Nhân đọc trên Net bài phỏng vấn Luật Sư Trần Thanh Hiệp, “HÃY TRẢ LẠI HIẾN PHÁP 1946 CHO GIÁ TRị CỦA NÓ” do đài RFA thực hiện và bài “VẬN ĐỘNG MộT HIẾN PHÁP CHO VIỆT NAM” của Gs Nguyễn Quang Duy (Úc), là những bài góp ý với Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Duy Nghĩa, Giáo Sư Đại Học Quốc Gia Hà Nội, được đăng trên báo Tuổi Trẻ online, người viết cũng xin được góp thêm một vài ý kiến để nhiều người cùng suy nghĩ thêm cho tương lai tốt đẹp hơn của đất nước.
Giáo sư Phạm Duy Nghĩa của Đại Học Quốc Gia Hà Nội trên báo Tuổi Trẻ Online (www.tuoitre.com.vn) ngày thứ sáu 02.09.2005 đã tuyên bố như sau:
“Hiến Pháp năm 1946 vẫn còn giữ nguyên giá trị cho một xã hội dân chủ pháp quyền ở Việt Nam”.
Về giá trị pháp lý và giá trị chính trị, là một văn bản bất hợp pháp vì không được ban hành một cách hợp pháp và là một văn bản có giá trị chính trị, dân chủ “bánh vẽ”, LS Trần Thanh Hiệp đã phân tích và chứng minh chí lý với những kinh nghiệm về luật học thâm niêm của một luật gia (trg. 2-3), thiết tưởng không cần lập lại.
Cũng vậy, các giai đoạn tiến trình lịch sử soạn thảo, ra mắt, sửa đổi, áp dụng tùy hỷ Hiến Pháp 1946, thậm chí từ đó biến thể thành các Hiến Pháp 1959, 1980,1992 CSVN với “cái đuôi chuyên chính” (trg 4), đã được GS Nguyễn Quang Duy thu thập tài liệu và trình bày một cách mạch lạc (trg. 2-7) trong bài viết dài 13 trang của ông.
Và rồi GS Nguyễn Quang Duy còn cho thấy dụng ý nguy hại độc tài của của Hồ Chí Minh qua các điều khoản:
Điều 49: “Quyền hạn của Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà:
a) Thay mặt cho nhà Nước.
b) Giữ quyền chỉ huy quân đội toàn quốc, chỉ dịnh các chức tướng soái trong lục quân, hải quân, không quân.
c) Ký sắc lệnh bổ nhiệm thủ tướng, nhân viên Nội các và nhân viên cao cấp thuộc các cơ quan chính phủ…
Và điều 50: “Chủ tịch nhà nước không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc”.
Điều nầy quả đúng “đặt chủ tịch lên trên cả hiến pháp hay luật pháp quốc gia…” (lời của GS Nguyễn Quang Duy).
GS Nguyễn Quang Duy còn cho biết những sai lạc hoặc thiếu sót nguy hại khác, khiến cho “Hiến Pháp 1946 vẫn giữ nguyên giá trị của nó”, dĩ nhiên là giá trị của Hiến Pháp 1946, trong hoàn cảnh đất nước còn bị đô hộ và nội chiến, do Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Duy Nghĩa Đại Học Hà Nội đề nghị. Hiến Pháp như vậy không thể là Hiến Pháp có giá trị thiết định Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ, Tự Do của một Quốc Gia văn minh hiện đại trong Cộng Đồng Quốc Gia Nhân Bản và Dân Chủ trên thế giới.
Điều đó cho thấy càng không thể chấp nhận những bản sao biến thể của nó, có dịp cho Hiến Pháp 1959, 1980, 1992 CSVN đặt “Đảng và Chủ Tịch Đảng trên cả hiến pháp và luật pháp quốc gia “, như GS Nguyễn Quang Duy nói.
Như vậy, giả sử CSVN có chịu bỏ đi điều 4 Hiến Pháp 1992 hiện hành (và cả điều 6, dân chủ tập trung nữa) đi nữa, vẫn chưa phải là những gì chúng ta mơ ước cho đất nước.
Người viết những dòng dưới đây không có ý lập lại những gì LS Trần Thanh Hiệp đã phê bình và GS Nguyễn Quang Duy đã trình bài trong bài viết của ông, mà ghi lại những nét đặc thù của một vài Hiến Pháp Tây Âu, trong đó con người được đối xử xứng đáng với nhân phẩm của mình, khuôn mẫu cho xã hội tương lai, sau những gì đang tha hóa và đê tiện hoá con người như nô lệ và súc vật, dưới Hiến Pháp hiện hành của XHCNVN.
1- Trong Hiến Pháp 1946 không có con người.
Có lẽ chúng ta nói quen miệng “Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân Cách Mạng Pháp Quốc 1789 “, hay “Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của LHQ”, nhưng không mấy khi chúng ta suy nghĩ tại người Pháp làm Cách Mạng lật đổ chế độ Quân Chủ để lập nên nền Cộng Hoà Dân Chủ, không chỉ đề cập đến “Quyền Công Dân”, chống lại “Bổn Phận Thần Dân” phải phục vụ đối với vua, mà lại còn lo đề cập đến “Nhân Quyền” hay quyền con người, có tính cách phổ quát, có giá trị cho và đối với bất cứ ai, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, đều phải được tôn trọng và bắt buộc phải tôn trọng?
Cũng vậy, tại sao LHQ không đề cập đến “Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Quyền Công Dân”, mà lại tuyên bố “Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền”?
Trong bài viết “CON NGƯỜI HAY NGƯỜI CÔNG DÂN” chúng tôi đã có dịp bàn luận với nhiều chi tiết hơn.
Ở đây chúng tôi chỉ muốn lập lại là khi đề cập đến “Con Người” là chúng ta nói đến bất cứ ai có bản tính nhân loại của họ xác định họ là người, không phân biệt chủng tộc, phái giống, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, điều kiện cá nhân hay xã hội, đều có phẩm giá và các quyền căn bản bất khả xâm phạm phải được tôn trọng, đối với bất cứ ai, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.
Trái lại, khi chúng ta đề cập đến người “Công Dân” là chúng ta đề cập đến người dân tùy thuộc vào một thể chế và cơ chế tổ chức Quốc Gia cá biệt, quyền và bổn phận của họ tùy thuộc vào định chế của Quốc Gia liên hệ thiết định cho mới có, theo định nghĩa Quốc Gia trong chính trị học: “là một cộng đồng dân tộc, cùng sống trên một lãnh thổ, được tổ chức theo một định chế.
Hiểu “người công dân” theo ý nghĩa chúng ta vừa kể, quyền và bổn phận của họ tùy thuộc vào tổ chức quốc gia thiết định cho, chúng ta sẽ hiểu rằng, địa vị, quyền và bổn phận của “người công dân” phải do tổ chức Quốc Gia của họ thiết định cho mới có.
Như vậy, nếu Quốc Gia có quyền thiết định địa vị, quyền và nhiệm vụ của “người công dân”, thì Quốc Gia cũng có quyền không thiết định hay thiết định ít hay nhiều tùy hỷ.
Còn nữa, nếu một người nào đó không phải là “người công dân” của Quốc Gia, người ngoại quốc hay người không chấp nhận định chế và cơ chế Quốc Gia đang bàn, thành phần ly khai chẳng hạn, sẽ là người không có được một địa vị, quyền và bổn phận nào đối với Quốc Gia.
Quốc Gia có thể coi họ bằng không, họ có thể bị tiêu diệt.
Hiểu như vậy, chúng ta hiểu được tại sao Cách Mạng Pháp 1789 nêu lên bản “Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân” cũng như tổ chức LHQ tuyên bố trước thế giới “Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền” để nói lên tính cách phổ quát điạ vị và quyền hạn của con người phải được tôn trọng, không chỉ hạn hẹp trong khuôn viên và tùy thuộc vào tổ chức Quốc Gia.
Với những ý nghĩa vừa kể, con người đã là con người với nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của mình có trước Quốc Gia, trước khi Quốc Gia được nhiều con người cùng đồng thuận nhau đứng ra thiết lập nên.
Đó là ý nghĩa của điều 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc:
“Quốc Gia nhận biết (riconosce) và bảo đảm (garantisce) các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần xã hội, nơi mỗi cá nhân phát triển hoàn hảo con người của mình” (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Động từ “nhận biết” (hay “nhận ra”, riconoscere), là động từ kép, gồm “ri“: một lần nữa; “conoscere“: biết.
Như vậy, riconoscere là biết lại thêm một lần nữa, những gì đã có trước mình: nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của con người là những gì đã hiện hữu nơi con người, trước khi Quốc Gia được thành lập.
Một khi Quốc Gia mở mắt chào đời, nhìn thấy, nhận ra con người với nhân phẩm và quyền hạn của mỗi người có trước mình, như là những giá trị cao cả của các chủ nhân đứng ra tạo dựng nên mình (dân chủ), và do đó tổ chức Quốc Gia có bổn phận “nhận biết” và “bảo đảm”.
Điều vừa kể cho thấy tại sao Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức tuyên bố nhân phẩm con người ngay ở điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp:
“Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm” (Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp Cộng Hoà Liên Bang Đức). Và tiếp tục tuyên bố và quy trách cho cơ chế Quốc Gia phải thực thi và bảo vệ liên tiếp trong 19 điều khoản kế tiếp, trước khi định nghĩa thể chế và phương thức tổ chức cơ chế Quốc Gia như là môi trường và phương tiện thích hợp để bảo đảm và thực thi những gì mình tuyên bố về con người:
“Các quyền căn bản được kể sau đây có giá trị bắt buộc đối với lập pháp, hành pháp và tư pháp, là những quyền bắt buộc trực tiếp” (Điều 1, đoạn 3, id.).
Như vậy, trong tổ chức Quốc Gia, mỗi cá nhân, trước khi là “người công dân” của Quốc Gia đang bàn (Ý Quốc, chẳng hạn), cá nhân đó đã là con người với nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của mình, mà Quốc Gia có nhiệm vụ “nhận biết” và “bảo đảm”.
Hiểu như vậy, chúng ta hiểu được tại sao khi đề cập đến các quyền tự do cá nhân, trong các Hiến Pháp văn minh Tây Âu, người ta đề cập đến phẩm giá và các quyền bất khả xâm phạm của con người. Kế đến Hiến Pháp mới đề cập đến các quyền công dân gồm một số tự do chính trị (droits politiques) và tự do kinh tế (droits économiques).
các quyền của con người (công dân hay không công dân cũng vậy):
* “Quốc Gia nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người…” (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc)
* “Tự do cá nhân là quyền bất khả xâm phạm…” (Điều 13, id.)
* “Mọi người đều có quyền tự do tuyên xưng đức tin của mình dưới bất cứ hình thức nào, cá nhân hay tập thể, tự do truyền bá và tự do cử hành phụng tự nơi riêng tư cũng như công cộng, miễn là không trái với thuần phong mỹ tục” (Điều 19, id.).
* “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu tư tưởng của mình bằng lời nói, bằng chữ viết và mọi phương tiện truyền thông khác…” (Điều 21, đoạn 1 id.).
* “Mọi người đều có quyền khởi tố trước công lý để bảo vệ quyền và lợi thú chính đáng của mình” (Điều 24, đoạn 1, id.)…
và các quyền “người công dân” (hay tự do chính trị và tự do kinh tế)
* “Mọi công dân có quyền tự do gia nhập chính đảng, để cùng nhau cộng tác theo phương thức dân chủ định đoạt đường lối chính trị quốc gia ” (Điều 49, id.)
* “Mọi công dân thuộc phái nầy hay phái kia đều có quyền được thu nhận vào các chức vụ công và các chức vụ được tuyển chọn, với các điều kiện đồng đều như nhau, tùy theo các tiêu chuẩn luật định” (Điều 51, đoạn 1, id.)…
* “Mọi công dân, nam cũng như nữ, đến tuổi trưởng thành đều là những cử tri…” (Điều 48, đoạn 1, id.)
Sau khi tìm hiểu sự khác biệt giữa quan niệm “con người” và “người công dân” như vừa kể, chúng ta thử đọc một số điều khoản Hiến Pháp 1946 được chính GS Nguyễn Quang Duy trích dẫn trong bài viết trên của ông (trg. 4):
“Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và được tùy theo tài năng và đức hạnh của mình” (Điều 7, Hiến Pháp 1946),
“Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận – Tự do xuất bản – Tự do tổ chức và hội họp – Tự do tín ngưỡng – Tự do cư trú – đi lại trong nước và ngoài nước” (Điều 10, id.).
“Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái luật pháp” (Điều 11, id.)
Đọc những điều vừa kể của Hiến Pháp 1946, chúng ta có thể đặt dấu hỏi:
“Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật…” (Điều 7, Hiến Pháp 1946), nếu người đương cuộc không phải là người công dân thì sao?
Sẽ bị thiệt thòi, thấp kém, ngược đãi chăng? Người ngoại quốc đến Việt Nam, lở có xung đột với “người công dân” Việt Nam, chắc chắn sẽ phải bị thua thiệt và xét xử oan ức chăng?
Tư tưởng vừa kể trái với điều 21, đoạn 1, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, được trích dẫn ở trên,
“Mọi người đều có quyền khởi xướng hành động tư pháp để bảo vệ quyền và lợi thú chính đáng của mình”, không cứ gì phải là “công dân Việt Nam”.
“Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận…tự do tín ngưỡng, tự do cư trú…” (Điều 10, id.).
Như vậy ai không phải là “công dân” Việt Nam sẽ phải là những người câm, hoặc bị bịt miệng, không được cho phép thờ phương Trời Đất, Thần Thánh, Tiên Phật và bị còng tay chân không được di chuyển và cũng không có quyền được ở trong nhà chăng?
Những gì vừa nói, trái với tinh thần điều 19, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, bảo đảm cho
“Mọi người đều có quyền tự do tuyên xưng đức tin… tự do truyền bá và cử hành phụng tự…”.
“Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái luât pháp” (Điều 11, id.), còn nhà cửa và thư tín của con người không phải là công dân Việt Nam ai muốn xông vào cũng được, và thư tín ai muốn bốc ra coi cũng được sao?
Tự do gia cư vừa kể trái với điều 14, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, bảo đảm
“Tự do gia cư bất khả xâm phạm” cho tất cả mọi người, không nhứt thiết gì phải là “người công dân Việt Nam”.
Qua những ví dụ vừa kể và những trích dẫn ở trên của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, chúng ta thấy rằng các Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ Tây Âu “nhận biết và bảo đảm” hầu hết các quyền dân sự cho tất cả mọi người, người công dân hay không công dân cũng vậy, để bảo đảm nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của tất cả, với những lời tuyên bố
“Mọi người đều có quyền…”
Trong khi đó các Hiến Pháp chỉ dành lại các quyền tự do chính trị (thành lập và tham gia chính đảng, quyền bầu cử và ứng cử, quyền được tham dự vào các cơ chế quốc gia, hướng dẫn, kiểm soát và quản trị đường lối lãnh đạo quốc gia…) và các quyền tự do kinh tế, với các lời phát biểu được khởi đầu bằng
“Mọi công dân có quyền…”
Hiểu như vậy, chúng ta hiểu được thấm thía ý nghĩa của tựa đề bài viết LS Trần Thanh Hiệp, “Hãy trả lại Hiến pháp 1946 cho giá trị đích thực của nó”.
Giá trị đích thực của Hiến pháp 1946 chỉ đến đó.
Chúng ta không thể mơ ước một Quốc Gia Việt Nam văn minh tôn trọng nhân bản và dân chủ trong tương lai sẽ được tổ chức, dựa trên định chế của Hiến Pháp không có con người như vừa kể.
Và càng không thể có ảo vọng một Quốc Gia được định chế bằng các Hiến Pháp biến thể từ Hiến Pháp 1946, các Hiến Pháp 1959, 1980, 1992 CSVN, dù có bỏ điều 4, điều 6 hay điều gì khác cũng vậy.
Tất cả các Hiến Pháp CSVN, kể cả Hiến Pháp 1977 Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết là những Hiến Pháp trong đó không có con người hay trong đó con người bị xem như thú vật.
Hay nói như linh mục tiến sĩ dòng tên, cha Hortz S.J.:
“Trong ý thức hệ Cộng Sản không có con người” (Hortz S.J., La Nuova Costituzione Sovietica, in Civiltà Cattolica, 1978, 40).
Một Quốc Gia với Hiến Pháp như vậy, không thể nào là một Quốc Gia văn minh, sống trong thân hữu và hoà bình trong cộng đồng quốc tế với những quốc gia khác.
Điều kiện tiên quyết đó đã được Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức long trọng tuyên bố và khẳng định ở điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp, như một điều luật bắt buộc đối với bất cứ quốc gia nào muốn sống hoà bình và thân hữu với dân tộc Đức và với các cộng đồng văn minh của nhân loại.
“Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm. Bổn phận của mọi quyền lực quốc gia là kính trọng và bảo vệ nhân phẩm đó.
Như vậy dân tộc Đức nhận biết các quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng của con người như là nền tảng của mọi cộng đồng nhân loại, của hoà bình và công chính trên thế giới” (Điều 1, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
2 – Hiến Pháp 1946 thiếu tính cách bảo chứng.
Hiến Pháp là văn bản nền tảng thiết định thể chế tổ chức Quốc Gia. Bởi đó chúng ta hiểu được tại sao người Đức không gọi Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức hiện hành của họ là Hiến Pháp (Konstitution), mà lại gọi bằng bản văn Luật Lệ Nền Tảng (Grundgesetz).
Văn Bản Nền Tảng đó, ngoài ra thiết định thể chế tổ chức Quốc Gia, còn phải mang một đặc tính khác không thể thiếu, đó là tính cách bảo chứng, bảo đảm các quyền tự do bất khả xâm phạm của con người sống dưới cơ chế Quốc Gia.
Đó là những gì GS Giovanni Sartori, một Giáo sư chính trị học lỗi lạc của Ý đã nêu lên:
“Hiến Pháp được người dân Tây Âu luôn luôn hiểu đồng nghĩa là một văn bản bảo chứng (Garantismo).
Ở Tây Âu, người dân đòi buộc phải có Hiến Pháp, nếu muốn thiết lập Quốc Gia. Hiến Pháp đối với họ là một văn bản nền tảng, hay một loạt các nguyên tắc cơ bản thể hiện một thể chế tổ chức Quốc Gia, nhằm giới hạn mọi cách xử dụng quyền hành tự tung tự tác tùy hỷ và bảo đảm một Chính Quyền có giới hạn” (Giovanni Sartori, Elementi di teoria politica, III ed., Il Mulino, Bologna 1995, 18).
Dựa trên đặc tính bảo chứng mà Giáo Sư Sartori nêu lên, chúng ta thử đọc lại các điều khoản mà chúng ta có được do Giáo Sư Nguyễn Quang Duy trích dẫn trong bài viết và than phiền Hiến Pháp 1946 là một Hiến Pháp thiếu sót đưa đến độc tài hay “đặt Đảng và Chủ Tịch Đảng trên cả Hiến Pháp và Luật Pháp Quốc Gia ” (trg.6).
“Tất cả mọi công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều 6, Hiến Pháp 1946)
“Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận – Tự do xuất bản – Tự do tổ chức và hội họp – Tự do tín ngưỡng – Tự do cư trú, đi lại trong nước và ngoài nước” (Điều 10, id.)…
Đọc thì nghe thật êm tai, nhưng nếu “công dân” không ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá…, không được “Tự do ngôn luận – Tự do xuất bản – Tự do tổ chức và hội họp – Tự do tín ngưỡng…”, ai chịu trách nhiệm?
Ai làm gì được ai, nếu Hiến Pháp không quy trách ai là chủ thể đừng ra chịu trách nhiệm trước Hiến Pháp tiên khởi và trước luật pháp sau nầy?
Đó là những gì Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức đã đứng ra tiền liệu ngay ở điều khoản đầu tiên, ngay cả trước khi kể ra những quyền, mà mình sẽ quy trách cho ai chịu trách nhiệm:
“Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm. Bổn phận của mọi quyền lực quốc gia là kính trọng và bảo vệ nhân phẩm đó.
“Các quyền sẽ được kể sau đây là những quyền bắt buộc đối với lập pháp, hành pháp và tư pháp, như là quyền có giá trị bắt buộc trực tiếp” (Điều 1, đoạn 1 và 3 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
“…như là quyền có giá trị bắt buộc trực tiếp”, điều đó có nghĩa là nếu con người (bất cứ ai, công dân hay không công dân Đức cũng vậy) bị vi phạm nhân phẩm và các quyền con người của mình, đều có thể đứng ra đòi buộc tổ chức Quốc Gia, bị bắt buộc trước Hiến Pháp và luật pháp, phải đền bù và tạo điều kiện thuận lợi để con người được hưởng những gì Hiến Pháp đứng ra bảo vệ:
“Ai bị cơ quan công quyền làm tổn thương đến các quyền của mình, đều có thể đứng ra tố cáo với cơ quan tư pháp. Bởi vì không có thẩm quyền nào khác hơn là thẩm quyền tư pháp thường nhiệm” (Điều 19, đoạn 4 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Những gì chúng tôi vừa trích dẫn của Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức cho thấy trong cơ chế Quốc Gia, giới hành xử quyền lực không thể muốn làm gì thì làm, làm hay không làm cũng được.
Cơ chế Quốc Gia bị Hiến Pháp quy trách bắt buộc phải “kính trọng và bảo vệ” các quyền bất khả xâm phạm của con người, đứng ra chịu trách nhiệm trực tiếp và là chủ thể bị quy trách có thể bị con người tố cáo trước pháp luật, trước Quốc Hội và trước Viện Bảo Hiến.
Người dân trong thể chế Nhân Bản và Dân Chủ của Cộng Hoà Liên Bang Đức phải được hưởng mọi quyền hạn của mình, và tổ chức Quốc Gia phải đứng ra chịu trách nhiệm, nếu nhân phẩm và quyền tự do của người dân bị tổn thương.
Kinh nghiệm qúy giá của Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức vừa kể cho chúng ta thấy đâu là lổ hỏng thiếu sót của Hiến Pháp 1946.
Lấy Hiến Pháp 1946 xác định thể chế tổ chức Quốc Gia Việt Nam trong tương lai, một lần nữa, chúng ta đặt “người công dân Việt Nam” (chớ đừng nói gì đến con người, người ngoại quốc chẳng hạn) trong tư thế bấp bênh, không có gì “làm bảo chứng” (garantismo) cho con người có được một cuộc sống cho ra người.
Còn nói gì đến những áp dụng từ các Hiến Pháp biến thể 1959, 1980, 1992 của Hiến Pháp 1946, đã và đang được áp dụng trên đất nước mấy mươi năm nay dưới chế độ Cộng Sản?
Dân chúng ở Việt Nam có được bảo đảm các tối thiểu bất khả xâm phạm và bất khả nhượng của mình không?
Phiên toà “bịt miêng” Cha Nguyễn văn Lý hôm 30.03.2007 vừa qua là một vi phạm trắng trợn “Quyền mọi người được biện hộ và tự biện hộ ở mọi trạng thái và trước mọi đẳng cấp của phiên toà xử kiện” (Điều 24, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Hiến Pháp 1946 và các Hiến Pháp biến thể kế tiếp của CSVN có gì làm bảo chứng cho con người hay không?
Hỏi để mọi người chúng ta tự trả lời!
3- Hiến Pháp 1946 không có tự do tích cực.
a) Tuyên bố dưới hình thức tiêu cực.
Đọc các điều khoản được Giáo Sư Nguyễn Quang Duy trích dẫn ở trang 4 trong bài viết, người đọc có ý nghĩ ngay rằng Hiến Pháp 1946 do Hồ Chí Minh và một số người khác soạn thảo lúc đó, chưa thoát khỏi được quan niệm tiêu cực của các Hiến Pháp đương thời lúc đó.
Có lẽ hầu hết các Hiến Pháp lúc đó đều tuyên bố các quyền tự do của con người dưới hình thức tiêu cực, nên Hồ Chí Minh và các “đồng chí ” của ông không biết được khá hơn những gì các khuôn mẫu mình có trước mắt cung cấp cho, nên họ cứ chép nguyên văn.
Đọc các điều khoản Hiến Pháp 1946 như:
“Tất cả mọi công dânViệt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện…” (Điều 6, Hiến Pháp 1946),
“Tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật…” (Điều 7, id.),
“Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận…” (Điều 10, id.)…
và còn nhiều điều khác nữa cũng được tuyên bố một cách tương tợ.
Cách tuyên bố các điều khoản như vừa kể, được gọi là tuyên bố các quyền tự do dưới hình thức tiêu cực.
Tuyên bố “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận…”, điều đó có nghĩa là “Chính Quyền (hay bất cứ ai khác cũng vậy) không được can thiệp, cản trở người dân tự do ăn nói, tự do theo tôn giáo, tự do cư trú…, không được can thiệp, cản trở người dân được hưởng quyền bình đẳng…
Nhưng người dân trong thể chế dân chủ không phải là thần dân nô lệ của các lãnh chúa hét ra lửa, nên phải nơm nớp lo sợ tổ chức Quốc Gia hiếp đáp, đàn áp, biến thành nô lệ, phải nhờ Hiến Pháp cấm cản, bảo vệ, còng tay, bóp cổ, bắt nó “không được”.
Người dân trong thể chế dân chủ là chủ nhân của quyền lực Quốc Gia, “quyền tối thượng của Quốc Gia thuộc về dân”.
Tổ chức Quốc Gia, Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, được người dân đồng thuận lập nên để phục vụ mình và phục vụ đồng bào mình. Do đó không có lý do gì tổ chức Quốc Gia có lý chứng tồn tại và mình chỉ phải lo cấm cản nó “không được”.
Tổ chức Quốc Gia không phải là con ác thú ngông cuồng, cần phải trói buộc bằng mọi cách để nó không làm hại mình.
Tổ chức Quốc Gia được chính mình tạo ra để phục vụ mình và phục vụ đồng bào minh, phải biết kính trọng và bảo vệ nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của con người:
“Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm. Bổn phận của mọi quyền lực Quốc Gia là kính trọng và bảo vệ nhân phẩm đó” (Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Hiểu như vậy, chúng ta sẽ hiểu rằng các Hiến Pháp văn minh Tây Âu không chỉ tuyên bố nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của người dân “dưới hình thức tiêu cực”, như những gì chúng ta tìm thấy trong Hiến Pháp 1946, mà con tuyên bố “dưới hình thức tích cực”:
“…Bổn phận của mọi quyền lực Quốc Gia là kính trọng và bảo vệ “.
Không những “kính trọng” (không được vi phạm), mà còn “bảo vệ” (tạo mọi điều kiện thuận lợi, thích ứng để các quyền của người dân được thực hiện dễ dàng).
b) Tuyên bố dưới hình thức tích cực.
Đó là những gì chúng ta có thể tìm thấy đó đây trong khắp các điều khoản Hiến Pháp 1947 Ý Quốc.
Nếu ở đoạn 1, điều 3 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc chúng ta có lời tuyên bố quyền bình đẳng dưới hình thức tiêu cực:
– “Mọi người đều có địa vị xã hội ngang nhau và bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt phái giống, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, điều kiện cá nhân hay xã hội. “
(hay Chính Quyền không được đối xử bất bình đẳng đối với địa vị xã hội và trước luật pháp…), thì ngay ở đoạn kế tiếp của cùng một điều khoản, Hiến Pháp quy trách cho tổ chức Quốc Gia dưới hình thức tích cực:
“Bổn phận của Quốc Gia là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại, trong khi thật sự giới hạn tự do và bình đẳng của người dân, không cho phép họ triển nở hoàn hảo con người của mình và tham gia một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở” (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Quốc Gia bị quy trách, có bổn phận, phải tạo mọi điều kiện dễ dàng về phương diện kinh tế và xã hội để người dân phát triển hoàn hảo nhân cách của mình và hành xử mọi quyền tự do chính trị, tham gia thật sự vào đời sống Quốc Gia.
Cũng vậy, nếu Hiến Pháp 1946 tuyên bố dưới hình thức tiêu cực quyền tự do lập hội và gia nhập hội:
“Công dân Việt Nam có quyền…tự do tổ chức và hội hợp…” (Điều 10, Hiến Pháp 1946) (có nghĩa là Chính Quyền không được cấm cản người dân Việt Nam có quyền tổ chức và hội họp…, gia nhập hội…), thì Hiến Pháp 1947 Ý Quốc không những cấm Chính Quyền không được, mà còn bắt Chính Quyền phải tạo mọi điều kiện thuận tiện và khuyến khích người dân hãy tham gia chính đảng để góp phần lãnh đạo Quốc Gia:
“Mọi công dân đều có quyền tự do gia nhập chính đảng để cùng cộng tác theo phương thức dân chủ xác định đường lối chính trị Quốc Gia” (Điều 49, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
c) quyền tự do thực hữu.
Ngoài ra, không những Hiến Pháp tuyên bố các quyền tự do trên lý thuyết (liberté formelle) các quyền bất khả xâm phạm của con người, mà còn tiền liệu các quyền mình tuyên bố có được các điều kiện thuận lợi cần thiết để thực hiện (liberté substantielle).
Ở điều 3 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc tuyên bố quyền bình đẳng của mọi người ở đoạn 1, liền sau đó ở đoạn 2 Hiến Pháp tiền liệu người dân khỏi bị hoàn cảnh xã hội và kinh tế cách biệt làm cho họ không được hưởng quyền bình đẳng và tự do mà Hiến Pháp vừa đứng ra bảo đảm:
“Bổn phận của Quốc Gia là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại, trong khi giới hạn thật sự tự do và bình đẳng của người dân…” (Điều 3, đoạn 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc). Còn nữa, nếu “mọi người đều có địa vị xã hội ngang nhau và bình đẳng trước pháp luật…” (Điều 3, đoạn 1, id.), thì không có lý do gì tổ chức Quốc Gia không đứng ra đảm trách lo cho những người không may mắn, tàn tật, yếu thế, bởi vì họ cũng là người, là công dân của Quốc Gia:
“Mọi công dân không có khả năng làm việc…, những công dân khuyết tật và những công dân yếu kém, đều được nuôi sống và bảo trợ xã hội…, có quyền được giáo dục và khởi công nghề nghiệp”.
“Các bổn phận được tiền liệu trong điều khoản nầy sẽ được các cơ quan được thiết lập thực thi hay do Quốc Gia bổ khuyết” (Điều 38, đọan 1, 3 và 4, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Cũng vậy, nếu Hiến Pháp 1946 do Hồ Chí Minh và các “đồng chí ” soạn thảo lo cho những ai bị cáo là phạm nhân được quyền mướn luật sư:
“Các phiên toà đều công khai, trừ những trường hợp đặc biệt. Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mướn luật sư ” (Điều 67, Hiến Pháp 1946), thì Hiến Pháp 1947 Ý Quốc còn đi xa hơn.
Bởi lẽ, nếu “người bị cáo”, không quen biết hay không có khả năng tài chánh để “mượn” hay “mướn luật sư ” biện hộ cho thì sao?
Đâu là “Mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật…?” (Điều 7, Hiến Pháp 1946). Phải chăng quyền bình đẳng của Hiến Pháp 1946 chỉ là tự do thuyết lý (liberté formelle)? Hay tuyên bố để mà tuyên bố? Và đây là câu trả lời của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc cho lời tuyên bố: “Mọi người đều có địa vị xã hội ngang nhau và bình đẳng trước pháp luật…” (Điều 3, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý quốc):
“Mọi người đều có quyền khởi xướng hành động trước pháp luật để bảo vệ quyền và lợi thú chính đáng của mình.
– “Quyền được biện hộ (tự biện hộ) là quyền bất khả xâm phạm ở mọi đẳng cấp và tiến trình tư pháp.
– “Những ai thiếu khả năng cũng sẽ được bảo đảm bằng các cơ quan và phương tiện để hành xử và tự vệ trước mọi phiên toà” (Điều 24, đoạn 1, 2 và 3 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Một xã hội trong đó những kẻ yếu thế, “thiếu khả năng”, “không có khả năng làm việc…, khuyết tật và yếu kém” không được bảo đảm, là xã hội trong đó “cá lớn nuốt cá bé ” hay xã hội
“Nước trong leo lẻo, các đớp cá
Trời nắng chang chang, người đánh người” (Cao Bá Quát).
Phải chăng đó là xã hội lý tưởng mà chúng ta mơ ước cho tương lai Việt Nam?
Hay chúng ta muốn cho Việt Nam có được một xã hội, sống trong bình đẳng trong tình liên đới hỗ tương?
Nói tóm lại, trong Hiến Pháp 1946 do Hồ Chí Minh và các “đồng chí” soạn thảo
-
không có con người,
-
không có tính cách bảo chứng
-
không có tự do tích cực
-
không có tự do thực hữu,
-
không có tình liên đới hỗ tương.
Luật Sư Trần Thanh Hiệp rất thâm thúy, khi ông viết bài nói lên ý hướng của ông: “Hãy trả lại Hiến Pháp 1946 cho giá trị đích thực của nó”, giá trị của thời điểm đó và giá trị tương đương với tầm hiểu biết về Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ của Hồ Chí Minh và những người soạn thảo ra nó, ở khoảng thời điểm nó được soạn thảo.
Với những giá trị, nhưng là những giá trị thiếu sót vừa kể, Hiến Pháp 1946 không thể là Hiến Pháp tương lai cho một Quốc Gia Việt Nam văn minh trong cộng đồng nhân loại, tôn trọng con người và tôn trọng dân chủ, ý nghĩa của Điều 1, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức.
GS. Nguyễn Học Tập