Kẻ Gác Giữ Những Khoản Tiền Mờ Ám Trong Hồ Sơ Panama
Biển hiệu của Mossack Fonseca tại Panama. Ảnh: AFP |
11,5 triệu tài liệu mật bị rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca tại Panama đang gây chấn động thế giới, khi chúng hé lộ 12 nguyên thủ quốc gia đương nhiệm cũng như mãn nhiệm có liên quan đến các tài khoản bí mật tại nước ngoài. Rất nhiều người nổi tiếng, như các ngôi sao thể thao, điện ảnh, các tỷ phú, người nhà các chính trị gia khắp thế giới, cũng bị phát hiện có dính líu đến Mossack Fonseca.
Mossack Fonseca hiện được xem như một trong 5 công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực bán buôn các dịch vụ bí mật ở nước ngoài. Công ty này có hơn 500 nhân viên và cộng tác viên, tại hơn 40 văn phòng khắp thế giới, bao gồm ba văn phòng tại Thụy Sĩ và 8 văn phòng tại Trung Quốc, điều tra của Liên đoàn Phóng viên Điều Tra Quốc tế (ICIJ) cho biết.
Gốc rễ
Lịch sử của công ty tư vấn luật này bắt đầu năm 1986, khi ông Ramon Fonseca sáp nhập văn phòng luật nhỏ của mình với công ty luật của Jürgen Mossack – một người Panama gốc Đức. “Cùng nhau, chúng tôi đã tạo ra một con quái vật”, Fonseca từng tuyên bố với một phóng viên.
Fonseca, sinh tại Panama năm 1952, từng theo học ngành luật và khoa học chính trị tại Đại học Panama và Trường Kinh tế học London. Ông này từng có 6 năm làm việc cho văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ.
Đối tác kinh doanh của Fonseca là Mossack, lớn hơn ông 4 tuổi, sinh tại Đức trước khi cùng gia đình tới Panama đầu những năm 1960. Cha của Mossack từng là thành viên lực lượng Waffen-SS khét tiếng của phát xít Đức trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, cha của Mossack xin làm người đưa tin cho tình báo Mỹ. Cuối cùng, gia đình Mossack tới Panama, khi cha của ông đề nghị làm người do thám các hoạt động của Cuba cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Sau khi tốt nghiệp ngành luật tại Panama năm 1973, Jürgen Mossack từng có thời gian làm luật sư tại London, trước khi về Panama mở công ty luật riêng, cho đến khi sáp nhập với công ty của Fonseca. Công ty mới có tên Mossack Fonseca & Co. Ngày nay, cả hai đều thuộc tầng lớp thượng lưu nhất của xã hội Panama.
Jurgen Mossack (trái) và Ramon Fonseca Mora là hai nhà sáng lập của Mossack Fonseca & Co. Ảnh: Geopolitics |
Ngoài việc là luật sư, Fonseca còn nổi tiếng không kém với tư cách tác giả tiểu thuyết. Fonseca hiểu rất rõ thế giới chính trị, khi là cố vấn hàng đầu cho Tổng thống Panama Juan Carlos Varela cho đến tháng ba vừa qua.
Fonseca tuyên bố tạm nghỉ khỏi vị trí cố vấn sau khi có những cáo buộc rằng văn phòng tại Brazil của Mossack Fonseca dính líu đến bê bối hối lộ, rửa tiền tại một công ty dầu khí quốc doanh Brazil.
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Fonseca phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào của công ty mình. Ông tuyên bố, nếu một công ty ở nước ngoài bị sử dụng theo cách sai trái, công ty của ông cũng không có trách nhiệm nhiều hơn việc một nhà máy sản xuất ôtô cho ra đời một chiếc xe, mà sau đó chiếc xe bị sử dụng trong một vụ cướp.
Mossack cũng là người có vai vế khi từng là thành viên Conarex – hội đồng quan hệ đối ngoại của Panama, giai đoạn 2009 – 2014. Theo điều tra của ICIJ, tài sản của Mossack gồm một đồn điền trồng gỗ tếch, nhiều bất động sản, một máy bay trực thăng, một du thuyền có tên Rex Maris, cùng một bộ sưu tập các đồng tiền vàng.
Bay cao tại “thiên đường thuế”
Vụ sáp nhập cho ra đời Mossack Fonseca diễn ra giữa lúc Panama đối diện bất ổn về kinh tế và chính trị. Năm 1987, Mossack Fonseca có bước tiến đầu tiên ra nước ngoài, khi mở chi nhánh tại British Virgin Islands. Hòn đảo này vài năm trước đó đã thông qua đạo luật giúp dễ dàng thành lập các công ty ở nước ngoài mà không phải công khai chủ sở hữu cũng như thành viên ban lãnh đạo.
“Mossack Fonseca là những người đầu tiên từ Panama tới British Virgin Islands và những người khác đã đi theo”, Rosemarie Flax, giám đốc điều hành kỳ cựu của văn phòng Mossack Fonseca tại hòn đảo trên, nói trong cuộc phỏng vấn tháng 5/2014.
Văn phòng Mossack Fonseca tại British Virgin Islands. Ảnh: CPI |
Ngày nay, British Virgin Islands là nơi có khoảng 40% các công ty kinh doanh ở nước ngoài trên khắp thế giới đăng ký đặt trụ sở. Trong số các công ty xuất hiên trên hồ sơ của Mossack Fonseca, có khoảng một nửa, hơn 113.000 công ty, được thành lập tại British Virgin Islands.
Mossack Fonseca có một bước đi quan trọng khác năm 1994, khi giúp quốc đảo tí hon Niue tại nam Thái Bình Dương, với dân số chưa tới 2.000 người, dự thảo một đạo luật cho phép thành lập các công ty nước ngoài.
Theo chia sẻ của Mossack với hãng thông tấn AFP sau này, họ chọn Niue vì họ muốn có một địa điểm ở châu Á – Thái Bình Dương, và họ không muốn có đối thủ cạnh tranh. “Nếu chúng tôi có được một vùng tài phán nhỏ, và có được nó ngay từ đầu, chúng tôi có thể cung cấp cho mọi người một môi trường ổn định, một mức giá ổn định”, Mossack nói.
Công ty này sau đó đã ký một thỏa thuận có thời hạn 20 năm với quốc đảo Niue, cho phép họ độc quyền đăng ký thành lập cho các công ty nước ngoài tại đây. Quan trọng hơn, Niue cấp giấy đăng ký kinh doanh bằng tiếng Trung và tiếng Kirin, nên hấp dẫn các khách hàng Trung Quốc và Nga.
Đến năm 2001, Mossack Fonseca kinh doanh phát đạt đến nỗi họ đóng góp tới 1,6 triệu USD trong kế hoạch ngân sách hàng năm hai triệu USD của hòn đảo này.
Dù vậy, cùng năm đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nghi ngờ mối quan hệ giữa công ty luật trên và đảo Niue. Họ cảnh báo rằng ngành đăng ký doanh nghiệp nước ngoài của Niue bị nghi “dính líu tới hoạt động rửa tiền cho các khoản thu phạm pháp từ Nga và Nam Mỹ”.
Tổ chức liên chính phủ Nhóm Điều tra Tài chính, do một số cường quốc thành lập để chống rửa tiền, đã đưa Niue vào danh sách đen các vùng tài phán không thể ngăn chặn rửa tiền, đồng thời đe dọa cấm vận kinh tế. Dù Mossack phủ nhận Niue có liên quan đến rửa tiền, năm 2001, các ngân hàng Mỹ Bank of New York và Chase Manhattan đã cấm chuyển tiền bằng USD tới Niue. Đến năm 2003, chính quyền Niue từ chối gia hạn cấp phép cho 4 công ty do Mossack Fonseca thành lập.
Nhanh nhạy né đòn
Sau khi mất thị trường Niue, Mossack Fonseca khuyến khích các khách hàng đã mở công ty tại đảo này chuyển sang đăng ký thành lập lại tại quốc đảo Samoa gần đó, các tài liệu bị rò rỉ tiết lộ.
Sự nhanh nhạy trong ứng phó với các biện pháp siết chặt quản lý của cơ quan chức năng còn được Mossack Fonseca thể hiện năm 2005, khi British Virgin Islands cấm phát hành cổ phiếu vô danh. Ngay lập tức, mảng kinh doanh trên được Mossack Fonseca chuyển về Panama.
Đây là loại cổ phiếu không ghi tên chủ sở hữu. Người nắm giữ giấy chứng nhận cổ phiếu vô danh của một công ty đồng nghĩa là chủ công ty đó. Cũng vì vậy mà loại cổ phiếu này từ lâu đã bị xem như một công cụ rửa tiền và thực hiện các hành vi phạm pháp khác. Theo BBC, từ năm 1982, Mỹ đã cấm phát hành loại cổ phiếu này do chúng dễ bị các tổ chức tội phạm lợi dụng.
Khả năng nhanh chóng dịch chuyển hoạt động kinh doanh của Mossack Fonseca còn được thể hiện rõ trong việc thành lập các công ty tại đảo Anguilla ở Caribbe. Chỉ trong giai đoạn 2010 – 2011, số lượng công ty mà công ty luật này lập ra tăng hơn gấp đôi. Hiện Anguilla là một trong số 4 vùng tài phán hàng đầu Mossack Fonseca chọn để mở công ty cho khách hàng.
Không dừng lại ở dịch vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp, Mossack Fonseca còn mở rộng hoạt động sang các mảng như đăng ký máy bay riêng và du thuyền cho khách hàng. Đến năm 2006, tài liệu rỏ rỉ cho thấy công ty này cung cấp cả dịch vụ quản lý tài chính cho một số khách hàng, dưới thuật ngữ “quản lý danh mục tùy ý” (người quản lý danh mục có thể tự thực hiện quyết định mua bán mà không cần thông qua chủ tài khoản, miễn là đảm bảo những quy tắc đã được hai bên thỏa thuận trước).
Từ giữa năm 2007 đến giữa năm 2015, mảng quản lý tài sản của Mossack Fonseca, có tên Mossfon Asset Management S.A.,(MAMSA), thực hiện hơn 4.700 giao dịch, với trị giá ít nhất 1,2 tỷ USD.
Hồ sơ cho thấy, MAMSA hợp tác với nhiều ngân hàng như Banca Privada d’Andorra, Deutsche Bank chi nhánh Thụy Sĩ, HSBC, Société Générale, Credit Suisse, UBS, và Commerzbank. Trong một số vụ việc, MAMSA giúp khách hàng của các ngân hàng lập ra những cấu trúc hoạt động phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan thuế và cơ quan điều tra trong quá trình lần theo dòng tiền của những khách hàng này.
Mossack Fonseca đến nay vẫn phủ nhận cáo buộc công ty này cung cấp các dịch vụ được thiết kế để che giấu danh tính của chủ sở hữu. Các ngân hàng bị báo giới nêu tên đều đã lên tiếng phủ nhận sự liên quan hoặc từ chối bình luận.
Hoàng Nguyên
Vì Sao Panama Trở Thành Thiên Đường Trốn Thuế
Cơ chế kiểm soát lỏng lẻo, lịch sử quan hệ với băng đảng của lãnh đạo là hai trong nhiều yếu tố biến Panama thành địa điểm lý tưởng để giới nhà giàu hoặc tội phạm che giấu tài sản hòng trốn thuế hay rửa tiền.
Hồ sơ Panama hé lộ những hoạt động ngầm giúp nhiều người trốn thuế và trong một số trường hợp là rửa tiền. Ảnh minh họa: ICIJ |
Hồ sơ Panama từ khi được công bố tới nay đã tạo nên một cơn địa chấn trên toàn cầu. Mossack Fonseca, công ty đang đứng giữa tâm điểm của cơn chấn động rò rỉ thông tin lớn nhất lịch sử, cho biết trong một văn bản gửi CNN rằng họ có khả năng là nạn nhân của một hành vi xâm phạm dữ liệu bất hợp pháp và những tài liệu bị tiết lộ không cho thấy họ có bất kỳ hoạt động trái phép nào. Tổng thống Panama Juan Carlos Varela trong khi đó khẳng định ông sẽ không khoan dung với tội phạm tài chính.
Vì sao giới nhà giàu lại chọn Panama để làm nơi cất giữ tài sản hay thậm chí rửa tiền? Đó là câu hỏi nhiều người đặt ra sau khi Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) phanh phui những bí mật trong Hồ sơ Panama.
Mối quan hệ với băng đảng
Panama không phải là quốc gia duy nhất mà những người giàu dùng làm nơi cất trữ tiền bạc, của cải nhằm né thuế hoặc rửa tiền, song nó cũng đã nổi tiếng là một “thiên đường trốn thuế” từ cách đây hơn một trăm năm, theo báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Na Uy.
Từ cuối những năm 1920, các giám đốc điều hành ở phố Wall đã giúp Panama xây dựng những luật đặc biệt, cho phép bất kỳ ai cũng có thể đến đây để khởi tạo các doanh nghiệp ẩn danh và không phải chịu thuế. Khoảng 60 năm sau, những đồng tiền bẩn từ hoạt động buôn bán ma túy bắt đầu đổ về quốc gia này.
Theo CNN, chính Manuel Noriega, lãnh đạo Panama trong giai đoạn từ năm 1983 đến 1989, đã giúp băng đảng Medellin khét tiếng của Colombia che giấu số tiền chúng kiếm được từ hoạt động buôn lậu ma túy tại Panama. Băng Medellin có những năm thu về tới 4 tỷ USD nhờ các hoạt động phi pháp.
Dù Noriega sau này bị Mỹ lật đổ nhưng mối quan hệ của ông với các băng đảng đã góp phần khiến Panama nổi lên trở thành một thiên đường rửa tiền cho tội phạm.
Cơ chế thuận lợi
Những luật lệ thiết lập từ những năm 1920 được cải tiến để biến Panama thành một nơi mà các hoạt động rửa tiền diễn ra vô cùng dễ dàng.
Người ta có thể lập công ty nhanh chóng, không cần nộp tờ khai thuế hay kiểm toán. Trong một số trường hợp, danh tính của các chủ sở hữu công ty ở Panama còn được đảm bảo bí mật tuyệt đối, theo InSight Crime, tổ chức chuyên nghiên cứu về tội phạm có tổ chức ở châu Mỹ Latin và Caribbean.
Panama có nhiều ưu đãi thuế khác nhau, ví dụ như một số công ty đặt tại quốc gia này sẽ không phải trả thuế nếu làm ăn với các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng những yêu cầu về khai báo hoạt động ở đây cũng rất lỏng lẻo nếu so với các quốc gia khác.
Panama cho đến tháng hai vừa qua vẫn có tên trong một danh sách quốc tế liệt kê các nước có luật chống rửa tiền yếu. Tuy nhiên, Lực lượng Hành động Tài chính, cơ quan liên chính phủ lập ra danh sách trên, đã tuyên dương Panama vì những tiến bộ trong việc củng cố, thắt chặt luật chống rửa tiền.
Panama được xóa tên khỏi danh sách nhờ đưa ra cam kết sẽ hành động để chống lại mọi hành vi gian lận tài chính. Dù vậy, nước này vẫn nằm trong danh sách đen các thiên đường trốn thuế và những thể chế bất hợp tác của Ủy ban châu Âu.
Trung tâm thương mại quốc tế
Kinh tế Panama hoạt động chủ yếu dựa trên USD, đồng tiền mà hầu hết chính phủ các nước sử dụng trong giao dịch quốc tế và được coi là an toàn nhất thế giới. Hoạt động của các dịch vụ tài chính cũng là những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Kênh đào Panama đã biến nước này trở thành một trung tâm thương mại quốc tế khổng lồ. Nguồn thu từ con kênh chiếm tới 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Panama.
Về mặt địa lý, Panama nằm giáp với các quốc gia có mức độ sản xuất và buôn bán ma túy xếp vào hàng cao nhất thế giới.
Theo một nghiên cứu năm 2014 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chính những nhân tố kể trên đặt Panama trước nguy cơ bị lợi dụng làm nơi rửa tiền và trốn thuế.
“Những tiết lộ từ Hồ sơ Panama đã phơi bày rõ văn hóa cũng như các hoạt động ngầm ở Panama”, Angel Gurria, tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED), hôm 4/4 nhấn mạnh.
Vũ Hoàng
Bị Pháp Liệt Vào Danh Sách Đen, Panama Dọa Trả Đũa
Panama dọa trả đũa sau khi Pháp đưa lại nước Trung Mỹ này vào danh sách đen các nước không hợp tác trong cuộc chiến chống trốn thuế, giữa bê bối Hồ sơ Panama gây chấn động thế giới.
Mossack Fonseca, công ty luật đang là tâm điểm vụ bê bối Hồ sơ Panama. Ảnh: NBCNews |
“Trong trường hợp của Pháp hay bất cứ nước nào liệt Panama vào danh sách đen, chính phủ sẽ phải phân tích tình hình và thực hiện chuỗi biện pháp, trong đó có thể có các biện pháp trả đũa”, Reuters dẫn lời Alvaro Aleman, cố vấn cho Tổng thống Panama Juan Carlos Varela, hôm qua nói.
“Chúng tôi sẽ không cho phép Panama bị các bên thứ ba dùng làm kẻ giơ đầu chịu báng”, ông nói và cho biết thêm rằng tổng thống Panama đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao liên lạc với hàng chục nước liên quan.
Ông cho biết Panama sẵn sàng hợp tác trong bất cứ cuộc điều tra nào bắt nguồn từ vụ rò rỉ, nhưng nhấn mạnh chưa có công ty Panama nào được xác định phạm tội.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin hộm qua cho biết nước này sẽ đưa Panama trở lại danh sách các nước không hợp tác trong nỗ lực chống trốn thuế. “Pháp vừa quyết định đưa Panama trở lại danh sách các nước không hợp tác, với tất cả hậu quả sẽ đến với những người có giao dịch” với quốc gia Trung Mỹ, ông Sapin nói với quốc hội.
Pháp xóa Panama khỏi danh sách Các Quốc gia và vùng Lãnh thổ Không Hợp tác (ETNC) năm 2012, sau khi hai nước đạt được thỏa thuận song phương trong cuộc chiến với những kẻ trốn thuế.
Ngày 3/4, khoảng 11,5 triệu tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị rò rỉ, hé lộ mạng lưới công ty “ma” khổng lồ trên thế giới. Chúng được cho là lập ra để giúp người giàu né thuế và trong một số trường hợp là rửa tiền. Nhiều công ty được đề cập có liên quan đến thân tín của các chính khách và người nổi tiếng trên thế giới.
Vụ bê bối gian lận thuế liên quan đến tài liệu mật bị phanh phui đã gây chấn động toàn cầu. Ít nhất hai quan chức cấp cao đã phải từ chức vì bị nêu tên trong Hồ sơ Panama, gồm Gonzalo Delaveu, chủ tịch tổ chức Minh bạch Quốc tế chi nhánh Chile, và Sigmundur David Gunnlaugsson, Thủ tướng Iceland.
Trọng Giáp