Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 06/06/2016.Reuters
«Đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên lần thứ 8» diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 06 và 07/06 giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hai bên cùng kêu gọi hợp tác, tránh thái độ thù nghịch nhưng tham vọng của Hoa lục tại Biển Đông làm quan hệ đôi bên căng thẳng. Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi « thiết lập tin cậy lẫn nhau » nhưng khẳng định có những bất đồng «không thể giải quyết bằng đối thoại ».
Hai đại cường số một và số hai thế giới gặp nhau trong hai ngày, thứ Hai và thứ Ba tại thủ đô Trung Quốc trong khuôn khổ « đối thoại chiến lược và kinh tế » định kỳ.
Tuy nhiên, cuộc đối thoại lần thứ 8 này diễn ra trong căng thẳng. Trung Quốc càng ngày càng tỏ ra quyết liệt khống chế Biển Đông. Bước tới đây, theo báo chí Hồng Kông, Bắc Kinh sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ADZ trên vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á và cũng là con đường hàng hải huyết mạch của thế giới. Trong khi đó thì Hoa Kỳ xem châu Á Thái Bình Dương là ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại với kế hoạch « xoay trục » và hiệp định thương mại TPP, không có Trung Quốc.
Ngay vào giờ khai mạc, chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình bắn phát pháo đầu tiên. Lãnh đạo Trung Quốc cho rằng châu Á Thái Bình Dương đủ rộng để Mỹ và Trung Quốc cùng hợp tác thay vì tranh giành. Ông Tập Cận Bình kêu gọi hai bên «củng cố niềm tin cậy lẫn nhau».
Theo AFP, ngoại trưởng Mỹ John Kerry, được bộ trưởng Tài Chính Jacob Lew tháp tùng, đã trả lời cứng cỏi : chính hai nước chúng ta, Mỹ và Trung Quốc, phải hành động như thế nào để trở thành đối tác hơn là đối thủ.
Hai ngày trước, Mỹ và Trung Quốc lên án nhau «khiêu khích» ở Biển Đông. Ngoại trưởng John Kerry lên án thái độ « gây bất ổn định, khiêu khích, đơn phương quân sự hóa » Biển Đông của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter khuyến cáo Bắc Kinh coi chừng bị Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á đáp trả.
Tuy nhiên, khi đến Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ kêu gọi giải quyết xung khắc chủ quyền tại Biển Đông qua « một giải pháp ngoại giao ». Theo giới phân tích, tình hình Biển Đông nóng lên một phần vì Toà Án Trọng Tài Thường Trực La Haye sắp công bố phán quyết về đơn kiện Trung Quốc của Philippines mà nhiều người dự đoán là sẽ bất lợi cho Bắc Kinh.
Một nhà ngoại giao Mỹ nhìn nhận là « căng thẳng tại Biển Đông tăng nhiều hơn so với tình hình cách nay một năm » nhân Đối thoại chiến lược Mỹ-Trung lần trước.
Chương trình nghị sự năm nay cũng không nhẹ : xung khắc Biển Đông, Bắc Triều Tiên, Đài Loan, tin tặc, khủng bố, tỷ giá đồng tiền Trung Quốc, cán cân thương mại, thép Trung Quốc bị tố trợ giá xuất khẩu… một danh sách rất dài. Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cam kết sẽ « tăng cường trao đổi với Mỹ về hồ sơ Bắc Triều Tiên, Iran và Syria ».
Tuy nhiên, theo Reuters, lãnh đạo số một Trung Quốc Tập Cận Bình trước đó tuyên bố : có những bất đồng có thể giải quyết bằng nỗ lực đàm phán nhưng có những bất đồng không thể giải quyết bằng đối thoại vào thời điểm này .
Chủ tịch Trung Quốc có ẩn ý gì và ám chỉ hồ sơ nào ?
Tú Anh