Theo Kyodo, ngày 23/10/2010, các quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết là Hà Nội và Tokyo đang hướng tới một thỏa thuận cơ bản trong lĩnh vực hợp tác hạt nhân dân sự, tạo cơ sở cho các doanh nghiệp Nhật Bản xuất khẩu các công nghệ điện hạt nhân cho Việt Nam.
Một nhà máy điện nguyên tử ở Ikât, Nhật Bản. (wikipedia)
Ông Yoshito Sengoku, tổng thư ký nội các Nhật Bản, nói rằng hai nước sẽ đạt được những bước tiến cần thiết cho phép sớm ký được một thỏa thuận hợp tác, tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng hòa bình và chuyển giao công nghệ, vật liệu và thiết bị liên quan đến điện hạt nhân.
Thủ tướng Naoto Kan và đồng nhiệm Nguyễn Tấn Dũng sẽ khẳng định mối quan hệ hợp tác này trong cuộc gặp song phương tại Hà Nội vào ngày 31/10/2010.
Các cuộc đàm phán Việt-Nhật đã được khởi động từ cuối tháng chín vừa qua và hai nước đang cố gắng nhanh chóng đạt được một thỏa thuận cơ bản trong lĩnh vực này.
Ngày 22/10, Việt Nam nhắc lại kế hoạch từ nay đến 2030, xây dựng 13 lò phản ứng sản xuất điện nguyên tử với tổng công suất lên tới 16.000 Megawatts.
Kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nhiều nước. Ngày 17/06 năm nay, cơ quan kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân Việt Nam nói rằng Tập đoàn Rosatom của Nga đã được lựa chọn để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam.
Theo báo trên mạng Bloomberg, ngày 21/10, cựu thủ tướng Nhật Bản, Yukio Hatoyama dẫn đầu một phái đoàn sang Việt Nam vào ngày 22/10, để thảo luận về việc cung ứng nguyên liệu đất hiếm và vận động giúp cho các doanh nghiệp Nhật Bản đạt được các hợp đồng trong lĩnh vực đường sắt và xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Khi còn đương chức thủ tướng Nhật Bản, tháng hai năm nay, ông Hatoyama đã viết thư tới thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn phía Việt Nam lựa chọn các doanh nghiệp Nhật Bản để thực hiện dự án xây nhà máy điện hạt nhân. Trong thư trả lời, ông Nguyễn Tấn Dũng nói rằng phía Việt Nam sẽ chú ý xem xét nghiêm túc tới các công nghệ hạt nhân dân sự của Nhật Bản.
Trọng Nghĩa [RFI]