Các cuộc biểu tình lớn chống chính quyền lại nổ ra ở Trung Quốc. Lần này làn sóng phản kháng không diễn ra ở Tây Tạng, hay Tân Cương như thường thấy mà lại bùng phát tại một điểm mới, khu tự trị Nội Mông, một vùng rộng lớn nằm ở phía Bắc Trung Quốc.
Từ nhiều ngày qua, phong trào biểu chống chính quyền của sinh viên học sinh cùng với nông dân đang gây chấn động khu Nội Mông khiến chính quyền Trung Quốc rất lo ngại. Bắc Kinh đã cho phong tỏa khu vực Nội Mông không để cho phong trào lan rộng và dễ bề trấn áp.
Quân đội Trung Quốc phong tỏa vùng Nội Mông (REUTERS/ SMHRIC)
Tờ Libération hôm nay dành trang thế giới cho bài phóng sự của đặc phái viên báo tại Tích Lâm Hạo Đặc, thành phố đang sôi sục với các cuộc biểu tình trong những ngày gần đây. Bài viết có tựa đề : « Trung Quốc không muốn để nảy nở một mùa xuân Mông Cổ tại Tích Lâm Hạo Đặc ».
Theo bài báo thì đây là lần đầu tiên kể từ hàng chục năm qua, tại nhiều thành phố trong khu tự trị Nội Mông xảy ra hàng loạt các cuộc biểu tình chống chính quyền, phản đối các công ty khai thác mỏ làm hủy hoại môi trường sống của dân tộc Mông Cổ.
Các cuộc biểu tình này, cũng được hỗ trợ bằng công cụ internet, đã huy động được hàng nghìn học sinh sinh viên và các nông dân sống bằng nghề chăn nuôi truyền thống. Liên tục trong tuần qua, đoàn người biểu tình kéo đi rầm rộ trong các khu phố của nhiều thành phố ở cách nhau khá xa ; từ Tích Lâm Hạo Đặc cho đến Đông Ô Kỳ, sang Tây Ô Kỳ. Người biểu tình giương các biểu ngữ «Chúng ta hãy bảo vệ quyền của người Mông Cổ, công lý cho người Mông Cổ ».
Theo tác giả bài báo, lo ngại trước làn sóng phản kháng lan rộng, chính quyền đã nhanh chóng khóa chặt các cửa ngõ vào thành phố Tích Lâm Hạo Đặc. Mọi ra vào thành phố đều bị kiểm tra chặt chẽ. Một người dân ở đây cho biết chính quyền đã áp dụng lệnh giới nghiêm. Các nhà báo bị cấm không được vào khu vực phong tỏa.
Chuyện bắt đầu bùng phát khi một người chăn nuôi gia súc tại Tích Lâm Hạo Đặc người dân tộc Mông cổ cùng một số người khác tổ chức biểu tình phản đối chính quyền địa phương cho khai thác than và đất hiếm bừa bãi, các đoàn xe tải chuyên chở quặng làm phá hỏng môi trường chăn thả gia súc của người Nội Mông. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi hôm 10 tháng năm xảy ra xô xát giữa những tài xế xe tải người Hán và những người biểu tình bao vây đoàn xe.
Người khởi xướng phong trào bị xe tải cán chết và kéo đi hơn một trăm mét. Chính quyền sau đó đã cố gắng làm dịu cơn phẫn nộ của người dân bằng cách đền bù thiệt hại cho gia đình nạn nhân, bồi thường thiệt hại cho nông dân chăn thả gia súc… Nhưng, theo tác giả bài báo thì sự cố xảy ra được nhìn nhận như là một sự lăng mạ đối với truyền thống và môi trường sống của người Mông Cổ. Đại đa số các sinh viên tham gia vào các cuộc biểu tình tại Nội Mông đều là con em của những người làm nghề chăn nuôi truyền thống.
Theo tác giả bài phóng sự thì, ngày hôm qua tại Tích Lâm Hạo Đặc các binh lính vũ trang chống bạo động đã chiếm một trong số khu nội trú, trường học cấm không cho của sinh viên học sinh ra ngoài, điện thoại di động của họ cũng bị tịch thu, internet bị cắt.
Nhật báo Le Figaro cho biết, nhiều lời kêu gọi biểu tình lớn vẫn được tung ra ngày hôm nay. Tờ báo lý giải, sự phẫn nộ của cộng đồng Nội Mông cũng không khác với phong trào của người Tây Tạng đó là xuất phát từ mối lo ngại mất dần bản sắc và văn hóa của người Mông Cổ. Cũng giống như ở Tây Tạng hay Tân Cương chính quyền Bắc Kinh chủ trương tăng cường đầu tư cho khu vực Nội Mông. Nhưng hình như điều đó lại càng thúc đẩy nhanh sự mai một bản sắc và văn hóa của người Mông Cổ trong khu tự trị rộng lớn, gồm 6 triệu người Mông Cổ trong khi dân số của nước Mông Cổ bên cạnh chỉ bằng một nửa.
Anh Vũ