Từ hôm qua đến hôm nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc tiến hành vòng Đối thoại Chiến lược- Kinh tế cấp cao tại thủ đô Washington D.C. Chương trình nghị sự và những kết quả được mong đợi từ vòng đối thoại này là gì?
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) bắt tay với Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn và Uỷ viên quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc đứng bên trái tại phiên khai mạc Đối thoại Chiến lược-Kinh tế cấp cao tại thủ đô Washington DC hôm 09/5/2011.AFP photo
Phái đoàn Trung Quốc đến Washington tham dự vòng đối thoại năm nay do phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn, uỷ viên quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc dẫn đầu. Phía Mỹ có tổng trưởng Tài chính Timothy Geithner, chủ tịch Quĩ dự Trữ Liên bang, Ben Bernake, và ngoại trưởng Hillary Clinton.
Tin cho biết trong vòng đối thoại này lần đầu tiên sẽ có các quan chức quân sự hai phía tham gia.
Trong ngày khai mạc đại diện hai đoàn sẽ có cuộc gặp với tổng thống nước chủ nhà Barack Obama. Theo chương trình, sau phiên khai mạc sẽ có những cuộc thảo luận riêng bàn về vấn đề chính sách kinh tế, ngoại giao, quân sự…
Kinh tế
Những trở ngại trong lĩnh vực kinh tế giữa hai phía là khả năng Hoa Kỳ cấm một số sản phẩm của Hoa Lục xuất sang Mỹ, vì các nhà sản xuất tại Hoa Kỳ cáo giác chính quyền Bắc Kinh cho áp dụng những biện pháp hỗ trợ dẫn đến không công bằng thương mại.
Ngoài ra lâu nay phía Hoa Kỳ vẫn chỉ trích biện pháp Trung Quốc kiểm soát, khống chế đồng Nhân dân tệ.
Tổng trưởng Tài chính, Timothy Geithner của Hoa Kỳ hồi tuần rồi lên tiếng cho biết Washington sẽ thúc ép Bắc Kinh định lại trị giá của đồng Nhân dân tệ. Giới sản xuất tại Hoa Kỳ cho rằng đồng tiền của Trung Quốc ở dưới giá đến 40%, và họ mong muốn Quốc hội thông qua những biện pháp trừng phạt nếu như Trung Quốc không có biện pháp nhanh chóng hơn trong vấn đề trị giá đồng Nhân dân tệ.
Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và có mong muốn Washington phải bảo đảm an toàn cho tổng khoản nợ lên đến 1.200 tỷ đô la của họ.
Một chủ nợ lớn như Trung Quốc chắc chắn quan tâm đến khả năng trả nợ của người vay. Khả năng đó của Hoa Kỳ được chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghiã trình bày trong một chương trình của Đài Á Châu Tự do:
“Tôi thiển nghĩ rằng nước Mỹ đang vay mượn quá khả năng hoàn trái và tùy thuộc vào thành phần… bỏ phiếu bằng tiền, bằng trái phiếu.”
Một vấn đề nữa là tình hình thâm thủng thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc hồi năm rồi đã lên đến mức kỷ lục 273 tỷ đô la, cao hơn năm 2009 đến một phần năm.
Quân sự và Nhân quyền
Trong lĩnh vực quân sự, quan hệ giữa hai nước hồi năm ngoái trở nên căng thẳng khi Hoa Kỳ đồng ý bán cho Đài Loan gói vũ khí trị giá đến 4 tỷ đô la; trong đó có những trang thiết bị nhằm nâng cấp 145 máy bay tiêm kích F-16 của Đài Loan.
Ngọai Trưởng Hillary Clinton tại phiên họp Mỹ-Trung Đối thoại Kinh tế – Chiến lược
hôm 09/5/2011 tại Washington, DC. AFP photo
Hai phía lâu nay vẫn lời qua tiếng lại về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Thoái Thiên Khải vừa rồi lên tiếng nói Hoa Kỳ nên chú ý đến những tiến triển của Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền chứ không nên quá tập trung vào những vụ việc cụ thể của mỗi cá nhân.
Hoa Kỳ từng bày tỏ quan ngại về biện pháp trấn áp tiếng nói đối lập hiện nay của Trung Quốc. Chiến dịch trấn áp các tiếng nói đối lập tại Hoa Lục sau khi có kêu gọi trên mạng tiến hành những cuộc tập trung hằng tuần vào ngày thứ bảy để bày tỏ ý kiến như Cách mạng Hoa Lài tại Bắc Phi và Trung Đông, hiện được cho là mạnh tay nhất. Có hằng chục nhà đấu tranh và luật sư nhân quyền bị bắt giam, như nghệ sĩ Ngải Vị Vị…
Về tình hình quốc tế, phía Hoa Kỳ sẽ tái tục nỗ lực tìm kiếm ủng hộ của Trung Quốc trong vấn đề vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn và Iran. Tuy nhiên các vấn đề liên quan chính sách ngoại giao từ Trung Đông cho đến Nam Á cũng được bàn tới.
Trung Quốc từng chỉ trích chiến dịch không kích của NATO nhắm vào lực lượng trung thành với lãnh tụ Gaddafi của Libya. Bắc Kinh cho rằng chiến dịch đó đã vượt khỏi phạm vi của Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là nhằm bảo vệ thường dân trong cuộc khủng hoảng tại đó.
Quan điểm của hai phía về quan hệ tại Afghanistan và Pakistan; đặc biệt sau cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden cũng được trao đổi tại vòng đối thoại lần này.
Dù có nhiều vấn đề được nêu ra như thế, giới quan sát cho rằng sẽ không có đột phá lớn trong quan hệ giữa hai phía. Tuy nhiên, đôi bên đều hy vọng sẽ có tiến triển trên cơ sở chuyến công du Hoa Kỳ của chủ tịch Hồ Cẩm Đào hồi tháng giêng vừa rồi.
Đây là lần thứ ba vòng đối thoại cấp cao Hoa Kỳ- Trung Quốc diễn ra. Vòng đối thoại thứ nhất diễn ra hồi năm 2006 dưới thời tổng thống George W. Bush, tập trung chủ yếu vào các vấn đề kinh tế. Trong vòng đối thoại năm 2009, chính quyền của tổng thống Barack Obama mở rộng các đề tài đối thoại sang chính sách ngoại giao.
Gia Minh
Nguồn: RFA