Kinh tế Chính trị học Trung Quốc trước Đại hội đảng…
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, kỳ V, khoá 17 của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã khai mạc hôm Thứ Sáu 15. Dự trù kết thúc vào ngày 18, Hội nghị Trung ương kỳ V sẽ thông qua kế hoạch năm năm 2011-2015 trước khi công bố chi tiết vào năm tới. Chúng ta sẽ nói về kế hoạch này sau. Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ có một quyết định chuẩn bị việc kế nhiệm lãnh đạo. Đó là đề cử Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, năm nay 47 tuổi, vào Trung ương Quân Ủy hội. Trung Quốc có hai cơ chế cùng tên (Trung Quốc Quân sự Ủy viên hội), cùng thành phần nhân sự, để cùng chỉ đạo về quân sự, một cơ chế trong đảng, một cơ chế của nhà nước. Bất cứ ai lên lãnh đạo đều phải nằm trong cơ chế này để thực tế lãnh đạo quân đội. Việc Tập Cận Bình phải vào Quân ủy hội là bước cần thiết để lên thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sau Đại hội đảng của khoá 18, sẽ triệu tập trong năm 2012. Sau Đại hội, đến 2013, Trung Quốc sẽ có lãnh đạo mới trong cơ chế đảng và nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, v.v.
Trung Quốc đang ở vào giai đoạn chuyển giao lãnh đạo khi thế hệ thứ tư của những Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo và Uý Kiện Hành sẽ về hưu sau khi được để cử từ Đại hội 16 năm 2002.
Trong Hội nghị kỳ V, 371 Trung ương Ủy viên đề ra chủ trương của kế hoạch năm năm tới, bên trong có đường lối chánh sách kinh tế chính trị của hai năm giao thời, trước Đại hội 18. Về các kế hoạch năm năm, ngày xưa người ta thường nói đùa rằng nếu chỉ tiêu về đinh là 50 triệu tấn thì kinh tế sản xuất ra toàn đinh 15 phân. Để sửa sai, chỉ tiêu là 500 tỷ cái đinh sẽ đẻ ra toàn… đinh đóng guốc! Sau 30 năm hoang tưởng thời Mao (1949-1979), Trung Quốc đã cải cách nhưng còn duy trì khái niệm kế hoạch năm năm, với mức khả tín cao hơn xưa mà vẫn chỉ có giá trị chỉ dẫn. Bài này không đi sâu vào chuyện đó.
Về bối cảnh thì ta thấy Tháng Tám vừa qua, Tổng lý Quốc vụ viện (Thủ tướng) Ôn Gia Bảo đã có chuyến “Nam du” – như Đặng Tiểu Bình năm xưa – nơi ông công khai kêu gọi phải cải cách chính trị. Kế tiếp là bài diễn văn ông đọc cuối Tháng Chín tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York với cùng lập luận. Nhưng cả hai bài diễn văn đầy tính cởi mở này đã bị bộ Tuyên truyền Trung ương của Trung ương đảng (“Trung Cộng Trung Ương Tuyên Truyền Bộ”) kiểm duyệt! Trước đó, đã có tin đồn, dĩ nhiên là nhảm, rằng Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ phải từ chức…
Như “trong khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh thì quyền tự do ngôn luận lại tụt hậu – từ nhiều thập niên rồi!” Hoặc “trong thế giới toàn cầu hóa với mạng lưới Internet đang mở ra cơ hội trao đổi thông tin và quan điểm, chế độ kiểm duyệt có thể khiến người dân Trung Quốc đi tìm sự yểm trợ của nước ngoài để quảng bá ý kiến của mình, và đấy sẽ là một vấn đề cho quốc gia!”
Trước hiện tượng có vẻ mới lạ này, ta nên nghĩ sao?
Về kinh tế thì 30 năm sau cải cách, chiến lược phát triển của đảng đã đi hết sự vận hành của nó và bắt đầu gặp giới hạn. Đó là hàng loạt vấn đề kinh tế xã hội như lương bổng, nhà cửa, phúc lợi y tế, việc làm, giá lương thực, môi sinh bị ô nhiễm, hay nạn tham nhũng vô tội vạ của các đảng viên cán bộ cường hào ác bá, v.v… Thế hệ lãnh đạo như Hồ Cẩm Đào thì thấy ra vấn đề và muốn cải cách. Họ muốn tái phân lợi tức cho các thành phần và địa phương cùng khốn để san bằng dị biệt về lợi tức và nhận thức, nhưng lại gặp sự cản trở của các đảng bộ địa phương. Vì vậy họ mới muốn tập trung quyền lực vào trung ương và dùng việc thanh trừng tham nhũng cho mục tiêu ấy.
Nhưng xuyên qua những phát biểu của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, người ta có thể dự đoán là kế hoạch năm năm tới sẽ chú ý đến phẩm hơn lượng, cụ thể là thu hẹp dị biệt về lợi tức, nâng cao phẩm chất cuộc sống của người dân, mở rộng mạnh lưới an sinh xã hội và kiểm soát được phần nào tình trạng hủy hoại môi sinh. Nếu không thì xứ này sẽ có loạn vì làn sóng bất mãn đã dâng cao. Động loạn có thể bùng nổ vì bất công xã hội hay tham nhũng, nhưng cũng có thể xảy ra vì một số thành phần tương đối no đủ đang đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn.
Đáng chú ý hơn cả là một hiện tượng mới: xu hướng đòi hỏi tự do lại xuất phát từ trong đảng, với lời kêu gọi hy hữu là đảng còn phải tiến hành cải cách về chính trị, nếu không, xứ sở sẽ tụt hậu!
Một thí dụ là trong khi đảng đang chuẩn bị Hội nghị kỳ V thì một lá thư ngỏ đã được công bố hôm Thứ Hai 11.
Do 23 đảng viên lão thành và cán bộ cao cấp đề xướng, lá thư có chữ ký ủng hộ của hơn 500 người, trong đó 90% là đảng viên. Lá thư ngỏ được gửi cho Ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo đảng với lời kêu gọi cải cách chính trị. Cụ thể là giải toả chánh sách kiểm duyệt thông tin, tăng cường tự do báo chí và cải tổ ban Tuyên truyền Trung ương.
Trong số các nhân vật đề xướng có Lý Duệ, nguyên bí thư của Mao Trạch Đông, Ủy viên Trung ương từ Khoá 12 (1982-1987) và Phó chủ tịch của một cơ chế quan trọng là Ban Tổ chức Trung ương. Ngoài Lý Duệ và nhiều nhân vật có uy tín trong hệ thống đảng, nhà nước, truyền thông, giáo dục, kinh doanh và cả quân đội, còn có Hồ Kỷ Vỹ, nguyên Tổng biên tập cơ quan thông tin chính thức của Trung ương đảng là Nhân dân Nhật báo.
Lá thư này được soạn thảo từ đầu Tháng 10, trước khi Ủy ban Nobel công bố trao giải Nobel Hoà bình 2010 cho ông Lưu Hiểu Ba vào Thứ Sáu mùng tám. Lá thư được phổ biến từ Thứ Hai 11 trên Internet, nhất là qua hệ thống truyền thông tương đối vẫn còn tự do của Hong Kong.
Đến Thứ Tư 13 thì nó gây ra một trận bão. Các tác giả lá thư yêu cầu lãnh đạo Bắc Kinh đừng quên lời cam kết cải cách chính trị ghi trong Hiến pháp năm 1982 và phê phán quyền tự do báo chí còn quá hạn chế so với báo chí Hong Kong và Ma Cao ngay dưới thời thuộc địa.
Từ ít lâu này, báo chí Hong Kong đã gặp sức ép của Bắc Kinh trong chế độ kiểm duyệt, nên lập tức quảng bá lời kêu gọi cải cách này. Tháng Tám vừa qua, cũng báo chí Hong Kong đã công bố lời phát biểu của Tướng Lưu Á Châu, nguyên Chính ủy Binh chủng Không quân và vừa lên Chính ủy Học viện Quốc phòng, trong đó ông tướng hai sao có truyền thống nói thẳng này đã kêu gọi đảng phải cải cách theo mô thức… Hoa Kỳ. Nếu không thì sẽ tiêu vong như Liên bang Xô viết.
Vì những chi tiết đó, ta nên chú ý đến lời kêu gọi của các nhân vật lão thành này.
Đáng chú ý hơn là ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào gián tiếp phủ nhận chuyện cải cách, trong khi Trường đảng Trung ương (“Trung Cộng Trung Ương Học Hiệu”) ra tuyên cáo ủng hộ quan điểm của Ôn Tổng lý và phản bác lời phê phán của truyền thông nhà nước. Cũng vậy, Tháng Chín vừa qua, khi cựu Ngoại trưởng Đường Gia Triền, Ủy viên Trung ương đảng từ khóa 14, muốn nói lời ôn hòa với Nhật Bản thì lại bị một ông Tướng (Chu Thành Hổ) gián tiếp kê tủ đứng vào miệng! Nghĩa là ngay trên thượng tầng đảng thì đã có nhiều dị biệt quan điểm về chính trị.
Lá thư hôm 11 châm dầu vào lửa ở trên thượng tầng khi nêu câu hỏi vì sao các đảng viên cán bộ về tuyên truyền lại dám kiểm duyệt lời phát biểu của một đồng chí lãnh đạo đứng hàng thứ nhì trong đảng là Thủ tướng Ôn Gia Bảo? Cũng trong lá thư, các đảng viên lão thành còn nhấn mạnh đến lời yêu cầu chính là “phải bãi bỏ chế độ kiểm duyệt để thiết lập một chế độ hữu trách về luật pháp” – làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Và rằng “trong lịch sử đảng thì không thể có những mảng bị xóa. Người dân phải có quyền biết về những quyết định sai lầm của đảng!”
Vài lý luận khác cũng đáng quan tâm.
Đầu tiên, về văn hoá thì trong xã hội Á Châu, các bậc “lão thành” đều được đa số nể nang kính trọng vì tuổi đời và kinh nghiệm. Về văn hoá chính trị, trong xã hội cộng sản thì các đồng chí lão thành này đã ra ngoài vòng đỉnh chung – khỏi cần tranh giành quyền lực hay quyền lợi. Và nhiều người lên tiếng thực ra cũng đã có vị trí no đủ về vật chất và uy tín về thành tích. Họ không còn sợ gì nữa nên dám nói ra những điều nhạy cảm về chính trị.
Chuyện ấy, thật ra cũng dễ hiểu, y như sự kiện là sau khi hết quyền lực và về hưu rồi, họ mới dám nói ra những sự thật mà bản thân đã biết từ lâu, từ trước.
Cũng về văn hóa, Trung Quốc không có truyền thống của loại xã hội dân sinh, nơi mà người dân có quyền nêu vấn đề về kinh tế hay chính trị với chính quyền hay triều đình ở trên. Dưới chế độ Cộng sản, quyền lực lại tập trung vào trong tay một thiểu số, với cái thế quân bình hay đối trọng không được công khai hóa giữa các cơ chế có thẩm quyền. Cái gọi là “dân chủ trong đảng” chỉ là một tấm kính mờ, mờ ảo và nhiều khi mờ ám.
Vì vậy, đảng viên phụ trách về tuyên truyền có thể nhảy qua kiểm duyệt lời phát biểu của đảng viên phụ trách về bộ máy nhà nước, dù là một đảng viên lãnh đạo, ủy viên Bộ Chính trị, cầm đầu Quốc vụ viện là Hội đồng Chính phủ!
Nếu không cải cách về kinh tế và xã hội thì khủng hoảng sẽ dội ngược lên chính trị, và quyền lực cùng lẽ chính danh của đảng bị đe dọa. Nhưng tập trung quyền lực về trung ương cũng có thể dẫn tới hậu quả bất ngờ là quân mình đánh quân ta: ban tuyên truyền trung ương đòi bịt miệng thủ tướng!
Các quốc gia Đông Á đã cải cách kinh tế theo xu hướng tự do đều đi qua giai đoạn này. Họ chủ động cải cách chính trị cho thông thoáng rồi dân chủ hơn, như trường hợp Đài Loan, Nam Hàn hay nhiều nước Đông Nam Á. Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam không thể tự ý cải cách như vậy và đang lâm bế tắc.
Lên cầm quyền từ Đại hội khoá 16, năm 2002, thế hệ lãnh đạo thứ tư chỉ còn hai năm để hoàn tất nhiệm vụ trước khi chuyển quyền cho thế hệ thứ năm như Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường hay Bạc Hy Lai. Họ đã hụt cơ hội cải cách rộng lớn từ năm 2008 vì nạn Tổng suy trầm toàn cầu và còn chưa đầy hai năm là sẽ ra đi. Trong thời gian ngắn ngủi ấy, họ không thể ban hành cải cách về kinh tế, chưa nói gì về chính trị, vì những biến động xảy ra sẽ để lại một di sản tai hại cho tên tuổi trong lịch sử.
Nhưng chính là việc trì hoãn cho an toàn này lại thiếu an toàn vì sức ép kinh tế đã dội lên chính trị trong một thế giới đang có những thay đổi lớn cũng từ vụ tổng suy trầm 2008-2009 mà ra.
Và trong nội bộ, cách thẩm định về rủi ro chính trị cũng có khác biệt.
Một số người thì cho rằng phải cấp tốc cải cách cả kinh tế lẫn chính trị, nếu không thì sẽ quá trễ. Một số người khác thì nhắc đến kinh nghiệm Gorbachev khi cải cách cả kinh tế (perestroika) lẫn chính trị (glasnost) làm Liên Xô tan rã! Họ chỉ thống nhất quan điểm về một chuyện: làm sao bảo vệ được quyền lực của đảng trong khúc quanh nguy hiểm này.
Chính là để giải nguy, người ta mới nghĩ đến một thủ thuật chính trị. Đó là gây ấn tượng.
Phải gây ấn tượng là đảng ta đã thấy vấn đề, đang thảo luận về yêu cầu cải cách để tiến tới một hình thái kinh tế công bằng, xã hội cởi mở và chính trị minh bạch hơn. Họ phả ra một chút hy vọng thay đổi cho người dân bớt nóng ruột và đừng bất mãn. Rồi tùy khả năng của từng nơi mà kín đáo thi hành một số cải cách theo kiểu “thí điểm” để rút tỉa kinh nghiệm sẽ áp dụng sau Đại hội 18.
Nhưng, người dân có kiên nhẫn được như vậy không? Và “lộng giả thành chân” cũng là một quy luật chính trị của hiện tượng ra gọi là “hậu quả bất lường”. Chúng ta nên theo dõi chuyện này. Trong những kỳ sau, chúng ta sẽ điểm mặt lãnh đạo tương lai của Trung Quốc, để xem là họ sẽ xoay trở thế nào với hệ thống kinh tế chính trị.
Điều đó cũng có thể soi sáng một vấn đề nóng là việc bành trướng ra ngoài có khi làm banh ruột ở trong…
NGUYỄN XUÂN NGHĨA