Trong không khí vốn đã căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hôm Thứ Tư 28, Hạ viện Mỹ biểu quyết đạo luật yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ nghiên cứu xem tỷ giá quá thấp của đồng Nhân dân tệ có là một biện pháp trợ giá xuất khẩu của Bắc Kinh hay không.
Cán cân thương mại Mỹ – Trung tính đến tháng 7 năm 2010
Một màn tranh cử
Trước đó hai ngày thì Bộ Thương mại Bắc Kinh quyết định tăng thuế suất nhập nội hơn gấp đôi trên một số thịt gà của Hoa Kỳ. Vì vậy, dư luận hỏi là một trận chiến mậu dịch có thể bùng nổ giữa đôi bên hay chăng. Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa qua cuộc trao đổi do Việt Long thực hiện sau đây.
Việt Long: Thưa ông, Hạ viện Hoa Kỳ vừa biểu quyết đạo luật tên là “Cải cách Ngoại hối cho Thương mại Bình đẳng” để đòi bộ Thương mại Hoa Kỳ phải gây áp lực với Trung Quốc về tỷ giá quá thấp của đồng Nhân dân tệ. Khi Hạ viện Mỹ đang chuẩn bị dự luật thì Bộ Thương mại Trung Quốc cũng quyết định tăng thuế suất nhập nội trên loại gà ăn thịt của Mỹ bán vào thị trường Trung Quốc. Vì vậy, dư luận thế giới mới cho rằng một trận chiến về mậu dịch đang bùng nổ giữa hai quốc gia này. Ông nghĩ sao về chuyện đó?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng mâu thuẫn mậu dịch đang diễn ra giữa đôi bên, nhưng dưới nhiều diện khác. Còn đạo luật Ngoại hối của Hạ viện Mỹ chỉ là một màn tranh cử mà thôi!
Việt Long: Câu trả lời của ông hơi lạ. Vì sao một đạo luật gây sức ép cho Bắc Kinh lại là màn tranh cử?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin giải thích về bối cảnh trước.
Cách đây sáu tháng, vào Tháng Ba, Hạ viện Hoa Kỳ cũng đã yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ nghiên cứu xem rằng tỷ giá quá thấp của đồng bạc Trung Quốc có là biện pháp trợ giá xuất khẩu hay không. Và nếu có như vậy thì Bộ Thương mại phải đề nghị việc trừng phạt để trả đũa. Hôm 23 Tháng Tư, Bộ Thương mại đã xin hoãn câu trả lời thêm ba tháng, rồi lại hoãn nữa. Cùng với áp lực của Hạ viện, Thượng viện Hoa Kỳ cũng yêu cầu Bộ Ngân khố, tức là Bộ Tài chính của Hoa Kỳ, nghiên cứu và trả lời xem là chế độ ngoại hối của Trung Quốc có là một hình thức lũng đoạn hay không. Bộ Tài chính Mỹ cũng lại tìm cách trì hoãn câu trả lời. Chúng ta có đề cập đến vấn đề này trong chương trình phát thanh hôm 28 Tháng Tư.
Lý do trì hoãn từ phía hành pháp là vì chính quyền của Tổng thống Barack Obama muốn làm áp lực một cách gián tiếp và kín đáo hơn, như tại Thượng đỉnh của nhóm G-20 vào Tháng Bảy hay kỳ họp song phương giữa hai nước trong khuôn khổ thảo luận của cơ chế gọi là Đối thoại về An ninh và Kinh tế. Một lý do khác là chính quyền Obama cũng còn muốn Bắc Kinh hợp tác để giải quyết các hồ sơ nóng như kế hoạch võ khí hạch tâm của Iran hay sự khiêu khích của chế độ Cộng sản Bắc Hàn. Chuyện hợp tác ấy của Bắc Kinh không hề có….
Việt Long: Nghĩa là Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu từ phía Hoa Kỳ nên bây giờ Hạ viện Mỹ mới lại gây áp lực nữa. Thế thì tại sao ông lại nói rằng đấy là một màn tranh cử?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa ông, thứ nhất là nếu Hạ viện có biểu quyết xong đạo luật thì còn phải chờ Ủy ban Tài chính Thượng viện nghiên cứu đề nghị, rồi thông qua để khoáng đại Thượng viện biểu quyết. Trong hoàn cảnh hiện tại, chưa chắc Thượng viện có đủ số phiếu để lo nổi việc đó, chưa kể nhiều trở ngại về nghị trình quá eo hẹp ngay trước ngày bầu cử là mùng hai tháng 11 này.
Thứ hai, thuần về pháp lý, thì phán quyết gọi là Trung Quốc có “trợ giá xuất khẩu” qua tỷ giá quá thấp của đồng Nhân dân tệ chưa chắc đã được Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cứu xét và phân xử. Lý do là theo quy định của WTO, biện pháp trợ giá phải nhắm vào một số mặt hàng nhất định với lợi thế nhất định chứ việc định giá hối suất quá thấp lại là biện pháp quá tổng quát.
Thứ ba, Hạ viện Mỹ tất nhiên biết rằng việc nộp hồ sơ đi kiện Trung Quốc là tiến trình lâu dài chứ không thể có kết quả lập tức. Nhưng họ vẫn làm vì nhiều dân biểu đang cần tái đắc cử vào tháng 11 này nên phải cho thấy là họ quan tâm đến quyền lợi của cử tri, thí dụ như công ăn việc làm bị mất vì sự cạnh tranh bất chính của Trung Quốc.
Kết cục thì ta đều biết là tình hình kinh tế khó khăn, thất nghiệp quá cao, bội chi ngân sách quá lớn khiến đảng Dân Chủ có thể thất cử nặng vào ngày mùng hai Tháng 11 tới đây. Và nói chung, sự bất mãn của dân Mỹ đang hướng vào các dân biểu nghị sĩ đương nhiệm, thuộc cả hai đảng. Vì vậy mà các ứng cử viên đều cần chứng tỏ là họ quan tâm và bảo vệ quyền lợi cử tri. Riêng trong đảng Dân Chủ thì các nghiệp đoàn và thành phần đề xướng bảo hộ mậu dịch thường nêu vấn đề về tỷ giá đồng Nhân dân tệ để gây sức ép với giới dân cử.
Mâu thuẫn mậu dịch
Việt Long: Nghĩa là ông cho rằng đạo luật của Hạ viện sẽ không hiệu nghiệm trừ một kết quả biểu kiến về chính trị cho nhu cầu tranh cử trong nội tình nước Mỹ. Nhưng vì sao chính ông cũng vừa mới nói là mâu thuẫn về mậu dịch đang diễn ra giữa hai nước?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ra hãy cố suy ngẫm ra trên đại thể, trước khi đi vào chi tiết.
Trên đại thể, Hoa Kỳ bị nhập siêu về ngoại thương với khoảng 90 quốc gia, nặng nhất là với Canada, khoảng 500 tỷ Mỹ kim, sau mới là Trung Quốc, là gần 230 tỷ Mỹ kim vào năm ngoái. Lý do chính là xu hướng tiêu thụ quá mạnh của xã hội Mỹ. Chìm bên dưới lại có một chủ trương bất thành văn và khá lâu đời về ngoại giao và chiến lược là tranh thủ các quốc gia trên thế giới qua mối lợi bán hàng cho Mỹ. Người ta nên nhìn ra sự thể thực tế này, nó không giống lý luận của người cộng sản lạc hậu là Đế quốc Mỹ cứ đòi can thiệp vào xứ khác để chinh phục thị trường và bán hàng! Khi Việt Nam bang giao và mua bán với Mỹ cũng thế, cũng đã sớm đạt xuất siêu là xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu và có lợi rất lớn trong mối bang giao kinh tế ấy.
Thế nhưng kinh tế Hoa Kỳ lại bị suy trầm thất nghiệp nặng nên Tháng Ba vừa qua, Tổng thống Obama mới đề xuất chiến lược xuất khẩu như một quốc sách, với chỉ tiêu là nhân đôi xuất khẩu để tạo thêm hai triệu việc làm trong năm năm sắp tới. Chỉ tiêu quá cao đó tất nhiên là khó đạt, nhưng sáng kiến này phần nào thỏa mãn yêu cầu của nghiệp đoàn và xu hướng bảo hộ mậu dịch tại Hoa Kỳ. Ngược lại, khi chỉ thị cho bộ máy công quyền phải yểm trợ doanh nghiệp xuất khẩu vì đó là quốc sách – thật ra cũng chẳng khác gì chủ trương của Trung Quốc – thì chính quyền Mỹ lại làm Bắc Kinh kết luận là Mỹ có ác ý muốn thu hẹp khả năng xuất khẩu của mình. Đó là phản ứng sai vì bệnh tự kỷ ám thị, một thuộc tính của Trung Quốc.
Đã thế, từ năm ngoái và suốt năm nay, Hoa Kỳ cũng nhiều lần khiếu nại với tổ chức WTO về các biện pháp cạnh tranh bất chính của Bắc Kinh, gần nhất là vụ thép cán hay vỏ lốp xe bình dân của Trung Quốc bán qua Mỹ. Vì vậy, từ tháng Tám rồi, Bộ Thương mại Bắc Kinh mới trả đũa. Đó là tri hô rằng gà của Mỹ bán cho Trung Quốc được trợ giá vì ăn ngô đậu với giá quá rẻ, và đòi điều tra nghiên cứu. Một số doanh nghiệp Mỹ đồng ý cho họ vào nghiên cứu thì được bán gà vào Trung Quốc với thuế biểu hơn 50%.
Doanh nghiệp nào không đồng ý thì phải vượt hàng rào thuế quan là hơn 105%, lập tức áp dụng kể từ ngày 26 vừa qua. Thật ra, Trung Quốc là một xứ đói ăn, sản xuất không đủ lương thực cho dân chúng và phải nhập khẩu. Gà Mỹ chiếm tới 90% lượng gà nhập khẩu của Trung Quốc và biện pháp đánh thuế ấy sẽ khiến thịt gả hành đắt hơn khi lương thực đang tăng giá quá mạnh tại Hoa lục. Đâm ra, chuyện trả đũa ấy cũng chỉ là trò đùa!
Nhưng thực tế thì giữa hai quốc gia, quan hệ kinh tế và thương mại tất nhiên là sẽ còn căng thẳng vì cả hai đều phải tái lập quân bình chi thu và xuất nhập khẩu, và chiến tranh mậu dịch có thể đang ngấm ngầm xảy ra, chẳng hạn như trên các trận tuyến pháp lý của tổ chức WTO.
Việt Long: Liệu Trung Quốc có chiếm ưu thế trong trận chiến này không, khi họ giữ trong tay một lượng dự trữ ngoại tệ rất lớn là gần 2.500 tỷ đô la, bên trong lại có 800-900 tỷ là công khố phiếu của Mỹ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trung Quốc muốn thiên hạ nghĩ vậy và còn hà hơi cho nhiều trung tâm nghiên cứu nói ra điều ấy để gây sức ép trong dư luận Mỹ. Thí dụ như trong Tháng Tám, họ nói là bán ra Công khố phiếu Mỹ để mua vào nhiều loại ngoại tệ khác trong cái giỏ ngoại tệ của họ. Thật ra, số bán ra chỉ có hai chục tỷ Mỹ kim, so với hơn 830 tỷ họ còn giữ trong tay thì chẳng bao nhiêu. Vả lại, nếu bán quá mạnh thì Mỹ kim sụt giá khiến Trung Quốc bị thiệt vì tài sản lưu giữ trong tay dưới dạng đô la sẽ lập tức mất giá, mà hàng Mỹ trở thành rẻ hơn thì lại dễ bán hơn!
Trong chuyện này, ta cần nhìn ra cách đánh thật và những đòn hù dọa ở mặt ngoài.
Thứ nhất, nói gì thì nói, khi chấp nhận cho Trung Quốc gia nhập tổ chức WTO 10 năm về trước, phía Mỹ đã gài vào một điều khoản mà WTO cũng đã đồng ý. Đó là các doanh nghiệp Mỹ mà bị thiệt vì ngoại thương với Trung Quốc thì có quyền kiện để đòi bồi thường thiệt hại. Đấy là cách nắm dao đằng chuôi.
Thứ hai, hơn 60% số xuất khẩu của Trung Quốc là do các tập đoàn kinh doanh Mỹ xướng xuất, nôm na là dạy cho mà ăn. Nếu các tổ hợp ấy còn có lời thì còn tiếp tục và sẽ can chính quyền đừng theo chủ trương bảo hộ mậu dịch vì lợi bất cập hại. Cũng vì thế mà trước khi Hạ viện Mỹ biểu quyết hôm Thứ Tư thì hôm Thứ Ba 28, Phòng Thương mại Hoa Kỳ và 35 nhóm thương mại Mỹ gửi thư lên các dân biểu nghị sĩ để đề nghị Quốc hội Hoa kỳ không nên đơn phương gây sức ép về chuyện tỷ giá đồng Nhân dân tệ vì chẳng có lợi. Nhưng, khi mà các doanh nghiệp ấy thấy kém lời và làm ăn khó khăn tại Hoa lục thì họ sẽ nhổ trại qua thị trường khác. Đến lúc ấy thì Trung Quốc mới thấy sợ và bớt cái tật hung hăng khoác lác. Nôm na ra là Bắc Kinh không mạnh như họ nói đâu!
Việt Long: Câu hỏi cuối thưa ông. Dường như các doanh nghiệp Mỹ cũng bắt đầu thấy ra một số trở ngại trong việc làm ăn tại Trung Quốc và nói đến triển vọng của các thị trường khác. Thí dụ như Ấn Độ hay các nước Đông Nam Á. Ông nghĩ sao về triển vọng này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Bằng nhiều thủ đoạn, Bắc Kinh chỉ hù dọa những người thiếu hiểu biết, chứ thâm tâm thì đã thấy họ phải chuyển hướng và ít lệ thuộc hơn vào xuất khẩu nếu không thì sẽ bị nội loạn. Mà thật ra chuyển hướng chưa xong sau năm năm xoay trở. Trong khi ấy, thị trường Ấn Độ có một tỷ dân và thị trường Đông Nam Á có 600 triệu dân cũng có nhiều tiềm năng đáng kể, lại không dùng thủ đoạn chính trị để tìm lợi thế kinh tế.
Trong một tương lai không xa, hai thị trường ấy sẽ giữ vai trò điền thế, chưa kể tới nhiều xứ khác như Bangladesh, Mexico hay Brazil. Các nhà đầu tư quốc tế đều đã nói tới chuyện ấy nên có chuẩn bị và thực tế thì họ nắm các ưu thế chính là kiến năng tổ chức kinh doanh, công nghệ tiên tiến và mạng lưới tiếp thị toàn cầu.
Đáng chú ý không kém là hai khối kinh tế Ấn Độ và Đông Nam Á đều có chung một mối lo, là sự bành trướng đa diện và ngang ngược của Trung Quốc. Cho nên, họ cần tạo điều kiện tiếp nhận đầu tư quốc tế vì cả lý do kinh tế lẫn an ninh. Chính là trong hoàn cảnh đó mà Việt Nam mới cần đẩy mạnh cải cách hơn để có môi trường đầu tư thông thoáng và hạ tầng cơ sở vận tải lành mạnh, hạ tầng cơ sở luật pháp minh bạch. Việt Nam cần thấy rằng quan hệ kinh tế bền vững với các quốc gia khác ngoài Trung Quốc cũng là yếu tố phụ trội để bảo vệ an ninh và độc lập quốc gia. Chẳng xứ nào muốn bênh Việt Nam khi chính quyền đàn áp người dân của mình, còn cán bộ chỉ chực móc túi doanh nhân ngoại quốc, rồi ca tụng mô thức kinh tế Trung Quốc là sáng suốt.
Việt Long: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa.
Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa
2010-09-29
Trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) tại Bắc Kinh hôm14 tháng 7 năm 2010. AFP Photo