Vào cuối tuần trước hơn 65.000 người đã biểu tình tại Okinawa, nơi mà sự tức giận của công chúng nhắm vào những căn cứ quân sự của Mỹ tập trung trên hòn đảo này đã gia tăng cường độ sau khi một cựu Thủy quân Lục chiến Mỹ bị bắt liên quan đến cái chết của một phụ nữ địa phương hồi tháng 5 và sự kiện một thủy thủ của Hải quân Mỹ nhận tội cưỡng hiếp một du khách người Nhật vào tháng 3.
Cũng hôm Chủ nhật tuần trước, khoảng 7.000 người Nhật đã biểu tình trước tòa nhà quốc hội ở Tokyo.
Ngoài việc kêu gọi loại trừ hoặc giảm thiểu sự hiện diện quân sự của Mỹ ở đất nước họ, những người biểu tình cũng lên tiếng phản đối việc ông Abe củng cố liên minh an ninh của Nhật Bản với Mỹ và những nỗ lực của ông ta nhằm tu chính hiến pháp chủ hòa của đất nước để gia tăng sức mạnh và phạm vi hoạt động của quân đội Nhật Bản.
Jeff Kingston, giám đốc chương trình Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Temple ở Tokyo, cho biết: “Phải nói là thái độ của công chúng ở Okinawa đã chuyển từ tức giận sang phẫn nộ và thái độ của công chúng Nhật Bản được đánh dấu bởi sự lo ngại rằng ông Abe sẽ lôi kéo Nhật Bản kéo vào chiến tranh, bằng cách nào đó, ở nơi nào đó theo chỉ thị của Washington.”
Cuộc tranh luận bầu cử
Năm ngoái, những người ủng hộ ông Abe trong cơ quan lập pháp lưỡng viện Nhật Bản, được gọi là Kokkai (tức Quốc hội), đã thông qua luật an ninh gây tranh cãi sửa đổi 10 luật hiện hành để cho quân đội nhiều sự tự do hơn trong việc bảo vệ người dân và những lợi ích của Nhật Bản, cũng như tham gia phòng vệ tập thể và bảo vệ những đồng minh như Mỹ.
Những người chống đối lập luận rằng những dự luật này vi phạm Điều 9 của Hiến pháp hậu chiến của đất nước. Hiến pháp hậu chiến từ bỏ việc sử dụng vũ lực tấn công để tiến hành chiến tranh hoặc giải quyết những tranh chấp quốc tế, hoặc khiến Nhật Bản vướng vào những cuộc xung đột quốc tế.
Tại một cuộc tranh luận giữa lãnh đạo những đảng lớn của Nhật ở Tokyo hôm 21 tháng 6, Katsuya Okada, nhà lãnh đạo “Đảng Dân tiến” thuộc phe đối lập tuyên bố sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiến pháp. Ông nói: “Cuộc tranh luận hồi năm ngoái về an ninh, và về việc sửa đổi Điều 9 của hiến pháp, đó là điều chúng tôi không thể chấp nhận.”
Những người chống đối cho rằng những chính sách quân sự của ông Abe sẽ không làm cho đất nước an toàn hơn.
Ông Kingston nhận định: “Tôi nghĩ rằng họ cảm thấy chính sách đối ngoại mang tính quân sự hóa nhiều hơn của ông ta là phản tác dụng, và nó thực sự khiến Nhật Bản có phần bị cô lập ở Châu Á bởi vì không nước Châu Á nào khác muốn tham gia một khuôn khổ an ninh khu vực dựa trên sự đối đầu mang tính quân sự hóa với Trung Quốc.”
Thủ tướng Shinzo Abe và những người ủng hộ ông ta lập luận rằng Nhật Bản cần một quân đội mạnh hơn và ít bị hạn chế hơn để đối phó với một nước Trung Quốc quyết đoán hơn và một nước Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.
Tại cuộc tranh luận ông Abe dường như hạ giảm tối đa quyền hành của đa số quá bán trong quốc hội để thay đổi hiến pháp, nói rằng “những nhà lập pháp có thể thông qua luật bằng thế đa số, nhưng với hiến pháp thì không như vậy.”
Việc tu chính hiến pháp đòi hỏi phải có sự đồng thuận của hai phần ba cả hai viện Quốc hội và ông Abe nói rằng vấn đề này cần được đưa vào một cuộc trưng cầu dân ý.
Những cuộc khảo sát dư luận cho thấy hơn một nửa dân số Nhật Bản chống đối cả luật an ninh mới đây và việc thay đổi hiến pháp chủ hòa của đất nước.
Liên minh của Abe vẫn dẫn đầu
Hiện tại chưa rõ liệu phe đối lập của Nhật Bản có thể biến sự bất mãn của công chúng thành sự ủng hộ chính trị nhiều hơn hay không. Những cuộc khảo sát gần đây cho thấy đảng cầm quyền là Đảng Dân chủ Tự do đang dẫn đầu với cách biệt tương đối lớn trước đối thủ chính là Đảng Dân tiến.
Ông Abe hôm 22 tháng 6 đã bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử thượng nghị viện với cam kết vực dậy nền kinh tế.
Phát biểu trước một đám đông ở Kumamoto, miền nam Nhật Bản, ông Abe nói cuộc bầu cử vào ngày 10 tháng 7 tới sẽ quyết định “liệu chúng ta có mạnh mẽ tiến lên phía trước với những chính sách kinh tế, làm cho Nhật Bản phát triển…hay quay trở lại thời kỳ đen tối và trì trệ.”
Những người chỉ trích nói rằng mặc dù có sự chống đối rộng khắp đối với những chính sách an ninh của ông Abe và sự bực tức về việc những chính sách tài chính bảo thủ của ông ta (được gọi là là “Abenomics”) tới giờ chưa hồi sinh được nền kinh tế, song phe đối lập vẫn chưa thể đưa ra những lựa chọn thay thế có tính thuyết phục.
Trung Quốc và những nước khác ở châu Á từng bị Nhật Bản chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai đã nêu lên lo ngại rằng Tokyo có thể một lần nữa trở thành một cường quốc quân sự hung hăng nếu Nhật Bản tiếp tục nới lỏng những hạn chế hiến định của mình.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với liên minh quân sự chặt chẽ với Nhật Bản trong chuyến thăm thành phố Hiroshima vào tháng 5. Nhưng ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump trước đó đã chỉ trích Nhật Bản về việc không hoàn trả đủ cho Mỹ chi phí của việc đồn trú 50.000 binh lính Mỹ để bảo vệ đất nước của họ. Và nếu được bầu làm tổng thống, ông Trump nói rằng ông ta sẽ rút quân nếu không đạt được một thỏa thuận tốt hơn, và ông ta sẽ cho phép Nhật Bản thủ đắc vũ khí hạt nhân để tự vệ.