...Khi ông Dũng đích thân gặp mặt Tổng thống Obama để yêu cầu Hoa Kỳ mạnh tay hơn với các hành động phá hoại hòa bình của Trung Quốc ở Biển Đông thì đây là là một thái độ chính trị rất mới, nếu không muốn nói là khác thường của Việt Nam đối với nước láng giềng đàn anh Trung Quốc. Nhất là khi đảng CSVN vừa mới tái cử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người có tiếng thân Trung Quốc nhưng ông Trọng lại phải làm việc với Ban Chấp hành Trung ương có nhiều thành phần trẻ và cấp tiến thì một hành động chính trị trái chiều với Bắc Kinh cũng có thể xảy ra. Hay là những lời nói của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ là một chiến thuật của Lãnh đạo nhằm giải tỏa bớt áp lực trong nội bộ đảng và quân chúng ở Việt Nam trước hành động chèn ép quá lõa lồ của Trung Quốc?
Việt Nam Đã Quay Đầu Qua Mỹ Vì Biển Đông?
“Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông; tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC—Declaration Of Conduct), sớm thỏa thuận thực chất Bộ Quy tắc về ứng xử COC (Code Of Conduct).”
Bản tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã viết như trên, sau cuộc họp riêng dài 40 phút giữa Phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tần Dũng cầm đầu và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Sunnylands Center, Rancho Mirage, California hôm 15/02/2016.
DOC là văn kiện có 10 Điều được ký giữa ASEAN và Trung Quốc ký ở Nam Vang, Cao Miên ngày 4 tháng 11 năm 2002, nhưng không có các biện pháp trừng phạt nếu không chấp hành. Vì vậy Trung Quốc đã công khai vi phạm cam kết của mình khi thao túng Biển Đông qua các hành động lấn chiếm và tân tạo nhiều đá ngầm chiếm của Việt Nam năm 1988 để mở thành đảo lớn, xây căn cứ quân sự cho quân đồn trú, sân bay và bến cảng ở khu vực Trường Sa.
Vào năm 2009 Trung Quốc đã nạp cho Liên Hiệp Quốc bản đồ tự vẽ đường 9 đoạn, hay còn gọi là đường Lưỡi Bò, chiếm ¾ diện tích 3.5 triệu cây số vuông Biển Đông, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, để hợp thức hóa phần lãnh thổ này, coi như của Tổ tiên người Hoa để lại!
Không có bất cứ nước nào trong khu vực hay trên Thế giới, kể cả Hoa Kỳ, công nhận hình Lưỡi Bò của Bắc Kinh nhưng Trung Quốc vẫn bất chấp phản đổi để tiếp tục bành trướng lãnh thổ.
Hành động tự phá của Bắc Kinh đã vi phạm Điều 5 của DOC, có chữ ký của đại diện Trung Hoa. Điều này viết rằng: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng.
Trong khi chờ đợi sự dàn xếp hòa bình cho các tranh chấp về lãnh thổ và quyền thực thi pháp luật, các bên liên quan tiến hành tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau trong tinh thần hợp tác và hiểu biết, bao gồm:
– Tổ chức các cuộc đối thoại và trao đổi quan điểm một cách thích đáng giữa các quan chức phụ trách quân sự và quốc phòng.
– Bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo đối với tất cả mọi người đang gặp hiểm nguy hoặc tai họa.
– Thông báo trên cơ sở tự nguyện cho các bên liên quan khác về mọi cuộc tập luyện quân sự liên kết/hỗn hợp sắp diễn ra.
Trao đổi trên cơ sở tự nguyện những thông tin liên quan.”
Vì Bắc Kinh tiếp tục tăng cường hành động quân sự hóa để chiếm lãnh thổ nước khác và đe dọa hòa bình và an ninh hàng hải ở Biển Đông nên, từ 4 năm qua các nước Đông Nam Á muốn xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (Code of Conduct, COC) với những điều khoản pháp lý ràng buộc chặt chẽ hơn để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh khu vực.
Trung Quốc đã tìm mọi cách kéo dài thương thuyết. Bắc Kinh viện lẽ Trung Quốc không tranh chấp với ASEAN như một khối mà chỉ tranh chấp với một số nước trong số 10 quốc gia nên chỉ bằng lòng nói chuyện tay đôi (song phương) với từng quốc gia có tranh chấp, thay vì quốc tế hóa xung động ở Biển Đông để cho các nước khác, như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Nga có thể tham gia thương thuyết. Vì vậy, COC vẫn còn xa vời, trong khi Trung Quốc vẫn không ngưng các hoạt động lấn chiếm khiến tình hình phức tạp thêm.
Có 4 quốc gia ASEAN gồm Việt Nam, Philippines (Phi Luật Tân), Malaysia (Ma Lai Á), Brunei có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Trung Quốc ở Biển Đông trong khi Singapore (Tân Gia Ba) và Indonesia (Nam Dương) phải chịu ảnh hưởng lớn từ bất cứ sự mất ổn định nào trên Biển Đông.
4 nước còn lại của ASEAN gồm Miến Điện, Thái Lan, Lào và Cao Miên không có tranh chấp với Trung Hoa. Bắc Kinh đã dùng tiền bạc và kinh tế để nắm Lào và Cao Miên từ sau 1975 nhằm chia rẽ nội bộ ASEAN nên chưa bao giờ có thể đòan kết thành một khối để đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.
Lợi dụng sự chia rẽ của ASEAN, Trung Quốc đã mở tốc độ xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông khiến Hoa Kỳ chóng mặt. Từ năm 2015, Mỹ đã gửi máy bay đến thám thính, chụp hình, cho tầu vào tuần ra và tăng cường hoạt động hải quân, thao dượt quân sự trên biển với hai nước đồng minh Phi Luật Tân và Thái Lan, mặc cho Bắc Kinh phản đối.
Hầu như để đáp lại, Trung Quốc đã vội vã thiết kế ít nhất là 8 bệ phóng Hỏa tiễn địa-không ở đảo Phú Lâm (Bắc Kinh gọi là Vĩnh Hưng) trong Quần đảo Hòang Sa từ ngày 14/2/2016, chỉ một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh chiến lược giữa khối ASEAN và Hoa Kỳ ở Sunnylands, California.
Việt Nam đã lên tiếng phản đối, nhưng lời nói của Hà Nội cũng chỉ như đàn gẩy tai trâu vì Bắc Kinh đã coi thường phản ứng của Việt Nam từ lâu rồi.
HỘI NGHỊ SUNNYLANDS
Đó là lý do tại sao Tổng thống Barack Obama đã đứng ra tổ chức cuộc họp lần đầu tiên trên đất Mỹ trong hai ngày 15-16/02/2016 để tìm kiếm sự hợp tác thống nhất với ASEAN trong kế họach “Bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương”.
Riêng đối với trường hợp Việt Nam thì lời yêu cầu của ông Nguyễn Tấn Dũng muốn Hoa Kỳ “có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn” để vãn hồi hòa bình ở Biển Đông, được coi là lần đầu tiên, nói ra từ một Lãnh đạo trước sức ép của Trung Quốc.
Vẫn theo Bộ Ngọai giao Việt Nam thì ông Dũng đã cho Tổng thống Obama biết rằng: “Việt Nam rất quan ngại trước tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa thực sự hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không do những hành động đơn phương bồi đắp quy mô lớn các đảo chiếm đóng trái phép và xây dựng trên quy mô lớn các đảo nhân tạo từ những cấu trúc nửa nổi nửa chìm, làm thay đổi nguyên trạng, kể cả việc tăng cường quân sự hóa dưới các hình thức khác nhau.”
Nhưng lời lẽ của ông Dũng, người sẽ nghỉ hưu sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 vào ngày 22/5/2016 có sức mạnh chính trị gì không, hay ông đã nói thay cho ông Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, người thường hay tránh nói trái lòng Trung Quốc khi chạm đến vấn đề được gọi là nhạy cảm ở Biển Đông?
Vậy ông Obama đáp lễ ra sao?
Bản tin Bộ Ngọai giao Việt Nam viết tiếp: “Tổng thống Obama khẳng định, Hoa Kỳ lo ngại về tình hình Biển Đông và ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực ngoại giao và tiến trình pháp lý nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và DOC.”
Lập trường của ông Obama không có gì mới, nhưng tại cuộc họp báo chiều 16/02 (2016) sau khi Hội nghị kết thúc, nhà Lãnh đạo Hoa Kỳ cho biết lập trường chung của ASEAN và Mỹ ở Biển Đông: “Chúng tôi thảo luận những bước đi cụ thể ở Biển nam Trung Hoa (Biển Đông) để giảm thiểu căng thẳng, bao gồm cả việc lấn chiếm thêm, tân tạo và quân sự hóa khu vực. Tự do hàng hải phải được bảo đảm và thương mại hợp pháp không bị phương hại.”
(We discussed the need for tangible steps in the South China Sea to lower tensions, including a halt to further reclamation, new construction and militarization of disputed areas. Freedom of navigation must be upheld and lawful commerce should not be impeded.)
Ông Obama không nói ra “những bước cụ thể” như thế nào sẽ được Hoa Kỳ và ASEAN áp dụng để chận đứng những hoạt động xâm lấn và xây dựng trái phép mới của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng ông đã lập lại quyết tâm của Mỹ: “Tôi muốn lập lại rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, thả buồm lướt sóng và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, và chúng tôi tiếp tục ủng hộ các nước khác cũng có quyền làm như thế. Hoa Kỳ tiếp tục giúp các đồng minh của mình và những người bạn đồng hành tăng cường khả năng hàng hải của mình. Và chúng tôi cũng đã thảo luận làm thế nào để giải quyết những tranh chấp giữa các bên ở khu vực phải được giai quyết hòa bình, qua các phương tiện pháp lý, giống như phán quyết sắp tới dựa theo Luật biển Liên Hiệp Quốc mà các bên liên quan phải tuân thủ.”
(I reiterated that the United States will continue to fly, sail, and operate wherever international law allows, and we will support the right of all countries to do the same. We will continue to help our allies and partners strengthen their maritime capabilities. And we discussed how any disputes between claimants in the region must be resolved peacefully, through legal means, such as the upcoming arbitration ruling under the U.N. Convention of the Law of the Seas, which the parties are obligated to respect and abide by.)
Rõ ràng là Tổng thống Obama muốn ám chỉ đến phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài thường trực (Permanent Court of Arbitration, PCA) của Liên Hợp Quốc ở The Hague, Holland (Hà Lan) đồi với vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc đã tự vẽ ra bản đồ đường 9 đoạn, có hình giống cái Lưỡi Bò, chiếm hầu hết biển đảo ở Biển Đông, bao gồm một số đảo của Phi Luật Tân và 2 Quần đảo Hòang Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Vì lý do chính trị và sợ làm mất lòng nước đã và đang có nhiều ân huệ với mình, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã không dám tham gia cuộc kiện Trung Quốc với Phi Luật Tân, dù Việt Nam đã bị Bắc Kinh chiếm mất Hoàng Sa năm 1974 và một vùng biển đảo lớn ở Trường Sa từ năm 1988!
Vì vậy, khi ông Dũng đích thân gặp mặt Tổng thống Obama để yêu cầu Hoa Kỳ mạnh tay hơn với các hành động phá hoại hòa bình của Trung Quốc ở Biển Đông thì đây là là một thái độ chính trị rất mới, nếu không muốn nói là khác thường của Việt Nam đối với nước láng giềng đàn anh Trung Quốc.
Nhất là khi đảng CSVN vừa mới tái cử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người có tiếng thân Trung Quốc nhưng ông Trọng lại phải làm việc với Ban Chấp hành Trung ương có nhiều thành phần trẻ và cấp tiến thì một hành động chính trị trái chiều với Bắc Kinh cũng có thể xảy ra.
Hay là những lời nói của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ là một chiến thuật của Lãnh đạo nhằm giải tỏa bớt áp lực trong nội bộ đảng và quân chúng ở Việt Nam trước hành động chèn ép quá lõa lồ của Trung Quốc?
Phạm Trần
(02/016)