The Fourth Modernisation Friend or Foe – Special Report on China’s place in the world
(The Economist) 04-12-2010
Trung Quốc trở thành một lực lượng quân sự phải đối phó trong vùng Tây Thái Bình Dương. Hoa Kỳ nên phản ứng ra sao?
Vào 35 năm trước đây, Chủ Tịch Đặng Tiểu Bình kết tội Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (People’s Liberation Army – PLA) là “bệ rạc, biếng nhác, tự cao tự đại, phung phí, và chậm chạp.” Mặc dù vậy, ba năm sau khi khởi sự canh tân đất nước, ông Đặng Tiểu Bình đặt quân đội vào ưu tiên thứ tư sau nông nghiệp, kỹ nghệ, và khoa học. Khi vị tư lệnh hải quân đưa ra kế hoạch để biến Trung Quốc thành một lực lượng hải quân hùng mạnh của thế giới, ông ta đã không biết trước rằng ông phải đạt được mục tiêu này trước năm 2040.
Về sau hiện đại hóa quân đội đã trở thành một ưu tiên nhờ vào hai trường hợp Hoa Kỳ sử dụng hỏa lực tân tiến. Thứ nhất, việc Hoa Kỳ sử dụng võ khí chính xác trong chiến dịch Desert Storm thuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất [1990-1991] đã làm cho Trung Quốc nhận thức được rằng không thể phòng vệ bằng số lượng. Thứ hai, khi Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc hăm dọa Đài Loan bằng cách thử nghiệm hỏa tiễn vào năm 1996, Tổng Thống Bill Clinton đã ra lệnh cho hai hải đoàn xung kích với hàng không mẫu hạm tiến vào vùng eo biển Đài Loan. Một trong hai lực lượng này dẫn đầu bởi hàng không mẫu hạm mang một cái tên khiêu khích là USS Independence [Đài Loan muốn trở thành một quốc gia độc lập với Trung Quốc].
Sự đổ vỡ của Liên Bang Xô Viết đã thuyết phục những nhà lãnh đạo Trung Quốc là một cuộc chạy đua võ trang với một đại cường duy nhất sẽ phung phí tiền bạc và sẽ đe dọa đến uy quyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đối đầu để thử thách Hoa Kỳ là một việc vô nghĩa. Thay vào đó, Trung Quốc tập trung vào việc sản xuất võ khí không đối xứng (asymmetric weapons). [Đây là loại vũ khí nhắm vào yếu điểm của kẻ thù tương đối mạnh].
Sự tiến bộ của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc rất khó có thể đo lường được với chiến lược phi chính thống này. Tây Phương có những quan điểm rất khác biệt nhau. Những nhà phân t ích quân sự nhận thấy ưu thế của Hoa Kỳ trên biển bị đe dọa nhiều hơn trong vùng phía tây Thái Bình Dương. Những chuyên viên an ninh của Trung Quốc thường chế diễu tất cả những tin đồn gây ra hốt hoảng. Ai đúng ai sai?
Vấn đề hiện đại hóa PLA nổi bật về ba lãnh vực. Trước hết, Trung Quốc đã thiết lập cái mà Ngũ Giác Đài gọi là “chương trình hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missile) và hỏa tiễn hành trình (cruise-missile) năng động nhất thế giới với căn cứ ở trên đất liền”. Quân Đoàn Pháo Binh II của Trung Quốc trang bị hỏa tiễn vớt tầm ngắn 1,100 dặm nhắm vào Đài Loan và đang được cải thiện để bắn xa hơn, chính xác hơn và mang được đầu đạn lớn hơn. Quân Đoàn Pháo Binh II cũng đang cải thiện hỏa tiễn tầm trung, có khả năng mang theo đầu đạn quy ước hoặc nguyên tử. PLA cũng dàn trận hàng trăm hỏa tiễn hành trình tầm xa bắn từ trên không hoặc từ mặt đất. PLA đang phát triển loại hỏa tiễn chống chiến hạm đầu tiên trên thế giới trang bị với một bộ phận mang theo đầu đạn nguyên tử và có khả năng từ bên ngoài quay trở lại bầu khí quyển để tăng phần hiệu quả.
Thứ hai, Trung Quốc đang cải tiến và bành trướng đội tầu ngầm. Những tầu ngầm này nay có thể đậu tại căn cứ mới hoàn tất ở Đảo Hải Nam, ở ngoài khơi bờ biển phía nam của Trung Quốc. Trong giai đoạn 8 năm tính đến 2002, Trung Quốc đã mua 12 tầu ngầm của Nga thuộc loại Kilo, đây là một cải tiến lớn so với loại tầu ngầm cũ thuộc loại Ming và Romeo. Kể từ lúc đó đến nay, Hải Quân Trung Quốc đã bắt đầu loại tầu ngầm do Trung Quốc vẽ kiểu có tầm xa và khó bị lộ, kể cả loại Jin chạy bằng nguyên tử trang bị hỏa tiễn đạn đạo và loại Shang, tầu ngầm tấn công chạy bằng nguyên tử. Trung Quốc có khoảng 66 tầu ngầm so với 71 tầu ngầm của Hoa Kỳ tương đối tối tân hơn. Theo Kokoda Foundation, một tổ chức nghiên cứu của Úc, Trung Quốc có thể có tới 85-100 chiếc tầu ngầm vào năm 2030.
Thứ ba, Trung Quốc tập trung cố gắng vào cái gọi là “informatisation” theo lối nói ngọng do Chủ Tịch Giang Trạch Dân sáng tạo ra vào năm 2002 để mô tả làm sao PLA phải hoạt động như một lực lượng duy nhất, biết sử dụng những dụng cụ đo lường vật lý bén nhậy (sensor), thông tin, chiến tranh điện tử và chiến tranh liên mạng. Trung Quốc ngày nay biết rõ hơn những gì đang xẩy ra phía xa trong Thái Bình Dương nhờ vào sự phối hợp của vệ tinh, hệ thống ra đa vượt qua khỏi chân trời, hệ thống ra đa tần số cao dò tìm sát mặt đất, phi cơ thám thính không người lái và những vật dụng thăm dò dưới mặt nước.
Trung Quốc cũng đang chế tạo võ khí hủy diệt vệ tinh. Các vệ tinh của Hoa Kỳ bị mờ bởi tia laser bắn từ mặt đất. Vào năm 2007, một hỏa tiễn đạn đạo phóng đi từ căn cứ không gian Xichang ở Sichuan phá vỡ một vệ tinh thời tiết – Đây không phải là một kỳ công, tuy nhiên đã làm các nước khác giận dữ vì nó tạo ra 35,000 mảnh vụn trong không gian.
Tin tặc của Trung Quốc cũng bận rộn. Vào tháng 3 năm vừa qua, những nhà nghiên cứu Canada đã khám phá ra một hệ thống do thám bao gồm 1,300 máy điện toán, trong đó có nhiều máy nằm ở bên trong Trung Quốc, đã xâm nhập vào các hệ thống điện toán của chính phủ. Trung Quốc đã tấn công vào những mục tiêu của Đài Loan và Tây Phương ít nhất 35 lần trong một thập niên kết thúc vào năm 2009, theo Northrop Grumman, một công ty đấu thầu của Hoa Kỳ. Ngũ Giác Đài công nhận không rõ PLA là thủ phạm của những cuộc tấn công này, nhưng lập luận rằng những nhà phân tích có thẩm quyền của Trung Quốc nhận thấy rằng võ khi điện toán là quan trọng.
Vũ khí mới
Những chuyên viên quân sự Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản nghĩ rằng những võ khí mới của Trung Quốc vừa kể trên tạo thành một đe dọa to lớn hơn là những kế hoạch nổi cộm như hạ thủy những hàng không mẫu hạm trong 10 năm tới. Ông Alan Dupont của Đại Học Sydney tại Úc nói rằng “những hỏa tiễn và võ khí điện toán đang trở thành những võ khí chọn lựa cho những quốc gia thua kém về võ khi quy ước.”
Theo Trung Tâm Thẩm Định Chiến Lược và Ngân Sách (Centre for Strategic and Budgetary Assessments – CSBA), một viện nghiên cứu của Hoa Kỳ, hỏa lực của Trung Quốc sẽ đe dọa các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Á châu. Cho đến nay các căn cứ này được an toàn đối với mọi cuộc tấn công ngoại trừ võ khí nguyên tử. Hỏa tiễn của Quân Đoàn Pháo Binh II của Trung Quốc có thể làm hệ thống phòng vệ các căn cứ mất tác dụng, phá hủy các sân bay, cũng như một số lớn binh sĩ và chiến hạm. Nhật Bản hiện nay đã nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Trung Quốc. Một số hỏa tiễn này đang nhắm thẳng vào Đài Loan. Guam sẽ nằm trong tầm hỏa tiễn không bao lâu nữa.
Tầu ngầm, hỏa tiễn, và hỏa tiễn hành trình chống chiến hạm đe dọa những hải đoàn xung kích bao gồm hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ trong vòng 1.000 – 1.600 hải lý tính từ bờ biển Trung Quốc. Theo Ông Ross Babbage, một nhà phân tích quân sự Úc và là sáng lập viên của Kokoda Foundation, nếu Trung Quốc có hỏa tiễn chống chiến hạm, bay nhanh và không báo trước, rất khó có thể chống lại những hỏa tiễn này. Những võ khí không gian và võ khí điện toán mà Trung Quốc gọi là cái chùy của kẻ sát nhân trong cuộc tấn công bất ngờ được hoạch định để phá nát hệ thống điện tử tinh vi nhưng mong manh của Hoa Kỳ. Điều này làm cho quân lực của Hoa Kỳ mù một nửa, bị câm và những căn cứ và hàng không mẫu hạm càng dễ bị tấn công.
Nói tóm lại, khả năng tấn công của Trung Quốc đã tiến xa hơn là việc ngăn chặn Hoa Kỳ can thiệp vào bất cứ cuộc xung đột nào giữa Trung Quốc và Đài Loan. Ngày nay, Trung Quốc có thể phóng hỏa lực của mình vượt xa giới hạn 12 dặm (19km) tính từ bờ biển nơi mà Hoa Kỳ đã một thời tự do tung hoành mà không cần suy đi nghĩ lại. Ông Okamoto, một nhà phân tích an ninh Nhật Bản, tin rằng chiến lược của Trung Quốc là kiểm soát hoàn toàn cái mà những kế hoạch gia gọi là chuỗi đảo thứ nhất (First Island Chain). Cuối cùng, Trung Quốc muốn chặn đứng khả năng hạm đội của Hoa Kỳ về việc bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ ở vùng Tây Thái Bình Dương.
Những viên chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ đã để ý đến những biến chuyển trên. Năm ngoái, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates báo động rằng “đầu tư [của những quốc gia như Trung Quốc] vào các lãnh vực võ khi điện toán, chống vệ tinh, chống chiến hạm, võ khí không gian, và hỏa tiễn đạn đạo có thể đe dọa sự phát triển hỏa lực của Hoa Kỳ và yểm trợ đồng minh ở Thái Bình Dương – đặc biệt là những căn cứ không quân tiền phương và những hải đoàn xung kích bao gồm hàng không mẫu hạm.”
Ông Ross Babbage nói thẳng thừng hơn: “kế hoạch quốc phòng hiện nay là vô giá trị.” Ông và những nhà phân t ích thuộc CSBA lập luận rằng Hoa Kỳ cần phải suy tính lại về chiến lược tại Thái Bình Dương. Hoa Kỳ cần phải tăng cường các căn cứ và khả năng phá vỡ những cuộc tấn công của Trung Quốc với các vật nghi trang và bằng cách phân tán rộng phi cơ và chiến hạm trong toàn vùng. Quân lực của Hoa Kỳ phải có kế hoạch tiếp vận tốt hơn và có thể chiến đấu ngay cả trong trường hợp hệ thống tin tức bị hư hỏng.
Một việc nghiêm trọng là quân lực của Hoa Kỳ cần phải có khả năng hủy diệt hệ thống trinh sát, do thám điện tử và thẩm định thiệt hại của Trung Quốc. Một số những hệ thống này được bảo vệ bởi một hệ thống đường hầm ngoài tầm hủy diệt của võ khí Hoa Kỳ.
Thái Bình chỉ là cái tên
Những nhà phê bình thường nói rằng những người tham dự vào chiến tranh lạnh đang mắc phải căn bệnh gọi là hội chứng mất kẻ thù (enemy deprivation syndrome). Để bắt đầu, một số người có cảm tưởng sai lầm rằng chi tiêu về quốc phòng của Trung Quốc gia tăng. Ngân sách của PLA giữ cùng một nhịp độ với tổng sản phẩm nội địa (gross domestic product – GDP) trong 10 năm vừa qua. Trong hai thập niên trước đó tỉ lệ của ngân sách này so với GDP giảm. Các chuyên viên không đồng ý với nhau về kích thước ngân sách quốc phòng của Trung Quốc mà nhà cầm quyền chỉ tiết lộ có một phần. Ông Sam Perlo-Freeman thuộc Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm ước tính rằng chi phí quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2009 là $99 tỉ theo giá biểu của năm 2008. Một số ước tính khác cao hơn và con số chính thức của Trung Quốc là $70 tỉ. Hoa Kỳ dự trù một chi phí quốc phòng là $663 tỉ. Tỉ lệ chi tiêu quốc phòng trên GDP của Trung Quốc không bằng một nửa con số của Hoa Kỳ và thấp hơn các con số của Trung Quốc trong những năm 1990s. Ông Perlo-Freeman nói: “Không có nhiều bằng chứng của một cuộc chạy đua võ trang.”
Một số người nghi ngờ về phẩm chất của võ khí do Trung Quốc chế tạo. Một đô đốc hải quân Hoa Kỳ về hưu nói rằng phần lớn dụng cụ của Nga mà Trung Quốc mua là đồ vô dụng. Mặc dù đạt được một số tiến bộ, Trung Quốc chậm trễ về hướng dẫn, kiểm soát, động cơ turbine, dụng cụ chế tạo máy móc, dụng cụ định bệnh và nhận diện (diagnostic and forensic equipment), việc phác họa và chế tạo với sự trợ giúp của máy điện toán. GS Dupont nói: “Trung Quốc đã đạt một bước tiến xa nhưng hiện đại hóa quân đội từ nay về sau trở nên khó khăn hơn.”
Một số người nghi ngờ về nhân lực của Trung Quốc. PLA chuyên nghiệp hơn so với thời kỳ còn là một quân đội nông dân, nhưng thiếu kinh nghiệm. Ông Nigel Inkster thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế về Chiến Lược (International Institute for Strategic Studies – IISS) nhớ lại rằng một trong những người sáng lập ra hải quân Trung Quốc đã nói: “Không phải là tôi không biết lái tầu, nhưng vấn đề là tôi chưa bao giờ nhìn thấy biển.”
Những vấn đề phức tạp như chiến tranh tầu ngầm cần nhiều năm mới nắm vững. Ông Christian Le Mière thuộc IISS nói rằng: “Khi ông chiến đấu, sẽ thấy có nhiều lỗ hổng. Khi chưa chiến đấu, ông không biết những lỗ hổng đó nằm ở đâu.” Vị đô đốc về hưu nghĩ rằng quân lực Trung Quốc thiếu sự tin cậy. Điều này sẽ làm họ chậm chạp ở chiến trường. Ông nói: “Chúng ta cho lực lượng của chúng ta trách nhiệm và sáng kiến. Đối với họ, điều này rất kỵ”
Ông Robert Ross thuộc Đại Học Harvard lý luận rằng những người bi quan đánh giá quá cao mối đe dọa của Trung Quốc và đánh giá quá thấp sức mạnh của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có khả năng theo dõi tầu ngầm của đối phương tốt hơn. Hoa Kỳ tài giỏi hơn về cyber-warfare và ít nhược điểm hơn Trung Quốc về không gian – cũng chỉ vì Hoa Kỳ có sẵn hệ thống dự phòng. Trung Quốc sẽ gặp khó khăn để xâm nhập hệ thống phòng thủ chiến hạm bằng những biện pháp trả đũa và bằng cách ngụy trang điện tử của Hoa Kỳ. Ông Carl Thayer của Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng Úc ghi nhận rằng Hoa Kỳ đã đưa vào Thái Bình Dương 32 trong số 53 tầu ngầm tấn công nhanh và ba tầu ngầm nguyên tử loại Ohio.
Mặc dù cuộc tranh luận này có những sự kiện không chắc chắn, nhưng có ba điều sau đây mọi người đồng thuận. Thứ nhất là Trung Quốc đã buộc chiến hạm Hoa Kỳ phải suy nghĩ làm sao và khi nào có thể tiến gần vào bờ biển Trung Quốc. Càng gần bờ bao nhiêu, các chiến hạm Hoa Kỳ càng phải đối phó với hỏa tiễn và tầu ngầm và càng có ít thời gian để phản ứng. Bất cứ ai lái một hàng không mẫu hạm trị giá $15 tỉ – $20 tỉ với một thủy thủ đoàn khoảng 6,000 người sẽ phải suy nghĩ hai lần trước khi chấp nhận thêm rủi ro. Để phủ nhận quyền sở hữu biển cả mà Hoa Kỳ đã ngự trị nhiều thập niên vừa qua, Trung Quốc không cần phải kiểm soát duyên hải của mình mà chỉ cần đe dọa những chiến hạm của Mỹ tại đó. Ông Hugh White, cựu viên chức về an ninh và quốc phòng Úc tiên đoán rằng miền tây Thái Bình Dương sẽ trở thành “vùng không hoạt động của hải quân.”
Thứ hai, Trung Quốc tăng cường khả năng sức mạnh. Tầu ngầm, phi cơ chiến đấu, hỏa tiễn, chiến tranh Internet và điện tử, trước đây tồi tệ, nay là một mối đe dọa. Võ khí của Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện, và quân lực Trung Quốc sẽ gặt hái được kinh nghiệm. Nếu kinh tế không lụn bại, ngân sách sẽ gia tăng về mức tuyệt đối hay theo tỉ lệ của GDP. Nếu mọi thứ khác không thay đổi, Trung Quốc có thể phóng hỏa lực vào sân sau của mình dễ hơn là Hoa Kỳ phải phóng hỏa lực qua Thái Bình Dương. Như ông Gates nói: “Những căn cứ trú ẩn an toàn trong vùng tây Thái Bình Dương mà hải quân Hoa Kỳ hưởng trong gần cả sáu thập niên vừa qua sẽ phải chịu rủi ro.”
Thứ ba, mặc dầu Hoa Kỳ có thể trả đũa Trung Quốc, nhưng trước hết Hoa Kỳ phải vượt qua một số trở ngại. Chi tiêu về quân sự của Hoa Kỳ tại Á châu bị lu mờ bởi sự cần thiết cắt giảm chi phí của chính phủ nói chung và những ưu tiên quân sự khác như Afghanistan. Ông Jonathan Pollack thuộc Brookings Institution, cho thấy rằng một vài ý kiến như thay thế hàng không mẫu hạm bằng tầu ngầm, sẽ gặp sự chống đối của hải quân và của những dân biểu muốn bảo vệ quyền lợi của cử tri. Ông Pollack nói tiếp: “Đối với nhiều sĩ quan, đặc tính để nhận biết hải quân gắn liền vào hàng không mẫu hạm và hỏa lực mà các hàng không mẫu hạm này phóng ra. Giảm số lượng của các hàng không mẫu hạm là một tiến trình khó nhọc.” Trên hết, những thay đổi lớn về hoạch định quân sự cần vài thập niên: Hoa Kỳ cần nghĩ về Trung Quốc vào năm 2025.
Tất cả những phân tích trên đây đều hướng về một nguyên tắc quan trọng. Hoạch định quân sự khác với ngoại giao. Những nhà ngoại giao chú trọng đến những gì họ nghĩ rằng nhà nước có khuynh hướng làm, nhưng những kế hoạch gia quân sự phải làm việc với những gì mà họ nghĩ nhà nước có thể làm. Ý định thay đổi và nhà nước có thể làm lạc hướng. Nếu ông có trách nhiệm bảo vệ quốc gia của ông, ông cần phải có khả năng đối phó ngay cả với những đe dọa không chắc có thực.
Lập luận này cũng đúng với Trung Quốc. Hoa Kỳ không ngần ngại tham chiến trong những năm vừa qua. Cách đây không lâu một đô đốc Trung Quốc đã về hưu ví hải quân Hoa Kỳ như một kẻ tội phạm “lang thang ngay ngoài cửa của một gia đình.” Sức mạnh của Hoa Kỳ vào những năm 1990s đã làm cho Trung Quốc cảm thấy bất an. Vì vậy Trung Quốc đã biến cải PLA để hỗ trợ chính sách đối với Đài Loan và bảo vệ vùng duyên hải quan trọng về phương diện kinh tế. Tuy nhiên, bởi gia tăng bảo vệ an ninh cho chính mình, Trung Quốc làm giảm an ninh của các nước láng giềng và Hoa Kỳ. Có thể, Trung Quốc không có ý định sử dụng võ khí một cách hung hăng. Nhưng những kế hoạch gia quân sự Hoa Kỳ không thể dựa vào tiên đoán này. Do đó họ phải có phản ứng.
Theo chiều hướng này, hai quốc gia không bao giờ có ý định làm hại, nhưng có thể bắt đầu cảm thấy mối đe dọa từ quốc gia kia, nếu ông không trang bị võ khí, ông bỏ ngỏ để dễ dàng bị tấn công. Nếu ông võ trang, ông đe dọa quốc gia kia. Ông Herbert Butterfield, một sử gia Anh gọi trường hợp này là “một tình trạng khó khăn tuyệt đối và một nan giải không thể giảm bớt được” (absolute predicament and irreducible dilemma). Đây là một lý do tại sao mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ có thể trở nên tồi tệ.
Bản tiếng Việt: Nguyễn Quốc Khải