Vĩnh Biệt GS Nguyễn Ngọc Bich [1937-2016]
LÚC NÀO NÊN TỰ HỎI
TA RA ĐI HAY Ở LẠI ĐÔI MÙA
thơ tang tiễn bạn nguyễn ngọc bích
ra đi tối mùng 2 tháng 3 năm 2016
trên chuyến bay tham dự hội nghị manila
tìm dân chủ, độc lập cho việt nam
trong cuộc sống
lúc nào nên tự hỏi
ta ra đi
hay ở lại đôi mùa
đợi hoa nở
sau những cơn bão vội
nối bình minh
vào mạch tối năm xưa
ngay lúc đó
hay trên đường đắm đuối
phục vụ đời
chữ nghĩa cũng buông trôi
tâm đột quỵ
nhưng hồn còn trong sáng
hẹn ta về
ngọn núi đón mây sang
nỗi buồn lạ
hay niềm vui vừa mở
cánh cửa bên
bờ cõi trắng xoá thơ
Lưu Nguyễn Đạt
Fairfax, VA, March 3, 2016
1. “niềm vui cởi mở” [trong bản đầu] chỉ là một nhận định “thụ” cảm, đặt định sẵn, yên phận.
2. nên đã được đổi thành “niềm vui vừa mở”, có hàm ý một hành động, một chủ tâm tích cực, nắm cơ hội/”thực hiện”/ mở cửa giải thoát, bước vào một không gian tuyệt bích…
3. Cũng vậy, ý niệm “bờ cõi nắng còn thơ” [trong bản đầu] có vẻ gượng, ảo tưởng, trong khi việc vĩnh viễn ra đi của người mệnh chung phải là từ bỏ, giải thoát. Vậy nhóm thi ngữ trên đã được đổi thành “bờ cõi trắng xoá thơ”, với hàm ý:
[a] Nắng cũng khuất chỉ cò ánh sáng, màu trắng nguyên thủy, tổng hợp các màu hội nhập, trong sáng.
[b] thơ cũng khuất, thi ngữ cũng bị xoá nhoà ngay trong lòng màu trắng xoá của thiên nhiên, của ánh sáng tâm linh;
Người Văn Học Nguyễn Ngọc Bích mất đi chỉ còn lại hương linh. Nắng khuất đi ngay trong ánh sáng từng làm mù loà. Thơ Tang cũng tự phá thể thành vô hình, một thứ chữ trắng, hay mật ngữ mà chỉ một số người còn thấy trong tâm tưởng, trong ký ức.
Thơ Trắng kia tới cùng người mệnh chung quý hoá, trân tọng, đẹp đẽ …dù sẵn sàng bị xoá bỏ, quên lãng. Thơ Tang vốn vô thường. Nhưng lại không thể khuất núi một các giản dị, cố định. Chưa thể “vĩnh viễn ra đi”. Dù hương linh Người Văn Học đang siêu thoát.
Vậy, xin “Tạm Biệt” Nguyễn Ngọc Bích.
Lưu Nguyễn Đạt
One Comment
Võ Văn Rân
Một nén hương lòng cầu nguyện cho Hương linh GS Nguyễn Ngọc Bích sớm về cõi vĩnh hằng