Thật khó định nghĩa thế nào là già, thế nào là trẻ. Thôi thì cứ lấy con số 50 để phân định ranh giới, vì chết dưới 50 thì chỉ gọi là “hưởng dương,” chết trên 50 mới được gọi là “hưởng thọ,” vậy ai dưới tuổi 50 được coi là trẻ, ai bước qua tuổi này được coi là già.
Tuy chúng ta đã đồng ý với nhau như vậy, nhưng cũng có những người tuổi ít những đã “già háp,” cằn cỗi, “ông cụ non,” trái lại có những ông già da, già tóc nhưng tâm hồn vẫn còn trẻ trung, năng động. Già có nghĩa là họ đã trải một thời xuân xanh, trẻ trung, hiểu biết thông cảm những gì của tuổi trẻ. Trẻ rồi cũng sẽ tới một gia đoạn tóc bạc da mồi tất yếu phải đến. Lẽ ra như vậy, trẻ hay già, cũng là những giai đoạn của một đời người, phải hết sức thông cảm, thấu hiểu nhau, đúng ra phải tương đồng lại thành ra tương phản.
Nhiều người trẻ thiếu sự kính trọng tuổi già, đó là tuổi của các bậc sinh thành, tuổi của tiền bối theo luân lý “kính lão đắc thọ”. Ở Việt Nam ra đường, đụng chạm trên đường, mở miệng là lũ trẻ lên giọng khinh miệt: “Thằng già dịch này chạy xe như hạch!” Ở chỗ đèn đỏ, già cẩn trọng không dám vượt thì sau lưng, thằng trẻ đã la: “Dọt đi, cha già!” Còn già đối với trẻ, không có sự tôn trọng, đối thoại ngang hàng, mà xem như loại con cháu trong nhà, nhiều nơi nếu có phân công thì tuổi trẻ nhận những công việc tạp dịch như đóng đinh, treo biểu ngữ hay xếp bàn ghế.
Con người đã chia rẽ vì tôn giáo, vì khuynh hướng chính trị, vì nguồn gốc, địa phương… còn có thể hiểu được, nhưng chia rẽ nhau vì tuổi tác thật khó hiểu. Già thì coi thường bọn trẻ miệng còn hôi sữa, ăn chưa no lo chưa tới, con nít ranh, thiếu kinh nghiệm, chưa từng trải; trẻ thì chê già vô dụng, lẩm cẩm, lạc hậu, bảo thủ. Chúng tôi cũng đã nghe tuổi trẻ chê mấy ông già dốt tiếng Anh, nói sai giọng, quá khích, còn ám ảnh bởi quá khứ, trong đó có bố mẹ của họ. Người già thì có thái độ gia trưởng, chê bọn trẻ non nớt, mất gốc, không hiểu biết gì về Cộng Sản. Sự khác biệt này không được tôn trọng, già và trẻ không bao giờ có cơ hội ngồi lại với nhau, trình bày, phân tích để thông cảm, hiểu nhau hơn, dù là nơi hội trường hay trong phòng khách gia đình. Thậm chí nhiều người cao niên sống xa lánh với con vì thấy con không gần gũi, không hiểu mình hay mình không hiểu chúng, có những ý tưởng đối nghịch. Tôi có một người bạn chưa già, di tản từ năm 1975 than thở: “Tôi muốn về Việt Nam để có những đứa con Việt Nam, ở đây chúng là con Mỹ, không phải con của tôi!” Nhưng già hay trẻ chưa hẳn là vấn đề.
Một số người chê tuổi già ở hải ngoại là tuổi thất bại, bám víu vào quá khứ, sống thiếu thực tế, “hành nghề chống Cộng,” không có gì để làm gương cho con trẻ. Nhưng chúng tôi cũng biết đến nhiều vị thất trận, tù đày nhiều năm, thù Cộng Sản đến tận xương tủy, hối hả bỏ nước ra đi, nay trong tay không còn nắm củ khoai mà có mớ đô la, lấy cớ dự đám cưới, mãn tang, “cưa sừng” về nước, nhởn nhơ như vỗ vào mặt anh em thương binh ở quê nhà. Như vậy thì trông cậy gì vào tuổi già!
Nhưng nếu tuổi trẻ hôm nay có cơ hội sống ở nước ngoài, có tự do, nhân phẩm được tôn trọng mà không quan tâm đến đất nước, đến cộng đồng, chỉ chạy theo bằng cấp, lợi nhuận, kiểu “vinh thân phì gia,” ích kỷ, thì đất nước còn hy vọng gì? Trong bài phỏng vấn trên một nhật báo hải ngoại nhằm mục đích cho độc giả biết giới trẻ người Mỹ gốc Việt hiện nay sinh sống ra sao, có suy nghĩ gì, một bạn trẻ 25 tuổi đang làm quản trị viên lương bổng và nhân viên cho một công ty Hoa Kỳ, đã làm cho những ai đang quan tâm đến tuổi trẻ thật thất vọng. Ðáp câu hỏi: – “Bạn hình dung chính mình ra sao trong năm năm nữa?” Câu trả lời là: -“Tôi sẽ làm chủ một căn nhà.” -“Còn mười năm?”- “Tôi hình dung ra mình đã lấy vợ và có một gia đình!” – “ Bạn định nghĩa thành công là gì?”- “Có đủ tiền để trả hóa đơn, tậu được một chiếc xe hơi và một ngôi nhà thật là đẹp!” – “Bạn có tham gia vào cộng đồng Việt Nam hay không và tham gia như thế nào?” Câu trả lời là: – “Tôi nghĩ rằng trả lời cuộc phỏng vấn này là mức tham gia nhiều nhất của tôi từ hồi nào đến giờ!” Thực lòng mà nói, tuổi trẻ như thế, thì đường phố Bolsa treo cờ vàng hay cờ đỏ, đâu có quan trọng gì, và Việt Nam trở thành “ngôi sao thứ năm” không ảnh hưởng gì đến “dự án” cái xe hơi và ngôi nhà thật đẹp của cậu nhỏ này và chuyến về quê ăn Tết của ông già kia.
Mấy ông già lãnh đạo trong nước đang ở giai đoạn “ăn trả bữa” như một người ốm mới dậy, tham lam vơ vét, ôm khư khư cái thành tích đã rỗng ruột, không dám hy sinh cái gọi là “đảng” cho quốc gia, dân tộc. Những người trẻ quan tâm đến đất nước đếm được trên đầu ngón tay, nhưng có phải chăng, cái ăn cái mặc trói buộc con người lối “cai trị bao tử” nghìn đời của chính sách trói dân của Cộng Sản? Không, những thanh niên đủ ăn dư mặc hay con nhà giàu, thừa hưởng bổng lộc của cha ông, chỉ quan tâm đến việc Ðàm Vĩnh Hưng hát bài gì, bỏ phiếu bình chọn xem ai là “Sao 2011”: Thanh Hằng hay Tăng Thanh Hà? Tình trạng này làm sao Việt Nam có nổi một Thiên An Môn!
Một người trẻ khác, có cha là chuyên gia “tên lửa”, từng được đào tạo tại Liên Xô, đang du học tại Ðức, qua câu chuyện với một nữ lưu tên Trúc Giang, đã thản nhiên bày tỏ quan điểm: “Cả văn hóa của mình là xuất xứ từ Trung Quốc, nước mình không thể tách riêng ra khỏi Trung Quốc được!” hay: “Cô ạ! Chúng cháu chỉ có hy vọng lo cho bản thân, nói cô đừng buồn, cháu chỉ học xong, ra trường về kiếm việc làm và lo cho gia đình. Thế là hết bổn phận công dân!” Như vậy thì hy vọng gì tuổi trẻ!
Tuổi già trong nước dạy cho tuổi trẻ mang ơn Tàu đã giúp miền Bắc vũ khí, đạn dược, lương thực để đánh miền Nam, muốn yên thân, muốn có địa vị thì cứ theo đường một chiều mà đi. Ði ngược đường đã có công an, dùi cui, còng sắt, nhà tù và xà lim.
Tuổi già ngoài nước muốn trao cho tuổi trẻ kinh nghiệm, muốn kéo tuổi trẻ lại gần nhưng lại xâu xé, chia rẽ, kèn cựa nhau, không biết hy sinh và tham lam, như chuyện mười năm trước, tuổi già làm hội chợ toàn khai lỗ, trong khi mới “nhường” lại cho tuổi trẻ mấy năm gần đây đã thấy lời mỗi năm cả trăm nghìn. Tuổi già nên biết lắng nghe, tuổi trẻ khôn ngoan hơn là chúng ta nghĩ rất nhiều, nhưng nhiều nơi trong cộng đồng người Việt trên đất Mỹ vẫn còn muốn ôm chức gia trưởng, cứ thấy tuổi trẻ làm chính trị là đã dè bỉu, đánh phủ đầu, kiểu “có tao là không có mầy!” Mặt khác tuổi già ở hải ngoại đánh nhau tận tình hơn là đánh với kẻ thù, thực lực chia năm xẻ bảy, làm sao dẫn đường và làm gương cho tuổi trẻ. Ở đây, không có Bộ Chính Trị nhưng có nhiều sứ quân.
Trong tình trạng này, liệu tương lai trông già hay cậy trẻ?
Tạp ghi Huy Phương