Việc ông Nguyễn Xuân Diện, Phó GĐ Thư-viện Nghiên cứu Hán-Nôm ở Hà-nội cách đây hai năm đã săn lùng cho ra được tập Lưu Hương Ký sau 40 năm tưởng như mất tích(1) đã giúp cho những ai yêu thơ Hồ Xuân Hương có được một tài-liệu vô cùng quý giá, một tài-liệu có khả-năng cho ta thấy được:
1. Thơ chữ Hán của “Bà chúa thơ Nôm.”
2. Những cuộc tình(2) của một nhà thơ đa tình (chắc chắn không thua gì George Sand ở Pháp) nhưng số phận có lẽ còn long đong hơn nhiều.
3. Những liên-hệ, nếu có, giữa thơ (chữ Hán và chữ Nôm) của “nữ-sử Xuân Hương ở Hoan-trung,” tác-giả của Lưu Hương Ký (LHK), và Hồ Xuân Hương, người mà văn-học-sử cho là tác-giả của những bài thơ Nôm nổi tiếng là “trong thơ có quỷ, có ma” (chữ của Tản Đà: “thi-trung hữu quỷ”).
4. Những liên-hệ giữa Hồ Xuân Hương (HXH), tác-giả LHK, với những Hồ Xuân Hương khác mà ta còn được thấy ghi lại trong lịch-sử văn-học nước nhà (như HXH vợ Tổng Cóc và ông Phủ Vĩnh-tường trong truyền-thuyết, như tuổi tác có chênh lệch hay không giữa một HXH bạn của Chiêu Hổ và một HXH lớn hơn ông khoảng 20 tuổi, như HXH “tài-nữ” được kể trong Xuân-đường đàm-thoại của Trần Bích San v.v. và v.v.)
Tóm lại những đề-tài rất lý-thú và sẽ còn làm cho chúng ta tốn rất nhiếu bút mực để có thể tiếp cận được sự thật trong cả trăm năm tới, không chừng!
Đó là chưa kể, nếu cuốn Lưu Hương Ký mới tìm lại được và hiện giữ ở Thư-viện Viện Văn-học ở Hà-nội mà đúng là một bản gốc thì ta có thể nói được đây là một bản thảo đã có mặt từ năm 1814, dưới thời Gia Long (1802-1820), nghĩa là còn cổ hơn cả những bản thảo cổ nhất mà ta hiện còn của Truyện Kiều / Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du.
Một tài-liệu quý như vậy thì bắt buộc ta phải hỏi:
“Cuốn Lưu Hương Ký được ông Đào Thái Tôn hoàn-trả cho Viện Văn-học ở Hà-nội hôm 27/10/2008 có đúng là bản gốc do cụ Cử Nguyễn Văn Tú tặng cho toà báo Văn Sử Địa vào năm 1957, sau được đưa sang Thư-viện của Viện Văn-học, rồi được ông Trần Thanh Mại nghiên cứu và công-bố một số kết-quả vào năm 1963-64, không? Và nếu đúng thì mặt mũi nó ra làm sao? Chân-diện-mục của nó là thế nào?”
Ở hải-ngoại, chúng ta chỉ có phóng-bản (photocopy) thôi
Ở hải-ngoại, trong lúc này, chúng ta không có khả-năng đến Viện Văn-học để mà tìm cách sờ mó bản LHK mà ông Đào Thái Tôn đã trả lại cho Viện.
Tại sao chuyện sờ mó này lại quan-trọng? Thưa bởi như anh Tạ Trọng Hiệp(3), trước khi mất vào năm 1997 là giáo-sư giảng dạy về Hán-Nôm ở Paris VII, đã có lần bỏ cả tiếng đồng-hồ ra trình bầy cho tôi hiểu rõ: Chúng ta có thể biết tuổi đích-xác hay ít nhất cũng na ná vào khoảng nào nếu ta đưa giấy bản của những bản thảo đó lên phía mặt trời, nhìn vào những vân (= kiểu vẽ) ẩn ở trong đó mà tính được ra loại giấy đó làm ở đâu, ở Việt-nam hay ở Tàu, và ngay ở VN cũng có thể tính ra là làm ở địa-phương nào?
Ở hải-ngoại lúc này, do đó, ta không có cái khả-năng kiểm chứng kiểu đó. Bởi ta chỉ có được bản chụp qua photocopy mà thôi.
Như vậy, ta có thể kiểm chứng được bằng cách nào?
Thứ nhất, bằng cách nghiên cứu tuồng viết chữ nho của bản thảo (photocopy) đó. Nếu đó là một bản thảo cổ thì có nhiều khả-năng là chữ viết trong đó khá thành thạo, không thể vụng về quá như một người học chữ nho sau này, ít có cơ-hội tập luyện viết chữ nho. Tỷ-dụ, người học và viết chữ nho sau này có thể không quen viết bằng bút lông (vì quen viết bằng bút mực, bút bi, hay bút chì) nên nếu phải viết bằng bút lông thì có thể viết khá nguệch ngoạc nếu viết thảo (viết vội) hoặc không thì phải viết lối chân chỉ hạt bột, lối chân-thư.
Tôi xin đưa ra một thí-dụ. Hiện cuốn LHK như ta có ở Viện Văn-học không có tựa. Trái lại, bài tựa của LHK thì lại tìm thấy trong bản thảo mang tên Du Hương-tích-động ký (ký-hiệu A.2814 trong Thư-viện của Viện Hán-Nôm). Ở ngoài này, ta có thể thấy trang đầu của bài tựa này (“Lưu Hương Ký tự”), dưới dạng photocopy, được in lại trong những sách báo như:
A. Trang 110 trong sách Thơ Hồ Xuân Hương từ cội nguồn vào thế tục của Đào Thái Tôn (Hà Nội: Nhà xb Giáo Dục, 1996).
B. Trang 23 trong sách Phát hiện mới về Hồ Xuân Hương của G.S. Nhan Bảo (Hà Nội: Nhà xb Khoa học xã hội, 2000).
C. Trang 2 trong bài “Lưu Hương ký – ‘Báu vật’ về Hồ Xuân Hương tái xuất” đăng trên trang nhà điện-tử Tin 247, cập nhật vào ngày 4/11/2008, mà chúng tôi rút ra vào ngày 12/6/2010.
Hai bản photocopy A và C giống y hệt nhau, duy chỉ có một điều là bản A chụp thành chữ đen trên giấy trắng, bản C thì trái lại, chụp thành tiêu-bản, chữ trắng trên nền đen, nên khá nổi. So bản B trong sách của Nhan Bảo thì cũng thấy rõ ràng vẫn là chụp từ cùng một bản gốc giống A, lấy từ một thư-viện ở Pháp, nhưng lại có thêm chữ “Phạm Đình Hổ” viết bằng bút sắt hay bút bi dưới mấy chữ “Lưu Hương Ký tự” ngụ ý ông ta là tác-giả của bài tựa LHK đó.
Nếu ta chỉ có ba phóng-bản (photocopy) của trang 1 bài tựa này thì dựa vào bản A hay bản C, ta không có cách nào định ra ai là tác-giả. Trường-hợp đó, ta dễ ngả theo bản B của ông Nhan Bảo để khẳng-định Phạm Đình Hổ là tác-giả bài tựa. Tuy-nhiên, sự-kiện tên “Phạm Đình Hổ” được viết bằng bút mực hay bút bi phải cho ta cảnh-giác liền lập-tức. Vì sao? Vì rõ ràng đây là do người sau viết vào, chắc chắn là đã viết vào thế-kỷ XX, nghĩa là cả 150 hay gần 180 năm sau nên rất khả nghi.
Hiện ở hải-ngoại, ta không có trang 2 của bài “Lưu Hương Ký tự” này để biết đích-xác ai là tác-giả của nó. Tuy-nhiên, khi dịch bài tựa này và có đăng trên Tạp chí Văn học, số ra tháng 10/1964 (trong bài “Trở lại vấn đề Hồ Xuân Hương”) thì ông Trần Thanh Mại có cung-cấp phần dịch của chỗ còn lại của bài tựa trên trang 2 nữa, và cuối bài tựa có nói rất rõ cả ai là tác-giả bài viết và viết vào tháng nào, năm nào:
“Rồng bay năm Giáp-tuất tháng trọng-xuân (tương-đương với tháng 3/1814)
“Người đồng-quận là Nham-giác-phu Tốn Phong thị viết ở nơi dạy học.”
Đó là một bằng-chứng để ta phải bác bỏ sự ghi nhận (sau này và sai) của bản B như ta thấy trong sách của ông Nhan Bảo.
Tuồng chữ
Nhìn vào tuồng chữ thì thấy:
Chữ của bài tựa này viết rất rõ, gần như chân-thư, với mỗi chữ xem ra khá béo, khá mập. Ngược lại, chữ viết trong tập LHK như ta có ở Viện Văn-học ngày nay (trên nguyên-tắc cũng là tập LHK do Trần Thanh Mại khai thác khi ông viết ba bài về LHK trong Tạp chí Văn học vào hai năm 1963-64) thì lại là chữ thảo(4) và tương-đối gầy, góc cạnh chứ không tròn trịa như tuồng chữ của bài tựa.
Điều này có thể giải thích được vì các bản thảo xưa kia ở nước ta đều là những bản viết tay và bài tựa thì do Tốn Phong thị viết trong khi ruột ở bên trong cuốn Lưu Hương Ký, tức các bài thơ, thì lại do hoặc chính tay Hồ Xuân Hương chép xuống hoặc do một người nào khác mà không phải là Tốn Phong thị.
Nhưng bên cạnh tuồng chữ của bài “Lưu Hương Ký tự” (do Tốn Phong thị viết) và tuồng chữ chép các bài thơ trong ruột cuốn sách (do HXH hoặc một người không phải là Tốn Phong thị chép) thì ta lại thấy một tuồng chữ thứ ba, vụng về hơn ở ngoài bìa tập Lưu Hương Ký như ta có ở Viện Văn-học. Tuồng chữ này là tuồng chữ của:
1. Ngay tên tập thơ, ba chữ LƯU HƯƠNG KÝ, và
2. Bốn dòng chú thích viết dưới tên sách bắt đầu bằng “Giải phóng hậu” (“Sau ngày giải phóng [thủ-đô Hà-nội hay là miền Bắc]”) và kết thúc bằng “chư công thẩm duyệt, tham đính hoặc tiểu bổ vân” (“[để] Quý Ông xem lại, sửa lỗi hoặc thêm thắt những chuyện nhỏ nhặt v.v.”).
3. Dòng thứ 5 viết chữ nhỏ hơn: “Nguyễn Văn Tú cẩn chí” với bên dưới viết bằng bút sắt và chữ La-mã: “(1957)”.
Tôi đoán chữ nho đây là tuồng chữ của chính cụ Cử Tú viết vào năm 1957 khi cụ trao lại tập thơ cho toà báo Văn Sử Địa, trước cả khi tập thơ được chuyển sang cho Thư-viện của Viện Văn-học (ít năm sau đó, có lẽ khoảng 1960). Sở dĩ tôi dám nghĩ vậy là vì cụ cho biết đây là một tác-phẩm tìm thấy trong rương sách ở nhà cụ. Đây, theo tôi, cũng là bằng-chứng rõ ràng nhất tập thơ đó là bản gốc của cụ Cử Tú tặng cho Văn Sử Địa.
Song cũng chính cái trang tít với chú thích này lại gây ra sự ngờ vực rằng đây là một sản-phẩm giả mạo, một nguỵ-phẩm. Vì bằng-chứng rõ như ban ngày: ít nhất trang này không thể là một sản phẩm của năm 1814 thời Hồ Xuân Hương và Tốn Phong thị được.
Hồ Xuân Hương, tranh màu nước Bùi Xuân Phái
Một nguỵ-phẩm?
Chính vì cái trang tít này mà khi G.S. Phạm Lệ Hương của Viện Việt-học (ở Cali) lấy được từ blog của TS. Nguyễn Xuân Diện để giới-thiệu với một số chuyên-gia Hán-Nôm ngoài này, G.S. Lê Văn Đặng (Seattle, WA) đã sốt sắng xem lại ngay (từ ngày 13/1/2009) nhưng sau đó, đã tỏ ra dè dặt:
Văn bản gồm 25 trang hình [phóng-bản.- NNB chú], [ký-hiệu] số HN 336. Trừ một ít chỗ lem luốc, văn bản ở vào tình trạng rất tốt. Nơi trang 1, bên dưới tiêu đề “Lưu Hương Ký” có lời giới thiệu 36 chữ của Cụ Cử Nhơn Hán Học Nguyễn Văn Tú. Tiếp theo là hai trang đếm thêm được 143 chữ, không mấy liên quan đến tập “Lưu Hương Ký.” [NNB gạch dưới] Câu chuyện về tập Lưu Hương Ký có nhiểu điểm mâu thuẫn, cần được khảo cứu nghiêm túc. Có một bản do Cụ Cử Nguyễn Văn Tú chép tay… Nghe đâu có người xấu, mượn bản này và giữ làm của riêng gần 40 năm, bị phanh phui nên mới trả lại thư viện. Xem kỹ bản sao [= bản phóng-ảnh] của bản mang số HN 336, chúng tôi ngờ là không phải từ bản chép tay của Cụ Cử Nguyễn Văn Tú. Có hỏi một một môn sinh của Cụ Cử trước năm 1954, vị nầy cũng ngờ là không phải thủ bút của Thầy mình. Thực ra, một nhà Nho học uyên thâm không thể có những nét vụng về, sai sót, hàng lối xiên xẹo [như] của người mới tập viết. |
Giáo-sư Lê Văn Đặng còn có thêm những ý-kiến khác nữa nhưng tôi chỉ xin phép trích của G.S. mấy ý trên để nêu ra cơ-sở của sự ngờ vực của ông:
1. Đây chưa phải là “bản gốc” bởi “đúng ra ‘bản gốc’ [phải] là bản chính [do] tác giả viết ra, không thể chỉ là bản do Cụ Cử chép lại.”
2. Song bản hiện có và đang được lưu giữ ở Viện Văn-học (dưới ký-hiệu HN 336) có thể cũng không phải là bản do Cụ Cử chép lại. Vì thế nên G.S. Đặng mới “mong” là các “vị có thẩm quyền… [có thể] lấy lại được bản chép tay của Cụ Cử” mà “chắc người mượn còn giữ, chỉ trả lại thư viện bản nguỵ tạo và gọi sai lệch là ‘bản gốc.’”
3. Đó là chưa kể đến 2 trang ngô nghê, chuyện gì đâu đó không ăn nhằm gì đến thơ của “Hoan-trung Cổ-nguyệt-đường Xuân Hương nữ-sử tập” (gồm 143 chữ) bị kẹp vào giữa trang tít (“Lưu Hương Ký”) và phần còn lại của tập thơ. Nếu kể cả trang tít, cộng với hai trang vô duyên này, và 22 trang thơ thì rõ ràng bản thảo như ta có ở Viện Việt-học hôm nay là 25 trang cả thầy (đúng như G.S. Đặng đã tính ra rất chính-xác).
Chân-diện-mục tập thơ Lưu Hương Ký?
Vấn-đề đặt ra cho chúng ta giờ đây là: Đâu là chân-diện-mục của tập thơ Lưu Hương Ký như ta còn lại được từ thuở sinh-thời Hồ Xuân Hương (1814)?
(1) Về số trang, cuốn sách đó gồm bao nhiêu trang: 22 trang như Trần Thanh Mại mách chúng ta trong bài “Bản ‘Lưu Hương Ký’ và lai lịch phát hiện nó” trong Tạp chí Văn học số 11/1964? 23 trang nếu chúng ta kể cả trang tít với ghi chú của cụ Cử Nguyễn Văn Tú? Hay 25 trang như G.S. Lê Văn Đặng đã đếm kỹ càng (dù như trong đó có hai trang không liên-quan gì đến tập thơ)?
(2) Về số bài cũng thế:
– Trần Thanh Mại trong bài đã dẫn ghi lại là trong “22 trang giấy viết hàng tám [tức tám dòng chữ viết dọc], tổng cộng 30 đầu đề với 52 bài. Trong 52 bài này có 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ chữ Nôm.” Tưởng nói thế thì chắc như bắp nên nhiều tác-giả sau đó, trong số ấy có Nguyễn Lộc (1982, 1983, 1999), Hoàng Xuân Hãn (1983-84), Đào Thái Tôn (1996), Bùi Hạnh Cẩn (1999) cứ nhắm mắt chép lại theo.
– Tuy-nhiên, ông Nguyễn Lộc lại không được thống nhất cho lắm. Trong Từ điển Văn học, Tập I, in ra năm 1983, trong mục “Hồ Xuân Hương” ông viết: “Tập Lưu Hương Ký phát hiện gần đây gồm 24 bài thơ chữ Hán và 26 bài thơ chữ Nôm.” Nhưng trong Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII-hết thế kỷ XIX), thì ông lại nói là LHK có tới 28 bài thơ chữ Nôm.
– Nhưng sau khi blog của ông Nguyễn Xuân Diện trưng ra dưới dạng phóng-ảnh tập Lưu Hương Ký 25 trang (ký-hiệu HN 336) hiện lưu giữ ở Viện Văn-học thì riêng cá-nhân chúng tôi, sau khi đếm đi đếm lại cả chục lần, những bài thơ ghi trong 22 trang có thơ (tức gần như chắc chắn là 22 trang mà ông Trần Thanh Mại mô-tả ở trên) thì không có cách nào chúng ta tìm được ra 52 bài thơ (Hán có, Nôm có) nêu ra trong bài báo của ông Trần Thanh Mại.
Bộ mặt thật của tập thơ
Ngược lại, chúng tôi chỉ tìm được ra một mục-lục thơ như sau trong 22 trang đó (tất cả đầu đề các bài thơ đều ghi bằng chữ Hán, để cho sáng tỏ chúng tôi xin dùng chữ nghiêng để ghi những bài thơ chữ Hán còn chữ thẳng để đánh dấu những bài thơ chữ Nôm):
LƯU HƯƠNG KÝ
Nhạc Phủ Từ
- Thuật ý kiêm trình hữu-nhân Mai Sơn Phủ
- [Vô đề 1] “Quỳnh diên toạ hoa”
- [Vô đề 2] “Nguyệt tà, nhân tĩnh thú lâu trung”
- Thu dạ hữu hoài
- Thu tứ ca
6-7. Nguyệt-dạ ca (I, II)
- Ngư-ông khúc hành
[Luật-thi]
9. Cảm cựu kiêm trình Cần-chánh Học-sĩ Nguyễn-hầu
10. Hoài cựu
11. Thu-nguyệt hữu ức Mai Sơn Phủ ký
12. Cảm cựu tống tân-xuân chi tác
13-14. Ngụ ý Tốn Phong ký nhị thủ (I, II)
15. Hoạ nhân
16. Tặng Tốn Phong tử
17. Thạch Đình tặng
18-19. Ký Sơn Nam Thượng trấn Hiệp trấn Trần-hầu
20. Hoạ Sơn Phủ chi tác
21. Tốn Phong đắc mộng chí dữ ngã khán nhân thuật ngâm tịnh ký
22. Hoạ Tốn Phong nguyên-vận
23. Hoàng Giang ngộ hữu hỷ-phú
24. Thệ viết hữu cảm
25-26. Tự-thán (I, II)
27. Lưu biệt thời tại Yên-quảng, Yên-hưng ngụ thứ
28. Bạch-đằng-giang tặng biệt
29-30. Chí Hiên tặng (I, II)
31. Hoạ Thanh Liên nguyên-vận
32. Nhân tặng
- Tưởng đáo ân-tình minh-nhiên hạ lệ nhân nhi tẩu bút phụng-trình
34-44. Dữ Sơn-Nam-thượng Hiệp-trấn-quan Trần-hầu xướng hoạ
I. “E lệ đàn tao dám cất cờ”
II. “Thắc mắc sầu riêng khó giở ra”
III. “Mấy tiếng gà thôn đánh mộng tan”
IV. “Đàn tao từng mấy mặt treo cờ”
V. “Hoa viện hoa nhân thử độ phùng”
VI. “Hàn danh cửu ngưỡng hỷ tương phùng”
VII. “Bình thuỷ tương phùng nguyệt hạ tôn”
VIII. “Tống biệt đăng tiền bả tửu tôn”
IX. “Thổ phượng tài cao nhất thế kinh”
X. “Quý vô tài điệu sử nhân kinh”
XI. “Ma diệt thông minh giảm kiến linh”
Như vậy là tất cả, tối-đa ta có được 44 bài trong 22 trang thơ đó, chia ra làm 15 bài thơ chữ Hán và 29 bài thơ chữ Nôm. Trong 44 bài đó ta lại chỉ có được có 27 đầu đề được minh-thị nêu ra (có hai bài thơ vô đề, bốn chỗ hai bài chung một đề, và một trường-hợp 11 bài xướng hoạ được sắp xếp dưới một đầu đề). Chính sự sai biệt quá lớn này giữa những khẳng-định của người trong nước bắt đầu từ Trần Thanh Mại với những điều giờ đây ta có thể kiểm chứng được đã khiến một cụ bà văn-thi-sĩ rất uyên bác về chữ Nôm chữ Hán (nay đã mất) cảnh-giác tôi về khả-năng “nguỵ-tạo” của người CS từ trước cả khi tôi hoàn-tất cuốn Hồ Xuân Hương: Tác-phẩm do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ in ra năm 2000.(5)
Đi tìm một giải-đáp
Đứng trước những mâu thuẫn quá rõ ràng được nêu trên đây (như G.S. Lê Văn Đặng đã nhắc nhở chúng ta), không hiểu chúng ta có thể có được một giải-pháp khả dĩ dung-hợp những sai biệt khó phủ-nhận kia không?
Sau một thời-gian suy nghĩ lung, tôi cho rằng ta phải hiểu vấn-đề tập Lưu Hương Ký như ta hiện có (HN 336) như sau:
1. Ông Trần Thanh Mại khi tuyên-bố cuốn LHK 22 trang là ông không tính trang tít có phần ghi chú của cụ Cử Nguyễn Văn Tú. Nghĩa là ông chỉ tính có phần ghi thơ thôi mà cho trang tít là cụ Tú viết ra rồi gắn thêm vào. Tóm lại, trang tít cũ, nếu có, thì cũng đã mất với ít nhất là 2 trang có bài tựa của Tốn Phong thị.
2. Ông cũng đã (có thể) đúng khi ghi là trong 22 trang đó có 30 đầu đề thơ nếu ta hiểu “30 đầu đề” đó là:
27 đầu đề đã được minh-thị nêu ra (như tôi đã kể trên) nhưng trong đó có một đầu đề được xác-định là “nhị thủ” (tức “hai bài” trong trường-hợp hai bài 13-14), trường-hợp đó ta có thể xem là có 28 đầu đề được minh-thị nêu tên, và
2 bài không có đầu đề riêng nhưng có thể lấy câu đầu làm đầu đề (bài 2 và bài 3).
Nhưng ông lấy đâu ra con số 52 bài, rồi lại phân chia thành 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ chữ Nôm thì tôi chịu chết. Vì trong thực-tế thì 22 trang kia, tính ngược xuôi thế nào cũng chỉ có được 15 bài thơ chữ Hán và 29 bài thơ Nôm, tương-đương với 1/3 là thơ chữ Hán và 2/3 là thơ chữ Nôm.
Riêng ông Đào Thái Tôn, trong sách Hồ Xuân Hương – Tiểu sử, văn bản, tiến trình huyền thoại dân gian hoá (Hà Nội: Nhà xb Hội Nhà văn, 1999), có cho ta một số chi-tiết như sau:
Liền sau “bài tựa tập thơ Lưu Hương Ký,” người chép sách [Du Hương-tích-động ký.- NNB chú] chép liền 31 bài thơ – trong 31 bài thơ này, 10 bài đầu không đề là của ai làm, ai viết về ai, tiếp đó là 11 bài. Trước 11 bài này, có đề bốn chữ “Phục y nguyên vận” (lại viết theo nguyên vần mười bài thơ trước). Vậy 11 bài này là do ai “phục y nguyên vận” 10 bài thơ đầu? Hết 21 bài này, người ta mới thấy 10 bài cuối được đề rõ ràng là “Tốn Phong thị canh hoạ nguyên vận” (Tốn Phong thị lại hoạ theo nguyên vận). Như vậy là: trong 31 bài thơ chép liền sau bài Tựa đó chỉ chắc chắn 10 bài cuối cùng là thơ của Tốn Phong thị. Còn hai nhóm thơ trên (nhóm 10 bài và nhóm 11 bài) chưa thực chắc chắn là do ai viết. Từ 10-1964 đến 1983, Trần Thanh Mại và Hoàng Xuân Hãn vẫn mặc nhiên cho rằng cả 31 bài thơ ấy đều là thơ của Tốn Phong thị viết về Hồ Xuân Hương. |
Trên đây là ý-kiến của ông Đào Thái Tôn sau khi ông cố tìm hiểu cách suy nghĩ của ông Trần Thanh Mại và cụ Hoàng Xuân Hãn—chứ ta không thấy ở đâu là một trong hai ông này minh-thị nói là “cả 31 bài thơ đó là thơ của Tốn Phong thị.”
Cũng vì thế mà G.S. Lê Trí Viễn lại có một suy nghĩ khác. Vẫn theo ông Đào Thái Tôn, trong bài vừa dẫn, thì:
Giáo sư Lê Trí Viễn cho rằng 10 bài đầu là của Hồ Xuân Hương [NNB gạch dưới]. Ông viết: “Mùa xuân năm Giáp Tuất (1814) ông bạn Tốn Phong thị đến thăm. Trước đó Xuân Hương đã có 10 bài tám câu bảy chữ đưa tặng và trong 21 bài hoạ lại, ông bạn cho biết vườn nhà (tức Cổ nguyệt đường) có cả mai, rất nhiều mai và trúc, không kể trên chiếu khách có rượu (cứ gọi là rượu thật chứ không phải sáo ngữ trong thơ)…” Nhưng Giáo sư Lê Trí Viễn cũng không đưa ra một bằng chứng gì để xác định 10 bài thơ đầu là thơ của Hồ Xuân Hương hay 11 bài thơ ở giữa là của Tốn Phong thị. |
Theo tôi, ông Đào Thái Tôn cố ý không hiểu G.S. Lê Trí Viễn chứ thực ra, điều G.S. nói không có gì là khó hiểu. Nếu 21 bài cuối trong số 31 bài được chép tiếp theo “Lưu Hương Ký tự” của Tốn Phong thị được gán cho ông thì nhất thiết 10 bài đầu phải là của Hồ Xuân Hương, không thể của ai khác được. Và tôi còn đi xa hơn nữa để mà dám khẳng-định: Có lẽ ông Trần Thanh Mại cũng như cụ Hoàng Xuân Hãn cũng không nghĩ khác. Tức là trong 31 bài thì:
10 bài đầu là 10 bài xướng của họ Hồ
11 bài sau là 11 bài hoạ của Tốn Phong thị (“phục” đây có nghĩa là “hoạ lại” chứ không phải “lại hoạ” như ông Đào Thái Tôn dịch trại đi) theo “nguyên-vận” của 10 bài trên; và cuối cùng
10 bài cuối là 10 bài hoạ một lần nữa (“canh hoạ” = lại hoạ, hoạ một lần nữa) theo “nguyên-vận” của 10 bài xướng, 10 bài đầu.
Tóm lại, 31 bài này là sự ghi lại một kỷ-niệm, một giai-đoạn đầy cảm-xúc giữa hai người, Hồ Xuân Hương và Tốn Phong thị. Cả hai đều mừng rỡ gặp lại nhau sau một thời-gian dài, sau khi người đàn ông “phải bôn ba vào Nam ra Bắc, không thể cùng nhau sớm hôm xướng hoạ” (“Lưu Hương Ký tự”). “Sang mùa xuân năm Giáp-tuất, tôi tìm đến chỗ ở cũ của cô,” Tốn Phong thị viết tiếp, “hai bên vừa mừng vừa tủi.”
Nếu giả-thuyết trên đây của tôi mà đúng, một giả-thuyết mô phỏng theo G.S. Lê Trí Viễn và tôi nghĩ có lẽ cũng được ông Mại và cụ Hãn chia xẻ, thì chắc chắn trong 31 bài kia 10 bài đầu phải coi là của họ Hồ.
Liệu bí-ẩn “52 bài” có thể giải-quyết?
Trường-hợp đó thì ngoài những bài ta có trong 22 trang Lưu Hương Ký còn lại (ký-hiệu HN 336), có thể ông Trần Thanh Mại đã vô tình cộng thêm 10 bài xướng này của họ Hồ vào với những bài hiện-tồn trong 22 trang LHK kia. Vì theo như ông quan-niệm, 22 trang hiện còn chắc chắn không phải là đầy đủ tập thơ Lưu Hương Ký gốc như được tập thành vào năm 1814 (năm Giáp-tuất đời Gia Long). Bằng-chứng:
1. Nó không có trang bìa của chính nó (trang bìa như hiện có là do cụ Cử Tú thêm vào)
2. Nó đã thiếu bài tựa (“Lưu Hương Ký tự”) của “Nham-giác-phu Tốn Phong thị”
3. Và có thể 31 bài thơ 8 câu 7 chữ tiếp theo bài Tựa đã có thể là được nhắm để đưa vào tập chung với những bài kia.
Như vậy thì 15 bài thơ chữ Hán như ta hiện có trong 22 trang thơ LHK hiện-tồn, mà cộng thêm với 10 bài xướng của Hồ Xuân Hương (trong số 31 bài), ta sẽ có: 25 bài thơ chữ Hán so với con số 24 bài mà ông Trần Thanh Mại đã tính ra. Và số 29 bài thơ chữ Nôm như ta hiện còn trong sách HN 336 thì cũng khá gần con số 28 bài mà ông Trần Thanh Mại đã nêu ra trong bài viết của ông từ năm 1964.
Liệu ta có thể giải thích được sự chênh lệch 1 bài trong cả hai loại thơ (25 bài chữ Hán thay vì 24 và 29 bài chữ Nôm thay vì 28 bài ông Trần Thanh Mại tính ra) không?
Tôi thiết nghĩ là với một chút xê dịch, ta có thể giải-thích được:
Bài “Nguyệt-dạ ca,” chẳng hạn, theo cách tính của tôi được xem là hai bài (I và II) trong khi đó ta cũng có thể dễ dàng xem đó là một bài thôi. Như vậy con số 25 bài chữ Hán xuống thành 24 là rất dễ chấp nhận.
Còn trong những bài thơ chữ Nôm thì dưới đề “Chí Hiên tặng” (bài 29 và 30), tôi có cảm-tưởng bài sau (bài 30) là của Chí Hiên (đúng nghĩa “Chí Hiên tặng”), không phải của Hồ Xuân Hương. Nếu đúng vậy thì từ 29 bài thơ Nôm tôi tính ra xuống thành 28 bài là chuyện cũng dễ điều chỉnh.
Lập-luận của tôi chưa biết vững đến đâu và có đủ thuyết-phục không khi tôi tìm cách dung-hợp những mâu thuẫn mà G.S. Lê Văn Đặng đã nêu ra và đòi hỏi “cần được khảo cứu nghiêm túc.” Tóm lại, ta cần sửa những thông tin của ông Trần Thanh Mại lại thành như sau:
1. Tập Lưu Hương Ký như ta hiện có (dưới ký-hiệu HN 336), 22 trang thơ của “Hoan-trung Cổ-nguyệt-đường Xuân Hương nữ-sử,” là một bản thảo không đầy đủ, mất một số trang như: trang bìa, ít nhất 2 trang tựa của Tốn Phong thị, và có thể toàn-phần hay một phần trong số 31 bài thơ hiện được thấy chép sau bài “Lưu Hương Ký tự.”
2. 22 trang hiện-tồn thì gồm 15 bài thơ chữ Hán và 29 bài thơ chữ Nôm.
3. Nếu cộng thêm ít nhất 10 bài trong số 31 bài chép sau bài “Lưu Hương Ký tự” mà ta đoán là của Hồ Xuân Hương (xướng) thì ta có một con số là: 25 bài thơ chữ Hán và 29 bài thơ chữ Nôm, đủ gần sát con số 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ chữ Nôm mà ông Trần Thanh Mại mách chúng ta.
4. Cuối cùng, nếu ta chịu xê dịch, du di một chút cách tính các bài thì ta sẽ đến đúng con số do ông Trần Thanh Mại đưa ra: 24 bài chữ Hán và 28 bài chữ Nôm, để thành 52 bài cả thảy.
5. Nhưng muốn thế, ta lại cũng phải sửa một chút số trang của cuốn LHK như được ông Trần Thanh Mại công-bố, đại-loại như 22+ trang (kèm theo với lời giải-thích).
Nguyễn Ngọc Bích
Hoàn-tất đêm 20/XII/2010
Khu Đồng Xuân
Bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ Quốc
Chú thích
(1) Xem Nguyễn Ngọc Bích, “Chuyện trinh-thám văn-học hay là Cuộc săn lùng hơn 40 năm một thi-phẩm của Hồ Xuân Hương,” Việt Báo Xuân Tân Mão (2011).
(2) Xem Hoàng Xuân Hãn, “Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long,” Tập san Khoa học xã hội (Paris), số 10-11, tháng 12/1983.
(3) Để có một khái-niệm về chỗ đứng của G.S. Tạ Trọng Hiệp trong ngành Nôm-học thì có lẽ gọn nhất là xem Thuỵ Khuê, Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn & Tạ Trọng Hiệp, Cali: Văn Nghệ, 2002.
(4) Ta có thể so sánh chữ thảo của phần ruột sách Lưu Hương Ký này với chữ thảo của bản “Chinh-phụ-ngâm diễn ca” có in lại đằng sau sách Chinh-phụ-ngâm do Tôn-thất Lương phiên âm và chú giải, nhà sách Tân Việt in ra ở Sài-gòn năm 1950. Bản thảo này với tuồng chữ sắc sảo được xem là một bản mang bút-tích của bà Đoàn Thị Điểm (thế-kỷ XVIII) nhưng thực ra, ta chưa có đủ bằng-chứng để khẳng-quyết chuyện này. Dầu sao thì đây cũng là một bản thảo cổ, có thể tương-đương với bản thảo gốc của sách Lưu Hương Ký, hay xưa hơn nữa.
(5) Thư cụ viết cho tôi về chuyện này đã được đăng lại nơi trang 21-23 cuốn sách của tôi, Hồ Xuân Hương: Tác-phẩm, Arlington, VA: Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2000.