Muốn chắc chắn được đại hội đảng Cộng Hòa đưa ra tranh cử tổng thống, ông Donald J. Trump cần được 1237 đại biểu của mình, ngay trong vòng bầu sơ bộ ở các tiểu bang. Trong vài tháng tới, ông Trump sẽ phải kiếm thêm 501 phiếu đại biểu nữa thì mới đủ con số trên. Các tiểu bang đảng Cộng Hòa chưa tổ chức bầu sơ bộ sẽ còn tổng cộng 904 đại biểu đi tham dự đại hội. Mỗi tiểu bang chia số đại biểu cho các ứng cử viên theo cách khác nhau. Có nơi chia theo tỷ lệ số cử tri tín nhiệm trong lúc bầu sơ bộ, có nơi thì người nào thắng được chỉ định tất cả số đại biểu. Cho nên việc tính toán, dự đoán ông Trump sẽ được đủ phiếu hay không, không dễ dàng. Nếu ông Trump không đạt được con số 1237 đại biểu, đại hội sẽ quyết định. Các đại biểu từ tiểu bang trước đây được chọn để bỏ phiếu cho ông Trump, ông Cruz hay ông Kasich, có thể sẽ được miễn làm bổn phận đó, được tự do bỏ phiếu theo ý mình. Nếu tất cả những người “chống Trump” thỏa thuận được với nhau dồn phiếu cho một ứng cử viên duy nhất, Trump sẽ khó đạt được trên 50%.
Không đoán chắc ông Trump có chiếm được 501 trong số 904 đại biểu ở 20 tiểu bang sắp bàu sơ bộ hay không. Nhất là tại nhiều tiểu bang mà số cử tri có cảm tình với ông không cao. Thí dụ, Wisconsin sẽ bầu sơ bộ vào Thứ Ba tuần tới để chọn 42 đại biểu, hiện ông Trump chỉ được 30% ủng hộ. Hầu hết những người chủ chốt của đảng Cộng Hòa trong tiểu bang này chống Donald Trump, và họ nói công khai. Trump phải trả đòn theo phương pháp quen thuộc của ông; không nương tay khi tấn công đối thủ. Đến xã Janesville trong tuần qua, ông đã chế nhạo ngay một người sinh trưởng ở xã này là Dân biểu Paul Ryan, đang làm chủ tịch Hạ viện! Nhân tiện, Trump cũng đả kích nặng nề ông Scott Walker, đương kim thống đốc Wisconsin, người đã từng vận động làm ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa, đã rút lui nhưng vẫn có ảnh hưởng mạnh trong tiểu bang này, là tiêu biểu cho thành phần “Vai vế” (Establishment) trong đảng tại địa phương.
Trận chiến giữa Donald Trump và “Giới Vai vế” trong đảng Cộng Hòa đã diễn ra ngay từ khi ông ra tranh cử,. Chữ Anh “Establishment” bao gồm nhiều loại người có ảnh hưởng lớn trong một xã hội hay một tổ chức, định chế. Dịch Establishment là “Giới Lãnh đạo” sợ rằng không đúng vì trong tiếng Việt “lãnh đạo” thường nói tới những người chính thức nắm quyền của một định chế, như trong một đảng chính trị. Trong ngôn ngữ chính trị ở Mỹ chữ “Establishment” không mang nghĩa “chính thức” như vậy. Nó gồm nhiều loại người có thể ảnh hưởng mạnh trong đảng: Có các chính trị gia đang giữ chức và có quyền ở quốc hội, trong chính phủ, từ các địa phương tới toàn quốc. Có những nhà chính trị đã về hưu nhưng ý kiến của họ vẫn có ảnh hưởng. Khi cựu Nghị sĩ Bob Dole tới Iowa nói không thể nào chấp nhận ông Cruz, đó là một ý kiến của “Giới Vai vế.” Có cả các tờ tạp chí như National Review hoặc Nhật báo Wall Street, các nhà bình luận trên báo, trên đài được hàng triệu người theo dõi, như Rush Limbaugh, John Fredericks, vân vân. Cụ thể nhất và nặng ký nhất là những người thường xuyên đóng góp và có khả năng kêu gọi người khác đóng góp cho quỹ vận động tranh cử của các ứng cử viên. Trong đảng Cộng Hòa, nói đến “Establishment” thì không thể bỏ quên hai anh em tỷ phú Charles và David Koch. Họ có thể gom góp hàng tỷ mỹ kim, từ những tỷ phú cùng chí hướng. Nhưng chính hai anh em nhà Koch vẫn thường xuyên chống lại bộ chỉ huy của đảng Cộng Hòa, cho thấy Establishment cũng không thuần nhất. Trong mùa bầu sơ bộ năm nay, họ vẫn luôn luôn chống đối nhau. Xin tạm dịch chữ “Establishment” là “Giới vai vế,” những người không nhất thiết nắm quyền chính thức nhưng có ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau.
Donald Trump chống Giới Vai vế trong đảng Cộng Hòa, và đại đa số họ không muốn ông đại diện đảng ra tranh cử tổng thống. Thứ nhất, họ lo ông ta sẽ thua, đảng mất một cơ hội chiếm lại Tòa Bạch Ốc. Thứ hai, họ biết ông Trump không thiết tha gì đến những lý tưởng, chủ trương và chính sách của đảng. Trump chỉ muốn đi “quá giang” đảng Cộng Hòa để thực hiện tham vọng riêng, làm tổng thống Mỹ.
Tại sao Donald Trump nổi bật lên nhanh chóng làm cả thế giới bên ngoài kinh ngạc? Vì ông khai thác đúng lúc cái tâm trạng bất mãn trong các tầng lớp cử tri cơ bản vẫn bàu cho đảng Cộng Hòa. Mỗi nhóm người nuôi lý tưởng bảo thủ về đạo đức, tôn giáo, thiết tha bảo vệ quyền tự do kinh tế, ôm ấp khát vọng về vai trò đứng đầu thế giới dành cho nước Mỹ, vân vân. Trong hai đời tổng thống vừa qua, họ thất vọng với một ông tổng thống Cộng Hòa và một ông Dân Chủ. Trong bảy năm qua, Tổng thống Obama đã thực hiện được nhiều chính sách của đảng Dân Chủ, trong khi các đại biểu Cộng Hòa ở quốc hội không ngăn cản được. Nỗi bất mãn càng lên cao. Nói chung, họ bất mãn đối với cả tầng lớp cai trị ở thủ đô vì những điều họ thiết tha nhất đều không được thể hiện trong chính sách quốc gia. Vì vậy, các ứng cử viên không thuộc loại các nhà chính trị chuyên nghiệp và lâu đời được các cử tri ủng hộ.
Tháng Giêng năm 2016, Nhật báo Atlanta Journal-Constitution thăm dò dư luận tại Tiểu bang Georgia. Đa số các cử tri Cộng Hòa muốn người đại diện họ ra tranh cử tổng thống năm nay phải là người bên ngoài, không thuộc giới vai vế trong đảng. Hơn 90% nghĩ rằng nước Mỹ đang “trật đường rày.” Ngược lại, ba phần tư các cử tri Dân Chủ nghĩ rằng nước Mỹ đang đi đúng đường và 83% muốn có người “có kinh nghiệm” làm lãnh đạo! Trong cuộc thăm dò này, một nửa cử tri Cộng Hòa (và 65% những cử tri độc lập) phản đối ý kiến của ông Trump là nên cấm các di dân Hồi Giáo. Nhưng khi dân Georgia bàu sơ bộ, Donald Trump được 39% phiếu ủng hộ. Nhiều người không đồng ý với ông vẫn bàu cho ông ta. Chỉ vì ông diễn tả đúng nỗi bất mãn đối với Giới Vai Vế trong đảng. Có cử tri than phiền về các nhà chính trị chuyên nghiệp: “Họ chỉ nghĩ đến tiền và địa vị. Không ai nghĩ đến thằng dân như tôi.” Trong lúc ông Trump nói những ý kiến “trúng tim đen” của rất nhiều người, dân Mỹ không thể đoán trước được nếu ông làm tổng thống và thi hành các chính sách mà ông gợi ý, thì nước Mỹ và thế giới sẽ ra sao?
Chỉ trong một hai ngày tuần nay, Donald J. Trump đã tuyên bố những điều trái ngược với chủ trương của đảng, khiến giới Vai vế trong đảng Cộng Hòa càng lo ngại nếu ông ta ra tranh cử cho đảng thì nắm chắc phần thất bại.
Ngày Thứ Năm, trong lúc đại diện của 50 quốc gia gặp nhau ở Washington bàn về hạn chế vũ khí hạch tâm, ông Trump thản nhiên nói ngược lại chính sách mà các vị tổng thống Mỹ, thuộc hai đảng, đã theo vẫn đuổi từ nửa thế kỷ nay. Ông nói các nước như Nhật Bản, Nam Hàn cũng nên chế tạo vũ khí hạch tâm! Ông nói một điều mà nhiều người Mỹ có thể cũng nghĩ: Các nước đó, và cả Á Rập Saudi, Iran trước sau thế nào cũng làm bom nguyên tử! Một ý kiến như vậy, nếu trở thành chính sách quốc gia, thì hậu quả như thế nào không thể lường trước được.
Nhưng câu tuyên bố làm cả nước, hay ít nhất hơn một nửa, là các phụ nữ, phải nổi giận, khi ông Trump nói rằng các phụ nữ phá thai trái phép phải bị trừng phạt. Không riêng các người làm công việc phá thai bị phạt, mà cả các bà, các cô đi phá thai. Đây là điều mà cả phong trào chống phá thai xưa nay chưa từng đòi hỏi. Nhật báo “vai vế” Wall Street Journal viết một bài quan điểm (editorial) coi báo động rằng đảng Cộng Hòa sẽ mất hết phiếu của phụ nữ nếu người ta nghĩ đây cũng là chủ trương của đảng. Nói như vậy khiến phía đảng Dân Chủ sẽ vẽ ra hình ảnh bên Cộng Hòa sẵn sàng bỏ tù các người đi phá thai, trong khi bỏ qua những người làm cho họ có thai! Ông Trump đã cho người cải chính, nói ngược lại, nhưng tờ báo Wall Street thấy hầu như mỗi ngày ông lại dẫn đảng Cộng Hòa vào một cuộc phiêu lưu mới.
Hiện tượng Donald Trump bùng lên vì từ mấy chục năm qua giới vai vế của đảng Cộng Hòa không chú ý đến những bất mãn ngấm ngầm của những tầng lớp cử tri cơ sở vẫn bỏ phiếu cho họ. Trump nương theo đà những cơn sóng bất mãn này mà nổi lên. Trong khi đó, giới vai vế trong đảng, nhất là trong quốc hội, dành rất nhiều thời giờ để đấu lẫn nhau. Ông cựu chủ tịch Hạ viện phải từ chức cũng vì bị các đại biểu cùng đảng đả kích nặng nề suốt mấy năm liền; đến nỗi khi ông ta rút lui thì khó khăn lắm mới kiếm được người chịu đứng ra thay thế. Không ai muốn tự biến thành cái bia cho các “đồng chí” cùng đảng tập bắn mỗi ngày. Trong mùa bàu cử sơ bộ năm nay, tin tức chính trị nổi bật không phải là đảng Cộng Hòa chỉ trích các chính sách của Tổng thống Obama, mà là những cuộc đấu đá, lời qua tiếng lại giữa các ứng cử viên Cộng Hòa! Có khi người này còn đem vợ của người kia ra làm mục tiêu tấn công!
Cho nên, dù ba tháng nữa đảng Cộng Hòa có đưa Donald Trump ra tranh cử hay không, dù kết quả cuộc bầu cử tháng Mười Một năm nay ra thế nào, cuối cùng đảng Cộng Hòa sẽ phải thay đổi. Nếu không thay đổi được trong hai năm thì bốn năm nữa cũng phải đổi. Donald Trump là chất xúc tác khiến họ phải thay đổi. Khi hiện tượng đó diễn ra, đảng Dân Chủ cũng bắt buộc phải thay đổi. Trong lịch sử nước Mỹ nhiều đảng chính trị lớn đã biến mất, đã tách ra, nhiều đảng chính trị mới đã ra đời. Trong thế kỷ 21 này hiện tượng đó có thể lại diễn ra.
Ngô Nhân Dụng