Một tối trong một lữ quán ở tỉnh nhỏ Amarillo của tiểu bang Texas:
– “Trước 1975 ở Việt Nam anh làm gì?”
– “Tôi trong Không quân…”
– “Chắc anh cùng lứa với ông Nguyễn Cao Kỳ?”
– “Không! ông Kỳ là cấp chỉ huy của tôi, ở Sài Gòn; Tôi đóng ở Pleiku. Tôi ngang cỡ với Lưu Kim Cương, một đàn em thân cận của ông Kỳ.”
– “À, anh biết ông Lưu Kim Cương hả? Anh có biết ông ấy chết như thế nào không?”
– “Nghe nói rất thương tâm; Trúng đạn bắn xe tăng, phổi lòi ra ngoài!”
Rất nhiều người đã nghe bài hát “Cho Một Người Vừa Nằm Xuống” từ sau biến cố Tết Mậu Thân, năm 1968, nhưng chắc ít ai biết rõ những tình tiết đưa đến sự ra đời của nhạc phẩm này, để đến cả 40 năm sau vẫn còn có người muốn tìm hiểu.
Bài hát có lời như sau:
Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
Đã vui chơi trong cuộc đời nầy
Đã bay cao trong vòm trời đầy
Rồi nằm xuống không bạn bè không có ai
Không có ai từng ngày, không có ai đời đời
Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi.
Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa về cội nguồn
Rồi từ đó trong trời rộng đã vắng anh
Như cánh chim bỏ rừng, như trái tim bỏ tình
Nơi đây một lần, nhìn anh đến những xót xa đành nói cùng hư không.
Bạn bè còn đó anh biết không anh?
Người tình còn đó anh nhớ không anh?
Vườn cỏ còn xanh, mặt trời còn lên
Khi bóng anh như cánh chim chìm xuống.
Vùng trời nào đó anh đã bay qua?
Chỉ còn lại đây những sáng bao la
Người tình rồi quên, bạn bè rồi xa
Ôi tháng năm, những dấu chân người cũng bụi mờ.
Anh nằm xuống như một lần vào viễn du
Đứa con xưa đã tìm về nhà
Đất hoang vu khép lại hẹn hò
Người thành phố trong một ngày đã nhắc tên
Những sớm mai lửa đạn
Những máu xương chập chùng
Xin cho một người vừa nằm xuống
Thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang…
Với những ai không quen biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS) – là tác giả bản nhạc – dù có nghe, hay đọc kỹ lời ca cũng khó có thể biết nhân vật được nói đến là ai; Chỉ biết người ấy mới qua đời, và lúc còn sống đã có dịp bay cao trên trời.
Để hiểu rõ câu chuyện, có lẽ phải nhìn lại từ năm 1962. Đó là năm nữ ca sĩ Khánh Ly (KL) thật sự bước vào cuộc đời ca hát của mình, trình diễn ở phòng trà Anh Vũ, một trong vài phòng trà ca nhạc (sống) lúc nào cũng chật ních giới thưởng ngoạn, trên đường Bùi Viện ở Sài Gòn.
Ca sĩ KL ghi lại trong Chuyện kể sau 40 năm – chú thích trong ngoặc đơn là của Nguyên Giao: “… Tôi vẫn đi hát ở Anh Vũ, và chính ở đó, tôi gặp Trung úy Không quân Lưu Kim Cương. Sau buổi hát, anh chở anh Sơn (người anh ruột của KL – không phải là TCS) và tôi chạy vòng vòng Sài Gòn… hát tiếp những bài tôi vừa hát; Đặc biệt là bài ‘Anh Đến Thăm Em Một Chiều Mưa’ … Anh bảo … Mai (tên thật của KL) chọn bài có gout lắm, cứ như thế, và anh cũng muốn em giữ mãi nụ cười. Anh thích thấy em cười vì nụ cười đó sẽ mở cho em tất cả những cánh cửa … Cuộc gặp gỡ giữa anh em chúng tôi và Trung úy Lưu Kim Cương đơn giản như vậy. Tôi biết ơn anh vì anh là người duy nhất có cái nhìn thiện cảm với tôi. Anh là người đầu tiên và duy nhất khuyến khích tôi đi theo nghiệp dĩ này … ”
Nhưng cuối năm 1962, KL lại rời Sài Gòn lên hát cho một phòng trà khác ở Đà Lạt, và lưu lại đó 5 năm. Năm 1964, tại Đà Lạt, KL gặp một người nhạc sĩ nghèo. Anh đến với cô bình thản như cơn mưa dầm của Đà Lạt vào đêm hôm đó. Qua vài câu chuyện, cô và nhạc sĩ trở thành hai người bạn. Người bạn ấy không ai khác, đó là nhạc sĩ TCS. Rất nhiều lần TCS đề nghị KL về Sài Gòn đi hát với ông nhưng cô đều từ chối bởi cô yêu Đà Lạt, sự yên tĩnh thanh bình của Đà Lạt đã quyến luyến bước chân cô, không như Sài Gòn vốn đông người và luôn nhộn nhịp.
Đến năm 1967, ca sĩ KL tình cờ gặp lại nhạc sĩ TCS giữa giòng người đi lại trên đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn, vào một buổi chiều êm ả. Từ một đêm mưa của Đà Lạt đến một buổi chiều trên đường phố Sài Gòn, tất cả đã bắt đầu như đưa đẩy định mệnh.
Vài hôm sau, trên nền gạch đổ nát bãi đất rộng sau trường đại học Văn Khoa Sài Gòn, một quán lá sơ sài được dựng lên với cái tên là Quán Văn. Tại đây, giọng hát khàn đục, và lôi cuốn của KL đã làm ngẩn ngơ, bàng hoàng & ngất ngây cả một thế hệ với những bản tình ca, và Ca Khúc Da Vàng mới lạ của TCS.
Hãy nghe bà Đặng Tuyết Mai – trước là phu nhân của Thiếu tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ (NCK) lúc giữ chức Thủ tướng VNCH – mô tả liên hệ giữa Lưu Kim Cương (LCK) và Trịnh Công Sơn (TCS) trong một cuộc phỏng vấn năm 2009 ở Hoa Kỳ:
“ … Anh LKC và chị rất là say mê nhạc của anh TCS và con người của anh TCS nữa. Chị hay nấu nướng. Trong Câu lạc bộ Không quân, anh LKC có một câu lạc bộ nhỏ là Mây Bốn Phương, luôn luôn kéo anh TCS vào đó. Chị đem đồ nhậu đến. Anh TCS làm được bài nhạc mới là hát, và hay tả cho nghe. Chị hay đến câu lạc bộ Mây Bốn Phương để nghe anh TCS đàn hát những bài hát mới. Giao tình của anh TCS với anh LKC rất mật thiết. Cũng lạ, một người rất là nhà binh, to lớn, cường tráng. Còn anh TCS rất là mỏng manh, ốm yếu. Nhưng hai người gần nhau vô cùng trong tình nghệ sĩ. Anh LKC có rất nhiều nghệ sĩ tính, hát rất hay. Thành ra, họ rất thân mến với nhau. Hàng tuần, họ gặp nhau hai, ba lần … “
Từ năm 1967, NCK giữ chức Phó Tổng thống VNCH, có Trung tá LKC trong số những sĩ quan thân tín Không quân chung quanh.
Đúng mùng một Tết Mậu Thân (31 tháng Giêng năm 1968), một cánh quân Việt Cộng tấn công căn cứ Không quân trong phi trường Tân Sơn Nhứt. Có mặt tại căn cứ, LKC đã “không quân đánh bộ”
thành công chỉ huy dẹp tan quân địch hôm 23 tháng Hai, và được vinh thăng Đại tá.
Mặc dù bị tổn thất nặng nề trong cuộc tổng công kích đợt 1 Tết Mậu Thân, tới trung tuần tháng 4, 1968 Việt Cộng lại mở cuộc tổng công kích đợt 2. Nhật báo Chính Luận ở Sài Gòn trong số ra ngày mùng 7, tháng 5, năm 1968 đăng tin: “Sáng ngày mùng 2 tháng 5 vào hồi 10 giờ, Ðại tá Lưu Kim Cương, Tư Lệnh Không Ðoàn 33 đã bị tử thương trong lúc ông đương đích thân chỉ huy một đơn vị bảo vệ vòng đai phi trường để đẩy lui một cánh quân Việt Cộng tại khu nghĩa trang Pháp gần ngã tư Bảy Hiền. Ông đã bị một tên Việt Cộng thủ súng B40 (phóng lựu đạn, để bắn xe tăng) vẫn còn sống, bắn một trái B40 trúng tấm mộ bia ngay bên cạnh Ðại tá Cương, sức nổ và miểng đạn đã chặt đứt một cánh tay của ông và gây thêm nhiều vết thương nặng khác, khiến ông tắt thở tại chỗ. Một phóng viên truyền hình Pháp chạy theo Ðại tá Cương cũng bị tử thương ngay bên.
Ðại tá Lưu Kim Cương năm nay 34 tuổi có 2 con. Ông là người rất vui tính, có nhiều máu văn nghệ, chiếm được nhiều cảm tình trong giới quân đội cũng như báo chí. Tưởng cũng nên ghi nhận đây là lần đầu tiên một sĩ quan mang cấp Tá của quân đội ta nói chung và của Không quân VN nói riêng đã hy sinh trong lúc trực chiến với địch.”
Nhà báo/Nhà văn Văn Quang có ghi lại: “Một buổi chiều năm Mậu Thân 1968, ngồi ở nhà hàng Pagode tôi gặp Khánh Ly và Ngọc Anh đi cùng Trịnh Công Sơn. Chúng tôi rủ nhau đi ăn cơm chiều. Ăn ở một quán bụi xong đã đến giờ giới nghiêm – thời gian đó Sài Gòn giới nghiêm từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng. Khánh Ly nhờ tôi đưa Trịnh Công Sơn về … Đêm đó là đêm đầu tiên tôi đưa Trịnh Công Sơn về building Cao Thắng. Ở cái building đó chỉ có một phòng gắn máy lạnh, là của một thương gia bán huy chương ở ngay chợ Bến Thành thuê làm phòng riêng, cho tôi ở chung nhưng không lấy tiền. Sơn mang đến cây đàn guitar, ở lại phòng tôi vài ngày, tôi không nhớ rõ bao nhiêu ngày. Nhưng chính ở đó anh sáng tác hoặc hoàn tất bản ‘Tình Xa’. Tôi có cái máy ghi âm hiệu Akai, trong khi tôi đi làm, Sơn vẫn thường dùng để nghe lại bản nhạc mình đang hoàn thành. Rồi chợt một hôm nghe tin Lưu Kim Cương chết ở phi trường Tân Sơn Nhất, Khánh Ly lên phòng tôi, cô ngồi lặng, Sơn chỉ nhìn và cũng lặng yên. Ít ngày sau, bài ‘Cho Một Người Vừa Nằm Xuống’ ra đời … “
LKC chỉ là một trong nhiều chiến sĩ đã vị quốc vong thân trong cuộc chiến 20 năm ở Việt Nam. Người ta ước tính đã có khoảng 3 triệu quân & dân hai miền chết vì cuộc chiến đó. Trong số này, đã có rất nhiều chiến sĩ trong các binh chủng khác như Thủy quân Lục chiến, Biệt kích Dù, Biệt động quân, v.v. của VNCH đã chết trận. Khác với hai sĩ quan cấp Tá Không quân Phạm Phú Quốc, và Lưu Kim Cương, hầu hết những hy sinh anh hùng khác – kể cả trong binh chủng Không quân – đã không được người ngoài thân nhân, hay bạn thân biết đến, vì mấy ai được/có nhạc sĩ sáng tác, ghi lại (bằng bài hát), và được cho phổ biến (trên truyền thông), để người ngoài – không phải là thân nhân – biết đến?
Mặt khác, so với các chiến sĩ đã nằm xuống, trường hợp các Tù Cải Tạo trong các nhà tù của Việt Cộng lại càng phải được ghi nhận cho đúng. Đừng quên ngay sau năm 1975, hàng trăm ngàn cựu quân nhân, và viên chức VNCH đã bị tù đày, hành hạ, có người cả 20 năm. Bao nhiêu gia đình đã tan tác? Một số tù nhân đã chết trong tù vì bệnh hoạn, hay kiệt sức. Những chịu đựng, và hy sinh của những người tù lay lứt sống còn hình như đã không được ghi nhận tương xứng so với những bạn đồng ngũ nổi danh đã nằm xuống.
Hơn 35 năm sau biến cố 1975, một tối trong một lữ quán ở tỉnh nhỏ Amarillo của tiểu bang Texas, tình cờ tôi đã được trao đổi vài ba câu chuyện với một cựu sĩ quan Không quân cùng lứa với cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương. Có khác chăng chỉ là người còn sống đã trải qua 13 năm tù cải tạo, và chỉ muốn quên đi quãng đời thanh xuân mà ông coi là đã bị phí phạm.
Còn bao nhiêu cựu tù chưa có dịp giải tỏa chuyện đời của họ? Cũng đều là vì nước, giữa đột ngột chết trận, và sống còn với thể xác suy yếu & tâm thần gẫy đổ sau nhiều năm bị kẻ thù đầy đoạ & hạ nhục, thử hỏi: Ai trần ai hơn ai? Và như vậy, sao đã vinh danh người này mà hình như không nghĩ đến người kia?
Có những bài hát có ý nghĩa, và công dụng hơn chỉ là phương tiện/sản phẩm giải trí, hay nghệ thuật. Đó là những bài ca ghi lại những sự kiện xảy ra cho các nhân vật trong hoàn cảnh của thời gian & không gian như nhân chứng cho dân tộc của một quốc gia đã trải qua. “Cho Một Người Vừa Nằm Xuống” là một trong những nhạc phẩm thuộc loại hiếm hoi này.
Nếu đã biết như thế, những người yêu nhạc không nên chỉ để đầu óc đắm chìm trong giới hạn của lời ca & tiếng nhạc, để có khi còn thấy những sự kiện tuy không được trực tiếp kể lại, nhưng cũng thuộc những biến cố đổi đời.
Nguyên Giao
VIDEO: nhạc/Lời Trịnh Công Sơn
Hát Cho Một Người Nằm Xuống – Khánh Ly
xin bấm vào hình trên để có video