Donald Trump, Cục Diện Mới và Minh Ước NATO
Trong cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ năm nay, ứng cử viên Donald Trump có biệt tài xuất khẩu thành thô lỗ: nói lời thô tục hàm hồ và quả nhiên làm đảng Cộng Hòa lỗ nặng. Nhờ vậy mà ứng cử viên Hillary Clinton đầy thói tật gian manh lại có thể đắc cử. Có khi là nhờ phiếu Cộng Hòa. Nhưng ta nên lùi một bước mà nhìn trên toàn cảnh sâu xa của cuộc tranh cử.
Hillary Clinton không có chủ trương gì đặc biệt ngoài những quan điểm mị dân được truyền thông dòng chính, xưa nay vẫn có khuynh hướng thiên tả, thổi lên mây xanh. Bà có thể yên tâm là cử tri khỏi cần xét hỏi về cá tánh hay chương trình hành động của mình khi làm Tổng thống Hoa Kỳ: việc tranh cử của Hillary là cuộc trưng cầu dân ý về đối thủ The Donald. Vì ghét Trump, cử tri có khi ở nhà, hoặc bỏ phiếu Hillary cho bõ ghét. Giữa hai con quỷ,[1] thà dồn phiếu cho con quỷ cái mà ai cũng đã biết tài năng và chứng tật, còn hơn bỏ phiếu cho con quỷ điên chưa ai biết là sẽ làm những gì khi ngồi vào tòa Bạch Ốc.
Đâm ra, cuộc tranh cử là tranh nhau hai cửa vào địa ngục?
Nhưng ta sẽ rất lầm nếu chỉ xét đoán cuộc tranh cử ở tánh điên khùng và tài ứng khẩu nói bậy của Donald Trump. Sau 400 ngày chạy đua ở vòng sơ bộ, nếu tay tỷ phú này loại được 16 chuẩn ứng cử viên kia thì phải có lý do. Đó là phản ứng của quần chúng. Họ có thể không ưa con người nhưng vẫn đồng ý với một số lý luận chưa kết tinh thành một chủ thuyết. Xưa nay, Donald Trump chưa hề nghĩ đến việc lập thuyết!
Mấy chục triệu người Mỹ bất mãn về hiện trạng của xứ sở và muốn có thay đổi, họ nghi ngờ lý tưởng tự do mậu dịch và làn sóng di dân, nổi điên vì lề thói “phải đạo chính trị” đầy lố lăng của phe cực tả và các trí thức hay nghệ sĩ. Họ thấy Hoa Kỳ can thiệp quá nhiều và quá tốn kém vào thiên hạ sự, họ muốn xã hội phải có kỷ cương trật tự và đòi phát huy giá trị của chủ nghĩa quốc gia dân tộc.
Donald Trump bắt mạch được tâm lý đó và đưa ra chủ trương “Nước Mỹ Trên Hết” nên vượt xa các đối thủ có thế giá trong đảng, rồi sau cùng lộ nguyên hình là “Cái Ta Trên Hết”. Vì vậy, Trump có thể thất cử.
Nhưng sự bất mãn và nỗi khát khao của một số người Mỹ vẫn tồn tại. Trong nhiệt tình tranh cử, nếu người ta kết án họ là Mỹ nghèo, Mỹ ruộng, Mỹ khùng thì cũng không giải quyết được vấn đề thật ra quá trầm trọng của nước Mỹ, nhất là sau tám năm thử nghiệm giải pháp Obama.
Trong cuộc tranh cử năm nay, và trước đó rồi, cuộc tranh cử 2012, đảng Cộng Hòa thất bại nặng vì không nhìn ra tâm lý của cử tri và – như Hillary Clinton – vẫn tin vào những giá trị của nguyên trạng mà bỏ qua nhiều dấu hiệu của trận động đất chính trị manh nha từ năm 2010. Sau đó, phản ứng hốt hoảng rồi giận dữ của các bậc trưởng thượng với một kẻ xa lạ đã nhảy vào cướp cờ phất bậy không giúp gì cho đảng. Ba tháng trước ngày bỏ phiếu, đảng Cộng Hòa rơi vào khủng hoảng và chuyển mục về cuộc bầu cử Quốc hội để hy vọng vẫn giữ được đa số bên Lập pháp.
Bây giờ, chúng ta nhìn ra ngoài, xem thế giới sẽ bị ảnh hưởng thế nào vì những gì đang xảy ra tại Hoa Kỳ. Lần này, sau khi nhìn lại toàn cục, ta sẽ xét về Minh ước Bắc Đại Tây Dương.
Quần chúng Mỹ đã đổi ý, giới chính trị bèn đổi theo nên đả kích những gì họ đã từng kêu gọi các nước cùng tuân thủ, như nguyên tắc tự do thương mại và tinh thần hội nhập toàn cầu. Kỳ trước, chúng ta đã nói tới Hiệp ước NAFTA như một tiêu biểu, nó báo hiệu sự bế tắc của Hiệp ước TPP mà nhiều người Việt đã kỳ vọng là một cơ hội thay đổi.
Nhưng không chỉ có nước Mỹ mới có những xoay chuyển tâm lý đã nhờ thể chế dân chủ mà dẫn tới khủng hoảng chính trị. Nhiều quốc gia khác cũng chứng kiến hiện tượng này. Sôi nổi nhất là trường hợp Âu Châu, nơi mà sự thất vọng và bất mãn của người dân vì những lý do tương tự như tại Hoa Kỳ khiến các chính đảng lớn thất cử và các xu hướng cực đoan thắng thế với chủ trương “đại chúng” mà thực chất là mị dân, hoặc đề cao chủ nghĩa dân tộc chống lại tinh thần hội nhập của Liên hiệp Âu châu.
Pháp có Marine Le Pen của Mặt Trận Quốc Gia thuộc phe cực hữu bị kết án là “phát xít”, Ba Lan có Tổng thống Andrzej Duda với lập trường từ chối chế độ tiếp nhận di dân do Liên Âu đòi hỏi, Hung Gia Lợi có Thủ tướng Viktor Orban là người gây khó chịu cho cả Liên Âu lẫn Hoa Kỳ vì chủ nghĩa quốc gia và thái độ ngang ngược. Gần đây hơn cả, một trong sáu nước sáng lập Âu Châu thống nhất là Hòa Lan cũng đã có tiếng nói phản đối hệ thống lãnh đạo Liên Âu.
Người ta không chỉ bất tín nhiệm chính trường hay giới chính trị nhà nghề, mà còn đòi hạ bệ các phần tử ưu tú trên doanh trường, trong tháp ngà đại học hay các chuyên gia trong lò trí tuệ, các think tank. Với họ, tài phiệt, trí thức và chính khách đều đáng khinh như nhau vì quá xa rời nỗi quan tâm của quần chúng bình dân! Vì vậy, Donald Trump không chỉ là một tai nạn cho đảng Cộng Hòa hay nước Mỹ. Đây là triệu chứng hay bọt bèo của những làn sóng đáy đang nổi lên từ nhiều nơi.
Khi ấy, ta mới nghĩ tới an ninh và Minh ước NATO.
Từ 80 năm trước, Âu Châu đã thất bại trước làn sóng Đức quốc xã của Hitler khi hai cường quốc Anh Pháp không có chuẩn bị và tưởng rằng thái độ hòa hoãn sẽ mua được hòa bình.
Thế chiến II bùng nổ từ đó và Hoa Kỳ phải nhập cuộc cho tới khi chiến thắng. Trong Thế chiến, nước Mỹ phải bắt tay con quỷ đỏ Liên Xô để diệt trừ Hitler và sau khi đại thắng thì phải lập ra hệ thống phòng thủ để bảo vệ Tây Âu, cũng với tinh thần tự chuẩn bị để khỏi phạm sai lầm nhu nhược của Anh và Pháp vào năm 1936. Lần này, nước Đức hiếu hòa trở thành đồng minh và 10 năm sau khi thất trận thì tham gia vào hệ thống phòng thủ gọi là Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO chống lại con quỷ đỏ là Liên bang Xô viết.
Cốt lõi của Hiến chương NATO là điều 5: Các thành viên đồng ý rằng nếu một hay nhiều thành viên bị tấn công về quân sự tại Âu Châu hay Bắc Mỹ thì đấy là cả tập thể bị tấn công nên mỗi thành viên đều có quyền tự vệ, hoặc đơn lẻ hoặc hợp đồng, theo sự công nhận của Hiến chương Liên Hiệp Quốc ở điều 51.
Minh ước NATO ra đời trong khung cảnh đó vào năm 1949 và bảo vệ Tây Âu trong 40 năm cho tới khi khối Xô viết tan rã năm 1989 rồi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Nay chỉ còn 15 nước Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Liên bang Nga đang tìm cách xây dựng lại vùng trái độn quân sự trong vùng biên vực với Âu Châu đã mở rộng.
Khi Liên Xô tan rã thì NATO coi như hoàn thành nhiệm vụ nguyên thủy, nên hết lý do tồn tại.
Nhưng lý do thật thì vẫn còn: với Hoa Kỳ, đây không chỉ là tấm khiên hay lá chắn mà là sức mạnh can thiệp của nước Mỹ để không cường quốc nào bên kia Đại Tây Dương có thể đe dọa quyền lợi của Hoa Kỳ. Cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và việc giải phóng Đông Âu, Hoa Kỳ cho lá chắn Đông Tiến theo đà bành trướng của Âu Châu vào sát biên giới Liên bang Nga.
Đấy là thời vàng son của Hoa Kỳ, trong tư thế siêu cường độc bá kể từ 1991.
Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, NATO đã hơn 20 lần can thiệp tại Âu Châu qua Trung Á, Trung Đông, tới Tây Phi, Đông Phi, v.v… qua nhiều hình thức nặng nhẹ khác nhau, vì mục tiêu nhân đạo như cứu hộ, mục tiêu liên đới như tham chiến tại Afghanistan, hay huấn luyện tại Iraq, hoặc chống hải tặc, hay bảo vệ hòa bình, v.v….
Thời vàng son đó của Hoa Kỳ tồn tại được 25 năm thì bắt đầu rã.
Thứ nhất, bên trong NATO, các thành viên không có cùng khái niệm về rủi ro an ninh và ngoài Anh, Pháp và Đức còn đầu tư ít nhiều vào ngân sách quốc phòng, các nước khác thì rất ít. Tính tới đầu năm 2016, tổng số ngân sách quốc phòng của 28 thành viên NATO là 900 tỷ đô la thì các thành viên bên kia Đại Tây Dương chỉ bỏ ra 235 tỷ, Hoa Kỳ vẫn chiếm phần lớn nhất, là 650 tỷ. Tức là trong cả tập thể, ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ chiếm tới 72% cho một nước có dân số 330 triệu so với 26% của các thành viên Âu Châu có dân số hơn 420 triệu, kể thêm xứ Turkey là trên 500 triệu.
Nhìn cách khác, Liên Âu có dân số hơn 510 triệu, một năm sản xuất hơn 18 ngàn 450 tỷ đô la, còn hơn Hoa Kỳ chỉ có 18 ngàn tỷ với dân số thấp hơn gần 200 triệu người, nhưng vẫn chi rất nhiều cho ngân sách quốc phòng. Khác biệt căn bản ấy giải thích vì sao thành viên Âu Châu của NATO đóng góp rất ít cho ngân sách chung và ngoài Anh Quốc còn giữ được cam kết là tối thiểu 2%, các thành viên kia đều uể oải với nhiệm vụ phòng thủ chung. Mà bên trong, ngần ấy quốc gia đều không có khả năng tác chiến, với trang bị lạc hậu, quân số ít ỏi, chưa thể hành động khi có nhu cầu. Thật ra, Âu Châu hiếu hòa cứ trông cậy vào hệ thống quân sự của Hoa Kỳ và còn ban phát những lời khuyên răn về đạo đức cho nên mới bị Donald Trump rủa xả và hăm dọa.
Không đợi tới khi Donald Trump lên tiếng, các giới chức quân sự của Chính quyền Obama nhiều lần than phiền về sự kiện bất thường ấy.
Đã vậy, bên trong Âu Châu, các thành viên NATO không cùng nhìn chung một hướng.
Nếu các nước Đông Âu, nhất là trong Nhóm Visegrad gồm Ba Lan, Hung, Cộng hòa Tiệp và Slovakia còn quan tâm đến nhu cầu phòng thủ vì nằm dưới tầm đạn của Liên bang Nga, và nghĩ đến việc hợp tác cùng ba nước Cộng hòa vùng Baltic và các nước Bắc Âu để lập thế liên thủ, các nước Tây Âu lại đánh giá Liên bang Nga như một khách hàng. Trong khi đó, các nước Nam Âu vẫn chưa thể tổ chức được một hệ thống quân sự có thể bảo vệ an ninh tại miền Nam tiếp cận với Địa Trung Hải và Trung Đông.
Gần đây, Liên Âu bị khủng hoảng vì việc một cột trụ Âu Châu, và cột trụ của NATO, là Anh Quốc quyết định triệt thoái khỏi Liên Âu. Ngay sau đó, một cường quốc thành viên của NATO là Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Turkey đã phát huy chủ nghĩa quốc gia sau vụ đảo chánh ngày 15 Tháng Bảy, và nay đang cải thiện quan hệ với Liên bang Nga, cũng vì quyền lợi của mình giữa cơn lúng túng của vị trường tràng NATO là Hoa Kỳ!
Trước khi có Donald Trump om xòm về NATO, Tháng Bảy vừa qua, Chính quyền Obama đã kín đáo than phiền với lãnh đạo Âu Châu, rằng vụ khủng hỏang Liên Âu sẽ gây vấn đề cho NATO. Nghĩa là cho NATO của nước Mỹ.
Ngày nay, các thành viên NATO đang gặp hai mối nguy là Liên bang Nga và tổ chức khủng bố xưng danh Nhà nước Hồi giáo mà chưa thể phối hợp chánh sách ứng phó cho cả tập thể vì các nước Âu Châu nhìn ra bốn hướng. Họ muốn xẻ lá chắn làm nhiều mảnh vì những ưu tiên riêng. Vì vậy, dù có Trump hay không, Hoa Kỳ vẫn phải thực tế xét lại vai trò và chức năng của NATO. Minh ước này vẫn giữ vai trò tượng trưng, theo kiểu ăn nói ngoại giao và tượng trưng của Hillary Clinton, nhân vật tiêu biểu của phần tử ưu tú trong trật tự đã tan rã.
Còn chức năng thực tế thì có thể là kết quả của nhiều thỏa thuận song phương giữa nước Mỹ với từng nhóm thành viên. Và sau một nhiệm kỳ Tổng thống, nước Mỹ sẽ phải có một quốc sách an ninh không còn NATO là cái trục nằm giữa.
Trật tự thế giới của 70 năm qua đang bị đảo lộn. Donald Trump chỉ là kẻ tri hô chỉ chỏ mà thôi.