Ngày hôm qua, thị trường chứng khoán New York cho thấy tất cả cuộc tranh luận về Trần Nợ ở Mỹ là phù phiếm, các nhà chính trị không quan tâm đến cứu chữa nền kinh tế mà chỉ lo làm chính trị để giành lá phiếu trong cuộc bầu cử sang năm.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average tụt 4.3% và thị trường Nasdaq tụt hơn 5% cho thấy mối lo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái thêm lần nữa đã tăng lên. Trong 10 ngày qua, DJIA đã mất mất 10%,
Thị trường xuống không phải vì một nguyên nhân duy nhất là các nhà chính trị cãi nhau về những vấn đề xa vời trong khi không quan tâm đến tình trạng kinh tế trì trệ. Có nhiều yếu tố khác khiến thị trường tụt giảm trên 500 điểm ngày hôm qua; sau khi các thị trường khác trên thế giới cũng xuống. Nhưng cuộc tranh luận vô bổ tại Quốc hội làm cho các nhà đầu tư cảm thấy giới lãnh đạo đã quên nhiệm vụ chính của họ là thúc đẩy cho kinh tế lên mạnh hơn.
Khi kinh tế suy thoái, có hai loại biện pháp để thúc lên. Một là chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn, giúp cho tổng số cầu gia tăng trong lúc người tiêu thụ thắt chặt túi tiền, từ đó sẽ kích thích các nhà sản xuất bớt sa thải hoặc thu dụng thêm người làm việc. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương phải bơm thêm tiền vào nền kinh tế bằng các chính sách tiền tệ dễ dãi. Từ năm 2008 đến nay, cả hai phía chính phủ và Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ đã làm công việc đó. Kinh tế đã hết suy thoái từ giữa năm 2009; nhưng tốc độ tiến rất chậm chạp. Ðây là hậu quả tự nhiên của mọi cuộc suy thoái do hệ thống ngân hàng gây ra, điều này ai cũng biết trước. Cơn suy thoái từ năm 2007 bắt nguồn từ sự sụp đổ của thị trường địa ốc, mà đến nay thị trường nhà cửa còn chưa hoàn hồn.
Biết nỗi khó khăn đặc biệt của cuộc suy thoái lần này, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã hạ lãi suất xuống tới số không; sau đó lại thi hành hai đợt bơm tiền vào hệ thống ngân hàng gọi là Quantitative Easing (QE). Kế hoạch Kích thích của chính phủ Mỹ đã bắt đầu từ năm 2009 nhưng còn chưa đủ để gia tăng số cầu. Hiện nay, kế hoạch này sắp chấm dứt, sắp sử dụng hết số tiền được Quốc hội cho phép; nhưng không khí chính trị khiến cho không ai tin Quốc hội sẽ chấp thuận cho chính phủ chi tiêu thêm nữa. Người ta chỉ còn chờ đợi Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ đưa ra một chương trình QE 3 trong cuộc họp vào cuối tháng 8 này! Trong khi đó, số cầu trong dân chúng có thể lại bị giảm vì đạo luật tăng thêm thời gian lãnh trợ cấp thất nghiệp tới tháng 12 này cũng hết hạn; nếu không được Quốc hội cho kéo dài thêm.
Ðiểm lạc quan duy nhất trong nền kinh tế Mỹ hiện nay là các xí nghiệp lớn vẫn đạt được mức lời cao kỷ lục (nhờ trong thời gian qua đã sa thải bớt nhân viên và tăng xuất cảng). Nhưng các xí nghiệp có thể ngồi trên đống tiền mà không bỏ thêm đồng nào mua máy móc thiết bị mới khi họ thấy số cầu chưa tăng mà có thể còn giảm. Trong tháng 6, tổng số tiêu thụ của dân Mỹ đã xuống; trong tháng 7 Chỉ số Tin tưởng của người tiêu thụ lại giảm, và số đơn đặt hàng cho các xí nghiệp cũng giảm theo. Trước tương lai bất định, không có gì chắc chắn đó, các xí nghiệp không thể đầu tư thêm mà cũng không muốn tuyển dụng thêm người. Cuộc tranh luận quanh quẩn và vô ích ở Quốc hội về Trần nợ chỉ làm cho thị trường lo ngại thêm; khi họ thấy các nhà chính trị không tìm cách kích thích kinh tế mà chỉ bàn những chuyện xa xôi.
Trần nợ chỉ là một vấn đề giả. Chính phủ Mỹ thế nào cũng phải vay thêm nợ, vì tất cả các món chi tiêu đều đã được chính Quốc hội quyết định từ trước, từ ngân sách nhiều năm trước. Không thể nào giảm bớt khiếm hụt ngân sách nếu chỉ giảm chi mà không tăng thâu. Một số người trong xã hội sẽ phải đóng thuế nhiều hơn vì những khoản miễn trừ cho họ phải chấm dứt. Ðây là một sự thật mà nhiều chính trị gia đã nhắm mắt không chấp nhận.
Từ nay đến cuối năm, một ủy ban lưỡng đảng ở Quốc hội sẽ đề nghị các bước mới trong việc giảm thiếu hụt ngân sách; nhưng không có gì bảo đảm họ sẽ thỏa hiệp được với nhau. Các đại biểu thuộc nhóm Tea Party đã thành công trong việc bắt ép cả Quốc hội và chính phủ phải dùng thời giờ suốt mấy tháng bàn chuyện cắt giảm chi tiêu của chính phủ ngay lập tức; và không cho ai được bàn biện pháp cân bằng ngân sách bằng cách lấp các lỗ hổng thuế khóa mà các đại công ty và quản đốc các quỹ đầu tư đang được hưởng. Những lời báo động rằng chính phủ có thể vỡ nợ, điểm tín dụng của nước Mỹ sẽ bị hạ thấp khiến vay nợ khó hơn vì lãi suất sẽ tăng, kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, đều không được những đại biểu này quan tâm. Và sau cùng cả Quốc hội lẫn ông tổng thống phải theo ý kiến của nhóm Tea Party. Họ đã thành công; và từ nay cho đến năm 2012 sẽ khó lòng ngăn được họ không tiếp tục chiến thuật bắt chẹt chính trị đó. Thị trường có lý do để lo lắng trước một tương lai như vậy.
Ðáng lẽ ra Quốc hội Mỹ phải nhấn mạnh đến việc chính phủ cần chi tiêu thêm trong ngắn hạn để nhiều người có công việc làm, kích thích số cầu; trong đó có những món chi tu bổ và xây dựng hạ tầng cơ sở, cho phép ngay các xí nghiệp được tiếp tục hưởng những khoản miễn giảm thuế trong chương trình kích thích kinh tế năm ngoái; trong khi Quốc hội cũng đưa ra những biện pháp giảm bớt khiếm hụt ngân sách sẽ thi hành trong 3 năm đến 10 năm tới để trấn an thị trường là chính phủ Mỹ sẽ không chi tiêu quá sức mình. Chính phủ và Quốc hội phải xác định rằng việc cắt giảm chi tiêu sẽ làm nhiều người bị thiệt hại, trong đó có những người đang hay sắp về hưu; đồng thời phải đặt ra ngay những định hướng để tăng số thu qua việc cải tổ cả hệ thống thuế khóa cho giản dị, công bằng và hợp lý hơn.
Trong mấy tháng qua, Quốc hội Mỹ đã là ngược lại. Họ không quan tâm đến việc tiếp tục kích thích kinh tế, cũng không giải quyết vấn đề ngân sách khiếm hụt trong dài hạn. Những quyết định khó khăn, vì có thể làm mất lá phiếu của những cử tri sẽ bị mất quyền lợi, đều được các đại biểu Quốc hội lảng tránh. Họ đặt ra một ủy ban để thảo luận thêm từ nay cho đến cuối năm. Tất cả mọi người từ dân tiêu thụ đến các xí nghiệp lại bị đặt trước một tương lai bất định vì không biết trong 5 tháng nữa các nhà chính trị có khá hơn hay không! Có ai muốn xây thêm một nhà máy, tuyển dụng thêm người khi không biết tương lai tài chánh quốc gia sẽ ra sao?
Trong tình trạng mù mờ đó, hiện nay người ta chỉ hy vọng Hệ thống Dự trữ Liên bang sẽ đưa ra một kế hoạch QE 3 trong phiên họp tới ở Jackson Hole. Nhưng ai cũng biết, hiệu quả của các biện pháp tiền tệ sẽ tới rất chậm. Bơm tiền vào hệ thống ngân hàng để họ có thể cho vay nhiều hơn là cần thiết, cho giới tiêu thụ và các nhà sản xuất dễ thở. Nhưng trong lúc này các ngân hàng Mỹ không thiếu tiền mà sở dĩ họ chưa cho vay nhiều hơn là vì rất nhiều con nợ mua nhà vẫn chưa biết có tiền thanh toán các món nợ cũ hay không; các ngân hàng lo sợ có thể phạm các sai lầm cho vay bừa bãi trong những năm 2003 đến 2007 bây giờ trở nên dè dặt hơn thường lệ. Cho nên, dù Ngân hàng Trung ương Mỹ có bơm thêm hàng trăm tỷ đô la cho các ngân hàng thương mại thì hiệu quả cũng không còn lớn như trước nữa. Chỉ có một giải pháp là chính phủ Mỹ phải chi tiêu thêm để chuyển tiền vào túi của người tiêu thụ, nhất là những người nghèo nhất trong xã hội. Bởi vì chỉ những người nghèo mới đem tiền ra chi tiêu ngay; gia tăng số cầu nhanh chóng nhất.
Như trên đã nói, có nhiều nguyên nhân khác khiến thị trường chứng khoán New York tụt giảm mạnh ngày hôm qua. Tình hình kinh tế các nước Âu Châu không sáng sủa. Chỉ số thị trường của khu vực đồng Euro đã tụt giảm 17% kể từ tháng 2 năm nay vì mối lo các nước phía Nam có thể vỡ nợ, các nhà đầu tư đều dè dặt. Ngày hôm qua ông Silvio Berlusconi, thủ tướng Ý, đã tuyên bố trước Quốc hội rằng hệ thống ngân hàng và kinh tế nước Ý rất vững chắc; nhưng thị trường chứng khoán Ý vẫn tụt giảm hơn 3% ngay trong ngày. Thị trường Ý đã mất 24% giá trị từ đầu năm tới nay.
Một lý do khiến kinh tế thế giới lo lắng là giá dầu lửa và các nguyên liệu đều lên cao. Giá dầu lửa hiện nay vẫn cao 25% hơn giá cuối năm 2010. Giá xăng ở Mỹ tuy gần đây đã giảm nhưng trung bình vẫn cao gấp đôi năm 2008.
Bình thường khi kinh tế suy yếu thì giá nguyên liệu và dầu lửa sẽ xuống thấp. Tuy nhiên, hiện nay các nước đang phát triển (Trung Quốc, Ấn Ðộ, Brazil, vân vân) là khách tiêu thụ nguyên liệu và xăng dầu chính (40% tổng số) cho khi nên nhu cầu của họ tăng thì giá vẫn tăng lên mặc dù nhu cầu ở Âu Châu và Mỹ có giảm. Kinh nghiệm cho thấy giá nguyên liệu tăng sẽ khiến thị trường chứng khoán xuống, và khi giảm sẽ khiến thị trường lên.
Và thị trường chứng khoán thường là chỉ dấu báo trước tình trạng kinh tế một nước. Khi thị trường xuống liên tiếp và xuống nhiều thì cả nền kinh tế thường sẽ xuống theo, trong khoảng thời gian 6 tháng đến một năm. Mùa Hè năm ngoái, thị trường New York đã hạ thấp 17%; và trong 6 tháng vừa qua kinh tế Mỹ tăng chưa được 1%, không đủ để hồi phục hẳn. Trong một tháng nữa, nếu thị trường tiếp tục xuống thì có đủ lý do để lo ngại sang năm 2012 kinh tế Mỹ sẽ suy thoái lần nữa. Hiện nay nhiều người đã cho xác suất 50% có thể xẩy ra cuộc suy thoái thứ nhì này; tức là tổng số sản xuất xuống rồi có lên, nhưng lại xuống nữa, theo hình ảnh chữ W.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), thì từ năm 1854 đến nay nước Mỹ đã trải qua 33 chu kỳ suy thoái kinh tế, trong đó có ba lần theo hình chữ W (double-dip recession) vào những năm 1913, 1920 và 1981. Theo định nghĩa trong kinh tế học thì chỉ gọi là double-dip recession, xuống hai lần liền, nếu kinh tế suy thoái trở lại trong vòng 12 tháng sau khi chấm dứt cơn suy thoái trước. Nếu cuối năm nay kinh tế Mỹ lại xuống thì cũng quá thời hạn 12 tháng rồi. Nhưng đối với người dân bình thường thì một chu kỳ suy thoái hình chữ W, dù trễ hơn 12 tháng cũng là một tai họa! Năm 2012 sẽ là một năm tranh cử. Nếu kinh tế theo hình chữ W lần nữa thì nhiều nhà chính trị Mỹ có thể là những nạn nhân đầu tiên. Dân sẽ không tín nhiệm họ nữa. Ðó chính là một cơ năng tự nhiên trong chế độ dân chủ. Lâu lâu dân sẽ trừng phạt, để tẩy rửa bộ máy, bắt các nhà chính trị, ngoài công việc tranh cử, không được quên nhiệm vụ chính của họ là lo cho đại cuộc quốc gia!
Ngô Nhân Dụng