Hàng ngàn nhân viên khu tài chính City sắp bị sa thải khi Luân Đôn không còn là cửa ngõ vào thị trường Châu Âu. Các tập đoàn hàng không lúng túng trước viễn cảnh phải xét lại thỏa thuận tự do hàng không với Liên Hiệp Châu Âu. Nông dân Anh chờ đợi mất 4 tỷ trợ cấp nông nghiệp của Châu Âu. Đó là một số hậu quả kinh tế Brexit gây nên cho kinh tế của vương quốc Anh.
Vụ ly dị nào cũng đau đớn và tốn kém khi hôn nhân đổ vỡ. Đó là tâm trạng của Luân Đôn và Bruxelles sau khi gần 52 % người dân Anh đòi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Với Liên Hiệp, một khi hai bên chính thức chia tay, khối này mất đi một thành viên hiện đang là nền kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới và cũng là một trong những nền công nghiệp phát triển đang có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất, cùng với Hoa Kỳ. Trong khuôn khổ tạp chí hôm nay, RFI xin được tập trung vào những tác động của Brexit đối với bản thân kinh tế Anh.
Doanh nhân hoang mang
Cứ trên 5 doanh nhân Anh thì có một người tính tới khả năng di dời cơ sở khỏi vương quốc này và gần 2/3 những người được hỏi cho rằng Brexit đem lại những hậu quả tai hại cho các hoạt động kinh tế của nước Anh.
Trên đây là kết quả một cuộc thăm dò dư luận do hiệp hội giới chủ Anh (IoD) thực hiện được công bố ngày 27/06/2016. Cùng lúc, Luân Đôn đánh mất điểm an toàn cao nhất AAA mà cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor’s đã dành cho nước Anh từ gần một nửa thế kỷ nay. Nhờ có ba chữ A đó mà Luân Đôn luôn huy động được vốn với lãi suất thấp, vì được xem là một địa điểm đầu tư an toàn.
Tiền : đồng euro và bảng Anh.Reuters
Tài chính, ngân hàng và đồng bảng Anh điêu đứng
Một cách cụ thể hơn, ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý bên kia bờ biển Manchesđược công bố vào rạng sáng ngày 24/06/2016, hai hậu quả đầu tiên là đồng bảng Anh mất 12 % so với đồng đô la và gần 18 % so với đồng tiền chung châu Âu. Đà tuột dốc đó đã tiếp diễn vào phiên giao dịch hôm thứ Hai đầu tuần, khiến đồng bảng Anh rơi xuống mức thấp nhấp so với đô la kể từ 30 năm qua. Không biết tương lai kinh tế Anh đi về đâu, nhiều nhà đầu tư ồ ạt bán đồng bảng Anh để mua vàng, đô la hay đồng euro, những đơn vị « dự trữ an toàn ».
Giới tài chính ví vón, lá phiếu của cử tri Anh là một « gáo nước lạnh » dội xuống các sàn chứng khoán trên thế giới và gây nên một làn sóng chấn động tương tự như khi tập đoàn ngân hàng Mỹ Lehman Brothers tuyên bố phá sản hồi tháng 9/2008.
Ba tuần trước trưng cầu dân ý, ngân hàng Mỹ JP Morgan báo trước là nếu nước Anh bước ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, thì tập đoàn này sẽ phải sa thải từ 1 đến 4 ngàn nhân viên trên tổng số 16 ngàn đang làm việc cho JP Morgan trên lãnh thổ Anh. Morgan Stanley thì tính tới khả năng bố trí lại 1/6 nhân sự sang một quốc gia khác trong số 27 thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu. Golmand Sachs cũng thông báo một kế hoạch tương tự.
Trả lời đài RFI Stéphanie Villier, kinh tế gia thuộc cơ quan bảo hiểm Humanis giải thích vì sao ngành tài chính ngân hàng ở bên kia biển Manche lại là những nạn nhân đầu tiên của nguyện vọng nước Anh đòi tách rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu :
« Trước tiên hết, ngành tài chính và ngân hàng tại Anh Quốc sẽ mất đi ‘thẻ thông hành Châu Âu’ : có nghĩa là tới nay, tất cả các sản phẩm tài chính tại khu City đều được tự do chuyển nhượng trên khắp các thị trường trong khối 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Một khi bước ra khỏi khối này, không có gì bảo đảm là Bruxelles vẫn dành cho Luân Đôn đặc quyền đó.
Điều ấy có nghĩa là từ trước tới nay, các ngân hàng của Anh làm ăn thịnh vượng hay các ngân hàng Mỹ và cả của Châu Á đã mở chi nhánh tại khu tài chính Luân Đôn, chính vì City là cửa ngõ mở ra toàn thị trường Châu Âu và cả với những đối tác kinh tế, tài chính đặc biệt của Bruxelles như Thụy Sĩ, hay Na Uy.
Khi nước Anh mất đi lợi thế đó thì các ngân hàng nước ngoài sẽ đi tìm một địa bàn khác, họ tìm cách ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu để làm ăn. Cần biết rằng City là nguồn đóng thuế lớn nhất cho chính phủ. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ thấy là tác động của Brexit tai hại tới chừng nào ».
Nhìn từ một khía cạnh khác, chuyên gia tài chính Eric Delannoy, sáng lập viên cơ quan tư vấn Tenzig cho rằng, điều gây hoảng loạn chính là ẩn số chung quanh quan hệ sắp tới giữa nước Anh với Liên Hiệp Châu Âu :
« Khi đa số dân Anh chọn bước ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, việc đầu tiên hết là quyết định đó mở ra một thời kỳ đầy bất trắc. Không ai biết một cách cụ thể khi nào Luân Đôn chính thức chia tay với Bruxelles, với những hậu quả kèm theo là gì ? Brexit tác động đến mức độ nào đối với tăng trưởng của Anh ? Cũng không ai biết một cách chính xác, cuộc đổ vỡ đó là hay hay dở. Thế rồi cũng không ai ngờ là phe bài Châu Âu lại thắng thế.
Chính những yếu tố đó đã tạo nên phản ứng hoảng loạn nhất thời. Tất cả các sàn chứng khoán trên thế giới đã mất giá từ 12 đến 15 % trong phiên giao dịch ngày 24/06/2016 khi nước Anh công bố kết quả trưng cầu dân ý.
Nhưng theo tôi, đó chỉ là một sự hoảng loạn trong ngắn hạn. Chỉ khoảng hai tháng nữa thôi, chỉ số chứng khoán ở mọi nơi sẽ tăng lên trở lại khoảng từ 10 đến 12 %. Bởi vì khi đó mọi người sẽ làm quen với tình huống và các nhà đầu tư sẽ nhận thấy là Brexit trước mắt không đem lại quá nhiều thay đổi trong đời sống hay các sinh hoạt kinh tế, ít ra là trong ngắn hạn.
Tôi cũng xin giải thích thêm là sở dĩ thị trường chứng khoán đã chao đảo mạnh như vậy trong những ngày qua, là do không chỉ Anh Quốc hay Châu Âu mà cả thế giới, đang trong tình trạng dư thừa tiền mặt cho nên, trước một tình huống bất ngờ, thị trường đã dao động rất mạnh.
Tuy nhiên về mặt cơ bản mà nói thì Brexit không làm thay đổi toàn cảnh kinh tế hay tài chính của thế giới. Chỉ có một ngoại lệ là cổ phiếu của các tập đoàn ngân hàng mất giá mạnh, bởi vì mọi người thấy rõ là trong tương lai, khu tài chính City sẽ bị cô lập, đây sẽ không còn là sàn giao dịch số 1 trên thế giới nữa. Trong khi đó ai cũng biết, mảng dịch vụ tài chính, ngân hàng đem về đến 25 % GDPcho nước Anh.
Ngoài ra người ta cũng lo ngại, khối Liên Hiệp Châu Âu tan ra khi sẽ có những quốc gia khác noi gương nước Anh, đòi tách rời khỏi Châu Âu ».
Ẩn số về quan hệ Anh- Châu Âu
Qua ẩn số về quan hệ trong tương lai giữa Luân Đôn với Bruxelles câu hỏi quan trọng nhất có lẽ liên quan đến mảng mậu dịch. Viện nghiên cứu Đức Bertelsmann Stiftung chờ đợi, ra khỏi Châu Âu, thu nhập đầu người tại Anh sẽ mất đi khoảng 3 % một năm từ nay đến năm 2030.
Liên Hiệp Châu Âu đối tác thương mại lớn nhất của Anh, mua vào 50 % hàng xuất khẩu nước này nhờ trong 40 năm qua, thuế xuất nhập khẩu đã được giảm đi đáng kể. Dầu thô của Anh khai thác từ lòng Bắc Hải vốn đã có giá thành cao, khó bán cho Châu Âu. Nếu như Liên hiệp tái lập lại các hàng rào quan thuế với dầu thô của Anh nhập vào 27 nước còn lại thì dầu của Anh lại càng kém hấp dẫn.
Ngoài ngành tài chính, ngân hàng và thương mại, từ ngành vận tải đến những thỏa thuận hợp tác trong các ngành nghiên cứu của Anh đều phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng với lá phiếu đòi Brexit.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhìn chung hàng năm nước Anh đóng góp cho ngân sách chung Châu Âu hơn 7 tỷ euro. Đổi lại Luân Đôn nhận được gần 4 tỷ trợ giá nông phẩm qua Chính Sách Nông Nghiệp Chung –PAC. Nông gia Anh phải tính sao khi mất đi nguồn thu nhập đó ?
Nhìn tới ngành nghiên cứu, nước Anh hiện đứng đầu trong số 28 thành viên được Liên Hiệp Châu Âu trợ cấp nhiều nhất cho các công trình nghiên cứu khoa học – gần 1,4 tỷ euro một năm-
Ra khỏi Châu Châu, các nhà khoa học Anh mất đi nguồn tài trợ đó. Liệu rằng chính phủ và các doanh nghiệp Anh có thay thế Liên Hiệp Châu Âu để bảo đảm ngân sách cho ngành nghiên cứu được như vậy hay không ?
Hãng xe Nhật Toyota mở chi nhánh tại Anh, cửa ngõ vào Châu Âu đang rất lo lắng, do 90 % xe sản xuất tại đây là để xuất khẩu và 75 % trong số đó là để phục vụ cho các thị trường của Liên Hiệp Châu Âu. Với Brexit, xe Toyota ra lò tại Anh sẽ trở nên đắt đỏ hơn và lượng xe bán ra qua đó sẽ giảm mạnh.
Trong lĩnh vực công nghệ chế tạo máy bay, đến nay Airbus là biểu tượng của hợp tác châu Âu. Trên lãnh thổ Anh, 15.000 nhân viên trực tiếp làm việc cho Airbus tại ba cơ sở khác nhau. Bên cạnh đó còn phải kể đến 4.000 hãng gia công cho Airbus với 85.000 nhân viên. Theo lời tổng giám đốc Airbus Marwan Lahoud, khoảng 20 % của mỗi chiếc máy bay Airbus được chế tạo tại Anh. Do vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để các khoản đầu tư của Airbus tại Anh không bị thiệt hại.
Ngành hàng không của Anh cũng đang « ngồi trên lửa » vì đồng bảng Anh mất giá họ sẽ phải mua nhiên liệu đắt hơn, đó là chưa kể khối lượng hành khách anh đi du lịch sẽ giảm đáng kể khi mãi mực của người dân Anh giảm vì đồng bảng tuột giá.
Thêm một thách thức khác đặt ra cho các hãng hàng không Anh hay của nước ngoài đặt trụ sở trên xứ sở của nữ hoàng Elizabeth đệ nhị : trong tương lai sẽ phải đàm phán lại về quyền tự do sử dụng không gian chung của Châu Âu. Từ hãng hàng không giá rẻ Easyjet đến tập đoàn nổi tiếng British Airways cùng lo ngại mất quyền mở chi nhánh hay trong thị trường chung Châu Âu. Nhờ được hưởng quyền tự do sử dụng không gian chung Châu Âu mà tập đoàn hàng không low cost Easyjet, trong vỏn vẹn 20 năm, đã trở thành một đối tác nặng ký trên thế giới trong ngành.
Vài ngày trước khi cử tri Anh được tham khảo ý kiến về việc đi hay ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE đã công bố một báo cáo với những thống kê cụ thể như là : chia tay với Châu Âu, người tiêu dùng Anh phải trả giá một bao thuốc lá đắt hơn đến 20 % so với hiện tại.
Trung bình, một người nghiện thuốc sẽ phải chi ra thêm 600 bảng một năm : đó là cái giá phải trả vì thuế nhập khẩu tăng thêm. Giá thuốc men và xe hơi trên thị trường Anh sẽ tăng thêm theo thứ tự là 4,5 % và 10 %.
Trong bối cảnh hàng loạt các tín hiệu, thống kê và báo cáo đều chỉ ra rằng kinh tế Anh chẳng có lợi gì khi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, thủ tướng David Cameron và bộ trưởng Tài chính George Osborne đã liên tục tìm cách trấn an các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Luân Đôn nhấn mạnh : kinh tế Anh may mắn có được những nền tảng vững chắc. Được RFI đặt câu hỏivề mức độ tin cậy của những tuyên bố đó, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Saxo Bank Christopher Dembick trả lời như sau :
« Tôi nghĩ là thủ tướng Anh có lý trong trung hạn bởi, xét cho cùng, hiện tại hai nền công nghiệp phát triển ổn định nhất là Anh và Mỹ. Nước Anh có tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục khiến chúng ta phải ganh tị. Kinh tế Anh vững vàng. Điều duy nhất mọi người lo sợ là câu hỏi, tương lai nước nay đi về đâu nếu không còn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.
Lo ngại đó đè nặng lên các dự án đầu tư của doanh nghiệp và cũng có thể là do những hoang mang ban đầu, kinh tế Anh giảm sụt trong ngắn hạn. Về câu hỏi liệu rằng các doanh nghiệp ngoại quốc đang hoạt động tại Anh có di dời cơ sở sang Châu Âu hay không, tôi nghĩ nếu có, thì đấy không là những làn sóng ồ ạt như mọi người lo ngại. Nhưng đúng là về lâu dài, nghi vấn bao quanh mối quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu với Anh Quốc.
Tựu chung, thì nước Anh cần có Châu Âu hơn là Liên Hiệp Châu Âu cần có nước Anh. Luân Đông không trong thế mạnh để đặt điều kiện với Bruxelles ».
Vào lúc các lãnh đạo Châu Âu họp thượng đỉnh đầu tiên với vỏn vẹn 27 thành viên, thay vì 28, mọi người đều biết, thủ tục ly dị giữa Luân Đôn với Bruxelles sẽ kéo dài. Không bên nào dám mạnh tay cắt đứt quan hệ, khi mà giao thương giữa Anh với phần còn lại của châu lục đã quá gắn bó với nhau.
Thanh Hà