Ngày 16 tháng 1 vừa qua, cử tri đảo quốc Đài Loan đã trao nhiệm quyền Tổng Thống cho bà Thái Anh Văn, chủ tịch đảng Dân chủ Tiến bộ (Dân Tiến) sau thắng lợi áp đảo của bà này trước ứng cử viên Chu Lập Luân của Quốc Dân đảng.
Đảng Dân Tiến chủ trương xây dựng Đài Loan thành một quốc gia độc lập tách biệt với Trung Hoa lục địa, trái ngược với khuynh hướng thân thiện với Hoa Lục của Quốc Dân Đảng (bởi nguồn gốc Hoa Lục và di sản Tưởng Giới Thạch của đảng này).
Bà Thái Anh Văn đắc cử Tổng thống trong bối cảnh các chính sách kinh tế của Tổng thống Quốc Dân đảng Mã Anh Cửu không tỏ ra có hiệu quả. Chính quyền Mã Anh Cửu trong 8 năm qua đã liên tục thắt chặt các quan hệ kinh tế với Hoa Lục (dân đến hệ lụy là ngày càng phụ thuộc Trung quốc về kinh tế), trong khi đó, vẫn chưa đưa kinh tế Đài Loan thoát khỏi khủng hoảng và giảm tỷ lệ thất nghiệp ở đảo quốc này. Sự bất mãn liên quan đến kinh tế của người dân Đài Loan là nguyên nhân thất bại dễ thấy của Quốc Dân đảng.
Nhưng có vẻ vấn đề không chỉ ở kinh tế. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ hàng ngàn người Đài Loan đã đổ xuống đường bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với phong trào đòi dân chủ ở Hongkong tháng 10/2014. Và hàng trăm người biểu tình Đài Loan bao vây tòa nhà Quốc hội và phủ Tổng thống để phản đối cái bắt tay giữa nhà độc tài họ Tập của Hoa lục với Tổng thống dân chủ họ Mã tại Singapore tháng 11 năm 2015. Điều này cho thấy dù chính quyền của họ làm gì, người dân Đài Loan vẫn có ý thức sâu sắc về nền dân chủ của mình, một nền dân chủ không phải từ trên trời rơi xuống.
Thực trạng Hongkong và phong trào đòi dân chủ ở đặc khu này là một tấm gương lớn cho người dân Đài Loan, có khả năng phá bỏ mọi kỳ vọng vô lý và mơ hồ về Trung Quốc. Phần lớn người dân Đài Loan, đặc biệt là giới trẻ – những người không có sự gắn kết lịch sử với Hoa Lục – không còn hồ nghi gì nữa: nền dân chủ của họ sẽ chết ngạt dưới bàn tay độc tài của chính quyền cộng sản ở Lục địa nếu viễn cảnh thống nhất xảy ra. Nỗi ám ảnh Hongkong và sự thảm bại của mô hình mị dân: “một quốc gia hai thể chế” của chính quyền Bắc Kinh đã giúp người dân Đài Loan kiên quyết hơn trong nỗ lực bảo vệ nền dân chủ đang mang lại thịnh vượng và tự do cho mình và các thế hệ con cháu.
Những người trẻ Đài Loan không còn nhận thấy nhu cầu phải có một căn cước quốc gia gắn liền với nguồn gốc Hoa Lục nữa. Hoa Lục là Hoa Lục độc tài, Đài Loan là Đài Loan dân chủ, người dân Đài Loan có di sản riêng và một tương lai chung không liên quan gì với Trung Quốc nữa. Họ muốn xác định một căn cước riêng của quốc gia mình: Dân chủ. Chính hệ thống dân chủ và các giá trị tự do là một vực sâu không thể khỏa lấp cho hai xứ sở hai bên bờ eo biển này. Ý thức quốc gia ngày càng rõ rệt của người dân xứ này đã ủng hộ cho chủ trương độc lập của Đảng Dân Tiến. Và sự thắng cử của bà Thái Anh Văn không phải là một diễn tiến bất ngờ.
Trong thế giới ngày hôm nay, nguồn gốc sắc tộc, văn hóa, ngôn ngữ không còn là những sợi dây đủ chắc để mang lại một sự thống nhất quốc gia. Sự thống nhất quốc gia thành một khối gì đó vĩ đại cũng chỉ còn là nỗi ám ảnh của riêng các tập đoàn cai trị, chứ không phải của người dân nữa. Sự vinh quang của một đế chế chính trị không liên quan gì đến tự do cá nhân, đến an sinh và hạnh phúc của người dân nữa. Vì thế, cái có thể gắn kết người ta với nhau thành một cộng đồng, đó là giá trị chung được tin tưởng và gìn giữ, là một tương lai chung cần nỗ lực tập thể để xây đắp, bất chấp những khác biệt khác (từng bị cho là quan trọng theo não trạng của một thế giới xưa cũ).
Có điều gì đó rất lớn mà Việt Nam cần học hỏi từ Đài Loan! Hãy thôi lăn tăn về chuyện chủng tộc và các mâu thuẫn lịch sử… Hãy nỗ lực tìm ra một con đường chung mà hơn 90 triệu người có thể đi cùng nhau hướng đến một tương lai chung. Và con đường đó không là điều gì khác, mà chính là một hệ thống dân chủ có khả năng đảm bảo các quyền tự do dân sự, công lý và sự thịnh vượng dài hạn. Đó mới chính là ý thức quốc gia trong thời đại này, chứ không phải là những dằn vặt cũ kỹ theo lối dân tộc chủ nghĩa.
Huỳnh Thục Vy
Buôn Hồ 22/1/2016