Vào thập niên 1870, một nhóm các họa sĩ trẻ bắt đầu tìm kiếm một đường hướng nghệ thuật mới để làm biến đổi các truyền thống hội họa đã có từ thời Phục Hưng tại châu Âu. Các họa sĩ này đã đi trực tiếp tới thiên nhiên để tìm hứng khởi, lấy đề tài trong xã hội đang sinh sống và được khuyến khích bởi hai nhà danh họa tiền phong là Gustave Courbet và Eduard Manet. Kết quả là qua các sáng tác, họ đã khám phá ra một cách nhìn tươi mới và ngay tức thời, khác hẳn cách diễn tả của các bậc thầy cổ điển. Nghệ thuật Hội Họa mới này trình bày ngay thứ ấn tượng tức thời của đề tài bằng các màu sắc thuần chất, mang tính chất lung linh, rực rỡ, hơn là bằng các màu nâu và đen, màu thông dụng của các nhà danh họa cổ điển.
Pierre August Renoir là một trong các họa sĩ hàng đầu của trường phái Ấn Tượng (Impressionism) thuộc thế kỷ 19, đã ghi lên khung vải các đặc tính kỳ ảo của ánh sáng và không khí, các phẩm chất cá biệt và thân mật của người mẫu cũng như mô tả được bản chất thi vị, xúc cảm của phong cảnh thiên nhiên. Nhà danh họa Renoir đã sáng tác về Hội Họa trong 60 năm với khoảng 6,000 họa phẩm và thành quả này được coi là rất phong phú, chỉ đứng sau các công trình của Pablo Picasso.
1. Các năm học nghề
Pierre A. Renoir là con của một người thợ may, chào đời ngày 25-2-1841 tại Limoges, nước Pháp. Không lâu sau đó, gia đình Renoir đã dọn lên thành phố Paris, hi vọng tìm ra các cơ hội làm ăn tốt đẹp hơn. Vào thời kỳ này, Paris là thủ đô của một trong các cường quốc của thế giới. Nước Pháp đã là một quốc gia thống nhất, có chính quyền tập trung cả về chính trị và kinh tế, và Paris là trung tâm rực rỡ về nhiều mặt phát triển như khoa học, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật…
Về văn chương, cuộc sinh hoạt hàng ngày được các nhà văn hiện thực mô tả như Gustave Flaubert và Emile Zola, lúc này còn rất trẻ. Tại các rạp hát, khán giả rất đông đảo, thưởng thức các vở kịch của Victorien Sardou và Alexandre Dumas Jr. Trên sân khấu các hí viện, có các buổi hòa nhạc giao hưởng, các màn trình diễn vũ ba-lê, các vũ kịch nhỏ (operettas) do Jacques Offenbach soạn ra. Giới trung lưu, giới tư sản của xã hội Pháp đang trở nên thịnh vượng, họ thưởng thức mọi nghệ thuật quyến rũ cả về thính giác lẫn thị giác. Về kiến trúc, thành phố Paris đang xây cất các tòa dinh thự lớn theo kiến trúc Tân-Baroque như Đại Hí Viện (Grand Opera) xây dựng bằng thép và thủy tinh, và phần trang trí do các nhà điêu khắc danh tiếng như Jean Baptiste Carpeaux.
Chính vào giai đoạn này, có rất nhiều họa sĩ sáng tác ra các tấm tranh sơn dầu, một số tranh mang độ chính xác quá đáng, theo đúng quy tắc, nhưng tất cả đều cố gắng mô tả vẻ đẹp, làm vui mắt người ngắm tranh và các họa phẩm thường được treo tại các phòng triển lãm, các phòng tiếp tân của rạp hát, tại các nhà hàng và các địạ điểm họp mặt. Việc đánh giá các họa phẩm vào thời kỳ này do Phòng Triển Lãm, gọi là Salon, bởi các vị giáo sư từ các Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật. Mỗi năm, các vị này xem xét khoảng 2,500 họa phẩm và dân chúng Pháp phần lớn chấp nhận cách cứu xét của các vị có thẩm quyền nghệ thuật này.
Chính trong bối cảnh lịch sử, văn hóa và xã hội này, Pierre August Renoir đã trưởng thành. Từ tuổi 13, cậu thiếu niên này đã tỏ ra có năng khiếu về hội họa nên được gia đình cho học nghề vẽ tại một xưởng đồ gốm và công việc của cậu là vẽ trang trí các tách cà phê bằng các bông hoa nhỏ, hoặc vẽ cảnh chăn cừu hay mặt nghiêng của hoàng hậu Marie Antoinette trên các sản phẩm. Khả năng đặc biệt của Renoir về hội họa đã khiến cho các thợ vẽ bạn phải gọi cậu là Rembrandt và chính nhờ giai đoạn sao chép các tượng ý (motifs) của các bậc thầy thuộc thế kỷ 18 như Boucher, Lancret, Fragonard… mà Renoir đã tạo được một đường nét riêng, ưa thích các sắc thái tế nhị, các màu đỏ của trái dâu, màu xanh của rong rêu, màu vàng rực rỡ cua hoa cúc, và loại mặt tranh bóng láng, giống như mặt đồ sứ. Rồi vào các ngày nghỉ, Renoir thường viếng thăm Viện Bảo Tàng Louvre để ghi chép các họa phẩm cổ điển, vẽ lại các tượng điêu khắc danh tiếng.
Renoir chỉ làm việc cho xưởng đồ gốm trong 4 năm. Cuộc cách mạng kỹ nghệ đã khiến cho các nhà kỹ thuật sáng chế ra được một thứ máy in, in các hình ảnh trên mặt sứ, khiến cho các thợ vẽ bị nghỉ việc. Renoir làm việc cho một người anh, lo việc trang trí các cây quạt tay, các lá cờ của nhà thờ và chính nhờ thời gian thực tập này mà chàng họa sĩ đã khéo tay, nhanh nhẹn, làm chủ được kỹ thuật dùng cọ. Năm 21 tuổi, Renoir đã kiếm đủ tiền để theo học căn bản ngành Hội Họa.
Tháng 4-1862, Pierre August Renoir xin vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật (Ecole des Beaux Arts) tại Paris, điều hành do vị giám đốc mỹ thuật hoàng gia là Bá Tước Alfred de Nieuwekerke, một người cho rằng đường lối Hiện Thực (realism) trong nghệ thuật có tính dân chủ và đáng trách (objectionable). Vì vậy các sinh viên mỹ thuật phải họa lại các tác phẩm cổ điển, vẽ chính xác các tượng nổi tiếng và bắt chước đường lối hội họa phục hưng.
Thời đó có nhiều giáo sư hội họa, nhưng vị thầy trực tiếp của Renoir là ông Charles Gleyre, một họa sĩ danh tiếng về những bức vẽ biểu tượng (allegorical). Ngoài thời giờ theo khóa học chính thức, Renoir còn tham dự lớp học tư, nơi này có từ 30 tới 40 học viên, được vẽ các người mẫu khỏa thân, vẽ cảnh thiên nhiên và nhờ các kinh nghiệm sao chép các bức tranh rococo, Renoir đã yêu thích các màu sắc rực rỡ, một điều không phổ thông vào thời đó, trái với ý thích của Giáo Sư Gleyre. Đã có lần vị giáo sư hội họa này hỏi thẳng Renoir: anh chỉ vẽ cho mình vui phải không? và Renoir đã trả lời Dĩ nhiên, Thầy có thể chắc chắn rằng con sẽ không làm việc nếu không thưởng thức được Hội Họa. Đây là một thái độ hoàn toàn mới đối với ngành Hội Họa, với đặc điểm là bức họa bớt vẻ trang nghiêm hơn, thêm phần sống động, cá biệt và mang tính khoái cảm.
Cũng có một học viên khác không chú trọng vào các giáo điều của các bậc thầy, đó là Claude Monet, một họa sĩ năng động, đã học hỏi được ở Eugène Boudin cách nhìn và cách vẽ cảnh vật dưới các tình trạng ánh sáng tự nhiên, và không ưa thích loại ánh sáng lạnh lùng của căn phòng vẽ. Renoir còn có vài người bạn khác, là Alfred Sisley và Frederic Bazille. Những họa sĩ trẻ này ngưỡng mộ một nhóm nghệ sĩ được gọi là Nhóm Barbizon, vì họ thường lui tới cánh rừng Barbizon gần Paris, gồm có Théodore Rousseau, Constant Troyon, Jean Francois Millet, Narcisse Diaz và Charles Daubigny. Các họa sĩ Barbizon này ưa thích vẽ các phong cảnh đơn giản, thường gặp, như các cánh đồng với cây cối và căn nhà của nông trại, hơn là các phong cảnh lịch sử theo truyền thống kinh điển. Nhóm Barbizon cũng vẽ trực tiếp từ cách quan sát thiên nhiên, quan tâm tới phẩm chất của ánh sáng và phong thái (mood) và mặc dù màu sắc của họ còn tối sẫm và cách bố cục còn giả tạo nhưng đường lối thể hiện mới của họ đã đóng góp vào phong trào ấn tượng sau này mà Renoir là một thành viên.
2. Các năm sáng tác
Tháng 5 năm 1863 tại Phòng Triển Lãm của các Họa Sĩ bị từ chối (Salon des Refusés), Edouard Manet đã trưng bày một họa phẩm có tên là Bữa ăn trưa trên cỏ (Luncheon on the Grass). Bức tranh này đã chịu sự chỉ trích và chế riễu của đại chúng vì có chủ đề gây rắc rối và dùng các màu sắc quá tươi mới, một sự việc bất thường đối với thời kỳ đó.
Lần đầu tiên Renoir nộp một họa phẩm cho Phòng Triển Lãm, đó là vào năm 1864. Tác phẩm được chấp nhận có tên là Esmeralda đang nhẩy với một con Dê (Esmeralda Dancing with a Goat) theo chủ đề Nhà Thờ Đức Bà của Thành Phố Paris, một văn phẩm của Đại Văn Hào Victor Hugo. Qua họa phẩm này, Narcisse Diaz đã khuyên Renoir không nên dùng loại nhựa đường vào trong tranh và Diaz từ đó đã trở nên một người bạn thân, giúp đỡ Renoir.
Renoir còn ngưỡng mộ Gustave Courbet và Eugène Delacroix. Courbet đã vẽ những người thợ đập đá, những phong cảnh đơn giản, các chân dung và khỏa thân nữ rất trung thực với đời sống, mang tính dân chủ và theo quan điểm vật chất (materialistic world view), còn các bức họa của Delacroix liên hệ với xã hội, đóng góp vào chiều hướng chung của các nghệ sĩ là cố gắng phá vỡ các quy tắc cứng dắn của đường lối cổ điển (classicism), thích hợp với chủ trương của nhà xã hội thuộc giai cấp trung lưu là Pierre Joseph Proudhon theo đó một công trình nghệ thuật phải được cứu xét theo chức năng của nó trong xã hội. Ngoài quan niệm họa phẩm là một phản ảnh của thực tế, mang tính chất cá nhân, trừu tượng và chứa đựng các cảm giác mạnh, Renoir còn ưa thích đường lối hội họa của Delacroix với các màu sắc rực rỡ. Delacroix đã từng nói nhiệm vụ đầu tiên của một họa phẩm là phải thật đẹp mắt còn Pissaro đã viết rằng: sự cứu rỗi nằm trong thiên nhiên và Monet lại muốn hòa mình vào thiên nhiên.
Vào mùa hè năm 1865, Renoir và người bạn là họa sĩ Sisley dùng thuyền buồm, xuôi giòng sông Seine, tới Le Havre để coi các cuộc đua thuyền. Từ trên thuyền, họ đã vẽ các cảnh bờ sông, một công việc giống như Daubigny đã từng làm và các họa phẩm loại này của Renoir cũng được Phòng Triển Lãm chấp nhận. Sau đó, tại làng Marlotte gần Fontainebleau, Renoir đã vẽ xong bức họa Tại quán ăn của Mẹ Anthony (At the Inn of Mother Anthony) qua đó mô tả một nhóm người đứng chung quanh một bàn tròn, thảo luận về một bài viết trên báo Biến Cố (L’Evenement). Đây là một tạp chí do Emile Zola xuất bản năm 1866, chỉ trích Phòng Triển Lãm và định nghĩa một công trình nghệ thuật là một phần của thiên nhiên nhìn qua cảm tính của một cá nhân.
Do những chỉ trích từ các nhà văn có khuynh hướng cấp tiến hơn, ban giám khảo của các phòng triển lãm đã có những biện pháp cứng dắn hơn đối với đường lối nghệ thuật mới. Năm 1867, họa phẩm Diana của Renoir bị ban giám khảo bác bỏ, không cho phép trưng bày nhưng dần dần, do ảnh hưởng của Daubigny, các họa sĩ cũng nói lên tư tưởng của các nhà hiện thực trẻ (realists). Vào thời kỳ này, nhiều họa sĩ trẻ đang sống trong cảnh thiếu thốn. Renoir được một người bạn giàu có tên là Bazille giúp đỡ nhưng vẫn phải vẽ các bưu thiếp, bán lấy tiền rồi về sau, dọn về ở với cha mẹ tại Ville-d’Avray, ngoại ô của thành phố Paris. Monet cũng sống trong cảnh eo hẹp tại Bougival, nhưng nỗi cơ cực nhất của họ là không có tiền mua sơn dầu. Vào các tháng mùa hè năm 1869, Monet và Renoir thường lui tới khu hồ tắm công cộng tại Bougival, có tên là La Grenouillère (Ao Ếch Nhái) bên bờ sông Seine. Hai họa sĩ này đã vẽ cùng với nhau, bắt đầu bằng các màu sắc tươi sáng hơn và dù cho cuộc sống có gian nan, họ vẫn không biểu lộ qua tác phẩm các niềm lo âu, thất vọng, bi quan.
Vào thời kỳ này, các họa sĩ đang cố gắng tìm ra các nguyên tắc nghệ thuật mới. Khi về Paris, họ tụ họp tại quán cà phê Guerbois trên đại lộ Batignolles và vì vậy, họ được gọi là các họa sĩ Batignolles. Trung tâm của nhóm văn nghệ sĩ mới này là họa sĩ Manet, ngoài ra còn có các văn sĩ, các nhà phê bình như Emile Zola, Théodore Duret, Zacharie Astruc và Edmond Duranty, các họa sĩ như Monet, Renoir, Sisley, Camille Pissaro, Degas, Henri Fantin-Latour, còn Paul Cézanne tham gia khi nào trở về Paris. Trong khi đó, Pierre A. Renoir là một con người mảnh khảnh, với tính ưa khôi hài nhưng lại không ưa tham gia vào các cuộc tranh luận. Thế nhưng các họa phẩm của Renoir lại mang tính cấp tiến nhất vào thời kỳ đó, và Renoir đã chủ trương rằng phải vẽ những gì con mắt nhìn thấy và phải diễn tả đề tài bằng các màu sắc càng trung thực càng tốt.
Mặt khác, các họa sĩ như Jean Francois Millet và Gustave Courbet đã thực hiện các họa phẩm trong phòng vẽ nên thiếu đi sự sáng sủa, vẻ rực rỡ của đề tài dưới ánh sáng mặt trời. Và rồi do cứu xét các bóng mát có màu sắc của đề tài, các họa sĩ như Renoir và Monet đã tìm thấy rằng màu xanh là màu áp sắc. Hai họa sĩ này đã thấy các đề tài khác nhau đổi màu tùy theo các điều kiện chiếu sáng và do các màu phản chiếu từ các sự vật ở chung quanh. Rồi không khí chập chờn, bao quanh đề tài đã làm cho đường viền của đề tài thiếu sự sắc nét. Môi trường sống đã mở ra cho các họa sĩ cả ngàn đề tài muôn màu, muôn vẻ: tàng cây, mây, nước, hoa trên mặt hồ, khói từ các mái nhà, các con thuyền, các cây dù che nắng bên bờ sông, các con người di động và ngay cả những chiếc váy sặc sỡ của phụ nữ. Đời sống của mọi người chung quanh đã mang theo các vẻ đẹp, sự tươi mới, sự linh động mà họa sĩ có thể tìm thấy dễ dàng trong dịp đi nghỉ xa, trong các trận đấu thể thao hay trong cảnh sống thay đổi của một thành phố lớn.
3. Các họa phẩm lừng danh
Họa phẩm nổi tiếng đầu tiên của Renoir là bức Lise, sau đó là họa phẩm Alfred Sisley và vợ nhỏ bằng nửa nhưng qua tác phẩm này, Renoir đã dùng màu sắc và đường nét rất cân đối và họa sĩ đã chú tâm vào các định luật của bố cục do học hỏi được các bậc thầy tại Viện Bảo Tàng Louvre.
Tại Ao Ếch Nhái (La Grenouillère), Monet và Renoir đã cùng vẽ, mỗi người 3 tác phẩm với họa phong rất giống nhau nhưng tác phẩm của Renoir mang tính dịu dàng, buông lỏng hơn. Các họa phẩm này đã mô tả đám đông bên bờ sông và trên cầu tầu, với các con thuyền, các người tắm sông và nhất là các mặt nước lung linh. Ánh sáng nhiều màu sắc phản chiếu cảnh vật nhưng bố cục không theo quy tắc cổ điển và đây là cách áp dụng câu nói rất phổ thông tại quán cà phê Guerbois, đó là Ấn tượng của thiên nhiên (the impression of nature) và cũng do danh từ Ấn Tượng này mà 5 năm về sau, một trường phái hội họa mới đã ra đời.
Mùa thu năm 1870, chiến tranh giữa nước Pháp và nước Phổ bùng nổ. Vua Napoléon III bị thua trận và nước Pháp trở nên một nước Cộng Hòa. Mùa xuân năm 1871, các công nhân của thành phố Paris cùng một số nghệ sĩ và trí thức, đã nổi loạn, tuyên bố một loại chính phủ cách mạng gọi là Công Xã (Commune) và kết quả là cuộc nổi dậy đã bị đàn áp. Vào giai đoạn này, các nghệ sĩ nghèo như Renoir đã phải chịu chung sự khước từ nghệ thuật của giai cấp tư sản, nhưng cũng từ nay bắt đầu cuộc tranh đấu về nghệ thuật bởi các họa sĩ thuộc lớp tuổi 40, để tạo nên một trường phái hội họa mới với sự rực rỡ, huyền ảo trong kỹ thuật mô tả.
Theo truyền thống nghệ thuật của nước Pháp, các họa phẩm phải được các vị giám khảo cứu xét, chấp nhận một cách chính thức trước khi được trưng bày tại Phòng Triển Lãm (Salon). Những họa sĩ có tác phẩm được trưng bày như vậy sẽ có danh tiếng, họa phẩm mới có người mua và nhờ vậy, họa sĩ sẽ có lợi nhuận. Nhưng do truyền thống cổ xưa, chính quyền Pháp và các vị có thẩm quyền chỉ ưa thích các đề tài hội họa quý phái, diễn tả theo lối tu từ trống rỗng (empty rhetoric) khiến cho Phòng Triển Lãm trở nên một loại tiệm tạp hóa, đề cao sở thích của các người cầm quyền, của các vị giám khảo nghệ thuật và đây là những người chống lại nhóm nghệ sĩ đang tìm cách đổi mới trong văn nghệ. Cũng vì thế, ban giám khảo của Phòng Triển Lãm đã bác bỏ họa phẩm Diana (1867) của Renoir, coi đó là bức vẽ Hottentot Venus, một thứ nữ thần không chính hiệu, quá tân thời đối với ban giám khảo bảo thủ. Họa phẩm Diana của Renoir đã mang ảnh hưởng của Edouard Manet và Gustave Courbet.
Sau khi nước Pháp thua trận và Công Xã bị dẹp tan, nền kinh tế của nước Pháp lại phát triển rất mạnh nhờ đó các họa phẩm đã được bán ra với các giá biểu khá cao. Thành quả này nhờ vào công cuộc tranh đấu của một nhà buôn tranh tên là Paul Durand-Ruel, một thương gia vừa can đảm, vừa khéo léo. Kể từ năm 1862, ông Paul này đã thay cha, quản lý công việc kinh doanh các họa phẩm, bảo vệ các họa sĩ Barbizon. Năm 1870, Paul Durand-Ruel đã gặp Pissaro và Monet tại London khi 2 nhà danh họa này chạy khỏi cuộc chiến tranh Pháp-Phổ rồi vào năm 1873, lại khám phá ra Renoir, khi đó đang có các tác phẩm không bán được, và nhà buôn tranh Durand-Ruel đã trả cho Renoir một số tiền nhỏ dù biết rằng các họa phẩm mua vào còn gặp nhiều khó khăn trên thị trường.
Tới năm 1873, các họa sĩ đã hội họp với nhau, lập nên Hội Cộng Tác nặc danh (Societe anonyme cooperative) và vào ngày 15-4-1874, hội này tổ chức triển lãm các họa phẩm tại một cơ sở của nhà nhiếp ảnh Nadar, trên đại lộ Capucines. Renoir trưng bày tại nơi đây 6 tấm sơn dầu và một bức phấn tiên (pastel). Ngoài ra còn có các họa phẩm của Monet, Pissarro, Degas, Sisley và Cézanne. Ngày 25 tháng 4 năm đó, một bài phê bình của Louis Leroy, phổ biến trên tạp chí châm biếm Charivari, chỉ trích cuộc triển lãm của các nhà ấn tượng vì các tính chất luộn thuộm, không sống động, thiếu chú ý vào các chi tiết. Ngày nay, nhiều người đã không hiểu vì sao những phong cảnh thanh bình như Ao Ếch Nhái, với cách mô tả trực tiếp, dịu dàng, hồn nhiên, mà lại gặp sự chống đối của các người đương thời. Các nhà phê bình thời đó đã chỉ trích cách vẽ thiếu rõ nét, bút pháp lỏng lẻo (loose) của các tác phẩm ấn tượng.
Tới tháng 4 năm 1876, các họa sĩ ấn tượng lại tổ chức cuộc triển lãm thứ hai, tại phòng tranh của Durand-Ruel trên đường Le Peletier. Renoir đã trình bày 15 họa phẩm và nhà phê bình nghệ thuật có ảnh hưởng tên là Albert Wolff đã viết trên nhật báo Le Figaro rằng 5 hay 6 kẻ điên, bị bịt mắt vì tham vọng, đã họp lại và trình bày các việc làm. Nhiều người chết cười vì các bức hình luộm thuộm này. Thế nhưng, cũng có người ủng hộ các họa sĩ ấn tượng như nhà văn hiện thực Edmond Duranty đã bênh vực cách mô tả đời sống hàng ngày, cách vẽ ngoài trời và đường lối ghi chép tức thời.
Tháng 4 năm 1877, các họa sĩ ấn tượng lại tổ chức kỳ triển lãm thứ ba, có sự giúp đỡ của ông Gustave Caillebotte, một kỹ sư hải quân giàu có và cũng là người yêu thích hội họa. Trong kỳ triển lãm này, Renoir đã đóng góp hơn 20 họa phẩm trong đó có tấm tranh Chiếc Đu (the Swing) và Sàn Quay Galette (Le Moulin de la Galette). Hai họa phẩm này đã bao gồm bên trong các thái độ căn bản nhất của họa sĩ đối với nghệ thuật và đời sống. Các tác phẩm này đã mô tả mọi người, nam cũng như nữ, đang vui hưởng cuộc sống xã hội một cách cởi mở, dưới ánh sáng ấm áp, rực rỡ. Hình ảnh của các con người trong tranh lẫn nhẹ vào nhau và vào không gian chung quanh, mang đầy cảm giác của con người, vừa vui tươi, vừa khoái cảm. Từ thời gian này, một người bạn mới của Renoir là ông Georges Rivière đã cho xuất bản một tạp chí nhỏ, có tên là Ấn Tượng, Tạp Chí Nghệ Thuật (Impressionist, Journal d’Art) qua đó bênh vực đường lối nghệ thuật mới.
Năm 1787, Renoir đã vẽ một họa phẩm có tên là Ly sô-cô-la nóng (Cup of Hot Chocolate) có tính dung hòa hơn vì lý do thương mại và đã được Phòng Triển Lãm chấp nhận. Rồi tới năm sau, 1879, Renoir cho trưng bày họa phẩm Bà Charpentier và các con (Madame Charpentier and her children) nhờ đó, đã đạt được sự thông cảm của quần chúng. Giống như các ông Victor Choquet và Daidet, ông Charpentier cũng là một nhà sưu tập tranh, đã tìm ra các cơ hội để Renoir triển lãm các bức vẽ bằng phấn tiên (pastels), và giúp Renoir có được những người bảo trợ khác, chẳng hạn như nhà ngoại giao Paul Bérat.
Trong các năm từ 1879 tới 1881, Renoir đã sáng tác tại Wargemont, gần Berneval trong miền Normandy. Nhà danh họa đã không tham gia vào các cuộc triển lãm của phái Ấn Tượng và cũng ít liên lạc với các bạn họa sĩ cũ, một phần vì các khác biệt ý kiến chính trị. Renoir không thích chủ thuyết vô chính phủ của vài họa sĩ như Francois Raffaelli và Armand Guillaumin, hoặc các tư tưởng xã hội của Pissarro.
Pierre A. Renoir kết hôn với cô Aline Charigot vào năm 1881. Trong kỳ trăng mật, họ đã du lịch qua nước Ý, thăm viếng khu cổ thành Pompeii và các viện bảo tàng nổi danh. Renoir đã say mê trước các phong cảnh tràn đầy ánh sáng và mặt nước lung linh tại thành phố Venice, khâm phục đường lối hội họa của Raphael trong Điện Vatican.
Vào tháng 4 năm 1882, trong kỳ triển lãm thứ 7 của Nhóm các nghệ sĩ độc lập thuộc phái Hiện Thực và Ấn Tượng (the Group of Independent Realist and Impressionist Artists), Renoir đã trưng bày 25 tác phẩm, trong đó có bức tranh Bữa ăn trưa của cuộc du ngoạn trên thuyền (Luncheon of the Boating Party). Đây là một họa phẩm lớn trên đó các hình thể được vẽ rất dịu trong ánh sáng ấm áp, rực rỡ và chan hòa khắp nơi. Họa phẩm này đã mang đặc tính của Renoir với các nét duyên dáng của phụ nữ và đã diễn tả đầy đủ cảm xúc của con người.
Pierre August Renoir đã vẽ các đề tài thuộc đời sống thực, cuộc sống của những người giàu có mà ông đã lệ thuộc như một họa sĩ và cuộc sống của giới Bohemian trung lưu cấp thấp. Các họa phẩm của Renoir không diễn tả những bi thương, không mang tính đấu tranh. Đặc biệt là các chân dung của Renoir đã mô tả sự duyên dáng, hấp dẫn, đáng yêu, tỏa ra từ hình ảnh hồng hào, mờ nét của thiếu nữ trẻ, hay của phụ nữ đẹp, mang đầy đủ nữ tính mộc mạc, dịu dàng, rực rỡ trong màu sắc tươi mới. Renoir cũng giống như các họa sĩ ấn tượng khác, đã từ bỏ truyền thống cổ điển về cân bằng và đối xứng, đã cố gắng ghi lại các thời điểm của cá nhân, dùng tới các yếu tố tức thời và bất đối xứng để nhấn mạnh ấn tượng thoảng qua do đề tài gây nên. Renoir cũng vẽ nhiều chân dung trẻ em, đã làm phát triển thứ diện mạo hồng hào của làn da các em nhỏ, bộc lộ đôi mắt dịu dàng và trong sáng như mơ mộng của trẻ thơ.
Các chân dung của Renoir còn gồm một số người tiêu biểu của thời đại, phần lớn là phụ nữ và loại họa phẩm này rất dễ bán. Với loại đề tài mọi người trong ánh sáng mặt trời, Renoir đã chọn một số hình khỏa thân nữ, đặc biệt là họa phẩm bán khỏa thân vẽ người mẫu Anna trong khoảng năm 1875 (Nude in the Sunlight) trong vườn của phòng vẽ trên đường Corot. Nhà danh họa đã làm cho chính người mẫu trở nên một thứ hoa, nở trong các bụi cây muôn màu và đề tài đã lẫn vào ánh sáng và thiên nhiên, và họa phẩm đã không thể thực hiện được nếu họa sĩ không cảm xúc mạnh trước đối tượng, đời sống, ánh sáng mặt trời và cảnh trí bên ngoài.
4. Thời kỳ Khô và các năm cuối đời
Năm 1883, Renoir cho biết ông sẽ ép đường lối Ấn Tượng cho khô lại và nhà danh họa đã thay dổi chiều hướng hội hoạ, khiến cho các nhà sử học về nghệ thuật gọi đây là thời kỳ Khô. Vào giai đoạn 6 năm này, Renoir đã chú trọng vào lối vẽ nét (drawing), trình bày cách bố cục mạnh bạo hơn với các đường viền của đề tài rõ nét hơn và họa phẩm theo cách cổ điển hơn. Các tác phẩm trong giai đoạn này có thể kể vài bức như Các ô dù (the Umbrellas-1883), Các người tắm (the Bathers-1887), đều bị coi là kém thành công trong cách biểu hiện trưởng thành của nhà danh họa, bởi vì các họa phẩm này đã thiếu đi đặc tính gợi cảm ấm áp, nhẹ nhàng, tự phát ra từ các đề tài trong tranh. Nhà danh họa Renoir đã tìm cách phối hợp sự rõ ràng về đường nét của Jean Auguste Dominique Ingres, một họa sĩ được ngưỡng mộ, với sự phong phú về màu sắc, và tượng trưng cho đường lối này là họa phẩm Các ngưới tắm, dựa theo họa phẩm khắc nổi (bas-relief) Các nữ thần đang tắm của Francois Girardon trong Điện Versailles. Các họa phẩm thuộc thời kỳ Khô cũng mang tính chính xác và kiểm soát cố ý, trình bày nặng về thể tích và cấu trúc, thiếu nhấn mạnh vào màu sắc, thiếu đi loại bút pháp phóng khoáng, mơn trớn, thể hiện trong các tác phẩm của thập niên 1870. Vào các năm cuối của thập niên 1880, Renoir đã làm việc với Paul Cézanne nhiều lần và với Berthe Morisot, nữ họa sĩ thiên tài bậc nhất trong trường phái Ấn Tượng, người mà Renoir rất ngưỡng mộ.
Năm 1892, cùng với người bạn tên là Gallimard, Renoir đã du lịch qua xứ Tây Ban Nha và rất cảm xúc trước các họa phẩm của Diego Velazquez và Francisco de Goya. Cũng vào giai đoạn này, lần đầu tiên Chính Phủ Pháp đã mua cho Viện Bảo Tàng Luxembourg họa phẩm Yvonne và Christine Lerolle chơi đàn dương cầm (1897). Renoir đã trải qua các mùa hè 1892, 93 và 95 tại thị trấn bờ biển Pont-Aven, một nơi mà các hoạ sĩ như Paul Gauguin thường lai vãng.
Từ năm 1888, Renoir bắt đầu mắc bệnh viêm khớp (rheumatoid arthritis), một căn bệnh làm cho nhà danh họa gặp khó khăn khi sáng tác. Vì vậy, Renoir bị bắt buộc phải sinh sống tại miền nam nước Pháp, tại Cagnes-sur-Mer. Tại nơi đây, nhiều nghệ sĩ danh tiếng đã thăm viếng Renoir như các điêu khắc gia Auguste Rodin và Aristide Maillol, các họa sĩ như Albert André và Walter Pach.
Vào các năm gần đầu thế kỷ 20, các họa phẩm của Pierre August Renoir đã được trưng bày một cách trân trọng tại London, Berlin, Dresden, Budapest, Vienna, Stockholm, và tại Moscow, nhà buôn tranh Sergei Schchukin đã trình bày cho dân chúng nước Nga coi các họa phẩm ấn tượng của Renoir và cũng nhờ vậy, ngày nay Viện Bảo Tàng Pushkin tại thành phố Moscow còn lưu trữ các tác phẩm của nhà danh họa.
Vào năm 1912, Renoir đã phải ngồi trên xe lăn, nhưng nhà danh họa vẫn cố gắng sáng tác với cây cọ được cột chặt vào cánh tay. Theo lời năn nỉ của nhà buôn tranh Ambroise Vollard, Renoir trở qua ngành điêu khắc năm 1913 và nhà điêu khắc trẻ người Ý tên là Richard Guino đã giúp nhà danh họa Renoir trong việc đục tượng, nặn mẫu hình và vẽ phác.
Năm 1915, bà Renoir qua đời. Các năm sau này là thời kỳ nhà danh họa vừa già, vừa tàn tật, vừa đau buồn, nhưng các tác phẩm của Renoir không bao giờ bộc lộ ra sự chán nản, nỗi thất vọng, và hàng trăm sáng tác của ông trong các năm cuối đời vẫn chứa đầy bên trong niềm vui và hạnh phúc, với các màu sắc ấm áp hơn: Renoir ưa thích màu siennas vàng và đậm, màu coral vàng thiên đỏ và các bóng mát mang màu trái dâu đỏ hay màu rêu xanh.
Nhà danh họa Pierre August Renoir qua đời vào ngày 3-12-1919 tại Cagnes, nhưng trước đó, vào tháng 8, nhà danh họa Renoir đã được truy tặng Bắc Đẩu Bội Tinh và đã chứng kiến việc Chính Phủ Pháp mua họa phẩm Bà George Charpentier, sáng tác năm 1877, để treo tại Viện Bảo Tàng Louvre. Mặc dù ông đã sống qua thế kỷ 20, các nhà phê bình nghệ thuật vẫn xếp Renoir vào lớp các họa sĩ thuộc cuối thế kỷ 19, và dù không đóng một vai trò khai triển các đường hướng mới như Gauguin, Cézanne và Seurat, Pierre August Renoir vẫn là một trong các nhà danh họa nổi tiếng nhất trên thế giới và các họa phẩm của ông hiện vẫn được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Louvre, nơi ngự trị của các Bậc Thầy về Hội Họa./.
Phạm Văn Tuấn