Mới đây tôi có dịp đọc bài “Một Dịp Để Suy Nghĩ Về Hoà Giải Dân Tộc”. Nội dung bài này có ý nhắn những người Cộng Sản Việt Nam hay nghĩ tới Hoà Giải Dân Tộc. Nếu không họ sẽ bị đào thải như người Pháp phải trải qua sau Cách Mạng Pháp 1789.
Đọc bài này xong, một người bạn vong niên bình luận như sau: “Bài này đầu Ngô mình Sở”. Tôi thâm nghĩ muốn thuyết phục người đọc theo ý kiến của mình, người viết cần dùng những dẫn chứng lịch-sử chính xác, những lý luận khúc triết thì mới mong ảnh hưởng người đọc.
Tôi viết bài này với mục-đích nêu lên những yếu điểm trong bài viết của ông Kiểng. Xin để độc giả lấy phán quyết cuối cùng và kiểm chứng xem ông Kiểng có lý và tôi có phải là người bới lông tìm vết hay không.
Tôi xin chép lại bài của ông Kiểng trước và sau đó sẽ trình bày từng nhận xét của tôi về bài này.
Xin độc giả đọc bài của ông Kiểng trước:
Một dịp để suy nghĩ về hòa giải Dân tộc
Nước Pháp vừa trải qua một ngày quốc khánh quatorze juillet buồn. Ba ngày trước họ thua Bồ Đào Nha trong trận chung kết giải vô địch bóng đá Châu Âu 2016. Sáng 14/7 Paris mưa lâm râm. Số người tụ tập hai bên đại lộ Champs Elysées xem duyệt binh ít hẳn đi. Buổi tối lại xảy ra một vụ khủng bố kinh hoàng tại Nice, thành phố bờ biển lớn nhất và đẹp nhất của Pháp, làm chết gần một trăm người và làm bị thương gần hai trăm người. Cả nước Pháp bàng hoàng trong tang tóc.
Hành động khủng bố điên khùng và ngu xuẩn này đã làm nước Pháp mất đi một cơ hội lớn. Nếu chỉ có sự thất bại trong giải vô địch Euro 2016 thôi thì sự cụt hứng làm ngày quốc khánh không tưng bừng như mọi năm có lẽ đã cho người Pháp một dịp để bình tâm nghĩ lại cuộc Cách Mạng 1789 của họ, mà ngày 14/7 được coi là cao điểm và được chọn làm ngày quốc khánh. Cho tới nay tôi có cảm tưởng rằng đa số người Pháp vẫn từ chối suy nghĩ một cách đúng đắn về cuộc Cách Mạng 1789. Nó không vinh quang và đáng tự hào như họ tưởng.
Tôi sống ở Pháp đã hơn bốn mươi năm và vẫn không hiểu nổi tại sao người Pháp vẫn tưng bừng kỷ niệm ngày 14/7 như một ngày vui và cuộc Cách Mạng 1789 như một biến cố đáng mừng và tự hào. Càng không hiểu vì khi tôi nói với các bạn Pháp, kể cả trí thức, rằng cuộc Cách Mạng 1789 đã rất tai hại, nhất là cho nước Pháp, thì họ đồng ý ngay. Hình như có một sự vô tình lãng quên một điều hiển nhiên. Cuộc Cách Mạng 1789 có lẽ còn phức tạp hơn cả toàn bộ phần còn lại của lịch sử Pháp, dù Pháp là một trong những nước có lịch sử lâu đời nhất thế giới, với những di tích lịch sử có giá trị nghệ thuật rất cao từ hàng chục nghìn năm. Đã có hàng trăm cuốn sách về Cách Mạng 1789 nhưng vẫn chưa đủ. Người ta vẫn chưa đồng ý về những gì đã xảy ra và về nguyên nhân, hậu quả cũng như ý nghĩa của chúng. Tuy vậy tôi có thể quả quyết ngay một điều là chỉ có người Pháp coi cuộc cách mạng này là vinh quang và người Việt Nam chúng ta có lẽ cũng tin như vậy do quá trình tiếp xúc với người Pháp. Tôi đã có dịp sang các nước Châu Âu tiếp giáp với nước Pháp, kể cả hai lần vào đúng ngày 14/7, và hoàn toàn không thấy họ tôn vinh cuộc cách mạng này.
Nhưng trước hết hãy nhìn lại cuộc Cách Mạng Pháp.
Nếu muốn nói một cách thật vắn tắt thì đó là một giai đoạn kéo dài hơn mười năm, từ đầu hè 1789 đến cuối năm 1799 khi Napoléon thâu tóm quyền lực và thiết lập chế độ độc tài rồi xưng hoàng đế. Giai đoạn này cực kỳ phức tạp, chúng ta chỉ có thể nhắc lại vài nét chính. Trước hết cuộc cách mạng này không khai sinh ra kỷ nguyên dân chủ như nhiều người Pháp tự hào. Đúng là cùng với cuộc cách mạng Hoa Kỳ trước đó 13 năm, năm 1776, nó đã góp phần khởi động làn sóng dân chủ thứ nhất đánh đổ các chế độ quân chủ tuyệt đối đặt nền tảng trên thần quyền nhưng khái niệm dân chủ đã có từ rất lâu trước đóvà đã được trình bày một cách thuyết phục bởi nhiều nhà tư tưởng, đặc biệt là John Locke (1632 – 1704) từ hơn một thế kỷ trước. Trong suốt thế kỷ 18, được gọi là Thế Kỷ Ánh Sáng do sự nở rộ của tư tưởng, văn hóa và khoa học, nó đã tiến những bước lớn và vững chắc khác. Hai chế độ dân chủ cũng đã ra đời tại Anh và Hòa Lan từ thế 17. Và nền dân chủ Hoa Kỳ đã ra đời năm 1776, nghĩa là 13 năm trước đó. Tất cả những nền dân chủ này đều bền vững và liên tục tự cải thiện. Cuộc cách mạng 1789 của Pháp, trái lại, sau mười năm tàn sát đẫm máu đã giúp cho Napoléon Bonaparte thiết lập chế độ quân chủ.
Người Pháp tự hào với bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền ra đời trong cuộc Cách Mạng 1789. Một tự hào chủ quan vì trước đó nhân quyền đã được long trọng khẳng định trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ. Bản Tuyên Ngôn 1789 của Pháp còn yếu hơn ở chỗ nó không phân biệt nhân quyền, một giá trị nền tảng và phổ cập, với dân quyền một qui định chính trị trong nội bộ một quốc gia và một chế độ.
Cuộc Cách Mạng 1789 đã rất khốc liệt và đẫm máu cho nước Pháp và cho cả Châu Âu nói chung. Những người cách mạng Pháp đã tàn sát thẳng tay đồng bào họ, mới đầu là thành phần quí tộc và hàng giáo phẩm Công Giáo cao cấp, sau đó đến hàng giáo phẩm cơ sở mà một phần không nhỏ lúc đầu ủng hộ cách mạng, rồi họ đập phá các nhà thờ và cấm đạo Công Giáo. Sau giáo hội Công Giáo đến lượt các thành phần dân chúng bày tỏ sự bất mãn cũng bị coi là phản cách mạng và bị tàn sát.
Sau cùng là sự tàn sát lẫn nhau giữa các khuynh hướng trong chính hàng ngũ cách mạng. Để có một ý niệm ta có thể dẫn hai thí dụ: một là giai đoạn được gọi là Kinh Hoàng (La Terreur), trong đó trong vòng không đầy hai năm chính quyền cách mạng của Robespierre và Saint Just đã xử tử hơn 100.000 người, trong đó 17.000 bị chặt đầu bằng máy chém. Hai là cuộc nổi dậy của nông dân vùng Vendée trong đó hơn 200.000 người bị giết. Những người cách mạng Pháp không chỉ tàn sát đồng bào họ và tàn sát nhau, họ còn giao chiến với tất cả các nước khác tại Châu Âu. Phải nói là nước Pháp lên cơn điên. Và cũng không phải chỉ có thế, Cách Mạng 1789 còn mở đường cho Napoléon thiết lập chế độ quân chủ và gây chiến với tham vọng làm bá chủ toàn Châu Âu.
Tổng cộng nó đã làm thiệt mạng hơn 6 triệu người, nghĩa là sấp sỉ 10% dân số Châu Âu vào lúc đó. Trái với một định kiến đã in sâu vào trong trí tuệ của người Pháp, cuộc Cách Mạng Pháp không chỉ là cuộc cách mạng dân chủ và nhân quyền. Nhân quyền còn ý nghĩa gì khi nhân mạng bị coi thường, khi người ta có thể hành quyết 300 người mỗi ngày chỉ vì họ phát biểu một ý kiến hay biểu lộ một thái độ bị coi là “phản cách mạng”? Khát vọng dân chủ quả nhiên đã là một động cơ của Cách Mạng 1789 nhưng không phải là động cơ duy nhất và cũng không phải là động cơ mạnh nhất. Động cơ mạnh nhất là chủ nghĩa lãng mạn (romantisme), một trường phái tư tưởng xuất phát từ đầu thế kỷ 18 mà biểu tượng nổi bật là Jean Jacques Rousseau. Trường phái này coi cảm súc là tất cả và tìm kiếm cảm súc mạnh bằng mọi giá, kể cả và nhất là bằng bạo lực. Chính chủ nghĩa lãng mạn, chứ không phải dân chủ và nhân quyền, đã hướng dẫn cuộc Cách Mạng Pháp 1789 và biến nó thành một biển máu (*).
Dĩ nhiên Pháp đã chịu tổn thất nặng nhất, quá nặng đến nỗi không gượng dậy được nữa. Trước Cách Mạng 1789 Pháp là cường quốc số 1 trên thế giới, vượt rất xa tất cả các nước khác. Giờ đây Pháp chỉ còn là một cường quốc trung bình và trong tương lai rất có thể sẽ chỉ còn là một nước trung bình. Một thế kỷ trước tiếng Pháp được coi là ngôn ngữ chuẩn của thế giới. Ngày nay tiếng Pháp chỉ còn được khoảng 3% dân số thế giới, sử dụng. Nước Pháp liên tục suy thoái so với các nước khác mặc dù có những tiềm năng địa lý và nhân văn cao hơn hẳn.
Lý do là những vết thương của cuộc Cách Mạng 1789 đã quá nặng và vẫn chưa lành sau hơn hai thế kỷ. Người Pháp vẫn còn chia rẽ trầm trọng. Các đảng đối lập chống lại mọi quyết định của chính quyền, kể cả những quyết định mà nếu họ cầm quyền chính họ cũng phải lấy. Công nhân đấu tranh đòi tăng lương ngay cả khi công ty đang nguy ngập, hơn nữa lại luôn luôn đấu tranh bằng những phương pháp gây thiệt hại nặng nhất cho công ty để buộc chủ nhân phải nhượng bộ thật nhanh. Pháp hiện là nước duy nhất trên thế giới mà các nghiệp đoàn khi đòi được thỏa mãn một yêu sách có thể tự cho phép chặn đường để gây tắc nghẽn giao thông, phong tỏa các kho hàng để làm tê liệt nhiều hoạt động kinh tế và xã hội khác. Ở tất cả mọi quốc gia những hành động này bị coi là phạm pháp và bị trừng phạt, nhưng người Pháp lại coi là bình thường ngay cả khi chính họ chịu thiệt hại, bởi vì chính họ cũng đã từng làm như thế.
Pháp cho tới bây giờ vẫn còn là một bí ẩn : tại sao một nước có lãnh thổ lớn, khí hậu tốt, vị trí tuyệt vời, tài nguyên dồi dào, đất đai phì nhiêu, trí tuệ cao, con người thông minh và siêng năng, văn hóa phong phú mà không vượt nổi các các nước châu Âu khác, không những thế còn thua sút dần? Lý do là vì người Pháp không có ước vọng xây dựng và chia sẻ với nhau một tương lai chung. Lòng yêu nước của người Pháp chủ yếu chỉ là niềm tự hào về một quá khứ huy hoàng. Vết thương của cuộc Cách Mạng 1789 vẫn chưa lành vì người Pháp đã không thực hiện hòa giải dân tộc sau đó. Đã không có phục hồi danh dự và công lý cho các nạn nhân; cuộc Cách Mạng 1789 dù đã làm hàng triệu người chết oan và khiến nước Pháp kiệt quệ vẫn còn được các chính quyền long trọng kỷ niệm như một này vui. Vẫn có duyệt binh rầm rộ, ca nhạc, khiêu vũ, pháo bông v.v. khắp nơi. Quốc kỳ của Pháp vẫn là lá cờ của Cách Mạng 1789, quốc ca của Pháp vẫn là bài La Marseillaise rùng rợn kêu gọi dân Pháp “Tiến lên! tiến lên! Để máu hôi tanh tràn ngập ruộng đồng!”. Tại sao? Mới đầu có lẽ do sai lầm hoặc áp lực từ cánh tả, nhất là Đảng Cộng Sản Pháp bởi vì một trong những quái thai của sự giao cấu giữa ý niệm dân chủ và chủ nghĩa lãng mạn trong Cách Mạng 1789 là chủ nghĩa cộng sản. Sau đó vì các chính quyền sợ khơi lại một thảm kịch hoặc cho rằng thời gian đã làm xong công việc của nó, và cố tự thuyết phục mình rằng cứ để các sử gia làm công việc của họ và sự vui nhộn trong ngày 14/7 cũng có tác dụng hòa hợp dân tộc. Nhưng nghĩ như vậy là sai, không thể có hòa hợp dân tộc nếu không có hòa giải dân tộc trước và hòa giải dân tộc đòi hỏi phải sòng phẳng với quá khứ. Tôi mang ơn và nợ nước Pháp rất nhiều. Nhưng lý do chính khiến tôi nghĩ nhiều về Cách Mạng 1789 là vì Việt Nam.
Hơn lúc nào hết người Việt Nam chúng ta nên suy ngẫm về bài học của cuộc Cách Mạng Pháp 1789. Từ 71 năm qua chúng ta đã sống một thảm kịch tương tự như Cách Mạng Pháp 1789 ở qui mô Việt Nam và chúng ta cũng đang đứng trước nguy cơ lặp lại một thảm kịch tương tự khác.
Trước hết cuộc Cách Mạng Tháng 8/1945 tại Việt Nam đã là một sự sao chép của Cách Mạng 1789. Cũng tàn bạo, đẫm máu dưới ảnh hưởng của phong trào lãng mạn nở rộ từ thập niên 1930. Người ta có thể nhận thấy sự tìm kiếm cảm giác mạnh trong chiến tranh và đập phá qua những bài hát rất được ưa chuộng vào lúc đó như “thề phanh thây uống máu quân thù”, hay “mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai”, hay “lúc phá hết phố phường biệt ly đời gấm hoa”. Giai đoạn Cách Mạng Tháng 8 cũng đã là một giai đoạn kinh hoàng. Hàng trăm nghìn người yêu nước hoặc vô tội đã bị ám sát hoặc thủ tiêu. Chỉ khác một điều là những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam, trước hết là ông Hồ Chí Minh, không lãng mạn như những người cách mạng Pháp năm 1789; họ chỉ lợi dụng tâm lý lãng mạn mê cuồng bạo lực của thanh niên lúc đó để tàn sát các đối thủ – những đảng viên và những người bị tình nghi là đảng viên của các đảng phái quốc gia- và thiết lập chế độ cộng sản. Và sau đó cũng là nội chiến và cũng không có hòa giải dân tộc, Cách Mạng Tháng 8 vẫn được tôn vinh như một ngày vui lớn, quốc kỳ vẫn là cờ đỏ sao vàng, quốc ca vẫn là bài Tiến quân ca, những thủ phạm của cuộc thảm sát vẫn được tôn vinh như những anh hùng dân tộc và những nạn nhân vẫn tiếp tục bị miệt thị. Kết quả là chúng ta đã chia rẽ và tụt hậu bi đát như ngày nay.
Nhưng quan trọng hơn là ngay trong lúc này chúng ta cũng đang ở trong một khúc quanh lịch sử lớn mà nếu không cảnh giác chúng ta có thể rơi vào một giai đoạn xáo trộn thảm khốc tương tự giai đoạn 1945 thay vì mở ra một kỷ nguyên dân chủ lành mạnh. Chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay rất giống chế độ quân chủ của Pháp dưới Louis 16 vào năm 1789 về bản chất: cả hai đều là những chế độ toàn trị từ lâu đã không còn lý do tồn tại và đã đến lúc phải bị đào thải nhưng những người cầm quyền không nhìn ra lối thoát.
Trước Cách Mạng 1789 nước Pháp có hai thành phần ăn trên ngồi trước là lớp quí tộc và hàng giáo phẩm Công Giáo chiếm 3% dân số, bóc lột 97% còn lại, nghĩa là quần chúng, mà họ gọi là thành phần thứ ba (le tiers Etat). Các tiến bộ về kiến thức và tư tưởng đã khiến quan hệ giữa quần chúng với hai thành phần được ưu đãi chuyển dần từ tôn sùng và nể sợ sang phản bác và thù ghét. Nhưng các vua chúa vẫn cố tình không chịu nhìn vào sự thực và tìm cách thích nghi…
Thực trạng của chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay cũng không khác, có lẽ còn tệ hơn. Thành phần đảng viên ưu đãi và tư sản đỏ chưa chắc đã được 2%; quan hệ giữa quần chúng và chính quyền từ lâu đã chuyển từ ngưỡng mộ và sợ hãi sang chán ghét và thù ghét, gần đây nó trở thành khinh bỉ và căm thù, nhất là sau khi sự lệ thuộc hổ nhục vào Trung Quốc bị phơi bày, từ mật ước Thành Đô đến vụ cá chết ở miền Trung qua những làm mất biển đảo, rừng đầu nguồn, Bôxit Tây Nguyên v.v. Và người ta cũng không còn giấu giếm sự phẫn nộ. Đảng Cộng Sản đã mất hết sự chính đáng, dù là về lý tưởng hay thành tích. Không còn ai có thể hãnh diện vì là đảng viên hay quan chức cộng sản, nhiều người bắt đầu cảm thấy xấu hổ. Chỉ cần một chút sáng suốt thôi những người lãnh đạo cộng sản cũng phải nhìn thấy tình trạng tuyệt vọng của chế độ, nhưng họ chỉ biết đáp lại sự phẫn nộ của nhân dân bằng đàn áp và thách thức.
Người ta thường nói cuộc Cách Mạng 1789 đã xảy ra là vì vua Louis 16 cạn kiệt ngân sách sau khi yểm trợ cuộc chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ nên phải triệu tập Đại Hội Quốc Dân (Etats Généraux) với hy vọng tăng thuế, nhưng Đại Hội Quốc Dân họp trong bối cảnh bất mãn lên cao nên đã nhanh chóng biến thành Hội Đồng Cách Mạng. Nhưng đó chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn một ly nước đã đầy. Lý do thực sự là chế độ quân chủ chuyên chế thần quyền đã hết thời và các vua nước Pháp đã không chịu thích nghi. Thế kỷ 18 được gọi là Thế Kỷ Ánh Sáng vì sự nở rộ của các luồng tư tưởng khai phóng, điển hình là nhóm Bách Khoa của d’Alembert và Diderot, hay Rousseau, Voltaire và nhiều người khác. Họ đã làm thay đổi trí tuệ và tâm hồn của nước Pháp sau một cuộc phấn đấu dũng cảm và kiên trì. Ý thức hệ Thiên Chúa Giáo đã lung lay và không thể làm nền tảng cho chế độ quân chủ tuyệt đối được nữa. Mặt khác những tiến bộ về công nghiệp và nông nghiệp cũng khiến quần chúng sung túc hơn và có sức mạnh hơn trước. Không chỉ tư tưởng đã thay đổi mà so sánh lực lượng cũng thay đổi. Và vì chế độ quân chủ không chịu thích nghi với tình huống mới, như chuyển hóa thành quân chủ lập hiến chẳng hạn, nên quan hệ giữa nhân dân và nhà vua chuyển dần từ sủng aí tới dửng dưng, rồi thù ghét vì tham nhũng và bóc lột. Sự tàn bạo của Cách Mạng Pháp 1789 đã nhắc lại một sự thực không ngừng được lặp lại trong lịch sử thế giới là một thay đổi bắt buộc phải đến mà bị trì hoãn quá lâu sẽ rất dữ dội khi cuối cùng vẫn phải đến.
Tình trạng của chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay cũng không khác. Chế độ cũng đang rất túng thiếu, chưa biết có thể vay ai hay tìm đâu ra tiền. Sự phá sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng nếu vì thế mà chế độ này sụp đổ thì đó cũng sẽ chỉ là giọt nước làm tràn ly. Lý do thực sự là chế độ cộng sản này không còn bất cứ lý do nào để tiếp tục tồn tại. Những tiến bộ dòn dập về giao thông và truyền thông đã mở cửa Việt Nam ra với thế giới và đem thế giới tới Việt Nam. Con người Việt Nam đã thay đổi hẳn. Chủ nghĩa Mác-Lênin không còn là đỉnh cao trí tuệ đối với ai mà chỉ còn là một sự nhảm nhí đẫm máu đối với mọi người. Những dối trá đã bị lật tẩy, những tội ác đã bị phơi bày và các vĩ nhân của Đảng, kể cả Hồ Chí Minh, đã hiện nguyên hình là những con người thiển cận, khi không vừa thiển cận vừa gian ác, duới mắt mọi người Việt Nam, trừ một số người già. Không những thế tương quan lực lượng cũng đã thay đổi, người dân ngày nay không còn lệ thuộc vào chính quyền trong những nhu cầu sinh sống hàng ngày. Họ không chỉ khinh bỉ và căm thù chính quyền mà còn có sức mạnh để đứng dậy. Tuy vậy chính quyền cộng sản vẫn ngoan cố và hung bạo thay vì tìm cách hạ cánh an toàn. Chúng ta đang đứng trước nguy cơ của một cuộc cách mạng dữ dội không khác Cách Mạng Tháng 8/1945, nhưng lần này Đảng Cộng Sản không phải là thủ phạm mà sẽ là nạn nhân.
Phải rất cảnh giác. Nếu chúng ta không thực hiện hòa giải dân tộc và để cho thù hận nổ bùng thì một lần nữa chúng ta sẽ lại rơi một thảm kịch tương tự như nước Pháp sau 1789. Chỉ khác một điều là Pháp lúc đó là cường quốc mạnh nhất thế giới vượt xa tất cả các quốc gia khác nên dù có đổ vỡ lớn và chia rẽ sau đó cũng vẫn là một nước giầu mạnh và tiếp tục tồn tại. Đó không phải là trường hợp của chúng ta. Chúng ta đã quá tụt hậu rồi, suy thoái hơn nữa đồng nghĩa với thua kém vĩnh viễn. Và trong thế giới toàn cầu hóa này, khi khái niệm quốc gia đang bị xét lại rất gay gắt, thua kém vĩnh viễn tất nhiên dẫn tới giải thể quốc gia.
Mặt khác vũ khí cầm cự chính hiện nay của thành phần thủ cựu ngoan cố trong ban lãnh đạo cộng sản là khai thác sự lo sợ của các đảng viên cộng sản rằng sẽ có trả thù báo oán dữ dội nếu chế độ không còn. Chúng ta phải vô hiệu hóa vũ khí này bằng một khẳng định thật dứt khoát rằng cuộc vận động dân chủ không hề nhắm tiêu diệt hay hạ nhục một ai vì tinh thần chỉ đạo của nó là hòa giải và hòa hợp dân tộc. Hòa giải và hòa hợp dân tộc là đáp án cho cả hai bài toán thiết lập dân chủ và giữ nước.
(Paris – tháng 7 -2016)
Và sau đây là những nhận xét của tôi:
Trước khi tr bình luận bài viết của Nguyễn Gia Kiểng, ta cần thận trọng vì cách viết của ông ta có khả năng quyến rũ nhiều người. Vì lý do nói trên, tôi xin độc giả cho tôi liệt kê những sách tham khảo trước. Không phải sau khi tôi đọc bài của ông Nguyễn Gia Kiểng rồi mới vội vàng lấy sách ra tra khảo. Những sách này tôi đã có từ lâu. Có sách tôi học từ hồi Trung Học. Sang tới Mỹ tôi sưu tập nhiều sách lịch sử Pháp. Hồi còn trung học, sở trường của tôi không phải là Toán học ( vừa phải đủ đậu) mà là văn chương Pháp và lịch sử Pháp. Sắp sẵn trước sách tham khảo để độc giả khi đọc sẽ thấy tôi đánh số thì biết lấy ở đâu.
1.Histoire de la France, Pierre Miguel, Ed Fayard 1976
2.Révolution Française, 2 tomes de Max Gallo; Ed XO 2008
3. Collection littéraire Lagarde Michard XIXè siècle Ed Bordas: 1973.(Bộ sách này ai cũng phải học từ thời Trung Cổ cho đến thế kỷ 20. Cuốn này để chứng minh ông đã viết sai mấy chục năm khi nói Jean-Jacques Rousseau thuộc chủ nghĩa lãng mạn)
4. Citizens, A Chronicle of the French Revolution by Simon Schama, Ed. Alfred Knopf, New York 1989
5. 1776, Simon Schuster New York ( downloaded to Kindle)
6. Alexis de Tocqueville, oeuvres; chapter 2. L’ancien régime et la Révolution. Sách này có thể lấy xuống Kindle không tốn tiền.
7. The Quartet, Orchestrating the Second Amercian Revolution, Joseph J. Ellis
8. The Federalist Papers, Alexander Hamilton (downloaded to Kindle, cost 99 cents)
9. Marx et l’hypothèse communiste, philosophie du progrès. Luc Ferry CD audio. Mua qua Amazon.fr
10. Le Romantisme contre les Lumières: Luc Ferry CD audio:
Tôi liệt kê như vậy để nếu có ai có câu hỏi, tôi có thể trả lời chi tiết. Tôi chỉ trích dẫn những sách tôi đã đọc. Còn trăm vạn sách nói về Cách Mạng Pháp khác nữa.
Quan niệm về những biến chuyển lịch sử thay đổi với thời gian và tuỳ theo cá nhân đọc và cảm nhận. Không hoàn toàn như Toán học. Tuy nhiên có nhiểu điều căn bản, không thể muốn viết thế nào thì viết.
Một người bạn của tôi phê bình bài ông Nguyễn Gia Kiểng là “đầu Ngô mình Sở”. Tôi nhận thấy có khá nhiểu chi tiết không chính xác cùng với nhiều ý mâu thuẫn ngay trong bài, trước nói A, phần sau nói B. Thượng hạ bất nhất. Ngoài ra ông lại có nhiều ý kiến “độc đáo” về Cách Mạng 1789 Pháp. Tôi không dùng từ “độc đáo” với ý nghĩa thông thường là đặc biệt, độc nhất vô nhị chỉ có ông mới nghĩ ra. Tôi dùng từ “độc đáo với nghĩa “không giống ai”, chẳng dựa vào sách vở.
1. Cuộc cách mạng này không khai sinh ra kỷ nguyên dân chủ như nhiều người Pháp tự hào. Đúng là cùng với cuộc cách mạng Hoa Kỳ trước đó 133 năm, 1776. Nó chỉ góp phần khởi động làn sóng dân chủ….
Nhiều người không quen với The American Revolution, có định kiến sai lầm về chữ Revolution mà người Mỹ đã lạm dụng. 1776 không phải là cuộc cách mạng đổi đời do các yếu tố xã hội kinh tế dẫn đến. Nó trước tiên chỉ là cuộc chiến đánh đuổi kẻ ngoại xâm là người Anh, quyền lợi của vua Anh và Quốc Hội Anh đánh thuế họ ngập đầu. Sau khi thành công đuổi được quân Anh, có hai khuynh hướng trong chính giới Mỹ: nhiều người không muốn Hoa Kỳ trở thành một Quốc Gia thuần nhất gồm 13 Tiểu Bang nhập lại mà là những Tiểu Bang có quyền riêng, chính phủ riêng như 13 quốc gia riêng biệt. Virginia là nước Virginia, Maryland là quốc gia Maryland v…v…(7, 8). Bốn nhân vật chính, Georges Washington, James Madison, Alexander Hamilton, và John Jay hợp sức, mưu mô, thuyết phục các Tiểu Bang hợp lại, lập quốc lấy tên Hiệp Chúng Quốc [United States of America]. Người Mỹ lại gọi là Second Revolution nhưng nó cũng không đúng với định nghĩa thật của Cách Mạng. Định nghĩa của Cách Mạng theo Tự Điển THE RANDOM HOUSE DICTIONARY: an overthrow or repudiation and the thorough replacement of an established government or political system by the people governed. Sociol: a radical and pervasive change in society and the social structure, especially one made suddenly and often accompanied by VIOLENCE.
Theo định nghĩa trên, Cách mạng Hoa-kỳ chưa đáp ứng đúng tiêu chuẩn. Xã hội Hoa-Kỳ, kinh tế Hoa-Kỳ và đời sống người dân sau 1776 không khác trước khi còn là thuộc địa của Anh là bao. Cách mạng Pháp thì khác hẳn trước và sau 1789 (5,6). Cách mạng Sô Viết cũng vậy. Tuy nhiên ta có thể biện luận là Lenin chỉ làm một Coup d’Etat lật đổ chính phủ Kadinsky. Nhưng dù sao, đời sống người Nga, kinh tế Sô Viết khác hẳn với đời sống trước kia dưới thời Nga Hoàng. Cả hai cuộc Cách mạng này không có chiến tranh với ngoại quốc, mà chỉ do dân đứng lên lật đổ chính quyền và có thể tiếp theo bằng nội chiến.
Cách mạng Pháp là do tầng lớp trung lưu, lúc bấy giờ nhờ buôn bán, phát triển kỹ thuật tàu bè cho phép họ đi buôn bán khắp nơi, trở nên giàu có, nhiều khi hơn cả giới quý tộc và giới cha cố địa chủ (la noblesse et le clergé fonciers). Tuy vậy, vua vẫn không cho giới trung lưu quyền hành gì và vẫn tin cậy vào đám quý tộc và cha cố. Đó là lý do chính của cuộc Cách Mạng Pháp (5,6). Gần một thế kỷ sau, Karl Marx, người ra thuyết cổ động giới vô sản chống các ông chủ tư bản xuất thân từ đám trung lưu xưa, đã viết trong La Question juive, đả phá La Déclaration des Droits de l’Homme, sản phẩm của cuộc Cách Mạng 1789, coi đó như là một luật trói buộc con người vô sản vào kinh tế tư bản, đối với ông, một nền kinh tế không thể tồn tại vì nhiều mâu thuẫn, và qua đó trói buộc vô sản vào với chủ nhân ông. Bài xã luận này của Marx bị Alexis de Tocqueville và các nhà kinh tế học coi như là một sản phẩm tưởng tượng đầy sai lầm của Marx (9).
2. Hai chế độ dân chủ cũng ra đời tại Anh và Hoà Lan…
Cả hai nước này vào thế kỷ 17 không phải là chế độ dân chủ. Anh Quốc làm cuộc cải cách từ chế độ quân chủ chuyên quyền thành chế độ quân chủ lập hiến cho đến nay (de la monarchie absolue à la monarchie parlementaire). Hoà Lan chỉ có chế độ quân chủ lập hiến từ năm 1848 cho tới nay. Ông Nguyễn Gia Kiểng nói có đi thăm các nước Châu Âu tiếp giáp với nước Pháp. Hoà Lan không tiếp giáp với nước Pháp. Bỉ tiếp giáp với Pháp. Không biết ông có đi thăm Hoà Lan không mà tuyên bố như vậy?
3. Một tự hào chủ quan vì trước đó nhân quyền đã được long trọng khẳng định trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa-Kỳ. Bản tuyên ngôn 1789 của Pháp còn yếu hơn …
Tuy khi viết La Déclaration des Droits de l’Homme, nhiều nhà cách mạng Pháp lấy cảm hứng nơi bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ nhưng không có nghĩa bản tuyên ngôn Pháp yếu hơn… như ông Nguyễn Gia Kiểng tuyên bố vì những lý do sau đây:
The American Constitution có nhiều Tu Chính Án: tu chính án 13 bãi bỏ thể chế Nô Lệ vào năm 1865, SAU TRẬN NỘI CHIẾN. Tu chính án 14 cho phép nô lệ da đen trở thành công dân vào năm 1868. Như vậy, Bản Tuyên Ngôn Hoa-Kỳ lúc ban đầu chỉ có văn nhưng không có bản chất về nhân quyền. Lý do dễ hiểu vì những người lập quốc bắt buộc phải lờ đi vấn đề Nô Lệ để không bị các Tiểu Bang miền Nam (Virginia, South Carolina) chống đối và rời bỏ Hiệp Chủng Quốc. Ngược lại, la Déclaration des Droits de l’Homme đã công nhận rõ ràng nhân quyền căn bản gồm có:
a. Tự Do (Liberté)
b. Quyền Tư Hữu (Propriété)
c, Quyền được bảo vệ an ninh (Sûreté)
d. Quyền chống lại áp bức (Résistance à l’oppression).
Những điều này đã làm nền tảng cho tất cả các văn kiện bảo vệ nhân quyền từ lúc đó cho đến nay
4. Cuộc Cách Mạng 1789 đã rất khốc liệt và đẫm máu cho nước Pháp….
Theo định nghĩa từ Cách Mạng nói ở trên, Cách mạng đồng nghĩa vơi bạo lực (violence). Nhưng thử hỏi ông Nguyễn Gia Kiểng, Cách Mạng Pháp và Cách Mạng Đệ Tam Quốc Tế, cái nào đẫm máu hơn? Nay ông mang Cách Mạng Pháp “đẫm máu” ra doạ mấy thằng Cộng Sản ở nhà, tay đầy máu. chúng nó có sợ không mà ông phải mất công viết bài này với mục đích khuyên chúng “hoà giải dân tộc”?
Ông Kiểng lấy con số 17.000 bị La Terreur chặt đầu. Ông quên không kể thêm 30.000 bị xử bắn. Ông cộng thêm 200.000 người Vendéens bị Cách Mạng Pháp giết. Ta cộng cả lại là trên dưới 250.000 người. Xin hỏi ông Kiểng, Stalin giết bao nhiều người, Mao Trạch Đông giết bao nhiêu? Hồ Chí Minh giết bao nhiêu?
5. Động cơ (động cơ cách mạng 1789) mạnh nhất là chủ nghĩa lãng mạn (romantisme), một trường phái xuất phát từ đầu thế kỷ 18 mà biểu tượng nổi bật la Jean Jacques Rousseau…
Người học sinh Trung học nào cũng biết bộ sách Collection littéraire La Garde Michard XIXè siècle trong chương Romantisme bắt đầu bằng Mme De Staël, rồi đến Chateaubriand, Lamartine v… v… Jean-Jacques Rousseau nằm trong cuốn thế kỷ 18 bắt đầu từ trang 265 cho tới trang 342 (3). Có thể coi JJ Rousseau như vào thời gọi là Préromantisme vì vài bài ca ngợi cái đẹp của thiên nhiên. Nhưng vẫn gượng gạo theo tôi. Luc Ferry trong CD Le Romantisme contre les Lumières đã đặt hẳn JJ Rousseau như đa số học giả văn chương Pháp vào thời đại Ánh Sáng (siècle de la Lumière). Dù sao tôi cũng muốn hỏi tác giả Nguyễn Gia Kiểng lấy đâu ra ý kiến: Trường phái này (Romantisme) coi cảm xúc là tất cả và tìm kiếm cảm xúc mạnh bằng mọi giá, kể cả và nhất là bằng BẠO LỰC. Ý kiến này là của tác giả lãng mạn nào viết, xin ông Kiểng cho biết? Goethe có viết về cái khoái cảm xúc mạnh bằng bạo lực hay không, thưa ông Kiểng? Lamartine, Chateaubriand v…v… ai thích và khuyến khích bạo lực? May sao, vào phần dưới của bài, ông Kiểng lại xếp Rousseau vào thế kỷ Ánh Sáng (18): Thế kỷ 18 được gọi là Thế Kỷ Ánh Sáng vì sự nở rộ của các luồng tư tưởng khai phóng điền hình là nhóm Bách Khoa của d’Alembert và Diderot, hay Rousseau…
Thượng hạ bất nhất!
6. Trước Cách Mạng 1789, Pháp là cường quốc số 1 trên thế giới…
Xin ông Kiểng nhớ lại cho là trước Cách Mạng 1789, Pháp đã hết là cường quốc số 1 trên thế giới vì Pháp đã kiệt quệ trong trận chiến 7 năm trên lục địa Âu Châu, một cơ hội cho Anh Quốc làm bá chủ, dựng nên Đế Quốc “mặt trời không bao giờ lặn” nhờ sức mạnh hải quân họ xây dựng trong khi Pháp bận bịu với chiến tranh. Pháp mất cả nhiều đất trên Thế Giới Mới (New World) trong chiến tranh lục địa Hoa-Kỳ mà người Mỹ sau gọi là The French Indian War. Viết rằng Pháp là một trong những cường quốc Âu Châu thì đúng. Tả nước Pháp là cường quốc số 1 sau thời Lữ Y XIV là sai.
7. Cuộc Cách Mạng tháng 8/1945 tại Việt Nam đã là sự sao chép của Cách Mạng 1789.
Chu choa! Đến đây thì tôi thấy ông Nguyễn Gia Kiểng lên tiếng nịnh bọn côn đồ Cộng Sản Việt Nam thấy rõ. Cộng Sản Việt Nam, dưới chiêu bài đánh Thực Dân, đã áp đặt lên đầu cổ dân Việt Nam cái gông cùm Cộng Sản Quốc Tế à la Stalin, Mao Trạch Đông. Họ chỉ “ tàn sát các đối thủ- những đảng viên và những người bị tình nghi là đảng viên của các đảng phái quốc gia…” Khi có cuộc cải cách ruộng đất, không những giết mà đập sọ nạn nhân trong các cuộc đấu tố, ông ở đâu, thưa ông Kiểng?
8. Chế độ Cộng Sản Việt Nam hiện nay rất giống chế độ quân chủ của Pháp dưới Louis XVI vào năm 1789 về bản chất…
Quân vương Lữ Y XVI nổi tiếng là người hiền lành đến nhu nhược, nể vợ, chế độ của vua Lữ Y XVI không giết người. Làm sao ông có thể so sánh với bọn Cộng Sản khát máu được?
Trên đây tôi liệt kê những sai lầm, hiểu lầm, bất đồng ý kiến, muốn chọn từ nào cũng được. Tôi xin dành để độc giả thẩm định.
Chỉ còn vài nhận xét nhỏ về người viết bài xã luận này:
Trước kia khi đọc Tổ Quốc Ăn Năn, tuy không hoàn toàn đồng ý 100% với tất cả những gì ông viết, tôi cũng thấy ông Nguyễn Gia Kiểng có nhiểu nhận xét khá đúng về xã hội Việt Nam trước 1975. Nhưng đến khi thay vì chống Cộng, ông xoay ra làm lý thuyết gia cho phong trào “hoà hợp hoà giải dân tộc”, ông đề nghị bỏ lá cờ vàng ba sọc đỏ như là hành động hoà giải thì tôi thấy ngay ông có vấn đề: ông đang nói chuyện với Cộng Sản (Cộng Sản không thèm nói chuyện với ông) về hoà hợp hoà giải. Phía bên kia chưa nhượng bộ một bước, ông đã vội vã xin bỏ lá cờ tượng trưng cho Việt Nam Cộng Hoà, nơi ông đã dung thân trong bao thập niên. Đi “hoà đàm” như vậy thì chỉ có mất cả chì lẫn chài. Hoà đàm kiểu Henry Kissinger? Để yên các sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt ở lại Việt Nam còn quân Mỹ rút chạy? Thế thì hoà đàm chỗ nào?
Ông chê Pháp, nơi ông đang trú ngụ là tụt hậu. Ông đổ tại Cách Mạng 1789. Đồng ý hoàn toàn với ông là Pháp tụt hậu. Nhưng lý do tụt hậu phức tạp hơn ông nghĩ và ở ngoài phạm vi cuộc Cách Mạng 1789. Xã Hội Chủ Nghĩa từ Jean Jaurès tới Léon Blum còn nhân bản, nhưng bây giờ đi quá xa với các Nghiệp Đoàn làm tê liệt chính quyền, số người Hồi di dân, tâm hồn người Pháp chỉ muốn làm công chức lương tháng rồi về hưu non, người Pháp thông minh nhưng lười biếng, không kỷ luật v…v… Ta có thể kể ra hàng chục lý do tại sao Pháp suy vi. Nhưng đổ tại Cách Mạng Pháp thì đúng là “đầu Ngô mình Sở”.
Nhận xét cuối cùng: ông lấy Cách Mạng Pháp ra đe thằng Cộng Sản, bảo chúng nó không chịu “hoà hợp, hoà giải”, không “thoả hiệp” rồi sẽ có cuộc cách mạng đổ máu như…Cách Mạng 1789? Ông đem Cách Mạng 1789 ra doạ thằng làm Cách Mạng Vô Sản giết người gấp ngàn, hàng chục ngàn lần người Cách Mạng 1789, làm sao nó sợ? Ông mang con dê đi doạ con hổ? Làm sao ông thành công được. Làm sao ông thuyết phục được người dân Việt.
Lịch sử có lối đi riêng của nó. Không ai đoán được. Doạ dẫm thằng Cộng Sản bằng sự đổ máu của Cách Mạng 1789, tôi nghĩ không xong. Nó không sợ ông đâu.
Vài lời chia sẻ.
Nguyễn Ngọc Khôi, MD