LTS: Ngày 28/7/2011, tờ Wall Street Journal/Mỹ đăng bài báo “Chinese Innovation Is a Paper Tiger”. Hai tác giả người gốc Trung Quốc và Ấn Độ kết luận, về sáng tạo và khoa học, Trung Quốc chỉ là con cọp giấy. GS Nguyễn Văn Tuấn, từ Australia đã có bài viết trình bày các dữ liệu khác để củng cố cho nhận xét của hai tác giả trên. Nhiều dữ liệu dựa trên trải nghiệm của cá nhân tác giả. Để rộng đường dư luận, Bee.net.vn xin giới thiệu bài viết.
Cách tốt nhất để biết khoa học Trung Quốc (TQ) đang đứng đâu là đọc báo cáo khoa học của UNESCO. Tính chung, khoa học TQ đứng hạng 18 trên thế giới, sau Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Australia, nhưng cao hơn Hàn Quốc (hạng 21) và Singapore ( hạng 31). Chúng ta có thể thấy xu hướng khoa học của TQ trong mấy năm qua như sau:
1. Năm 2000, TQ có khoảng 695 ngàn nhà nghiên cứu. Năm 2008, họ có 1.6 triệu nhà nghiên cứu. Một sự tăng trưởng gấp 2,3 lần trong vòng có 8 năm. Con số này cho thấy TQ quyết tâm đầu tư vào con người khoa học.
2. Số ấn phẩm khoa học TQ tăng nhanh trong 10 năm qua. Trong 10 năm 1998-2008, TQ công bố được 573.486 bài báo khoa học, phải đặt trong bối cảnh chung mới thấy kém hơn nhiều so với Mỹ (2.959.661 bài), Nhật (796.807 bài), Đức (766.146), Anh (678.686). Tuy nhiên, số liệu gần đây cho thấy TQ đã vượt qua Nhật và đứng hạng hai về số ấn phẩm khoa học.
3. Chất lượng nghiên cứu khoa học của TQ còn rất thấp. Chỉ số trích dẫn trung bình của TQ la là 4.61/bài, đặc biệt so với Mỹ là 14.28/bài. Chỉ số trích dẫn của TQ là thấp nhất trong các nước tiên tiến: Nhật (9.04), Đức (11.5), Anh (12.92). Chỉ số này của Trung Quốc thậm chí thấp hơn cả Ấn Độ (4.59).
4. TQ mạnh về lĩnh vực khoa học vật liệu và hóa học nhưng rất kém về sinh học phân tử và y học. Số liệu 2004 – 2008 cho thấy số ấn phẩm khoa học của họ trong ngành khoa học vật liệu (material science) chiếm ~21% tổng số ấn phẩm thế giới (năm 1999-2003 họ chỉ chiếm 12%).
Số ấn phẩm trong các ngành khác là hóa học (16.9%), vật lí (14%), toán (12.8%), kĩ thuật (10.9%), khoa học máy tính (10.7%). Ngành TQ kém nhất là miễn dịch học (3.5%) và sinh học phân tử (4.5%).
5. Ai là bạn khoa học của TQ? Đứng đầu là Mỹ, kế đến là Nhật, Anh, Đức, Canada, và Australia. Nga đứng chót bảng.
6. Về khả năng sáng tạo, trong năm 2007, TQ đăng kí 5465 bằng sáng chế (trong hệ thống PCT). Con số này còn khiêm tốn hơn so với Nhật (27.749), Hàn Quốc (7.065), Pháp (6.246), Đức (17.825), và đặc biệt là Mỹ (51.296). Số bằng sáng chế trên 1000 nhà nghiên cứu của TQ là 3.8, thấp nhất so với Nhật (39.1), Mỹ (36), Hàn Quốc (32), Đức (63), Pháp (30) và Anh (32).
Những số liệu trích từ báo cáo của UNESCO 2010 cho thấy TQ hiện đang là cọp giấy trong khoa học. Họ xuất bản rất nhiều bài báo khoa học nhưng chất lượng nói chung là thấp. Họ cũng rất thấp trong phát minh (điển hình qua con số bằng sáng chế).
Dĩ nhiên, thỉnh thoảng, TQ cũng có bài tốt trên Science hay Nature (cũng như VN cũng có bài tốt), nhưng tính chung, chất lượng của TQ còn rất thấp. Có điều, nhìn qua xu hướng 10 năm, trong tương lai chắc Trung Quốc sẽ là cọp thật.
Xét từ những kinh nghiệm cá nhân tôi, các công trình khoa học từ TQ không mấy tốt. Tôi phục vụ trong ban biên tập vài tập san y khoa, nên thường xuyên duyệt bài của đồng nghiệp TQ.
Ấn tượng chung của tôi là phần lớn chỉ là những công trình mang tính “me too” (tức là thấy người ngoài làm, họ lặp lại ở TQ). Do đó, tỉ lệ từ chối những bài từ TQ rất cao. Chẳng hạn như năm ngoái khi chúng tôi họp ban biên tập, người phụ trách xuất bản báo cáo cho biết trong năm qua tập nhận gần 50 bài từ Trung Quốc, nhưng chỉ công bố có 3 bài! (Cần nói thêm rằng tỉ lệ từ chối của tập san JBMR này là 75%).
Có nhiều lý do từ chối: thiếu tính độc đáo (original), phương pháp sai, tiếng Anh quá kém, vi phạm y đức… Sau này, họ khá hẳn về tiếng Anh, tuy vẫn còn kém về nội dung khoa học.
Riêng về vi phạm y đức, tôi từng có một kinh nghiệm rất hi hữu. Bài báo của tác giả Trung Quốc đã được duyệt 3 lần, và tổng biên tập viết thư chấp nhận. Nhưng một người nặc danh từ TQ viết thư cho tôi nói rằng bài báo đó nói láo. Họ nói rằng công trình đã qua ủy ban y đức phê chuẩn nhưng thật ra thì không có ủy ban nào phê duyệt cả. Vì nghiên cứu này mang tính xâm phạm (lấy biopsy – sinh thiết xương, rất đau) nên tôi đề nghị tổng biên tập yêu cầu nhóm tác giả cho coi văn bản ủy ban y đức đã phê chuẩn cho biopsy và nghiên cứu nói chung. Họ không đưa ra được văn bản. Bài báo bị từ chối ngay. Từ đó, chúng tôi rất sợ những bài báo từ TQ. Và những bài báo từ TQ thường bị duyệt rất cẩn thận.
Nói tóm lại, tôi nghĩ một ngày không xa, TQ sẽ vượt Mỹ về số ấn phẩm khoa học. Nhưng về chất lượng, tôi không nghĩ họ sẽ vượt qua Mỹ, ít nhất là trong vòng vài chục năm. Ngay cả Nhật, cho đến nay vẫn không qua được Mỹ và Âu châu về tính sáng tạo và chất lượng nghiên cứu khoa học.
Mới đây, một nhà khoa học TQ bị buộc phải rút lại 70 bài báo ông đã công bố vì ngụy tạo dữ liệu. Sự kiện vô tiền khoáng hậu này gây chấn động trong giới khoa học, và nhiều người không còn tin vào khoa học TQ. Có người cho rằng, đó là cái giá Trung Quốc phải trả cho vị trí số 2 về số lượng ấn phẩm khoa học. Và theo tôi, Việt Nam không nên học họ.
GS Nguyễn Văn Tuấn (Australia)