Tôi là Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do. Thưa quý vị, trong nỗi đau buồn, chúng tôi xin được báo tin Ông Nguyễn Ngọc Bích, vị Giám Đốc đầu tiên và đáng kính của anh chị em Ban Việt Ngữ chúng tôi vừa từ trần, hưởng thọ 79 tuổi.
Ông mất trên đường từ Washington D.C. đến Manila để tham dự một hội nghị về Biển Đông.
Với mọi người, Ông là một học giả, một người hăng say làm việc, sẵn sàng tham gia mọi sinh hoạt, sẵn lòng gánh vác những việc nặng nhọc nhất. Với anh chị em chúng tôi, ông là một người thầy, một người anh và là một người bạn rất chân tình. Vì thế, không ai ngạc nhiên khi ngay sau khi được báo tin Ông mất, những người bạn và những người biết Ông đều sửng sốt, có người bảo với anh em chúng tôi rằng con người đáng quý nhất trên cõi đời này không còn nữa.
Trong suốt thời gian cả chục năm trời giữ vai trò của người điều hành Ban Việt Ngữ, điều tất cả chúng tôi đều nhìn thấy và không bao giờ quên là hình ảnh một Sếp Bích bắt đầu ngày làm việc với nụ cười, và kết thúc ngày làm việc cũng bằng một nụ cười. Vì thế, bài học lớn nhất mà Ông để lại cho chúng tôi là bài học bao dung, tha thứ, không bao giờ giận hờn ai, xem tất cả mọi chuyện đều quá nhỏ, chỉ có tình anh em, gia đình mới là điều đáng phải quan tâm.
Đó cũng chính là ước nguyện của ông ngay từ ngày đầu tiên khi bước vào nhận trách nhiệm xây dựng đại gia đình Ban Việt Ngữ, chăm sóc chương trình phát thanh hàng ngày từ khi chương trình còn là một đứa bé nằm nôi, cho đến ngày nhìn thấy đứa bé thật sự trưởng thành, và gia đình Ban Việt Ngữ mà ông đã bỏ nhiều công sức để gầy dựng ngày một lớn hơn, vững mạnh hơn và biết thương yêu nhau hơn, đúng như ý ông mong muốn trước ngày chia tay với chúng tôi để về nghỉ hưu.
Một lần nữa, trong nỗi đau buồn, toàn Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do chúng tôi xin được thông báo cùng quý vị: Ông Nguyễn Ngọc Bích, vị Giám Đốc đầu tiên và đáng kính của chúng tôi vừa từ trần, hưởng thọ 79 tuổi. Ở đây, anh chị em chúng tôi xin cúi đầu chia tay với sếp Bích, thầy Bích, anh Bích, cùng nhau xin thắp nén hương tiếc thương một người sếp, một người thầy và một ông anh mà chúng tôi may mắn được gặp, được làm việc chung, và không bao giờ có thể quên.
Tiểu sử GS Nguyễn Ngọc Bích
Sinh năm 1937 tại Hà Nội, lớn lên tại Sài Gòn, năm 1954 ông Nguyễn Ngọc Bích sang Mỹ du học theo chương trình học bổng Fulbright, tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại Đại học Princeton University năm 1958.
Sau biến cố 30/4/1975, ông cùng gia đình rời Việt Nam sang Mỹ, và định cư tại tiểu bang Virginia.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích từng có thời gian giảng dạy tại các đại học George Mason (1979-89), Trinity College (1979-81) và Georgetown University (1980-86). Ông được Tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush (Bush cha) chỉ định vào chức Quyền Tổng giám đốc Giáo dục Song ngữ trên toàn quốc (1991-93).
Ông là Giám đốc đầu tiên của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do RFA từ ngày thành lập cho đến lúc về hưu năm 2003.
Ngoài dạy học và làm truyền thông, ông Bích cũng còn là một nhà biên khảo và dịch-giả có uy tín về văn thơ VN. Trong những sách nổi tiếng của ông phải kể: A Thousand Years of Vietnamese Poetry (“Một nghìn năm thi ca VN,” Knopf, 1975), A Mother’s Lullaby (dịch Trường Ca Lời Mẹ Ru của Trương Anh Thuỵ, Cành Nam, 1989), War & Exile: A Vietnamese Anthology (“Chiến-tranh và Lưu Đày: Tuyển-tập văn-học hiện-đại của VN,” Văn-bút Miền Đông, 1989), dịch thơ Nguyễn Chí Thiện (Ngục Ca / Prison Songs, VICANA, 1982; Hoa Địa Ngục / The Flowers of Hell và Hạt Máu Thơ / Blood Seeds Become Poetry, cả hai do Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ xb, 1996), và Cung Oán Ngâm Khúc / Complaints of an Odalisque, dịch thơ Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều (Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2006).
GS Nguyễn Ngọc Bích đã có công trong việc việc hiệu đính thơ Hồ Xuân Hương: Tác-phẩm (Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2000), ông cũng đã dịch hai cuốn sách về mỹ-thuật VN, Vietnamese Architecture (Sứ-quán VNCH tại Mỹ, 1972) và An Ocean Apart: Contemporary Vietnamese Art from the United States and Vietnam (“Nghìn Trùng Xa Cách,” Smithsonian, 1995) cũng như giới-thiệu thơ Ba-tư trong cuốn Omar Khayyam: Thơ và Đời (Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2002).
Nguyễn Khanh, RFA
2016-03-03