Lưu Nguyễn Đạt và Thi Phẩm Song Ngữ LỜI CỦA CÁT – PAROLES DE SABLE
LỜI MỞ ĐẦU:
Trước khi đi vào khung trời thơ của Nhà Thơ-Họa sĩ Lưu Nguyễn Đạt qua thi phẩm song ngữ LỜI CỦA CÁT – PAROLES DE SABLE, tác giả bài khảo luận này trân trọng mở đầu bằng một bài thơ khen ngợi “lời” của cát, và nâng cao “lời” lên một cung bậc thơ mộng hơn cho hợp với uyển ngữ thi ca của Nhà thơ, xin gọi là “tình ca”. Thực ra “Lời” là một uyển ngữ rất chọn lọc và rất đẹp, một ẩn ngữ vô thanh đi vào hữu thức. Có thể gọi đó là thứ chữ chắt lọc tinh hoa như một loại tuyển ngữ thi ca đặc biệt của Nhà Thơ & Họa sĩ Lưu Nguyễn Đạt. “Lời” là một từ hùng mạnh tuyệt bích như chữ “phán” của một đấng tối thượng. Nàng Thơ là Đấng Tối Thượng đó, vốn dĩ Nàng có hàng tỷ tỷ tín đồ và được suy tụng hơn bất kỳ vị thánh thần tối thượng nào khác. Ở đây tôi chỉ muốn thi vị hoá cho chữ có một chút duyên mà thôi, nên gọi là Tình Ca.
TÌNH CA CỦA CÁT
Năm tháng cứ vỗ vào bến hoang vu,
Sóng vô thường dập mãi cõi hư vô
Tạo tình yêu, nào đâu phải tình cờ,
Nên cát bỗng hát tình ca hò hẹn.
Lời của cát vang vang trên biển lớn,
Đất và trời cũng hoà khúc hoan
Nên con sóng bạc đầu vang vọng mãi
Vào thời gian, đồng vọng bến trăng sao
Em hẹn ta từ cõi lạ lùng nào,
Ta vội đến để giữ tình yêu lại.
Dù vẫn biết thời gian vô sắc thái,
Và không gian không phải của riêng ai.
Nhớ một lần Lưu Nguyễn lạc Thiên thai
Khi trở lại thiên thai thành vũ trụ
Bỗng thấy mình thành ra thân lữ thứ
Và ở cuộc đời hoá kiếp đổi chân dung…
Cát bỗng hát tình ca trên biển lớn,
Vọng miên man vang dội đến vô cùng…
Văn Nguyên Dưỡng
HÌNH THỨC THI PHẨM
Thi phẩm song ngữ LỜI CỦA CÁT – PAROLES DE SABLE được trình bày thẩm mỹ, trang nhã với nghệ thuật phối hợp màu sắc khá đậm đà trên hai trang bìa trước và sau. Bìa sách cứng dày, mẫu 8 x 6 inches, các dòng chữ tựa sách màu vàng đậm và trắng in trên phong (fond) màu xanh đậm, “cấy màu” từ bản đồ Biển Đông. Bìa trước còn trang điểm thêm một bức tranh sơn màu của tác giả. Bìa sau là ảnh nhà thơ, đôi dòng tiểu sử rất ngắn và mấy lời nhận định của hai người bạn thân. Gáy tập thơ cũng in chữ màu vàng. Thơ được in trên giấy bóng dày Hồng Kông, loại giấy quý, trắng hảo hạng, mà trước tôi thấy Cung Trầm Tưởng dùng in tập thơ Một Hành Trình Thơ của ông.
Đặc biệt, LỜI CỦA CÁT – PAROLES DE SABLE là một tuyển tập thơ Song Ngữ Việt-Pháp. Nói rõ hơn, nội dung gồm vài bài văn xuôi ngắn nói về Thơ và hai bài nổi bật: số 1, “Lên Núi”; bài số 99, “Đêm Qua” coi như thơ văn xuôi [poèmes en prose]; và một bài mở đầu “Nói Về Thơ”. Phần chính là 97 bài thơ viết theo cách phá thể lục bát và thất ngôn, nhưng nối lại thì rất “chỉnh”. Mỗi bài thơ Quốc ngữ đều được Lưu Nguyễn Đạt trước tác một bài thơ “song sinh” bằng Pháp ngữ in ở trang đối diện, kể cả hai bài văn xuôi và bài khái niệm về thơ. Nội dung còn gồm thêm 16 phụ bản in các bức tranh sơn dầu cũng do chính Lưu Nguyễn Đạt vẽ (cùng loại tranh trừu tượng/peinture abstraite như bức tranh bìa). Vì vậy, nên ngoài tựa đề LỜI CỦA CÁT – PAROLE DE SABLE, độc giả còn đọc được một hàng chữ nhỏ, ngay dưới bức tranh bìa trước “Thơ Tranh — Poésie & Arts”. Ở trang 4, đăng ảnh của Bà Phùng thị Hạnh, phu nhân của nhà thơ- Họa sĩ Lưu Nguyễn Đạt. Trang tiếp theo là bức ảnh nhỏ và bản sơ lược học vấn, sơ lược sinh hoạt văn học nghệ thuật và các tác phẩm của nhà trước tác văn học và nghệ thuật nổi tiếng này. Tổng cộng tập thơ tranh LỜI CỦA CÁT – PAROLE DE SABLE gồm 268 trang không kể hai trang bìa và các trang để trắng.
NHÀ TRÍ THỨC HÀN LÂM LƯU NGUYỄN ĐẠT
Trước khi trở thành một thi họa sĩ, Lưu Nguyễn Đạt là một một trí thức Văn Hoá Hàn Lâm, một học giả chuyên về Luật Pháp, Chính trị và Xã hội, một nhà tư tưởng lớn về triết lý vũ trụ và nhân loại. Trước ngày Miền Nam sụp đổ cuối tháng 4, 1975, Ông đã có hai văn bằng Cử nhân Văn khoa và Luật khoa Sài Gòn, là Giáo sư các trường Trung học Lycée Pascal Đà Nẵng và Lycée Yersin Đà Lạt, Luật Sư Thực Thụ Tòa Thượng Huế và Sài Gòn.
Sau ngày 30/4/1975, định cư sang Hoa Kỳ, Ông vừa đi dạy vừa đi học lại. Ông tốt nghiệp Cao học Giáo khoa và Tiến sĩ Văn Chương (MA & PhD) Michigan State University; Cao học, Hậu Tiến sĩ Luật (LLM, MCL) Howard Law School, là Giảng sư Pháp Văn tại Michigan State University, Hood College (MD); Phối hợp Giáo Huấn Đa Văn Đa Ngữ – PEO School of Education, Đại học Michigan; Giám đốc Trung Tâm Trợ Dẫn Luật Pháp Quốc tế – Director, International Legal Aid Center (ILAC). Ông còn sáng lập Công ty Bằng Khoán Địa Ốc [Title Insurance Corporation] thuộc Luật sự Đoàn TB Virginia.
Ngoài ra, để phục vụ cho Cộng Đồng Việt Nam trên toàn quốc Hoa Kỳ và Thế Giới, Luật Sư TS Lưu Nguyễn Đạt còn là người Sáng lập và Điều hành các cơ sở Văn học, Văn hoá Xã hội, Chính trị như Nhóm Sáng Tạo – Group Creation (MSU, 1976), Cơ Sở Cỏ Thơm (Virginia, 1996), Tư Tưởng Việt (Virginia, 2003) và Diễn Đàn Việt Thức (Virginia, 2010). Về Hội Họa, khi còn ở Việt Nam, Ông là Tổng Thư ký Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam (1972-75).
Nói tóm lại Lưu Nguyễn Đạt là một nhà trí thức Việt Nam, hay Người Mỹ gốc Việt nổi tiếng trong giới học giả Hàn lâm Hoa kỳ và giời trí thức Việt Nam lưu vong. Ông là người nói và viết ba ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp lưu loát vào bậc thầy, ắt hẳn làm cho các bạn đồng song người Mỹ nể trọng. Tôi không ngạc nhiên về việc này. Tôi cũng không ngạc nhiên lắm khi biết một người bẩm sinh thông minh và có nghị lực học hỏi và làm việc năng nổ đã trở thành một nhà trí thức hay một học giả như Lưu Nguyễn Đạt. Nhưng muốn trở thành một nhà thơ, một nhà sáng tạo nghệ thuật như họa sĩ, điêu khắc gia thì không phải ai cũng làm được. Và hơn nữa khi đã là một nhà thơ, một nhà nghệ thuật sáng tạo, lúc nào Lưu Nguyễn Đạt cũng hướng lên phía trên, phía trước để tìm chân lý đích thực của kiếp sống con người. Thi phẩm song ngữ LỜI CỦA CÁT – PAROLES DE SABLE là một thể hiện sống động nhất về tư tưởng hướng thượng, về nhân sinh quan và vũ trụ quan của Ông. Trước khi đi sâu vào nội dung Thi phẩm song ngữ LỜI CỦA CÁT – PAROLES DE SABLE, xin trở về nguồn, xin tìm hiểu về tiểu sử của Lưu Nguyễn Đạt để biết rõ hơn nhà trí thức này vì sao đã trở thành một nhà thơ, một nhà sáng tạo nghệ thuật.
THI HỌA SĨ LƯU NGUYỄN ĐẠT, NGUỒN GỐC VÀ SỨC MẠNH SÁNG TẠO THI CA VÀ NGHỆ THUẬT
Cách đây chừng mươi năm, sau khi xuất bản quyển sử Chiến tranh Việt Nam The Tragedy of the Vietnam War (McFarland, 2008), nhân trong một lần nào đó, đầu thập niên 2010, liên lạc điện thoại với cựu Trung tá KQVN Cung Trầm Tưởng, tôi được nhà thơ này cho biết, “nếu muốn có đất dụng võ” ở hải ngoại, nhất là ở Hoa Kỳ, thì nên tiếp xúc, gởi các bài tham luận chính trị và văn học cho GS TS Lưu Nguyễn Đạt, người sáng lập và chủ biên Diễn đàn mạng (Internet) Nghị luận Chính trị và Văn Hoá VIỆT THỨC, là diễn đàn có uy tín rất lớn của Người Việt Tự do ở Washington, D.C. Tôi vào Google tìm được Diễn đàn Việt Thức và gởi một bài tham luận chính trị. Bài tham luận được TS Lưu Nguyễn Đạt, Chủ biên, cho đăng ngay lên Diễn đàn Việt Thức mấy ngày sau đó. Từ đó tôi tiếp xúc với TS Đạt và gởi bài viết đều đặn đăng ở Việt Thức trong hai năm cho đến khi mổ cườm mắt và bị bệnh glaucoma tôi mới không viết nữa vào khoảng năm 2014.
Trong thời gian cộng tác viết cho Diễn đàn Việt Thức, sự liên lạc giữa TS Lưu Nguyễn Đạt và tôi rất chặt chẽ và thân thiện, nên tôi càng ngày càng hiểu rõ hơn tài năng của Ông về mọi mặt –rất đa dạng và rất xuất sắc, uyên thâm– nên tôi càng quý nể hơn. Tuy nhiên khi viết về Nhà Thơ & Họa sĩ Lưu Nguyễn Đạt, tôi lại phải dựa vào nhiều tài liệu, như về buổi “Trò Chuyện giữa Nhà Văn Hồ Trường An và Thi sĩ Lưu Nguyễn Đạt”(1) và bài viết của Bà Phùng Thị Hạnh, người yêu, người tri kỷ và cũng là người bạn đời đầu gối tay ấp của Ông,(2) tôi mới viết được rõ ràng hơn.
Nhà Thơ Lưu Nguyễn Đạt sinh năm 1940 tại Hà Nội trong một gia đình công chức. Thân sinh ông là cụ Lưu Đức Hoạt, Chánh Sở Địa Chánh, hay Đạc Điền – Chef Service du Cadastre – của Thành phố Hà Nội. Cụ Hoạt là cựu học sinh Trường Trung học Lycée Albert Sarraut của người Pháp ở Bắc Kỳ. Cụ bị bịnh, sang Pháp điều trị và mất ở Paris năm 1950, khi Lưu Nguyễn Đạt mới mười tuổi. Lưu Nguyễn Đạt, trước đó từng là học sinh Petit Lycée Rollande, rồi Lycée Albert Sarraut, sau khi bố mất, đã vào nội trú ngôi trường Trung học Pháp nổi tiếng này, chỉ dành riêng cho con cái người Pháp hay con của gia đình giàu có, gia thế, có quốc tịch Pháp hay giới thượng lưu Việt Nam. Các trường Petit Lycée Rollande [Tiểu học] & Lycée Albert Sarraut [Trung học] chỉ dạy chương trình thuần Pháp văn. Vì vậy coi như Lưu Nguyễn Đạt học tiếng Pháp từ nhỏ.
Thuở thiếu thời đó, dù là học sinh trường nào thì cũng phải trải qua hay chứng kiến sự thay đổi to lớn và đau lòng của Cố đô Hà Nội khi đất nước trở mình trong và sau Đệ II Thế Chiến để vươn lên tìm độc lập, tự do và hạnh phúc. Đó là thời gian trước và sau năm 1945.
Lưu Nguyễn Đạt nói:
“Tại đó, tôi đã mục kích cảnh Quân đội Phù Tang, xâm chiếm, khủng bố, đe dọa dân tộc chúng ta, với cái hậu quả của năm Ất Dậu, hãi hùng trên đường phố vắng tanh, khi dân chúng trốn tránh cảnh đói và chết chóc xảy ra khắp nơi, từ thành thị tới làng mạc Miền Bắc. Tại đó, tôi đã mục kích cảnh Quân đội Pháp, nào Lê Dương, nào Ma-rốc-canh, Xê-ne-ga-le, Tây-đen-rạch-mặt ồn ào, say sưa, quậy phá hàng xóm, phố phường. Tại đó, tôi đã mục kích cảnh hồi cư về thành sau cuộc khởi chiến Việt Minh đánh Quân Đội Pháp, với những khu phố im lìm, trơ trọi, tường vách đổ nát, xuyên phá. Hà Nội lúc đó không khác gì một người đàn bà đẹp mặc áo tang, chít khăn sô.”
Và, dĩ nhiên lúc đó Lưu Nguyễn Đạt còn thấy nhiều hơn nữa ở vùng phụ cận Hà Nội “Là hình ảnh hãi hùng của Quân Đội “Tầu Phù”, thuộc Phe Đồng Minh tới giải giới Quân Đội Nhật sau Thế Chiến Thứ Hai, lê lết ngoài đường, ngõ hẻm, tràn vào vườn tược tư gia tìm đồ ăn thức uống, rồi phóng uế bừa bãi. Lúc đó chúng tôi còn bé, không thấy ghê tởm, mà chỉ thấy cuống cuồng sợ hãi…”(3)
Vâng, tuổi trẻ của thế hệ Lưu Nguyễn Đạt và của chúng tôi đã đau lòng và sợ hãi bởi sự tàn phá dưới gót giày của các quân đội ngoại quốc nhân danh của tự do hạnh phúc hay gì gì đó… Nếu chúng tôi sống trên các miền xa xôi của đất nước thì cảm nhận mất mát hẳn ít hơn những con dân Hà Nội, thủ đô của ngàn năm văn vật, nơi hội tụ nền văn hoá cao nhất đất nước và tinh hoa của dân tộc. Ở đó hẳn nhiên phải chứa đựng những gì tốt đẹp nhất, mà tuổi trẻ sống ở đó thấy như đã sống trên thiên đường.
Lưu Nguyễn Đạt nói tiếp:
“Nhưng Hà Nội còn có những hình ảnh thơ mộng tuyệt vời in sâu vào ký ức các thế hệ trẻ đầy sức sống, với những mùa hè phượng nở rực rỡ trong lòng người, với những mùa thu mưa lá, phấn bụi, làm cậu học sinh tôi lặng người bỏ quên cả cặp sách bên vỉa hè, lững thững về nhà tay không… Khi lớn lên, tôi thường dạo bộ tại Vườn Hoa Con Cóc, cạnh hồ tắm Ấu Trĩ Viên, rồi dạo chung quanh Hồ Hoàn Kiếm, trên những thảm cỏ xanh mướt, những lối đi sột soạt đá cuội trắng, thật mắt nhìn theo những thân cây cằn cỗi, những lá me xùm xoà là theo mặt nước xanh màu ngọc biếc…”(4)
Như vậy Lưu Nguyễn Đạt đã mục kích cảnh thực tế rệu rã của một Hà Nội sau màn xâu xé của đế quốc… mà ở đó vẫn ẩn chứa một thiên đường đẹp đẽ in sâu vào tâm não của cậu mãi mãi. Lẽ nào cậu không biết thắng cảnh Chùa Một Cột, một Cầu Thê Húc, một Hồ Hoàn Kiếm, một đền Trấn Quốc, hay còn gì, còn gì nữa… Thiên Đường đó biết đâu còn ẩn hiện bóng dáng hào hùng của Thánh Gióng, hay ủy mị thương tâm của Trọng Thủy-Mỵ Nương, hình ảnh của Bến Lãng, của Đền Hùng, hay tiếng súng Yên Bái của một Nguyễn Thái Học, hoặc tiếng bom Sa-Điện của một Phạm Hồng Thái… vọng đến. Lưu Nguyễn Đạt đã đối diện với thực tế hữu hoại và thiên đường hằng sống như những cõi nào đó ảo huyền trầm tịch, bí ẩn. Trầm tịch và bí ẩn với những cánh rừng sâu thẳm ngan ngát của núi rừng Việt Bắc những lần cậu theo bố du ngoạn vùng thương du. Ảo huyền và xa diệu vợi nghìn trùng như phong cảnh của hàng nghìn đảo nhỏ, đảo to, ẩn hiện trên mặt sóng Vịnh Hạ Long.
Hai thái cực đã hiện hữu trong một tâm hồn, một của thực tế tang thương ở Hà Nội và cũng là một của thiên đường huyền ảo… cũng của Hà Nội. Tất cả đã biến Lưu Nguyễn Đạt sau này thành một nhà thơ, một nhà sáng tạo hình ảnh… đi tìm lại những sự thật sống động nhưng cũng thật mơ hồ như đi tìm lại những gì đã mất đi theo năm tháng cũ. Và rồi hình như tất cả đã sống dậy mãnh liệt. Hay nói một cách khác hơn Lưu Nguyễn Đạt đang đi tìm lại thiên đường cũ trong ánh mờ ảo của cảnh vật đổi sao dời. Nhà thơ muốn xé hà tì, tai ương của tạo hoá để tìm lại thiên đường cũ, cũng có thể là thiên đường mới, thì có khác gì với việc vạch trần sự thật để tìm hình bóng ẩn tàng của nó.
Có thể sự mất mát tình cảm gia đình lẫn sự giáo huấn của cha, sự cô đơn khi một mình quyết định vào “xứ” Sài Gòn mùa hè năm 1954, khi Lưu Nguyễn Đạt mới mười bốn tuổi cũng là một nguyên nhân quan trọng để Lưu Nguyễn Đạt tự rèn luyện quyết tâm và ý chí kiên cường vượt thắng mọi hoàn cảnh để tự lập thân và thành công. Vào Sài Gòn khác nào như một cuộc đổi đời khi cậu học trò mới lớn này thêm một lần nữa mục kích thực tế khi tiếp xúc với những con người hiếu khách, bình dị và ngay thẳng của Miền Nam và cũng lại đi vào những thiên đường đầy ảo mộng khác như thời gian vào học nội trú ở Trung học Lycée Yersin Đà Lạt, cũng là ngôi trường của người Pháp, chỉ dành riêng cho con em họ hay con cái các gia đình thượng lưu Việt Nam như Lycée Albert Sarraut, Hà Nội, hay Lycée Chasseloup Laubat ở Sài Gòn.
Đà Lạt, phong quang đẹp đẽ với núi đồi chập chùng, suối hồ thơ mộng, chẳng khác một thiên đường xinh tươi đầy hoa thơm cỏ lạ. Chính Lưu Nguyễn Đạt cũng nhận thức như vậy: Tôi “tìm ra” Đà Lạt như một thiên đường nhỏ…”
Ở đó, Lưu Nguyễn Đạt bắt đầu học hỏi được các trường phái Văn học thế giới và “sáng tác thơ phú”. Anh còn tâm sự thêm với nhà văn Hồ trường An về Đà Lạt như sau:
“Tại nơi mà cảnh vật thì tuyệt đẹp, trong sáng, người thì hiền hoà, ấm áp, hồn nhiên, tôi đã bừng sống toàn diện, với những tình cảm sâu đậm, trọn vẹn đến ngày hôm nay. Tại nơi đó, tôi đã gặp Phùng Thị Hạnh, và biết thế nào là tình yêu, như một giọt sương tinh khiết, trên triền cỏ gần mây ngũ sắc…”(5)
Thời gian kế tiếp, gần một năm sau, gia đình, mẹ cải giá, bố dượng là Luật sư Vũ Đăng Dung, tới năm 1955 mới đem cả gia đình từ Hải Phòng vào định cư ở Huế, rồi Đà Nẵng. Tại đó, LS Vũ Đăng Dung được bầu làm Thủ Lãnh Luật Sư Đoàn Tòa Thượng Thẩm Huế suốt hai mươi năm sau đó cho đến ngày Miền Nam sụp đổ.
Dĩ nhiên trong hai thập niên đó, dù đi học ở đâu, hay ngay cả khi đã tốt nghiệp Đại học Văn Khoa và Luật Luật khoa rồi, Lưu Nguyễn Đạt cũng về với mẹ, bố dượng và các em ở Huế, rồi tập sự luật sư suốt ba năm liền. Lại thêm những thời kỳ Lưu Nguyễn Đạt sống và hít thở không khí của một thiên đường thơ mộng khác với Sông Hương, Núi Ngự, với “tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương” mơ hồ và huyền hoặc trước Tết Mậu Thân 1968. Và rồi chính Ông cũng đã mục kích cảnh Huế chít khăn sô, xương trắng, máu đào tràn ngập, sau Tết Mậu Thân năm 1968. Nghĩa là Lưu Nguyễn Đạt một lần nữa mục kích thiên đường và địa ngục ở cùng một nơi như Hà Nội của quá khứ. Sau này, Ông lại đóng một vai chính trong phim ĐẤT KHỔ của Hà Thúc Cần, với cảnh tàn phá, giết hại hàng ngàn dân oan.
Nhưng tất cả rồi cũng mất đi, tan biến nhanh như ảo ảnh, diễn biến từng lúc, từng thời, từ cuộc đổi đời của Việt Nam sau ngày 30.4.1975. Và cái tồn tại trong tim óc ông là tình yêu, là sức mạnh của tinh thần cầu tiến cho các thế hệ trẻ Việt, tại Hải Ngoại và trong nước, qua công trình giải mã cuộc chiến ý thức hệ, qua nhận định lúc bẽ bàng về thân phận làm ngưới Việt Nam, lúc phấn khởi về nghị lực đấu tranh cho dân chủ, cho tự do mà người Việt quốc gia chưa kịp hoàn tất, mà nay các thế hệ tiếp nối đang hồi hướng, tái lập trở lại, dưới những phong trào thiết thực, quy mô tái dựng đất nước về mặt nhân bản, về chính nghĩa tồn sinh, tại Hải Ngoại và trong Nước.
Phu nhân của Ông, bà Phùng Thị Hạnh đã nói rõ các sở hữu tiềm tàng quý báu này của Ông trong một bài viết khá thú vị và tỉ mỉ, xin trích một vài đoạn ngắn:
1. “Kiến thức:Lưu Nguyễn Đạt học rất giỏi trong trường; thi cử từ tú tài toàn phần tới 2 bằng Cử nhân Văn khoa, Luật khoa đều đứng hạng ưu; sau ngày mất nước, Anh đi học lại lấy bằng Cao học, rồi Tiến sĩ Văn chương Pháp tại Michigan State University, rồi Cao học Hậu Tiến sĩ Luật tại Howard Law School. Học hỏi, kiến thức làm Anh bớt trống trải, cô đơn, đến độ như “nghiện học” cho tới ngày nay; học vẽ, đúc tượng, sửa nhà, kỹ thuật in ấn sách báo, điều hành báo mạng, v.v. Đọc sách nhiều, học hỏi rất kỹ lưỡng và sẵn sàng bổ túc mọi thiếu sót khi bắt tay vào việc.”
2. “Tình yêu: Đối với Lưu Nguyễn Đạt, tình yêu là ĐAM MÊ, sống hết lòng với người Anh yêu quý, tôn trọng. Tôi may mắn được Anh chọn, vừa để bù đắp nỗi cô đơn bẩm sinh của Anh, mà còn là nguồn sống và sáng tạo của Anh. Gia đình, con cái, bạn bè, thân phận con người đối với Anh là cả NỖI QUAN TÂM HÀNG ĐẦU. Trước mặt và sau lưng họ, Anh luôn luôn dành những điều xót xa, tâm nguyện, ao ước chân thực. Anh vừa sống để yêu và yêu để sống.”
3. “Tình yêu đối với Anh là chìa khóa của nỗ lực sinh tồn, tái tạo. Tất cả những gì Anh làm, sống, và sáng tạo, là vì tình yêu, nhờ vào tình yêu. Do đó, Anh sẽ âm thầm xa lánh người, xa lánh cảnh vật chung quanh nếu cảm thấy thất vọng. Lúc đó Anh sẵn sàng cắt bỏ, không một lời than phiền.” (6)
Đoạn đầu về mặt Kiến Thức, Bà Phùng Thị Hạnh ghi nhận tài năng bẩm sinh của Lưu Nguyễn Đat, và nói rõ sự “nghiện học” của Ông, về học vấn, nghề nghiệp, hội nhập mỹ thuật — hội hoạ, đúc tượng, trang trí, ấn loát, v.v., để cảm thấy bớt cô đơn, trống trải, và cũng để tái tạo một trật tự mới, tốt đẹp hơn những gì ông nhận được trong cõi đời này. Sự cô đơn của một người có chữ nghĩa, đọc nhiều sách, đối mặt với kinh nghiệm sống tự lập, tự cường, cũng dễ khiến cho người đó viết văn, làm thơ, sáng tạo một cách chân chính, toàn diện.
Đoạn giữa: Tình Yêu, Bà Phùng Thị Hạnh cho rằng, đối với Lưu Nguyễn Đạt, Tình yêu là “ĐAM MÊ (viết chữ hoa), sống hết lòng với Người anh yêu quý.” Bà cũng cho rằng Bà may mắn được Anh chọn vừa để bù đắp nỗi cô đơn bẩm sinh của Anh, mà còn là nguồn sống sáng tạo của Anh… Vậy, ta biết thêm một động lực, hay sức manh vô cùng lớn lao, tạo cảm hứng cho anh sáng tác, đó là sự hiện diện và tình yêu của một người đẹp trong đời Lưu Nguyễn Đạt, bà Phùng Thị Hạnh đã cho ông có đối tượng tạo cảm để làm thơ, vẽ tranh, tạc tượng.
Bà Phùng Thị Hạnh cũng nói thêm mà tôi hiểu là ngoài bà ra, thì gia đình, con cái, bạn bè, thân phận con người, đối với Anh là cả NỖI QUAN TÂM HÀNG ĐẦU (cũng viết hoa, chữ lớn). Căn cứ vào đoạn văn này, ta thấy rõ ràng hơn tình yêu đối với Người Yêu Phùng Thị Hạnh, tuy rất ĐAM MÊ, nhưng không phải là tình yêu đam mê duy nhất, mà Lưu Nguyễn Đạt còn có tình yêu lớn với con cái (Lưu Thiên Kỳ, Lưu Huệ Chân, Lưu Thế Khải, và Lưu Việt, đã trưởng thành và thành công thành danh), với bạn bè, và với thân phận con người là mối tình rất lớn của Lưu Nguyễn Đạt. Như vậy chính cái Đam Mê hay Tình yêu của Lưu Nguyễn Đạt rất rộng lớn, hay có thể nói là vô biên, có ngay “trong lòng” ông. Với một người có nhiệt tình như vậy thì việc sáng tạo thi ca nghệ thuật tất nhiên rất là phong phú, súc tích vô cùng.
Nếu chứng tích tai ương địa ngục có thật của đất nước bị tàn phá được mô tả qua thơ của một Hoàng Cầm, một Quang Dũng của Miền Bắc, hay một Tô Thuỳ Yên, một Văn Nguyên Dưỡng của Miền Nam trong thế kỷ 20, thì LỜI CỦA CÁT-PAROLES DE SABLE, của đầu thế kỷ 21 là cuộc chiến ngày hôm nay không chỉ còn dưới hình thức “du kích”, tạch đùng bán quy mô, đổ máu, bom đạn cần mua, cần bán, mà là thứ tàn phá nguyên tử nhân loại, tận cùng tới cơ thể, tâm não, tế bào con người, tới cực cùng đày đoạ nhân bản giữa người Việt với người Việt, tự hủy, tự bán mình, tự bán nước cho kẻ lạ để lấy cớ sinh tồn, hưởng thụ, khi một triệu đảng viên, cán bô sung sướng lại có hơn 90 triệu người dân tù đày, khốn đốn, tàn phế, biệt xứ.
LỜI CỦA CÁT – PAROLES DE SABLE cũng có cái tan vỡ, cái địa ngục, cái khóc thảm NGAY TRONG NỘI TÂM, dù không ra nước mắt, mà vẫn XÓT XA, vẫn lịm người như cảnh CHẾT ĐỨNG. Thơ của kẻ hiền là nghe và nói ra những VANG VỌNG SÂU SẮC, CAO ĐỘ, mà tai không nghe được (ngay), mắt không nhìn thấy (ngay), vì phải dùng tới tim, tâm linh, nhân tính mới thấu đạt, mới hạnh ngộ.
MẸ NÍN
sáng nay mẹ nín để con đi
cửa ngõ đóng sơ vội biệt ly
ngoảnh mặt giơ tay hàng vũ khí
ngoài khơi ngũ hải khóc chu kỳ
sáng qua mẹ nín để con đau
tù ải quanh năm gối nhục màu
cải tạo tay lồng chân xích hậu
hồ mơ tát nước lấp kinh cầu
sáng hôm mẹ nín để con điên
công lý bẻ cong chữ tật nguyền
nước mất bờ vây thành hý viện
đó đây lời lẽ vẫn huyên thuyên
tối nay mẹ nín để con ca
bài hát vẫn còn nỗi thiết tha
giọt đắng tâm hồn ngây vắng lạ
nghe như muốn khóc ngập sơn hà
(LỜI CỦA CÁT – PAROLES DE SABLE)
Cuộc đổ nát đó, ngoài áp lực thiên tai, phá hủy môi trường bằng súng đạn, bằng hàng hoá giết người, còn là sự suy thoái của cả một xã hội lạc lõng, phóng uế, vong thân, phá hủy nhân tính: kẻ trên ích kỷ, tham nhũng, tàn ác, kẻ dưới vô tình, vô tâm, tự hủy.
Những tai ương nhân tạo, do chính con người phát xuất, nuôi dưỡng, tòng phạm đang hoành hành trên một “mặt trận” vừa công khai, vừa quy mô toàn diện, nên chỉ con người tự giác, tự trọng, tự phát mới đem lại hy vọng “vượt thắng”, điều trị. Tôn giáo chân chính, tư tưởng chính nghĩa, nếp sống căn bản tử tế, văn phong sáng tạo nhân bản, nhân từ, trong sáng mới thực sự đem lại hy vọng chấn hưng đất nước, tồn dữ danh dự và chí khí tái hợp chính đạo làm người trung kiên, tự trọng, tự duy. Muốn chiến thắng bạo tàn của mọi thế lực nội địa hay ngoại bang ích kỷ, tai ác, thì phải có công dân tự giác, sẵn sáng chứng tỏ mình có quyền sống làm người sở hữu thân phận và không gian trực thuộc của chính mình.
VÌ DÂN
tặng huỳnh thục vy
và người dân Việt đang tìm tự do & nhân quyền
vì dân trong nước đoạ đày
nên em thân hạc cánh gầy phong ba
rẽ đêm thắp lửa sơn hà
ba kỳ khởi nghĩa một nhà tình thương
tay không tâm nguyện phi thường
nối dòng tư tưởng đông phương mở hồn
luật thiêng nhân nghĩa vuông tròn
dân ta làm chủ rừng còn đất yêu
chí nhân đại nghĩa muôn chiều
lời văn khí tiết trăm điều thơm tho
công bằng pháp trị tự do
an toàn không chọn còn lo cho người
(LỜI CỦA CÁT – PAROLES DE SABLE)
Chiến tranh và tàn phá sẽ không còn hay sẽ vượt thắng nếu còn có những con người muốn làm người vượt thắng ngay chính mình để duy trì thế đứng chân chính, tồn tại, hoà thuận giữa con người.
CHƯA PHAI
sáng nay tôi ngưng bước
không hẳn là bỏ cuộc
chỉ dừng lại thấy đau
và thấy mình chảy máu
sáng nay tôi đứng lại
hai chân chưa khuỵu ngã
thân hình dù buông thả
nhưng trụ cột vẫn là
sáng nay tôi nhắn khẽ
bạn đồng hành hãy nghe
nếu không thấy tôi về
xin đừng lo lắng nhé
sáng nay tôi tự hỏi
mình tiếp tục hay thôi
cuộc hành trình chưa nối
sao đã vội buông trôi
sáng nay tôi gác bút
mực nước khô cầu vồng
thả chữ nghĩa long đong
lúc hạ huyệt xuống dòng
sáng nay tôi ngoảnh mặt
chỉ thấy ánh phù sa
trên con sông xa lạ
một mình tôi chưa qua
tối nay thật chậm rãi
hãy ngủ trọn đêm dài
để nay mai bừng lại
thấy hồn mình chưa phai
(LỜI CỦA CÁT – PAROLES DE SABLE)
LỜI CỦA CÁT – PAROLES DE SABLE đang kêu gọi sự «việt-vượt-thắng” CHƯA PHAI đó trong hiện tình đất nước, trong hiện tình tỵ nạn của con người “không muốn các thế hệ sau này tiếp nối tỵ nạn”, nên cần thoát nạn, cần ca tụng cái hay, cái đẹp, cái tử tế xuất phát tự mình, từ nhân tính còn lại. LỜI CỦA CÁT – PAROLES DE SABLE chính là âm thanh của tạo hoá xin con người vừa ý thức sự tàn phá nội tại, vừa cố gắng tìm cách giảm bớt nguy cơ tự hủy bằng những giải pháp “bớt nóng”, bớt nhiệt độ phung phí, bớt rác rưới, bớt ô nhiễm ngay chính mình. Và nhất là biết đấu tranh cho lẽ phải, cho chính nghĩa, cho tự do và chí khí làm người.
Nếu hoa sĩ thế kỷ 20 như một Picasso thuộc trường phái Lập Thể [Cubisme] ở Châu Âu bắt đầu đưa những hình hài méo mó con người, hay vỡ mảnh qua tranh mô tả chiến trận tàn phá dân chúng GUERNICA; hay một Renoir với trọng tâm hội hoạ nét màu thực thể [Réalisme] sống động, mập mạp, hưởng thụ văn minh vui nhộn phì nhiêu và ánh sáng Paris thế kỷ 19, thì điêu khắc của Lưu Nguyễn Đạt là Bàn Tay Hy Vọng [Memorial Statue HAND OF HOPE] được tác giả khơi dựng hè 1975 [cũng Thế kỷ 20], tại trại Thủy Quân Lục Chiến, Marine Camp Pendleton, San Clemente, California, trong những ngày tháng đầu tiếp cư người Việt Tỵ Nạn cộng sản tới trú ngụ tại Hoa Kỳ, sau khi Sài Gòn thất thủ, để ghi nhận và nhắc nhở thế hệ Việt trẻ vốn là ĐỐI TƯỢNG của cuộc “DI TẢN LỊCH SỬ 1975”, nên cần TIẾP TỤC TỰ VỆ, cần vươn cao tự phát trong tương lai để cứu mình, cứu người một cách nhân từ, nhân ái, như bàn tay ông cha nâng niu con cái thoát nạn, như bàn tay con người nâng đỡ lẫn nhau.
Còn hội hoạ của Lưu Nguyễn Đạt thuộc trường phái trừu tượng [xuất phát từ nhu cầu thoát vượt trường phái Ấn tượng [Impressionisme] và Biểu tượng [Symbolisme], nên chú trọng khởi sắc con người và tạo hoá ĐẸP, HƯỚNG THƯỢNG, và nhất là khởi sắc NỘI TÂM và CĂN BẢN của cái đẹp đó. Lưu Nguyễn Đạt thường nói: “Vẽ được Người Đàn Bà Đẹp đã khó, nhưng vẽ nổi NỘI TÂM, NỘI TRẠNG của người đẹp, của SẮC ĐẸP còn khó hơn, vì cần cảm nhận, cần hội nhập chân thức, chân giá trị, chân lực tiềm tàng của đối tượng”.
Do đó tranh Lưu Nguyễn Đạt là TÂM CẢNH [Mindscape], là NỘI LỰC, khi không thể hiện con chim cất cánh [theo Réalisme] mà vẽ sức bay bổng của cấu trúc và màu sắc tiêu biểu thoát vượt. Tranh Lưu Nguyễn Đạt vốn là tranh trừu tượng nội tâm, từ ánh màu con sóng bạc tạo thành mẹ biển cả thùy dương bao bọc; từ hạt sỏi, ngọn lá, nụ hoa tạo thành núi rừng, tạo hoá liện hệ. Tranh Lưu Nguyễn Đạt không xa lánh con người, không bỏ bê thiên nhiên, tạo hoá, mà chỉ đem lại cho con người sắc thái toàn bích; đem lại cho cảnh vật sự say sưa, thơm tho của màu sắc nổi bật, của không gian VĨ MÔ thu hình trong giọt nươc vi mô nhỏ bé, hay ngược lại, chỉ cần thoáng ánh sáng nội tâm cũng tạo dựng lại sắc phẩm nhân tính và vũ trụ còn huy hoàng, trong cảnh hướng thượng, huyền diệu, tiềm tàng ngay trong vắng vợi, mất mát.
Tượng và tranh Lưu Nguyễn Đạt kết phát cùng thờ Lưu Nguyễn Đạt, một cách tương xứng, song hành:
ĐÊM TRẮNG HẠ
đêm trắng hạ mưa buồn như suối vỡ
tóc bạc tuyền dòng chữ nối ngẩn ngơ
rừng lá vội cành khô buông tay nối
phân vân vào gốc vắng hoang sơ
mưa thiêm thiếp ngủ vùi trong khát vọng
từng giọt sa thầm kín mắt huyền mong
em yên lặng nửa đêm lay tiếng sóng
khóc mỗi lần giọt xót ứa trong lòng
vết dấu tạm thì thầm trong bóng tối
con đường dài mải miết nỗi chơi vơi
thời gian hoá siêu hình trong nắng vợi
bỗng đêm qua một nét ửng vành môi
em tới đó ngâm hồn vào biển cả
giạt về đâu hạt cát giữa phù sa
ta luồng gió lạnh như vùng xa lạ
vẫn bay ngang vực tối ẩn hồn hoa
MẶT TRỜI CHƯA MÀU SẮC
đêm thần thoại mặt trời chưa màu sắc
đã có em trầm tưởng nối dòng sâu
thân kiếp lạ thoáng hồng nguyên lần cuối
trước rạng đông và tiếng gọi từ lâu
dòng hiện hữu cột cây nghiêng rừng núi
lắng tai nghe từng giấc lặng thầm vui
say hồn nước và ngây buồn đất tủi
thời gian qua bát ngát hạt sương vơi
lòng nhân loại có em thêu tình sử
hoá bụi trần thành đá biếc giữa đời
(LỜI CỦA CÁT – PAROLES DE SABLE)
Thơ Lưu Nguyễn Đạt không phải là thơ tự do, mà là thơ canh tân từ loại thơ “Lục bát”, “Thất Ngôn”, “Ngũ Ngôn”, không có chấm, phảy, chữ hoa, v.v., để độc giả tùy tâm thấu hiểu, tuỳ hứng đọc/diễn theo hơi thở và cách cảm nhận của từng người.
Có lắm bài thơ 6/8 được cắt đổi thành 6/4/4:
TỰ DO EM
tự do em mặc áo nàng
theo mùa thu đổ
ánh vàng trên non
lòng trào tâm lệ ửng son
em ngồi bến mộng
sương mòn ngàn thu
hồn chiều xa cách viễn du
dâng theo hạt nhớ
uẩn u bàng hoàng
mưa ngân sóng bạc lá vàng
em tìm nơi hẹn
thênh thang rùng mình
hay 7/7 cắt đổi thành 3/4/3/4…mà vận nhịp vẫn nguyên vẹn, vẫn chỉnh.
TÓC HUYỀN BAY
bên trời cửa hé
mắt xanh nguồn
tha thiết từng giây
phút vấn vương
áo lụa mai mềm
hương chớm nở
tình đầu ẩn giọt
nắng tinh sương
từng đêm xuân ngọt
môi xinh dậy
hoa mướt ngọc lan
thơ thẩn mây
đường cũ lối xưa
non tuổi ngọc
thì thầm dĩ vãng
tóc huyền bay
(LỜI CỦA CÁT – PAROLES DE SABLE)
Anh Nguyễn Ngọc Bích đã nói: “Thơ Lưu Nguyễn Đạt tưởng như vậy, mà không vậy”. Cắt và xếp thơ như thế để làm gì? Đẻ tạo ra cảm giác mới, nhịp thơ/thở đúng lúc, đúng chỗ, cuối câu, giữa câu [rime caudale & rime dorsale] cởi mở, thú vị, vừa suôi tai [euphonie], vừa gọn gàng hợp mắt [balance rythmique], dễ đọc, dễ nhớ.
Ngoài tập thơ LỜI CỦA CÁT – PAROLES DE SABLE, Lưu Nguyễn Đạt còn có thêm 8 tập thơ khác: Vùng Cao Nước Ẩn, Hồn Nước, Ca Tụng Niệm, Như Hoa, Nắng Đêm, Thơ Xanh, Ân Tình, Sóng Gào đã đúc kết thành tổng thi phẩm LƯU NGUYỄN ĐẠT DÒNG THƠ 50 NĂM [Việt Thức 2015] gồm hơn 700 bài thơ mới và cũ. Và trong năm 2019, Lưu Nguyễn Đạt sẽ cho xuất bản thi phẩm thứ 10, VẼ TÌNH – PAINTING LOVE, song ngữ Việt – Anh.
Hiện đã có khoảng 60 bài thơ của Ông đã được phổ nhạc.
THÂN HỮU NHẬN ĐỊNH VỀ THƠ TRANH CỦA LƯU NGUYỄN ĐẠT TRONG THI PHẨM LỜI CỦA CÁT-PAROLES DE SABLE
Trước khi xuất bản, Lưu Nguyễn Đạt đã gởi bản thảo cho một số bạn thân thuộc giới trí thức, nhà thơ, nhà văn, học giả Việt Nam ở hải ngoại và trong nước. Gần ba mươi bạn hiền của Ông đã gởi lời nhận định về thơ và tranh của Ông. Tôi xin trích những lời nhận định mà tôi thích nhất để quý vị độc giả yêu thơ cùng đọc.
Đăng Nguyên: Tôi có cảm giác thích thú khi đọc thơ anh. Như đang đi trong dòng suối mát, chợt thấy mình choáng ngợp giữa mênh mông sóng vỗ. Không cần hiểu chữ nghĩa mà ngậm nghe từ huyền hoặc của ngôn từ. Không cần nhìn tên tác giã cũng cảm nhận được đây là THƠ LƯU NGUYỄN ĐẠT.
Hồng Thủy: … Riêng về thơ, anh đã sáng tạo nhiều ngôn ngữ mới lạ. Anh lại có tài làm thơ bằng ngoại ngữ Anh, Pháp. Những bài thơ ngoại quốc nổi tiếng đã được anh chuyển ngữ rất tài tình sang tiếng Việt mà tôi vẫn thường được thưởng thức trong Diễn Đàn Việt Thức. Nhiều khi anh dùng thơ để vẽ nên bức tranh rất đẹp, như mấy câu thơ trong bài “Sông Hồng” mà tôi rất thích:
vạt sương hứng sợi bình minh
cả ngàn giọt nắng lung linh dệt mầu
hình như ai hẹn từ lâu
đợi quây giấc mộng bắc cầu vào đêm.
Trần Bích San (TS Trần Gia Thái): Theo André Breton, thơ là sự bộc phá những đòi hỏi âm thầm, ước muốn ấp ủ từ lâu trong vô thức. Thơ giải thoát khát vọng để được tự do bày tỏ. Với Paul Valéry, thơ không phải là phương tiện diễn tả ý nghĩa mà thơ chính là cứu cánh sáng tạo ngôn ngữ của nhà thơ. Người đọc thơ không tìm hiểu ý nghĩa của câu thơ mà bị quyến rũ bởi lời thơ. Thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ.
Thơ Lưu Nguyễn Đạt không những là sự giải thoát tiềm thức như Breton, mà đúng ra là sư bùng nổ những con chữ mới, ý mới, hình ảnh mới. Không chỉ “phải lòng chữ nghĩa”, Lưu Nguyễn Đạt còn “làm tình với chữ nghĩa”. Mỗi câu, mỗi bài trong Lời Của Cát ngôn ngữ Việt đã được phong phú thêm bởi nhà “phù thủy của chữ nghĩa”. Như Valéry quan niệm, thơ Lưu Nguyễn Đạt, đọc xong không phải là hết, thơ không phải chết đi sau khi đã sống (le poème ne meurt pas pour avoir vécu – Paul Valéry), chữ nghĩa cùng âm điệu quyện vào nhau cộng-hưởng-vang-vọng rung lên bất tận trong tâm hồn chúng ta sau khi đọc thơ Lưu Nguyễn Đạt.
Dương Nguyệt Ánh: Tôi rất yêu thơ. Mỗi khi cầm trên tay một tờ báo văn học thì việc đầu tiên là tôi tìm đọc những bài thơ. Thế nhưng tôi lại ít khi chú ý đến tựa bài thơ. Bởi thế mà tôi thuộc lòng nhiều thơ của Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Phạm Thiên Thư, Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên, Mường Mán, v..v… nhưng ít khi nhớ tên những bài thơ này. Tên bài thơ tôi còn không để ý thì hẳn nhiên tôi chẳng mấy khi chú ý đến tên của tập thơ. Lần này thì khác. Tôi rất thích cái tên Lời Của Cát. Có một chút khiêm tốn và một chút ngậm ngùi khi tác giả ví thân phận mình như cát – bởi một mai ta sẽ về làm cát bụi. Có một chút lãng mạn và một chút thiền khi tác giả nhận lấy vai trò của cát – vai trò nhân chứng cho những cuộc tình và mảnh đời quanh mình.
Cát thầm lặng nhưng bền bỉ, nghe và nhìn những xôn xao đến rồi đi trong cuộc đời vô thường, rồi chăm chỉ ghi lại trung thực mọi dấu vết. Nếu sóng có đến xóa nhòa đi thì cũng là một cơ hội để quên đi những điều buồn mà hy vọng lại từ đầu. Bởi vậy mà dẫu có phải chia lìa, ta vẫn đợi nhau:
thời gian bỏ ngỏ đợi em về
đất cũ đổi màu nước ngập đê
“Huyền Ngữ”
và vẫn hồn nhiên hy vọng:
em vào nắng mới thơm ngọn cỏ
xanh ngát cánh đồng chim đậu no
“Huyền Ngữ”
Ngoài những bài thơ cho tình yêu, đề tài muôn thuở của thi ca, thi phẩm Lời Của Cát còn có những lời đau của kẻ viễn xứ khi nước mất nhà tan:
nay cả trái đất hứng đám chim tan
bụi chiều việt điểu gẫy cánh ngỡ ngàng
“Vùi Lạnh”
rồi những lời tự an ủi vì ta may mắn vẫn còn người tình như sợi chỉ dù mong manh nhưng cũng đủ nối đêm sang ngày, đủ cho ta nghị lực vượt qua bất hạnh và cũng đủ cho ta lãng quên đời:
ta tới đất người lạc lối nay
tình em sợi chỉ nối đêm ngày
ngàn năm dù đủ tan thành quách
vẫn gợi bàng hoàng nguyên vị say
“Tình Em Sợi Chỉ”
Cám ơn anh Lưu Nguyễn Đạt đã làm đẹp cho tâm hồn tôi bằng những lời thơ từ tâm hồn anh.
Roberto Wissai/NKBá: Wow! How exquisite! How marvelous and sublime! How unusual! Those were my reactions when first exposed to Luu Nguyen Dat’s lines of poetry in the collection Lời Của Cát/Paroles de Sable. I was struck by the conceptions and executions of exquisite, rarefied feelings, the likes of which I have not seen in contemporary Vietnamese poetry (given my limited exposure). Reading the transmutations of these feelings transported me to a realm away from the daily mundane concerns. Reading them far late at night when the rollicking mind waves have settled down to mere gentle undulations gave me a kind of peace and pleasure that no drug of choice could bring.
In this collection of poems Luu Nguyen Dat trafficked in repeated far-out images, redolent of suggestive surrealism and magical realism. We met rocks, mists, sun, winds, sleep, sands, blood, and tears interplaying in unusual fashion and high musicality.
I urge you to read Luu Nguyen Dat’ s poems in this collection. I have a lingering feeling that some of his poems will live on forever, not only within the Vietnamese community but also in informed international circles, long after he is departed from this world.
Nguyễn Văn Thêm: Những dòng lục bát gói trọn tâm tư và hoài vọng của một nghệ sĩ đa tài, ngày đêm trăn trở đi tìm tự do, công bằng, bác ái cho quê hương; chân thiện mỹ cho nghệ thuật và cuộc đời: “khát khao tìm chữ nối vào/tịch u suối nhỏ lao đao thả hồn”… Ngưỡng mộ, tri âm tri kỷ là phần thưởng tinh thần cho lời thơ, ý nhạc bắt nguồn từ những rung động của trái tim và những thao thức trí tuệ.
Chu Xuân Viên: Tôi vẫn thưởng thức thơ của anh, cũ và mới. Bài nào cũng khiến tôi ngạc nhiên về ngôn từ và thi tứ. Mỗi bài là một khám phá tinh khôi đầy thích thú… Tôi cảm khái những lời nói về thơ mà như thơ. Thế mới là hồn thơ. Hãy nghe: “sáng trăng vời vợi xa bao ngả/xa cách lòng tình xa nguyệt nga?” Người nghe biết bao cảm kích? Hats off. You have the soul of a true poet. Never tired of listening to the sounds of your words. Tuyệt vời. Xin cám ơn nhà thơ.
BS Nguyễn Tấn-Hồng: Mỗi lần tôi vẫn có được những cảm nhận rất thích thú, có thể không giống người khác. Xem tranh, tôi không đặt câu hỏi “họa sĩ vẽ gì”, nhưng cứ để đường nét, mầu sắc tự nó đem cho mình cảm giác “như vậy là hài hòa, là đúng, là đẹp; đọc thơ, tôi không đọc bằng mắt, không phân tách, nhưng đọc thành tiếng, cũng để âm thanh cho mình cảm giác sự kết hợp những từ khiến câu thơ dễ thương quá.”
Huỳnh Thục Vy: Thơ mà không phải chỉ đơn giản là thơ. Thơ ông ảo như mộng, đôi lúc khiến người đọc choáng váng như trong cơn say; nhưng từng lời thơ lấp lánh vẻ diễm tình của thiên nhiên tươi đẹp; ngọt ngào như lời thì thầm yêu thương của đôi lứa; nhưng cũng chứa chan lòng bi mẫn đối với con người và cuộc đời.”
TS Phạm Cao Dương: Cảm ơn Anh đã chia sẻ. Thơ mang nhiều ý lạ biểu lộ qua những hình ảnh, âm thanh,ngôn từ ít thấy hay chưa thấy, dù đó là từ những hạt cát tầm thường… Vô cùng ngạc nhiên và càng đọc càng thú. Không thể tưởng tượng là một người xuất thân trường “Tây” mà sử dụng tiếng Việt độc đáo, đẹp và nhiều sáng tạo như vậy. Tôi muốn nói từ ngữ mới để diễn tả tư tưởng mới, hoàn toàn mới mà không kiểu cách làm dáng, nhất là vẫn giữ được hình thức, nhạc điệu quen thuộc, bình thường.
LinhThyNguy: Đây là những bức tranh thủy mạc, mờ ảo sương khói trên đường đi tìm môt thế giới thần tiên cuả thi nhân. Phảng phất và bàng bạc đâu đây, một bóng hồng, một ánh mắt, một bờ môi, mong manh như gió thoảng, như mây trôi, chợt ẩn chợt hiện, rồi sau cùng, cũng phôi pha theo kỳ hạn cuả thân phận con người… Còn chăng là những sáng tạo cuả tình yêu vĩnh cửu! Rất đẹp!
Nhất Tuấn–Phạm Hậu: Bài thơ “Khuyết Nắng” của anh Lưu Nguyễn Đạt rất tuyệt vời… Những bài lục bát thật tuyệt tác. Tôi thích lắm lắm…Ý thơ với những lời châu ngọc, văn điệu trác tuyệt… trau chuốt từng chữ như gấm trên hoa… Thơ Lưu Nguyễn Đạt vút cao lan khắp muôn phương.
TS Phan Văn Song: La différence entre Anh Đạt l’Artiste, le Poète, …et nous autres profanes, c’est sa sensibilité. Il voit là où nous sommes aveugles ; il entend là où nous sommes sourds ; il communique là où nous sommes autistes … Et non seulement il chante, il clame, il écrit des vers, il peint, il sculpte, mais en plus il fait exprimer les choses, il fait parler les choses…. «Objets inanimés, avez-vous donc une âme qui s’attache à notre âme et la force d’aimer? se demandait Lamartine dans Harmonies Poétiques et Religieuses. Oui, répond anh Đạt, oui les objets inanimés ont une âme… et Lưu Nguyễn Đạt les fait chanter et Lưu Nguyễn Đạt les fait revivre.
Nguyễn Cường: Anh thường nói đọc thơ anh nên “hưởng” trước, rồi mới “tưởng” sau. Thì ra là vậy. Cõi thơ anh dệt chữ ra gấm ra tranh, soi tỏ lòng người, soi tỏ đất trời, âm dương hòa nhịp cũng từ những con chữ thoát qua tâm hồn của anh mà thành…Trong thời buổi này, không thiếu những người làm thơ, nhưng để có những bài thơ đầy đủ chất thơ, mượt mà, diễm lệ như trong thơ của anh Lưu Nguyễn Đạt thì quả là hiếm hoi.
Đọc thơ của anh đã thấy mình vào cõi khác như được vuốt ve, mơn trớn. Những con chữ như xúm xít bên nhau để sản sinh ra biết bao nhiêu câu chữ mới, (lưng đêm, gió biếc, yếm âu … nhiều lắm). Với sự sáng tạo này thì quả đúng đây là dấu ấn của anh để lại cho đời.
BS Khoa Nguyen: Đọc đi đọc lại bao lần không thấy chán — những nẻo tâm tình như mới gặp đây từ trăm năm trước… Hay quá! Đọc mãi không chán. Votre place dans le Panthéon littéraire vietnamien est bien assurée.
Trần Ngọc Thiệu: … ngạc nhiên. Bái phục… “thơ kia lục bát ẩn lâu/vỡ tan từng mảnh biển dâu bàng hoàng”.
SaChiLe:…thơ huyền hoặc toả ngát hương trong lòng kẻ sĩ nặng lòng yêu dân tộc nghiệt ngã…những dòng thơ lướt nhẹ, đôi khi cuồn cuộn chảy, dạt dào, mênh mông như lạc vào mộng mị của một thế giới riêng tư trầm dũng…
Christine NgocHoa: “Le poète alors isolé dans son voyage terrestre, muet de terreur et d’angoisse, reprend le chemin de retour à la création originelle…” me fait beaucoup penser à “L’Albatros” de Baudelaire. Vos paroles sont en elles-même de la poésie pure, ayant le pouvoir absolu de suspendre au temps, son vol… Poésie limpide et fragile, et fragile, comme le crystal, et fragile, comme l’image féminine évoquée ici, m’a été salutaire. Paroles envoûtantes, elles sont passionnantes et irrésistibles! Oui, j’ose effleurer et errer, “pieds nus” sur la plage vierge, pour le plaisir de savourer, les yeux fermés, visage et cheveux au vent, le son magique des vagues ensorcelantes de vos «paroles de sable».
BS Nguyễn Ngọc Khôi: “Bờ Nguyệt Thực” est une vraie perle… la cadence, la musicalité, le choix exquis des mots…Un vrai régal. J’espère que beaucoup d’autres puissent ressentir ce que je ressens en ces vers…“Chưa Phai”, encore un exceptionnel poème. Tu décris bien la beauté et le tragique de la condition humaine: la torture de Sisyphe. Tu as bien raison; Il n’y a jamais de repos pour l’homme qui se respecte.
TS Đoàn Viết Hoạt: Bài thơ «Sóng Gào» thật tuyệt vời, hay cả lời và cả ý. Tôi thích nhất hai câu kết: «nước vơi nước lại say nhiều/muối rơi mảnh vụn thân kiêu đội trời». Chỉ hai câu mà tả được vừa cảnh đất nước vừa tâm sự của người.
Lê Hữu: Đọc thơ của anh Lưu Nguyễn Đạt rất thú vị. Bài “Mẹ nín” thật hay, và tôi cũng thích những bài lục bát như “Môi xưa”. Thơ anh Lưu Nguyễn Đạt có nét rất ”riêng”, với thi tứ và cách dùng chữ rất mới: “sơn thủy là em là nước chảy/ngược dòng ta hẹn trọn cơn say”.
Riêng bài đầu «Lên Núi» với căn nhà “nằm ngay trong tâm cảnh hành giả”, ngôn ngữ và tứ thơ thật thanh thoát, cao diệu.
“Đó cũng là căn nhà vô hình của Tín Ngưỡng, Tư Tưởng, Nghệ Thuật… Là căn nhà vô hạn của tình Yêu trong cuộc đời hạn hẹp”, một “căn nhà” như thế thì ai cũng mơ về và cũng muốn tìm gặp. Đọc Lời Của Cát, hơn lúc nào hết thấy rõ “Thơ là Đạo”, là những… hạt “cát” lấp lánh vàng.
Vĩnh Định Nguyễn văn Dưỡng [Van Nguyen Duong]: Tôi cảm xúc sâu xa về các bài thơ trong tập thơ Lời Của Cát — Paroles De Sable…Tôi đã viết Tản Mạn về Cung Trầm Tưởng. Nếu phải viết về thơ và người thơ thứ hai trong đợt bài Văn Học-Thi Ca Việt Nam, thì tập thơ đó phải là Lời Của Cát — Paroles De Sable và người thơ đó phải là Lưu Nguyễn Đạt. Thơ Anh có hồn, các bài dịch ra Pháp văn tuyệt tác.
Tôi sẽ nói rõ về Trào Lưu Thơ Mới trước và sau Chiến Tranh VN ảnh hưởng bởi thi ca Pháp như thế nào và Lưu Nguyễn Đạt là đối tượng chính của bài viết đó. Tôi sẽ đề cập góc cạnh Thơ Mới sắc bén điêu luyện của Lưu Nguyễn Đạt trong bài viết đó. Tôi đêm nằm nghỉ ngơi, thoáng cũng đã hình dung được dàn bài rồi. Chỉ… cần viết ra thành văn bản mà thôi, tuy tôi chưa nghĩ phải đề tựa như thế nào…Nếu tôi không viết được hết về thơ Lưu Nguyễn Đạt là điều đáng hối tiếc và đáng buồn cho tôi. Tôi vốn dĩ yêu thơ, tôi không thể bỏ qua được những bài thơ đã nhập tâm, nhập thức đó.
MinhNguyệt & Thái: Tôi rất cảm động khi đọc thơ của Anh. Xin cảm ơn.
Lê Anh: Bác ơi, Bác thuộc tướng Râu hùm, Hàm én, Mày ngài, Quan Võ … Mà lại làm thơ hay quá. Cảm tạ Anh …Thư Hoạ …Tuyệt Tác.
Huỳnh ngọc Tuấn: Tôi đọc khá nhiều thơ của Thi sĩ Lưu nguyễn Đạt. Trong thơ ông nét hiện đại và cổ điển hài hòa, với những khám phá từ ngữ mới, với những câu rất lạ của thơ Pháp được diễn đạt bằng ngôn ngữ của ngàn xưa đất Việt. Cám ơn ông đã góp phần giữ gìn bản sắc Việt qua những tứ thơ hiện đại… Những bài thơ tuyệt vời. Lâu lắm rồi mới đọc được thơ hay như thế. Người ta nói, trong thơ có nhạc có họa, thơ Lưu nguyễn Đạt có tất cả. “hồn thơ dại vụng về bên nắng mới/lời không lời mà sao mọc chơi vơi/ta hỏi lại em từ đâu bỗng tới/mà hồn nhiên đem tia sáng vào đời…” Những câu thơ sao mãi quanh quẩn trong hồn ta!
Cao Minh Nguyệt: Ẩn dụ [Metaphor] anh dùng thật điêu luyện:”Phút giây buộc chỉ thăng trầm/Giờ khuya vuốt nhẹ dương cầm huyền siêu”. Loạt bài thơ này, cũng như những bài anh làm từ trước, rất diễm tuyệt và có hiệu lực thu hút người đọc. Xin tạ ân một khoái cảm lâng lâng anh vừa cho.
LS Lê Đại Toàn: Thơ rất cao, nhưng vẫn dễ hiểu để có thể cảm nhận được tâm tư và rung cảm qua sự kết hợp và phối trí của hình ảnh và âm thanh tuyệt kỳ, vô cùng độc đáo.
Hoàng Văn Hải: Quelle agréable surprise de lire ton beau poème bilingue “Tinh Em Paris” – ”Paris Mon Amour”. Que de souvenirs de ce séjour à Paris 13ème –Tour Helsinki! Mon oncle Tuệ à l’époque avait fait cette remarque: ”Moi qui habite dans cet appartement depuis des dizaines d’années, je n’ai rien trouvé à dire. Voilà que ton ami qui débarque des Etats Unis a trouvé comme par enchantemment l’inspiration pour écrire un si beau poème…” Il y a, à la fois un contraste de couleurs sombres et lumineuses et une harmonie de sentiments complexes et contradictoires. C’est le calme et la sérénité de l’artiste sous un ciel de Paris tourmenté et changeant…
Trần thị Lai Hồng: Thật tuyệt tranh đen trắng! Xin bái phục, về lòng yêu văn học nghệ thuật trong mọi lãnh vực! Lành thay!
Nguyễn Xuân Hoàng: Lời Của Cát hay lắm.
Bên cạnh một Lưu Nguyễn Đạt thi hoạ sĩ hướng thượng, chủ tâm tái tạo cái đẹp, cái tử tế của con người, của tạo hoá thì còn có một nhà THỜI LUẬN, VĂN LUẬN miệt mài dẫn chứng cái khốn đốn, cái vỡ mảnh trong lịch sử và văn hoá như những tai ương nhân tạo mà dân tộc Việt vừa là NẠN NHÂN, vừa là TÒNG PHẠM, hay ít ra là KẺ TRONG CUỘC một cách bất đắc dĩ, vô tình, vô tâm. Đồng thời, cũng đề cao hiện tượng con người và công dân tự giác, sẵn sáng chứng tỏ mình có quyền sống làm người sở hữu thân phận và không gian trực thuộc của chính mình, với đầy đủ chi tiết trong ấn phẩm THỜI LUẬN & VĂN LUẬN (Việt Thức, 2017) dày hơn 560 trang, với những tiết mục «tượng trưng» như sau:
- TỪ QUỐC HÂN 30 THÁNG TƯ TỚI SỨ MẠNG CHÂN CHÍNH CỦA NGƯỜI VIỆT TỬ T
- THỰC LỰC CỦA NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN TẠI HẢI NGOẠI HAI LẬP TRƯỜNG CÙNG MỘT VẤN ĐỀ: VẬN MỆNH QUỐC GIA DÂN TỘC
- “CHÍNH DANH” CỦA NGÀY 30 THÁNG TƯ 1975
- TỰ DO BÁO CHÍ: THẾ LỰC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA ĐỆ TỨ QUYỀN
- BÁO CHÍ & HIỆN TƯỢNG PHỈ BÁNG MẠ LỴ TẠI HOA KỲ
- HIỆU ỨNG PHÁP LÝ, DÂN SỰ VỀ VIỆC NHẬT BÁO NGƯỜI VIỆT PHỔ BIẾN TIN NHỤC MẠ “VNCH LÀ BÈ LŨ VIỆT GIAN TAY SAI CỦA MỸ”
- QUÀ TẾT GIÁP NGỌ: NHỮNG BIỂU TƯỢNG VĂN HOÁ VÀ HIẾN ĐỊNH ĐÁNG QUÝ ĐÁNG TRỌNG
- THẾ LỰC CỦA XÃ HỘI DÂN SỰ
- NỮ GIỚI QUYỀN HAY THẾ ĐỨNG CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG XÃ HỘI VÀ TRƯỚC LUẬT PHÁP
- MÚA RỐI BIỂN ĐÔNG & MẶC CẢ QUYỀN LỢI QUỐC GIA
- CHỦ NGHĨA BE-BỜ & CHIẾN TUYẾN VIỆT NAM: KHÔNG ĐÁNH THỰC, KHÔNG CỐT THẮNG
- TỪ DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH TỚI DIỄN TIẾN DÂN CHỦ
- TẠI SAO CẦN CÓ CHÍNH NGHĨA DÂN TỘC?
- NHỮNG ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT CHO CÔNG CUỘC KINH BANG TẾ THẾ, PHÁT TRIỂN TIẾN BỘ THỜI HẬU CỘNG SẢN
- MUỐN VƯỢT THẮNG CỘNG SẢN, PHẢI THỰC THI CÔNG LÝ, BẢO TOÀN CÔNG BẰNG, ĐẠO ĐỨC VÀ LẼ PHẢI
- HOÀ HỢP HOÀ GIẢI DÂN TỘC” LÚC NÀY VẪN CÒN LÀ TRÒ BỊP BỢM
- GIẢI PHÁP KHẢ THI GIẢI TRỪ CỘNG SẢN VIỆT NAM: CHỌN ĐƯỜNG SỐNG THAY THẾ CHO NGÕ CỤT VÀ HẺM CHẾT
- NHU CẦU DÂN CHỦ CHÂN CHÍNH TẠI VIỆT NAM
- CẦN LÀM GÌ ĐỂ THỰC HIỆN CUỘC CÁCH MẠNG DÂN CHỦ CHO VIỆT NAM?
- HÃY GIÀNH LẤY CUỘC CÁCH MẠNG TRÚC SẬY CHO VIỆT NAM
- “KHÔNG AI ĐƯỢC ĐÙA VỚI CÁCH MẠNG VÀ NỔI DẬY” LÀ CÁI THÁ GÌ, THƯA ÔNG NGUYỄN MINH CẦN?
- 23. TƯ CÁCH VÀ VAI TRÒ TRÍ THỨC ĐỐI DIỆN “THƯ NGỎ” GỬI CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO VIỆT NAM
- NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ HỒI ÂM CỦA GS VŨ QUỐC THÚC
- CỘNG SẢN VIỆT NAM CÓ CHÍNH DANH, CHÍNH NGHĨA, CÓ DÂN CHỦ VÀ PHÁP TRị HAY KHÔNG?
- MUỐN CHỐNG NGOẠI XÂM HÃY DẸP CSVN VÀ XÂY DỰNG LẠI CHÍNH NGHĨA VÀ QUYỀN LỰC DÂN TỘC
- BẤT TUÂN DÂN SỰ: “CIVIL DISOBEDIENCE”
- KHÔNG GIAN VÀ LƯƠNG TRI VIỆT
- TRÍ THÔNG MINH VÀ KIẾN THỨC DÂN TỘC VIỆT: ẢNH HƯỞNG NGUỒN GỐC DI TRUYỀN VÀ ĐỘT BIẾN MÔI TRƯỜNG VĂN HOÁ
- KIẾN THỨC NÀO ĐEM LẠI ÍCH LỢI CHUNG CHO XÃ HỘI NGÀY NAY
- VIỆC KHAI QUẬT MỘT LUẬN ÁN Y KHOA: GIÁ TRỊ VÀ HẬU QUẢ CỦA CHỨNG CỨ BẤT TOÀN
- VĂN BẰNG ĐẠI HỌC THẬT HAY GIẢ: BIẾT THÌ TIẾN…
- HIỆU ỨNG CÁNH BƯỚM CỦA TIẾNG NÓI LƯƠNG TÂM
- DIẾN BIẾN ĐỒNG MỸ KIM TRONG CANH BẠC TIỀN TỆ THẾ GIỚI
- Cần Phải Làm Gì Khi Cộng Sản Việt Nam Cáo Chung?
Với ngần ấy suy tư sáng tạo, ngần ấy dẫn giải, ngần ấy “dấn thân” vào thời cuộc, vào vận mệnh, quá khứ, hiện tại và tương lai đất nước; với biết bao nhiêu dự án tích cực và cơ sở bất vụ lợi sáng lập tại hải ngoại; với hơn 40 ấn phẩm do chính ông chăm sóc, xuất bản cho mình, thân hữu, và các phong trào phục vụ lợi ích của các thế hệ Viêt; với cả hàng chục ngàn bài tham luận đăng trên Diễn Đàn Việt Thức, Lưu Nguyễn Đạt đã thực hiện phần nào sứ mạng và thiên chưc của một trí thức thời loạn cố gắng dẫn giải hoà bình và phẩm giá cải thiện cho một dân tộc đáng yêu, đáng trọng hơn, cho con người xứng đáng làm người vậy.
VĂN NGUYÊN DƯỠNG
Hawaii, Cuối Tháng 3/2019
GHI CHÚ:
(1) Thời Luận Văn Luận Lưu Nguyễn Đạt – Việt Thức 2017, các trang 535–560. “Hồ Trường An Trò Truyện Với Văn Thi sĩ Lưu Nguyễn Đạt.”
(2) Như trên, các trang 562–565. “Lưu Nguyễn Đạt Người và Thơ”, của Phùng Thị Hạnh.
(3) & (4) Xem trong bài viết ở (1).
(5) Xem trong bài viết ở (2)