Cuộc tranh luận The Munk Debates khởi sự từ năm 2008, chuyên về các đề tài chính trị quốc tế, diễn ra mỗi năm hai lần. Cuộc tranh luận do Qũy từ thiện Aurea Foundation tổ chức, thu hút các học giả hay các chính trị gia tầm cỡ thế giới, thu nhập lấy từ tiền bán vé và bán bản quyền phát thanh và phát hình trên các hệ thống radio và truyền hình, trong đó có CBC Radio’s Ideas, đài BBC và CSPAN.
cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger
Cuộc tranh luận nói trên mang tên “The 21st Century will belong to China” (Thế kỷ 21 sẽ thuộc về Trung Quốc), trong đó Kissigner cùng nhà bình luận Fareed Zakaria thuộc về phe chống. Kissinger thì ai cũng biết, còn Fareed Zakaria là nhà bình luận nổi tiếng, từng là chủ bút lưu động của tạp chí Time và hiện đang đồng điều khiển chương trình ngoại giao Fareed Zakaria GPS trên đài truyền hình CNN.
Họ tranh luận với Giáo sư Niall Ferguson và David Daokui Li. Ferguson là giáo sư sử học tại Đại học Havard còn Li là giáo sư giảng dạy tại Khoa kinh tế và quản trị của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, một trong những đại học hàng đầu của Trung Quốc.
Theo kết quả bình chọn ban đầu của khán giả thì Kissigner cùng Zakaria đã thắng lớn khi 62 phần trăm số người tham dự đồng ý với lập luận của hai người.
Trong khi Ferguson và Li cho rằng với đà phát triển hiện tại, Trung Quốc sẽ chắc chắn trở thành một siêu cường, thì Kissigner cùng Zakaria nghĩ khác.
Với con mắt của một bậc cáo già chính trị và quan hệ quốc tế, Kissinger đưa ra những lập luận chặt chẽ để phản bác. Theo Kissinger thì dù gặt hái được những ảnh hưởng khá nhanh trên trường quốc tế, tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải giải quyết hàng loạt các vấn đề ngay trong nội địa và khó có thể trở thành một quốc gia mạnh theo ý nghĩa “siêu cường quốc”.
Kissigner phát biểu: “Tôi tin rằng trong 10 năm tới đây, Trung Quốc sẽ phải đánh vật với việc làm cách nào để có thể đưa những vấn đề liên quan đến thể chế chính trị ăn khớp với quá trình phát triển kinh tế của nước này. Tôi không tin rằng một quốc gia đang cố sức giải quyết những thay đổi căn bản lại có đủ thời gian để thống trị thế giới”.
Trong khi đó thì Zakaria cho rằng sự phát triển của Trung Quốc thiếu tính vững bền và có lúc sẽ sụp đổ. Ông nói: “không có cái gì sẽ vĩnh viễn đi theo một đường thẳng”, và cho rằng sự phát triển “thẳng thớn” của Trung Quốc sẽ đến lúc “cụp xuống”.
Trước lập luận này, Li cho rằng giới trẻ tại Trung Quốc đã học hỏi và thu thập nhiều kinh nghiệm từ nước ngoài, do đó họ sẽ có khả năng cải tổ để Trung Quốc phát triển đúng hướng. Cuối cùng Li kết thúc bài tranh luận với câu kết luận: “We still have gas in our gas tank”, nghĩa đen là “Bình xăng chưa cạn” và nghĩa bóng là vẫn còn động lực để đi tới.
Như đã nói, đa số khán giả thiên về phe Kissinger và cũng tại cuộc tranh luận, các học giả này đều đồng ý rằng Nhật sẽ trở thành một siêu cường.
Về thái độ hiếu chiến của Trung Quốc hiện tại, Kissinger dự đoán rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh để hình thành một trật tự thế giới mới, trong đó không có ai được phép “giơ tay cao hơn”, và đó chính là thách thức hiện tại. Kissinger phát biểu: “Chúng ta phải hiểu rằng Trung Quốc sẽ phát triển mạnh hơn và sẽ buộc phải ngừng các hành động mang tính hiếu chiến…, Trung Quốc cần phải hiểu những giới hạn của mình trong quá trình xác lập các lợi ích của Trung Quốc trên quy mô toàn cầu, nếu không Trung Quốc sẽ bị các chính phủ khác xa lánh”.
Nhân cuộc tranh luận này, chúng ta sẽ nhìn vấn đề trong góc độ “chiến tranh kinh tế – tài chính” mà Trung Quốc đang tiến hành với Mỹ để trở thành “siêu cường”.
Kinh tế
Các thông tin cho thấy còn lâu Trung Quốc mới qua mặt Mỹ về kinh tế. Theo số liệu năm 2008 của CIA’s World Fact thì tổng sản lượng nội địa của Trung Quốc (GDP) là 7.8 ức Mỹ kim (7.8 trillion) so với GDP của Mỹ cùng năm là 14.29 ức Mỹ kim. Như thế nền kinh tế Mỹ mạnh gấp hai Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vào năm 2008 là 9.8 phần trăm cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của Mỹ, với mức 1.3 phần trăm vào năm 2008.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thu nhập đầu người (GDP per capita) của Trung Quốc trong năm 2010 là 4,82 USD, so với của Mỹ là 47,84 USD. Cứ giữ nguyên tốc độ tăng trưởng này thì còn lâu Trung Quốc mới bắt kịp Mỹ. Với quá nhiều mầm mống xung đột, bấp bênh về tài nguyên cũng như đã đạt tới mức tăng trưởng bão hoà: tốc độ tăng trưởng trên sẽ có lúc giảm xuống và theo các kinh tế gia cho rằng Trung Quốc phải mất gần 50 năm nữa mới kịp Nhật và 100 năm nữa mới kịp Mỹ.
Nhiều người cho rằng Mỹ đã hết thời vì Trung Quốc là chủ nợ chính của Mỹ, thế nhưng nhiều nhà phân tích đã dẫn câu của nhà kinh tế Pháp Paul R. La Monica để nhìn vào thực chất của vấn đề “Nếu ngân hàng cho bạn vay một ngàn đô la, ngân hàng là ông chủ của bạn. Nhưng nếu ngân hàng cho bạn vay một triệu đô la, bạn sẽ là ông chủ của ngân hàng.” (If the bank lends you a thousand dollars, the bank owns you. But if the bank lends you a million dollars, you own the bank).
Câu này cũng có thể hiểu theo ý của Hồ Hữu Tường trong cuốn Phi Lạc sang Tàu: một nước nhỏ muốn yên ổn làm ăn thì phải trở thành con nợ của một cường quốc. Để khỏi mất tiền, cường quốc đó phải bảo vệ con nợ của mình.
Tương tự, Trung Quốc đang là chủ nợ lớn do đó phải o bế để bảo vệ, không cho nền kinh tế Mỹ bị sập. Chính như thế nên chủ nợ Trung Quốc đã trở thành…con nợ của Mỹ.
Chủ nợ và con nợ
Nếu đồng tiền bị giảm giá thì hàng nhập cảng sẽ đắt hơn và hàng xuất cảng sẽ rẻ hơn: đây chính là yếu tố kích thích kinh tế nội địa và tạo công ăn việc làm. Tiền giảm giá thì dân trong nước sẽ ít du lịch nước ngoài hơn và do đó cũng chỉ tiêu pha trong nước, đây cũng là yếu tố kích thích thị trường nội địa, nhất là ngành du lịch.
Để được như thế, từ 10 năm nay Trung Quốc đã liên tục can thiệp để làm yếu đồng tiền của mình và hầu như bỏ ngoài tai các lời phàn nàn hay đe doạ của Mỹ. Nay thì đã đến lúc Mỹ ra tay, chơi trò dĩ độc trị độc bằng cách phá giá đồng tiền của mình.
Theo các chuyên gia phân tích thì từ 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã thao túng hối suất nhân dân tệ (NDT) với Mỹ kim bằng cách mỗi ngày bỏ tiền ra để mua vào 1 tỷ Mỹ kim và mua như thế trong gần 10 năm để giữ nhu cầu cao đối với tiền Mỹ, do đó giữ giá tiền Mỹ cao lên và nhờ đó bảo vệ công ăn việc làm của người dân Trung Quốc và bảo đảm sự ổn định chính trị khi ai cũng có công ăn việc làm. Số lượng tiền Mỹ này không phải giữ nguyên một chỗ mà còn dùng vào việc khác, thí dụ dùng để mua tiền Úc nhằm thanh toán các giao dịch khoáng sản. Theo các quan sát viên thì cho đến qúy III của năm 2010 số lượng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hiện tại đã lên tới hơn 2,500 tỷ Mỹ kim.
Chính vì thế nên cán cân mậu dịch Mỹ – Trung đã nghiêng hẳn về phía Trung Quốc và trong khi Trung Quốc tận hưởng tình trạng “xuất siêu” (xuất cảng nhiều hơn nhập cảng) thì Mỹ lâm tình trạng “nhập siêu” (nhập nhiều hơn xuất). Từ lâu các nhà lập pháp Mỹ đã tranh cãi rất nhiều về đề tài này cũng như gây áp lực lên giới hành pháp. Theo họ thì Mỹ có thể tạo ra nửa triệu việc làm trong vòng 2 năm và làm hồi sinh các thành phố kỹ nghệ vang bóng một thời tại các bang Michigan, Illinois, Indiana, Ohio và Wisconsin mà không tốn một đồng xu nào cả: chỉ đơn giản buộc Trung Quốc ngừng hẳn việc thao túng tiền tệ, ngừng việc làm cho đồng Nhân dân tệ yếu một cách giả tạo để thúc đẩy xuất cảng và tăng trưởng kinh tế.
Đó là chiêu thức mà Trung Quốc đã theo đuổi từ bao nhiêu năm nay, sau khi thực hiện việc mở cửa và cải cách kinh tế. Để làm việc này, Trung Quốc không đơn thuần sử dụng độc quyền chính trị và kinh tế để ấn định giá hối đoái ở mức nào đó, tương tự chính phủ Việt Nam những năm trước, mà trên thực tế họ còn làm nhiều hơn thế bằng các biện pháp thị trường: bỏ tiền ra để mua đồng Mỹ kim.
Nhưng càng làm như thế, Trung Quốc càng trở thành con tin của Mỹ. Các quan sát viên ước tính rằng cho đến qúy III của năm 2010 số lượng Mỹ kim dự trữ của Trung Quốc đã lên tới hơn 2,500 tỷ Mỹ kim. Sau đó Trung Quốc trích một số Mỹ kim này để mua các trái phiếu mà chính phủ Mỹ phát hành.
Lấy thí dụ một công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc số tiền 5 tỷ Mỹ kim. Công ty này không đơn giản chuyển tiền từ Mỹ vào Trung Quốc mà lấy ngay tiền của Trung Quốc qua các dịch vụ tài chính từ khoản Trung Quốc cho Mỹ vay qua việc mua trái phiếu.
Các công ty này lấy tiền của Trung Quốc, sử dụng nhân công rẻ mạt của Trung Quốc, sản xuất ra sản phẩm khoảng 100 Mỹ kim nhưng bán sang các thị trường khác với giá 500, 600 Mỹ kim và tiền lời sẽ chảy hết về Mỹ. Xét xem ai lợi hơn ai?
Trong khi đó, nếu Trung Quốc chơi trò phá để kinh tế Mỹ xuống, tiền Mỹ mất giá, kẻ lãnh hậu quả chính là Trung Quốc, 2500 tỷ Mỹ kim chỉ mất giá 1 phần trăm thôi, họ sẽ thiệt hại bao nhiêu. Do đó Trung Quốc phải làm sao để kinh tế Mỹ luôn vững mạnh.
Mà khi đồng tiền Mỹ mất giá thì nước Trung Quốc với 1.2 tỷ dân sẽ sinh loạn. Lúc đó hàng không xuất cảng được thì sản xuất đình đốn và do đó thất nghiệp lên cao, tỷ lệ bần cùng lên cao. Bần cùng sinh đạo tặc, mấy trăm triệu dân không có việc làm thì chóng hay chầy cũng vác dao hay súng đi ăn trộm và có thể quay lại chống chính quyền.
Trung Quốc biết vậy nhưng vẫn phải mua tiền Mỹ như là cách phá giá đồng tiền để xuất cảng hàng vào Mỹ.
Trong mấy tháng qua Mỹ đã cho Trung Quốc no đòn khi hạ giá đồng tiền của mình, vừa không chỉ chứng tỏ rằng dù là con nợ, Mỹ vẫn là “chủ” khi Trung Quốc rất cần đến thị trường Mỹ. Thiếu thị trường Mỹ thì kinh tế Trung Quốc sẽ lâm tình trạng khủng hoảng.
Như thế, vai trò “chủ nợ” của Trung Quốc chưa thể nói rằng nước này đã qua mặt Mỹ về kinh tế. Và không phải là chủ nợ lớn nhất thì muốn làm gì là làm.
Lớn nhưng không mạnh
Trong khi Mỹ dựa chủ yếu vào thị trường nội địa thì Trung Quốc trông dựa chủ yếu vào thị trường xuất cảng.
Nếu Trung Quốc là hổ thì đó chỉ là con hổ đói trong một khu rừng không có thú vật, phải trông cậy vào nguyên liệu và nhiên liệu nhập cảng. Không nói gì tới sắt, than hay dầu: thậm chí cả nước lạnh mà Trung Quốc cũng thiếu, thiếu trầm trọng với tình trạng sa mạc hoá đang diễn ra với tốc độ chóng mặt và hiện nạn bão cát đang đe doạ cả Bắc Kinh.
Tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc chỉ chiếm 4% sản lượng kinh tế toàn cầu thế nhưng Trung Quốc tiêu thụ tới 7% sản lượng dầu lửa, 25% sản lượng thiếc, 30% quặng sắt, 31% than và 27% sản lượng thép của toàn thế giới.
Nhưng Trung Quốc lại sử dụng các nguồn nguyên liệu ấy một cách thiếu hiệu năng. Theo thống kê thì để sản xuất cùng một lượng hàng hoá thì Trung Quốc sử dụng một lượng nguyên liệu cao gấp 7 lần so với Nhật, gấp 6 lần người Anh và gấp 3 lần người Ấn Độ: lượng rác thải kỹ nghệ lớn hơn, năng lượng sử dụng nhiều hơn, nguồn nước sử dụng để xử lý cũng nhiều hơn v.v…
Đó là nhu cầu của mức phát triển hiện tại: trong tương lai, khi nguyên liệu và nhiên liệu càng hiếm và càng đắt, con hổ này cần xực bao nhiêu nữa?
Theo ông Justin Yifu-Li, một nhà kinh tế học hàng đầu về Trung Quốc, cho biết đời sống xã hội của người Trung Quốc hiện tại mới đạt tới mức sống của người Nhật vào thập niên 60. Bởi thế chính phủ Trung Quốc đã đặt chỉ tiêu xây dựng một xã hội giàu có: đến năm 2020 thì sẽ đạt sản lượng nội địa gấp bốn lần mức hiện tại với mức phát triển 7.2%.
Bây giờ Trung Quốc đã xoay xở hụt hơi để đáp ứng nhu cầu kỹ nghệ nội địa, để có tổng sản lượng gấp bốn mức hiện tại thì họ sẽ trông cậy vào nguồn nguyên liệu và nhiên liệu nào?
Đó là chưa kể mầm mống bất ổn từ bất công xã hội. Sự bất công ở Trung Quốc là một hiện tượng mang tính toàn diện: bất công giữa địa phương này với địa phương kia, giữa thành thị với thôn quê, giữa thành phần đặc quyền đặc lợi và những người dân thấp cổ bé miệng. Hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng khơi rộng và chỉ chực bùng nổ, nhất là một khi nạn thất nghiệp tăng cao. Trung Quốc trông cậy vào thị trường ngoại quốc cả hai mặt tiêu thụ và nguyên liệu, nếu xáo trộn ở nước ngoài thì các xưởng sản xuất ở Trung Quốc sẽ bó tay. Đến một lúc nào đó, vì không có việc làm, dân chúng cũng sẽ đổ xô ra đường kêu gào chính phủ và gây nên những biến loạn chính trị.
Sức bật của quốc gia
Trong khi Trung Quốc duy trì một cơ chế kinh tế tư bản nửa vời, chịu áp lực chi phối quá mạnh mẽ bởi nhà nước độc quyền thì Mỹ có một định chế dân chủ vững chắc, với một nền kinh tế sáng tạo và luôn tìm ra được chính sách thích ứng với hoàn cảnh, thậm chí với các cuộc khủng hoảng, cuộc khủng hoảng lớn nhất vào năm 1930, cuộc khủng hoảng gần nhất vào năm 2008.
Đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo rằng kinh tế Mỹ sẽ chạm đà tăng của Trung Quốc vào năm 2016 và do đó đã gợi lên những cuộc tranh luận sôi nổi. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng, Mỹ nên mừng vì điều này.
Lý do là dù Mỹ không còn là nền kinh tế hàng đầu, thì cũng là nền kinh tế phát triển vững mạnh.
Theo ý kiến này thì có như vậy Mỹ mới bỏ thái độ tự mãn và trải nghiệm cảm giác của một “kẻ yếu”, do đó mới tỏ rõ bản lĩnh và quyết đoán trong việc cải tổ để thúc đẩy tiến trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Mỹ là cường quốc số một nhưng chưa phải mạnh toàn diện. Tỷ lệ bần cùng của Mỹ cao nhất trong số các nước phát triển. Thành tựu giáo dục của Mỹ cũng chỉ xếp hạng trung bình trong những năm gần đây.
Chính tình thế báo động đó sẽ thôi thúc cả hành pháp và lập pháp Mỹ cũng như hai phía chính trị cùng ngồi lại hợp tác để đưa ra những sách lược sáng suốt vì quyền lợi quốc gia. Hiện chính phủ Obama đang chật vật đối phó với vấn đề thâm hụt ngân sách và số nợ quốc gia khổng lồ sắp chạm trần 14,3 nghìn tỷ Mỹ kim và sự chật vật này còn nảy sinh từ mâu thuẫn giữa hành pháp và lập pháp, giữa dân chủ và cộng hoà. Khi bị cú sốc “mất ngôi” thì bản lĩnh của Mỹ sẽ trỗi dậy mạnh mẽ và các biện pháp kinh thế – tài chính sẽ được tung ra triệt để, nhằm giành lại vị thế hàng đầu.
Độ lớn của nền kinh tế chưa phải là tất cả mà khả năng tăng trưởng bền vững của nền kinh tế mới là chìa khóa.
Nhiều người thán phục tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc mà không nghĩ đến cái giá phải trả cho môi trường và xã hội.
Trung Quốc là một miếng bánh đắng với lớp đường mỏng ngoài vỏ: sự phồn thịnh chỉ thấy ở những thành phố ven biển ở phía đông và phía nam, còn ở miền trung người dân còn phải sống ở những cái nhà đục trong hang núi. Không chỉ là sự bất công giữa địa phương này với địa phương kia, giữa thành thị với thôn quê, hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng khơi rộng và chỉ chực bùng nổ.
Cũng giống như Việt Nam, đây đó trong các vùng thôn quê Trung Quốc đã phát sinh các hiện tượng nổi loạn vì nạn “giải toả đền bù đất” khi các viên chức địa phương bị các công ty mua chuộc, gây thiệt hại cho họ. Mấy tuần qua, báo chí thế giới đã tường thuật các vụ nổ bom nhắm vào các công sở ở Trung Quốc: chỗ này thì đó là phản ứng của một người thất nghiệp, chỗ kia là phản ứng của người bị “cưỡng chế” nhà cửa theo quy hoạch.
Về tình trạng ô nhiễm thì bất cứ ai từng ghé đến Bắc Kinh hay Thượng Hải đều cảm thấy sự ngột ngạt của hai thành phố này: trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới thì Trung Quốc chiếm tới 7. Theo một bản phúc trình của World Bank thì những thiệt hại môi trường này đã làm Trung Quốc tổn hại từ 8 đến 12% tổng sản lượng quốc nội mỗi năm. Đồng thời, cũng theo một báo cáo của World Bank, có tới 75% sông ngòi Trung Quốc đã bị ô nhiễm trầm trọng khi nước ở đây không thể lọc ra uống được, cá ở đây không thể ăn được, thậm chí nước ở đây cũng không thể sử dụng cho mục đích dẫn thuỷ nhập điền vì sẽ hại cây cối, hoa màu.
Trần Đại Hải
Tham khảo:
[1] http://www.huffingtonpost.ca/2011/06/18/henry-kissinger-china-won_n_879721.html
One Comment
Nguyễn Trần Lê Mai
Một điều khả tín nữa để Trung Quốc sẽ không thể là một siêu cường vì nền sản xuất của TQ hoàn toàn phụ thuộc vào xuất cảng, nguyên nhiên liệu phải nhập cảng. Nếu một mai bị tăng thuế hạn chế nhập cảng hay bị cắt đứt nguồn nguyên liệu thì sẽ sống vào đâu?
Tài chính TQ cũng rất bấp bênh. Nợ xấu của các địa phương vay để phát triển chính là các nợ khó đòi. Ngân sách dự trữ quố`c gia có con số nhưng số nợ xấu đã chiếm phần lớn. TQ sẽ dẫm chân vào vết xe đổ của Đức Quốc Xã khi hung hăng gây hấn với thế giới. Sẽ lăn vào vết xe đổ của Nhật khi đi xâm chiếm tài nguyên của thế giới nhất là muốn nuốt trọn châu Á. Sẽ lâm vào cảnh khủng hoảng nợ nần nhất là phá sản về mặt địa ốc do nạn nhân mãn.