Tin nhà thơ Bùi Chát (sinh năm 1979), người sáng lập và điều hành nhà xuất bản Giấy Vụn, vừa được Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế trao giải Tự do Xuất bản năm 2011 vì những nỗ lực đấu tranh kiên trì và đầy dũng cảm của anh trong việc giành quyền tự do xuất bản tại Việt Nam, làm nức lòng nhiều người Việt Nam, đặc biệt trong giới cầm bút, nhất là giới cầm bút ngoài luồng.
Trước hết, có lẽ cần biết là: Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế (The International Publishers Association, viết tắt là IPA), vốn được thành lập tại Paris từ năm 1896 và đặt trụ sở tại Geneva, là một tổ chức phi chính phủ lớn và rất có uy tín, có đại diện tại Liên Hiệp Quốc, bao gồm gần 80 tổ chức hội viên từ gần 70 quốc gia trên thế giới, từ châu Mỹ đến châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Úc. Mục tiêu chính của Hiệp hội là nhằm tranh đấu chống lại mọi hình thức kiểm duyệt, xâm phạm bản quyền và áp bức văn nghệ sĩ, cổ súy và bảo vệ quyền tự do xuất bản, vốn được xem như nền tảng của quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin, những yếu tố được xem là căn bản trong quyền làm người.
Và cũng nên biết thêm: Giải Tự Do Xuất Bản của Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế chỉ mới được thành lập từ năm 2005 nhằm đối phó với tình trạng các nhà văn, nhà thơ và nhà xuất bản không ngừng bị sách nhiễu, trù dập hoặc hãm hại, từ hình thức tù đày, tra tấn đến giết chóc, trên khắp thế giới. Mỗi năm giải thưởng được trao một lần. Người được lựa chọn để trao giải có thể là một cá nhân hoặc một tổ chức có nhiều đóng góp nhất trong việc bảo vệ và cổ súy cho tự do xuất bản trong năm ấy
Những người nhận được Giải Tự do Xuất bản, cho đến nay, bao gồm:
2006: Shalah Lahiji, người Iran.
2007: Trevor N’cube, người Zimbabwe. Năm này, ngoài giải chính, còn hai giải đặc biệt truy tặng Anna Politkovskaya (người Nga) và Hrant Dink (người Thổ Nhĩ Kỳ/Armenia).
2008: Ragıp Zarakolu, người Thổ Nhĩ Kỳ.
2009: Sihem Bensedrine, Neziha Rjiba và Mohamed Talbi, các sáng lập viên của tổ chức “Observatory for the Freedom of the Press, Publishing and Creation in Tunisia”, người Tunisia.
2010: Israpil Shovkhalov và Viktor Kogan-Yasny, người Chechnya. Ngoài ra, còn có một giải đặc biệt trao cho Irfan Sanci, người Thổ Nhĩ Kỳ.
Và năm 2011 này, giải Tự do Xuất bản được trao cho Bùi Chát, người đã từng được đề cử và lọt vào danh sách chung kết (short list) từ năm 2010 (cùng với Rosspen, người Nga).
Giải thưởng năm nay được tổ chức tại Hội chợ sách quốc tế lần thứ 37 ở Buenos Aires, Argentina, vào chiều ngày 25 tháng 4, với sự tham dự của Chủ tịch Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế, ông YoungSuk “Y.S.” Chi; Thị Trưởng Buenos Aires, ông Mauricio Marci; Bộ trưởng đặc trách Văn hóa, ông Hernán Lombardi; và đại diện của nhiều cơ quan truyền thông nổi tiếng tại Argentina.
Bản thông báo báo chí của Hiệp hội ghi rõ lý do tại sao Bùi Chát và nhà xuất bản Giấy Vụn được chọn để nhận giải Tự do Xuất bản năm 2011: “Vượt ra ngoài tầm với của các cơ quan kiểm duyệt, Giấy Vụn chuyên in và xuất bản tác phẩm của các ‘nhà thơ vỉa hè’. Dưới sự lãnh đạo của Bùi Chát, Giấy Vụn đã trực tiếp giúp đỡ trong việc thành lập các nhà xuất bản độc lập và tự do tại Việt Nam để xuất bản tác phẩm của các tác giả và sử gia bị cấm đoán.”
Ông Bjorn Smith-Simonsen, Chủ Tịch Ủy Ban Tự Do Xuất Bản của Hiệp Hội, phát biểu: “Sau gần 10 năm phấn đấu bền bỉ, nhà xuất bản do Bùi Chát thành lập đã giúp tạo ra một phong trào xuất bản độc lập ở Việt Nam. Dưới những điều kiện cực kỳ khó khăn, nhà xuất bản Giấy Vụn đã khởi xướng một phong trào mới của những nhà tư tưởng tự do, những người viết tự do, những nghệ sĩ tự do, những người từ chối tuân theo các luật lệ về sáng tạo của Nhà Nước. Giấy Vụn đã giúp kéo đổ những bức tường kiểm duyệt. Nhà xuất bản này và người sáng lập của nó đã có thể, qua nỗ lực của họ, phục hồi lại niềm tin vào quyền tự do phát biểu và quyền tự do xuất bản trong thế hệ mới của đất nước mình. Họ đã có thể nâng cao sự quan tâm của công chúng về các quyền con người căn bản của đồng bào họ: quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, tự do xuất bản và tự do đọc mà không sợ bị ngược đãi. Vì tất cả các lý do đó, cộng đồng xuất bản quốc tế công nhận người xuất bản này hôm nay tại Buenos Aires, Thủ Đô Sách Thế Giới 2011.”
Trong bài diễn văn trao giải, ông YoungSuk “Y.S.” Chi (Giám đốc IPA) phát biểu: “Nỗ lực của Giấy Vụn đã thúc đẩy một phong trào mới của những nhà tư tưởng mới, của những nhà văn, nhà thơ, những người làm nghệ thuật tự do… không chấp nhận sự áp đặt những tư tưởng chính trị, tuyên truyền lên họ.” Trong phần kết luận, ông nhấn mạnh: “Trong nhiều thập niên, người dân Việt Nam đã bị tước đoạt quyền tiếp cận những thông tin trung thực, chính xác, quyền được thu thập những quan niệm, ý tưởng mới và quyền được tự do chọn lựa những gì mà họ muốn đọc. Nhà Xuất bản Giấy Vụn đã có những đóng góp to lớn cho việc gia tăng sự quan tâm của nhiều người về những nhân quyền căn bản: tự do suy nghĩ, tự do sáng tác, tự do xuất bản và tự do đọc mà không phải sợ hãi đe dọa, trấn áp. Khi chúng tôi trao cho Bùi Chát giải thưởng Tự Do Xuất Bản 2011 của IPA, xin mời mọi người hãy đứng dậy để vinh danh sự can đảm hiếm có, sự kiên trì, nhân cách, đam mê và ý nghĩ vươn về phía trước mà Bùi Chát và các cộng tác viên của anh đã thể hiện một cách rõ ràng. Cám ơn Bùi Chát và tất cả mọi người trong nhà xuất bản Giấy Vụn.”
Xuất hiện trong buổi nhận giải, nhà thơ Bùi Chát phát biểu một cách ngắn gọn. Theo tường thuật của Vũ B. Giang trên blog Dân làm báo: “Bà Ana Maria Caballenas, nguyên chủ tịch IPA và là Trưởng ban Tổ chức, đã có nhận xét với Dân Làm Báo rằng đây là một bài diễn văn ngắn nhất nhưng nhiều ý nghĩa nhất.”
Nguyên văn bài phát biểu của Bùi Chát như sau:
Tôi thật sự vui mừng khi có mặt nơi đây như một nhân chứng về những nỗ lực không mệt mỏi của những nhà hoạt động cho tự do ở Việt Nam.
Kính thưa quí vị!
Ở một nơi mà tự do chỉ có thể tồn tại trong những hành vi tùy tiện của chính quyền thì những cố gắng cho sự hiện diện của công lí và tình người dường như là vô nghĩa, và để hành động cho những điều tưởng như viển vông này chúng tôi đã chọn xuất bản.
Cũng như những anh em đang bị tù đày, quản thúc và tất cả những người đang đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp ở Việt Nam, chúng tôi luôn tin tưởng vào lương tri. Thông qua việc xuất bản một cách tự do những điều cần thiết, chúng tôi biết rằng nhiều độc giả của chúng tôi sẽ tìm thấy lại lương tri của mình.
Sách có thể biến thế giới thành tự do, chính vì thế chúng tôi tin rằng tự do sẽ đến, trước hết với những người làm sách, những người đọc sách, và những người bàn luận về những điều mà sách mang lại.
Bằng tất cả tình yêu dành cho sách và dành cho con người, tôi xin đón nhận và san sẻ niềm vinh dự này cho tất cả độc giả, đồng nghiệp, bạn bè, và những người ủng hộ.
Hy vọng giải thưởng sẽ là cú hích đáng kể cho sự phát triển của phong trào xuất bản độc lập, đặc biệt là sự phát triển của xã hội dân sự, tại Việt Nam.
Cảm ơn tất cả mọi người.
(Bùi Chát)
Một giải thưởng quốc tế được trao cho một nhà thơ trẻ say mê văn học và khao khát tự do, làm việc một cách lặng lẽ và trong những điều kiện vô cùng ngặt nghèo ở Việt Nam rõ ràng là một tin vui không những cho anh hay bạn bè trong nhóm Mở Miệng của anh mà còn cho vô số những văn nghệ sĩ – và độc giả của họ – đã chọn thế đứng ngoài luồng.
Tôi viết vội bài này như một cách chia vui với Bùi Chát. Trong một bài khác, tôi sẽ viết về nhà xuất bản Giấy Vụn mà anh đã sáng lập và đang điều hành cùng với một số bạn bè văn nghệ sĩ ở Sài Gòn.
TS. Nguyễn Hưng Quốc
The International Publishers Association (IPA) is an international industry federation representing all aspects of book and journal publishing. Established in 1896, IPA’s mission is to promote and protect publishing and to raise awareness for publishing as a force for economic, cultural and political development. Around the world IPA actively fights against censorship and promotes copyright, literacy and freedom to publish. IPA is an industry association with a human rights mandate.