Ngày 11/11/2010, Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam khai mạc cuộc Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông tại khách sạn New World (TPHCM). Với chủ đề chính là “Biển Đông : Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực’’, cuộc hội thảo dự trù tập hợp hơn 50 chuyên gia nghiên cứu Việt Nam và quốc tế.
Việt Nam nỗ lực quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông (DR)
Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông sẽ diễn ra trong hai ngày. Các chuyên gia nghiên cứu đến từ khắp nơi trên thế giới sẽ thảo luận về các vấn đề hiện nay trên Biển Đông. Đây là lần thứ hai mà Việt Nam tập hợp giới nghiên cứu khoa học quốc tế để thảo luận về một chủ đề nóng bỏng hiện nay trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Theo giới phân tích, cuộc hội thảo khoa học này phản ánh mong muốn quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông của Việt Nam.
Theo chương trình đã được công bố trên trang web của Học Viện Ngoại giao, về dự cuộc hội thảo lần này ở Thành phố Hồ Chí Minh, có hầu hết các nhà nghiên cứu tên tuổi hiện nay về Biển Đông, từ Giáo sư Carlyle Thayer tại Học viện Quốc phòng Úc, Tiến sĩ Mark Valencia, chuyên gia Nghiên cứu Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á và Trung tâm Woodrow Wilson của Mỹ, cho đến Giáo sư Ramses Amer, Đại học Stockholm, Thụy Điển, hay Giáo sư Stein Tønnesson, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế ở Na Uy, Tiến sĩ Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS tại Singapore…
Nội dung các phiên thảo luận phản ánh các mối quan tâm chính hiện nay về Biển Đông. Trước hết là tình hình môi trường chiến lược tại Biển Đông đang thay đổi. Trước đây, các nhân tố gây căng thẳng chủ yếu đến từ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, muốn thống trị hầu như toàn bộ khu vực, với các nước láng giềng từ Việt Nam, Malaysia, cho đến Philippines, Đài Loan, Brunei, cũng tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ hay một phần các hòn đảo trong vùng.
Tuy nhiên hiện nay, giới nghiên cứu đều ghi nhận sự can dự của Hoa Kỳ vào vấn đề Biển Đông làm cho thế cuộc có thể thay đổi. Cũng theo chương trình đã được dự trù, chủ đề tham luận của Tiến sĩ Lưu Phục Quốc, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Chính trị Đài Loan có thể tóm tắt mối quan tâm này : “Cạnh tranh Mỹ – Trung tại Biển Đông : Các tác động về chiến lược đối với an ninh khu vực”.
Vấn đề Biển Đông tác động đến an ninh và thịnh vượng trong vùng
Một vấn đề khác cũng sẽ rất được chú ý trong cuộc hội thảo lần này tại Việt Nam : đó là việc những diễn biến gần đây ở Biển Đông tác động như thế nào đến an ninh và thịnh vượng ở khu vực. Báo cáo của các chuyên gia như Carlyle Thayer, Mark Valencia, hay của các chuyên gia Leszek Buszynski, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, Đại học Quốc gia Úc, Giáo sư Bronson Percival, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của hải quân Mỹ tại Virginia, Hoa Kỳ, đều đi theo chiều hướng này.
Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc tại vùng Biển Đông cũng được mổ xẻ như trong tham luận của Giáo sư Robert Beckman, thuộc Trung tâm Luật pháp Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore, bàn về “Tác động của các báo cáo đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc đối với các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”, hay là bài của Giáo sư Erik Franckx, Trưởng khoa Khoa Luật Quốc tế và Châu Âu , Đại học Bruxelles, Bỉ : “Đường đứt đoạn ở Biển Đông: Tìm kiếm một giải pháp pháp lý”.
Một trong những vấn đề sẽ được nêu bật là vị trí của Luật pháp quốc tế trong hồ sơ Biển Đông. Đây là một trong những điểm sẽ được Giáo sư Stein Tønnesson, trình bày trong tham luận : “Có thể ràng buộc các cường quốc bằng luật pháp? Trung Quốc, Hoa Kỳ và sức mạnh của Luật quốc tế tại Biển Đông”.
Vấn đề Biển Đông đặc biệt thu hút sự chú ý của công luận trong thời gian gần đây, sau khi Hoa Kỳ, qua lời Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng như bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, đã liên tiếp xác định quan điểm của Hoa Kỳ là sẽ dấn thân sâu hơn vào vấn đề Biển Đông. Theo phía Hoa Kỳ, việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trong vùng nằm trong diện lợi ích quốc gia của Mỹ.
Đây là lần thứ hai mà Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông. Cuộc hội thảo lần đầu tiên đã diễn ra tại Hà Nội cách nay đúng một năm, vào tháng 11 năm 2009 cũng với sự tham gia của 50 học giả trong và ngoài nước.
Theo giới quan sát, dù mang tính chất khoa học, lại không phải do chính phủ trực tiếp đứng ra tổ chức, nhưng các cuộc hội thảo về Biển Đông tại Việt Nam có ý nghĩa chính trị rõ rệt. Các sự kiện này đã thu hút chú ý của công luận thế giới, góp phần “quốc tế hóa” cuộc tranh chấp chủ quyền mà Trung Quốc muốn giới hạn trong phạm vi khu vực, với hệ quả là tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh bị nêu bật trên trường quốc tế.
Trọng Nghĩa [Nguồn RFI]