Không phải ngẫu nhiên mà đến chợ Bến Thành (Sài Gòn), người ta sẽ dễ dàng bắt gặp rất nhiều du khách nước ngoài đến đây “tham quan”, mua sắm. Tất cả đều có lý do, và lý do ấy có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên.
Lớn lên ở phố cổ, quá thân thuộc với văn hoá chợ Đồng Xuân (Hà Nội), thấy mọi người cứ hay so sánh Hà Nội có chợ Đồng Xuân, thì Sài Gòn có chợ Bến Thành, tôi đã không mặn mà gì lắm với việc thăm thú ngôi chợ này một lần cho biết, bởi nghĩ “nó cũng có khác gì chợ Đồng Xuân” đâu? Vậy mà lần đầu tiên đặt chân vào chợ Bến Thành, ở một thành phố nhộn nhịp như Sài Gòn, tôi cứ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Những người bán hàng “kỳ lạ”
Cũng như chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành thanh lịch rất lâu đời, trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành.
Khu chợ ngay đó cũng có một cái tên tương tự. Nhìn từ bên ngoài, chợ Bến Thành cũng có nhiều nét tuơng đồng so với chợ Đồng Xuân bởi cả hai ngôi chợ đều có ảnh hưởng nhiều từ kiến trúc của Pháp.
Chợ Bến Thành
Ngay từ khi bước vào cổng chợ, tôi quan sát thấy có rất nhiều khách du lịch nước ngoài ghé thăm, nhiều hơn hẳn chợ Đồng Xuân và đặc biệt hơn, những lời chào mời của những người bán hàng tại đây đã khiến tôi cảm thấy vô cùng thú vị.
Từ anh bán đồng hồ, cô bán vải, hay em gái bán chè, bánh, mứt… đều có thể nói rành rẽ đến mấy thứ tiếng. Chỉ cần thấy một vị khách nước nào đi qua, họ sẽ gọi và chào mời bằng đúng thứ tiếng nước đó (Anh, Pháp, Nhật, Trung, Thái…).
Hẳn nhiên họ không thể đọc thông viết thạo tất cả những ngôn ngữ này một cách chuyên môn, bài bản, nhưng chỉ riêng việc họ có thể chào mời, trả giá và thậm chí là nói chuyện xã giao với khách hàng bằng đúng thứ tiếng của khách thôi cũng đủ để tôi kính nể và thầm thán phục.
Chợ Bến Thành thu hút một lượng du khách nước ngoài rất lớn
Để kiểm chứng “trình độ ngoại ngữ” của họ, tôi vội ghé vào một tiệm bán giày dép, nơi có một anh chủ tiệm đang có vẻ rất bận rộn vì đông khách. Vốn cũng biết đôi chút tiếng Trung, tôi vờ làm một người khách Trung Hoa muốn hỏi mua giày. Thật thú vị, anh chủ tiệm đang liến thoắng chào mời các vị khách người Thái bằng tiếng Thái, vội quay sang hỏi tôi không chút ngập ngừng: “Anh muốn mua loại nào?” (bằng tiếng Trung). Quả thực lúc đó tôi không còn nhịn được cười nữa, đành hỏi chuyện anh ta bằng tiếng Việt. Anh còn rất trẻ, và những câu chuyện được nói bằng nhiều thứ tiếng của anh còn cho thấy anh là một người trẻ rất năng động nữa.
Tôi vừa chọn một đôi giầy ưng ý, vừa hỏi thăm: “Những người bán hàng ở đây đều có khả năng nói nhiều ngoại ngữ như anh à?”. Anh cười: “Chuyện bình thường ở chợ mà, ngày nào cũng phải bán hàng cho hết Tây, đến Tàu, rồi cả Nhật, Hàn, thỉnh thoảng có một hai ông Thái Lan nữa… Dân bán hàng, không cố mà học tiếng người ta thì bán cho ai?”… Và anh tiếp: “Hỏi tui nói giỏi tiếng gì hả? Tiếng ‘tùm lum’, ‘tá lả’, tiếng gì cũng biết hà…”. (anh cười lớn).
Trong lúc đang đi ngắm các gian hàng, tôi chợt giật mình bởi tiếng chào hàng bằng tiếng Pháp khá chuẩn của cậu bán hàng trẻ này với du khách.
Hầu hết những người bán hàng tại chợ Bến Thành đều biết ngoại ngữ giao tiếp với du khách.
…Chợt nhớ chợ Đồng Xuân
Ngày còn ở Hà Nội, nhớ mỗi khi có việc phải đi chợ Đồng Xuân, tôi rất lấy làm ái ngại. Bởi chỉ cần đặt chân đến cổng chợ thôi, tôi đã bị cả đội quân đánh giày, kẹo cao su và thậm chí cả trà nóng thuốc lào ùa vào “thăm hỏi”. Cũng may về sau này, tình hình an ninh, trật tự ở chợ cũng đã khá hơn nhiều. Nhưng những hình ảnh buôn bán không đẹp ở chợ Đồng Xuân thì vẫn xuất hiện mỗi ngày khiến khách hàng như tôi phải ít nhiều ái ngại.
Thật dễ dàng nhận thấy một điểm khác biệt rất rõ ràng giữa những người bán hàng tại chợ Đồng Xuân với chợ Bến Thành. Đó là cung cách phục vụ khách hàng. Nếu như những người bán hàng ở chợ Bến Thành luôn vui vẻ chào mời, cố gắng học thêm nhiều ngôn ngữ để dễ dàng giao tiếp mọi đối tượng khách hàng, vẫn giữ thái độ thân thiện, hòa nhã dù khách hàng chỉ ghé vào hàng của mình xem, rồi đi… Thì tại chợ Đồng Xuân hoàn toàn ngược lại.
Nếu bạn vào bất kỳ một gian hàng nào trong chợ Đồng Xuân, người bán hàng ban đầu cũng vui vẻ chào đón, thậm chí là đon đả đến thái quá. Tuy nhiên khi thấy bạn có vẻ không muốn mua, hay chê bai những món hàng của họ, thì ngay lập tức thái độ vui vẻ vừa rồi đã vội nhường chỗ cho sự chanh chua, cáu gắt, thậm chí chửi bới. Và sẽ là tệ hại hơn nữa nếu bạn ghé đúng vào gian hàng nào chưa mở hàng, họ sẽ dùng đủ mọi ngôn ngữ để rủa xả bạn, sau đó sẽ là màn xé báo đốt vía không chút thiện cảm gì.
Việc một người bán hàng có thể thông thạo nhiều ngoại ngữ để giao tiếp với khách nước ngoài tại chợ Đồng Xuân dường như là vô cùng hiếm hoi. Tôi đã từng chứng kiến không ít cảnh các bạn Tây phải dùng đến “tiếng tay” (body language) để diễn đạt sản phẩm mình cần, và tất nhiên là hiện tượng “ông nói gà, bà hiểu vịt” sẽ dễ dàng xảy ra trong hoàn cảnh đó.
Không cần biết văn hoá chợ nào hay ho hơn chợ nào, chỉ riêng việc so sánh lưu lượng khách du lịch nước ngoài đến thăm 2 khu chợ sẽ biết đâu lợi, đâu thiệt? Việc người bán biết lắng nghe, giao lưu với khách hàng bằng chính ngôn ngữ của họ, sẽ khiến khách hàng thấy họ được coi trọng. Và tất nhiên, họ sẽ biết ngôi chợ nào mới là nơi họ muốn quay lại ghé thăm một lần nữa…
…Ghé Bến Thành, chợt nhớ Đồng Xuân mà…chạnh lòng!
Vân Phong
Quán chè Sài Gòn hơn 40 năm luôn đông khách
Bánh flan trái bí đỏ, mì trứng, chè hạt mít… là những món khiến thực khách tìm đến quán chè có thâm niên hơn 40 năm tại Sài Gòn.
Nằm trong khu chợ Campuchia hẻm 374 Lê Hồng Phong, quận 10 TP HCM, quán chè Cô Có hay còn gọi là quán chè Miên thu hút nhiều thực khách “hảo ngọt” từ hơn 40 năm nay với hàng chục món chè khác nhau.
Chủ quán chè là người Việt Nam từng sinh sống ở Campuchia, năm 1970 gia đình về nước và mở quán với các loại chè nấu theo công thức từ xứ Angkor. Trong ảnh là món chè hạt mít, nguyên liệu chính là lòng đỏ trứng và đậu xanh nấu nhuyễn.
Mì trứng không dùng bột là món chè được nhiều người ưa thích bởi vị béo thơm. Thành phần duy nhất của món ăn là lòng đỏ trứng kéo thành sợi như sợi mì. Mì trứng ăn kèm nước cốt dừa tươi và nước đường.
Chè thưng nấu theo công thức Campuchia thơm ngọt bao gồm nhiều loại đậu, khoai, nấm và dừa.
Chè chuối ăn với nước đường thốt nốt, trên có rắc tí mè (vừng) tạo được hương vị đặc trưng.
Chuối được chín xắc lát mỏng hoặc cắt nhỏ hòa với bột năng hấp chín. Ngoài ra quán còn có món khoai mì (sắn) hấp. Tất cả đều ăn cùng nước cốt dừa béo ngậy.
Xôi Xiêm của quán là món ăn ngọt được nhiều người ưa thích. Nếp dùng để nấu món này được tẩm nước dừa nên vừa dẻo vừa thơm.
Chè trôi nước Campuchia viên không quá to nên không ngán. Nhân làm bằng đậu xanh. Nước nấu bằng đường thốt nốt cho vị ngọt thanh tao và hương thơm lạ.
Chè táo xọn nấu từ đậu xanh bóc vỏ giã vỡ đôi và bột năng. Khác với chè táo xọn ở Huế hay ở Sài Gòn, chè táo xọn Campuchia ăn với quẩy.
Bánh flan trái bí đỏ là món ăn thu hút nhiều khách sành ăn nhất của quán bởi cách chế biến tinh tế và hương vị thơm ngon. Nhân bánh được làm từ bột, trứng sau đó cho vào ruột bí và mang đi hấp.
Rau câu dừa ăn với bánh lọt và nước cốt sầu riêng. Món ăn mát lạnh khi dùng chung với đá đập nhuyễn.
Bánh bò đường thốt nốt đặc sản Campuchia ăn với nước cốt dừa rắc hạt mè rang.
Chè đậu trắng xứ chùa tháp nấu nhiều đậu và vị ngọt thơm dậy lên từ đường và lá dứa.
Chè thập cẩm mỗi chén 15.000 đồng thu hút nhiều bạn trẻ bởi tất cả các loại nguyên liệu lạ đều được hội tụ.
Ngoài độc đáo và lạ miệng từ nguyên liệu, bí quyết làm nên nét riêng của các loại chè Campuchia là do loại nước đường chế biến theo công thức đặc biệt gồm đường thốt nốt và sầu riêng. Quán mở cửa từ 6 giờ sáng đến xế chiều, không chỉ đến ăn tại chỗ, trong các dịp lễ cúng, quán tấp nập khách đến mua mang về.