Tặng Cù Huy Hà Vũ
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài
Tặng Trần Khánh Giư (Khái Hưng)
Sóng gợn tràng giang, buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lăng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Hồn quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
HUY CẬN
Ảnh chụp năm 21 tuổi khi ra mắt tập thơ Lửa Thiêng – 1940
Ai yêu thơ cũng biết Huy Cận (1) là một nhà thơ lớn trong thi ca Việt Nam cùng thời với nhà thơ Xuân Diệu. Từ khi tập thơ “Lửa Thiêng” của ông ra đời năm 1940 do Đời Nay (Tự Lực Văn Đoàn) xuất bản, nhiều nhà bình thơ đã đánh giá bài “Tràng Giang” trong đó là toàn bích, nôm na là đẹp hoàn toàn. Vâng, đẹp, rất đẹp, cũng như bài “Ngậm Ngùi” (1) vậy. Bốn khổ thơ của “Tràng Giang” là bốn bài thất ngôn tứ tuyệt gần như riêng biệt, có thể ví như một bộ tứ bình quý giá treo trên tường nhà một đại phú gia, Vuông vức, ngay ngắn, mực thước và cân đối như bất cứ bộ tứ nào: Xuân, Hạ, Thu, Đông hay Mai, Lan, Cúc, Trúc. Và ở đây là Sông, Trời, Mây, Nước.
“Tràng Giang” là sông dài. Theo cuốn “Huy Cận – Đời và Thơ” (2) thì khúc sông Hồng ở Chèm, Vẽ (phía bắc Hà Nội) là nguồn gợi hứng cho nhà thơ. Nhưng không nhất thiết phải là sông Hồng mà có thể là bất cứ sông nào, kể cả một con sông trong trí tưởng. Nhà thơ chỉ cần một nguồn thi hứng và dăm ba nét thực tại là đủ. Tố Hữu có đến chiến trường bao giớ đâu mà kịp thời làm được bài thơ “Hoan Hô Chiến Sĩ Điện Biên” khá hay vì dựa vào những địa danh có âm hưởng xa lạ như Pha Đin, Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam (theo lời nhà thơ/văn Trần Đăng Khoa kể lại trong cuốn “Chân dung và Đối thoại”.)
Người đọc có thể hỏi: tại sao lại “Tràng Giang” mà không “Trường Giang”? Tràng khác với Trường như thế nào trong khi nghĩa hai chữ giống nhau là “dài”? Có thể nói: “Trống Trường thành lung lay bóng nguyệt” thay vì “Tràng thành” được không? Có lẽ đây chỉ là vấn đề thói quen sử dụng xưa và nay mà thôi. Xưa ta nói “trống tràng”,”tràng thi”, “tràng thành”. Nay ta nói “trường”. Ta cũng có thành ngữ “tràng giang, đại hải” nghĩa đen là “sông dài, biển rộng”. Nhà thơ có lẽ lấy tứ thơ từ đó. Đọc câu cảm đề “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” thì thấy rõ thi hứng của nhà thơ. Mặt khác, dù muốn, ông cũng không thể dùng “Trường Giang” được vì trùng với tên một con sông dài, dài nhất Trung quốc, phương Tây thường gọi là Dương tử (Yang Tze). Nhưng đó chỉ là tên của khúc sông Trường Giang dài hơn ngàn dặm chẩy từ Vũ Hán ra biển, gần Thượng Hải. (Dương tử chỉ có nghĩa là một ông tên Dương nào đó (3)). Tôi dám chắc trước khi làm bài thơ này, Huy Cận chưa bao giờ viếng sông Trường Giang bên Tầu cả. Cũng như Hồ Dzếnh, chỉ với hai câu lục bát (4):
“Tô châu lớp lớp phù kiều
Trăng đêm Dương tử, mây chiều Giang nam.”
mà tóm gọn được vẻ đẹp của phong cảnh Trung Hoa, nhưng thời ấy có lẽ ông cũng chưa bao giớ đặt chân tới Tô Châu hay Dương tử hay Giang nam, mặc dầu cha ông là người gốc Hoa. Hiểu biết ấy chỉ có thể đến từ sách vở. Trong các tác phẩm của Hồ Dzếnh, chỉ có nói tới “Quê Ngọai” chứ không nói tới quê nội.
Tại sao tôi lại dám nói chắc về Huy Cận như vậy? Đơn giản chỉ là vì “Tràng Giang” của Huy Cận không giống “Trường Giang” bên Tầu một chút nào. Một đằng thì dài, sâu, rộng, hùng vĩ và mênh mông, rất đẹp ban đêm khi trăng lấp ló sau những ngọn núi ở khúc Tam Hiệp (Three Gorges). Mà sóng nước Trường giang thì cuồn cuộn chẩy, có khúc mạnh như nước lũ (“Cổn cổn Trường giang đông thệ thủy”… câu đầu bài Khai và Kết Từ của Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa). Đằng kia thì hiền hòa, khiêm cung, sóng chỉ “gợn”, có củi khô và bèo giạt trôi trên sông và cò cả cồn nhỏ nữa, nghĩa là sông có rộng nhưng không sâu và hiền hòa. Gọi là dài, nhưng không thể có sự so sánh ở đây. Vẻ đẹp của “Trường Giang” là vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của thiên nhiên; vẻ đẹp của Tràng Giang là vẻ đẹp hiền dịu, thơ mộng của phong cảnh đồng quê. Nếu Huy Cận đã đi viếng Trường Giang thì chắc chắn thi hứng và lời thơ sẽ khác hẳn.
Cách sử dụng. lọc lựa chử và đan kết chữ vào từng nhóm chữ rối vào từng câu là cà một kỹ sảo tuyệt năng của nhà thơ để tạo nên vẻ đẹp thiên nhiên hài hòa trong một khung cảnh không lấy gí làm tráng lệ lắm mà làm ngây ngất lòng người. Có thể nói đó là một kỹ thuật gọt dũa tinh vi và khổ công chăng? Trong cuốn “Thơ, v,v…và v.v…”, nhà phê bình lý luận văn học Nguyễn Hưng Quốc có nhắc lại là riêng câu “Củi một cành khô lạc mấy dòng” đả được nhà thơ nắn nót, sửa đi sửa lại nhiều lần. Có lẽ vậy, nhưng không chắc là tất cả các câu khác đều như vậy, vì mạch thơ Huy Cận tuôn chẩy tự nhiên như một dòng suối trong vắt.
Trong khổ đầu, “buồn điệp điệp” là một ý tưởng khai từ vô cùng đẹp nhưng lại mở ra một thi tứ buồn cho toàn bài, diễn đạt cái tâm cành cô đơn, nhớ nhà của nhà thơ trước trời, mây, nước bao la. Câu thứ hai “Con thuyền xuôi mái nước song song”, theo tôi nghĩ, đúng ra nên viết là “xuôi nước mái song song” vì “mái song song” hàm ý không cần chèo [vì xuôi nước] nên gác hai mái lên thuyền nằm song song với nhau. Theo một khía cạnh khác, “mái song song” đối ứng cực hay với buồn đìệp điệp. Có nhà bình thơ mới đây phê rằng “củi trôi trên sông làm sao mà khô được, mà cháy thành lửa được.” Thật là lẩm cẩm. Khô hay ướt thì có sao, miễn là nó vẫn lạc lõng trôi theo mấy dòng. Mà có ai nói đến chuyện vớt củi để đun nấu đâu? Chuyện tào lao, làm mất cả thi hứng. Câu thứ ba: “Thuyền về, nước lại” gợi sự chia ly đôi ngả giữa thuyền và nước nên thi nhân cảm thấy “sầu trăm ngả.” Đó là nỗi sầu triền miên, mông lung, mơ hồ, có tính triết lý, phảng phất trong hầu hết các bài thơ của Huy Cận trong tập “Lửa Thiêng”.
Khổ thơ thứ hai là một bức họa đồng quê. Có những cồn cát nhỏ đìu hiu với lau lách đâu đó trên dòng sông, và đứng trên bến tĩnh lặng, trống trải ta có thề nghe thấy như văng vẳng đâu đây tiếng lao xao vang vọng từ một ngôi chợ quê đang vắng dần khách lúc chiều về. Đó là một ngôi làng gọi là xa nhưng chắc cũng không xa lắm. Hai câu sau chỉ cốt tả cảnh chiều tà. Chiều xuống thì trời phải lên, nhìn kỹ lên trời thì thấy sâu thăm thẵm (chót vót), cái đó không phài là hiện tượng đặc biệt gì. Câu sau cũng nhắc đến “trời cao”, là điều đáng lẽ nên kỵ, không nên lập lại cùng một ý tưởng ở hai câu trước, sau. Khúc sông ở đây nói là rộng nhưng chắc không sâu lắm vì có những cồn cát nổi lên đó đây. Nhìn toàn cảnh thì thấy bức tranh đồng quê chỉ được phác họa với vài nét đơn sơ, gần như trần trụi, không cây cối, không ruộng đồng, nhưng thi điệu vang lên thì tuyệt vời.
“Bèo giạt” khai từ khổ thơ thứ ba. Văn hào Nhất Linh rất thích cụm từ này nên khi viết xong truyện dài “Xóm Cầu Mới” (6) mới đầu ông đã có ý định thay thế nhan sách với “Bèo Giạt” vì cuốn tiểu thuyết, theo lời ông, mô tả “những cuộc đới ‘bèo giạt’ đến tụ hội ở xóm nhỏ cũng như những bèo giạt đến, trong ít lâu, vương bám vào chân cầu, rồi lại trôi đi theo dòng nưởc, không biết về đâu?” Sau này ông giử nguyên nhan sách “Xóm Cầu Mới” nhưng phụ đề “Bèo Giạt” giữa hai ngoặc đơn bên dưới. Âu củng là cái duyên nợ giữa một văn tài và một thi tài đều lớn như nhau đã một thời hợp tác thân thiết. Đọc bút ký “Cây Bàng Lá Đỏ” của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, ta mới thấy tình cảm Huy Cận dành cho Nhất Linh thiết tha và sâu sắc biết bao. Tiễn khách ra xe, ông còn nói, như một tiếng gào của tâm tư; “Tại sao anh ấy lại phải chết?” (7) Về quan điểm chính trị thì như ai cũng đều biết, hai người khác nhau như mặt trăng với mặt trời.
Huy Cận than “không một chuyến đò ngang”. Làm sao mà có đò ngang được khi khúc sông rộng “mênh mông”? Ngược lại, bến thì cô liêu, nước thì mênh mông, không thể có đò ngang. Cũng vì thế mà không thể có chiếc cầu nào để “gợi chút niềm thân mật”. Ở đây, nhà thơ chỉ muốn nhấn mạnh vẻ tiêu sơ, thanh vắng, khiến lòng người cảm thấy nỗi buồn cô đơn, lạnh lẽo chỉ thấy trới, nước. bờ và bãi hoang vu của khúc sông tiếp nối nhau đến vô tận. Có thuyền về nhưng lại đi, không ghé bến. Có những hàng bèo trôi qua, không biết trôi giạt về đâu. Chiều đang xuống mau, trời thì cao vòi vọi. Một nỗi niềm trống trải lớn cho nhà thơ.
Khổ thơ sau cùng mở với hai câu không thể tuyệt bút hơn:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Tài tình nhất là câu thứ ba “Hồn quê dợn dợn vời con nước”, không ai có thể diễn tả hay hơn. Đọc câu này như mưốn nối da gà, thoáng nhớ đến mấy câu trong “Tình Quê” của Hàn Mặc Tử: “Trước sân anh thơ thẩn / Đăm đăm trông nhạn về / Mây trời còn phiêu bạt / Lang thang trên đồi quê.” Một số nhà bình thơ đã ám chỉ Huy Cận dùng ý “Yên ba giang thượng” (khói sóng trên sông) trong bài “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu để diễn dịch ra “khói hoàng hôn”. Chiều cũng đã xuống rối: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị” mà nhà mình ở đâu? Để đưa tới “cũng nhớ nhà.” Riêng tôi không nghĩ vậy. Không nhất thiết là sông, hồ nào chiều đến cũng có một làn sương khói mòng là là bên trên. Hiện tượng đó tùy thuộc thời tiết và con nước. “Yên ba” cũng có lẽ là một khuôn sáo đưa đẩy câu thơ như trong một số bài thơ khác (8). Gia dĩ khói hoàng hôn ở đây cũng có thể là khói nhà bếp nấu cơm chiều tỏa ra trên mái rạ. Khói hay không khói thì cành hoang vu khi chiều xuống cũng khiến người ta nhớ nhà mà tìm đường đi về nhà. Đơn giản là để ăn cơm tối. Trường hợp Huy Cận, chắc nhà cũng không xa lắm vì ông thơ thẩn ở một khúc sông Hồng gần Hà Nội. Còn nhà thơ giang hố Thôi Hiệu, quê Hà Nam (Henan) mà lặn lội xuống tận Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc (Hubei) để thăm lầu Hoàng Hạc bên sông Trường Giang, thì sơn khê cách trở hàng mấy trăm dặm đường, ông ngơ ngác hỏi nhà ta ở đâu khi trời tối là hợp tình hợp cảnh (9).
Đặc biệt, Huy Cận là nhà thơ có một nỗi buồn tôi tạm gọi là hiện sinh hay tại-thế (existential), nó bàng bạc trong hầu hết các tác phẩm Lửa Thiêng của ông. Tôi nói “hiện sinh” là bởi vì nỗi buồn đó hầu như là một phần bất khả phân của cuộc đời ông, và về mặt nghệ thuật, nó chính là đời ông khi đó:
Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu
(“Ê Chề”)
Trong cuốn “Thi Nhân Việt Nam”, Hoài Thanh — nhà phê bình thơ có tiếng thời tiền chiến — có nhận xét chung về Huy Cận: “Cái buồn ‘Lửa Thiêng’ là cái buồn tỏa ra từ đáy hồn một người cơ hồ không biết đến ngoại cảnh.” Lời bình này, theo tôi, không thể áp dụng cho trường hợp “Tràng Giang.” Ông cũng nói: “Huy Cận đã tìm về những cảnh xưa, nơi bao người đã sa vào khuôn sáo.” Có thể đúng và không đúng với “Tràng Giang.” Có đôi chút khuôn sáo nhưng không nhiều. Ngoại cảnh ở đây là hiện đại, sờ sờ ngay trước mắt ở tại Hà Nội chứ không phải cảnh xưa trong các điển cố lịch sử.
Gần đây, nhà thơ Trần Mạnh Hảo trong bài viết “Phải hiểu thấu đáo bài Trường Giang”, củng gay gắt phê phàn GS Tiến sĩ Trần Đình Sử vì đã diễn dịch sai ý nghĩa gắn bó của thuyền/nước và nắng xuống/trời lên, và ông Sử cho rằng “sông dài, trời rộng, bến cô liêu” không ăn nhập gì với nhau cả: Cảnh vật thì vô tình vì “thiếu tình ngườì”,v.v…Trần Mạnh Hảo kết luận rằng vì không hiểu thấu nghĩa đen củng như liên hệ biện chứng của các đoạn và câu nên ông Sử đã giải thích nỗi buồn sinh ra từ sự mất tình người, sự mất liên lạc của thế giới và như vậy, đã giết chết luôn hồn thơ Huy Cận.
Nói sao thì sao, mặc ai “bình” hay “phê” thế nào, “Tràng Giang” vẫn là một bài thơ hoàn chỉnh, toàn bích, một bộ tứ bình sang cả và quý giá trong ngôi nhà thi ca Việt Nam, bây giờ cũng như bao giờ.
Chu Việt
(1) Con trai ông, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, một trí thức có viễn kiến và đảm lược vứa bị nhà cầm quyến CS bắt và quy tội âm mưu lật đổ chính quyền (Xem bài “Cù Huy Hà Vũ, Ông Lá Ai?” của tác giả trên mạng talawas.blog.)
(2) NXB Văn Học, Hà Nội 1999. Trong phần Tuyển Thơ do tác giả tự chọn, Huy Cận đã đặt “Tràng Giang” lên trang đầu, hàm ý ông tâm đắc nhất với bài này, tiếp ngay sau là bài Buồn Đêm Mưa và Ngậm Ngùi, những bài trong tập “Lửa Thiêng”. Điều này cũng chứng tỏ, trong tâm tư, ông không phải là một đệ tử cộng sản thuần thành.
(3) Được Phạm Duy phổ nhạc thành một ca khúc tuyệt vời thịnh hánh ở miền Nam trước 1975. Tôi cho đây là bài thơ phổ nhạc hay nhất của Phạm Duy. Về lời thơ, chính Huy Cận đã nói: “Bài này mới lắm nghe” (trích “Cây Bàng Lá Đỏ)
(4) Theo lời giải thích của người hướng dẫn du lịch (river guide) — một giáo sư sử học — trên du thuyền Victoria II đã đưa tôi ngược dòng Trường Giang từ Vũ Hán đến Trùng Khánh (có ghé thăm đập Tam Hiệp đang xây dựng) trong 5 ngày 5 đêm, năm 2001.
(5) Trích trong bài “Đợi Thơ” của Hồ Dzếnh.
(6) Cùng với “Giòng Sông Thanh Thủy”, “Xóm Cầu Mới” (Bèo Giạt) NXB Văn Mới 2002, là cuốn tiểu thuyết sau cùng của Nhất Linh, sáng tác tại Hong Kong năm 1949.
(7) Trích “Cây Bàng Lá Đỏ”, bút ký của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai út của Nhất Linh.
(8) Trong bài “Ngán Đời” của Cao Bá Quát, có câu:
Thế sự thăng trầm quân mạc vấn,
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu
(9) Theo “Đường Thi Tuyển Dịch” (Tập 1) của Lê
Nguyên Lưu, NXB Thuận Hóa, 1997.