Người biểu tình tập hợp ở Công viên 30/4 ở trung tâm Sài Gòn.
Hàng trăm người dân ở Sài Gòn, Hà Nội và Nha Trang, Khánh Hòa, hôm nay, 8/5, tiếp tục xuống đường để phản đối sự thiếu minh bạch của chính quyền trong thảm họa cá chết ở nhiều tỉnh miền Trung và công ty Formosa của Đài Loan.
Các hình ảnh và video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy những người biểu tình cầm các biểu ngữ như “Yêu cầu minh bạch thông tin Formosa”, “Biển sạch, chính quyền sạch!”, “Vì cá, vì nước, cả nước xuống đường” hay “Trả cho tôi cá và biển sạch”.
Có tin nói rằng một số nhà hoạt động xã hội ở trong nước đã bị ngăn cản, không được phép rời khỏi nhà, và một số người đã bị bắt. VOA Việt Ngữ không thể kiểm chứng độc lập các tin tức này.
Một số bức ảnh được cho là chụp trong đồn công an quận Long Biên ở Hà Nội cho thấy khoảng hơn 30 người biểu tình đã được đưa về đây.
Trong khi đó ở Sài Gòn, có một số chiếc xe buýt lớn cũng đã được đưa tới gần nơi người phản đối tập hợp, và một số người đã bị giải lên đó rồi bị đưa đi.
Qua một số bức ảnh, có thể thấy lực lượng công an và an ninh mặc thường phục xuất hiện dày đặc trên một số con đường gần Nhà Hát Lớn ở Hà Nội, một trong các địa điểm tập hợp của người biểu tình, cũng như ở trung tâm TP HCM.
Hai ngày trước, hôm 6/5, tờ Quân đội Nhân dân, tiếng nói của Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã đăng tải một bài xã luận với tựa đề “không được lợi dụng sự cố môi trường để xuyên tạc, kích động, gây rối”.
Trong khi đó, trên Facebook cá nhân, nhà báo tự do Đoan Trang viết: “Ta hãy nhớ: Nhà nước công an trị mang tên CHXHCN Việt Nam có thể đặc biệt lúng túng trong việc xử lý các sự kiện có tính chất thảm họa, đe dọa cuộc sống của người dân. Nhưng họ là bậc thầy trong việc trấn áp đối lập, tiêu diệt “phản động”. Suy cho cùng, đàn áp dân chúng dễ hơn nhiều và có thừa nguồn lực so với điều hành, quản trị đất nước”.
Trong khi đó, hôm 7/5, tại California, Mỹ, và Sydney, Australia, nhiều người gốc Việt cũng đã xuống đường tuần hành để “đồng hành với người biểu tình ở trong nước vì Một môi trường xanh”.
Các cuộc tuần hành diễn ra một tuần sau khi hàng trăm người đổ ra đường phố ở Hà Nội và TP HCM để phản đối sự phản ứng chậm chạp của chính quyền cũng như cáo buộc công ty thép Formosa của Đài Loan gây ra thảm họa, dù chính quyền trong nước chưa phát hiện ra bằng chứng.
Chưa có kết luận cuối cùng
Sau nhiều tuần xảy ra cá chết hàng loạt, Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho thảm họa ảnh hưởng tới nhiều ngư dân ở miền Trung.
Hôm 7/5, một trong các chuyên gia nước ngoài đang điều tra vụ cá chết ở Việt Nam, Giáo sư Yoshihiko Yamada, thuộc Đại học Tokai, Nhật Bản, được kênh truyền hình nhà nước, VTV1, dẫn lời nói rằng có thể sẽ phải cần tới một năm để đưa ra kết luận cuối cùng về thảm họa môi trường này.
Hình ảnh biểu tình ngày 8/5
Ông cho rằng Việt Nam “phải tìm cho ra nguyên nhân vì sao lại để xảy ra hậu quả quá lớn như vậy”.
Trước đó, Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở khu vực Đông Nam Á hôm thứ Năm đã bày tỏ lo ngại về việc xử lý các cuộc biểu tình nổ ra sau vụ cá chết, và kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng quyền tự do tập hợp, phù hợp với luật quốc tế.
Hôm 2/5, báo chí Việt Nam loan tin, hai người, bị cáo buộc “là thành viên của các tổ chức như Con Đường Việt Nam và Việt Tân”, bị bắt rồi sau đó được thả nhiều tiếng đồng hồ.
Về cáo buộc này, ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân, nói với VOA Việt Ngữ trong tuần rằng việc hai người bị bắt tham gia tuần hành là “thể hiện quyền và nguyện vọng của họ”.
VOA Tiếng Việt