Ngày thứ ba 23 tháng 6, năm 2015, Thị Trưởng Paris, Anne Hidalgo, đã long trọng tuyên bố ghi danh Thành Phố Paris, Thủ đô Cộng Hòa Pháp, ứng cử tổ chức Thế Vận Hội thứ XXXIII vào năm 2024 (sau hai lần thất bại liên tiếp năm 2008 và 2012), Paris thèm tổ chức Thế Vận Hội lắm, dù phải tốn kém bao nhiêu cũng mặc, chỉ vì hậu duệ của Bá Tước de Coubertin thôi !
Chỉ còn đúng 3 tháng nữa, tháng tám năm 2016 nầy, từ ngày 5 đến ngày 21, Thế Vận Hội Mùa Hè thứ XXXI sẽ diễn ra tại Rio de Janeiro, Ba Tây – Brazil. Thế Vận Thứ 31vẫn được gọi là Thế Vận Hội của Kỷ Nguyên Mới – Les Jeux de la XXXIème Olympiades des Temps Modernes.
Kỷ Nguyên Mới ? Vì thuở xa xưa, của thời Hy Lạp cổ điển đã có truyền thống của những cuộc thi tài thể thao, thể lực, để tri ơn các vị thần của ngọn núi Olympes – ngọn núi theo truyền thuyết Hy Lạp là nơi các vị thần sanh sống. Nếu thuyết Tàu, có Luận Kiếm Hoa Sơn, thì Hy Lạp có thi tài thể thao, thi đua thể lực bằng Luận Võ Thuật Olympes Sơn vậy ! (Đây là lời bàn kiểu Mao Tôn Cương của người viết, mong quý thân hữu thông cảm tha thứ. Muôn vàn đa tạ).
Bá tước Pierre de Coubertin có tên cúng cơm là Charles Fredy de Coubertin, sanh ngày 1 tháng Giêng năm 1863 tại Paris, Pháp, mất ngày 2 tháng 09 tại Genève, Thụy Sĩ là một nhà sử học, và cùng là một nhà giáo người Pháp. Ông rất ảnh hưởng nền giáo dục anh mỹ – anglo saxonne, nên cổ võ đem thể thao và thể dục nhập vào chương trình học đường. Do đó, ông là một trong những nhà giáo dục đã đóng góp, vận động, chủ trương đem thể dục thể thao vào chương trình giáo dục Pháp ngay vào cuối thế kỷ thứ 19. Ông là một trong những nhà tiên phuông canh tân cải cách tổ chức cuộc thi tài thể dục thể thao gọi thế vận Olympes – Les jeux olympiques – của kỷ nguyên mới, năm 1894. Đồng thời ông cũng là nhà sáng lập cũng giữ chức Chủ tịch từ năm 1896 đến năm 1925 của Ủy ban Quốc tế Thế vận Hội – le Comité international olympique.
Dĩ nhiên, những đóng góp của ông vào chương trình giáo dục Pháp, thời bây giờ, cũng tạo nhiều « đụng chạm » với các các chánh trị gia chuyên ngành Giáo dục của chế độ Đệ Tam Cộng Hòa Pháp cũng đã và muốn đem môn thể dục –gymnastique và môn giáo dục thân thể – éducation physique vào chương trình học đường.
Do đó, chúng ta, hãy tưởng tượng cái công « đội đá vá trời » của Bá Tước Coubertin khi ông phải gánh vác việc kêu gọi và điều khiển chương trình tổ chức Thế Vận Hội vào cuối thế kỷ thứ 19 ấy. Ông luôn luôn cổ võ, lý luận rằng thể dục, thể thao không những tạo sức khỏe cho thân thể mà còn bổ dưỡng đầu óc, vững mạnh tinh thần – Men Sana in Corpore Sano -Một Bộ Óc Vững Mạnh trong một Thân Thể Cường Tráng ! Ông còn khuyến khích thêm rằng Thể Thao sẽ tạo ra tinh thần tương thân tương ái hòa đồng và nghĩa khí thật thà, chơi ngon chơi thật – fair play !
Nhìn gương sáng của Coubertin với Thế Vận Hội Thể Thao, chúng ta chớ nãn chí với những công trình đồ sộ như « vác ngà voi, đội đá vá trời » với tiến trình Dân Chủ, với nền Tự Do và Độc Lập Việt Nam đối với Trung Cộng. Khó khăn thế nào, với quyết tâm và kiên trì có ngày chúng ta sẽ thành công. Việt Nam sẽ Độc Lập Tự Do Dân Chủ như ngày nay, 4 năm một lần Thế Vận Hội được tổ chức thành công trên thế giới. Thế Vận Hội chỉ là trò chơi, không có sự sống còn dân tộc, thế mà thành công được. Chế độ Dân Chủ, chủ quyền Tự Do Độc Lập là sự sống còn của một dân tộc thì chắc chắn sẽ đi đến Thành Công !
Dĩ nhiên, ông « đụng chạm » rất nhiều ! Thời kỳ ấy, dư luận xem thể dục thể thao chỉ là « chuyện đùa, giải trí của kẻ ăn không ngồi không, nhàn rỗi, dư tiền, dư giờ, dư bạc, chơi cho vui ! » và còn tệ hại hơn nữa là chỉ làm hại « sự thông thái– le savoir và sự tri thức – l’intellect » ! Do đó, việc kêu gọi, vận động tổ chức một Thế Vận Hội diễn ra trong một bầu không khí thờ ơ, trầm lặng có nơi gặp cả một sự kháng cự. Pierre nhìn nhận vài năm sau rằng lúc ấy ông đang làm một « giấc mơ không tưởng- un rêve et une chimère » ! Thế nhưng, mặc những khó khăn, mặc những rào cản, ông quyết tâm ngày đêm, bỏ công bỏ sức, bỏ tiền bạc, bỏ của cải, ra nhứt định hoàn thành mộtThế Vận theo mẫu Thế Vận Hy Lạp thời xa xưa ! Ông không hành động cho cá nhơn ông, ông nhìn về tương lai, về nhơn loại, vì ông xác tín rằng thể dục thể thao sẽ mang lại những giá trị như cái thiện, cái tốt, tình hữu nghị, sự cung kính tôn trọng lẫn nhau. Với sự tự tin ấy, với quyết tâm, chẳng chốc ông nhận được những cảm tình và hỗ trợ của rất nhiều nhóm người đồng suy nghĩ như ông. Trong một thời gian ngắn, tất cả họp lại thành những sáng lập viên của Ủy Ban Thế Vận năm 1894. « Hai năm sau, 1896 Athène, thủ đô Hy Lạp, quốc gia mẹ của Thế vận Hội, rước Thế Vận Hội đấu tiên của kỷ nguyên mới ! ».
1. Pierre de Coubertin và Thế Vận Hội của Kỷ Nguyên Mới
Pierre, suốt thời niên thiếu bị ám ảnh bởi Văn minh Hy Lạp cổ. Năm 12 tuôi, được may mắn học ở một trường Trung học bên Anh Quốc, nơi mà môn thể thao được tôn trọng giảng dạy. Ảnh hưởng không khí học đường Anh Quốc, ông có ý nghĩ phải cải tiến hệ thống giáo dục Pháp. Để thực hiện những ý nghĩ của mình, năm 1888, ông tổ chức, sáng lập một Ủy ban Truyền bá đem thể dục vào phương pháp giáo dục Pháp. Ông khôn khéo mời một chánh trị gia làm Chủ tịch, một cựu Tổng trưởng Giáo Dục, cựu Thủ tướng Jules Simon. Năm sau, Pierre de Coubertin rời Ủy Ban để nhận chức Tổng Thư ký của Liên Hội Pháp Thể duc Thể thao – Union des sociétés françaises de sports athlétiques (USFSA) vừa được thành lập ngày 31 tháng Giêng năm 1889. Từ nay, Pierre thật sự xông vào việc truyền bá Thể dục đi vào học đường, dù phải gặp nhiều chống đối. Một thí dụ, nhà Hàn lâm Maurice Barrès, của Hàn lâm Viện khả kính Pháp đã thốt câu « xanh dờn » : « Thể thao chỉ tạo những tên ngốc, những tên đau tim, những tên tật nguyền và những tên vũ phu – Le sport fait des ignares, des cardiaques, des éclopés et des brutes ». Nhiều Tổng Bộ Trường các Bộ Giáo dục Pháp về sau tiếp tục, sử dụng, hay áp dụng, chương trình, phương pháp, lời khuyên của Bá Tước Pierre de Coubertin nhưng hoàn toàn không bao giờ nói đến tên ông.
Để phong trào Thể dục Thể Thao phát triển, thịnh hành, phổ biến rộng Pierre de Courbertin nghĩ rằng phải thế giới hóa, toàn cầu hóa, tóm lại quốc tế hóa. Phải « tái tổ chức một thế vận hy lạp » ! Không riêng Coubertin nghĩ đến đâu ? Cũng có vài nhơn vật cùng nghĩ như Coubertin. Bác sĩ William Penny Brookes là một. Đầu năm 1850, tổ chức một Olympian Society – Hội Thế Vận, tại Much Wenlock (Anh Quốc) mở một cuộc tranh tài Thể dục hằng năm gọi là Olympian Games khá thành công. Được mời đến để trồng một Cây Sồi – Chêne kỷ niệm, tháng 10 năm 1890, Pierre đã viết ; « Nếu có một Thế Vận hy lạp-olympique mà một nước Hy lạp mới chưa đủ sức tổ chức được, nhưng vẫn tiếp tục tồn tại và có mặt hôm nay ở đây, việc ấy không phải công trình của một người dân Hy lạp, mà chính là do Bác sĩ W.P. Brookes – Si les Jeux olympiques que la Grèce moderne n’a pas encore été en mesure de faire revivre, survivent aujourd’hui ici, ils le doivent non à un Grec, mais au Dr W.P.Brookes».
Coubertin, mạnh bạo hơn, trong một buổi họp quan trọng của UAFSA, tại sảnh đường Đại Học Sorbonne, ngày 25 tháng 11 năm 1892, đã long trọng kêu gọi trong một bài diễn văn « Tái Tố chức một Thế Vận Hội Quốc Tế ». Dĩ nhiên gặp ngay nhiều phản kháng. Nhưng may quá, được ba quốc gia ủng hộ : Thụy Điển, New Zealand và …Jamaïca ! Pháp và Anh Quốc làm lơ ! Có cón hơn không. Coubertin, không nãn chí, trái lại, ông bỏ thêm thời gian, suốt hai năm trời, du lịch thuyết pháp, những cá nhơn, các chánh trị gia và những ai có ưu tư về sức khỏe cộng đồng, thể thao cộng đồng. Năm 1894, vẫn nhơn danh UAFSA, ông tổ chức một hội nghị quốc tế để Phục hồi Thể thao, cũng tại Sảnh đường Đại Học Sorbonne, Paris, Pháp từ ngày 16 đến ngày 23 tháng 6. Ngày 23 tháng 6, trước 2000 tham dự viên, đại diện 20 quốc gia, Thế Vận Hội Olympiques được toàn thể Hội nghị chấp thuận và từ nay mỗi cứ 4 năm một lần, một Thế Vận Hội sẽ được tổ chức.
Coubertin đề nghị Paris sẽ là Thủ đô Quốc gia đầu tiên tổ chức vào năm 1900, lý do kẹt Triển Lãm Quốc Tế Paris 1898. Nhưng cuối cùng, Hội nghị bỏ phiếu quyết định theo đề nghị của Dimitrios Vikélas, người Chủ tịch tương lai của CIO. Để biểu tượng, Thế Vận Hôi 1 của kỷ nguyên mới, được tổ chức tại Athènes, Hy lạp, cái nôi của Thế Vận, năm 1896 !
2. Hy Lạp những Năm Thế Vận Hội
Dĩ nhiên, tin quyết định bất ngờ vào giờ chót nầy tạo một niềm phấn khởi cho dân chúng Hy Lạp. Ngay khi về đến quê nhà, Dimitrios Vikélas – (dân Hy Lạp dĩ nhiên !) – viết một bức thơ cám ơn Pierre de Coubertin và bắt đầu bằng: « Từ ngay biên giới quê nhà, các đồng hương tôi đều nói và chỉ nói đến Thế Vận Hội…. » Toàn bộ báo chí truyền thông Hy Lạp, hãnh diện không tiếc lời ca tụng việc tổ chức Thế Vận Hội nầy.
Thế nhưng, phía các nhà chánh trị, rất nhiều do dự, cả chống đối ! Thủ tướng đương quyền Charilaos Trikoupis ra mặt chống hẳn ! Lý do là kinh tế tài chánh. Lý do là tiền đâu ? Chi phí nhiều nhưng có ai xem ? Ai chi đây ? Thêm vào đó tháng 12, năm 1893, Hy Lạp tuyên bố nền kinh tế quốc gia kiệt quệ, nợ quốc gia gần 90% Tổng Sản Lượng. (Từ đó Hy Lạp có hẳn thói quen xập tiệm !). Trong trường hợp nầy, ông Thủ tướng càng chống hẳn ! Kinh tế ? Chưa đủ, còn nhiều lý do chánh trị nữa : những phung phí tiền bạc, trong lúc nước Hy lạp đang cần phải tỏ ra với các chủ nợ rằng mình đang cần kiệm ! Thế nhưng, đối với nhóm đối lập (ông Thủ Tướng), đây là dịp để chứng minh Hy lạp là một quốc gia có một sức mạnh đoàn kết, có tương lai ! Tổ chức một Thế vận Hội Quốc tế sẽ làm rạng rỡ nước Hy Lạp ! Và …cải vã ! Và thương thuyết ! Chống chống, thuận thuận … (Ychang thế kỷ 21 !).Và Mùa Thu 1894 : Khủng hoảng chánh trị ! Hy Lạp bế tắc ! Tripoukis đòi từ chức, Ủy Ban Zappeion, Ủy Ban tổ chức Thế Vận Hội giải tán.
Trước những bế tắc đó, tháng 11, Pierre de Coubertin phải tức tốc lên tàu ở Marseille, trực chỉ Athènes. Đây là lần đầu tiên Pierre đến Hy Lạp – Đối với Hy lạp, Pierre chỉ biết Hy Lạp trong sách vỡ ! – Và việc làm ngay bây giờ là phải làm sao tổ chức Thế Vận Hôi đây ! Ngay khi vừa đặt chơn đến Hy lạp, anh Phó Lãnh sự Pháp tại Athènes, Lucien Maurouard đã cảnh cáo ngay với Pierre rằng Pierre đang bị dân Hy Lạp xem như người trách nhiệm làm khủng hoảng nền chánh trị kinh tế Hy Lạp.
Sau khi gặp Thủ Tướng Trikoupis và tiếp tục bị từ chối. Pierre de Coubertin bèn xin yết kiến Hoàng gia. Vua vắng mặt, Pierre xin gặp Thái tử Constantin. Thái tử, trẻ, thích thề thao, ủng hộ Pierre ngay, chấp nhận gia nhập Ủy ban Thế Vận Hy Lạp tương lại. Pierre mời thêm Georges Mélas, con trai Thị trưởng Athènes, Georges Mercati, con trai Chủ tịch Ngân Hàng Hy Lạp. Ngày 16 tháng 11, Coubertin tổ chức một buổi nói chuyện tại Hiệp Hội Văn Chương Parnasse. Phòng đông đầy người. Tuy gặp vài phản kháng, thế nhưng, Bá tước Coubertin đã thành công. Từ đấy, tạo được một luồng dư luận lớn cho Thế vận Hội tại Athènes. Đầu năm 1895, Thủ tướng Trikoupis từ chức. Những bế tắc thoát qua ! Nay chỉ còn vấn đề tiền thôi !
Tiền:
Vikélas, và Thái tử Constantin cùng đứng ra sáng lập Ủy ban Quốc gia Thế vận Hy Lạp ngày 13 tháng 6 năm 1895. Đây là Ủy ban Thế Vận Quốc gia đầu tiên ! Và bổn phận dấu tiên cũng là bổn phận Tiền Đâu ! May quá ! Cộng đồng Hy Lạp Hải ngoại ủng hộ mạnh mẻ với 330 ngàn drachmes – hy lạp tệ thời ấy. Một bộ tem cò được in ra kỷ niệm Thế Vận đem lại 400 ngàn drachmes. Vé bán trước 200 ngàn. Tiền tới tấp từ ủng hộ của Hoàng Gia, của các nhà giàu, các thị xã, các nhà thờ,…Tỷ phú Georges Averoff biếu toàn bộ tiền kiến trúc xây Sân Vận động Thế Vận trị giá 920 ngàn tiền hy lạp. Nhờ vậy tổ chức Thế Vận Hội số 1cân bằng kết toán.
3. Thế Vận Hội Athènes 1896
Ngày 6 tháng 4, năm 1896, lễ khai mạc được Vua Georges Đệ Nhứt Hy Lạp chủ tọa, trong một Vận động Trường đặc biệt do kiến trúc sư Ernst Ziller thiết kế, với tiền của mạnh thường quân Georges Averoff. Vận động Trường kiến trúc kiểu Hy Lạp xưa, hình móng ngựa, dài 236 thước, với hai vòng xoay và chứa được 69 ngàn người. Nơi ấy sẽ diễn tất cả những thi tài điền kinh, đô vật, cử tạ và thể dục. 245 lực sĩ đại diện 14 quốc gia (không có Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ chỉ có Huê Kỳ và Chili-Chí Lợi). 43 môn thi đấu : điền kinh, đô vật, cử tạ, thể dục, bơi lội, bắn súng, xe đạp, quần vợt và đánh kiếm. Điền kinh chạy 100 thước, 400 thước, 800 thước, 1500 thước, 110 thước rào, nhảy cao, nhảy xa, nhảy sào, nhảy ba bước, ném tạ và …marathon. Marathon do một giáo sư người Pháp dạy Hy Lạp cổ ngữ, của Collège de France, Paris, Pháp yêu cầu với Pierre năm 1894 khi hay tin Pierre có ý định tái lập Thế Vận. Đua xe đạp: đua tốc lực một vòng, đua 2 ngàn thước, 10 ngàn thước, 100 cây số, 12 giờ và đua trên đường trường. Bơi lội: 100 thước, 500 thước, 1 ngàn thước bơi tự do. Đánh kiếm, đánh kiếm fleuret, đánh kiếm sabre. Nhiều nhà cổ học hy lạp bất mãn vì toàn những « nghề thể thao mới: như xe đạp, tennis-quần vợt, hay cả bơi lội » Nhưng Marathon cứu tất cả, đặc biệt khi anh chăn trừu Hy Lạp Spyridon đại thắng cuộc chạy việt dã, 42 cây số, biểu tượng của hy lạp nầy ! Thái tử Constatin, nhảy xuống khán đài chạy cặp những bước cuối cùng, bên cạnh bên anh lực sĩ thắng cuộc, để cả Hoàng gia và quần chúng hoan hô vỗ tay ! Thời ấy phái nữ không được tham dự. Bá tước de Coubertin, chống hẳn sự có mặt của phái nữ. Ông nói rõ : « Không thực tế, không hấp dẫn, không thẩm mỹ và, cũng không ngần ngại nói thẳng, không đàng hoàng, đó có lẽ là ý kiến của chúng tôi về cái bán thế vận nữ – Impratique, inintéressante, inesthétique et, ne craignons pas de le dire, incorrecte, telle serait à notre avis cette demi-olympiade féminine.»
Kết Luận:
Năm 2012, Thế Vận Hội XXX tại London, Anh Quốc, 204 phái đoàn, với 10 490 lực sĩ tham dự 302 cuộc thi tài khác nhau của 26 bộ môn thể dục thể thao điền kinh (47 điền kinh, 46 bơi lội, 18 xe đạp, 18 cho thể dục) Tất cả mọi phái đoàn đều có lực sĩ nữ tham dự. Từ nay có cả lực sĩ nhà nghề. Tổng số chi phí tổ chức là 11 Tỷ euros.
Một trời một vực với 150 ngàn drachmes của thời Thế Vận Hội 1 năm 1896 ở Athènes.
Lá cờ với năm vòng ngũ sắc : tượng trưng cho Năm Châu được Tiệm Đại Tạp Hóa « Au Bon Marché », Paris, Pháp đề nghị với Tổng Thống Pháp Raymond Poincaré tháng 06 năm 1914. Và từ đó được CIO chấp thuận.
À Bientôt à Rio – Xin hẹn nhau ở Thế Vận Hội XXXI ở Rio.
Hồi Nhơn Sơn, đầu tháng Năm 2016
TS Phan Văn Song