Đầu tháng 9 năm 1967, liên danh Thiệu- Kỳ đắc cử Tổng thống với 35% số phiếu, mấy tháng sau chính phủ muốn người dân ăn Tết cho thật to, cảnh sát làm ngơ cho dân chúng Thủ đô đốt pháo thả dàn đêm giao thừa 29-1-1968.
Tối ấy Sài Gòn ngập chìm trong khói pháo, tiếng nổ vang rền y như tiếng súng trận của của hàng nghìn vạn binh sĩ đang nhả đạn ngoài chiến trường, tết năm nay vui quá.
Sáng ngày mồng hai, xướng ngôn viên Văn Kiệt dằn từng tiếng một nói về bản tin Việt Cộng tấn công đài phát thanh tối qua bị quân ta bắn hạ, chúng tấn công tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tư lệnh hải quân tại bến Bạch Đằng, dinh Độc Lập….địch hoàn toàn thất bại. Khi ấy không còn quang cảnh ngày Tết, ngoài đường lộ người dân ở ngoại ô, Gò Vấp hối hả chạy loạn. Đó là cuộc Tổng công kích têt Mậu Thân, chiên dịch đẫm máu nhất kể từ ngày địch phát động cuộc chiến tranh tại miền nam từ 1960.
Mặt trận Sài Gòn bắt đầu lúc 2 giờ sáng mồng 2 Tết tức 31-1-1968, thứ tư và chấm dứt đầu tháng 2 Âm lịch 28-2-1968. Trước hết xin mô tả diễn tiến trận đánh.
Phía CS cho biết chiến dịch này là do ý kiến chỉ đạo của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, người nắm quyền lực cao nhất tại Bắc Việt, nhằm đánh thẳng vào sào huyệt địch tại các thành phố, thị xã. Lê Duẩn là người đứng đầu trong số các nhân vật chỉ huy chiến dịch, kế đó là Văn Tiến Dũng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, như vậy cuộc Tổng công kích là tác phẩm của Duẩn.
Trong bài “Tướng Võ Nguyên Giáp và tiến trình bí ẩn của kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân (1968)” của Merle L. Pribbenow, Nguyễn Việt dịch đăng trên trang mạng Talawas năm 2010 cũng có nói kế hoạch này của Lê Duẩn.
Hà Nội tính toán một chiến lược có ý nghĩa quyết định, tạo bước ngoặt của cuộc chiến tranh nhất là vào lúc Mỹ nhiều mâu thuẫn chính trị chuẩn bị bầu cử Tổng thống năm 1968. Cách mạng nhằm giành thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, công kích và khởi nghĩa thành công ở các đô thị lớn, kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, binh lính Sài Gòn đoàn kết với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đánh đổ Thiệu – Kỳ, thương lượng với miền Bắc, lập Chính phủ liên hiệp ba thành phần.
Đây là một đòn tiến công chiến lược đánh vào thành phố, thị xã quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng các đô thị và nông thôn, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn – Gia Định, Đà Nẵng, Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Huế , Đà Nẵng và các thành phố lớn. Cụ thể là: cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 – Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch.
Mặc dù lúc này Hồ chí Minh sang Tầu chữa bệnh, ông cũng về nước duyệt lại kế hoạch vì mọi quyết sách lớn vẫn phải được Chủ tịch phê duyệt. Ông ta chấp nhận dự thảo và lưu ý phải làm sao ta càng đánh càng mạnh, đánh liên tục, đánh được lâu dài.
Chiến dịch tuy được gọi là Tổng tiến công Tết Mậu Thân, các trận đánh dịp Tết chỉ là giai đoạn mở màn. BV coi toàn bộ các hoạt động chiến đấu ở miền Nam từ đầu tháng 2 cho tới hết năm 1968 (kéo dài trên 300 ngày) đều thuộc phạm vi chiến dịch, trong đó có 3 đợt tấn công cao trào (Đợt 1: 30-1 đến 28-3, Đợt 2: 5-5 đến 15-6, Đợt 3: 17-8 đến 30-9), xen giữa các đợt cao trào là giai đoạn tái bổ sung lực lượng, phòng ngự chống đối phương phản kích.
Việc quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa lơi lỏng phòng bị không phải vì “hiệp định đình chiến” mà là do thất bại tình báo của chính họ khi không phát hiện ra đối phương. Trận đánh Toà đại sứ Mỹ kết thúc, trong 17 người của đội biệt động có 16 người tử trận, chỉ còn đội trưởng Ngô Thành Vân bị bị bắt. Quân Mỹ cũng thiệt hại nặng: 5 lính chết tại chỗ, 17 chết tại quân y viện và 124 bị thương.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt nổ ra vào đêm 30 rạng 31 tháng 1 năm 1968 (mồng một Tết Mậu Thân). Suốt từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau. Các lực lượng vũ trang quân Giải phóng bất ngờ tiến công rộng khắp vào 6 thành phố lớn, 44 thị xã, hàng trăm quận lỵ, chiếm một số nơi, phát động quần chúng nổi dậy, đập tan bộ máy cơ sở của chế độ Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn. Hiệu lệnh mở màn là bài thơ chúc Tết của Hồ chủ tịt
Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.
(Bài thơ chúc xuân của Bác cũng đã mở màn cho cảnh máu chẩy thịt rơi của hàng ngàn vạn sinh linh vô tội)
Đêm 30-1-1968 (đêm 29 rạng ngày 30 tết). Cuộc tiến công đã gây bất ngờ lớn cho phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa, nó cho thấy sự bất lực của hệ thống tình báo của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã không tiên liệu được khả năng, tính chất cũng như thời điểm, quy mô của sự kiện mặc dù có sự khập khiễng về ngày giờ tiến công của quân Giải phóng ở các địa phương. Tại Sài Gòn tại khu vực Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa và sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, biệt động bắn cháy hai xe bọc thép. Đến 14 giờ ngày 30-1-1968, bị tổn thất và hết đạn, những người còn lại của cụm biệt động buộc phải rút lui.
Như vậy ở nội thành Sài Gòn, lực lượng biệt động thuộc Phân khu 6 trong ngày mùng 1 Tết Mậu Thân 1968 (theo lịch miền Nam – tức 30-1-1968) đã tiến công 6 trên 9 mục tiêu chủ yếu. Trong số 88 chiến sĩ biệt động tham gia tác chiến, đã có 56 người tử trận và 10 người bị bắt.
Theo thống kê của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, Quân Giải phóng đã có đến 97 tiểu đoàn và 18 đại đôi trực tiếp tham chiến, tổng cộng khoảng 323,500 người. Số tổn thất từ ngày 29/1 đến 29/2/1968 được Mỹ ước tính là khoảng 41.000 người, Theo số liệu Cục tác chiến của Quân Giải phóng, tổn thất của họ trong đợt 1 (từ 29/1 tới hết tháng 3) vào khoảng 17.000 tử trận và 20.000 bị thương, tức là bằng khoảng 2/3 so với ước tính của đối phương
Tổn thất của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh theo thống kê của họ là 4,124 chết, 19,295 bị thương, 604 mất tích. Quân lực Việt Nam Cộng hòa tổn thất 4,954 chết, 15,917 bị thương, 926 mất tích. Tổng cộng tổn thất là 9,078 chết, 35,212 bị thương, 1,530 mất tích. Ngoài ra, 552 máy bay các loại bị phá hủy hoặc bị hư hại nặng. Thương vong của thường dân tại miền Nam Việt Nam trong đợt tổng công kích đầu tiên (tháng 2 sang đến tháng 3) được Việt Nam Cộng hòa tuyên bố là 14,300 người chết, 24,000 bị thương, 72,000 vô gia cư (nhà cửa bị tiêu tan), 627.000 người đi tị nạn.
Quân Giải phóng đã đạt được những thành công sau:
-Giữ được bí mật bất ngờ về mục tiêu và thời điểm tiến công: 10 ngày trước, hai sư đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có hành động nghi binh bằng cách tấn công căn cứ của lính thuỷ đánh bộ Mỹ tại Khe Sanh. Việc lực lượng quân Giải phóng tiến công vào các đô thị không hề được lường trước, làm cho Mỹ và Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn bất ngờ khi một bộ phận sĩ quan và binh lính (kể cả Tổng thống Nguyễn Văn thiệu) đang về quê nghỉ Tết Nguyên Đán.
-Gây cho đối phương bất ngờ về quy mô tiến công: cuộc tiến công làm sửng sốt mọi người khi mà đồng loạt tại tất cả các đô thị cùng diễn ra các trận đánh quyết liệt trong gần một tháng (chỉ riêng đợt 1) và điều bất ngờ này cho thấy 3 năm tìm-diệt của quân đội Hoa Kỳ chỉ đạt được hiệu quả thấp.
-Chiếm được một số thị xã thành phố, gây thiệt hại đáng kể cho đối phương và qua đó tác động mạnh vào nhân tâm nước Mỹ.
Trong việc lập kế hoạch cho cuộc tổng tiến công, quân Giải phóng đã có những dự đoán không đúng với tình hình: họ hy vọng cùng với tiến công quân sự đánh vào các đô thị, họ có thể phát động dân chúng nổi dậy tổng khởi nghĩa đánh sụp chính quyền Việt Nam Cộng hòa và đặt Mỹ trước tình thế phải đi đến quyết định ra đi khỏi chiến tranh. Kế hoạch trên dựa trên nhận định thấp về khả năng của đối phương (Mỹ-Ngụy) và đánh giá quá cao khả năng của họ (VC), nên trong thực tế quân Giải phóng đã bị thương vong lớn mà không phát động được tổng khởi nghĩa của người dân ở thành thị (trừ ở một số nơi như Huế); chính quyền Việt Nam Cộng hoà ở các đô thị vẫn đứng vững.
Nhà báo Bùi Tín nguyên phó Tổng biên tập báo QĐND (về sau sang Pháp tỵ nạn và trở thành nhân vật bất đồng chính kiến với nhà nước Việt Nam), cho biết quan điểm:
“Mậu thân thì tôi đang công tác ở Hà Nội. Ý kiến của tôi như thế này: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của phía Mặt trận là thất bại nặng nề. Tất cả các đơn vị đều bị đánh ra khỏi các đô thị, vậy nên theo tôi đánh giá thì Bắc Việt đã thất bại do chủ quan, do không nổi dậy, dù có tập kích rộng rãi nhưng không giữ được, nên thiệt hại rất nặng đến 2, 3 năm sau.
Các cơ sở lộ hết, nhất là ở đô thị cơ sở mất hết và ở nông thôn cũng mất từng mảng lớn và phải tạt qua tận Cam-bốt. Do đó mà tôi nói phía đồng minh đã thắng, nhưng đã không duy trì được chiến thắng, tình báo kém lại bị cái tuyên truyền phản chiến ở Mỹ thổi phồng chiến thắng của đối phương nên Quốc hội Mỹ tìm cách rút khỏi chiến tranh VN”.
Năm 1968 Quân Giải phóng miền Nam thiệt hại: Chết 44,824; bị thương 61,000; mất tích 4,511; bị bắt 912; lạc 1,265; đào ngũ 10,899; đầu hàng 416; Tổng cộng (không tính đào ngũ) là 113,295.
Tài liệu Hoa Kỳ xác nhận tổn thất trong đợt 1 là hơn 48.500 quân và 552 máy bay bị phá hủy(?), và năm 1968 trở thành năm đẫm máu nhất đối với quân viễn chinh Mỹ tại Việt Nam với 16,511 lính chết và 87,388 bị thương chưa kể mất tích. Như vậy tổng thương vong của quân đội Mỹ và đồng minh trong năm 1968 là khoảng 310 ngàn (?) theo thống kê của chính họ, khiến năm 1968 trở thành năm có thương vong cao nhất cho Mỹ và đồng minh trong toàn cuộc chiến.
Nhìn lại diễn biến và kết quả của đợt 2 và đợt 3 Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Trung ương Đảng Lao động nhận định:
“Chúng ta đã mắc một số khuyết điểm, chủ quan trong việc đánh giá tình hình cho nên đã đề ra yêu cầu chưa thật sát với tình hình thực tế lúc đó nhất là không kịp thời kiểm điểm và rút kinh nghiệm ngay, nhằm đánh giá lại tình hình và có chủ trương chuyển hướng kịp thời”, nên để mất đất, mất dân, lực lượng vũ trang, cơ sở cách mạng và vật chất chiến tranh bị tổn thất nghiêm trọng, gây những khó khăn rất lớn cho phong trào đấu tranh năm 1969; song, thắng lợi trong đợt 2 và 3 tổng tiến công và nổi dậy cũng rất lớn, ta không chỉ tiêu diệt được một lực lượng chiến lược của Mỹ – ngụy, mà điều quan trọng là ta đã đánh bồi liên tiếp, đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Tổng thống Mỹ Giônxơn phải tuyên bố chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc…”
Tài liệu và nhận định của Việt Nam Cộng Hòa (2)
Giao Thừa Mậu Thân tối 29-1, các gia đình nhang đèn, hoa quả cúng giao thừa, đời sống sung túc khiến cho ngày xuân 1968 tưng bừng náo nhiệt hơn những năm trước. Bất ngờ đặc công VC tấn công Bộ Tổng Tham mưu, Dinh Độc Lập, Bộ Tư Lệnh Hải quân, phi trường Tân Sơn Nhất.. địch tấn công đồng loạt 28 tỉnh và thị trấn. Hà Nội ra lệnh hoãn cuộc tấn công 24 giờ đồng hồ, các tỉnh miền Trung như Nha Trang, Bình Định, Pleiku.. khai hoả trước nên miền Nam kịp thời cảnh giác.
Hà Nội đã cho điều động khoảng 100 tiểu đoàn vào cuộc Tổng công kích đại qui mô này. Lực lượng được chia ra như sau: 35 tiểu đoàn và 18 đại đội tại Vùng I, 28 tiểu đoàn tại Vùng II, 15 tiểu đoàn tại Vùng III, 19 tiểu đoàn tại Vùng IV, tổng cộng 84,000 người, hầu hết thuộc Mặt Trận Giải Phóng, ngày 21-1-1968 Hà Nội chọn Giao thừa là giờ tấn công.
Bắc Việt chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích y như quân Nhật đảo chính Pháp năm 1945, mặc dù họ bảo mật rất kỹ nhưng một cuộc hành quân lớn như vậy cũng có sơ hở. Năm 1967 Bắc Việt vờ hoà hoãn với Mỹ để chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích, năm 1967 Quân đội BV bị thất bại nhiều, tử vong lên cao. Trong cuộc hành quân tại Dakto người Mỹ đã bắt được một số tài liệu cho biết địch sẽ đánh lớn nhưng chưa biết vào thời điểm nào. Trước Tết Tướng Wesmoreland đã tìm gặp TT Nguyễn Văn Thiệu để báo cáo âm mưu của địch và yêu cầu chỉ hưu chiến 24 giờ nhưng ông Thiệu không tin và vẫn cho hưu chiến 36 giờ.
Vùng I và Vùng II là chiến trường gay go nhất miền Nam vì tiếp giáp với vùng Hoả tuyến, nơi diễn ra nhiều trận đánh đẫm máu giữa BV và Đồng minh từ 1965. tại Vùng 2 VNCH có 2 sư đoàn, 1 sư đoàn Mỹ (SĐ4), 2 sư đoàn Đại Hàn trách nhiệm từ Bình Định tới Phan Rang, Tư Lệnh QĐ-II Trung tướng Vĩnh Lộc. Trong trận Mậu Thân, Vùng II bị tấn công sớm nhất, đúng Giao Thừa. Theo Tướng Hoàng Lạc, Hà Nội đổi giờ tấn công trễ hơn 24 giờ nhưng tại Vùng II, VC chưa nghe lệnh nên khai hỏa sớm, các tỉnh miền Nam kịp thời ứng chiến.
Tại nhiều thành phố Cộng quân đi lạc vì không biết đường, bị tóm gần hết, dân chúng giúp chính quyền bắt giặc. Bộ đội CS toàn là lính trẻ từ 16 tới 20, quân phục không đồng loạt. Cố đô Huế bị Cộng quân chiếm giữ 25 ngày, cuộc tái chiếm đẫm máu nhất, số cán binh CS bị giết tại đây khoảng trên 2,000 người, phía VNCH có 384 người chết, 1,800 bị thương, Mỹ 147 người chết, 857 người bị thương, đây là trận tàn khốc nhất trong cuộc Tổng công kích, tổn thất tại Huế cao nhất vì bị địch chiếm gần một tháng . VC tàn sát, chôn sống rất nhiều tù binh gồm quân nhân công chức và tình nghi trên đường rút lui. Khi VC rút đi, chính quyền VNCH cho khai quật và tìm được khoảng 5,000 xác nạn nhân.
Về mặt chính trị CS hoàn toàn thất bại, dân chúng không hề tham gia nổi dậy như như đài Hà Nội đã rêu rao, ho không đi biểu tình do CS tổ chức mà còn chỉ điểm cho chính quyền biết những nơi có cơ sở VC, những nơi địch lẩn trốn. Các cơ sở nằm vùng bị bại lộ gần hết, chính phủ VNCH có cơ hội gần gũi với nhân dân hơn, họ thù ghét CS vì chúng đốt nhà, tàn sát tù binh và cả thường dân.
Ngày 22-3 TT Johnson tuyên bố thay thế Wesmoreland và Đô đốc Grant Sharp, Tư lệnh Thái Bình Dương, ngày 31-3-1968, tuyên bố không ra tái tranh cử, hạn chế oanh tạc BV, công khai nhờ Nga và Anh tìm cách hoà giải cuộc chiến tranh VN.
Theo tài liệu của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH trong tháng 2 -1968 VC bị giết 41,180 người, tháng 3-68 bị bắn hạ 17,192 người tổng cộng 58,372 người, bị bắt làm tù binh toàn bộ 9,461 người.Trong số 84,000 cán binh được đưa vào trận Tổng công kích chỉ còn 16,168 tên chạy thoát, chưa tới 20%, ta tịch thu được 17,439 khẩu súng đủ các loại. Phía VNCH có 4,950 người tử trận, 926 người bị mất tích, 15,097 người bị thương. Phía Đồng minh có 4,120 người tử trận, 19,265 người bị thương, 600 người mất tích, về vũ khí ta mất hơn 2,000 khẩu súng, 63 máy bay bị tiêu hủy, 154 cái bị hư hại nặng, 99 chiếc bị hư hại nhẹ.
Tại Huế 2/3 tổng số nhà cửa bị phá hủy, Vùng I có 12,000 căn, Vùng III có 10,000 căn, Sài Gòn có 19,000 căn, Vùng IV có 19,000 căn bị tiêu hủy. Những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Châu Đốc, Cần Thơ, Sài Gòn, Huế và Phan Thiết. Vùng Cao nguyên và Vùng II tương đối khả quan hơn.
Kinh tế cũng bị ảnh hưởng tai hại, ngoài các thành phố thị trấn bị tàn phá, có tới 13 xưởng kỹ nghệ đổ nát vì bom đạn, 20 hãng xưởng khác bị hư hại, thiệt hại lên tới 25 triệu Mỹ kim. Nạn nhân chiến tranh lên cao gần 700,000 người, ngân quĩ cứu trợ ước lượng 100 tỷ đồng, tại Sài Gòn đã thiết lập hơn 100 trung tâm tạm cư để tiếp đón khoảng 200,000 người chạy loạn, 130,000 người không còn nhà cửa.
Tác giả Chánh Đạo trong cuốn Mậu Thân 68 Thắng Hay Bại? cho biết VNCH có khuyết điểm lớn.
“Về phía Việt Nam Cộng Hoà, chỉ nguyên việc để quân Cộng Sản bí mật chuyển khí giới vào thành phố, hay âm thầm chuyển quân tới tuyến tấn công là một khuyết điểm rất lớn.
Các cơ quan an ninh quân sự cũng như dân sự chịu một phần trách nhiệm. Hoặc vì tư lợi, hoặc vì cầu nhàn họ đã không kiểm soát được những đường dây đưa chất nổ và vũ khí tới các cơ sở Cộng Sản trong thành phố….. khiến CS an toàn đưa vào các thành phố và thị xã hàng tấn thuốc nổ, đạn dược, và vũ khí”
Ngoài ra giới chức cao cấp như Tổng thống, Tướng Vùng đã quá tự tin cho rằng VC sẽ không vi phạm hưu chiến trong những ngày thiêng liêng của dân tộc, mặc dù bị tấn công bất ngờ và thiếu quân số ứng trực nhưng quân đội VNCH đã làm chủ tình hình sau mấy ngày giao chiến.
Người Mỹ cho rằng VNCH và đồng minh yếu kém về tình báo y như trận Trân Châu Cảng, VC bảo mật tốt, cuộc Tổng Công Kích làm ngạc nhiên cấp lãnh đạo và quần chúng Mỹ. Tuy nhiên VC cũng đã phạm vào nhiều sai lầm trầm trọng đưa tới thảm bại trong cuộc tấn công tự sát này.
Hà Nội đánh giá sai hoàn toàn tâm lý quần chúng miền Nam,họ thấy dân biểu tình, tuyệt thực chống chính phủ như năm 1966 tại miền Trung thì tưởng cứ phát động Tổng công kích là nhân dân sẽ ùa theo họ lật đổ chính quyền Mỹ Ngụy. Họ hy vọng sẽ tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận ngụy quân ngụy quyền.
Lê Duẫn nói, tổng tấn công các thành phố lớn và phát động hàng triệu quần chúng tại các tỉnh và miền quê nổi dậy tổng khởi nghĩa. Nhưng thực tế quần chúng chỉ bồng bế nhau chạy trốn CS về vùng Quốc gia. Vì thế VC đã đốt nhà dân, tàn sát tình nghi, tù binh, dân lành vô tội để trả thù. CSBV đánh giá quá thấp lực lượng Mỹ nguỵ, họ tưởng rằng đánh vào đầu não bộ máy quân sự là địch sẽ chạy như vịt ngay nhưng thực tế cho thấy mặc dù có yếu tố bất ngờ VC đã bị đánh bật ra khỏi các thành phố sau mấy ngày giao chiến.
Hậu quả của sự thất bại là 100 tiểu đoàn bị tan rã gần hết, có tới 70 % bị tử thương, 11% bị bắt làm tù binh, các cơ sở nằm vùng bị bại lộ, tiêu diệt. Một bộ trưởng của Mặt Trận Giải Phóng nói cuộc Tổng công kích đã mang lại nhiều hậu quả tai hại không ngờ cho Mặt Trận và CSBV. Hoàng Văn Hoan, cựu bộ trưởng công an BV trốn sang Tầu 1979 nói CS đã bị tổn thất nặng nề trong trận Tết Mậu Thân.
Tại sao Hà Nội lại mở cuộc tấn công tự sát như vậy? Toàn bộ lực lượng địch là 84,000 người, hầu hết thuộc Mặt Trận Giải Phóng. Mặc dù có vũ khí tối tấn như AK, B-40 nhưng không có vũ khí nặng, xe tăng đại bác, phòng không, súng cối, đại liên, so với 820,000 ngàn người của VNCH (3) , trên 500 ngàn quân Đông Minh Mỹ, Đại Hàn, Úc… trang bị tối tân, có thể nói đó là trứng chọi đá.
Theo Sir R.Thompson, một chuyên viên về du kích chiến cho rằng Hà Nội muốn “nướng” hết lực lượng của Mặt Trận Giải Phóng để BV có cớ đưa quân vào. Tướng Weyand phân tích cuộc Tổng công kích nói “ Việt Cộng dẫn đầu cuộc tấn công và bị tiêu diệt để bảo đảm thống nhất do BV thống trị. Một Thượng tá VC cũng có nói “Nó cho nướng sạch VC để sau này Bắc Kỳ vào thay thế hết”.
Trận Mậu Thân nhằm vào lúc cuộc tranh cử sơ bộ giữa các ứng cử viên trong đảng bắt đầu. Nó đã được Liên sô giúp sức “đổ dầu vào lửa” cho phong trào phản chiến tại Mỹ cháy to hơn. Giới truyền thông phản chiến Mỹ đã thổi phồng cuộc tấn công lên thành chiến thắng lớn lao của CS khiến cho người dân nghi ngờ những lời tuyên bố lạc quan của chính phủ Mỹ. Tướng Wesmoreland phúc trình cuối năm 1967, trước Tết mấy ngày cho rằng Cộng quân đã bị đánh bại khỏi những vùng đông dân, nhưng khi địch tung ra trận đánh tàn khốc gây ảnh hưởng lớn lao đến truyền thông Mỹ tạo bước ngoặt cho cuộc chiến tranh Việt Nam.
Cựu Tướng Trần Văn Nhật cho biết: (4)
“Tướng Wesmoreland vào cuối năm 1995, trong buổi tiếp tân và phỏng vấn tại nhà tôi (tại Mỹ) ông nói “ông đã biết trước các âm mưu của CSBV sẽ tấn công VNCH vào dịp Tết Mậu Thân 1968, nhưng ông không thể “bật mí” vì có ý định nhử Cộng quân tập trung vào các thành phố để tiêu diệt dễ hơn là tìm đánh chúng trong rừng núi”. Theo ông nhờ chiến thuật này nên sau Tết Mậu Thân, toàn bộ các đơn vị của Mặt Trận Giải Phóng Miền nam đều bị loại khỏi vòng chiến”
Kết luận
Giữa năm 1965 TT Johnson đưa quân vào VN 184,300 người và tăng dần hàng năm, cho tới cuối năm 1968 là 536,100 người (5) Từ 1966 Tướng Westmoreland cho phản công và lùng diệt địch, từ 1967, càn quét địch, đẩy chúng ra xa, tiến hành bình định. Năm 1967 đã đạt mục tiêu, đẩy VC qua bên kia biên giới.
Cuối năm 1967 các viên chức Mỹ ước lượng 180,000 tện địch bị giết tín từ 1965 tới cuối 1967 (6). Sự thực số VC và BV bị giết có thể nhiếu hơn vì năm 1968, trong cuộc phỏng vấn dành cho nữ ký giả Ý Fallaci , Võ Nguyên Giáp tuyên bố đã mất hơn nửa triệu quân trong cuộc chiến.
Khi Cộng quân bị truy quét, chúng chạy qua bên kia biên giới Miên và Lào nghỉ dưỡng quân, Johnson-McNamara đã sai lầm không cho đánh qua biên giới nên địch vẫn từ biên giới trở vế tân công VNCH và Mỹ. Năm 1968 chúng từ các căn cứ biên giới về mở chiến dịch Tổng công kích Tết Mậu Thân.
Thực ra chỉ có giai đoạn I trong tháng 2 là quan trọng vì địch có yếu tố bât ngờ nhưng dù vậy chúng cũng vẫn bị đè bẹp, hơn 80% số VC bị giết thuộc giai đoạn I. Tại Sài Gòn thực ra số đặc công lọt vào trong thành phố không nhiều lắm, tại Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ tư lệnh Hải quân, dinh Độc Lập VC đánh cấp tiểu dội và trung đội bị đè bẹp ngay trong ngày đầu. Đây là trận đánh tự sát mặc dù được trang bị súng cá nhân tối tân AK, B-40 nhưng thiếu vũ khí cộng đồng như súng cối, đại liên, nó chỉ là đánh du kích vào thành phố.
Cán binh VC vào trong các thị xã, các tỉnh lớn y như chim chích vào rừng, lớ ngớ đi lạc đường bị tóm cổ hoặc bị giết hết. Tại Sài Gòn trong ngày Tết địch bị giết rất nhiều, tỷ lệ thường là mười đổi một, có khi mười hai, mười ba đổi một. Phía Mỹ cũng như VNCH đều ghê tởm chính sách thí quân điên cuồng của Hà Nội.
Tại ngoại ô, các trận đánh lớn và ác liệt hơn, thường là cấp trung đoàn, tiểu đoàn, Cộng quân không làm chủ được tình hình. VC tỏ ra rất tàn ác với dân quân miền Nam, theo lời một ông cựu quận trưởng thuộc Bình Dương, địch đã giết mấy trăm tù binh (phần nhiều lính nhẩy dù) bằng lưỡi lê để tiết kiệm đạn. Tại Sài Gòn chúng đốt nhà dân để chạy khi bị truy kích, tại cố đô Huế VC tàn sát tù binh bằng cán cuốc, đao búa rồi chôn tập thể.
Sự thực Mỹ và miền Nam không ai ngờ địch có thể hèn nhát và bẩn thỉu đến thế, chúng đánh lén trong những ngày hưu chiến, giữa ngày thiêng liêng của dân tộc, CS miệng nói hòa bình tay rình đánh trộm. Hà Nội đã thú nhận hoàn toàn thất bại không huy động được quần chúng nổi dậy lật đổ chính phủ miền nam VN.
Tổng công kích là tội ác tầy trời lớn nhất của Lê Duẫn và đồng bọn kể từ 1960, tại Sài Gòn các khu Bàn Cờ, đường Bà Hạt Chợ Lớn, khu chùa Ấn Quang.. bị Cộng quân đốt cháy rụi, toàn quốc có tới 72,000 gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Sinh viên, giới trẻ tại Paris đã biểu tình tố cáo tội ác CSVN, họ mang nhiều biển ngữ nói “Hoan hô ông Hồ Chí Minh, nhờ có ông mà mấy khu phố ở Sài Gòn đã được giải phóng” (7)
TT Nixon chỉ trích sự lưu manh bất lương của truyền thông Mỹ, mặc dù
Mỹ và VNCH thắng lớn nhưng họ đã xuyên tạc sự thật noi CS chiếm ưu thế hoàn toàn, Mỹ thua to (8). Họ không nhắc gì tới cuộc tàn sát đẫm máu của VC tại Huế, (9), chúng đã giết khoảng từ 5 tới 10 phần trăm dân số tại đây nhưng họ lờ đi. Truyền thông chỉ nói sơ sài về sự tàn ác của CS tại Huế và khai thác vụ Mỹ Lai (tháng 3-1968) thật kỹ, vạch áo cho người xem lưng.
….sự kiện cho thấy sự khác biệt tương phản giữa chế độ dân chủ và chế độ CS: chúng ta phô trương sai lầm của ta; họ (CS) che dấu tội ác của họ (10).
Nixon nói truyền thông Mỹ đã làm người dân vỡ mộng và khiến cho BV thắng lớn về chính trị, tâm lý, trước đây TT Johnson thường tuyên bố có nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống CS nhưng nay người dân không tin chính phủ nữa. Trận đánh đã khiến số người ủng hộ chiến tranh giảm và phản chiến tăng cao, trước Tết mậu Thân, tỷ lệ ủng hộ là 48% nhưng sau tết xuống còn 40% và tiếp tục giảm mạnh.(11)
Tết Mậu Thân là một thảm bại quân sự của CSVN nhưng lại là thắng lớn cho họ về chính trị và tâm lý tại nước Mỹ mà họ không mong đợi. Thực ra đó chỉ là thắng lợi kiểu “chó ngáp phải ruồi” nhờ truyền thông bất lương của Mỹ hồi đó.
TT Nixon nói:
“Khi một ông Tổng thống đưa quân ra ngoại quốc tham chiến, một cái đồng hồ vô hình bắt đầu chạy. Ông Tổng thống có một khoảng thời gian nhất định để chiến thắng trước khi người dân mệt mỏi, chán nản. Tháng 2-1968 (tức Mậu Thân) TT Johnson đã hết thời hạn của ông” (12)
Trận Mậu Thân là một khúc quành bi thảm cho chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (1960-1975), người dân Mỹ chán nản chống chiến tranh dữ dội đòi chính phủ phải rút khỏi VN. Mới đấu ủng hộ chính phủ đưa quân vào VN với tỷ lệ rất cao để ngăn chận CS bành trướng.
Tất cả sách báo, thống kê về giai đoạn này (nhất là 1964) đều nói đa số, đại đa số người dân, thậm chí có tài liệu nói theo thăm dò 78% hoặc 85% (13) người được hỏi ủng hộ cuộc chiến. Đại đa số các vị dân cử Quốc hội ủng hộ cuộc chiến, tháng 8-1964 Johnson đưa ra Quốc hội xin Nghị quyết Đông nam Á và đã được chấp thuận bằng tên Nghị quyết Vịnh Bắc Việt ngày 7-8-1964 với tỷ lệ tối đa 99.60% số phiếu thuận choTổng thống can thiệp vào cuộc chiến ngăn chận CS tại VN. (14)
Năm 1965 tỷ lệ ủng hộ trên 60%, người dân Mỹ khó tính lắm, họ ủng hộ Hành pháp trong cuộc viễn chinh ngăn chận CS, nhưng lại muốn giết thật nhiều tên địch, hàng nghìn vạn tên vì chúng chỉ là dân lạc hậu, mọi rợ, còn ta chỉ chết vài người hay vài chục thôi vì ta là dân văn minh, mạng người chúng ta rất quí. Sau 1965 trận chiến ngày càng lớn và kéo dài, tính từ 1965 tới đầu năm 1968 VC bị giết mấy trăm nghìn (15) trong khi lính Mỹ từ 1965 tới Tết Mậu Thân chỉ hơn 20,000 (16) chết nhưng họ đã la làng chống chiến tranh kịch liệt.
Sự đòi hỏi quá đáng của người dân đã bó tay chính phủ đưa tới thảm bại, từ sau Mậu Thân phong trào phản chiến ngày một gia tăng dữ dội, từ tháng 1-1969 tới tháng 2-1970 có tới gần 2 ngàn cuộc biểu tình bạo động, đổ máu, 7,500 người bị bắt 43 người chết kể cả cảnh sát (17). Mặc dù TT Nixon cứng rắn cho dùi cui báng súng đàn áp biểu tình nhưng vô phương cứu chữa
Phillip B. Davidson, Trung tướng hồi hưu nói (18)
Nếu 1967 là Năm Quyết Định tại Việt Nam thì 1968 là Năm Cao Điểm, năm 1968 cho thấy
- một trong những trận đánh quyết định trong lịch sử Mỹ (tức Mậu Thân)
- một chiến thắng quân sự của Mỹ biến thành thất bại chính trị và tâm lý cho Hoa Kỳ;
- một Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ không ra tranh cử;
- thể hiện sự phá sản của chiến lược trận địa của hai lực lượng đối thủ Việt Nam và hai bên sẽ lựa chọn một chiến lược mới (bỏ du kích chiến)…
Mậu Thân 1968 là khúc quành bi thảm cho cuộc chiến tranh VN, Hành pháp Mỹ khởi đâu thương thuyết để rút khỏi Đông Dương.
Hồi Thế chiến Thứ hai, tháng 7-1940 Tướng De Gaule tuyên bố tại Luân Đôn: “Nước Pháp đã thua một trận đánh, nhưng nước Pháp không bại trận” (19). Trái lại đầu năm 1968 miền Nam Việt Nam đánh thắng một trận lớn nhưng ta thua cuộc chiến.
Nói ra thì sự đã rồi, từ sự sai lầm của chính sách chiến tranh giới hạn mà Johnson-McNamara cương quyết theo đuổi, không cho đánh qua các căn cứ CS bên kia biên giới Miên, Lào nên mới có hậu quả tai hại bằng trận Mậu Thân đưa tới sụp đổ tất cả nỗ lực từ bấy lâu nay.
Trọng Đạt
(1) Sự kiện Tết Mậu thân, Bách khoa toàn thư, Wikipedia tiếng Việt
(2) Tổng hợp các tác giả: Chánh Đạo: Mậu Thân 68 Thắng Hay bại;
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975.
Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới Texas 1991.
Nguyễn Đức Phương: Những Trận Đánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975.
Và tài liệu của Khối quân sử, Bộ TTM VNCH: Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa cùa Việt Cộng Mậu Thân 1968, in năm 1968 (Đại Nam tái bản)
(3) Vietnam war Allied troop Levels 1960-73 http://www.americanwarlibrary.com/vietnam/vwatl.htm
(4) Cuộc Chiến Dang Dở trang 260, 261
(5) Vietnam war Allied troop Levels 1960-73
(6) George Donelson Moss: Vietnam, An American Ordeal, trang 212
(7) Bravo Monsieur Ho Chi Minh! grâce à vous, trois quartiers à Saigon ont été libérés”
(8) Richard Nixon: No More Vietnams trang 91
(9) Sách kể trên trang 92, 93
(10) Sách kề trên trang 92-93 “…. one of the most striking differences between democratic and Communist regimes: We advertise our faults; they bury theirs”
(11) Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war.
(12) Richard Nixon: No More Vietnams trang 88
13) Stanley Karnow: Vietnam a History trang 390; answer.com, Domino theory.
(14) Richard Nixon: No More Vietnams trang 75
(15) Năm 1968, trong cuộc phỏng vấn dành cho nữ ký giả Ý Fallaci , Võ Nguyên Giáp tuyên bố đã mất hơn nửa triệu quân trong cuộc chiến
(16) National archives: Statistical information about casualties of the Vietnam War
(17) Richard Nixon: No More Vietnams trang 126
(18) Phillip B. Davidson: Vietnam At War The History 1946-1975, chương 18 The Tet offensive trang 473
(19) La France a perdu une bataille, mais La France n’a pas perdu la guerre