Cứ mỗi năm vào Tháng Chạp, những cơn gió bấc từ mãi tận vùng sa mạc Gobi, Mông Cổ sau cuộc hành trình thiên lý vượt qua lục địa Trung Hoa, nó đã vào đến miền Bắc mang theo hơi giá lạnh trải khắp mọi miền. Một ít hơi nước còn sót lại của mùa Thu đã trở thành những cơn mưa phùn hạt nhỏ như bụi rơi xuống thành một tấm màn sương li ti và mỏng manh như những sợi tơ trời.
Rồi cơn gió tiếp tục tràn xuống phương Nam để gặp phải bầu không khí ấm áp của miền Ðồng Nai và Cửu Long, cái buốt giá ấy chuyển sang cái se lạnh dịu dàng. Trên đường phố, những con chim én biệt tăm dạng từ mùa xuân trước bỗng đâu trở về bay lượn dìu dập giữa bầu trời xanh thẳm chói chang ánh nắng. Thỉnh thoảng chúng sà xuống thật thấp và bay dọc theo những con đường trong thành phố. Bọn trẻ con hân hoan chạy theo những cánh chim ấy, để biết rằng mùa Xuân sắp đến, lại thêm một năm mới, thêm một tuổi và được lì xì.
Cơn gió bấc mùa Ðông và cánh én báo hiệu thời điểm những phiên chợ Tết được tưng bừng mở ra. Từ thành thị đến thôn quê, từ trên vùng cao xuống vùng duyên hải, ở đâu cũng có chợ Tết. Những loại thực phẩm bánh mứt truyền thống của dân tộc hàng trăm, hàng ngàn thứ trong những màu sắc hào nhoáng, nằm quyến rũ mời gọi trên những cái sạp được bày san sát hai bên lề những con đường lớn, hay trong những khu chợ lộng lẫy. Suốt tháng Chạp, chợ Tết tưng bừng, náo nhiệt không ngừng nghỉ, cả đêm lẫn ngày. Bên cạnh những hộp bánh mứt bọc giấy kiếng bóng loáng, những phong pháo đỏ chói treo lủng lẳng, những hộp trà bằng thiếc, bằng gỗ, bằng giấy cứng hay những gói giấy bạc in hình sặc sỡ, là một món quà tặng trang nhã và giá trị trong những ngày giáp Tết. Dù đi lễ thăm cha mẹ, thầy cô, bạn hữu hay thậm chí cho những ông bà sếp lớn, trà là món quà truyền thống không bao giờ có thể thiếu được.
Những ngày Tết đi thăm viếng nhau, thì trà là thức uống thanh lịch để đãi khách, bên cạnh dĩa hạt dưa và bánh mứt. Trà luôn luôn tượng trưng cho cái Lễ của con người đối với nhau. Cũng không loại trừ sự có mặt của rượu, nhưng không phải bất cứ nhà nào cũng chấp nhận rượu là món uống ngày Tết của mình. Cho nên trong ba ngày Tết hương trà bay ngào ngạt từ Bắc xuống Nam, từ miền thượng du xuống đồng bằng. Trà làm cho câu chuyện hàn huyên thêm đậm đà, cuộc đối đáp giữa những tài tử văn nhân càng thêm thi vị, cái hóa chất làm sảng khoái con người ấy khiến cho người ta được dào dạt một nỗi hưng phấn và yêu đời trong lòng.
Khi những chung trà đã cạn, những điếu thuốc lá thơm đã tàn, những dĩa bánh mứt đã vơi, thì người ta gọi lũ con nít ra để phát cho chúng những bao lì xì đỏ chói làm bọn nhóc vui cười, toe toét khoe nhau những nắm tiền mới tinh. Trà không phải chỉ hiện diện trong những ngày Tết mà nó gắn liền với cuộc sống bình nhật của con người, nhưng đến ngày Tết thì nó lại càng được con người trân trọng hơn. Trà có một giá trị tuyệt đối mà những thứ thức uống khác khó thể sánh nổi. Nó là thứ thức uống hiền lành, không độc hại như rượu, cà phê, ca cao, ít gây ghiền và có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Ðiều đó đúng, người ta phân chất hóa học và thấy rằng trà chứa nhiều sinh tố A, B, C, là những sinh tố tăng cường sinh lực cho con người, tươi da sáng mắt.
Trà mọc hoang từ lúc nào chúng ta không rõ, nhưng nó đã được khám phá một cách rất tình cờ, có lẽ là do ý muốn của tạo hóa muốn tặng cho loài người một món quà quí. Huyền thoại về vua Thần Nông của Trung Hoa kể rằng, năm 2737 trước Thiên Chúa (2737 B.C.), một hôm ngài cùng một người hầu đi khắp núi rừng để tìm dược thảo, đến một gốc cây ngài ngồi xuống nghỉ. Người hầu nhóm lửa nấu nước uống. Bỗng một vài chiếc lá vàng từ trên cây lả tả rơi vào trong lòng nước đang sôi và tỏa ra một màu vàng đẹp như hoàng ngọc. Thần Nông nhắp một chút thứ nước màu vàng đó. Một hương vị ngọt ngào, thơm ngát trôi xuống và dư hương của nó vẫn còn đọng rất lâu ở cuống họng. Thần Nông tìm cách gây trồng loại cây cho lá kỳ diệu đó và khuyến khích dân chúng cùng uống thứ nước thơm hương này. Như vậy Thần Nông là người đầu tiên khám phá ra lá trà và truyền bá nó đi khắp đất nước.
Trà được người Trung Hoa chấp nhận rộng rãi từ sau triều đại nhà Hán bị diệt vong, khoảng cuối thế kỷ thứ 3 sau Thiên Chúa. Ðến đời nhà Ðường, năm 780 A.D. (780 năm sau Thiên Chúa) một nhà nghiên cứu tên Lư Vũ đã biên soạn một quyển sách nói về trà với nhan đề Trà Kinh (Tea Classic). Ðây là tác phẩm đầu tiên và cổ xưa nhất viết về trà, nó có giá trị kinh điển, là mẫu mực cho người đời sau tham khảo. Trong đó Lư Vũ đã công phu kể rõ cách trồng, hái và chế biến trà. Ông trân trọng đưa trà lên một vị trí thuộc về tinh thần và triết lý. Uống trà để giải khát và tiêu thực không thôi chưa đủ, mà nó còn là một phương tiện để người ta nghiền ngẫm và sáng tạo, ít nhất cũng là trong lĩnh vực văn chương.
Hai trăm năm sau, triều Tống (960-1127 A.D.), đến đời Tống Huệ Tôn là ông vua mê trà, ông ban chiếu khuyến khích bá tánh ra công tìm kiếm nhiều thứ trà lạ và quí hơn. Trong thời gian này, loại trà bột tán nhuyễn rất được triều đình và dân chúng ưa chuộng. Nghệ thuật uống trà được nâng lên một mức nữa trong thời nhà Minh (1386-1644), người ta bắt đầu sáng tạo nên những bình trà và chung trà làm bằng đất nung rất mỹ thuật. Từ đó, khắp thế giới, người uống trà chỉ uống nó trong những cái bình làm đất nung, sành sứ hay kim loại, nhưng dù là loại bình nào chúng cũng đều có hình dáng giống nhau : thân bình tròn, trên nắp bình có núm, giữa bình có vòi để rót trà, và có cái quay để cầm.
Tuy rằng đến năm 780 A.D. Lư Vũ mới viết về trà, nhưng trà đã được đóng thành thỏi giống như những viên gạch để bán sang các bộ tộc Mộng Cổ hồi thế kỷ thứ 5 A.D. Từ đời nhà Tống, một vài nhà sư đã đem trà sang Nhật Bản, ở đó trà được nâng lên thành đạo. Uống trà ở Nhật là một nghi thức trang trọng, có tính tôn giáo, bình trà và chung trà rất nhỏ so với phần còn lại của thế giới, nhiều loại chung chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay cái của chúng ta thôi, nên khi được một cô gái Nhật xinh như tiên mời đến nhà “uống chè,” có lẽ chúng ta nên nốc ở nhà chừng một ly… cối nước trà đá để dằn bụng là vừa.
Cũng trong thời Minh, người Venice đã đến mua trà đem về phân phối khắp Châu Âu. Năm 1557, người Bồ Ðào Nha được triều Minh cho phép mở thương điếm ở Macao. Nhưng chính Hòa Lan mới là nước phân phối trà lớn nhất của Châu Âu thời đó. Với một đoàn thương thuyền đến 10 ngàn chiếc, trong thế kỷ 17 gần như Hòa Lan độc quyền phân phối trà trên toàn lục địa châu Âu qua trung gian của công ty Dutch East India Company. Trà được đón nhận rất nồng nhiệt, chỉ một vài nước không khoái lắm. Người Ðức chỉ quen nốc bia và không thích trà. Người Pháp chỉ ghiền uống rượu và cà phê. Nhưng người Anh, với bản tính quí phái đã nhận thấy ở trà một món uống trưởng giả, trà dần dần trở thành món uống chính của người Anh cho đến ngày nay.
Cạnh tranh với Hòa Lan, Anh cũng lập ra công ty British East India để tung thương thuyền sang Á Châu mua sản phẩm, trong đó có trà của Trung Hoa, Ấn Ðộ, Tích Lan và những nước thuộc Anh. Cuộc cách mạng Hoa Kỳ 1776 cũng có liên quan rất nhiều đến trà, khi quốc hội Anh ra đạo luật buộc người Mỹ phải trả thêm thuế thủy tinh, giấy và trà. Người Mỹ phản đối, tẩy chay trà Anh và mua trà lậu, các tàu Anh chở trà vào cảng Boston bị người Mỹ chận lại và ném hàng trăm kiện trà xuống biển. Trong lúc đó ở Anh còn tồn đọng tới 22 triệu cân trà (khoảng 10 ngàn tấn), công ty British East India trên miệng vực của phá sản, nền tài chánh Anh suy sụp, Anh buộc phải đem quân đàn áp người Mỹ. Cuộc chiến tranh nổ ra và người Mỹ nhân đó giành được độc lập.
Trung Hoa mãi đến thế kỷ thứ 18 mới chịu thiết lập ở Quảng Ðông một thương điếm để giao dịch với thế giới bên ngoài và cho phép Anh lập cơ sở buôn bán ở Hồng Kông, người Anh đã trao trả phần đất này cho Trung Quốc năm 1997. Triều Thanh đã lập Hải Quan Phủ để đánh thuế tàu bè ngoại quốc vào cảng Quảng Ðông. Người Anh mua á phiện giá rẻ mạt ở thuộc địa Ấn chở sang bán lấy vàng bạc hay đổi hàng hóa, đặc biệt là trà. Ðể chạy đua với Anh, Hoa Kỳ cũng mua á phiện của Thổ Nhĩ Kỳ và trao đổi trà với Trung Hoa. Á phiện tràn ngập Trung Hoa mà đã góp một phần làm cho tiềm lực kinh tế và sức mạnh của dân tộc Trung Hoa bị suy nhược, dẫn đến tình trạng nhục nhã ký nhiều hiệp ước nhượng tô giới cho các nước ngoại quốc.
Cũng vì trà rất được ưa chuộng và rất có giá tại Châu Âu, nên bọn con buôn đã chơi trò “trà giả” bằng cách trộn lá trà uống rồi phơi lại, mạt cưa và thậm chí, mẹ ơi thuốc súng vào cho nặng ký. Ðấng nào uống lầm phải loại trà thuốc súng này chắc khè ra… lửa chứ chẳng chơi. Nói chuyện trà dỏm, chúng ta nhớ lại chuyện cà phê dỏm. Những năm đầu sau ngày 30 tháng 4, 1975, giao thông thủy và bộ đều bị tắc nghẽn vì những trạm thuế vụ mọc lên như nấm, trà và cà phê từ cao nguyên miền Trung rất khó lọt về Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Người ta đã lấy bắp rang cháy đen trộn chung với cà phê, một phần cà phê đến… chín phần bắp rang, uống khét lẹt, gắt cổ họng và táo bón bỏ mẹ. Nhưng có còn hơn không, chứ chẳng lẽ uống nước… lã sao.
Những thế kỷ trước trà đắt đến nỗi nó chỉ là món uống của giới thượng lưu. Người ta đựng trà trong những cái hộp có khóa, chỉ mở khi có khách quí đến. Chỗ uống trà là chỗ của giới thượng lưu, nên có một thời người ta đã lập ra những vườn trà có treo đèn lồng, bắn pháo bông trong những dịp lễ lạt, hòa nhạc và dạ vũ thâu đêm suốt sáng. Vườn trà không nhất thiết phải có cây trà trong đó, người ta trồng nhiều loại hoa đẹp trong những cái bồn dọc theo những con đường mòn nhỏ quanh co, cùng nhiều công trình trang trí khác. Nhà văn Pháp, Alexandre Dumas Fils (tức Alexandre Dumas Con, để phân biệt với Alexandre Dumas Cha) đã viết truyện Trà Hoa Nữ (La Dame aux Camélias) về một kỹ nữ hạng sang tên Marguerite Gautier, rất yêu loại hoa camelias, cũng là một loại cây cho hoa rất đẹp trong họ Trà, có lẽ là đã được trồng trong những vườn trà thượng lưu này (tên khoa học của cây trà là camellia sinensis nở hoa màu trắng hay tím chen trắng, rất thơm và rất đẹp, đường kính khoảng một inch). Chuyện tình đẹp nhưng bi thảm của Trà Hoa Nữ đã được đưa lên sân khấu và phim ảnh khắp các nước trên thế giới.
Ðó là câu chuyện thật về một kỹ nữ mà nhà văn yêu tha thiết nhưng không đủ sức cung phụng cho nàng. Nàng đã chết đi khi tuổi đời mới có 23. Trong truyện thì nàng Marguerite yêu một chàng sinh viên y khoa tên Duval, nhưng cha của chàng không chấp nhận dâu làm gái điếm và van xin nàng buông tha cho chàng để Duval an tâm học hành, nên nàng phải nát lòng tìm cách gian dối người tình để chàng bỏ đi. Marguerite chết vì bệnh lao sau những ngày tháng trác táng, nhưng trên hết là vì khối tình tương tư mà nàng dành cho người yêu. Hiểu rõ tình yêu của nàng, Duval hối hả trở lại Paris, thì chỉ vừa kịp ôm nàng vào lòng và đau đớn nhìn Marguerite ra đi.
Câu chuyện trà này có thể đã gợi niềm hứng thú cho nhà văn viết truyện chưởng Kim Dung đem vào tác phẩm Lục Mạch Thần Kiếm, khi ông cho nhân vật Ðoàn Dự lạc vào Mạn Ðà Sơn Trang, ở giữa rừng hoa trà đầy màu sắc thơm ngát. Trong sơn trang này Ðoàn Dự đã mê mẩn chiêm ngưỡng bức tượng ngọc thạch tạc hình Vương phu nhân (là bà… bồ của Ðoàn Chính Thuần, cha của Ðoàn Dự). Sắc đẹp của Vương phu nhân quá kiều diễm, đến nghiêng thành đổ nước, thế gian chỉ có một, nên khi hội ngộ Vương Ngọc Yến là con của bà này, chàng đã chết mê chết mệt, cứ lẽo đẽo ôm cây… si đi theo nàng, ở đâu có nàng là ở đó có chàng. Mối tình si đó cuối cùng rồi cũng được giai nhân đáp nhận. Hơn thế nữa, Ðoàn Dự còn cưới thêm được Hương Dược Xa Mộc Uyển Thanh, người đẹp có mùi thơm thân thể tuyệt vời không thua Hàm Hương trong Hoàn Châu Cách Cách, và Chung Linh, cô gái ngây thơ trong trắng nhất cõi đời.
Cây trà là một loài thực vật có sức sống rất dai dẳng. Nhưng có lẽ vì là loại cây quí, nên tự nó giống như những cô tiểu thư đài các, chỉ thích sống biệt lập trên cao và rất kén chọn nơi sống. Trà thích hợp nhất ở độ cao từ 1000 đến 2000 mét so với mặt nước biển, khí hậu phải ôn hòa, mưa càng nhiều càng tốt, đất trồng nó phải là loại đất pha cát dễ rút nước, nước ứ đọng sẽ làm thúi rễ trà, và những cô tiểu thư cành vàng lá ngọc ấy sẽ chết. Vùng cao nguyên miền Trung Việt Nam hội đủ những điều kiện này nên cây trà rất phát triển và cho phẩm chất tuyệt vời. Hãng trà Lipton của Anh đã mua trà Việt Nam đem về chế biến và tung ra thị trường dưới nhiều dạng, trong đó có loại trà bịch nhỏ Lipton mà chúng ta thường bỏ vào ly và chế nước sôi vào cho chất trà tan ra từ bên trong.
Hầu hết các tỉnh cao nguyên miền Trung đều trồng cà phê và trà: Darlac, Pleiku, Kontum, đặc biệt trà Bảo Lộc-Lâm Ðồng nổi tiếng. Trà nguyên chất Pleiku chế biến từ sở trà Abratica của người Pháp, khi rót trà ra chung, mùi thơm xông lên ngào ngạt, nước trà màu vàng nhạt, trong như mắt mèo, nhắp tới đâu gai vị giác của lưỡi thấy ngọt tới đó. Trà là thức uống không hay rất ít gây ghiền, nhưng quả thật được uống trà ngay tại gốc của nó chắc chắn chúng ta sẽ… ghiền, sẽ nhớ, như nhớ những cô gái cao nguyên có màu da trắng sáng, đôi má hồng tươi và đôi môi có nụ cười vừa dịu dàng vừa quyến rũ.
Cứ mỗi hecta đất đồi người ta trồng chừng 300-350 cây trà. Trà là loại cây bụi, mức tăng trưởng nhất của nó không quá 1 thước, nên rất lý tưởng cho các cô gái mang giỏ hái trà. Chưa từng có loại cây nào xum xuê xanh rờn và bóng mướt đẹp như cây trà. Cũng chưa từng có bức tranh nào ngây ngất cho bằng quang cảnh hàng trăm cô gái hái trà xinh đẹp ẩn hiện giữa những hàng trà, trên sườn đồi nghiêng nghiêng và dưới những cụm mây trắng như bông lững lờ trên trời cao. Các thiếu nữ Tích Lan (Sri Lanca) không mang giỏ hái trà bằng vai mà là bằng đầu, sợi dây giỏ sẽ được choàng lên đỉnh đầu. Các cô gái Nhật thì bê giỏ đựng trà dọc dài theo luống trà, đi tới đâu, hài lá trà bỏ vào giỏ và kéo giỏ theo. Những cô gái Thượng Việt Nam hái trà thì gùi giỏ trên vai, hai sợi dây choàng lên hai vai.
Trà rất kén chọn phân và kén chọn người hái. Phân bón phải là phân hữu cơ, nhưng tốt nhất là phân của những con tằm ăn lá dâu. Người hái trà phần nhiều là các cô gái và trẻ em, nhưng trước khi lên đồi trà, hai tuần trước đó người hái trà không được ăn… cá dưới bất kỳ hình thức nào, vì hơi thở của họ sẽ làm bay mất mùi thơm của trà. Trà có thể sống tới nhiều chục năm và luôn luôn cho sản phẩm. Hột trà thường được lấy trong tháng 10 và cho vào những khay cát ẩm, khi đến thời điểm sẽ đem xuống đất. Cây trà non sẽ được cho mọc tự do thả giàn đến được hai năm tuổi, lúc đó người ta bắt đầu công việc gọi là tỉa cây. Những cành nhánh rườm rà được xén bớt, và cũng để kích thích sự tăng trưởng của trà. Một năm sau, cây trà sẵn sàng cống hiến cho đời mùi thơm của mình.
Thường thường là sau những cơn mưa, chồi non xum xuê, từng đoàn cô gái hái trà mang giỏ lên đồi để hái trà, hay còn gọi là ngắt đọt trà. Người hái trà chỉ ngắt những đọt trà non còn mum múp và hai cái lá phía dưới đọt, không bao giờ ngắt đến cái lá thứ ba, vì lá đó già, không cho phẩm chất và làm giảm hương vị đọt trà. Ðọt trà bị ngắt sẽ ra đọt mới. Một năm người ta có thể hái lá trà đến bốn lần, cũng có thể nhiều hoặc ít hơn tùy theo lượng mưa, kỹ thuật bón và chăm sóc. Những cô gái hái trà giỏi, mỗi lần lên đồi trà có thể hái vài chục ký trà lá tươi. Cứ mỗi bốn ký lá tươi cho một ký trà khô.
Khi chúng ta vào một tiệm bán trà, hàng chục hay hàng trăm thứ trà trong đủ mọi nhãn hiệu và hộp đựng màu sắc sặc sỡ, cái nào cái ấy mùi thơm ngào ngạt quyến rũ mời gọi. Tuy vậy tựu trung chỉ có ba loại trà chánh mà người Trung Hoa đã phân loại như sau:
– Trà xanh: Những phân hóa tố trong lá trà có thể gây nên hiện tượng lên men (fermentation), nên khi vừa được hái xong, người ta sấy trà ngay tại chỗ chừng năm phút để loại trừ hiện tượng lên men. Trà sấy được trải lên những mặt bàn đã nóng sẵn, rồi dùng tay hay dùng máy đảo đều cho lá trà cuốn lại, đảo hoài đảo mãi cho đến khi lá trà không còn chút nước nào bên trong, rồi lại được đem lên sấy lửa lần nữa cho đến khi trà khô giòn. Làm theo phương pháp này nên trà vẫn còn giữ được màu xanh thẫm trông rất đẹp và rất hấp dẫn, chưa uống đã thấy ngây ngất.
Một vài cái tên thông dụng của loại trà xanh này thường bán ngoài thị trường: Trà Long Tĩnh (người ta tin rằng lấy nước giếng trong chế trà, hương vị ngon hơn, nên gọi là Trà Giếng Rồng là vậy), trà Tây Hồ ở Hàng Châu, Quảng Ðông, trà Mạo Phong ở núi Hàng Sơn, trà Bạch Kim ở núi Thiên Sơn, trà Phong Vũ ở núi Lư Sơn. Trà xanh là loại trà được ưa chuộng nhất trong mọi giới.
– Trà đen: Trái với trà xanh, người ta cứ để cho lá trà vừa hái xuống có một thời gian để dậy men bằng cách trải chúng lên những cái sàng mỏng để cho chúng tự héo trong vòng không quá 20 giờ đồng hồ, đến lúc đó lá trà sẽ chuyển sang màu sẫm. Trà đen nổi tiếng có loại trà Kỷ Hồng ở tỉnh An Huy, trà Ðiểm Hồng ở Giang Nam và Ðỉnh Hồng ở Quảng Ðông.
– Trà Ô Long: Tiến trình chế biến trà Ô Long gần giống như trà đen, nhưng thời gian ủ héo trà ngắn hơn. Sau giai đoạn héo, là giai đoạn đảo hay cuốn lá trà (rolling), từ đó là tăng thêm cường độ dậy men trong lá. Người ta phải đảo trà liên tục, hoặc dùng máy cuốn tới cuốn lui không ngừng, từ đó phát sinh phản ứng oxy hóa làm lá trà chuyển sang màu đồng nâu. Ðồng thời với việc đảo lá, người ta sàng lá trà ra nhiều cỡ khác nhau, nên chúng ta thấy là trong một hộp trà rất ít bụi trà hay mảnh trà, nếu có thì là vì do va chạm trong tiến trình đóng hộp hay chúng ta bốc nhiều lần làm vỡ trà. Khi giai đoạn đảo trà hoàn thành, đến giai đoạn sấy trà cho khô giòn, xong xuôi trải chúng lên mặt bằng nào đó cho nguội. Giai đoạn cuối cùng là đóng hộp hay gói trong những bao giấy bọc nhôm và chở đi phân phối hay vào kiện xuất cảng.
Trà Ô Long rất thông dụng trong những nhà hàng Á Ðông. Nước trà màu nâu đỏ, dù chế bao nhiêu lần nước xối vào nó vẫn cứ… đỏ, nên gọi là trà Rồng Ðen, mùi vị trà đậm đà, hơi chát rồi chuyển sang hơi ngọt ở cuống họng. Cũng có loại trà Ô Long mọc trên những những sườn núi cao rất hiểm trở như núi Vũ Di ở tỉnh Phúc Kiến và núi ở Tứ Xuyên, con người không thể leo lên được. Vì vậy người ta đã huấn luyện những con khỉ, cho nó mang giỏ leo lên hái lá trà, nên còn gọi là Hầu Trà hay Sơn Trà. Bởi công phu và quí hiếm như vậy, nên Hầu Trà rất đắt tiền, chỉ để dành cho bậc đại phú quí.
Nhân nói đến chuyện Hầu Trà, người Trung Hoa còn nhiều loại trà cầu kỳ khác rất khó tin được là có thật. Thí dụ như loại Trảm Mã Trà. Người ta cho những con ngựa ăn lá trà rồi chém chết chúng mổ bao tử lấy lại số trà đó. Người Trung Hoa tin rằng dịch vị trong bao tử của ngựa trong lúc nhào trộn lá trà, đã ngấm vào và cho trà một hương vị mà không loại trà nào sánh bằng. Loại trà Trinh Nữ càng hoang đường hơn. Những ông già khú đế thuộc loại hết… xí quách tin rằng uống Trinh Nữ Trà giúp cãi lão hoàn đồng và tăng cường sinh lực. Những cô gái còn trinh được mướn đến làm người ủ trà, công việc của mấy cô là cứ ôm ấp những bao trà trong lòng, để hơi hướm thơm tho của các cô ngấm vào trà. Khi các ông lão già mà còn muốn gân uống trà này vào, sẽ thấy lòng lâng lâng khoan khoái, yêu đời, yêu người không biết để đâu cho hết.
Còn một loại gọi là Trà Gạch mà ngày nay còn thấy rất ít. Loại Trà Gạch nầy rất phổ biến thời nhà Tống, vì nó rất tiện dụng để xuất sang Mông Cổ và Nga. Trà sau khi hái xong sẽ bị nén chặt vào những cái khuôn có kích thước tương đương một viên gạch tiểu xây nhà. Những viên gạch trà này được treo lên trên những lò lửa củi hay than để cho nó bốc hết hơi nước và khô rắn lại như… gạch. Muốn uống nó, chúng ta phải lấy cây dao chặt… thịt, để cục gach lên thớt và nghiến… răng chặt xuống, văng ra mảnh nào là quăng vào bình trà miếng đó.
Ở nhiều nước như Lào, Cambodia, Miến Ðiện, Thái Lan, dân chúng rất khoái ăn trà chua (pickled tea) như chúng ta ăn cải chua vậy. Người Anh thì rất thích loại trà bịch nhỏ ngâm nước sôi. Lịch sử của loại trà bịch này cũng là do sự tình cờ ngộ nghĩnh như sau. Ông Thomas Sullivan, một nhà nhập cảng trà ở New York năm 1908 gửi một mẫu trà đến một cửa hàng bán lẻ trong một cái bao vải nhỏ. Thời gian sau, Thomas nhận được nhiều đơn đặt hàng loại “trà bịch” giống như mẫu ông đã gửi. Hóa ra người nhận được cứ tưởng là ngâm nguyên con cái bao mẫu ấy trong nước sôi và uống. Dĩ nhiên với tinh thần lái buôn Mỹ, Sullivan đã nhanh chóng sản xuất loại Trà Bịch, rồi nó được ưa chuộng và thông dụng mãi đến ngày nay.
Còn lịch sử của trà đá thì thế nào. Nó cũng xuất phát từ nước Mỹ. Năm 1904, có một anh chàng bán trà nọ ở thành phố St. Louis sắp sập tiệm vì năm đó có đợt nóng nung người, đâu ai tha thiết đến chuyện uống trà nước sôi. Anh ta chợt có sáng kiến tại sao không chế ra loại trà lạnh uống để chống lại cái nóng. Từ đó loại trà đá ra đời, thiên hạ hoan nghênh quá xá. Người Nga và người Việt còn khoái bỏ thêm chanh vào, để gọi là trà đá chanh đường.
Hương thơm của mỗi loại trà quyết định phẩm chắt và giá cả. Mỗi nhà chế biến trà đều có bí quyết riêng của họ để ướp hương cho trà. Thường thường thì người ta dùng những loại hoa thơm như sứ, lài, hồng, cúc, sen, lệ chi (hoa trái vải), mộc lan để ướp trà. Người ta cho những loại hoa này vào những cái giỏ và từ từ sấy khô cho đến lúc có thể vò chúng thành bột. Bột hoa này được trộn với trà trong giai đoạn chế biến sau cùng trước khi cho vào hộp, bao giấy bạc hay kiện hàng xuất cảng. Tuy nhiên, để cho có lời hơn, người bán trà bao giờ cũng trộn nhiều thứ trà hằm bà lằng với nhau, lắm lúc do nhiều nguồn trà từ các nước khác nhau, trộn rất khéo nhờ vào những chuyên viên nếm trà làm cố vấn, nên người tiêu thụ không bao giờ biết mình đang uống loại trà gì, trừ khi may mắn được thưởng thức thứ trà ngay tại nhà chế biến.
So với cà phê, rượu và ca cao, thì trà được liệt vào loại thức uống có dược tính tốt. Những hóa chất trong trà giúp làm giảm lượng cholesterol trong máu, trà có tính bẻ gãy chất béo mạnh, nên trong tiệc cưới, tốt nhất chúng ta đừng uống… rượu, nên uống trà nóng, nó giúp chúng ta không bị ứ hơi và chúng ta có thể xực liền tù tì hết thực đơn bảy hay mười món của bàn tiệc mà không sợ trúng thực. Thần Nông và khoa Ðông Y thường dùng nước trà làm chất giải các thứ độc dược. Nước trà làm đầu óc chúng ta sảng khoái và minh mẫn, vì trong lá trà có khoảng 5% chất cafein. Nhiều hóa chất và sinh tố trong lá trà được tin rằng giúp chống lão hóa và chống nhiều bệnh ung thư. Vì lượng cafein ít nên người uống trà không bao giờ bị ghiền. Trà có tác dụng lợi tiểu, giúp chúng ta đi tiểu một cách sung sướng, nhất là khi chúng ta uống trà hiệu… Thái Ðức chẳng hạn.
Ðối với người Nhật thì cách uống trà của họ rất cầu kỳ, lối uống trà của người Tàu hay người Việt thì đơn giản hơn. Người ta cho là uống trà trong bình đất hay bình sành ngon hơn và đúng điệu hơn là trong bình kim loại. Nhưng dù cho là trong loại bình nào, trước nhất chúng ta được các nhà sành uống trà khuyên hãy luôn để bình trà được khô ráo, cho một chút nước sôi vào tráng trong lòng bình để gọi là…oam úp (warm up), xong cho một nhúm trà vào tùy theo ý thích đậm hay nhạt, đổ nước sôi cho vừa ngập trà, cái đó gọi là hãm trà. Chờ từ 3 đến 5 phút, chúng ta đổ thêm lượt nước sôi nữa cho đầy bình trà, khi trà lắng xuống đáy là có thể rót ra đãi khách và bắt đầu cuộc đàm đạo chuyện kim cổ, xướng họa thi văn, hoặc luận chuyện anh hùng.
Cái thế giới ngạt ngào hương thơm, chất nước ngọt đậm đà và trong như màu ngọc của lá trà có lẽ là một trong những món quà quí mà tạo hóa đã ưu ái ban cho con người. Trà không chỉ đơn thuần là một thứ nước uống, một loại dược phẩm. Mà trà còn chan chứa một ý nghĩa cao cả hơn. Là làm cho đời sống con người được thăng hoa, là dẫn chất đưa chúng ta đến những giá trị tinh thần siêu nhiên, khi nó được người Nhật trân trọng gọi là đạo, hay Trà Ðạo.
Phạm Phong Dinh