[Toà Soạn Việt Thức dành quyền đăng tải bổ túc khi có đầy đủ chứng cứ và yếu tố pháp lý trực tiếp và chính xác quyết định nội vụ tranh tụng tới chung thẩm. Hiện nay tại cấp sơ thẩm, ngày 31-8-2016 Chánh Án Ronna Beck thuộc District of Columbia Superior Court đã phán quyết HĐQT của nguyên đơn hợp pháp để quản trị chùa Giác Hoàng tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ].
Vụ tranh chấp tại ngôi Chùa Giác Hoàng ở Washington DC đến nay đã sang tới tháng thứ tư và đang được dư luận cộng đồng người Việt trong Vùng Hoa Thịnh Đốn đặc biệt quan tâm theo dõi, nhất là sau bài tường trình của chúng tôi trên số báo Đời Nay ra ngày 15.1.2016. Hiển nhiên, vụ tranh chấp này không còn phải là chuyện riêng của Chùa Giác Hoàng mà đã trở thành một vấn đề liên quan đến đời sống và lợi ích của nhiều người, đặc biệt là hàng ngàn Phật tử tại đây.
Vụ tranh chấp này hiện không cho thấy sẽ sớm chấm dứt và đang diễn ra trên hai “mặt trận”.
“Mặt trận” thứ nhất: Phật đường biến thành đấu trường.
Phật đường là nơi tôn nghiêm, thanh cao, nhưng từ mấy tháng nay chùa Giác Hoàng đang là nơi diễn ra sự tranh chấp sôi sục giữa những người có trách nhiệm điều hành trong chùa từ 40 năm qua.
Thật vậy, các ông Đỗ Đình Lộc, Nguyễn Ngọc Linh, Nguyễn Ngọc Bích là những người có tên trong “Board of Directors” gồm sáu người từ lúc thành lập Chùa Giác Hoàng năm 1976. Nay, ông Đỗ đình Lộc đang cùng một số người nhân danh Ban Giám Đốc mới của chùa quyết định trục xuất Tỳ Kheo Thích Chân Thức, người được cố Hòa Thượng Thích Tâm Thọ chỉ định truyền thừa. Thầy Chân Thức đã không chấp nhận việc trục xuất này và được ông Nguyễn Ngọc Bích cùng nhiều Phật tử hậu thuẫn chống lại.
Do đó, từ tháng 11.2015 đã xảy ra những đụng độ giữa “hai phe” tại Chùa Giác Hoàng. Đã có những sự đe dọa, gây áp lực đòi đuổi Thày Chân Thức ra khỏi chùa, không cho làm lễ, thay khóa đi, đổi khóa lại, dán thông báo cử hai ni cô tạm chủ trì chùa, phao tin đồn nhảm, lời qua tiếng lại được trao đổi giữa những người ủng hộ hai phía đối nghịch.
Nhưng, người bên ngoài chỉ biết tới “cuộc chiến” đang diễn ra dưới mái Chùa Giác Hoàng khi ông Tuệ Viên Đoàn Vũ phổ biến trên mạng điện tử một khúc video cho thấy cảnh lộn xộn xảy ra tại chánh điện Chùa Giác Hoàng ngày 20.12.2015 trong buổi giỗ cố Hòa Thượng Thanh Đạm, được ghi chú cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh chỉ trích hành vi “gây rối” của ông Tâm Thiện Nguyễn Ngọc Bích mà nhiều người đã xem, và ông Bích, dưới bút hiệu Tâm Việt, đã viết bài cũng phổ biến trên mạng điện tử, chỉ trích phe ông Đỗ Đình Lộc, Vũ Đoàn làm nhiều điều sai quấy, trong đó có việc cắt xén cái video nhằm đánh lừa người xem để bêu xấu ông. Ngoài ra ông Bích cũng viết vài bài khác về cuộc tranh chấp tại Chùa Giác Hoàng để lên án đối phương, và đặt nghi vấn về động cơ thực sự của nhóm ông Lộc đã không tôn trọng di ngôn của Hòa Thượng Tâm Thọ và tìm mọi cách trục xuất Thầy Chân Thức nên đã gây ra những xáo trộn trong chùa.
Một tuần sau ngày giỗ Hòa Thượng Thanh Đạm, ngày 27.12.2015 là lễ Chung Thất (49 ngày) của Hoà Thượng Tâm Thọ cũng đã có những điều bất thường và đã được bà Bé Bảy thu hình, sau đó được phổ biến trên mạng điện tử cùng với lời tường trình những sự việc diễn ra trước ống kính. Do đó người xem được biết nhóm ông Đỗ Đình Lộc, Vũ Đoàn, Nguyễn Đức Côn đã chiếm chánh điện Chùa Giác Hoàng từ sớm để tụng kinh với mục đích ngăn cản Thầy Chân Thức làm lễ Chung Thất cố Hòa Thượng Tâm Thọ tại đây. Sau khi phật tử xin cho tạm ngưng đọc kinh không kết quả, lễ ChungThất Hòa Thượng Tâm Thọ đã phải cử hành trong một căn phòng nhỏ gọi là Phòng Vong nên trông có vẻ chật chội vì có đông Phật tử tham dự. Trong khi đó tại chánh điện âm thanh được mở lớn hơn dù người tham dự không có bao nhiêu với rất nhiều hàng ghế bỏ trống.
Đó là những gì được thấy trước ống kính thu hình. Còn bên ngoài ống kính, không ai biết rõ những gì đã xảy ra, nhưng ai cũng biết là không êm đẹp. Bằng cớ là sau buổi lễ này, ngoài video do bà Bé Bảy phổ biến còn có một video khác không biết do ai thực hiện và đưa lên mạng điện tử với những lời ghi chú thiếu văn hóa nhằm xúc phạm nhân phẩm một nữ Phật tử, nữ ca sĩ Nguyên Thủy. Nghe nhiều người than phiền về chuyện này, xin trích lời bình của một người trên Net: “…ca sĩ Nguyên Thủy, rất được ái mộ với các bản nhạc đấu tranh chống cộng, khi cô đang năn nỉ ông Đỗ Đình Lộc vui lòng chấm dứt buổi đọc kinh quá dài tại chính phòng để nhường chỗ cho buổi tổ chức thất tuần của TT Thích Tâm Thọ (trong video do Bé Bảy thực hiện) và đã bị một bàn tay ‘lông lá’ nào đó sửa đổi hoàn toàn sự thật bằng những lời dẫn giải phỉ báng và vu khống như sau: ‘Một phụ nữ bán mỹ phẩm, bán phấn buôn hương mời chào hai vị lớn tuổi ‘chung vô diệm’…” (xin lược bỏ 3 chữ nói lái). Chưa nghe Nữ ca sĩ Nguyên Thủy phản ứng ra sao.
Ai là người chủ mưu và gây ra những rối loạn trong Chùa Giác Hoàng từ bốn tháng qua? Và những người đang tự nhận là “Hội đồng Quản trị” ở đâu?
Để tìm hiểu sự thật, chúng tôi đã cố liên lạc với những người trong cuộc ở cả hai phía để được phỏng vấn, nhưng chỉ được ông Nguyễn Ngọc Bích và Thầy Chân Thức nhận lời mà chúng tôi đã ghi lại trong bài đăng trên Tuần báo Đời Nay số ra ngày 15.1.2016. Nay, có thêm Pháp sư Giác Đức đồng ý tiếp xúc, và một vị nữa xin ẩn danh.
Chúng tôi có gọi tới Chùa Giác Hoàng để xin phỏng vấn thì người nghe điện thoại không hợp tác. Vài ngày sau, chúng tôi được xem cái Video ông Nguyễn Quốc Khải phỏng vấn hai ni cô Nhất Niệm và Đàm Viên tại Chùa Giác Hoàng, mà mục đích được ông Khải cho biết là để minh oan cho cô Nhất Niệm vì đã bị ông Bích nói là về Việt Nam tu 3 năm và ám chỉ cô là Việt cộng. Cuộc phỏng vấn này đã được ông Khải viết thành bài và được phổ biến trên mạng điện tử ngày 24.1.2016.
Xem cái video và đọc bài viết của ông Nguyễn Quốc Khải, cùng bài trả lời của ông Nguyễn Ngọc Bích, nhiều người cho rằng vấn đề không sáng tỏ hơn bao nhiêu trong lúc lại có thêm những câu hỏi mới, như:
– Có ai làm chứng cho những lời cô Nhất Niệm nói về các việc cô đã làm trong những lần cô về Việt Nam?
– Lý do thực sự khiến cô bị từ chối mỗi lần cô muốn xuất gia mà quan trọng nhất là lần thứ ba với Thượng Tọa Thích Thanh Đạm tại Chùa Giác Hoàng?
– Động cơ thực sự của những người gạt Thầy Chân Thức ra để (tạm) thay bằng hai nữ tu Đàm Viên (90 tuổi) và Nhất Niệm (mới xuất gia sau nhiều lần bị từ chối)?
– Tại sao “nhà báo” phỏng vấn lại cần có sự chứng kiến của luật sư (Thomas Vassar)?
– Động cơ và mục đích thật sự của cuộc phỏng vấn ngày 17.1.2016?
Trên đây là ý kiến chung của nhiều Phật tử cũng như dư luận trong cộng đồng người Việt Vùng Hoa Thịnh Đốn mà chúng tôi ghi nhận.
Một việc khác xảy ra sau đó cũng đã thể hiện sự bất bình của công luận, khi một tấm ảnh “không được đẹp”của ông Nguyễn Ngọc Bích với hàng ghi chú “Ông Nguyễn Ngọc Bích, bị cáo số 1…” đã phải lấy xuống trong một bài của ông Nguyễn Quốc Khải sau khi có phản ứng bất lợi của nhiều người xem.
Thật ra, những sự việc trên đây xảy ra trong hay ngoài Chùa Giác Hoàng, là những điều đáng tiếc, không giúp gì vào việc giải quyết vụ tranh chấp mà chỉ càng làm xấu hình ảnh của nhiều người lâu nay được trọng vọng trong chùa.
Từ Phật đường, cuộc tranh chấp đã được chuyển sang một “mặt trận” khác khi phe các ông Đỗ Đình Lộc, Vũ Đoàn, Nguyễn Đức Côn đã nhân danh “Công Đồng Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ” (Buddhist Congregational Church of America – BCCA), tức Chùa Giác Hoàng, đưa nội vụ ra Tòa mà bị đơn gồm có Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Linh, Trương Đại Quang, Phó Hồng Hà, Nguyễn Đức Đạt, Thích Giác Đức (Trần Thanh Hùng) và Thích Chân Thức (Đào Văn Tư).
“Mặt trận” thứ hai: Đáo tụng đình.
Thụ lý vụ tranh chấp tại Chùa Giác Hoàng là “Superior Court” ở Washington DC. Xin mở một dấu ngoặc tại đây để nói về cái tòa được gọi là “Superior Court”. Vì thấy chữ “Superior” nên nhiều người dịch là “Tòa Thượng thẩm”. Dịch như vậy là không đúng, vì Superior Court tại Mỹ không phải là Tòa Thượng Thẩm mà là Tòa Sơ Thẩm. Sở dĩ có chữ “Superior” là vì trước kia trong hệ thống tòa án tại Mỹ còn có “Police Court” nằm dưới “Superior Court”. Từ lâu, Police Court không còn nữa nhưng Superior Court vẫn được giữ lại và không đổi tên, dù chỉ là Tòa Sơ Thẩm. Còn Tòa Thượng Thẩm là Appeal Court, tức Tòa Kháng Án. Đóng ngoặc.
Như đã được tường trình trong bài trước, trong phiên xử ngày 29.12.2015, tòa đã cho đình nội vụ tới ngày 5.2.2016. sau khi ra một án lệnh hạn chế tạm thời theo thỉnh cầu của luật sư nguyên đơn gọi là “Temporary Restraint Order” (TRO) có hiệu lực tới ngày 5.2.2016.
Và thật đáng ngạc nhiên, trong khi chờ phiên xử thứ hai về vụ này tại DC Superior Court, Thày Chân Thức lại nhận được trát đòi ra trước một phiên tòa khác xử về nhà phố gọi là Landlord and Tenant Court vào ngày 8.1. 2016 để bị trục xuất khỏi Chùa Giác Hoàng, nhưng phiên xử đã được đình tới ngày ngày 27.1 rồi lại được đình tới một ngày khác vào tháng 6.2016.
Còn phiên xử tại DC Superior Court ngày 5.2.2016 cũng chỉ là một cuộc họp giữa các luật sư hai bên mà kết quả là phiên xử tới được ấn định là ngày 18.4.2016.
Hiện nay, phía bị đơn đã có thêm một luật sư là Damon Bernstern, cùng làm việc với Luật sư Aaron Solowkow, cho thấy vụ tranh tụng này sẽ không đơn giản và sẽ tốn kém cho cả hai bên.
Nhìn vào nội vụ, chúng tôi thấy có nhiều điều không sáng tỏ, về lý cũng như về tình, và sẽ không dễ cho tòa án để đi đến một quyết định công bằng và công lý. Chưa kể phải nhìn vào động cơ thực sự của cuộc tranh chấp này mà dường như không nằm trong phạm vi tôn giáo và quyền lợi.
Muốn tìm hiểu nội vụ, không thể không trở lại lịch sử của ngôi Chùa Giác Hoàng từ ngày mới thành lập vào năm 1976 cho tới ngày nay. Đó là lịch sử của bốn mươi năm với nhiều thay đổi, về nhân sự cũng như sinh hoạt trong chùa.
Càng tìm hiểu, chúng tôi càng ngạc nhiên khi thấy những người tị nạn trước đây 40 năm, vừa chân ướt chân ráo thoát khỏi Việt Nam sang Mỹ, đời sống còn bấp bênh, tiền bạc không có, đã một lòng họp lại với nhau dựng lên một ngôi chùa lớn giữa thủ đô nước Mỹ, một ngôi chùa của người Quốc Gia, ngày một phát triển để rồi hôm nay đem nhau ra tòa, tranh chấp với nhau về những điều mà trước đây không hề xảy ra, kể cả vào những lúc còn khó khăn.
Qua sự tìm hiểu của chúng tôi, trong số những người này, một bên có ông Đỗ Đình Lộc, đứng trong nhóm nguyên đơn, và bên bị đơn có các ông Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Linh, Phó Hồng Hà, Nguyễn Đức Đạt, Thích Giác Đức (Trần Thanh Hùng).
Những người này đã trực tiếp đóng góp công sức vào việc tạo dựng nên ngôi Chùa Giác Hoàng cách đây 40 năm mà công đầu là Hòa Thượng Thích Giác Đức. Từ những nguồn tin khác nhau, chúng tôi được biết vào năm 1975, sau khi có đợt người tị nạn Việt Nam đầu tiên tới Mỹ, Hòa Thượng Thích Giác Đức làm tuyên úy tại trại tị nạn ở Fort Shaffe. Tại đây vào cuối năm 1975, Thầy Giác Đức đã được ông bà Trần Văn Chương, chỗ quen biết lâu năm từ ngày còn ở Hà-Nội, mời tới Washington DC để làm lễ cho bà mẹ ông Vũ Phan vừa mới qua đời. Chính trong dịp này, ý nghĩ thành lập một ngôi chùa tại đây được đưa ra thảo luận mà nhờ duyên may, cùng sự góp sức tích cực của mỗi người, ý nguyện đã thành sự thực.
Trước hết là Hòa Thượng Giác Đức, một nhà sư đã xuất gia từ năm lên tám, từng du học Hoa Kỳ và làm giáo sư tại nhiều trường đại học ở miền Nam VN, kể cả Trường Cao Đẳng Quốc Phòng và Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, từng nổi tiếng là một trong những “nhà sư quốc gia”, không như Nhất Hạnh và các nhà sư ăn phải bả VC ở Chùa Ấn Quang. Có thể nói năm 1976, nếu không có Thầy Giác Đức thì không có ngôi Chùa Giác Hoàng tại thủ đô nước Mỹ.
Người thứ hai phải nói tới là LS Trần Văn Chương, nguyên đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ, và bà vợ ở lại Washington đã tiếp giúp rất nhiều trong việc lập chùa. Tuy không đóng góp tiền bạc, ông bà Trần Văn Chương đã dùng sự quảng giao trong những năm ông làm đại sứ tại đây để giúp Thầy Giác Đức từ việc tìm nhà đất bán đến việc vay tiền ngân hàng, đặc biết là Mục sư Moon, chủ Diplomat Bank đã dành mọi sự dễ dãi cho việc vay tiền mua căn nhà đầu tiên ở số 533 đường 16 và sau đó mua thêm nhà thờ Tin Lành cũ số 5401 để làm địa chỉ và xây chùa. Cũng nhờ ông Chương giới thiệu Thày Giác Đức với Rockefeller mà được ông tỉ phú này tặng 15,000 Mỹ kim.
Những người đã đóng góp công của lúc đầu để tạo nên ngôi Chùa Giác Hoàng năm 1976 (trừ ông bà Trần Văn Chương) đều có tên trong Ban Giám Đốc (Board of Directors) của Chùa (Buddhist Congregational Church of America) gồm 6 người:
– Thích Giác Đức
– Thích Thanh Đạm
– Nguyễn Ngọc Linh
– Đỗ Đình Lộc
– Vũ Phan
– Nguyễn Ngọc Bích
Sau 40 năm, trong sáu người nói trên hai người đã qua đời (Thích Thanh Đạm và Vũ Phan). Nay, bốn người còn lại đang ra tòa trong một vụ tranh tụng mà bên nào cũng nhân danh Ban Giám Đốc của Chùa Giác Hoàng. Chúng tôi được biết sau khi bị kiện, ông Nguyễn Ngọc Bích và những người khác đã nhờ luật sư nạp đơn phản tố, kiện ngược lại phía ông Lộc về hành động tiếm quyền và mạo danh.
Qua tiếp xúc với chúng tôi bằng điện thoại viễn liên, Thày Giác Đức cho biết sau khi có vợ và rời khỏi Chùa Giác Hoàng vào năm 1981, chưa bao giờ từ bỏ chức chủ tịch Ban Giám Đốc (Chairman of the Board of Directors) mà chỉ bàn giao cho Hòa Thượng Thanh Đạm chức chủ tịch Ban Chấp Hành (President of the Board of Executive Officers). Thày Giác Đức cho biết thêm thày có vợ và rời Chùa Giác Hoàng không có nghĩa là hoàn tục mà chỉ là chuyển tu để đi Boston, phục hưng một dòng tu khác đã có tại nước ta từ thời Vua Trần Nhân Tôn và hiện đang được hành đạo tại 11 quốc gia, trong đó có Nhật, Nam Hàn, Tây Tạng… Pháp sư Giác Đức cho chúng tôi biết giữa ông và ông Đỗ Đình Lộc đã có sự liên hệ thân thiết lâu năm nhưng đã bị ông Lộc cắt đứt từ ngày Thầy Giác Đức lấy vợ. Pháp sư Giác Đức cũng đã tiết lộ với chúng tôi nhiều chuyện liên quan đến Chùa Giác Hoàng và yêu cầu không viết ra vì sự tế nhị mà chúng tôi nghĩ rằng vào một lúc nào đó, có thể trong vụ tranh tụng, cũng sẽ phải đưa ra ánh sáng.
Chuyện riêng hay chuyện chung?
Như đã nói, vụ tranh tụng này với nhiều chi tiết phức tạp sẽ không sớm kết thúc trước tòa án, và sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sinh hoạt tôn giáo của hàng ngàn Phật tử trong Vùng Hoa Thịnh Đốn. Những ngày gần đây, số người lui tới Chùa Giác Hoàng đã giảm xuống rất nhiều, và một số câu hỏi đang được đặt ra:
— Những người gây ra cuộc tranh chấp này muốn đưa Chùa Giác Hoàng tới đâu và tương lai sẽ ra sao?
— Tiền trong quỹ Chùa do bá tánh cúng Phật có được dùng để trả thù lao luật sư hay không, và nếu có thì nay đã chi trả bao nhiêu?
Chúng tôi nghĩ, qua lịch sử của ngôi Chùa Giác Hoàng, không ai hay phe nhóm nào có quyền coi như của riêng, tự do thao túng, coi thường Phật tử và coi thường dư luận cộng đồng.
Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thấy có trách nhiệm cảnh giác cộng đồng người Việt tị nạn trong Vùng Hoa Thịnh Đốn, không nên coi vụ tranh chấp này là chuyện riêng của Chùa Giác Hoàng, dù bên nào thắng bên nào thua thì cũng không liên quan tới mình. Chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm về sự xâm nhập của VC vào các chùa chiền ở Miền Nam VN trước đây, và chúng ta đang chứng kiến những gì xảy ra tại nhiều ngôi chùa ở hải ngoại hiện nay.
Virginia, 06.2.2016
Sơn Tùng
và nhóm biên tập Đời Nay
June 16, 2016, cập nhật October 12, 2016
DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC
KHƯỚC TỪ TRÁCH NHIỆM [DISCLAIMER]
Những tài liệu đăng trên DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC nhằm thực thi tự do ngôn luận cá nhân, đa diện, nên không phản ánh quan điểm hay lập trường của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC [Viet Thuc Foundation]. Mọi ý kiến và tài liệu đăng tại DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC chỉ có tính cách thông tin, tham luận nhằm giúp độc giả gần gũi với thời cuộc liên quan tới văn hoá, giáo dục, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, tài chính, luật pháp, chính trị, v.v. hiện hành tại Hoa Kỳ và trên thế giới.
Quý độc giả cần tìm hiểu kỹ lưỡng về sự chính xác, mức độ cần và đủ của tài liệu trước khi ứng dụng. Do đó DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC khước từ trách nhiệm về nội dung và cách sử dụng những ý kiến, tài liệu và thông tin nhận được đăng trên bổn báo. Tuy nhiên, việc tham khảo thông tin và những ý kiến cần thiết, trình bày theo tinh thần cởi mở, tương kính, hoà nhã, sẽ giúp quý độc giả thêm phương tiện so sánh kiến thức một cách xây dựng, quy mô, đa dạng. Đó là điều mong ước của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC.