Có điều, ở Việt Nam, tiếc, cái khẩu hiệu rất hay đó chỉ thuần là một khẩu hiệu.
Quyền được biết, được bàn và kiểm tra của dân chúng là điều mà mọi người mong ước và là những điều kiện thiết yếu của một nền dân chủ thực sự vốn bao gồm ba đặc điểm chính: sự rộng mở (openness), sự minh bạch (transparency) và tính khả kiểm (accountability). Với sự rộng mở, dân chúng được biết, nếu không phải tất cả thì cũng là phần lớn, các chính sách của chính phủ, ít nhất các chính sách không thuộc phạm vi an ninh và quốc phòng. Với sự minh bạch, dân chúng được biết lý do và chi phí cho các chính sách ấy. Cuối cùng, với tính chất khả kiểm, dân chúng có thể theo dõi quá trình thực thi cũng như hiệu quả của từng chính sách để qua đó, có thể đánh giá được chính xác các thành quả, và nhất là, các lời hứa hẹn của chính phủ.
Có thể nói không thể có một chế độ nào có thể gọi là dân chủ nếu thiếu ba đặc điểm vừa nêu. Ngay cả một chính phủ do dân chúng bầu lên, một cách đàng hoàng nghiêm túc chứ không phải là giả hiệu hay do gian lận, cũng không thể được coi là dân chủ nếu không rộng mở, không minh bạch và không thể kiểm tra. Chính phủ Iran hiện nay là ví dụ.
Nhưng chuyện dân biết, dân bàn và dân kiểm tra không phải là những lý tưởng hay những ước mơ. Chúng phải là quyền của dân chúng: dân được quyền biết, dân được quyền bàn và dân được quyền kiểm tra. Quyền, thực sự là quyền, phải được pháp chế hoá, nghĩa là được biến thành luật. Là luật, chúng mang tên khác: quyền tự do thông tin (freedom of information), quyền tự do ngôn luận (freedom of speech) và quyền tự do chính trị (freedom of politics).
Không có tự do thông tin, người ta không thể biết chính phủ đang làm gì, tại sao họ quyết định làm như thế và cách thức tiến hành cũng như kết quả công việc của họ như thế nào. Không có tự do ngôn luận, dân chúng không thể bàn bạc được chuyện gì cả. Và không có tự do chính trị, một mặt, không thể bảo đảm hai quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận vừa nêu; mặt khác, dân chúng không thể kiểm tra các việc làm của chính phủ được.
Tất cả những điều vừa trình bày đều sơ đẳng và quá hiển nhiên đến độ gần như không cần phải phân tích thêm. Chắc chắn giới lãnh đạo Việt Nam biết rất rõ tất cả những điều đó. Biết, nhưng họ làm ngơ. Điều họ muốn không phải là việc thực thi mà đơn giản chỉ là những sự mị dân.
Trên thực tế, tất cả những điều họ làm đều ngược lại.
Dân biết ư? Ở Việt Nam, tất cả những gì người dân được biết chỉ là những khẩu hiệu hay những bài diễn văn dài dòng, lê thê, ồn ào và rỗng tuếch. Mọi chính sách, kể cả các chính sách xã hội, đều được quyết định một cách âm thầm, thậm chí, lén lút, đâu đó. Có vô số sự kiện lớn trong xã hội, rõ nhất là các vụ tham nhũng, dân chúng biết chủ yếu qua các phương tiện truyền thông đại chúng ở phương Tây.
Chuyện dân bàn mới hài hước. Thỉnh thoảng chính phủ và đảng Cộng sản nêu lên một số vấn đề cho dân chúng góp ý, nhưng hầu như họ chỉ đón nhận những sự “nhất trí”, hầu hết đều là những sự nịnh bợ giả dối. Bất cứ lời bàn luận nào đi ngược lại chủ trương chung của họ đều bị xem là tiêu cực, chủ quan, bi quan, võ đoán, xuất phát từ những động cơ xấu, nếu không muốn nói là “phản động” hoặc “phá hoại”. Và dĩ nhiên, tất cả đều bị vất vào sọt rác. Ngay cả những sự phản biện công khai, một cách quang minh chính đại, trên các diễn đàn Quốc Hội, cũng bị sổ toẹt.
Còn dân kiểm tra?
Ối giời! Ở Việt Nam, có lẽ dân chúng chỉ được quyền “kiểm tra” một nơi duy nhất: Khoảng cách giữa các bức tường kín mít trong các nhà tù!
Thì cứ hỏi những người như Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, v.v.. thì biết!
TS. Nguyễn Hưng Quốc