Những ngày gần đây, cuốn phim Cao bồi miền Tây của Mỹ The Magnificent Seven, Bẩy Chàng Dũng Sĩ quay năm 2016 được truyền thông nhắc tới rất nhiều. Phim mới chiếu và được phát hành khắp nơi trên thế giới do đạo diễn Antoine Fuqua thực hiện, dài hơn 2 tiếng tốn kém108 triệu, đã thu được 41 triệu, là phim ăn khách và có doanh thu cao nhất trong tuần. The Magnificent Seven 2016 bắt đầu được quay tại Baton Rouge, tiểu bang Louisiana ngày 18-5-2015, chiếu lần đầu tiên khai mạc Đại Hội điện ảnh Quốc tế tại Toronto, Canada ngày 8 tháng 9-2016. Nó đã quay lại (remake) cuốn phim miền Tây cùng tên năm 1960 của đạo diễn nổi tiếng John Sturges, nhà dàn cảnh này cũng quay lại từ một cuốn phim Nhật nổi tiếng Seven Samurai, Bẩy Người Hiệp Sĩ (1954) của đạo diễn Akira Kurosawa. Nội dung đề cao tinh thần diệt gian trừ bạo và sự hy sinh cao cả của bẩy chàng dũng sĩ cứu giúp người dân lương thiện đã được khán giả hoan nghênh khắp nơi.
Sự thực phim mang tên The Magnificent Seven đã được quay ba lần, lần đầu 1960 như trên, lần thứ hai vào năm 1998 (đạo diễn Geoff Murphy) và nay lần thứ ba (2016) cũng là cảnh Cao bồi miền Tây, cũng bắn súng cưỡi ngựa nhưng lối dàn cảnh mới mẻ hoàn toàn có phần sống động hơn. Bẩy Người Hiệp Sĩ của Akira Kurosawa đã được quay lại vào khoảng mười lần, đa số của Mỹ, lần gần đây nhất là Thất Kiếm (Bẩy Người Kiếm Khách) năm 2005 của Hồng Kông và Hoa Lục, đạo diễn Từ Khắc (Tsui Hark), đã được chọn chiếu khai mạc Đại hội điện ảnh Venice lần thứ 62 và cũng là phim quay lại của Seven Samurai.
Thất Kiếm là bộ phim dàn cảnh vĩ đại thu hút nhiều người xem, một trong những phim nổi đình đám nhất tại Hoa Lục, sau hai tuần chiếu đầu tiên đã thu được 61 triệu nhân dân tệ. Năm sau, 2006 họ thực hiện Thất Kiếm Hạ Thiên Sơn (Bẩy Tay Kiếm Khách Xuống Núi Thiên), đạo diễn Clarence Fok, Từ Khắc sản xuất gồm 39 tập dành cho truyền hình, dàn cảnh vĩ đại, đề tài võ sĩ đạo của Nhật đã được chuyển thành phim kiếm hiệp của Tầu.
Mặc dù giới phê bình điện ảnh Mỹ nhận định những phim quay lại của Seven Samurai không sôi nổi sống động và giá trị bằng phim chính, nhưng trên thực tế các phim quay lại rất ăn khách, nổi đình đám, doanh thu cao… trong khi phim gốc lại ít được biết tới.
Sự nghiệp điện ảnh
Akira Kurosawa được giới phê bình điện ảnh và giới làm phim Mỹ đánh giá là nhà đạo diễn lớn nhất, người có nhiều ảnh hưởng nhất tới nền điện ảnh thế giới (1), có vào khoảng hai mươi phim quay lại các tác phẩm của ông, phần nhiều của Mỹ.
Kurosawa sinh ngày 23-3-1910 tại Đông Kinh mất ngày 6-9-1998. Trong số các nhà đạo diễn nổi tiếng của Nhật thập niên 50 như Kinugasa, Mizoguchi, Kon Ichikawa.. chỉ có Akira Kurosawa được Tây phương ngưỡng mộ. Sự nghiệp làm phim của ông bắt đầu từ 1942 tới năm 2000 đã hoàn thành gần 30 cuốn xếp theo vần a, b, c như sau:
Bad sleep well (1960), Dersu (1975), Do Des Kadess (1970), Akira’s Dream (1990), Drunken Angel (1948), Hidden Fortress (1958), High and Low (1962), Live in Fear (1967) Idiot (1951), Ikiru (1952), Kagemusha (1980), Kurosawa noir (1942-62), Lower Depth (1957), Madayo (2000), Men Who Tread on Tiger Tail (1945), No Regret for Your Youth (1946), One Wonderful Sunday (1947), Quiet Duel (1949), Ran (1985), Rare Kurosawa (1948-55), Rashomon (1951), Rhapsody in August (1993), Sanjuro (1962), Sanjuro Sugata (1943), Scandal (1950), Seven Samurai (1954), Stray Dog (1949), Throne of Blood (1957), Yojimbo (1962).
Số phim của Akira được chọn chiếu tại ngoại quốc chỉ vào khoảng trên mười cuốn, phần nhiều được giải thưởng quốc tế hoặc giải Oscar, tôi đã được xem một số đầu thập niên 60 tại Việt Nam còn lại xem tại hải ngoại. Trong mười phim được coi là hay nhất mọi thời đại, Nhật đã có 3 hoặc 4 cuốn, riêng Kurosawa đã có hai cuốn Rashomon và Seven Samurai (2)
Xin sơ lược
-Rashomon, quay năm 1951, tài tử Toshiro Mifune, Machiki Kyo. Hồi ấy hãng Daiei miễn cưỡng nhận thực hiện cuốn phim này, họ cho là câu chuyện lẩm cẩm, khó hiểu, nhưng khi đi dự Đại hội điện ảnh Venice đã đoạt Sư tử vàng và sau đó được giải Oscar của Hàn lâm Viện Mỹ. Phim thành công vẻ vang, người Tây phương bắt đầu chú ý tới điện ảnh Nhật sau Rashomon. Mặc dù Akira Kurosawa được ca ngợi tại ngoại quốc, nhưng trong nước ông lại bị người Nhật chê bai (theo Allan Hunter trong cuốn Movie classics), họ nói là ông đưa những cảnh nghèo nàn lạc hậu của Nhật khiến người ta hiểu lầm về đất nước mình.
…Chuyện một vụ án mang không tìm ra sự thật, một võ sĩ đạo cùng cô vợ trẻ đẹp đi ngang qua khu rừng, vợ bị tên đạo tặc hãm hiếp, người chồng bị đâm chết .. lời khai của các nhân chứng trước công quyền khác nhau, không tìm ra sự thật. Một đề tài mới lạ, lối làm phim độc đáo khác thường sâu sắc mang nhiều ý nghĩa về tâm, lý bản chất ích kỷ của con người. Ai cũng che dấu một phần nào sự thật chỉ thể hiện những điều có lợi cho mình
Một cái nhìn bi quan về sự thực trên cõi đời. Phim ảnh nghệ thuật để giải trí cũng vừa để chúng ta học hỏi vì nó phản ảnh trung thực cuộc sống, nó cũng chính là cuộc đời.
Truyện hay, diễn xuất điêu luyện, được đánh giá là kiệt tác phẩm hoàn chỉnh và được xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại theo ý kiến các nhà đạo diễn quốc tế năm 1992 (Sight and Sound international film director poll 1992) (3) cuốn phim được ca ngợi khắp mọi nơi từ xưa tới nay, một thành công rực rỡ của nghệ thuật thứ bẩy, nó thể hiện nhiều bản chất của con người: ích kỷ, tàn bạo, phản bội, tình thương…
-Bẩy Người Hiệp Sĩ (Seven Samurai), Hãng Toho, quay năm 1954, tài tử Takashi Shimura, Toshiro Mifune. Đây là cuốn phim được người Mỹ quí trọng và ca ngợi nhiều nhất, cũng đã được xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại. Akira Kurosawa được Tây phương coi như nhà đạo diễn hàng đầu về dàn cảnh chiến trận sinh động như tại đây.
….Nước Nhật thế kỷ thứ 16, giặc giã cướp bóc nổi lên như ong. Tại một thôn làng nghèo, hẻo lánh, bọn thảo khấu gồm bốn mươi tên bắt dân làng phải cống nạp cho chúng hết lúa gạo vào cuối vụ mùa. Bô lão và dân làng không chịu khuất phục, họ cử người đi thuê võ sĩ đạo giúp làng chống giặc.
Bẩy người hiệp sĩ đến tham gia, họ được bao cơm ăn cho tới khi hết chiến dịch, giúp dân làng đào hào, đắp lũy chống bọn thảo khấu, thắng trận vẻ vang, bọn chúng bị tiêu diệt, phía bẩy chàng hiệp sĩ chỉ có vài người sống sót.
Cuốn phim đề cao tinh thần bất khuất không chịu đầu hàng bạo lực, ca ngợi sự hy sinh của những anh hùng diệt gian trừ bạo.
-Ngai Vàng Đẫm Máu (The Throne of Blood), quay năm 1957. Akira dựa theo vở kịch Macbeth của Shakespeare để làm phim này qua khung cảnh nước Nhật. Mặc dù lấy đề tài bên Tây phương nhưng ông dựng lại rất khéo, y hệt như một giai đoạn chinh chiến trong lịch sử Nhật mà không thấy vết tích ngoại lai. Akira làm hay hơn phim Macbeth của Mỹ nhiều, tôi xem nửa chừng phải bỏ dở vì nó cổ lỗ sĩ và vì quay sát vở kịch.
…Một vị tướng quân nhiều tham vọng, bị bà phu nhân xúi dục lại tin vào tiên tri, ông đã sát hại Lãnh chúa để hy vọng đoạt ngôi. Vì tin vào thầy bói và bà vợ nên ngày càng sa lầy trong vũng máu của tội ác, ông đã chém giết các Tướng lĩnh khác và giết cả bạn bè .. để lên ngôi lãnh chúa. Cuối cùng Tướng quân phải đền tội, chính quân lính của ông quay lại xử ông, Tướng quân chết với tên cắm đầy mình như lông nhím.
Phim hay, giới phê bình cho rằng Đông Tây cũng giống nhau, cảnh đẹp, nhuốm màu tàn bạo. Toshiro Mifune diễn xuất điêu luyện.
-Thành Trì Ẩn Khuất (Hidden Fortress), quay 1958, rạp xi nê Sài Gòn hồi xưa dịch là Gái Thời Loạn (La Forteress Cachee). Các tài tử chính Toshiro Mifune, Misa Uehara, đoạt giải Sư tử bạc tại Đại hội Venice.
…Một viên Tướng soái trung thành với triều đại suy vong, ông phò một cô công chúa băng qua khu rừng hoang phế đến chốn bình an. Toshiro Mifune dũng mãnh, oai phong trong vai một Tướng soái võ nghệ cao cường, một mình trên lưng ngựa đối chọi cả bầy địch thủ. Misa Uehara trong vai cô công chúa dễ thương, lưng ong tha thướt. Nghệ thuật vững vàng, bố cục gọn, một cuốn phim giá trị nhưng ít được nhắc đến
-Yojimbo. Quay năm 1962, được giải thưởng nam diễn viên xuất sắc tại Venice. Tài tử Toshiro Mifune
…. Năm 1860 chế độ phong kiến Nhật sụp đổ, xuất hiện một giai cấp mới: trung lưu. Một hiệp sĩ Samurai thất nghiệp lang thang đến một tỉnh nhỏ tìm việc làm cận vệ, đánh thuê. Hai gia đình băng đảng Ushi-Tora và Seibei kình địch nhau, họ nuôi nhiều lâu la chờ giết hại nhau.
Họ muốn thuê chàng nhưng chàng ta chỉ muốn đâm thọc cho hai bên giết nhau, chàng ta nhận tiền của nhà Ushi-Tora rồi giải thoát cho một thiếu phụ bị giam giữ, giết sáu tên lâu la. Họ biết âm mưu này bèn bắt trói đánh đập chàng tàn nhẫn. Chàng võ sĩ trốn thoát tới nhà ông chủ quán được ông giúp đưa ra một nơi hoang vắng tĩnh dưỡng. Trong khi ấy nhà Ushi-Tora mắc mưu chàng đem quân qua giết hại tàn phá nhà Seibei.
Chàng hiệp sĩ đã bình phục lại ra tay rửa hận, trận đọ sức cuối cùng giữa chàng và bọn ác ôn nhà Ushi-Tora diễn ra. Chàng vung gươm loang loáng, hàng chục tên ngã quị
Toshiro Mifune oai phong lẫm liệt, diễn xuất tuyệt vời. cảnh so gươm cuối phim thật sôi nổi hào hùng
-Kagemusha. Quay năm 1980, tài tử Tatsuya Nakadai, Tsutomu Yamazaki, đoạt giải Nhành dương liễu vàng Đại hội điện ảnh Cannes, Pháp.
… Nước Nhật thế kỷ thứ 16. Lãnh chúa Shingen với đạo quân 25,000 người, trên cờ thêu khẩu hiệu: Nhanh như gió, Lặng như rừng, Dữ như lửa, Chắc như núi. Ông bị thương nặng, khi sắp chết sai quần thần tìm người giống y như mình giả làm Lãnh chúa để kẻ địch tưởng còn sống sẽ không tấn công, kế hoạch ấy lừa địch được mấy năm. Một trận đọ sức cuối cùng quyết liệt diễn ra, sứ quân bị tiêu diệt.
Dàn cảnh vĩ đại, mầu sắc lộng lẫy, chiến trận sống động vang dội tiếng đạn bay súng nổ trong làn khói xanh mù mịt, các đợt tấn công của kỵ mã, bộ binh… ồ ạt bị thảm bại trước mũi súng đối phương, điều không ngờ là hồi đó họ đã có nhiều súng hỏa mai như vậy.
Phim được Tây phương khen ngợi nhiều song nhạc đệm rất non kém với tiếng kèn vụng về không cân xứng với một siêu phẩm được ca ngợi.
-Ran. Quay năm 1985, tài tử Tatsuya Nakadai, Akira Teras, được giải thưởng của Hàn lâm viện Mỹ. Akira Kurosawa dựng lại vở King Lear của Shakespear trong khung cảnh lịch sử nước Nhật, cuốn phim được ca ngợi khắp nơi.
….Quốc vương Hidetora đã già, ngài muốn chia đều giang san cho ba vị hoàng tử, nhưng các cậu quí tử này tranh dành quyền lợi gây nên cuộc chiến cốt nhục tương tàn, phản lại phụ vương khiến ngài điên loạn. Gia đình giang sơn tan nát trong cơn khói lửa
Akira Kurosawa đã tiến những bước dài về dàn cảnh chiến trận dã sử, cũng giống như trong Ngai Vàng Đẫm Máu, khán giả không hề thấy dấu tích của vở kịch ngoại lai, họ tưởng như sống trong khung cảnh phong kiến xa xưa của nước Nhật
-Giác Mơ Của Akira Kurosawa (Akia Kurosawa’s Dream). Quay năm 1990, gồm tám giấc mơ của nhà đạo diễn từ thuở thơ ấu tới nay giống như tập truyện ngắn dễ thương. Trong Núi Phú Sĩ Đỏ ông mơ thấy các lò nguyên tử bị nổ làm cháy núi Phú sĩ, bụi phóng xạ bay đầy không trung khiến người ta sợ hãi nhẩy xuống biển. Trong Con Quỷ Khóc, ông mơ thấy chiến tranh hỏa tiễn, bom nguyên tử tàn phá thế giới, con người biến thành quỉ, đau đớn khóc than. Trong Làng Với Nhà Máy Xay Nước, ông mơ một thôn làng xinh đẹp có các nhà máy xay lúa chạy bằng nước, cuộc sống trở về thiên nhiên, từ bỏ văn minh cơ khí…
Những phim quay lại của Akira
Ông đã được các nhà đạo diễn lớn của Hollywood cũng như giới phê bình phim Mỹ nhìn nhận là người có ảnh hưởng hàng đầu với điện ảnh Mỹ cũng như trên thế giới (inspired a generation of filmmaker)
Có vào khoảng 20 phim quay lại, bắt chước phim của nhà đạo diễn tài danh này gồm Mỹ, Ý, Nhật, Hồng Kông, Đài Loan (không kể những phim Nhật). Ngoài ra có nhiều phim chịu ảnh hưởng của Kurosawa phần nhiều của Mỹ. Nay người ta vẫn tiếp tục quay lại (remake) phim của ông nên không biết chính xác là bao nhiêu.
Rashomon có 3 phim remake
–Outrage, Mỹ 1964, quay lại, đạo diễn Marin Ritt, tài tử Paul Newman, Claire Bloom trong khung cảnh cao bồi miền tây
–L’année Dernìere à Marienbad (Năm Ngoái Tại Marienbad) phim Pháp, quay 1961, đoạt giải Sư tử vàng tại Venice, đạo diễn Alain Resnais nhìn nhận ông đã chịu ảnh hưởng của Rashomon
…Một ông X gặp bà A tại một tòa lâu đài ở Marienbad bên Tiệp Khắc, nơi các nhà giầu hay lui tới. Ông nói năm ngoái có gặp bà này tại Marienbad đi với một ông nào ấy. Bà A nói ngược lại, hai người tranh cãi nhau để tìm ra sự thật qua nhiều hình ảnh quá khứ, hiện tại (dựa theo A History of Narrative Film của David A Cook)
-Năm 1960 đạo diễn Mỹ Sidney Lumet cũng quay lại phim Rashomon dành cho truyền hình.
Xin kể thêm 2 cuốn phim Ấn Độ quay 1954 Tamil film, Andha-Naal, và Viru Maandi năm 2004 cũng chịu ảnh hưởng của Rashomon, nó cũng ảnh hưởng nhiều phim ảnh Mỹ như Courage under fire, The Usual Suspect, One Night At Mc Cool’s , Basic; Hoodwinked, Television series Boom town.. Star Trek: The Next Generation, A Different World, My Name is Earl, Veronica Mars, Good Times, The X Files, Happy Days….
Phim Seven Samurai, Bẩy Người Hiệp Sĩ quay 1954 đã được quay lại khoảng 10 lần.
-The Mangificent Seven, Bẩy Chàng Dũng Sĩ quay 1960, phim Mỹ đạo diễn tài danh John Sturges, người đã thực hiện phim miền tây nổi tiếng Gunfight At OK Corral 1957. Các tài tử nổi tiếng Yul Brynner, Horst Bucholz, Charles Bronson, Jame Coburn. Phim remake nhưng không xin phép tác giả Akira (unauthorized). Phim không thành công mấy
…Một làng Mễ Tây Cơ sát biên giới Mỹ, bọn cướp về hà hiếp trấn lột nhân dân. Chức sắc làng hội thảo rồi đi thuê các tay súng anh hùng về giúp làng. Hiệp sĩ trưởng Christ tuyển được bẩy tay thiện xạ về dậy dân làng tập bắn, đào hào chống giặc. Bọn cướp trở lại bị bẩy dũng dĩ và dân làng đánh một trận tơi bời.. ít lâu sau, dân làng âm mưu với bọn cướp, tước vũ khí bẩy chàng và yêu cầu họ ra đi. Các chàng ra đi, được trả lại súng. Rồi bẩy người lại trở về giết sạch bọn cướp
Truyện phim có đổi khác một chút, diễn xuất trung bình, dàn cảnh sơ sài không hiện thực lắm
-The Return of The Magnificent (Bẩy Dũng Sĩ Trở Về). Quay 1966, đạo diễn Burt Kennedy, cũng tài tử trọc đầu Yul Brynner. Truyện cũng gần giống như phim trên.
… Bọn cướp rât đông về làng bắt hết đàn ông đi làm phu phen, các bà bèn đi tìm mấy tay súng hào hiệp thuê họ về giêt giặc. Hiệp sĩ trưởng Christ (Yul Brynner) mộ được bẩy tay súng giải thoát cho những người bị bắt được về .Tướng cướp lại kéo binh đến áp lực bị dân làng và bẩy chàng dũng sĩ giáng cho chúng những đòn chí tử, cả bọn chạy như vịt, nhiều tên bị giết.
Tướng cướp căm giận quyết phục thù, trở về bản doanh bắt hết thanh niên cầm súng, lực lượng lên tới hai trăm người, hắn kéo binh trở lại tính làm cỏ làng này.
Các dũng sĩ xuất quân vờ thua chạy nhử cho cướp vào làng, trên nóc nhà thờ, một dũng sĩ dùng chất nổ châm ngòi liệng xuống, bọn cướp chết như rạ, tướng cướp bị giết, số còn lại lui binh. Phía dũng sĩ chỉ còn hai người sống sót. Phim lôi cuốn ác liệt hơn phim trên
-Gun of the Magnificent (Súng Của Bẩy Chàng Dũng Sĩ). quay 1969, đạo diễn Paul Wendkos, tài tử George Kennedy, Jame Whitmore.
…Tại môt địa phương Mễ Tây Cơ gần biên giới Mỹ, nhân dân bị chính quyền áp bức cai trị hà khắc, âm mưu chống đối bị đàn áp, tàn sát dã man. Lực lượng cách mạng nổi dậy cho người qua biên giới thuê các tay cao bồi Mỹ giúp dân. Người hùng Christ tuyển được bẩy tay thiện xạ đến giúp họ. Chính quyền Mễ rất mạnh, đồn cảnh sát có tới hai trăm lính, trên tháp canh có súng máy.
Christ bèn cho phục kích một đoàn cảnh sát áp tải xe tù đi làm về, địch bị đánh bất ngờ chết như rạ, chàng giải thoát bọn tù rối lấy súng cảnh sát trang bị cho họ. Sau đó đánh giải thoát một đám tù nữa lấy súng trang bị cho tù chuẩn bị đánh.
Lực lượng Christ đã đông, mở trận tấn công đồn, chiếm tháp canh lấy súng máy, dùng mìn phá sập cổng trại ùa vào sân, địch bị đánh bật ngờ hốt hoảng chạy, địch yếu thế bị tiêu diệt nhiều, các dũng sĩ cũng hy sinh.
Cuối cùng Christ kết liễu đời tên trưởng đồn tàn ác, ngoài anh ra chỉ còn một dũng sĩ sống sót. Christ chào dân làng ra đi, chàng để lại túi tiền, chỉ giúp nhân dân vô vụ lợi. Phim lôi cuốn, thực hơn hơn các phim trên, George Kennedy đóng nổi hơn Yul Brynner.
-Seven Warriors (Bẩy Người Chiến Sĩ). Quay 1989, phim Hồng Kông, đạo diễn Terry Tong, các tài tử Adam Cheng, Jacky Cheung, Max Mok. Phim cũng quay lại của Seven Samurai.
Truyện sẩy ra dưới thời sứ quân bên Trung Hoa, nhiều quân lính đi ăn cướp nhũng nhiễu nông dân. Tại một làng nhỏ thường hay bị cướp bóc, dân làng mướn bẩy chàng chiến sĩ gan dạ để bảo vệ thôn xóm chống bọn thảo khấu.
Các chiến sĩ lãnh đạo dân làng chiến đấu cùng họ, cuối cùng đánh bại bọn giặc cướp. Phim rất ăn khách từ 26-8 tới 13-9-1989 thu được 6 triệu 646 ngàn Đô la Hồng Kông
-The Magnificent Seven (Bẩy Chàng Dũng Sĩ). Quay 1998, đạo diễn Geoff Murphy, tài tử Micheal Bien, Eric Close.
… Tại một làng dân tộc thiểu số gốc da đỏ, da đen. Một ông Đại tá già gian ác kéo bốn chục tên lính và khẩu đại bác về làng bắt gà vịt, cướp bóc lương dân, hẹn sẽ trở lại lấy vàng. Dân làng cử người lên tỉnh thuê các tay súng anh hùng về chống cướp. Khi Đại tá kéo binh về, trương cờ chính phủ thì bị bẩy dũng dĩ hiệp lực với dân làng đẩy lui.
Các dũng dĩ huấn luyện dân làng tập trận chờ giặc tới, ít lâu sau, tên Đại tá lại kéo quân tới với lực lượng hùng hậu hơn bắt dân nạp vàng nhưng bị sỉ nhục, hắn cho nã đại bác vào làng cho tới khi mọi người phải đầu hàng. Bọn giặc cướp kéo vào làng nhưng bị các dũng sĩ cướp khẩu pháo bắn địch rồi xung phong đánh hỗn chiến, tên Đại tá bị giết, tàn quân rút lui, các dũng sĩ từ giã dân làng ra đi.
Diễn biến nhanh, dồn dập
Những phim quay lại Seven Samurai từ năm 2000 gồm hai cuốn phim Tầu: Thất Kiềm, Thất Kiếm Hạ Thiên Sơn (2005) và cuốn mới quay The Magnificent Seven 2016 kể trên.
Ngoài ra phim Wild Bunch (Bọn Hoang dã). Quay 1969, đạo diễn Sam Peckinpah chịu ảnh hưởng của Seven Samurai, có nhiều tài tử nổi tiếng William Holden, Ernest Borgine, Edmond… O’Brien
…Năm 1914 tại Texas, một bọn ngoài vòng pháp luật đánh cướp nhà băng rồi vượt biên giới sang Mễ Tây Cơ.
Nhóm này chống lại bạo lực, đứng về phía những người dân nổi dậy, bọn này phá rối trị an nhưng cũng là các tay anh hùng của nhân dân, cách mạng
Phim chịu ảnh hưởng của Seven Samurai tương đối giá trị hơn các phim miền Tây khác, mang tính chất tàn bạo.
Về mặt nghệ thuật, các phim Magnificent Seven kể trên đều không bằng Seven Samurai của Akira Kurosawa. Phim gốc hiện thực hơn, Akira đã dựng cảnh một thôn làng có cổng ra vào, nhiều cây cổ thụ, tiểu lộ quanh co. Cảnh chiến tranh trong phim Nhật có chiến thuật hơn, hiệp sĩ trưởng cho đào hào, làm hàng rào rất kỹ chỉ để một con đường độc đạo để dụ giặc cướp vào. Ngược lại các pha chiến trận trong các phim quay lại phóng đại chỉ có tính thương mại. Mặc dù nội dung phim remake có thay đổi nhưng vẫn giữ tinh thần bản chính, nêu tinh thần bất khuất không đầu hàng bạo lực.
Phim Yojimbo cũng đã được quay lại hai lần .
-A Fisful of Dollars (Một Nắm Đô La), 1964, phim Ý-Tây Ban Nha-Đức, đạo diễn Ý nổi tiếng Sergio Leone, tài tử Clint Eastwood, Mariannae Koch.
Đây là cuốn phim cao bồi kiểu Ý nổi tiếng, được coi như một cuộc cách mạng trong đề tài cao bồi miền Tây. A Fisful of Dollars bắt chước Yojimbo gần như hoàn toàn nhưng không xin phép tác giả Akira. Phim này rất ăn khách khiến Akira Kurosawa viết thư cho Sergio Leone khen hay và nói đã bắt chước theo phim của ông và đòi chia tiền bản quyền. Cuối cùng thưa ra pháp đình, tòa xử Akira được 15% tiến doanh thu phim này trên thế giới. Tôi sẽ viết riêng bài về phim này
-Last Man Standing, 1996, phim Mỹ, đạo diễn Walter Hill, tài tử nổi tiếng Bruce Willis, đề tài băng đảng Mafia Texas, có xin phép tác giả. Phim chính thức nhìn nhận quay lại của Seven Samurai, trừ vài chi tiết nhỏ, nội dung thực hiện giống hệt như Yojimbo
… Chàng ganster Mỹ Smith lái xe qua Mễ, dừng chân tại một tỉnh nhỏ nơi không luật pháp, anh đâm thọc hai băng đảng mafia địa phương, giải thoát một người đàn bà….cuối cùng chàng tiêu diệt bọn băng đảng này.
Nghệ thuật trung bình, phim ít được chú ý, về diễn xuất nếu so sánh phim chính và phim quay lại Toshiro Mifune trông vẫn oai vệ hảo hán hơn Clint Eastwood và Bruce Willis
Thành Trì Ẩn Khuất (The Hiden Fortress) có một phim quay lại
-The Last Day of Hsianyanga. Quay 1968, Phim Hồng Kông- Đài Loan đạo diễn Fu Di Lin, tài tử Tien Yeh, Tinny Ng Sau-Fong, Chang Hsiao-yen
Năm 2000 và 2007 họ cũng làm lại đề tài này, nội dung giống như The Hiden Fortress nhưng bối cảnh Trung Hoa.
Phim Kagemusha, 1980 có một phim quay lại
-Masquerade. Quay 2012, Hàn Quốc, đạo diễn Choo Chang Min, Tài tử Lee Byung-Hun, Ryu Seung-Ryong, Han Hyo-joo.Thu được hơn 12 triệu vé, hiện là cuốn phim đông khán gỉa vào hàng thứ sáu của Đại Hàn. Phim đã được một số giải thưởng: năm 2013, Đại hội điện ảnh phim Á châu tại Dallas (Mỹ) và 2013 tại Đại hội điển ảnh Hàn quốc tại Úc về phim hay, đạo diễn, truyện phim, diễn xuất…
Nhìn chung có vào khoảng 20 phim quay lại của Kurosawa chưa kể nhiều phim chịu ảnh hưởng của ông như cuốn phim nổi tiếng Star Wars.
Theo nhà phê bình điện ảnh Mỹ Kevin Thomas, phim Star wars trilogy (Tam đoạn kịch) coi như chịu ảnh hưởng của Kurosawa. Phim gồm ba cuốn:
1- New Hope, George Lucas viết truyện và đạo diễn quay 1977
2- The Empire Strikes Back, quay 1980, Lucas viết truyện và đạo diễn.
3- Return of The Jedi, quay 1983, Lucas viết truyện, Richard Marquand đạo diễn.
Đây là bộ phim giả tưởng với nhiều ảo thuật cao cấp, một cuộc chiến giữa các vì sao ở giải Ngân Hà, trong đó cuốn thứ hai hay nhất, George có tinh thần hài hước rất cao, toàn bộ cho thấy sức tưởng tượng của con người đã tiến những bước rất xa.
Bộ phim xuất hiện những chàng Võ sĩ đạo không gian trong bộ Kimono, tóc búi ngược, cầm kiếm tia sáng La de (Laser beam). Những màn chiến đấu ác liệt chống xâm lược, một cuộc chiến giữa thiện và ác và cuối cùng chính nghĩa tất thắng. Phim chịu ảnh hưởng một chút tinh thần hiệp sĩ của Kurosawa.
Trong số các phim quay lại và chịu ảnh hưởng của Akira như trên chỉ riêng cuốn L’année Dernìere à Marienbad của nhà đạo diễn Pháp Alain Resnais được giải Sư tử vàng Đại hội điện ảnh Venice năm 1962, còn lại hầu hết giá trị trung bình.
Các nhà đạo diễn danh tiếng Á châu như Kinugasa, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Lý An….chưa ai có địa vị như Akira Kurosawa, người đã được giới làm phim Tây phương vô cùng ngưỡng mộ coi như bậc sư hàng đầu của nghệ thuật thứ bẩy.
Trọng Đạt
Cước chú
(1) Các nhà phê bình điện ảnh như Pauline Kael, báo New Yorker viết “có lẽ Kurosawa là nhà làm phim hiện đại lớn nhất (Kurosawa is perhaps the greatest of all contemporary film craftmen…). Kevin Thomas nói Kurosawa được nhiều người coi như nhà đạo diễn lớn nhất thề giới (báo Los Angeles times), cũng theo Kevin Thomas các nhà đạo diễn lớn của Mỹ như Steven Spielberg, George Lucas, Francis Cappole, Martin Scorses…đều nhìn nhận Kurosawa là người có nhiều ảnh hưởng nhất với điện ảnh Mỹ cũng như điện ảnh thế giới (primal influence)
(2) Rashomon (1951), Bẩy Người Hiệp Sĩ (1954), và Tokyo Story (1953) đã được Sight and Sound international film director poll 2002 xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại (best film of all time) trên thế giới qua thăm dò giới phê bình và đạo diễn
Rashomon, Bẩy Người Hiệp Sĩ và Ugetsu (1953) cũng đã đươc xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại theo ý kiến các nhà đạo diễn quốc tế 1992 (Sight and Sound 1992).
(3) Sight and Sound, nguyệt san điện ảnh của Hàn lâm viện điện ảnh Anh Quốc