Theo dòng thời sự tuần trước, thứ Năm 03.02.2011, khi viết về cuộc nổi dậy tại Ai Cập, chúng tôi đã chọn đầu đề CHÍNH TRỊ TÌM CÁCH PHÂN HÓA CUỘC CÁCH MẠNG DẠ DẦY.
Thực vậy, cách đây 3 năm, khi Phong trào Dân Oan đứng lên rầm rộ ở Việt Nam, thì Phong trào Dân Chủ đứng xa xa lại rêu rao rằng Dân Oan can đãm đứng lên vì ý thức Dân Chủ. Dân Oan vì mất nhà đất mà đứng lên, chứ không phải vì ngưỡng vọng Dân Chủ trừu tượng. Tôi đã phải viết cảnh cáo rằng những nhà Dân Chủ đừng mượn đầu heo nấu cháo. Dân Oan vì mất nhà đất đứng lên đòi Công Lý, thì CSVN không thể bắt tội được. Còn nếu nói là đấu tranh đòi Dân chủ, thì CSVN có thể nại ra Diều 88 mà bắt tội. Giới chính trị thường dùng những phạm trù trừu tượng để mượn đầu heo nấu cháo mà húp để chiếm công lao hy sinh.
Cuộc nổi dậy của quần chúng Tunisie và Ai Cập có những động lực cụ thể và rõ rệt. Họ biết những gì đòi hỏi. Nhưng giới Báo chí và giới tính toán Chính trị quốc tế đã phủ lên đầu họ những yếu tố khác để làm “chệch hướng“ cuộc nổi dậy.
Động lực chính yếu nổi dậy của quần chúng Tunisie và Ai Cập
Người ta gọi cuộc nổi dậy của quần chúng Tunisie là «Cách Mạng Hoa Lài« có vẻ văn vẻ thơ mộng. Khi viết về cuộc Cách Mạng quần chúng này, tôi không dùng những từ thơ mộng ấy, mà gọi là cuộc « Cách Mạng Dạ Dầy « vì nhìn thấy cái động lực chính yếu là DẠ DẦY. Tuy không trí thức và thơ mộng, nhưng đó là thực tế. Thực vậy, hai động lực chính yếu sau đây đã đẩy quần chúng nổi dậy
-
DẠ DẦY đói cho cá nhân: mỗi ngày chì có 2 đo-la và không biết tương lai con cái ra sao. Tôi xin nhấn mạnh đây là DẠ DẦY của mỗi cá nhân lo cho thân xác mình sống. Không có DẠ DẦY xã hội.
-
Nhưng cuộc nổi dậy mang tính cách xã hội do tâm lý đồng cảm HẬN THÙ đối với những kẻ đã dùng quyền lực bóc lột sức lực người dân và tài sản chung cho túi riêng. Việc cướp bóc của kẻ cầm quyền để mỗi cá nhân bị đói tạo nên lòng HẬN THÙ xã hội.
Nếu tất cả mọi người cùng đói như nhau, thì mọi người cùng chung lưng làm ăn, không có hận thù nhau. Nhưng nếu đa số đói mà chỉ có một số người giầu nứt khố do biển thủ những cố gắng của quần chúng, thì quần chúng trở thành HẬN THÙ kẻ bóc lột. Từ DẠ DẦY đói cá nhân và từ HẬN THÙ chung xã hội đối với thiểu số cầm quyền bóc lột, quần chúng ắt phải nổi dậy.
Để giải quyết việc nổi dậy của quần chúng như vậy, phải thỏa mãn CỤ THỂ đúng hai động lực nổi dậy, tức là làm cho DẠ DẦY mỗi cá nhân khỏi đói và phải tiễu trừ những kẻ đã bóc lột tạo nên HẬN THÙ xã hội.
Những giải quyết trừu tượng xa với động lực nổi dậy của quần chúng
Hai động lực chính DẠ DẦY cá nhân và HẬN THÙ xã hội trên đây hầu như đã bị giới Báo chí và giới Chính trị quốc tế quên đi. Thực vậy :
Báo chí không gọi đây là cuộc Cách Mạng vì đói ăn nữa, mà chỉ nói rằng dân chúng nổi dậy đòi TỰ DO, DÂN CHỦ, chống ĐỘC TÀI. Người ta hô hào những Chính quyền hãy cải cách để cho có TỰ DO, DÂN CHỦ và ngăn chặn ĐỘC TÀI. Quần chúng quan tâm đến DẠ DẦY đói cụ thể. Báo chí trí thức thì phủ lên đầu họ những chữ trừu tượng Tự do, Dân chủ, Độc tài. Có lẽ chính Báo chí cũng chưa nhìn rõ tương quan nhân quả (relation cause à effet) giữa Tự do, Dân chủ và Bụng đói. Báo chí trí thức chưa nhìn rõ, thì làm thế nào quần chúng nhìn thấy ngay mà ngưng biểu tình đòi hỏi cho DẠ DÀY đói của họ. Khi bụng đói thì khó lòng thấy mình có tự do bởi lẽ cái DẠ DÀY trói buộc việc thực hiện tự do.
Giới Chính trị quốc tế thì lại tính toán quyền lợi cho nước mình. Họ tìm giải quyết những vấn đề khác với những động lực chính làm quần chúng Ai Cập nổi dậy. Thậm chí những vấn đề này còn phải bắt dân Ai Cập phải hy sinh cực khổ nữa. Thực vậy, Hoa kỳ và Liên Âu quên đi động lực chính nổi dậy của quần chúng Ai Cập, mà chỉ quan tâm chính yếu đến những việc bảo vệ cho chính mình như sau :
-
Lo sợ những thay đổi thất lợi chuyên chở qua Kênh Suez
-
Lo sợ thay đổi chính sách của Ai Cập đối với Do Thái mà mình bảo vệ
-
Lo sợ một Chính quyền theo Hồi giáo kiểu Iran tại Ai Cập
Chính vì những lo sợ này mà Hoa kỳ và Liên Âu không tích cực đi vào những giải quyết căn bản cho cuộc Cách Mạng Dạ Dầy của quần chúng Ai Cập. Thậm chí Liên Âu và Hoa kỳ có thể vẫn duy trì những chế độ độc tài để giữ «Trật Tự« , nghĩa là kềm kẹp dân chúng, nhất là Hồi Giáo, không chống lại mình.
Chủ trương ích kỷ này của Liên Âu và Hoa kỳ tất nhiên không giải quyết động lực chính yếu và chính đáng của quần chúng nổi dậy là DẠ DẦY và HẬN THÙ đối với kẻ bóc lột. Khi động lực chính yếu hiện nay của dân chúng không được giải quyết cụ thể, mà chỉ dùng những mỹ từ trừu tượng để bao che chủ trương ích kỷ của mình, thì cái « Trật Tự « chỉ là tạm thời. Những động lực chính nổi dậy còn đó thì việc nổi dậy vẫn tiếp tục.
Đây là bài học để chúng ta nghĩ đến Việt Nam. Khi dân chúng Việt Nam nổi dậy tiễu trừ cơ chế CSVN hiện hành, thì có thể giớiChính trị quốc tế có thể nhân danh « Trật Tự « đối với Trung quốc để hy sinh những nguyện vọng chính yếu và chính đáng của quần chúng Việt Nam.
Giáo sư Tiến sĩ NGUYỄN PHÚC LIÊN, Kinh tế
Geneva, 10.02.2011
One Comment
Chấn Minh
Đồng ý với người viết về nhận xét đa dày và hận thù xã hội (mất nhà, mất đất, bị ép uổng, bị nhân viên nhà nước hay cướp cạn trấn lột, bị cướp cơ hội làm ăn kiếm sống, phải hối lộ từ dưới lên trên, vv…và vv…còn có thể gọi là những vi phạm phẩm giá con người và các và nhân quyền cơ bản) chính là những động cơ đưa đến các vận đông xã hội như biểu tình, khiếu kiện tâp thể.
Và, như người viết đã nhận xét, nhà nước cọng sãn, trong chừng mực nào đó, có khả năng hoá giải các vận động xã hội phát xuất từ các yêu cầu liên quan đến dạ dày và hận thù xã hội. Tuy nhiên, một khi các yêu cầu trên đã đuợc giải quyết, thì đâu còn động lực nào nửa để tiếp tục tranh đấu cho đến mục tiêu cuối cùng, là ném nhà nuớc toàn trị cọng sãn vào xọt rát của lịch sữ?
Và vì vậy, nếu bài toán là giải thể chế độ toàn trị cọng sãn, thì bước phải tiến tới là làm sao nâng cấp các vận động đòi nhà nuớc giải quyết các “mâu thuẩn nhỏ” – dạ dày và hận thù xã hội – trở thành những đòi hỏi về các “mâu thuẫn lớn”, tức là các đòi hỏi về độc lập, tự do,hạnh phúc, và nhân quyền”. Lý do giản dị là, nhà nước toàn trị cọng sãn có thể giải quyết đuợc những “mâu thuẫn nhỏ”, chứ không thể giải quyết được các “mâu thuẩn lớn” mà không bị lung lay. Các nhà “dân chủ đứng xa xa” có thể đã “ăn trước kiểng” nhưng không nhất thiết là đã sai trái.