Đầu tuần này giới hữu trách Trung Quốc đã nhanh chóng hành động để ngăn chận việc bàn bạc về Hồ Sơ Panama và những thông tin về việc sử dụng “cảng tránh thuế” của những người trong gia đình của ít nhất 8 người đang là hoặc từng là Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị. Nhưng những sự phanh phui do Hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đưa ra vẫn tiếp tục.
Hôm thứ tư, ICIJ cho biết trong số những người thân thuộc của các nhà lãnh đạo Trung Quốc làm chủ công ty vỏ bọc ở hải ngoại có ông Đặng Gia Quí – anh rể của Chủ tịch Tập Cận Bình; ông Lý Thánh Bát – con rể của Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Trương Cao Lệ; ông Tăng Khánh Hoài, em của cựu Phó Chủ tịch Tăng Khánh Hồng; và bà Lý Tiểu Lâm, con gái của cựu Thủ tướng Lý Bằng.
Số của cải khổng lồ mà gia đình của những đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc tích luỹ là một mối quan tâm lớn ở Trung Quốc trong nhiều năm nay, nhưng nó cũng là một đề tài mà sự thảo luận bị kiểm soát hết sức nghiêm nhặt.
Trong lúc hầu hết các cơ quan truyền thông Trung Quốc im tiếng về vụ Hồ Sơ Panama, tờ Hoàn cầu Thời báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc đầu tuần này đã cho đăng một bài bình luận bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh trong đó nói rằng vụ rò rỉ hồ sơ qui mô lớn này nhắm mục tiêu vào các nhà lãnh đạo của các nước không thuộc phe phương Tây.
Theo những hồ sơ mà ICIJ có được, ông Đặng Gia Quí đã trở thành giám đốc và cổ đông duy nhất của một công ty vỏ bọc ở hải ngoại vào năm 2004 và hai công ty nữa vào năm 2009. ICIJ cho biết tới khi ông Tập Cận Bình lên làm chủ tịch nước vào năm 2013, các công ty đó đã ngưng hoạt động.
Ông Đặng Gia Quí và bà Lý Tiểu Lâm đã được nói tới trong những văn kiện mà ICIJ đã phổ biến trước đây về những tài khoản hải ngoại.
Hồi đầu tuần này, khi được hỏi về những thông tin đó, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng ông không có bình luận nào cả.
Trong vài năm qua Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng ‘đả hổ diệt ruồi’
Trong vài năm qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng với qui mô lớn và đã cho phổ biến rộng rãi trên các cơ quan truyền thông về một số những vụ truy tố để tìm cách chứng tỏ là đảng Cộng Sản Trung Quốc có quyết tâm bài trừ tham nhũng. Tuy nhiên, giới hữu trách cũng kiểm duyệt một cách hết sức gắt gao những bài tường thuật của truyền thông nước ngoài về những hoạt động đầu tư ở ngoại quốc và số của cải của các giới chức cấp cao và thân nhân của họ.
Trong một chương trình hội thoại trực tuyến của ban Hoa Ngữ đài VOA hôm thứ tư, một thính giả họ Bành nói “Điều đáng buồn nhất là thái độ của chính phủ Trung Quốc. Họ tìm cách che giấu, ngăn chận tin tức, để đạt mục tiêu gọi là ‘duy trì ổn định.’ Chiến dịch chống tham nhũng của họ là giả vì tham nhũng là một vấn đề cơ chế. Các quan chức trong chế độ này không thể sống sót mà không tham nhũng.”
Kinh tế gia Hà Thanh Liên, một trong những người chủ trì cuộc hội thoại, cho biết ở Trung Quốc việc sở hữu tài khoản hải ngoại không phài là bất hợp pháp. Bà nói rằng “Trung Quốc chỉ quan tâm tới vấn đề là nguồn gốc của số tiền bạc đó có hợp pháp hay không.” Bà nói thêm rằng “Những gì mà Hồ Sơ Panama tiết lộ chỉ là phần nổi của một tảng băng.”
Bỏ tiền vào tài khoản hải ngoại không nhất thiết là bất hợp pháp và có thể được dùng để thiết lập những nơi giúp giảm bớt gánh nặng thuế khoá một cách hợp pháp hoặc tạo điều kiện dễ dàng cho những vụ giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, báo cáo của ICIJ nói rằng những văn kiện bị rò rỉ cho thấy các ngân hàng, các công ty luật và những người khác hoạt động trong lãnh vực này thường không tuân hành những qui định pháp luật để bảo đảm là thân chủ của họ không dính líu tới các hoạt động phi pháp, trốn thuế hay tham nhũng.
VOA