Một vài biến cố có thể nói là hơi khác thường, ví dụ như việc nguyên tắc « công hữu về tư liệu sản xuất » trong cương lĩnh chính trị sửa đổi của đảng CS Việt Nam đã bị các đại biểu bác bỏ trong một cuộc bỏ phiếu, diễn ra vào ngày áp chót (18/1), trước khi đại hội kết thúc.
Ban lãnh đạo mới sẽ phải đối mặt với những thách thức chủ yếu nào trong giai đoạn trước mắt ?
Mời quý vị theo dõi phần phân tích của tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, từ Hà Nội.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
RFI : Xin chào tiến sĩ Lê Đăng Doanh, như anh biết, đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 vừa kết thúc. Trong đại hội này, có một số bất đồng trong nội bộ đảng đã được giải quyết thông biểu quyết công khai, cụ thể là sự lựa chọn có đưa vào Cương lĩnh của đảng CS VN vấn đề sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất hay không. Chính anh là người đã lên tiếng ngay trong thời gian vừa qua để ủng hộ cho việc từ bỏ điều khoản này. Rút cuộc, như anh đã biết, phương án 1, tức là phương án duy trì « chế độ công hữu về tư liệu sản xuất », một nguyên tắc nếu duy trì sẽ khiến những nhà đầu tư rất lo ngại, đã bị bác bỏ tại đại hội vào ngày hôm qua, ngày bế mạc đại hội. Anh đánh giá như thế nào về quyết định này, cũng như cảm nhận và suy nghĩ của anh về đại hội đảng vừa diễn ra ạ ?
Ông Lê Đăng Doanh : Tôi rất vui mừng và đánh giá cao cố gắng biểu quyết của đại hội về việc không chấp nhận đặc trưng kinh tế của chủ nghĩa xã hội là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, mà lựa chọn nguyên tắc « dựa trên quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với lực lượng sản xuất tiên tiến ».
Tôi cho rằng, đây là một cuộc thảo luận dân chủ và hết sức thẳng thắn. Trong đó, nhiều đại biểu trong đại hội, cũng như các nhà trí thức và các nhà chuyên môn đã trình bày các ý kiến khác nhau, và cuối cùng đại hội đã biểu quyết chọn phương án 2, với 65% số phiếu. Tôi cho rằng, đây là một bước tiến bộ về dân chủ trong nội bộ đảng, và tôi cũng coi rằng, đây là một biểu hiện tích cực hướng về « Đổi mới » của đại hội lần thứ 11.
RFI : Thưa anh, đại hội vừa kết thúc với nhân sự mới như anh biết. Bộ máy mới này sẽ phải giải quyết các vấn đề kinh tế chủ yếu nào trong giai đoạn trước mắt, theo anh ?
Ông Lê Đăng Doanh : Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức độ 7%, và đạt được những thành tựu ấn tượng về xóa đói giảm nghèo. Việt Nam cũng tiếp tục tăng được xuất khẩu và thu hút được đầu tư nước ngoài. Song, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế hết sức cơ bản và gay gắt. Đó là phải ổn định nền kinh tế vĩ mô, là lạm phát cao, là bội chi ngân sách, là thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, và nợ nước ngoài càng tăng cao, trong khi hiệu quả đầu tư kinh tế, hiệu quả đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là rất thấp.
Vì vậy, tôi rất hy vọng là ban lãnh đạo mới sẽ có quyết tâm chính trị cao, để ổn định kinh tế vĩ mô, cắt giảm bội chi ngân sách, và từng bước giảm thâm hụt cán cân thương mại và thanh toán quốc tế, trên cơ sở đó, cải thiện và ổn định đời sống của nhân dân, và tiến hành các biện pháp để tái cơ cấu nền kinh tế.
RFI : Thưa anh, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, vấn đề cải cách khu vực DNNN đã được đặt ra nhiều năm nay. Đây là khu vực nhận được nhiều đầu tư của ngân sách Nhà nước, nhưng hiệu quả rất thấp, theo đánh giá của giới chuyên gia. Và có những doanh nghiệp có nguy cơ phá sản rất cao, bởi nạn tham nhũng hoành hành. Về vấn đề này chính phủ mãn nhiệm dường như cũng đã có nhiều bất lực và bị rất nhiều chỉ trích từ phía các nhà chính trị trong nước. Vậy theo anh, có những tín hiệu gì trong nước cho thấy ê kíp lãnh đạo mới có thể tiến hành được cuộc cải cách rất khó khăn này ?
Ông Lê Đăng Doanh : Tôi chỉ có thể nói rằng, thời kỳ tăng trưởng dễ dàng đã qua rồi. Tôi cũng có thể nói rằng, thời kỳ cải cách thông qua việc « tự do hóa » các nguồn năng lực cũng đã qua. Bây giờ bước vào một giai đoạn cải cách khó khăn. Đó cải cách thể chế, cải cách DNNN. Như thế có nghĩa là phải đụng chạm đến các lợi ích nhóm, lợi ích ngầm của một số người, trong đó có những người có chức, có quyền.
Vì vậy, cải cách DNNN phải gắn liền với cải cách thể chế Nhà nước. Bởi vì DNNN chỉ có thể hoạt động được trên cơ sở sự bao cấp về mặt kinh tế, cũng như sự bảo hộ về mặt chính trị của Nhà nước.
Như vậy, muốn cải cách DNNN thành công, thì cũng phải cải cách thể chế Nhà nước, cải cách các chính sách, các quy định luật pháp, các quan hệ rất phức tạp giữa Nhà nước và các DNNN, để ngăn chặn các lợi ích ngầm, để ngăn chặn các “nhóm lợi ích”, đã hưởng lợi dựa trên các hoạt động của các DNNN.
RFI : Trong các cải cách mà anh vừa nói đến về Nhà nước, về chính sách, và mối quan hệ giữa Nhà nước và các doanh nghiệp, thì không thấy anh nói đến, hoặc chưa thấy anh nói đến vai trò của đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Lê Đăng Doanh : Đương nhiên là đảng Cộng sản VN phải thể hiện cái quyết tâm chính trị, thì mới có thể cải cách được thể chế Nhà nước, và chính bản thân đảng Cộng sản Việt Nam cũng phải tự cải cách mình. Ở đây, tôi nghĩ rằng, ngoài việc bổ sung luật pháp, thì những quy định về công khai minh bạch, về trách nhiệm giải trình là hết sức quan trọng.
Trách nhiệm giải trình tức là « anh » sử dụng tiền vốn của dân, thì « anh » phải giải trình việc sử dụng như thế nào, và phải báo cáo với Quốc hội, với Nhân dân biết. Vấn đề thay đổi thể chế, công khai minh bạch, và có những quy định phải giải trình mang tính ràng buộc, như vậy sẽ đánh vào những lợi ích nhóm, những lợi ích ngầm, vào quá trình tham nhũng, sẽ ngăn chặn những lạm dụng về đất đai, lạm dụng tiền vốn Nhà nước.
Tất cả những cái đó là quá trình không dễ dàng. Không ai « tự vác đá ghè chân mình » cả. Vì vậy, đảng lãnh đạo phải có quyết tâm chính trị rất lớn, và phải thể hiện vai trò gương mẫu trong sạch, thì bấy giờ các mục tiêu kể trên mới có thể thực thi được.
RFI : Vâng, thưa anh, trong chuyện công khai minh bạch và giải trình đó, thì theo một số các nhà nghiên cứu, một số nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam, có một khó khăn, tức là đảng Cộng sản là một lực lượng lãnh đạo xã hội, nhưng có phần đứng trên xã hội, không chịu sự điều chỉnh của luật pháp, mặc dù theo Hiến pháp, đảng phải hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Vậy thì đấy có phải là một khó khăn không ?
Ông Lê Đăng Doanh : Đã có những ý kiến đề nghị phải có một luật về sự lãnh đạo của đảng. Tôi cũng tha thiết đề nghị có một cái luật như vậy. Tôi hy vọng rằng, ban lãnh đạo sẽ có những bước đi tích cực, theo hướng tăng sự công khai minh bạch, tăng tính phù hợp với Hiến pháp, với luật pháp, và bảo đảm rằng, các hoạt động của đảng, của Nhà nước, cũng như của DNNN, phải được thực hiện công khai.
Cho đến nay, trong nghị quyết của đảng, có những quy định hô hào, minh bạch trong đấu thầu, minh bạch trong mua sắm của Nhà nước, v.v. nhưng những chủ trương này không được biến thành luật và các quy định mang tính pháp quy ràng buộc. Vì vậy, những lời hô hào, những định hướng đó không được thực thi.
Tôi hy vọng là ban lãnh đạo kỳ này sẽ có những bước đi cụ thể, hành động thiết thực, để thực thi những điều đã quy định trong Nghị quyết của đại hội.
RFI : Thưa anh, trong ê kíp lãnh đạo mới, có những bình luận cho rằng, không có nhiều gương mặt mới, và khả năng thay đổi là rất ít, và thậm chí có một số ý kiến cho rằng, xu hướng bảo thủ quay trở lại. Vậy ý kiến của anh là như thế nào về điều này ?
Ông Lê Đăng Doanh : Tôi nghĩ rằng, bây giờ cứ để chờ ban lãnh đạo mới hành động, rồi lúc đó chúng ta hãy đánh giá. Bởi vì, cũng có thể đứng trước các nhiệm vụ mới, thì những người trước đây có những quan niệm nhất định này khác sẽ có thể có những thay đổi.
RFI : Ban Việt ngữ đài Phát thanh Quốc tế Pháp xin trân trọng cảm ơn tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Trọng Thành [Nguồn: RFI]