ly đánh trúng ổ đại liên của địch ở phía sau. Bị tổn thất bất ngờ và mất hỏa lực yểm trợ, địch buộc phải lùi lại. Kết quả bộ chỉ huy tiểu đoàn cầm cự được cho đến khi quân tiếp viện đến. Phân đội anh tổn thất một binh sĩ tử trận, hai bị thương, gồm cả anh, suýt mất mạng vì không kịp di chuyển súng đến vị trí khác. Lần đó, anh được đặc cách thăng vượt cấp tại mặt trận từ Trung sĩ lên thẳng Thượng sĩ, mở đầu cho những lần thăng cấp đặc cách như thế về sau. Hạ sĩ quan trẻ tuổi, độc thân, mặt mũi “sạch sẽ”, hào hoa, hát hay và thơ phú đầy mồm, anh được nhiều cô gái ở Đức Phổ và Mộ Đức mến mộ.
Bạn gái thì anh có hàng tá, thế mà anh không có lấy một người yêu. Một người anh yêu như Thủy chẳng hạn. Anh như con bướm vô tình không chọn bông hoa nào làm nơi trú ẩn nhất định. Bướm có bao giờ làm nhà trên những bông hoa nó ghé qua đâu? Nó có một cái tổ. Nó phải đi tìm cho ra cái tổ đó, hoặc là nơi nó nghỉ chân làm tổ. Cái tổ của anh là em, là Hồng Ngọc. Phải mất thật nhiều năm, anh phải gian nan dày dạn thật nhiều, phải phong trần hết mức mới tìm thấy tổ em. Dù sao cái giá đó vẫn quá rẻ. Có lẽ em nên đòi hỏi hơn nữa, bắt anh đi thật nhiều nữa, đi cho mòn giầy lỏng gối cho khắp bốn phương trời mười phương Phật mới xứng đáng với tình yêu em trao gởi. Vậy mà em không đòi hỏi gì hết. Hoặc em không đòi hỏi gì nhiều. Điều em cần anh có sẵn; em không hỏi anh cũng dốc túi trao ra: yêu em. Em chỉ cần có bao nhiêu đó. Trên đời này không có cái gì trao ra làm cho người trao cảm thấy sung sướng hạnh phúc bằng sự trao gởi tình yêu. Trao ra mà không mất đi. Trao ra mà lại được đầy ăm ắp. Anh sẵn sàng và tình nguyện trao hết cho em tình yêu cơ hồ còn nguyên xi mới cắt chỉ trong lòng anh. Trong những năm tháng dài phiêu bạt giang hồ, anh chỉ tiêu toàn bạc lẻ, còn cái phần nguyên vẹn tình yêu trong lòng anh chưa có ai động đến, anh trao hết cho em, Hồng Ngọc. Anh đã nói suốt đời anh gặp toàn may mắn. May mắn đến nỗi một mối tình lớn như thế đã chỉ đến với anh một cách tình cờ, đã chỉ bắt đầu một cách bình thường khi anh nhìn em ngồi trên chiếc ghế đan bằng dây ny lông hình con sò ngáp. Nhưng em không buồn; em bằng lòng nữa là khác. Tính em chỉ thích những gì dung dị bình thường.
Rất tình cờ, bởi vì rời nhà trường bao nhiều năm qua, biết bao nhiêu biến cố, biết bao nhiêu nguy nan trong thời gian anh lặn lội ở chiến trường, anh làm sao còn nhớ được một cái tên Phan Thị Hồng Ngọc? Anh làm sao còn nhớ được hết những cái tên đẹp đẽ không lần nào gây trong lòng anh một ấn tượng nào đặc biệt để nhớ, để thương, để đi tìm lại! Anh quên mất trong thành phố quê nhà còn có em. Cho nên đó chỉ là một sự tình cờ đẹp đẽ. Anh muốn xem đó là một cuộc dàn xếp tế nhị của định mệnh. Định mệnh là cái anh thường ỷ lại trong khi đi chiến đấu. Anh xông xáo táo bạo ở mặt trận vì tin “trời kêu ai nấy dạ.” Mà trời lại hay kêu tên những đứa nhát gan, mới nghe nổ đùng một tiếng chưa kịp phân biệt địch ở đâu đã vội nhào vào chỗ ẩn nấp để lãnh nguyên một quả lựu đạn cài sẵn, chẳng hạn.
Thế thì do một sự tình cờ anh gặp lại em. Một người bạn thân nhờ anh đem số tiền lương của hắn về, nhân dịp anh được nghỉ phép, trao cho cô em gái của hắn đang ở trọ học tại một ngôi nhà có tên con đường và số nhà hơi quen. Dường như ngày xưa anh có đi ngang qua đâu đó. Anh ngỡ ngàng dừng lại ở cửa. Trên chiếc ghế con sò há miệng đặt ngoài hiên, em đang ngổi dựa người xỏa mái tóc dài láng ướt ra phía sau. Mái tóc vừa gội. Chắc chắn như thế, dù anh không nghe thấy mùi chanh tươi hay mùi bồ kết. Em nhìn lên với đôi mắt đen lay láy anh nhớ một đời. Anh có đen bằng đôi mắt em không? Anh thấy sự ngập ngừng trong mắt em.
“Ông… Anh… Anh Hữu!”
“Hồng Ngọc!”
Em đứng bật dậy như thế sắp xà tới đón anh bằng hai cánh tay áo vén lên tận khuỷu. Nhưng em đứng đó. Đôi mắt em mở to mừng rỡ và em không nói gì thêm. Anh cũng không nói gì thêm sau hai tiếng kêu thảng thốt không phải do miệng anh mà do một chỗ nào đó sâu kín trong lòng anh phát ra. Anh gọi tên em trước khi anh kịp nhận ra em. Ngay trong phút giây bát ngát mênh mông của hai người nhìn nhau im lặng, anh kịp nhận thấy điều anh đã âm thầm lặng lẽ tìm kiếm đợi chờ bao nhiêu năm qua. Có phải em cũng mơ hồ nhận thấy thế không? Tất cả bắt đầu từ giây phút đó, trên chiếc ghế đó anh đã tìm được người đích thực anh yêu. Người đích thực yêu anh. Em đã đứng lên để quên chiếc ghế bối rối sau lưng. Không ai nói gì nữa hết. Có gì để nói đâu! Mà cần gì phải nói. Mà dường như có muôn vàn đều để nói. Nhưng không sao. Em mở lời trước.
“Mời anh vào nhà.”
Anh ngồi xuống cái ghế nệm bọc nhung êm ái ở phòng khách, lơ đãng nhìn những bông hoa lạ mắt cắm trong chiếc bình thủy tinh đặt giữa chiếc bàn nhỏ. Anh tự giễu mình gốc gác nhà quê không nhiều cơ hội tiếp xúc với cuộc sống thượng lưu, đến một bông hoa cũng lạ! Em vào trong và trở ra với chiếc dĩa màu ngọc xanh đặt một tách trà thật thơm.
“Mời anh uống nước. Anh Hữu đến thăm Ngọc mừng quá!”
Tự nhiên anh ghét cái phong thư và món tiền nằm trong túi quần. Nhưng anh cũng nói thật mục đích của anh. Em không phật lòng hay thất vọng. Bởi vì em đâu có chờ đợi anh. Chỉ là một cuộc hội ngộ tình cờ. Em nói em vui lắm.
“Ngày trước, tôi với Ngọc vẫn đối lập với nhau ở trường…”
Ngọc cười.
“Anh Hữu còn nhớ… Ngọc ngỡ anh quên Ngọc rồi.”
Anh quên thật đấy. Chỉ có cái tiềm thức nào đó trong anh vẫn âm thầm nhớ Ngọc mà anh không hay. May quá, cám ơn trời. Cám ơn cái tiềm thức rất được việc đó. Ngọc nói Hà đi học chưa về, nhưng giờ này Hà cũng sắp về rồi đó. Anh thấy đó là cái cớ rất tự nhiên để anh cho phép mình ngồi lại hơi lâu. Em hỏi anh thật nhiều chuyện. Em sắp sẵn những câu hỏi duyên dáng ấy từ lâu rồi cơ à? Em vẫn hoạt bát và vẫn thùy mị. Những câu trả lời của anh làm em hài lòng, mặc dù có lẽ em không tin tưởng mấy. Tại anh hay khôi hài quá chăng? Anh chỉ yêu cầu em mỗi một điều: em ngồi lại trên chiếc ghế con sò ngáp lúc nãy. Một thoáng ngạc nhiên, nhưng em hiểu ngay. Anh vẫn nói em thông minh nhất, anh một đời lăn lóc từng trải cũng không sánh kịp. Em đứng dậy ra hiên lấy chiếc ghế ny lông vào đặt ở cửa. Em ngồi xuống đó và, dung dị vô cùng, trải mái tóc còn ướt ra phía sau lưng ghế.
“Cám ơn Ngọc!”
Em cười. Anh thấy chúng mình như thân nhau đã lâu. Chắc là phải từ mười ngàn kiếp trước. Cho nên em lập lại rằng gặp anh em mừng quá. Anh hiểu em nói thật. Anh cũng vậy. Anh sẽ ân hận biết bao nhiêu nếu ngày đó chúng ta không gặp nhau. Gặp nhau đúng giờ đúng lúc. Thời gian và không gian giao thoa ở một điểm muôn ngàn đời trước, muôn ngàn đời sau khó tái hội. Khó có lại một lần như thế.
Khi Hà đi học về anh đã thấy anh xưng “anh” với Ngọc từ bao giờ không hay. Mà em cũng không để ý nữa. Em cũng không còn xưng “Ngọc” với anh. Dường như cách xưng hô của Hà đối với anh đã tạo dịp thay đổi êm ái cho chúng mình. Nó tự nhiên đến nỗi em và anh cùng không nhận ra. Trao thư và tiền cho Hà xong, anh ra về sau khi trả lời những câu hỏi về anh nàng. Anh ra về và không đến thăm em lần nào cho đến khi anh hết phép, trở lại đơn vị. Anh đâu cần trở lại, phải không em? Chỉ một lần đầu đến đó anh cũng đã cư ngụ vĩnh viễn trong lòng em rồi. Em cũng vậy. Chỉ một lần tao ngộ cũng đủ nhận ra nhau. Những lần về sau chỉ cho tình thêm khắng khít. Mà tình thì đã đóng đinh quyết định rồi trong lần gặp gỡ đó. Dù sao thư anh cũng đến với em sáu tháng sau.
Anh phải đợi đến nửa năm mới viết cho em lá thư đầu tiên. Thời gian đó để em suy nghĩ và cũng để cho anh nhìn rõ lòng anh. Anh biết trong sáu tháng đó em cũng đã thường trực đối diện với lòng mình. Anh chưa tỏ tình với em lần nào. Mà em cũng vậy. Tự nhiên mình thấy mình đã ở trong cuộc tình ngây ngất từ lâu rồi. Từ lần gặp nhau cho đến lá thư đầu tiên của anh, và em đáp lại, có một khoảng cách đột ngột, người ngoại cuộc không thể nào hiểu nổi, nhưng trong lòng anh và em không hề có khoảng cách đốt giai đoạn như thế. Sáu tháng dài đủ cho em nhận thấy em là của anh và ngược lại.
Anh không cho đó là một thứ sét ái tình. Đó là một sự ngủ quên của tình cảm, hoặc tình cảm đi lạc đường nhiều năm, bỗng dưng thức dậy, bỗng dưng trở về; những vòng tay chưa hề giữ lấy nhau lần nào bỗng thành ra quen thuộc, chỉ qua một chút bỡ ngỡ là nhận ra nhau..
Từ đó anh rất siêng năng trong việc nghỉ phép. Anh có một chỗ để về thay vì lêu lổng đâu đó, vui say quên trời quên đất, quên mình là ai, với những cái phép thường niên dài dằng dặc, mười lần dài hơn số lương của lính. Anh về phép thường hơn, mỗi năm hai bận, mỗi bận bảy ngày cộng thêm hai ngày đường mà vẫn còn ít quá. Được mấy lần như thế, anh không nhớ, nhưng chắc em nhớ.
Em nghĩ anh đã có một cái tổ để cư ngụ khi chúng ta tính đến chuyện hôn nhân. Con bướm cũng có một cái tổ để về. Nhưng anh lầm. Có ai thấy con bướm có một cái tổ bao giờ? Từ khi thoát khỏi cái kén, con bướm không hề có một chỗ dừng chân. Nó bay hoài cho đến kiệt lực. Anh là con bướm đó. Cho nên…
Anh yêu Hồng Ngọc vô cùng. Em biết như thế. Song, anh từng mong rằng đừng bao giờ em biết tại sao anh đã “bỏ em”! Anh đâu có bỏ em! Anh mất em đó chớ. Anh tự nguyện mất em. Anh âm thầm lặng lẽ để mất em. Em thông minh nhất trong số những người thông minh nhất mà anh đã biết. Vì vậy anh sợ em hiểu ra. Chỉ thêm đau đớn cho em. Anh không hy sinh gì hết. Anh chỉ tự xóa lấp anh đi. Em khổ chừng nào thì anh còn khổ hơn em gấp bội.
Em không thể tưởng tượng được anh đã khóc khi nằm ở Tổng Y Viện Cộng Hòa trong bốn tháng trời ròng rã mà không báo tin cho em biết. Khi một người đàn ông đã không ngăn được nước mắt mình thì em hiểu sự đau đớn của anh ra sao. Mất đi một cái chân thì thật không may, nhưng không đến nỗi một người đàn ông phải khóc. Đã là chiến binh thì phải chấp nhận thương tích – thậm chí chấp nhận hy sinh cả mạng sống. Các vết thương trên người anh thì người ta mổ xẻ, gắp mảnh đạn ra, khâu vá và băng bó lại và truyền nhiều máu. Còn cái chân, nếu không cắt bỏ nó đi, các bác sĩ cũng không biết làm sao cho mớ xương thịt nhầy nhụa bùn đất đó thành hình trở lại để gọi được là một cái chân. Là một người lính, anh không khóc vì nó. Súng đạn của địch đã không làm cho anh vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường, là anh đã thắng và không đến nỗi phải khóc. Anh chỉ khóc vì quyết định tự để mất em. Không. Để mất anh trong em mới đúng. Em thì lúc nào cũng có trong lòng anh.
Thời gian ở nhà thương, khi có thể ngồi lên và thân thể cử động được, anh đã viết thư cho em hai lần, anh đều nói anh bình yên và đang đánh giặc. Hai lần viết thư mà thực ra anh đã chép đi chép lại nhiều lần. Anh sợ em nhận thấy trong thư không có một câu vui vẻ khôi hài nào như tính anh thường lệ; anh sợ em nhận ra anh không còn hăm hở nói đến chuyện hôn nhân và vẽ ra những tương lai tươi sáng cho cả hai ta. Và em đã không nghi ngờ gì. Em đã không nghi ngờ em sắp phải đối mặt với một cuộc tan vỡ phũ phàng đau đớn nhất đời chúng ta.
Rời Tổng Y Viện Cộng Hòa, anh trở về đơn vị để được chuyển sang Đơn vị Quản trị Địa phương chờ ngày ra Hội đồng. Đó là lần cuối cùng anh viết thư cho em. Vẫn như thường lệ, không có một lời cay đắng hé môi than thở nào. Chỉ trừ một điều duy nhất anh dặn đi dặn lại hai lần: anh sắp thuyên chuyển đi đơn vị khác, em đừng gởi thư về đơn vị cũ. Chờ đến đơn vị mới anh sẽ có địa chỉ KBC… khác cho em. Và không bao giờ em nhận được thư anh nữa. Chỗ anh ẩn dật để “trốn” em bây giờ là một đồn điền cà phê và trà ở tận cao nguyên Lâm Đồng.
Em ba bốn lần gởi thư bảo đảm đến ông đơn vị trưởng cũ của anh. Trước đó anh đã năn nỉ ông ta đừng bao giờ tiết lộ cho em biết anh đã trở thành phế nhân. Anh tiên đoán em sẽ quyết tìm cho bằng được anh đang ở đâu. Vị thiếu tá Tiểu đoàn trưởng cảm động đến ứa nước mắt. Do đó mà tất cả thư em gởi đến ông ta anh đều nhận được.
Nhiều lần đọc thư em anh cầm lòng không nổi, muốn viết cho em, nói thật hết với em, để em quyết định. Nhưng qua những năm dài yêu nhau, anh hiểu em lắm. Vì thế mà anh im lặng luôn. Rồi lâu ngày, nhiều năm tháng, em sẽ quên. Anh mong em sẽ quên. Chắc không phải dễ dàng gì đâu. Nhưng anh đã quên mối tình đầu thời thơ ấu. Anh biết anh anh dễ quên mối tình tan vỡ đầu đời vì người bỏ anh là Thủy, chớ không phải em.
Em thường nói em không mơ ước gì cao sang. Em sống bình thường. Ngoài hai buổi đi dạy mỗi ngày em chỉ có thú vui đọc sách. Em yêu cái gì bình thường. Em yêu anh. Em không thấy anh là một anh hùng gan dạ gì hết. Một cái chân gỗ của anh chắc sẽ không làm em thất vọng nhiều lắm. Anh hiểu như thế. Nhưng anh không nên… Một cuộc tình thật đẹp, anh thấy thà để dứt ngang, thà để em oán hờn anh phụ bạc; em oán hờn anh mà vừa lo lắng cho anh. Anh ích kỷ. Ai mà không ích kỷ? Khi có em và yêu em, anh biết rằng anh cần cho em. Anh giữ thân anh cho em. Anh đã không giữ trọn. Ra chiến trường anh đã không còn nhớ gì nữa. Bây giờ anh không muốn trở về với em một cách thiếu hụt. Mai kia khi trời đổi mùa trở gió, những thương tích trên người anh không chỉ hành hạ một mình anh. Em không tội tình gì phải chung chịu đau đớn cùng anh. Anh đành chịu mất em và để em mất anh. Ngoài các thương tích trên thân thể đã thành sẹo, vết thương tinh thần này anh tự nhận lấy, anh tự tạo nên. Anh dồn hết tình yêu cho em rồi, nên anh kiệt sức. Anh không còn sức lực nào để yêu ai nữa đâu. Một mối tình đầu đời con nít ngày xưa với Thủy mà đã biến đổi anh từ một cậu con trai ngô nghê nhát gái trở thành đứa lỳ lợm bất cần đời, bất cần mình, huống chi vết thương này, vết thương Hồng Ngọc, còn gì sức lực cho anh.
Sau nhiều lần gởi thư không có kết quả, em tìm đến tận đơn vị cũ của anh. Em không gặp được vị Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng cũ. Vị Tiểu đoàn trưởng mới hỏi thông tin từ ban Một và thật thà cho em biết “Thượng sĩ Nhất Lê Hữu bị thương nặng trong một trận đánh, được thăng cấp Chuẩn Úy tại mặt trận, với Chiến thương bội tinh và Anh Dũng bội tinh ngôi sao vàng. Nhưng Chuẩn Úy Lê Hữu đã trở thành phế binh và đã xuất ngũ từ vài năm trước khi tôi về đây làm Tiểu đoàn Trưởng!” Em đã run rẩy, tái xanh, rũ người xuống và lịm đi vì tuyệt vọng bất ngờ.
Anh thường ngủ chiêm bao thấy em, như thể em đã chết hiện về trong mộng. Song kẻ chết rồi phải là anh. Chết khỏi cuộc tình, chết khỏi đời mình, chết như tăm tối đìu hiu. Anh nhớ em lắm, nhớ ròng rã nhiều năm trời trên cái đồn điền cô quạnh; anh ao ước điên khùng được gặp em, được một cái thư của em, để nghe lại những lời nồng nàn yêu dấu. Nhưng không bao giờ… Không bao giờ…
Để “trốn” em, anh giữ chân thư ký cho một đồn điền cà phê và trà tại Bảo Lộc. Bao nhiêu năm qua anh vẫn thấy mặt trời mà tưởng như đang sống âm thầm trong hang hốc âm u. Anh thường ngẩn ngơ bên quốc lộ nhìn những chiếc xe xuôi ngược xuống lên Sài Gòn Đà Lạt. Anh tìm kiếm chờ đợi một người đã từng tìm kiếm đợi chờ anh. Nhưng không bao giờ gặp nữa. Không bao giờ em ngờ được cựu Chuẩn Úy Lê Hữu, người chiều chiều chống nạn bên đường trên cao nguyên hẻo lánh ngẩn ngơ sầu thảm chờ đợi một người anh không hẹn gặp. Anh biết không bao giờ gặp mà vẫn cứ chờ mong.
Hai năm sau ngày biết lý do anh đã “bỏ em” và mọi nỗ lực tìm kiếm hay đợi chờ anh đều vô vọng, em đã để bạn bè đăng tin trên báo chia vui. Biết tin em lấy chồng, lòng anh như mừng vui vừa như đau đớn. Em lấy chồng là phải. Cuộc đời phải diễn biến theo chiều thuận của nó như tự ngàn đời. Không có gì tuyệt đối hay phi thường hết. Niềm đau nào cũng phải đến lúc nguôi ngoai, trừ niềm đau của anh. Nó phải dài dằng dặc. Dù sao anh cũng mừng em đã lấy chồng. Em lấy chồng là em đã tha thứ cho anh. Em tha thứ sự phụ bạc tàn nhẫn của anh. Lòng anh cũng đỡ phần dằn vặt. Dường như có những thứ hạnh phúc trong đời rất đắng cay. Như cà phê, như thuốc lá, như một trái ớt cay…
Thôi vậy cũng được. Em làm kín vết thương lòng em, và giúp anh giữ nguyên vết thương Hồng Ngọc.
Thiếu Khanh