Sự sụp đồ của Liên Sô đã đưa đến hậu quả là các nước trong vùng Á Châu -Thái Bình Dương phải đối mặt với những vấn đề an ninh lãnh thổ cấp thiết kể từ khi Hoa Kỳ hủy bỏ những liên minh quân sự vì nhu cầu điều chỉnh chiến lược. Hiện tại chỉ còn lại một vài hiệp ước an ninh tay đôi không đáng kể.
Trong thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh, Trung Quốc nổi lên như một cột trụ của mọi vấn đề chính trị và an ninh lãnh thổ trong vùng. Lý do là vì Trung Quốc có một lãnh thổ như một tiểu lục địa , một dân số đông đảo nhất thế giới , một nền kinh tế ngang ngửa với Hoa Kỳ và một quân đội đang trên đà phát triến nhanh chóng.
Thực trạng nói trên đưa đến câu hỏi: “Liệu Trung Quốc có là mối đe dọa cho hòa bình tại vùng Á Châu-Thái Bình Dương trong những thập kỷ trước mắt hay không ?”. Câu trả lời phải dựa trên hai yếu tố “khả năng” và “tham vọng”.
Yếu tố “khả năng”
Trên thực tế, muốn tính sức mạnh của một nước ta phải căn cứ vào ba số lượng : kinh phí quốc phòng, cấu trúc binh lực, và lợi tức quốc gia.
Kinh phí quốc phòng của Trung Quốc vào năm 1988 ở mức độ 22 tỷ Nguyên. Trị gía đồng Nguyên thời bấy giờ là 1 Mỹ Kim = 8.6 Nguyên. Đến năm 1995 kinh phí quốc phòng đó là 63 tỷ Nguyên, nghĩa là tăng gấp ba lần. Hiện nay theo cách tính của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Về Chiến Lược (IISS) thì kinh phí đó đã vượt quá 150 tỷ Mỹ Kim.
Về mặt cấu trúc binh lực, Trung Quốc hiện có một kho vũ khí nguyên tử lớn thứ ba trên thế giới. Những đầu đạn nguyên tử nổ nhiều lần (MRIV) cũng đã nằm trong kho vũ khí của Bắc Kinh. Không lực và hải lực Trung Quốc được trang bị máy bay và tàu ngầm có thể mang bom và phi đạn chiến lược. Chắc chắn là vào lúc nàyTrung Quốc đã có những hỏa tiễn liên lục địa chạy bằng nguyên liệu đặc.
Kho vũ khí cổ điến cũng rất thâm hậu. Quân lực Trung Quốc đã cải tiến rất nhiểu khả năng di động và vũ khí tầm xa. Quân số đã lên tới ba triệu binh sĩ. Bộ binh có 12 sư đoàn cơ động và thiết giáp. Không lực có hàng ngàn phi cơ đủ lọai. Hải quân hiện tại đã trở thành những hạm đội của biển khơi. Trung Quốc cũng đặt mua của Nga một hàng không mẫu hạm để học cách chế tạo.
Tuy nhiên kho vũ khí của Trung Quốc không làm cho Mỹ – Nhật sợ hãi. Trung Quốc chưa nắm bắt được những điều thuận lợi mà cuộc cách mạng truyền thông mang lại và chưa lợi dụng được đầy đủ sức mạnh của khoa học kỹ thuật.
Về mặt lợi tức quốc gia , mặc dầu kinh tế phát triển nhưng không phải vì thế mà Trung Quốc đã hết gặp khó khăn. Khó khăn trầm trọng nhất là vấn đề dân số. Vào năm 2025 Trung Quốc sẽ phải nuôi thêm 350 triệu miệng ăn. Bên cạnh đó, tiền nhập cảng đầu lửa vẫn tiếp tục gia tăng. Kỹ nghệ quốc phòng vẫn đứng ngoài kinh tế thị trường. Như vậy khó khăn vẫn còn nhiều để không nói là vẫn còn chổng chất. Lấy gì để giải quyết những khó khăn chồng chất đó, khi chỉ số phát triển kinh tế mỗi ngày một sút giảm.
Yếu tố “tham vọng”
Binh lực một nước tự nó không phải là một đe dọa. Chỉ khi nào nó liên kết với yếu tố “tham vọng”, lúc đó nó mới trở thành vấn để cần quan tâm. Ta có thể lấy một thí dụ trước mắt : Gia Nã Đại chưa bao giờ cảm thấy bị đe dọa khi ở sát nách Hoa Kỳ.
Tuy nhiên cũng có những cách nhìn khác và cái nhìn quen thuộc nhất là cho rằng lịch sử của nhân loại là lịch sử thăng trầm của những quốc gia : một cường quốc mới xuất hiện bao giờ cũng dùng sức mạnh lật đổ những cường quốc suy vong để áp đặt cách cai trị của mình trên toàn thế giới.
Trung Quốc không là một ngoại lê. Muốn cho Trung Quốc có thể tối đa hóa sự giàu có và thịnh vượng của mình bằng phương cách hoà bình thì điều mà thế giới cần phải làm là thiết lập ngay một định chế hữu hiệu để giứp cho xứ này thực hiện nguyên vọng này. Chiến tranh chỉ xảy ra khi nào các định chế đó thiếu vắng hoặc bất lực.
Bước đi của Trung Quốc trên bàn cờ chính trị thế giới
Bước đi của Trung Quồc trên bàn cờ chính trị thế giới cần được tiếp cận một cách nghiêm chỉnh. Câu hỏi hàng đầu phải nêu lên và phải giải đáp là : Liệu Trung Quốc có thỏa mãn với hiện trạng chính trị của thế giới hay không? Câu trả lời sẽ là căn bản để chúng ta nhận định về xác xuất và mức độ tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Nhiều học giả cho rằng hệ thống chính trị thế giới sẽ tiếp tục ổn định khi không một quốc gia nào nghĩ rằng sẽ có lợi nếu thay đổi được nguyên trạng, và sự thay đổi đó sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn là thiệt hại. Căn cứ vào các tiêu chuẩn này thì có thể nói rằng Trung Quốc không có lợi gì để làm đảo lộn thế quân bình chính trị tại Đông Á.
Với sự phát triển kinh tế lẫy lừng từ hơn ba mươi năm nay, Trung Quốc không thể được coi là một quốc gia bất mãn. Thương mại và quan hệ kinh tế giữa các quốc gia là nguồn gốc của hoà bình vì đem lại lợi ích cho tất cả các bên đối tác. Trung Quốc ngày nay là thành viên của Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu và của Tổ Chức Mậu Dịch Toàn Cầu (WTO). Vậy với một hệ thống chính trị và kinh tế thuận lợi như thế, nhận xét chung là Trung Quốc không có lý do gì để không hài lòng mà không bảo vệ nguyên trạng phát triển trong ổn định hiện nay.
Sự sử dụng bạo lực vào lúc này là đi ngược với nền văn minh nhân loại. Chiến tranh không chỉ có hại cho nỗ lực phát triển mà còn làm giảm uy tín của đất nước. Như vậy, thiết tưởng Trung Quốc không có lợi gì để phá vỡ hệ thống chính trị của thế giới.
Những trường hợp Trung Quốc muốn “làm liều”
Mặc dầu nói như trên nhưng cũng phải tính cả những trường hợp Trung Quốc muốn “làm liều”. Ta tự hỏi “những kịch bản nào có thể làm Bắc Kinh mất bình tĩnh và dấn thân vào một cuộc phiêu lưu quân sự tại vùng Đông Á ?”.
Có thể đưa ra năm trường hợp sau đây:
1/ Sự tuyên bố độc lập của Đài Loan hay việc đánh phủ đầu của Bắc Kinh để tránh trường hợp này xảy ra.
2/ Chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên vì sự sụp đổ của nền độc trị Bắc Hàn.
3/ Sự tái võ trang và “nguyên tử hóa” lực lượng phòng vệ của Nhật Bản.
4/ Tranh chấp với các quốc gia khác về chủ quyền các đảo và tài nguyên dưới lòng Biển Đông,
5/ Tranh chấp với Việt Nam về vấn đề khai thác dầu lửa tại Biển Đông.
Trong năm trường hợp trên, trường hợp thứ tư là trường hợp có xác xuất cao nhất. Thời gian gần đây, Trung Quốc đã dành nhiều nỗ lực để biến tạo các đảo ở Biển Đông thành những căn cứ quân sự của mình. Khi chiếm được rồi, họ sẽ đòi áp dụng Luật Biển LHQ cho các đảo này và biến Biển Đông thành ao nhà của họ. Ta thử tiếp tục đào sâu thêm thâm ý của Trung Quốc trong việc lấn chiếm đảo ở Biển Đông.
Thi hành di huấn Mao Trạch Đông
Sau khi làm chủ nước Trung Hoa Mao thề phục hận và lấy lại những gì đã mất. Trong chương trình thu hồi lãnh thổ và lãnh hải, Mao chú trọng đầu tiên đến Biển Đông. Bản đồ Trung Quốc được Mao vẽ lại với sự nới rộng tùy tiện sang tứ phía. Mao chết năm 1976. Chương trình phục hận của Mao được các thế hệ lãnh đạo tiếp nối tiến hành.
Sự phát triển kinh tế lẫy lừng trong 30 năm qua cho phép Trung Quốc xây dựng một “trật tự Trung Hoa” với tiềm năng khuynh đảo vùng trời Đông Á. Tuy nhiên, ngày nay những người lãnh đạo Hoa Lục tỏ ra thực tiễn hơn các tiền bối. Họ chí đòi lại cái gì cái gì có thể đòi được với tối thiểu phí tổn. Chẳng hạn như họ đã kiên nhẫn sự trở về của Hong Kong và Macao, và đối với Đài loan thì ban hành chính sách “một quốc gia hai chế độ”.
Tuy nhiên, đối với những vùng ít khả năng tự vệ, họ vẫn tham lam và quyết liệt. Họ đang tiến xuống phía Nam để thực hiện kế họach “tàm thực “ trên bộ và “vết dầu loang” trên biển. Bằng bạo lực họ đã chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số đảo khác trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988. Các hình ảnh chụp được cho thấy Trung Quốc đã bí mật đặt nền móng cho việc xây cất trên bãi cạn Scarborough tại Biển Đông.
Xây đảo nhân tạo Scarborough sẽ đạo điều kiện để Trung Quốc có một căn cứ quân sự gần địa điểm mà lực lượng quân sự Mỹ thường hoạt động. Địa điểm đó nằm trên đảo Luzon của Philippines.
Trung Quốc đả giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough (Hoàng Nhan Đảo theo tiếng Tàu) từ tay Philippines năm 2012. Bắc Kinh đã hứa không xây dựng gì trên bãi cạn này nhưng hiện nay người ta đã thấy xuất hiện các nhà chứa máy bay và một phi đạo.
Không còn nghi ngờ gì nữa là Bắc Kinh muốn xây căn cứ một đảo quân sự trên bãi cạn Scarborough. Một cơ sở như vậy, phối hợp với những cơ sở đã có sẵn ở Hoàng Sa và Trường Sa sẽ giúp cho Trung Quốc có một tam giác chiến lược để kiểm soát toàn bộ Đưỡng Lưỡi Bò sau này. Tam giác này cũng còn giúp Trung Quốc thiết lập một vùng nhân dạng phòng không (ADIZ ), gây khó khăn cho giao lưu quốc tế. Rõ rệt là Bắc Kinh muốn biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc.
Sự thay đổi trò chơi giữa các cường quốc và cuộc thử nghiệm lực lượng “dân quân biển”của Bắc Kinh.
Việc xây dựng của Trung Quốc trên các đảo đá ở Biến Đông không khó tiêu hủy nếu chiến tranh xảy ra, nhưng nếu chiến tranh chưa xảy ra thì nó là cơ hội tốt cho Trung Quốc mở rộng tìm kiếm, xây dựng mạng lưới theo dõi, hỗ trợ hậu cần , lập hệ thống chỉ huy và kiểm soát…
Scarborough nằm trong tuyến hải lộ chính từ Trung Đông đến Nhật Bản. Hơn 5000 tỷ Đô La thương mại được vận chuyển hàng năm trên hải lộ này. Cho nên việc tạm gác chiến lược nói trên sẽ làm thay đổi trò chơi trong quan hệ giữa các nước và các cường quốc trong khu vực.
Nguy cơ chiến tranh Trung-Mỹ ở Biển Đông gia tăng. Yêu sách của Trung Quốc đòi 90% Biển Đông đe dọa tự do hàng hải và tự do thương mại quốc tế. Trung Tâm Nghiên Cứu Belfer thuộc đại học Harvard cho biết “ Để tránh chiến tranh các bên phải nỗ lực rất lớn ngõ hầu điều chỉnh thái độ và hành động”. Cho đến nay thì cả Washington lẫn BắcKinh, chưa bên nào đã điều chỉnh thái độ và hành động. Lý do là vì mỗi bên nhìn vấn đề dưới một lăng kính khác nhau.
Mỹ xem Trung Quốc là kẻ đang chống lại hệ thống quốc tế tự do. Còn Bắc Kinh thì nghĩ rằng kiểm soát Biển Đông là để tránh lập lại “thế kỷ bị sỉ nhục”.
Trung Quốc đang sử dụng như một thử nghiệm “lực lượng dân quân biển” , một loại hải cảnh thường được nước này triển khai để quấy rối tầu thuyền quốc tế. Biển Đông sẽ là nơi thử nghiệm nếu không có sự thay đổi từ hai phía. Nguy cơ sung đột rất có thể sẽ nổ ra. Chúng ta thử tìm hiểu xem lục lượng dân quân biển là gì?
Tháng 10/2015 khi tàu khu trục Mỳ USS Lassen chạy cạnh đá Subi, một đảo nhân tạo được Trung Quốc xây lên ở Biển Đông, Bắc Kinh đã cho một số tầu buôn và tàu đánh cá khuấy động chung quanh khu trục hạm Mỷ, để phản đối. Sau vụ phản đối có vẻ thắng lợi, Bắc Kinh tin tưởng vào các lực lượng không chính quy này và hình thành cái mà họ gọi là lực lượng “dân quân biển”.
Thật ra, Bắc Kinh đã sử dụng lực lượng dân quân biển từ năm 2012 đề chiếm bãi cạn Scarborough và vào năm 2014 thì các lực lượng này đã giúp đẩy lùi các tầu Việt Nam khỏi dàn khoan dầu HD 981 gần quần đảo tranh chấp Hoàng Sa.
Cho đến nay, Washington vẫn chưa thừa nhận sự có mặt của các lực lượng dân quân biển trong các vụ rắc rối trên Biển Đông. Thật ra đây là một âm mưu thâm độc của Bắc Kinh.
Các đơn vị này được chính quyền địa phương trợ cấp kinh phí. Họ nhận lệnh của các sĩ quan hải quân Trung Quốc và được huấn luyện tại các cơ sở của hải quân Trung Quốc chẳng hạn như tại thị trấn Đàm Môn (Tanmen) trên đảo Hải Nam. Có tin là Bắc Kinh vừa cho giải ngũ 300.000 binh sĩ lục quân để lấy tiền cung cấp cho dân quân biển.
Phê bìmh các thiếu sót của Mỹ
Các thiếu sót trong điều chỉnh và hành động của Mỹ gần đây là bị phê phán nặng nề và nghiêm chỉnh. Những phê phán đó có thể tóm tắt như sau.
Thứ nhất, chính quyền Obama đã sai lầm khi gọi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là “quá đáng”. Thật ra phải gọi đó là những hành động “phi pháp” và loại bỏ tất cả những loại từ ngữ ngoại giao có lợi cho Bắc Kinh.
Thứ hai, trong quá khứ Mỹ đã quá rụt rè nên không được Trung Quốc coi trọng. Mỹ đã có thái độ thiếu cứng rắn đối với Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông. Lẽ ra từ lâu, Mỹ đã phải nói rõ cho Trung Quốc biết rằng hành vi của họ ở Biển Đông không thể chấp nhận được.
Thứ ba, thật ra Công Ước Liên Hiệp Quốc không công nhận lãnh hải chung cho các đảo nhân tạo. Hoa Kỳ phải có nhiều chuyến bay tuần tra hơn trong các vùng có các đảo nhân tạo đó. Có thể bay tuần tra một mình hay cùng với các nước khác.
Thứ tư, Hoa Kỳ phải để ý tới lực lượng “dân quân biển” của Trung Quốc và phản ứng nhanh chóng. Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế có thể xét xử dân quân biển vi phạm các quy định về phòng ngừa và va chạm trên biển. Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc có thể ra phán quyết về việc biến tàu cá thành công cụ của quân đội.
Trung Quốc đang dấy lên chủ nghĩa dân tộc cực đoan để cho dư luận trong nước quên đi những bất mãn xuất phát từ khó khăn đối nội. Mỹ và đồng minh không thể nào ngồi yên trước những hành động bất hợp pháp của Bắc Kinh. Không thể nào để cho Trung Nam Hải muốn làm mưa làm gió gì thì làm trên vùng biển Đông Á của thế giới.
Chính phủ và các xã hội dân sự hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc nên mở rộng đối thoại để giảm bớt nghi ngờ lẫn nhau. Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều đã biết thế nào là “vừa hợp tác vừa cạnh tranh”, đã thành công nhiều trong dĩ vãng khi dùng công thức này để quản lý sự khác biệt và đã tránh được vô vàn những điều không tưởng nguy hại cho tương lai của nhân loại.
Nguyễn Cao Quyền
Tháng 10 năm 2016