Cách đây vài năm, công ty nghiên cứu tiếp thị Hoa Kỳ “The Nielsen” đã đưa ra nhận xét “Việt Nam: Hạnh phúc vào hàng thứ 5 trên thế giới!” bỏ xa “thiên đàng nước Mỹ” đến 109 nước.
Tôi đã cho rằng đó là thứ hạnh phúc… xót xa. Bây giờ cơ quan nghiên cứu thị trường BVA (Pháp) và Gallup Poll Quốc Tế, trụ sở đặt tại Washington DC (Mỹ) lại lên tiếng: “Việt Nam là dân tộc lạc quan nhất… trên trái đất này”.
Người lạc quan là người vui vẻ, yêu cuộc sống, luôn luôn nhìn cuộc đời qua cặp kính màu hồng, xem thế giới và đời người là vui sướng. Có triết gia cho rằng: “Một cái nhìn vui vẻ biến được những món ăn thành một buổi tiệc”, vui vẻ trong sự nghèo nàn, tăm tối, như trong câu ca dao: “Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.” Ngày xưa ông Vinh Khải Kỳ lạc quan vì ông được làm người mà loài người là cao quý nhất; được làm đàn ông mà đàn ông địa vị hơn đàn bà, được làm người khỏe mạnh hơn người đui què, bệnh tật. Người lạc quan là người theo chủ thuyết “Sức mấy mà buồn, buồn chi, bỏ đi Tám!” (PD), hay: “Tôi là ai mà yêu quá cuộc đời này” (TCS), là người hy vọng chiều nay mình có thể trúng số “cá cặp”, chứ không bao giờ nghĩ mình có thể bị công an đánh bể đầu vì không đội nón an toàn.
Người lạc quan đương nhiên là người luôn luôn bằng lòng với cuộc sống, vẽ ra cho mình một viễn ảnh theo ý riêng của mình, nhiều khi không quan tâm đến thực tế chung quanh. Những ngày đầu mới bị Cộng Sản tập trung vào trại “cải tạo”, những người bi quan than thở cho rằng thế này là tù đày không có ngày về, tương lai gia đình, con cái mờ mịt, trong khi những người lạc quan thì suy nghĩ chỉ mươi lăm ngày một tháng là học tập xong, về lại với gia đình, trở lại với đời sống bình thường. Là một người lạc quan, trước khi xách túi rết đi trình diện, tôi còn dặn vợ tôi: “Anh đi ‘học tập’ mười ngày rồi về đi dạy học lại, có gì đâu mà em lo lắng!” Tôi còn lạc quan quá đỗi, đến nỗi chỉ mang đi 10 gói mì “Hai Con Cua” để ăn sáng, ngày mười một là có thể ung dung xơi cơm nhà rồi. Những ngày đầu đó, trong trại tù rất dễ xảy ra xung đột, có khi sắp xảy ra chuyện đánh nhau vì bất đồng ý kiến giữa hai phe lạc quan và bi quan. Anh lạc quan vẫn giữ ý kiến của mình, trong lòng nuôi hy vọng được trở về nhà sớm, khi nghe anh bi quan cho rằng thế này là ở tù mút mùa, thì sừng sộ, giận dữ. Bi quan quá đáng thì có lẽ không nên, nhưng anh chàng lạc quan tỏ ra không hiểu gì Cộng Sản, vẫn tin “những gì Cộng Sản nói”. Cán bộ chiến tranh chính trị như bản thân người viết bài này mà còn ngây thơ, những ngày cuối tháng 4 năm 1975, còn ung dung không chịu xuống tàu tìm đường đi, nay mai có thể “đi dạy học lại”, để hệ lụy đau khổ cho gia đình, nói gì đến những người dân bình thường khác. Ðó là một thứ “lạc quan… tếu”, ngu dốt, khó được tha thứ. Như vậy người lạc quan cũng là người nhẹ dạ dễ tin người như thằng ngốc đi mua vịt trời.
Có phải trên thế giới hiện nay, quốc gia có con người lạc quan nhất là Việt Nam?
Tôi vẫn nghĩ rằng khi chúng ta lạc quan yêu đời, thì tâm hồn nhẹ nhàng thong thả, tử tế vui vẻ với người chung quanh, thì vì sao một dân tộc lạc quan… nhất thế giới, lại cộc cằn, quạu cọ sẵn sàng đánh nhau vì những chuyện không đâu. Cái đất nước có con người yêu đời… nhất hành tinh ấy, sao lại có thể sản sinh ra thứ hàng quán phở chửi, cháo quát, bún… lầm bầm rất là mất dạy hiện nay. Con người lạc quan sao có thể nói với nhau những lời thô lỗ, ghét bỏ, thù hận trong khi giao tiếp với nhau hằng ngày. Lạc quan sao con người lúc ra đường va chạm nhau, trong quán nhậu gây gổ nhau cũng có thể dễ dàng đưa đến án mạng giết người. Phải là những con người bất mãn, không bằng lòng với cuộc sống, bực mình, giận con cá mà chém cái thớt mới sinh ra tình trạng như vậy.
Ở một phương diện nào, nói người Việt Nam bằng lòng với cuộc sống, vì thỏa mãn với hiện tại cũng có phần đúng. Từ thời kỳ bao cấp bo bo, khoai sắn, tem phiếu, cô thầy giáo giữa giờ học bỏ học trò chạy lên văn phòng chia thịt, ngày nay chợ búa gạo thịt thả giàn, sao không vui. Thời “giải phóng” nhà nhà xe đạp, bây giờ xe hơi, xe gắn máy không có chỗ chen trên đường, sao không “hồ hởi”. Nhưng trong một xã hội, bây giờ vẫn con trâu cái cày mà vẫn làm vui, mò cua bắt ốc suốt ngày mà vẫn làm sướng, phải chăng đó là đạo sống ở đời. Ông cụ Ðặng Huyền, 98 tuổi ở Huế đang còn phải đạp xích lô kiếm cơm vẫn còn đạp xích lô dài dài; bà cụ Phạm Ðoàn, 76 tuổi ở Khánh Hòa, vẫn sáng sáng ngâm mình dưới biển lạnh để mò cua cho có bát cơm bỏ vào miệng, vẫn còn mò cua cho đến khi tắt thở; ông già mù Ðoàn Văn Thành mò mẫm đi bán vé số đề nuôi thân, còn bán vé số cho đến lúc Việt Nam tiến lên đỉnh cao xã hội chủ nghĩa “hưởng theo nhu cầu” có được mỗi ngày hai chén cháo mà khỏi đi làm. Ba ông, bà cụ mặc áo lụa do Tố Hữu đã cao hứng vẽ thành thơ để “tặng già” này đều là những người lạc quan cho đến chết. Cái lạc quan này làm tôi nhớ đến bốn chữ “an tâm tin tưởng” trong trại “cải tạo”, luôn luôn nói, luôn luôn khai báo mà ruột rối bòng bong. Nỗi đau khổ của dân tộc Việt Nam kéo dài đã mấy thế kỷ rồi, quả tim và tấm lòng chai đá không còn biết sướng, biết khổ nữa. Thời Tây cai trị lúc còn trẻ, khổ đã quen, bây giờ đến lúc già, còn lạ gì với khổ.
Thằng lớn thì nhà, xe, tiền bạc rủng rỉnh, dư ăn dư mặc phải chuyển ra nước ngoài; kẻ lình bình thì bia rượu, ăn nhậu thả giàn, gái non đầy dẫy; người nghèo khổ thì tin tưởng vào số mệnh, đất trời. Cái chính phủ này đúng là vận may vì có được một đám dân như thế, chịu đựng suốt đời, không đám bộc bạch, không hề thở than, nên cũng chẳng bao giờ dám ngóc đầu đứng dậy. Tiêu chuẩn của mỗi “hộ”, sau “giải phóng” do Phạm Văn Ðồng ao ước là “đủ nước chấm”, mỗi gia đình có một cái “phích nước”, bây giờ xe gắn máy không đủ đường mà chạy, còn mơ thiên đường chi nữa!
Làm cách mạng thì phe cánh, chúng với nhau, bán rừng, chia đất, còn làm ông chủ của đất nước rồi cũng cái cảnh “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”.
Ôi ngọt ngào biết mấy những chữ hạnh phúc, lạc quan, an tâm, tin tưởng mà không hề khao khát, không muốn một cuộc đời sáng sủa hơn, ung dung tự tại, mặc cho thế giới tiến bộ, dời đổi, con người lên đến cung trăng hay thám hiểm tận lòng đại dương. Sinh viên Trung Cộng ngoan ngoãn, an tâm như sinh viên Việt Nam thì làm gì có Thiên An Môn, ông Lech Walesa lạc quan, tin tưởng ngồi chờ thì làm gì có biến cố Ðông Âu.
Cứ lạc quan kiểu này thì mười năm nữa, “đầu tôm với ruột bầu” vẫn còn ngon, lối lạc quan không cần so sánh, không cần mở mắt, lối lạc quan mang nhãn hiệu Việt Nam, được chấm điểm là… nhất thế giới, là quay mặt vào vách, cúi đầu xuống, ngắm nghía, mân mê cái của mình đang có, mà chữ nghĩa đúng nhất dùng trong trường hợp này là thứ lạc quan… tự sướng.
Huy Phương
2 Comments
Trần Việt
Anh Huy Phương ! Cái Lạc quan mà ta đang nói của ngưòi dân việt, là thứ lạc quan ” đáng tội nghiệp”. Nói cho cùng, họ chính là những tâm hồn can đảm đấy anh a ! Họ tìm lẽ sống “hà thời túc” trong cảnh khổ ải, chứ biết làm sao bây giờ? Đó là cái lẽ sống từng ngày, từng giờ trong đời sống không lối thóat. Nhớ những ngày anh em chiến hữu của chúng mình bị tụi cs nó bắt bỏ tù, lúc đầu thì hoảng sợ,xuống cân, sợ riết rồi quen đi, không hy vong gi ở ngày mai,buông xuôi, rồi một ngày như mọi ngày, rồi lên cân. Những ngày lễ, chúng nó cho ăn mấy miếng thịt mỏng như giấy, cũng mừng như mẹ về chợ, cái vui của thằng dân đen nước Viêt bây giờ là như vậy anh Huy Phương ạ !
trinhngoctoan
Lạc quan hay đui , điếc, câm , vô cảm , dốt nát , ngu xuẩn hay điên loạn .
Lạc quan là các giác quan ( thị giác, thính giác, khứu giác , vị giác và xúc giác) bị lệch lạc không còn chính xác hoặc không bao giờ cảm nhận .
Từ ngày VN có chủ nghĩa cộng sản đến ngày nay (7o năm) người Dân VN (từ Bắc chí Nam ) cứ vô tư và lạc quan mà sống hạnh phúc với bất cứ cái gì nhà nước csVN ban cho .
tnt