Hoa Kỳ lại đang đứng trước một ngưỡng cửa lịch sử. Tám năm trước cử tri Mỹ đã làm nên lịch sử qua việc bầu Thượng Nghị sĩ Barack Obama làm tổng thống người gốc châu Phi đầu tiên của Hoa Kỳ.
Tháng Mười Một tới đây dù chọn ai, người dân Mỹ sẽ lại làm nên lịch sử. Bà Hillary sẽ là nữ tổng thống đầu tiên, hay Donald Trump chưa từng có kinh nghiệm chính trường sẽ là người lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong những ngày tới đây sẽ chính thức được Đảng Dân chủ tiến cử ra tranh chức tổng thống, đối đầu với ứng viên Đảng Cộng hòa là thương gia tỷ phú Donald Trump.
Đây là lần đầu tiên một chính đảng Hoa Kỳ tiến cử một nữ ứng viên tổng thống. Tám năm trước Hillary Clinton đã ra tranh cử, có nhiều sự ủng hộ ban đầu, nhưng cuối cùng Barack Obama đã vượt qua bà để được đề cử và được bầu làm tổng thống đa đen đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Hoa Kỳ tuy là một quốc gia đã đặt vấn đề bình quyền, bình đẳng nam nữ lên hàng chính sách từ một thế kỷ qua, nhưng chưa một phụ nữ nào được bầu làm người lãnh đạo quốc gia.
Quốc hội Mỹ một thời đã có nữ chủ tịch hạ viện – người đứng thứ nhì với quyền kế vị tổng thống, chỉ sau phó tổng thống – là Dân biểu Nancy Pelosi, người giữ chức vụ này từ 2007 đến 2011. Còn bên hành pháp vẫn chưa có một nữ tổng thống hay phó tổng thống.
Hiện nay con số thượng nghị sĩ và dân biểu Quốc hội là phái nữ vẫn còn ở mức tương đối thấp là 20%. Thượng viện với 20 phụ nữ trong số 100 thượng nghị sĩ và tại Hạ viện có 104 trong số 435 dân biểu. Người của Đảng Dân chủ chiếm đa số nữ dân cử, với 14/20 ở Thượng viện và gần ba phần tư ở Hạ viện.
Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia tân tiến cũng như chưa phát triển đã có lãnh đạo là phụ nữ. Bên Đức hiện có nữ Thủ tướng Angela Merkel và bên Anh vừa có bà Theresa May lên nắm quyền thay ông David Cameron từ chức thủ tướng sau trưng cầu dân ý Brexit. Đầu thập niên 1980 nước Anh cũng đã có Margaret Thatcher làm thủ tướng.
Do Thái từng có lãnh đạo là bà Golda Meir, Ấn Độ có Thủ tướng Indira Gandhi. Thái Lan đã có nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, Philippines có nữ Tổng thống Corazon Aquino, Nam Triều Tiên có Tổng thống Park Geun-hye, Đài Loan có Tổng thống Thái Văn Anh.
Argentina và Nicaragua ở Nam Mỹ cũng đã có nữ tổng thống. Bên châu Phi có Liberia và Cộng hòa Trung Phi có phụ nữ lãnh đạo quốc gia.
Nước Pháp đã có bà Ségolène Royal được Đảng Xã hội tiến cử ra tranh chức tổng thống vào năm 2007 nhưng không thành công.
Trong chính trường Hoa Kỳ đã hai lần có cơ hội để có một nữ phó tổng thống nhưng không thành hiện thực. Năm 1984 cựu Phó Tổng thống Walter Mondale được Đảng Dân chủ đề cử và đã chọn nữ Dân biểu Geraldine Ferraro làm ứng viên phó tổng thống. Nhưng cử tri Mỹ năm đó đã không chọn liên danh Mondale-Ferraro.
Đến kỳ bầu cử năm 2008, ứng viên cộng hoà là Thượng Nghị sĩ John McCain chọn nữ Thống đốc Alaska là Sarah Palin đứng chung liên danh nhưng kết quả cũng không thành công.
Điều đó cho thấy yếu tố phụ nữ không ảnh hưởng đến sự lựa chọn của cử tri Mỹ. Quan trọng nhất vẫn là những chủ trương và chính sách của hai đảng, đại diện bởi hai ứng viên, sẽ ra sao nếu được bầu làm người lãnh đạo quốc gia.
Năm 1984, sau một nhiệm kỳ làm tổng thống, Ronald Reagan đã phục hồi nền kinh tế Mỹ nên cử tri tiếp tục mạnh mẽ ủng hộ chính sách của ông, thể hiện qua kết quả bầu chọn với chiến thắng vẻ vang gồm 59% phiếu phổ thông và 525 trong số 538 phiếu đại biểu cử tri đoàn. Liên danh dân chủ Mondale-Ferraro chỉ thắng được ở Washington D.C. và Minnesota là tiểu bang nhà của Walter Mondale, còn lại liên danh cộng hòa Reagan-Bush thắng tại tất cả 49 tiểu bang.
Đến năm 2008 thì ngược lại, đa số dân chúng Mỹ không còn tiếp tục ủng hộ Đảng Cộng hòa sau 8 năm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống George W. Bush (Bush con) nên liên danh Cộng hòa McCain-Palin đã không thắng được liên danh Dân chủ Obama-Biden. Năm đó, dù có ứng cử viên nữ nhưng McCain-Palin chỉ đạt 46% số phiếu phổ thông và 173 đại biểu cử tri đoàn, so với 53% bầu cho Obama-Biden và 365 đại biểu cử tri đoàn.
Năm nay có nữ ứng cử viên Hillary Clinton đại diện cho Đảng Dân chủ, trong khi đó Donald Trump đại diện cho Đảng Cộng hòa ra tranh cử.
Bà Clinton có nhiều kinh nghiệm chính trường vì từng là thượng nghị sĩ, từng là người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nên am hiểu tình hình quốc tế và có quen biết, kinh nghiệm làm việc với lãnh đạo của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tám năm trước bà Clinton tranh cử và đã gần đạt tới đích vì thế lần này bà được đảng Dân chủ tiến cử cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.
Nhưng Donald Trump là một hiện tượng gây nhiều ngạc nhiên trên chính trường Hoa Kỳ trong kỳ bầu cử năm nay. Tỷ phú Trump bỏ tiền túi ra tranh cử chứ không trông đợi nhiều vào sự đóng góp của những người ủng hộ, của những tổ chức tài chánh hay những cơ sở vận động hành lang. Ông Trump chưa bao giờ tham gia chính trường mà chỉ có nhiều kinh nghiệm trên thương trường với những thành công nhờ đầu tư nhà đất, nhờ những chương trình quảng bá thương mại, những sô truyền hình. Thương hiệu Trump có trên những tòa nhà cao tầng sang trọng ở New York, Las Vegas, Hawaii.
Đảng Cộng hòa với 17 ứng viên tranh cử từ một năm trước, là những chính trị gia, những dân cử có tiếng tăm như các Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Marco Rubio, Lindsey Graham; các Thống đốc Chris Christie, Jeb Bush, Mike Huckabee, Rick Perry, John Kasich, Rick Santorum, George Pataki nhưng chung cuộc Donald Trump là ứng viên đã được đa số cử tri Cộng hòa bầu chọn trong các cuộc bầu sơ bộ trên toàn quốc để ông trở thành ứng cử viên sẽ được chính thức đề cử trong đại hội đảng ở Cleveland vào tuần tới.
Tuy nội bộ Đảng Cộng hòa có nhiều bất đồng với Donald Trump, vì những phát biểu thẳng thừng gây sốc, những lời lẽ thóa mạ gây đụng chạm hay làm mất lòng một số người, nhưng rõ ràng là đa số cử tri Cộng hòa đã tin tưởng và tín nhiệm ông.
Với ứng cử viên Hillary Clinton được coi như có chủ trương tiếp nối chính sách hiện thời của Tổng thống Barack Obama thì hiện tượng Donald Trump được coi như biểu hiện của sự đột phá trong tương lai. Tâm lý cử tri Mỹ qua việc bầu chọn ông Trump ở vòng sơ bộ cho thấy nhiều người đã chán ngán với sinh hoạt chính trị nhiều bế tắc ở Thủ đô Washington và muốn có những thay đổi sâu xa từ gốc rễ. Donald Trump chính là người mà nhiều cử tri đang mong đợi.
Các thăm dò dư luận mới nhất cho thấy hai ứng cử viên ngang ngửa nhau. CBS News / New York Times vừa đưa ra kết quả khảo sát với mỗi ứng viên có sự ủng hộ của 40% cử tri.
Tuy Donald Trump thiếu kinh nghiệm chính trường, nhưng nhìn lại lịch sử Hoa Kỳ trong nửa thế kỷ qua, từ thời John F. Kennedy làm tổng thống, tâm lý cử tri Mỹ cũng không muốn thấy một tổng thống từ một đảng nắm quyền quá lâu.
Trong hơn nửa thế kỷ qua chỉ có Đảng Cộng hòa nắm quyền ba nhiệm kỳ liên tục từ 1981 đến 1993, với Tổng thống Ronald Reagan hai nhiệm kỳ rồi thêm một nhiệm kỳ nữa với Tổng thống George H.W. Bush, còn lại hai đảng đã thay nhau làm chủ Tòa Bạch Ốc chỉ tám năm hay ít hơn. Tổng thống Lyndon Johnson, Dân chủ, nắm quyền một nhiệm kỳ; Tổng thống Richard Nixon, Cộng hòa, chưa hết hai nhiệm kỳ đã phải từ chức và Tổng thống Gerald Ford được chỉ định thay thế làm hết nhiệm kỳ hai. Tổng thống Jimmy Carter, Dân chủ, một nhiệm kỳ; Tổng thống Bill Clinton, Dân chủ, hai nhiệm kỳ; Tổng thống George W. Bush, Cộng hòa, hai nhiệm kỳ; Tổng thống Barack Obama, Dân chủ, sắp hết hai nhiệm kỳ.
Nước Mỹ có sẵn sàng cho một nữ tổng thống, hay tâm lý cử tri đang thực sự bồn chồn muốn thay đổi, không muốn Đảng Dân chủ kéo dài lãnh đạo thêm bốn năm nữa và bầu một người chắc chắn sẽ đem lại không khí sinh hoạt chính trị mới cho Thủ đô Washington?
Vì thế cuộc tranh chức tổng thống Mỹ năm nay giữa Hillary Clinton và Donald Trump là cuộc đọ sức mang tính lịch sử.
Bùi Văn Phú. VOA
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.