Đầu tuần, Xuân đến, sáng thức sớm, ra vườn trời tuy còn se lạnh, nhìn giàn hortensia đầy nụ, ngắm bụi forsythia hoa vàng đầy góc tường, nhưng sao lòng vẫn không vui! Sao vẫn có cái buồn vớ vẫn ! Năm nào cũng vậy, đến cuối tháng ba, lòng tôi lại nao nao thế nào. Năm thứ 41 mất nước ! 35 năm chưa thấy lại Sài gòn ! Cuối tháng ba năm nào cũng tạo nỗi nhớ của khoảng khắc của tháng ba năm mất nước. Nhà Ba mẹ đầy người, bà con tỵ nạn từ Huế, từ Đà nẳng chạy về Sài gòn tỵ nạn. Khoảng thời gian trên một tháng ấy của những ngày cuối cùng của quê hương tràn ngập ký ức tôi. Việt Nam yêu dấu của tôi ngừng hẳn thời gian ấy. Từ sau những ngày ấy tôi không còn hình ảnh kỷ niệm nữa. Tóm lại, không phải mình kỳ thị mà sao những kỷ niệm dễ thương đều thuộc về những năm trước ngày 30 tháng Tư, kể cả những kỷ niệm kinh hoàng, chiến tranh, lựu đạn nổ, pháo kích… Còn sau ngày mất nước, thanh bình chớ, đi lại bình yên, nhưng làm sao đâu ? Hổng gì là dễ thương cả, chẳng có cái gì đáng nhớ cả ? Sài gòn tràn ngập người lạ, nói một giọng nói kỳ lạ, với những từ ngữ kỳ lạ chói tai, mất cảm tình ! Lạ thật ! E tui bất thường chăng ? Tôi vì ghét chế độ Cộng Sản nên ghét cả « đường đi lối về tông chi họ hàng Cộng Sản, ghét cả giọng ăn giọng nói » ? Xin lỗi bà con vậy ! Tôi cảm thấy họ không phải người mình, người Việt mình !
Năm nay, cũng như mọi năm, cứ khoảng thời gian nầy là tôi mất ngủ. Nỗi nhớ nhà da diết dằn vặt tôi ! Vẫn biết quê hương mình nay đã mất, có thể vình viễn, mấy năm tháng gần đây, một lô bạn bè cùng tuổi cùng lứa, cùng thế hệ đua nhau « ra đi » và đều yên ổn nằm nghỉ nơi quê hương thứ hai, thoạt đầu xem như tạm nhưng chẳng chốc đã trở thành vĩnh viễn. Năm nay Lễ Phục Sanh đến sớm hơn mọi năm, nên vừa xong Mùa Chay của Tôn Giáo gia đình, tôi bước vào Tháng Chay cá nhơn của Tháng Tư Uất Hận Đất Nước.
Thời sự quốc tế tuần nầy (đối với tôi) chẳng có gì đặc biệt, mặc dầu có nhiều biến cố đáng ghi nhận : Obama đi thăm Cuba, bằng chứng rõ ràng là Mỹ, lại một lần nữa, nuốt lời hứa với dân Cuba Tự Do, phản bội lý tưởng Tự Do-Dân Chủ, bắt tay lại với chế độ độc tài Cộng Sản CuBa, xem thường quan niệm Nhơn Quyền ! Pháp cũng lần nữa phản bội đạo đức Tự Do Dân Chủ, qua Tổng Thống Pháp, miệng nói Bảo Vệ Nhơn Quyền, Dân Chủ Tự Do, gắn huy chương Légion d’Honneur cao quý nhứt của Pháp cho tên đồ tể Thái tử xứ độc tài thủ cựu Ả Rập Xê Út. Tất cả vì lợi nhuận, vi quyền lợi buôn bán, tất cả chỉ vì tiền. Thị trường Cuba béo bở, canh tác, xây dựng, công nhơn rẻ. Thị Trường Ả Rập béo bở, dầu hỏa Ả Rập tràn ngập. Những quan niệm phổ thông bao quát Dân Chủ, Tự Do, Nhơn Quyền, Nữ Quyền… rẻ hơn dầu hỏa, rẻ hơn máy bay Rafales, Airbus…Làm sao trách được nếu ngày mai các nhà lãnh đạo thế giới sẽ là Trump, Poutine, Tập Cận Bình, Le Pen… hay bất cứ một tay quá khích nào, biến thành những nhà cầm quyền độc tài quá khích hay tư bản độc quyền vô đạo đức ?
Việt Nam nổi tiếng thế giới trong vai trò «tiên phuông chết thay thiên hạ, nghèo thay thiên hạ » – (Chia đôi Cái Ngu của thiên hạ với Cu Ba) ! Tiên phuông làm « điển hình » làm cách mạng mướn, đi đánh giặc mướn, nướng cả triệu đồng bào theo mình, giết cả vạn đồng bào mình không theo mình, dùm cho Nga Cộng cho Tàu Cộng để chỉ được cầm quyền. Lịch sử người kể chuyện các đại lãnh đạo đi chinh phục thế giới, chiếm đất giành dân, mở mang bờ cỏi, nới rộng non sông. Lịch sử người ghê tởm ghi chép những tội phạm nhơn loại, giết hại người, như chế độ Đức Quốc Xã Nazi giết « người Do Thái », như chế độ Thổ Nhĩ Kỳ giết người Arméniens, hay giết người Kurdes, kể cả Saddam Hussein tên độc tài Irak dùng bom hơi độc giết người Kurdes…Nhưng tất cả những đồ tể các chế độ độc tài ấy không bao giờ tàn sát đồng bào họ. Trái lại lịch sự cận đại mới ghi nhận rõ ràng các chế độ Cộng sản, bắt đầu bằng tên đàn anh Liên Sô giết hại, khủng bố đầy đọa đồng bào ruột thịt mình. Staline, Mao Trạch Đông, Hồ chí Minh, Pôn Pốt… nỗi tiếng vì đày đọa giết hại đồng bào mình !
Nhưng lịch sử người viết những thiên sử ca tụng những lãnh đạo tài ba mở mang chinh phục cả ngàn, cả vạn dặm biên cương, đất nước, Thành Cát Tư Hản, Tamerlan, Attila, Napoléon…
Nhưng trái lại, lịch sử cận đại Việt Nam ta kể chuyện ta ngu dại làm dâng đất, dâng biển, dâng đảo cho người láng giềng, chỉ để được cầm quyền. Ngày nay, Đồng Bằng Cửu Long, Vựa Lúa Miền Nam Việt Nam nỗi tiếng phì nhiêu nuôi dân Nam Việt từ thời xa xưa, đã khô cạn, hạn hán ! Đất mầu phì nhiêu nay đà nhiểm mặn vì Giòng Sông Mẹ Cửu Long cưu mang, nuôi sống dân Miền Nam Việt Nam đang bị Tàu Cộng cướp hết nguồn nước. Từ nay, thật là « Đồng khô Hồ cạn, đất Nam Việt tan tành ! »
Mất Biển, Mất Đất Mất, Nước chừng nào Việt Nam Mất Dân, Mất cả Tên Việt Nam ?
Biến cố đáng ghi nhận hơn nữa : Sáng thứ ba, lại nghe tin Bruxelles, thủ đô Vương Quốc Bỉ bị khủng bố đánh bom chết người. Buồn đau, lo lắng cho gia đình bạn bè sống ở Bỉ, một lần nữa hình ảnh khủng bố ngày nào ở New York, London, Madrid, Paris, và nay ở Bruxelles lại gợi nhớ đến sự ghê tởm Việt Cộng đánh bom dân mình năm xưa. Nhớ ngày xưa, giận dữ khi thất dân Tây Mỹ phản chiến vỗ tay hoan hô Hồ Chí Minh giết hại đồng bào Việt Nam. Ngày nay, khi nghe khủng bố Hồi Giáo đánh Huê Kỳ ngày 11 tháng 9 2001, đánhTây phương, từ London, Madrid hay Paris năm ngoái, hay Bruxelles năm nay, tự hỏi người dân Tây Phương có hiểu thế nào là khủng bố không? Đã đến lúc Tây Mỹ phải biết thế nào là khủng bố. Không nên vì quyến lợi kinh tế, đi phản người ngay, đi phò thằng gian. Đã biết vỗ tay ủng hộ, đã biết đi xúi dại dân xứ người nổi dậy, nhơn danh Dân Chủ, nhơn danh Nhơn Quyền, thì phải ủng hộ đến cùng ! Phải tạo điều kiện và phương tiện cho những quốc gia mới lấy lại chủ quyền giữ vững nền Dân Chủ, trọng Nhơn quyền, phải biết bảo vệ tất cả những quyền Tự Do. Chớ vội sớn sát giao trứng cho ác, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, thì có ngày lãnh cái búa trả nghiệp đó thôi ! Những bài học Huê kỳ và Âu Tây đang phải trả đây. Giúp kháng chiến A Phú Hản chống Liên Sô năm nào, giao súng đạn cho Ben Laden để Ben Laden đánh Mỹ sao nầy. Võ khí và quân cụ của Daesh do chính các quốc gia Tây Âu và Mỹ tiép viện, ủng hộ quân kháng chiến chống độc tài Bachar Al Assad !…Người dân Âu Châu, nhứt là Pháp, Bỉ… tứ nay, sống trong cảnh giác, trong tình trạng quân luật như dân chúng Sài gòn chúng ta thời Việt Cộng khủng bố vậy ! Rồi cũng qua thôi, vì vậy tôi hầu như không để ý gì đến những chuyện thời sự ấy.
Còn thời sự Việt Nam ? Xong rồi ! Mất Biển Đảo, Mất Biên Cương, Người Tàu tràn ngập đất Việt, đây là một đạo quân thứ năm sẳn sàng tiếp thu đất Việt khi có lệnh. Lãnh đạo Việt Nam, là những người tuy mang quốc tịch Việt nhưng thật tình đã là người Tàu rồi. Không còn gì để mong để nói nữa !
Tuần nầy, nhận được lá thư của Chú Bảy. Lâu lắm không được tin chú. Chú Bảy là một người bạn chí thân với Ba Mẹ chúng tôi. Khi Ba tôi rời Huế vô Sài gòn lập nghiệp hồi những năm 40, ba đi cùng một người bạn cùng xứ. Hai anh em gặp chú Bảy, dân Đất Hộ, xứ Nam Kỳ rộng lượng, chịu chơi, từ đó họp thành bộ tam sên. Bức thư nầy, đã xin phép – và được chú cho phép – xin phép quý bà con, đăng lên để chia sẻ cùng quý thân hữu để cùng cảm nhận một thoáng không khí cuộc sống hằng ngày của người dân Đất Hộ mình, dưới trào Cộng Sản Phương Bắc !
Phan Văn Song
Đất Hộ, Sài thành, tháng Ba, 2016, Bính Thân.
Hai à,
Cuối tháng Ba rồi ! Mỗi năm cứ vào khoảng nầy là tao nhớ Ba Mẹ mầy ! Vì, chắc mầy còn nhớ, cách đây 41 năm, khoảng nầy, tao dắt thím mầy và bầy em mầy bỏ Huế vào Đà Nẳng, rồi cả nhà tao lánh nạn vào tá túc nhà Ba Mẹ mầy ở sau Trường Mù, Chợ An Đông*. Nhớ hoài ! Thấm thoát đã 41 năm rồi ! Với ai hổng biết, chứ với tao, nuớc Việt Nam mình thực tình đã mất vào cuối tháng Ba khi Huế mất đó, mầy à! Cố đô mất, kinh đô Xứ Đàng Trong, là xứ mình mất, là mình hoàn toàn mất nước. Dù phe ta có ráng cầm cự thêm một tháng nữa, dù có súng, có máy bay, xe tăng, mà không có đạn, không có xăng… cũng như cùi. Lòng quyết tử, chí quật cường của quân dân cán chánh Việt Nam Tự Do cũng chỉ có thế thôi ! Mỹ đã phản bội ta, nuốt lời hứa, đi đêm quyết tâm bán rẻ Việt Nam Tự Do cho Nga Cộng, Tàu Cộng, thì dẩu cả toàn dân Việt Nam Tự Do có bán hết tất cả mạng sống đến người Việt Tự Do cuối cùng đi nữa, thì cũng thua. Chỉ còn, chạy, dzọt, vượt biển, đau thương, hy sanh, chết chóc, trả cái giá nặng nề, mình đi đày, vợ con mình bị hảm hiếp, gia đình mình nhục nhã …chỉ mong được đến bờ Tự Do thôi ! Hai à ! Thiên hạ ca tụng tinh thần chiến đấu gan dạ của toàn dân quân cán chính anh hùng Việt Nam Cộng Hòa giữ nước giữ nền Tự Do hai mươi năm bền vững ! Đúng ! Nhưng chúng ta cũng phải trân quý, trân trọng, ca tụng và nhớ ơn người phụ nữ Việt Nam. Những người mẹ, người vợ, sát cánh bên chồng, bên con để giữ vững riềng mối gia đình, giữ vững hậu phương, cho chồng cho con vững tâm giết giặc giữ nước. Đó là thời chiến ! Lúc thua trận, tiếp tục phải cán đáng bảo bọc gia đình khi chồng, cha, con, hoạn nạn tù đày nơi rừng sâu nước độc, hay cơ cực khổ sai ngoài đất Bắc rừng rú mọi rợ. Lúc sanh tử có nhau, lúc hoạn nạn có nhau, cả cùng lúc chia sẻ hiểm nguy vượt biển, người phụ nữ Việt Nam, người đàn bà Việt Nam cũng bị hoạn nạn hơn người nam, bị hảm bị hiếp, bị cướp biển đem về áp trại. Nỗi khổ kể sao cho siết ! Và ngày nay ? Cũng vậy, hoà bình rồi, mà thân phận đàn bà phụ nữ Việt Nam vẫn bị làm món hàng thương mại. Phải bỏ nhà, bỏ quê hương, xuất khẩu lao động ! Lúc ở đợ, lao động xứ người, xa chồng xa con. Khi điếm, bán trôn nuôi miệng, nuôi gia đình. Nhục nhã sắp hàng, trưng bày thân thể trần truồng, làm món hàng, để chồng ngoại quốc lựa chọn mua về, làm nô lệ tình dục ! Tất cả « ra đi », chỉ mong gởi tiền về nuôi gia đình cha mẹ trả chữ hiếu !
Xứ Đất Hộ mình biết bao nhiêu chuyện, nào gả con gái cho người nước ngoài, nào bán con trẻ làm con nuôi, tháng nào cũng có ! Còn chuyện « ra đi », ngày nay 41 năm qua rồi, hoà bình rồi, mỗi ngày cũng đều có chuyện « vượt biên ». Nhờ vậy mà cái nghề của thím mầy giáo sư Anh Văn hốt bạc, nuôi cả gia đình, xây thêm nhà, sửa thêm cửa, khá giả mấy năm nay.
Ròng rã, năm nào cũng vậy, cứ đến tháng ba, tháng tư, hai tháng nầy, là tao nhịn ăn, đốt nhang bàn Thờ Tổ quốc, tụng niệm hằng ngày…chỉ để Nhớ, để Thương. Đặc biệt, tháng tư năm ngoái, tao rầu thúi ruột muốn bệnh luôn : nhớ nhung đủ thứ chuyện hết, nhưng tao lại làm biếng viết thơ cho mầy, đến cả thím mầy mà tao cũng hổng thèm nói chuyện. Bả cứ « Ông thiệt ! Nhắc chi cái thứ đó hoài ông ơi, đổi đời mà, mình ráng sao cho cái đám con cháu nó qua truông là được rồi. Bây giờ nó dzậy đó, miễn sao con cái nhà mình nó giữ cái gì mình dạy cho tụi nó là đủ rồi. Ông rầu là gì cho thêm bịnh ».
Tao nghe bả nói, tao cũng thấy bả có lý, nhưng tao vẫn rầu… Tao rầu bân khuơ, tao nhớ bạn, tao nhớ bè, nhớ anh Ba, ông già mầy, nhớ chị Ba, má mầy, nhớ mấy.
Tao nhờ Trời Phật sống đầy đủ, đổi đời, cũng xuống chó, cũng lên voi, thất nghiệp, bảy nghề biết đủ, cũng như người ta, cũng biết đó biết đây. Ngày nay, tao ngán ngẩm cho cái vận, cái hạn đất nước mình sao nó vẫn còn khổ triền miên như vầy ! Nói hoà bình, nói phát triển, tiến lên, tiến mạnh, mà sao vẫn còn con nít bán mía găm, bán vé số, bán thuốc lá điếu…. Hồi trẻ, tụi tao kháng chiến, chống Tây, hy vọng lấy lại Độc lập, dân mình nó sẽ sống đàng hoàng, hy vọng không còn có cảnh phu xe kéo, chị gánh hàng rong, chị thợ hồ đội gạch, thằng nhỏ bán cà-lem cây. Sau Thế chiến, Việt Nam ta tuy lấy lại Độc lập, nhưng « người ta » vẫn tiếp tục gây ra chiến tranh, chết chóc triền miên. Năm 1954, đình chiến, đất nước tuy bị cắt chia, nhưng yên tiếng súng, hòa bình. Nhờ đó dân Nam mình cũng sống một thời gian đàng hoàng tử tế, ngon lành, xây dựng ! Thế nhưng chẳng được bao lâu thì lại chiến tranh, dân Cộng Sản ở ngoải lại pháo kích, lại khủng bố ! Lại chết chóc … mà dân Nam mình có phá hoại xâm chiếm lấy của cải của ai đâu ? Hiền hòa, biết bà biết con, biết đoàn, biết kết, biết đùm biết bọc. Năm 54, dân xứ Ngoải chạy lánh nạn Cộng sản, di cư, tỵ nạn vô cả triệu người, dân mình cán đán, lo hết. Thế mà Đảng Cộng sản ở ngoải cũng vẫn muốn giải phóng mình. Mà giải phóng gì ? Giải phóng bằng pháo kích, giải phóng bằng giựt mìn xe đò, giải phóng bằng đắp mô, giải phóng bằng chặt đầu, mổ bụng, dồn trấu…giải phóng bằng đấu, giải phóng bằng tố khổ. Thằng đế quốc thằng Tây thằng Mỹ có chết đó, nhưng chết bao nhiêu, chỉ có dân ta chết bộn thôi. Thế mà vẫn có cả ngàn người nghe, cả vạn người theo. Sợ ? Mê ? Ngu ?
Dân chúng ở ngoải họ nói họ bị bắt buộc. Nếu bắt buộc, sao không thấy họ « ra đi », vượt biển, hay vượt tuyến ? Người dân Đông Đức, Cộng Sản, năm nào cũng có người trốn qua Tây Đức, xứ Tự Do. Tường Ô Nhục Bá Linh có cao đó, nhưng cũng có kẻ dám vượt tường. Giàn rào kẻm gai có rào bãi mìn đó, vẫn có người đào hầm chui qua rào kẻm mìn, tìm Tự Do,… Bằng chứng khi đến phiên cả xứ Việt Nam ta bị nhuộm đỏ, chẳng bao nhiêu lâu…một năm, hai năm chịu đựng là dân miền Nam bắt đầu bỏ trốn ! Thật vậy, dân miền Nam mình, chỉ cần ba năm sống dưới tay Công sản Bắc Phương, là bắt đầu bỏ xứ ra đi. Ngày nay hòa bình, thống nhứt, phát triển, tiến lên, tiến mạnh, tiến cái gì hổng thấy, mà ai ai, nếu có dịp, đều vượt biên hết. Bây giờ hết nói vượt biên rồi : nói du học (rồi không về – thường thường là con ông cháu cha không à !) nói lấy chồng người nước ngoài, nói xuất khẩu lao động, nói « hạ cánh an toàn », nói đi du lịch – và « trốn ở lại »… Giấc mơ đi khỏi Việt Nam hầu như ở khắp mọi người. Nhờ vậy mà gia đình tụi tao sung túc, khá lên, là nhờ cái phong trào học tiếng Anh không lúc nào ngơi?
Về vấn đề trường học, trường tao từ đầu năm nay, cũng ế ẩm ! Vật giá đắt đỏ. Kinh tế hổn loạn. Thêm cái vụ Đại Hội Đảng vừa qua dân Bắc kỳ chiếm ghế nhiều quá, dân Nam e rằng dân Nam nổi loạn chăng ? Thôi chờ xem bầu cử Quốc hội, có gì thay đổi không ? Hay vẫn như cũ, chia ghế, chia của, xí phần. Lúc nầy còn thêm cái cha truyền con nối. Đời cha hết Thủ Tướng, nhưng đời con vẫn đại gia, vẫn Trung Ương Chánh Ủy, vẫn ăn trên ngồi trước có chết thằng ma nào đâu ? Chỉ có thằng dân ruộng thì mất đất, thằng dân biển thì mất thuyền do tàu lạ đụng, đâm… la ó than khóc thì Nhà Nước Việt Nam ta, Quân Đội Nhơn Dân Anh hùng ta cũng xử… chìm xuồng luôn.
Còn chương trình học, lúc nào các học sanh và sanh viên trong phần học tập chánh tri có thêm cảnh giác … « diễn biến hòa bình ». Nghe các học trò về kể lại rằng nước Việt Nam ta đang bị địch bao vậy, và bọn thế lực phản động hải ngoại đang dùng diễn biến hòa bình đánh vào thành trì « xã hội chủ nghĩa » để giựt đất nước khỏi tay lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hóa ra, mình vẫn còn bị nhóm thù địch bao vây, do đó mình nghèo hoài ! Nhưng Hai à, nội cái từ ngữ « diễn biến hòa bình », tao cũng không hiểu nỗi. Diễn bìến là « hiện tượng đi tới …», là « tương lai sẽ … có hòa bình », mà có … « hòa bình » thì có gì mà nguy hiểm, mà phải sợ ! Ai cũng sợ chiến tranh chớ… và sợ những diễn biến chiến tranh, nhưng ai lại đi sợ hòa bình. Các học trò cũng kể cho tao nghe là các em học tập rằng những phong trào Dân chủ và Nhơn quyền của thế giới là do bọn thù nghịch phản động ở bển gây ra để phá hoại đất nước Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, bọn phản động muốn đưa Việt Nam tương lai vào thế giới tư bản của Đế quốc Mỹ đó mầy !
Ủa nước mình hổng phải tư bản sao ? Các ông lớn đều đứng tên các công ty, mở cổ đông cho người hùn hập làm ăn (thường thường là bà con hay bạn đồng chí ở trong Đảng Cộng sản) hổng phải là công ty tư bản sao ? Có thể Công ty tư bản là những người hùn hập mua cổ đông đều là người lạ – cái chữ lạ bây giờ nó lạ lắm ! Từ « lạ » ở đây không phải là nghĩa mới bây giờ, nghĩa mới là để nói « đó là người Tàu », thí dụ « tàu lạ đâm chìm tàu ta », phụ đề việt ngữ là « tàu Tàu, tàu Trung Cộng đâm chìm tàu người Việt ta » đó thôi ! … – (« lạ » là ai ngoài phe Đảng ta), có tiền là mua cổ đông hùn vốn). Đằng nầy ở Việt Nam các công ty các ông lớn là do bà con và người trong Đảng hùn vốn vì vậy hổng phải là tư bản mà là xã hôi chủ nghĩa (là người cộng sản với nhau, trong Đảng cả) và theo định hướng tư bản thị trường tư do (nghĩa là hùn vốn). Nhưng vậy mấy chả sợ Tư bản Chủ nghĩa cũng phải. Tư bản Chủ nghĩa ai cũng có thể bỏ tiền ra được hết, riết thì ai làm chủ đây ? Xã hội Chủ nghĩa là Xã hội chủ Nghĩa là Đảng cộng sản phải làm chủ và cầm quyền và là lãnh đạo. Tao thử cắt nghĩa vậy mầy xem được không ?
Lay hoay cũng sắp Lễ Phật đản nữa rồi. Tao thì thường nhớ ngày mồng Tám tháng Tư, chứ đâu có dời qua ngày Rằm như bây giờ. Tao cứ nhớ bài ca « … mồng Tám tháng Tư là ngày Thích Ca thành Phật ». Kệ ai cúng ngày Rằm, còn tao, tao cứ hương đèn nhang khói, tao cúng Phật đản ngày mồng Tám tháng Tư. Thím mầy cũng lại cằn nhằn : « ông thiệt hổng giống ai ! Thiên hạ bậy giờ cúng Lễ Phật Đản ngày Rằm tháng Tư chứ không ai cúng ngày mồng Tám tháng Tư hết ! »
– Kệ tui, Bà ơi ! Tui già tui cúng theo người già ! Nói nhỏ – tao cúng theo người Quốc gia !
Mầy xem bây giờ là vậy đó. Cúng kiến lễ lạc phải đúng thủ tục, có luật có lệ, có ngày có tháng. Còn lễ nghĩa, luật lệ đi đường thì tùm lum, buôn bán thì lươn lẹo, chụp giựt, mánh mun, còn hàng hóa, thì dỏm, thì giả, không cần luật lệ gì cả, còn con nít chẳng biết thưa gởi, xin lỗi xin phải hay cám ơn cám iếc gì cả…
Tao ráng giữ cái bầy con, bầy cháu cho tụi nó đàng hoàng một tý. Mầy gặp lại tụi nó mầy sẽ thấy tao ngon lành giữ tụi nó đàng hoàng lắm đó.
Thôi ít hàng nói chuyện xứ Đất hộ mình cho mầy nghe. Thăm gia đình mầy.
Hẹn thơ sau
Chú Bảy
*Trước 30/04/1975. Bộ Tam Sên (kết nghĩa năm 1940) của Ông già chúng tôi gồm có, Ba tui, năm 1975 làm Hiệu Trường Trường Mù ở Chợ Lớn, Bác Hai Hạp, mở tiệm bán cát, gạch ở Ngã Tư Phú Nhuận. Và chú Bảy, cựu công chức Bộ Giáo Dục. Thời ông Diệm, chú công tác ở Huế, gặp cô gái Huế, giáo sư Anh Văn (ra đi không đành !) là thím Bảy, ở lại sanh sống lập nghiệp nhập dân Huế luôn ! Lạ chưa, gia đình Chú Bảy gốc Đất Hộ Nam Kỳ lại sống ở Huế cả chục năm, trong lúc hai ông kia, gốc Huế trọ trẹ, lại sống ở Sài gòn. Mất Huế, vào Sài gòn lánh nạn ban đầu tá túc ở nhà ông già, trước ngày 30 tháng tư ông chạy về lại Đất Hộ (Dakao), nhập vào nhà tổ phụ, vì gia đình người anh quân nhơn Hải quân đã kịp đưa vợ con di tản đi Mỹ, chỉ còn ông cụ bà cụ ở lại. Gia đình chú Bảy, 6 người về kịp để giữ nhà. Chú Bảy giáo chức có lon có lá, cũng phải đi tù vài tháng. Thím Bảy, vì không phải thuộc dân giáo chức Sài Gòn nên chỉ được « mất dạy ». Lúc ấy tôi còn ở Sài gòn, có giúp gia đình Chú thím mở một đề-bô bán Ladze, Nước Ngọt, Nước Đá tại nhà sanh sống qua ngày. Năm 1980, khi ra tù, có đến thăm chú thím, tiệm « bán nước » vẫn còn, tuy buôn bán có khó khăn hơn ! Bộ ba Tam sên, ở lại Sài thành, vẫn tụ tập. Hai ông gìà gân, kẻ Phú Nhuận, người Đất Hộ, đạp xe, lên chợ An Đông thăm ông già mù, để đấu láo và UTQ, uống trà quạu, hút thuốc lào, với nhau, ít lắm là một tuẩn một lần.
Đầu Xuân 2016
Nhớ những ngày loạn lạc tháng ba, tháng tư năm 1975.
TS Phan Văn Song